BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72631)
(Xem: 62055)
(Xem: 39151)
(Xem: 31020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tản Mạn Về Mấy Chuyện Tín Ngưỡng

17 Tháng Năm 20237:15 SA(Xem: 524)
Tản Mạn Về Mấy Chuyện Tín Ngưỡng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Trong giới "ông đồng bà cốt", còn gọi là "con nhà Tứ Phủ"... có một quy tắc bất thành văn với những thầy bói, thầy cúng, thầy địa lý... là không được xem hoặc cúng tế miễn phí, nếu phạm phải điều cấm kỵ gọi là "phá khẩu" này thì "ông đồng bà cốt" đó phải đóng cửa "Tịnh khẩu" (không nói) ở trong nhà 3 ngày để tránh bị Thánh phạt. Và khi thực hành các nghề bói toán "con nhà Tứ Phủ" chỉ được lấy mức tiền thù lao đủ để sống qua ngày, không được lợi dụng "việc nhà thánh" mà trục lợi làm giàu.

Tôi nghĩ đấy chỉ là cái cớ biện ra, được tô vẽ thêm yếu tố tâm linh thần bí của các ông đồng bà cốt để tiện cho họ khi hành nghề chứ chả có thần thánh nào quở mắng trách phạt tội "phá khẩu" cả. Cũng tương tự câu: “Thiên cơ không thể tiết lộ, đạo pháp không truyền sáu tai” (Thiên cơ bất khả tiết lộ, đạo pháp bất truyền lục nhĩ) chỉ là cớ để ngụy biện của các ông đồng bà cốt vì có thể họ không giải thích được thắc mắc của "con nhang đệ tử", của khách xem, hoặc có thể họ lợi dụng cớ đó để viện lý do này lý do kia mà "chặt chém" những người đang mê muội cuồng tín vào thế giới mê tín dị đoan cho ngọt tay.

Nói về tín ngưỡng dân gian cũng nhiều chuyện trái ngược nhau đến lạ. Ví như kiêng kỵ chung của người Việt Nam ta là không ăn thịt chó vào mấy ngày đầu năm đầu tháng âm lịch để tránh gặp phải những điều đen đủi không may cho cả năm cả tháng thế nhưng người dân ở thôn Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay tạm thuộc địa phận Hà Nội) lại có tục ăn thịt chó mấy ngày đầu năm âm lịch để cầu may! Hay tín ngưỡng của người dân ở miền Bắc kiêng ăn thịt vịt vào mấy ngày đầu tháng âm lịch để tránh vận đen đeo bám nhưng người miền Trung ở một số tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Trị,... lại tín việc ăn thịt vịt vào những ngày đầu tháng âm lịch sẽ chiêu nạp may mắn!

1001kiengkytrongtinnguongdangian

Hôm trước, có bạn đọc trẻ tuổi hỏi mấy chuyện quanh chữ "vận" trong niềm tin tín ngưỡng rồi than thở số cậu ấy không may mắn, tôi nói với bạn trẻ đó rằng: - Cháu tin con người có số mệnh để lựa theo số mà thuận theo tự nhiên, để tin đời có nhân quả báo ứng mà sống thiện tâm không phải để nghe các ông đồng bà cốt cúng bái giải hạn, di cung hoán số... mà chuốc họa vào thân. Tuổi còn trẻ đừng quá coi trọng mấy chuyện tâm linh, tín ngưỡng mà thành mê muội, không tốt đâu cháu.

Sáng nay, bạn đọc trẻ khác hỏi tôi Phật giáo có tin con người có số mệnh không? Tôi trả lời: - Phật giáo quan niệm con người tạo tác ra Nghiệp nên con người có thể thay đổi, chuyển hóa Nghiệp báo của chính mình từ xấu thành tốt hoặc ngược lại thông qua những việc làm của chính mình vì thế Phật giáo phủ nhận con người có số mệnh. Còn cháu, nếu tin con người có số mệnh, chịu ảnh hưởng chi phối của thuyết Thiên Mệnh thì cũng nên nhớ tới câu ngạn ngữ "Đức năng thắng Số" mà giữ tâm thiện và hành thiện thì sẽ chuyển biến được phần nào số mệnh theo hướng tích cực.

Giờ giới trẻ mê muội vào thế giới tâm linh huyền bí nhiều hơn trước và sự mê muội có vẻ ngày càng nặng. Chính quyền cấp phép tràn lan cho các doanh nghiệp xây dựng những "tổ hợp tâm linh" to đẹp trong những quần thể đền chùa hoành tráng để các doanh nghiệp "kinh doanh chùa chiền" và các nhà giả sư "bắt tay nhau" tận dụng mọi cơ hội móc túi người mê tín. Sư mà dẫn dắt "thiện nam tín nữ" làm lễ dâng sao giải hạn, cúng "oan gia trái chủ", và rao giảng tầm bậy tầm bạ "càng nghèo thì càng phải bố thí nhiều mới mong được giàu có",... Nhảm nhí như thế hỏi sao mà các tín đồ, các "con nhang đệ tử" không thêm u mê, nền tảng văn hóa-đạo đức xã hội không xuống cấp?!

Khi soạn cuốn VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 2006, tôi xây dựng câu chuyện:

"Có hai bố con người hành khất đúng ngày mồng một nọ đi qua một ngôi chùa. Nhìn cảnh du khách thập phương đang náo nức sửa lễ dâng Phật, cô bé tủi thân vì không có đồ lễ dâng Phật, liền quỳ xuống nức nở khóc. Vái lạy từ xa Đức Phật từ bi bằng lòng thành kính, cô tiếp tục dắt người cha mù lòa đi ăn xin độ nhật.

Đến một ngày nọ, do đói lả lâu ngày, người cha kiệt sức qua đời, cô bé khóc gào thảm thiết. Khi nước mắt đã cạn thì đôi mắt của cô trở thành tàn phế. Mò mẫm dọc đường, cô lạc vào một khu rừng đầy thú dữ, ma quỷ. Đúng lúc lũ quỷ dữ định ăn thịt cô thì bỗng một vầng hào quang sáng chói làm thú dữ, ma quỷ bỏ chạy. Cô bé như được phép màu làm sáng trong đôi mắt trở lại, và kỳ lạ hơn, cô đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, kiều diễm.

Ngước mắt nhìn lên không trung, cô thấy Phật Bà Quan Thế Âm đang nhìn cô trìu mến. Cô vội quỳ xuống tạ ơn thì Bồ Tát dịu dàng nói: Những giọt nước mắt thành tâm của con cúng ta năm xưa, giờ giúp con, ta vẫn còn nợ con nhiều lắm.

Nói xong, Bồ Tát mỉm cười rồi biến mất, để lại một mùi hương thơm thoảng nhẹ giữa rừng.

Như vậy, đâu cứ phải là mâm cao cỗ đầy, là những món ăn cao sang mỹ vị sẽ được Phật chứng. Cô gái hành khất kia làm gì có xôi, giò, gà, rượu để cúng dường Phật mà vẫn được Phật thương, Phật giúp. Những giọt lệ thành tâm của cô cao hơn tất cả những đồ lễ của khách thập phương vì những mâm sang cỗ quý ấy người ta đến cửa chùa để cầu xin phú quý chứ đâu có thành tâm thờ Phật. Vậy thì làm sao Phật có thể chứng cho họ!”

Dựa theo quan điểm của Phật giáo: Nghiệp do chính cá nhân tạo tác nên chỉ có chính cá nhân đó bằng tâm niệm, hành động của mình mới làm thay đổi được Nghiệp báo hay Phúc báo của bản thân để bạn đọc của VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT không bị nhóm giả sư và hội buôn thần bán thánh mê hoặc lừa đảo móc hầu bao cúng kiếng cho lòng tham của chúng.

*.

Hà Nội, ngày 15 tháng 04-2023

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn