BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73961)
(Xem: 62321)
(Xem: 39517)
(Xem: 31238)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tổ chức Mậu dịch Thế giới: Con dao hai lưỡi

31 Tháng Giêng 200712:00 SA(Xem: 1029)
Tổ chức Mậu dịch Thế giới: Con dao hai lưỡi
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Việt Nam chính thức vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới (World Trade Organization- WTO) ngày 11/1/2007 (*)

Đây là một biến chuyển quan trọng có lợi cho sự phát triển kinh tế Việt Nam vì (ngoài một vài ngoại lệ) hàng rào quan thuế của đa số hàng hóa do Việt Nam chế tạo và xuất cảng sẽ giảm xuống. Cái lợi trước mắt là công nhân Việt Nam rẻ và khéo tay nên Việt Nam có thể tăng thu và giúp cho quốc gia trở nên giàu mạnh. Tuy nhiên nếu Việt Nam có thể xuất cảng hàng hóa và bán rẻ ra các nước khác thì các nước khác cũng có quyền bán phẩm vật của họ vào Việt Nam với giá rẻ. Đó là một mặt cạnh tranh. Đó là chưa nói những mặt cạnh tranh khác như Việt Nam phải mở cửa cho các dịch vụ khác chính yếu là bảo hiểm và ngân hàng là hai lĩnh vực Việt Nam còn rất yếu kém.

Trung quốc vào WTO tháng 12 năm 2001 và mới đây họ bỏ ra hàng trăm nghìn mỹ kim quảng cáo sự thành công khi vào WTO (**)

Trung quốc nói rằng lúc đầu nhiều người Trung quốc sợ rằng vào WTO sẽ bị các nước khác lấn áp kỹ nghệ trong nước, đặc biệt về ngành sản xuất thép, dụng cụ truyền tin (telecommunications) và lĩnh vực ngân hàng. Nhưng Trung quốc nói rằng sự tăng trưởng về xuất nhập cảng đã không làm ảnh hưởng đến những lĩnh vực này, và trong 5 năm qua mức tăng trưởng của Trung quốc đã tăng lên gần gấp đôi, từ 3.9% lên 7.7%. Và trong cùng thời gian đó trung bình họ giảm quan thuế từ 15.3% (vào năm 2001) xuống 9.9% (vào năm 2005) và họ đã tôn trọng mọi luật lệ của WTO cho phép người nước ngoài và tư nhân trong nước đầu tư. Trung quốc hứa hẹn họ sẽ làm bất cứ gì để giúp giải quyết những tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Âu châu về việc trợ cấp nông dân.

Nhưng Trung quốc bỏ tiền quảng cáo những gì họ đã làm để có cớ than phiền rằng “chúng tôi tỏ thiện chí như vậy” nhưng WTO vẫn chưa chấp nhận Trung quốc là một nước có nền “kinh tế thị trường” đúng nghĩa và nếu trong năm 2001 15% vụ chống phá giá trên thị trường quốc tế nhắm vào Trung quốc thì trong năm 2005 con số này lên đến 30% và trong ba tháng đầu năm của năm 2006, 27% các vụ kiện chống phá giá đều nhắm vào Trung quốc.

Những nhà có trách nhiệm về kinh tế Việt Nam cần nghiên cứu trường hợp của Trung quốc để chuẩn bị cho tư thế của mình với tư cách hội viên của WTO. Việt Nam không phải là Trung quốc. Trung quốc vượt xa Việt Nam về nhiều phương diện. Không phải chỉ trên mặt kinh tế mà còn trên mặt kỹ thuật. Thế mà Trung quốc còn bị chèn ép như vậy, Việt Nam sẽ bị chèn ép như thế nào trong cuộc chen vai thích cánh với thế giới khi vào WTO.

WTO mở ra làn sóng toàn cầu hóa kinh tế thế giới và làm cho thế giới giàu có thêm là một điều không ai chối cãi, nhưng bên cạnh sự mở mang của những công ty đa quốc do các nước tiên tiến kiểm soát cũng có hàng triệu người thất nghiệp vì toàn cầu hóa. Một nước bán ra một món hàng rẻ mạt vào một nước khác thì nước kia phải đóng của hãng thôi.

Nhìn lại lịch sử của sự hình thành WTO và những gì nó đem lại (và không đem lại) cho thế giới để chuẩn bị thế đứng là điều cần làm (www.wto.org).

Tháng 7 năm 1944, trước khi Thế chiến thứ II chấm dứt, 44 quốc gia đồng minh đã triệu tập một buổi họp tại Bretton Woods (bang New Hampshire, Hoa Kỳ) để chuẩn bị một chương trình phát triển kinh tế thế giới sau khi chiến tranh chấm dứt, và đã đạt được một thỏa thuận ngoạn mục.

Sự thỏa thuận này được gọi là General Agreement on Tariffs and Trade (viết tắt GATT). GATT là một thỏa thuận về tài chánh và quan thuế. Và tài chánh và quan thuế thì có trăm ngàn ngõ ngách nên thỉnh thoảng các quốc gia hội viên cần thương thuyết với nhau để tìm thêm sự thỏa thuận ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác.

Sau năm 1944 các buổi họp của GATT bắt đầu lại từ năm 1947. Từ năm 1959 đến năm 1979 các nước hội viên gặp nhau 3 lần nữa. Cho đến tháng 9 năm 1986 khi họp tại Uruguay (Nam Mỹ) các nước hội viên mới có một nghị trình nhất định.

Và từ đó cho đến năm 1994 các nước họp nhiều lần và tại nhiều nơi trên thế giới như Montréal, Geneva, Brussels, Hoa thịnh đốn, Tokyo (nhưng vẫn gọi là vòng đàm phán Uruguay). Những vòng đàm phán này thông qua ít nhất là 20 thỏa thuận về thuế quan và đã giúp cho sự phát triển kinh tế trên thế giới qua những đồng thuận như tạo điều kiện cho những nước sống bằng nông nghiệp, giới hạn sự đầu tư ngoại quốc tại một số nước để các nước này có cơ hội tự phát triển, và giúp thiết lập chế độ bảo hiểm và xây dựng ngân hàng. Đồng thời thỏa thuận việc cấm sao chép sáng kiến trái phép và bảo vệ quyền sở hữu tinh thần. Trước thành quả đó năm 1994 GATT biến thành Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO).

Vấn nạn của WTO bắt đầu từ khi GATT biến thành tổ chức. GATT là một thỏa thuận, nước nào đồng ý với nhau thì làm, không đồng ý thì thôi. Còn khi đã biến thành tổ chức thì có ban lãnh đạo, có quy tắc, có thưởng, có phạt. WTO biến thành một “chính phủ” vô hình trong tay các công ty liên quốc. Thợ thuyền cảm thấy công ăn việc làm bị đe dọa và các tổ chức công đoàn bắt đầu phản đối các chính sách của WTO.

Năm 1999 khi WTO họp tại Seattle, công đoàn Hoa Kỳ và thợ thuyền trên thế giới đã kéo về phản đối đưa đến bạo động. Cuộc họp của WTO bất thành. Sau đó WTO quyết định tổ chức tại Doha nước Qatar để dễ kiểm soát. Từ đó các cuộc hội đàm của WTO gọi là vòng hội đàm Doha.

Các nghiệp đoàn đã lên tiếng, các nước nhỏ đã lên tiếng, nên rút kinh nghiệm, nghị trình của các vòng hội đàm Doha có bàn về các vấn đề các quốc gia đang phát triển quan tâm. Nhưng trở ngại chính vẫn là sự tranh chấp về bảo trợ nông nghiệp giữa Hoa Kỳ và Âu châu.

Cuộc họp tại Cancun, Mexico năm 2003 bất thành vì Hoa Kỳ và Âu châu không thể thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực mà quan trọng nhất là trợ cấp nông dân và thay đổi thuế quan. Về một mặt khác, bốn nước đang phát triển và còn dựa vào nông nghiệp như Trung quốc, Ấn độ, Brazil và Nam phi đều chống lại chương trình của Hoa Kỳ và Âu châu về trợ cấp nông nghiệp làm cho nông phẩm của họ không thể tiêu thụ được (bốn nước này chiếm 65% dân số thế giới,72% dân làm nghề nông và sản xuất 2/3 nông phẩm trên thế giới).

Tháng Tám năm 2004 tại Geneva, vòng đàm phán Doha thành công sau khi Hoa Kỳ và Âu châu đồng ý giảm trợ cấp nông dân, còn các nước đang phát triển như Trung quốc và Ấn độ đồng ý giảm thuế quan đa số các phẩm vật kỹ nghệ, ngoại trừ một số lĩnh vực còn trong giai đoạn phôi thai họ cần bảo vệ.

Nhưng đến vòng hội đàm Doha ở Paris năm 2005 mọi sự lại bế tắc vì nông dân Pháp xuống đường ồ ạt chống giảm trợ cấp, trong khi Hoa Kỳ, Úc châu, Liên hiệp Âu châu và Brazil, Ấn độ không đồng ý về quan thuế đối với thịt gà, thịt bò và lúa gạo.

Tháng 12 năm 2005 vòng Doha họp tại Hồng Kông đồng ý đến năm 2013 sẽ bỏ hẳn trợ cấp nông phẩm, và các nước đã phát triển xóa bỏ hoàn toàn hàng rào quan thuế cho các phẩm vật của các nước khác trên thế gới.

Nhưng các thỏa thuận trên cũng chỉ là hình thức. Tháng 7 năm 2006 vòng hội đàm Daho họp tại Geneva mọi sự lại trở lại trên bàn hội nghị và càng lúc càng khó hơn vì khuynh hướng bảo vệ kinh tế của Hoa Kỳ. Luật cho phép tổng thống Hoa Kỳ thỏa thuận các thoả ước mậu dịch không cần thông qua Thượng nghị viện (fast tract authority) hết hiệu lực năm 2007 và với đảng Dân chủ kiểm soát quốc hội, Hoa Kỳ sẽ cứng rắn hơn trong việc bảo vệ mậu dịch.

Việt nam gia nhập WTO trong bối cảnh đó. Sự gia nhập quả nhiên có lợi trước mắt vì nhân công Việt Nam rẻ, xuất cảng được nhiều vì quan thuế thấp. Nhưng Việt Nam cũng đứng trước những cạnh tranh quốc tế mà không biết những người lãnh đạo Việt Nam đã sẳn sàng chưa?

Hai lĩnh vực quan trọng Việt Nam cần quan tâm là cải tổ nghiệp vụ ngân hàngchuyển nhượng kỹ thuật.

Theo một bản phân tích của hai kinh tế gia Phan Văn Sâm và Võ Thanh Thu, (http://www.wto.org/English/res_e/booksp_e/casestudies_e/case45_e.htm) kể từ khi ký thỏa ước BTA với Hoa Kỳ (năm 2001) Việt Nam buộc phải thay đổi cung cách điều hành ngân hàng, và đây cũng là một chuẩn bị cần thiết khi Việt Nam gia nhập WTO. Và hình như Việt Nam chưa chuẩn bị vì hệ thống ngân hàng Việt Nam còn bảo vệ lĩnh vực công và kỳ thị lĩnh vực tư.

Vấn đề này không còn là một vấn đề kinh tế thuần túy mà là một vấn đề chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam dùng quyền cấp tín dụng để bảo vệ lĩnh vực công, có nghĩa là bảo vệ quyền lợi của đảng. Nhưng sự thi hành BTA với Hoa Kỳ và trở thành hội viên của WTO, Việt Nam không thể không cải tổ nghiệp vụ ngân hàng.

Vấn đề chuyển nhượng kỹ thuật còn là một vấn đề quan trọng hơn, và nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam quan tâm thì đó là điều hữu ích nhất của sự gia nhập WTO, lôi hút đầu tư và đáng công làm thợ để học làm thầy.

Trong cuộc hội thảo mùa hè năm 2005 tại Đà Nẵng, ông Võ Xuân Hân đã nêu ra vấn đề “chuyển nhượng kỹ thuật” mà ông ta gọi là “chuyển giao công nghệ ” và tôi nghĩ đó là đề tài quan trọng nhất cho quốc gia nhất là sau khi gia nhập WTO. (http://hoithao.viet-studies.org/2005_VXHan.pdf)

Chuyển Giao Công nghệ nôm na là tìm đường học lấy những kiến thức kỹ thuật qua các giao kèo đầu tư khôn ngoan. Và điều này đòi hỏi một chính sách lớn của quốc gia. Nếu không có chương trình Chuyển Giao Công Nghệ thì cái gì cũng có thể “made in Vietnam” nhưng chúng ta không nắm được “know-how” và bí mật kỹ thuật đều ở trong tay các kỹ sư nước ngoài, Việt Nam chỉ là thị trường cung cấp nhân công.

Việt Nam cần có chương trình phối hợp nhận đầu tư với sự đào tạo chuyên viên và thu nhận “know-how”. Hãy theo gương các nước chung quanh (trong trường hợp này đáng theo gương Trung quốc nhất).

Bài trình bày của ông Võ Xuân Hân (cùng với tài liệu trích dẫn) dài 22 trang tôi nghĩ phải là tài liệu gối đầu giường của những nhà lãnh đạo Việt Nam nếu chúng ta muốn vượt qua ngưỡng cửa nghèo khó để vươn lên, dù có chậm hai ba chục năm nhưng mới có cơ hội trở thành một quốc gia phát triển (developed country).

Trần Bình Nam
Jan. 31, 2007
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

(*) Theo điều lệ của WTO, sau ngày Hội đồng Trung ương (WTO General Council) biểu quyết chấp nhận một nước trở thành hội viên, nước đó sẽ chính thức trở thành hội viên một tháng sau khi quốc gia nước đó phê chuẩn quyết định của Hội đồng Trung ương WTO. Hội đồng Trung ương WTO biểu quyết chấp thuận Việt Nam là thành viên ngày 7/11/2006. Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 12/12/2006 và theo điều lệ đã dẫn Việt Nam chính thức trở thành hội viên WTO ngày 11/1/2007.

(**) An advertising supplement to the Washington Post National Weekly Edition số ngày 25/12/2006 – 7/1/2007 trang S1.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn