BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76235)
(Xem: 62971)
(Xem: 40378)
(Xem: 31973)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Góc khuất của chương trình xóa đói giảm nghèo

20 Tháng Ba 200812:00 SA(Xem: 990)
Góc khuất của chương trình xóa đói giảm nghèo
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Xoá đói giảm nghèo là một trong những chương trình lớn của đảng, nhà nước Việt Nam. Những năm qua thực hiện chương trình này có thể nói là đã đạt được những kết quả quan trọng. Các phương tiện thông tin đại chúng của ĐCS và nhà nước Việt Nam đã và đang tuyên truyền rầm rộ, thậm chí đã thổi phồng lên để khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng đối với nhân dân trong nước và thế giới. Vì vậy sẽ là “biết rồi khổ lắm nói mãi” nếu tiếp tục nêu những thành tích đó ra đây. Trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số những góc khuất trong chương trình này mà chưa bao giờ các kênh thông tin chính thống của đảng và nhà nước việt nam nói đến.

Trước hêt hãy bàn về tiêu chí xác định hộ nghèo: chúng tôi đã ngồi tính tổng thu nhập của một số hộ nông dân ở các xã miền núi khác nhau. Một hộ nằm trong số hộ có thu nhập khá trong xã, tính đi tính lại, bình quân thu nhập đầu người/tháng cũng chỉ đạt 165.000đ, so với chỉ tiêu hiện hành phải đạt trên 200.000đ mới được gọi là hộ hết nghèo. Nếu tính một cách trung thực khách quan thì số hộ nghèo của xã đó chiếm trên 90%. Khi được hỏi tại sao lại không nằm trong diện hộ nghèo thì được cán bộ cấp xã trả lời không ngần ngại: Nếu hộ này là nghèo thì cả xã này nghèo hết. Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh, của huyện mới có trên dưới 18%, các xã đều phải căn cứ vào đó để tính cho xã mình. Nếu vượt quá trên không chấp nhận, biết nhiều hộ còn rất nghèo nhưng vẫn phải đưa lên.

Trăm hoa đua nở một dự án.

Chúng tôi muốn nói đến một dự án gần đây nhất. Trong khoảng thời gian dài, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin các địa phương đua nhau phát triển đàn bò. Thực hiện dự án đó, nhiều địa phương đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. Nhiều hộ nông dân đã đổi đời do tham gia thực hiện dự án. Nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện tự cảm thấy mình chưa làm hết trách nhiệm với dân, cảm thấy có lỗi nếu như không chớp lấy cơ hội này. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng trên, nhiều địa phương đã triển khai một cách ồ ạt, trên diện rộng, được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Theo đó nhà nước (ngân hàng chính sách) cho các hộ thực hiện dự án vay một khoản tiền ưu đãi với lãi suất từ 0,5-0,6%/tháng để mua bò, thời gian vay là 3 năm. Dự án đưa ra các điều kiện như: phải mua giống bò lai, có sản lượng thịt cao, phải mua ở địa phương khác, cấm mua trong nội tỉnh. Mục đích chính là để đảm bảo tăng nhanh số lượng bò ở địa phương mình. Qua 2 năm thực hiện đã làm cho nhiều hộ điêu đứng.

Chúng tôi đã tai nghe mắt thấy cảnh nông dân bần cùng hoá do thực hiện dự án. Một hộ mua một cặp bò từ tháng 2-2006, với giá 6.500000đ (toàn bộ bằng vốn vay ngân hàng chính sach), đến tháng 12-2007 buộc phải bán với giá 2.800000đ. Chưa tính công chăn dắt, tổng lỗ cả gốc lẫn lãi 4.400000đ. Một hộ ở xã khác, anh là một quan chức cấp xã, đầu năm 2005 mua 2 con bò giống loại đẹp với giá 13.500000đ (vốn vay theo dự án), đến cuối năm 2007 vẫn không sinh sản được bê con nào, quyết định bán với giá 6.500000đ, tổng cộng lỗ gần 10 triệu đồng. Gần như toàn bộ các hộ tham gia dự án đều khóc dở, mếu dở vì tự dưng mắc nợ vào thân. Có hộ đến hạn không trả được đành phải bán nhà, bán ruộng để lấy tiền đáp vào ngân hàng. Nhiều hộ phải cho con cái vào nam làm thuê lấy tiền trả dự án. Nhiều hộ đến nay vẫn chưa tìm được cách nào để trả nợ. Một số hộ do quá bức xúc đã dắt bò lên trả lại chính quyền và tuyên bố không chịu trách nhiệm về số nợ đó, tuy nhiên lập tức bị chính quyền chỉnh đốn rất kịp thời.

Nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ này là: khi mua, bò được tính giá theo bò giống, khi bán bò được tính theo giá bò thịt, vì vậy chênh lệch giá rất lớn. Việc tổ chức mua bò theo hợp đồng, theo đó người dân chỉ biết làm thủ tục vay tiền rồi nhận bò tại xã. Mọi thủ tục mua bán, tuyển chọn, giá cả hoàn toàn do đại diện chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân... đứng ra liên hệ với cơ quan chức năng (phòng nông nghiệp), ngân hàng chích sách của huyện. Họ là những người “sáng suốt lựa chọn” những con bò giống đưa về cho dân. Ở đây thôi không bàn đến những khuất tất trong mua bán, mà chỉ nói đến việc mua bán kiểu đó, hậu quả là đã mua phải các con bò giống bị thải loại, nhiều con phối giống đến cả chục lần mà vẫn không sinh sản được; giống bò lai đang ở môi trường dược chăm sóc có kỹ thuật, nay về thả rông, điều kiện chăm sóc kém, sinh ra sút cân, gầy yếu, nhiều con bị chết.

Vốn xoá đói giảm nghèo mỗi địa phương làm một cách.

Theo quy định thì đối tượng được hưởng vốn xoá đoi,giảm nghèo phải là những hộ nghèo. Trong thực tế thì nhiều hộ nghèo không được hưởng chính sách này vì những lý do khác nhau: theo quy định của ngân hàng chính sách thì những hộ nào đã vay ngân hàng ở các kênh khác mà chưa trả xong thì không được vay theo chương trình xoá đói giảm nghèo; những hộ nào mà trước đây vay trả nợ dây dưa, không đúng hạn cũng không được vay; nhiều nơi cán bộ xã,thôn tuyên bố không cho các hộ quá nghèo vay vì không có kế hoạch làm ăn,không có khả năng trả hoặc trả không đúng hạn sẽ ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân lãnh đạo, vì đây là vay tín chấp. Với những lý do trên, phần lớn vốn không đến được với người nghèo, thay vào đó là cán bộ xãthôn, những người có máu mặt đã sử dụng nguồn vốn này để xoay sở làm giàu. Dân nghèo vẫn không hoàn không.

Cứ cấp 5 triệu đồng là thoát khỏi hộ nghèo: một trong những nội dung chính trong quyết đinh 134 của thủ tướng chính phủ là hỗ trợ hộ nghèo người dân tộc thiểu số thực hiện chương trình xoá nhà dột nát, theo đó, nhà nước hỗ trợ cho mỗi hộ 5 triệu đồng, số còn lại sẽ huy động cộng đồng dân cư, anh em trong nội tộc, các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, hội nông dân... đóng góp, phần còn lại gia đình tự xoay sở. Trong thực tế thì việc huy động đóng góp chẳng được là bao bởi người nông dân có thu nhập rất thấp mà hàng năm phải đóng góp vô số các khoản như các loại quỹ, các đợt đóng góp do các tổ chức phát động, vì vậy phần còn lại chủ yếu gia đình tự lo liệu. Đối với các hộ nghèo, được hỗ trợ 5 triệu là rất quý, đỡ được một khoản đáng kể va đây cũng là cơ hội để thoát khỏi cảnh suốt đời ở nhà tạm bợ, cộng với sự động viên rất tích cực của đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, bởi đó là thành tích, là chỉ tiêu trên giao và quan trọng hơn là xoá được ngay hộ nghèo kể từ khi hộ đó đăng ký nhận thực hiện dự án.

Vì vậy việc động viên khích lệ các hộ nhận và triển khai thuc hien dự án là việc rất đáng làm, và thế là hộ nào cũng vào cuộc, hộ nào cũng cố gắng chạy vạy. Hầu hết các hộ phải lấy sổ đỏ đem cắm vay ngân hàng,có hộ hứng lên vay tới 1-2 chục triệu. Cá biệt có những hộ do ngân hàng từ chối cho vay, trong khi đó nhà đã khởi công. Hết đường chạy, quay sang vay ngoài với lãi suất cao gấp 3-4 lần so với ngân hàng. Làm nhà xong, hết gạo, hết tiền, công nợ chồng chất, hết cách xoay đành quay ra bán ruộng, bán trâu (sức kéo duy nhất của gia đình) và đặc biệt có những hộ lại phải gán chính ngôi nhà đó để lấy tiền trả nợ. Ngậm ngùi dựng lại ngôi nhà mới tạm bợ khác che thân. Vậy là từ hộ nghèo nay tụt xuống thành hộ đói.

Sau cùng là vấn đề tái nghèo.

Với nền nông nghiệp lạc hậu, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Chỉ cần một năm mất mùa là nhiều hộ trở lại tái nghèo. Tại thời điểm này có lẽ hàng vạn hộ nông dân đã quay trở lại tái nghèo bởi vì giá cả leo thang đến chóng mặt. Nếu tiêu chí tính mức thu nhập đầu người trên 200.000đ/tháng mới thoát nghèo thì tại thời điểm này các mặt hàng nhu yếu phẩm đã tăng giá bình quân trên 40%. Như vậy mức thu nhập của các hộ nông dân cũng tại thời điểm này phải đạt trên 280.000đ/người/tháng mới duy trì được danh hiệu thoát nghèo. Việc tái nghèo là không tránh khỏi, thực tế nó vẫn đã và đang diễn ra. Song trên các phương tiện thông tin đại chúng của đảng, nhà nước luôn truyền tải về những thành quả xoá đói giảm nghèo, những con số được luỹ kế từ năm này sang năm khác, tỉ lệ phần trăm được giảm một cách chóng mặt. Còn việc tái nghèo thì hình như nó là việc nhỏ, không đáng quan tâm.

Xoá đói giảm nghèo là chương trình mục tiêu lớn đối với các quốc gia đang phát triển. Việt Nam đã và đang tích cực triển khai thực hiện và đạt được kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều hộ do thực hiện chương trình này lại chuốc lấy hoạ vào thân, đẩy họ vào con đường cùng mà có lẽ không thể nào ngóc lên được nếu như cộng đồng xã hội không dang tay cứu giúp họ. Phải chăng đây là góc khuất mà đảng, nhà nước chưa nhìn nhận ra?

20-3-2008
Vi Đức Hồi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn