BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77114)
(Xem: 63206)
(Xem: 40609)
(Xem: 32244)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Có thật "Văn chương là vật vô tri" hay một bài văn quá kém cỏi ?

13 Tháng Bảy 200012:00 SA(Xem: 861)
Có thật "Văn chương là vật vô tri" hay một bài văn quá kém cỏi ?
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Kết luận làm sửng sốt mọi người trích trên đầu đề bài này không phải là của người viết mà lấy ở trang 99, dòng 1, cuốn văn mẫu dành cho học sinh trung học :" 217 ĐỀ VÀ BÀI VĂN " dày 627 trang của đồng tác giả gồm bốn vị sau : G S. Nguyễn Đăng Mạnh ( chủ biên ), T S. Đỗ Ngọc Thống, T S. Hà Bình Trị và Chu Văn Sơn . Nguyên câu văn được trích như sau :" Văn chương là vật vô tri làm gì có số mệnh, định mệnh. Ấy vậy mà đối với Nguyễn Du, văn chương cũng có mệnh, cũng biết vương vấn, cũng biết "lụy " trước những nỗi oan khuất của kẻ tài hoa". Hai câu văn trích này lấy từ bài phân tích bài thơ "Độc Tiểu Thanh ký " của Nguyễn Du từ trang 93 đến trang 103 của cuốn sách đã dẫn, do NXB đại học quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2000. Mặc dù ngoài bìa chính và bìa phụ chỉ ghi bốn vị trên là tác giả cuốn sách : do các vị ra đề, các vị tự làm bài văn mẫu. Nhưng trong ruột sách, có đến 10% bài văn mẫu do những người khác viết, nhưng những người này không được đứng tên là đồng tác giả (?). Bài văn mẫu phân tích "Độc Tiểu Thanh ký" có ghi ở cuối rằng :" Bài của Nguyễn Nhật Huy ( có sửa chữa chút ít ). Dù bài văn mẫu này do Nguyễn Nhật Huy viết, nhưng đã được bốn vị đồng tác giả trên sửa chữa, thông qua, cũng có nghĩa là, quan điểm nghệ thuật trong bài văn không còn của riêng ông Nhật Huy nữa mà còn là của các tác giả ghi trên bìa sách. Đây mới là vấn đề chính yếu để chúng tôi bàn về kết luận quá lạ tai trên .

Hai câu thơ " Chi phấn hữu thần liên tử hậu / Văn chương vô mệnh lụy phần dư "trong bài "Độc Tiểu Thanh ký" được dịch nghĩa không mấy thống nhất ở nhiều bản dịch khác nhau. Chúng tôi cho rằng lối dịch của nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân có lý hơn cả, nên theo ông, viết lại như sau :" Bức chân dung có thần bị đốt mất, khiến đời sau ai cũng cảm thương cho nàng / Văn chương của nàng không có mệnh đã được nàng đốt hết, chỉ còn phần dư cũng bị người vợ cả đốt mất ". ( "Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều "-Nguyễn Quảng Tuân - NXB KHXH...2000, tr 93). Nguyễn Du nhân đọc cuốn truyện nàng Tiểu Thanh mà viết nên bài thơ trên. Nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn, lấy lẽ người họ Phùng, bị vợ cả ghen tuông hành hạ bắt ở một mình trên núi Cô Sơn, đến nỗi buồn mà chết lúc mới 18 tuổi. Trước khi chết, nàng đã đốt hết tập thơ của mình, còn sót phần dư cũng bị người vợ cả đốt mất. Người vợ cả còn đốt cả bức truyền thần của nàng để lại mới thôi. Nay chúng tôi chỉ bàn qua về lối phân tích bài thơ của các tác giả trong bài văn mẫu đã dẫn . Khi bài văn mẫu viết :" Văn chương là vật vô tri, làm gì có số mệnh, định mệnh " chắc tác giả suy ra từ câu thơ " Văn chương vô mệnh lụy phần dư "? Tác giả tưởng rằng Nguyễn Du khái quát chung là "Văn chương vô mệnh " nên nhân thể cũng kết luận rằng " Văn chương là vật vô tri". "Độc Tiểu Thanh ký " là bài thơ chữ Hán rất hay và rất sâu đằm, đa ngữ nghĩa của Nguyễn Du. Đầu đề bài thơ phải dịch là " Đọc bài ký truyện nàng Tiểu Thanh " mới sát nghĩa. Nên khái niệm văn chương trong câu thơ trên phải hiểu rằng văn chương của nàng Tiểu Thanh chứ Nguyễn Du không đến mức ngô nghê mà khái quát chung rằng" văn chương vô mệnh " như người viết bài văn mẫu này hiểu.

Con người dù mất đi, nhưng những giá trị tinh thần bất hủ của nó được gởi trong những áng văn chương thiên tài như trước tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương ...bao giờ cũng sống mãi. Văn chương là thông điệp của ý thức, tư tưởng, tâm hồn con người, là chính con người hoá thân vào trong chữ nghĩa, hình ảnh, hình tượng. Hàng chục kiệt tác văn chương của cha ông truyền lại nói như tác giả bài văn mẫu kia chắc hẳn đều là những vật vô tri vô hồn vô giác ư ? Chả lẽ thơ Lý Trần, đại kiệt tác "Quốc âm thi tập " của Nguyễn Trãi, đại kiệt tác "Truyện Kiều " của Nguyễn Du, các bản kim cổ hùng văn như bài "Thơ Thần "của Lý Thường Kiệt, " Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi, " Tuyên ngôn độc lập" của Hồ Chí Minh ...thảy đều là những vật vô tri cả sao ? Không, di sản văn hoá vĩ đại kia của cha ông để lại chính là tâm hồn dân tộc được lưu truyền mãi mãi . Lý Bạch ca ngợi văn chương Khuất Nguyên :" Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt / Sở vương đài tạ không sơn khâu " ( Văn chương của Khuất Nguyên sáng mãi cùng mặt trời , mặt trăng / Đền đài vua Sở giờ chỉ còn là gò hoang ). Ca ngợi Đỗ Phủ, Nguyễn Du viết :" Thiên cổ văn chương thiên cổ sư "( Văn chương để lại muôn đời, bậc thầy của muôn đời ". Chế Lan Viên từng viết :" Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn ". Kết luận của bài văn mẫu trên rằng :" Văn chương là vật vô tri " là một kết luận hết sức sai lầm, hết sức tầm bậy, như là một cách hữu hiệu nhất xoá bỏ chính bản chất của văn chương vậy. Kết luận này còn nguy hiểm hơn nữa vì nó là bài văn mẫu cho học sinh trung học dùng làm mẫu mực, làm gương soi.

Ngoài cái sai rất cơ bản về quan điểm học thuật như trên, bài văn mẫu này còn có nhiều cái sai khác. Chúng tôi xin lấy một vài thí dụ làm bằng. Tác giả bài văn mẫu thường viết câu văn lủng củng dây cà ra dây muống, vô nghĩa như sau :" Từ đầu đời Minh, cái lúc nàng Tiểu Thanh sống và chết, cái lúc nàng quằn quại trong cái ghen kiểu Hoạn Thư tàn nhẫn đến lúc này, Nguyễn Du không phải đứng trưóc mộ nàng mà chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ ". Câu văn trên không chỉ lặp quá nhiều từ mà còn có thể phải ngắt ra để chấm câu, bỏ bớt từ ngữ thừa mới rõ nghĩa. Chúng tôi xin sửa lại câu văn lòng thòng trên, chia thành hai câu cho đúng câu văn Tiếng Việt :" Từ đầu đời Minh, nàng Tiểu Thanh sống và chết, quằn quại trong cái ghen kiểu Hoạn Thư tàn nhẫn . Nguyễn Du không phải đứng trước mộ nàng mà chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ ". Nghĩa là một câu văn của bài văn mẫu phải bỏ đi tám chữ và thêm một dấu chấm mới đúng Tiếng Việt. Bài văn mẫu còn không làm gương trong việc dùng ngôn ngữ Việt, lại hay dùng từ Hán Nôm ví dụ như "thiên cổ tình thư", "nam âm tuyệt xướng", " sinh hoa diệu bút", "can tràng ", "Ngộ gia đệ cựu ca cơ" ( Gặp nàng hầu cũ của em - chú của TMH ), "phi lộ", "đồng bệnh tương lân ", "huyệt lộ", "hoa uyển "...Bài văn mẫu có khi lại dùng những từ vô nghĩa :" nét mặt sầu rầu ". Có khi bài văn mẫu lại viết cả những câu văn vô nghĩa, như câu văn thứ hai của đoạn trích này :"Hai câu thực đã khẳng định lòng cảm thương sâu sắc và nỗi oán hận, nỗi uất ức của ông với thời đại, khẳng định bản chất, tâm hồn Nguyễn Du. Bản chất ấy vượt xa so với thời đại". Rất nhiều khi bài văn mẫu tung ra những kết luận không chính xác. Ví dụ như khi tác giả viết : "Tác giả đau đớn, căm giận trước sự thất bại của cái đẹp, cái thiện, trước sự thắng thế của cái ác..."Viết như thế này, quả tình tác giả bài văn mẫu chưa hiểu được bản chất nghệ thuật của bài thơ "Độc Tiểu Thanh ký". Đúng là về hiện tượng nhất thời, cái đẹp, cái thiện là tài sắc và tâm huyết nàng Tiểu Thanh bị cái ác, cái xấu tạm thời thắng thế thật. Nhưng cuốn sách ghi lại cuộc đời nàng Tiểu Thanh đã sống mãi, nghĩa là nàng sống mãi để nhận niềm thương cảm của hậu thế tri âm tri kỷ ví như sự thương cảm vô cùng của Nguyễn Du với nàng qua bài thơ, mở ra khả năng chiến thắng của cái đẹp, cái thiện. Khi người đọc muôn đời thương cảm nhan sắc và tài thơ nàng Tiểu Thanh, cũng có nghĩa là lên án cái xấu, cái ác qua nhân vật người vợ cả thì sao dám bảo cái ác, cái xấu thắng thế cái thiện mỹ ? Bài thơ thấm đẫm tình nhân đạo kia của Nguyễn Du chính là bài ca chiến thắng của chân thiện mỹ vậy.

Bài phân tích bài thơ "Độc Tiễu Thanh ký " trong cuốn văn mẫu đã dẫn trên còn nhiều khuyết điểm khác về ý tưởng, tu từ, về diễn đạt câu văn... Chỉ cần bằng ấy sai sót từ quan điểm nghệ thuật đến nội dung và hình thức chúng tôi dẫn ra trên, ta thấy bài văn trên sao có thể biến thành mẫu mực cho học sinh trung học ? Khi người ta dám đưa một bài tập làm văn kém cỏi chỉ xứng đáng điểm 2 này ra làm bài văn mẫu, thì con em chúng ta làm sao có thể học giỏi môn văn ? Đây không chỉ là một việc làm thiếu trách nhiệm của những người soạn sách, mà còn là sự báo động toàn thể xã hội về một thực trạng đáng buồn : việc giảng dạy tắc trách môn học quan trọng nhất trong nhà trường là môn văn.

Trần Mạnh Hảo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn