Chương 16
Kỳ Ngộ Trong Tù
Chuyện tôi quen với con Nai - Đoàn Thị Lộc ở xưởng may, phía sau khu ED đã là một chuyện rất đặc biệt mà con Nai luôn luôn gọi đó là một kỳ ngộ, nhưng tôi chỉ xem đó như là một cuộc gặp gỡ khá đặc biệt thôi. Câu chuyện sau đây đối với tôi mới thật sự là một kỳ ngộ và kỳ ngộ này đã thay đổi hẳn cuộc đời của không riêng tôi mà còn cả gia đình vợ con của tôi nữa cho tới ngày hôm nay. Như tôi có nói ở phần mở đầu, lý do thôi thúc tôi viết lại hồi ký này là để ca ngợi "tình người " và để… đền đáp món nợ ân tình – dù không ai đòi – nhưng tôi tự hứa phải trả cho bằng được và tôi phải thú nhận một điều: Câu chuyện sau đây mới là động lực chính thôi thúc tôi viết lại hồi ký này:
Một sự kiện lớn xảy ra làm thay đổi sinh hoạt của khu Kiên Giam ED tầng 2 rất nhiều. Khi tôi từ Biệt Giam 2 chuyển xuống, khu Kiên Giam này từ trước chỉ nhốt toàn là tù nam. Tôi ở khu này được mấy tháng cũng chỉ toàn là tù nam, nhưng một buổi sáng sớm, mấy tay công an và lao động mở cửa phòng bên tay trái là những phòng Kiên Giam 8, 9, 10 di chuyển hết tất cả các tù nam chuyển qua các phòng bên dảy tay phải. Kiên Giam 1 của chúng tôi cũng nhận thêm 1 người vào trong đợt này (Người này tên là Lâm Văn Hua, người Việt lai Campuchia, bị bắt về tội buôn lậu hàng từ Thái Lan qua VN mà tôi có nhắc ở phần trên).
Chúng tôi biết là có chuyện gì khác thường xảy ra nhưng không rõ là chuyện gì. Cả ngày hôm đó bên ngoài cứ lục đục các cửa phòng mở ra đóng lại nhiều lần và có vẻ nhộn nhịp lắm. Tất cả các cửa gió đều bị đóng kín hết nên bên trong chúng tôi không nhìn ra ngoài được. Đợi lúc nghe tiếng mấy cán bộ nói chuyện văng vẳng bên khu ngoài xa, tôi đu lên mấy song sắt nhìn thật nhanh ra bên ngoài thì thấy mấy lao động đang lăng xăng bên trong phòng đối diện chỉ trỏ sắp xếp cho mấy cô gái trong đó. Tôi nhảy ngay xuống báo với mọi người trong phòng:
-Họ giải tù nữ tới. Dãy bên kia bây giờ tù nữ vô ở rồi.
Lập tức tin này được chúng tôi chuyền qua phòng bên cạnh, phòng trên lầu bằng đường ống nước và sau đó tôi tin rằng sẽ nhanh chóng lan ra khắp các phòng khác.
Buổi trưa đợi cho cán bộ đóng cửa sắt đi xuống dưới có mấy người tù ở mấy phòng bên trong leo lên song sắt gọi hỏi thăm, sau đó tin tức chuyền đến chúng tôi. Các tù nữ chuyển đến cũng gồm có 3 tội: Vượt biên, Kinh tế và Chính Trị. Nhiều nhất là tội vượt biên, sau đó đến kinh tế, Chính Trị thì chỉ có một người đàn bà chuyển từ Phan Đăng Lưu về (sau này tôi được biết bà ta là con gái của Cựu Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu).
Sinh hoạt khu Kiên Giam ED tầng 2 nhộn nhịp hẳn lên khi có tù nữ vào. Sau một vài bữa, các tù nữ đã quen dần và cũng tham gia vào sinh hoạt "họp chợ" ban đêm một cách nhiệt tình lắm. Những cuộc nói chuyện qua lại giữa các tù nam bớt hẳn đi tiếng chưởi thề thấy rõ, cách ăn nói qua lại tự nhiên cũng lịch sự hẳn lên. Ban đêm các tù nữ cũng leo lên song sắt nói chuyện với tù nam ở các phòng đối diện, những buổi "họp chợ" cũng kéo dài hơn thường lệ mãi cho tới thật khuya mới dứt.
Lúc này mỗi đêm chúng tôi được nghe những giọng ca nữ nổi lên tự nhiên nghe thấy hay gì lạ. Có một cô gái lúc bấy giờ khoảng 20 tuổi, người Việt gốc Hoa – tôi đặt cho cô biệt danh là Nhỏ - bị bắt về tội vượt biên, hát bài "Sương Trắng Miền Quê Ngoại" hay đến độ tôi cứ phải yêu cầu cô hát cho nghe mỗi đêm mà không biết chán. Những biệt danh của tù nữ cũng lần lượt được đặt ra cho dễ liên lạc lẩn nhau như Kiều Mi, Quyên Quyên, Hoa, Minh Lan, Minh Tuyết, Thị Mẹt, Nhỏ, Xuân, Nhi… Đêm đến phòng nào phòng nấy cũng có tù nam và nữ leo lên song sắt nói chuyện qua lại um sùm hết. Mấy tù nữ coi vậy mà nhiều người còn gan hơn tù nam nữa, họ cũng đi dây chuyền đồ đạc, quà cáp, thư từ lẫn nhau ì xèo…
Nhờ bên tù nữ được ưu tiên hơn. Lao động và cán bộ tương đối dễ dãi hơn với họ, một số tù nữ có tiền lại mua chuộc được lao động Xáng và công an cán bộ nên họ kiếm được kiếng soi mặt, giấy viết… sau đó chuyền qua cho tù nam chúng tôi, kiếng soi mặt thì chúng tôi đập vỡ ra chia nhau mỗi phòng một mảnh nhỏ đủ để làm "đèn soi" canh chừng "Ma áo vàng"… nhờ thế khi "họp chợ" tương đối an toàn hơn lúc trước. Nói chung sinh hoạt ban đêm của khu Kiên Giam ED tầng 2 trước đây đã nhộn nhịp nay lại càng nhộn nhịp gấp bội nhờ có sự hiện diện của đám tù nữ này.
Riêng tôi sau khi từ Biệt Giam 2 chuyển xuống khu Kiên Giam này, nhận thấy rõ ngày về của mình mịt mờ quá, tôi đâm ra chán nản và đâm ra… lì. Mỗi tối tôi hát hò um sùm. Giọng hát của tôi lúc bấy giờ có lẽ anh em tù thích hay sao đó nên đêm nào anh em tù cũng yêu cầu tôi hát ít nhất 5, 6 bài… Ngoài ra "tài nghệ " đi xe của tôi cũng tiến bộ rất nhiều. Từ phòng bên ngoài, chúng tôi có thể đi "xe" chuyền hàng cho các phòng tuốt bên trong, dĩ nhiên là phải qua nhiều phòng trung gian. Từ Kiên Giam 1, tôi ném dây qua cho Kiên Giam 10 ở phòng nữ đối diện gần nhất, rồi từ Kiên Giam 3 một anh bạn tù khác ném dây qua cho Kiên Giam 10 phòng nữ lấy về. Sau đó Kiên Giam 3 sẽ đi xe chuyền hàng qua cho Kiên Giam 5 của thằng Hồng Vân đang ở… cứ chuyền theo lối zíc zắc như thế, chuyến hàng sẽ tới bất cứ phòng nào chúng tôi muốn. Những chuyến xe chở hàng như thế chúng tôi gọi là những chuyến hàng "chạy suốt" từ Nam ra Bắc. Còn những chuyến hàng nào gởi những thư từ quan trọng giữa những người tù bị bắt chung một vụ với nhau nhờ chuyển để họ cùng có lời khai ăn khớp với nhau khi đi "làm việc" thì chúng tôi gọi là những chuyến hàng "lớn". Nói chung dù là chuyến hàng "chạy suốt "từ Nam ra Bắc hay chuyến hàng "lớn", đều là những chuyến hàng quan trọng hơn bình thường và cần được canh chừng "Ma áo vàng" kỹ càng hơn.
Cũng nhờ vị trí Kiên Giam 1 ở sát ngay cửa sắt ngăn với bên ngoài nên từ lỗ cửa gió tôi có thể quan sát ra bên ngoài khi hát, hoặc canh me cho bên trong đi xe chuyển hàng… dễ dàng và chính xác hơn những phòng bên trong. Các phòng bên trong tuy cũng có mảnh kiếng soi, nên cũng phát giác được khi nào cán bộ đi lên, nhưng không thể thấy được khi cán bộ vừa mới xuất hiện ở chân cầu thang tuốt bên ngoài được, trong khi đó ở vị trí Kiên Giam 1 của tôi thì có thể phát giác ngay khi tên cán bộ vừa mới nhô đầu lên từ phía cầu thang bên dưới.
Bởi vậy hễ bên trong khi cần đi xe chuyển "hàng lớn" hoặc hàng "chạy suốt" thường phải gọi đến tôi canh chừng dùm cho chắc ăn. Nếu có cán bộ vừa xuất hiện ở chân cầu thang là tôi la lên một tiếng "MA" thật lớn. Mọi việc bên trong phải ngưng lại ngay, ai nắm đầu dâu có hàng thì phải nhanh chóng kéo về phòng mình trong vòng mấy giây để dấu liền... Thông thường thì hàng đi trót lọt, hoặc ngay cả khi "Ma áo vàng" xuất hiện thì mọi việc cũng phi tang được, nhưng đôi khi cũng có những "trục trặc" xảy ra… Đó là dây kéo hàng bị đứt nửa chừng, "hàng hoá" rớt lại bên ngoài nằm chình ình và như thế là tên công an lên bắt gặp. Hắn mở cửa sắt đi vào nhặt hàng hoá lên (thông thường chỉ là thực phẩm, thuốc rê… tiếp tế cho một bạn tù nào đó thiếu thốn), sau đó hắn mở cửa phòng giam mà gói hàng bên ngoài nằm gần nhất và quát tháo tra hỏi xem của ai… Các tù trong phòng lúc bấy giờ nếu chối được thì cứ chối tuốt luốt mặc cho tên cán bộ quát tháo… nhưng nếu không chối được thì người đi dây sẽ đứng ra chịu đi biệt giam kỷ luật mà không hề đổ thừa hoặc khai ra cho bất cứ người nào khác, mặc dù gói hàng đó không phải của anh ta và anh chỉ là một người ở phòng trung gian lên chuyền tiếp dùm qua các phòng khác mà thôi.. Đây là một quy luật bất thành văn của chúng tôi ở đây… Tất cả các "Gà Mới" khi mới đến chuồng đều được các "gà cũ" huấn luyện cho "quen chuồng" điều này trước tiên rồi… ngay cả các tù nữ khi bị bắt gặp cũng không ai khai người khác ra bao giờ, tất cả đều im lặng chấp nhận đi biệt giam kỷ luật… "Bù lại" sau khi đi biệt giam kỷ luật về người tù đó được các tù khác thương mến lắm. Khi còn ở Kiên Giam 1, tôi không bị bắt quả tang lần nào cả, nhưng sau này đổi vào bên trong, tôi bị đi biệt giam kỷ luật nhiều lần, một phần cũng vì tội chuyền xe chở hàng bị "thua non" nửa chừng như vừa nói. Tôi sẽ kể những chuyện này trong một chương khác.
Sau khi khu Kiên Giam ED tầng 2 có tù nữ được khoảng 1 tháng thì một đêm khuya có tiếng một cô gái biệt hiệu là Nhi ở bên phòng Kiên Giam 10 gọi qua tôi:
- Anh Sáu Khổ ơi! Anh Sáu Khổ. Phòng em có người bị bệnh nặng quá. Phải làm sao đây!!
Cả phòng Kiên Giam 1 chúng tôi lập tức choàng dậy hết. Tôi nhảy lên song sắt, hỏi Nhi đang đeo tòn ten trên song sắt bên Kiên Giam 10:
- Ai bị bệnh vậy em?
- Một bà bác, lớn tuổi rồi? Bác bị bệnh tim và hai chân bị tê bại không đi được. Hiện nay bác thở không được và cơn đau tim đang lên.
Lập tức tôi lên tiếng gào lớn kêu cấp cứu:
- Báo cáo cán bộ. Kiên Giam 10 có người bệnh nặng. Xin cấp cứu…
- Báo cáo cán bộ. Kiên Giam 10 có người bệnh nặng. Xin cấp cứu…
Tôi và những phòng khác tiếp nhau kêu cứu liên tục như vậy cũng cả mấy chục lần. Trong đêm khuya vắng, tiếng kêu la vang lên lồng lộng nghe rất thảm thiết… Tôi không khỏi nhớ lại đêm đầu tiên khi mới vào bị nhốt trên tầng 4, đã bàng hoàng sợ sệt như thế nào khi nghe tiếng kêu cấp cứu ở bên khu FG… Bị bệnh nặng trong hoàn cảnh này quả thật đáng thương. Khoảng hơn nữa tiếng đồng hồ sau mới có người lục đục đi lên. Tên cán bộ trực lên mở cửa sắt ra, quát lớn:
- Nghe rồi. Nghe rồi. Gớm. Làm gì mà la lắm thế.
Chúng tôi ngồi trong phòng chưởi thầm:
- Tổ mẹ mày. Mày nói nghe rồi mà người ta bệnh nặng, mày đợi tới hơn nữa tiếng mới đi lên. Mày cấp cứu kiểu đó thì người ta chết mẹ hết rồi còn gì.
Chúng tôi nghe tiếng mở cửa phòng Kiên Giam 10 rồi tiếng nói chuyện râm rang của nhiều người. Sau đó bệnh nhân được khiêng đi. Đợi chung quanh im lặng đâu đó thật lâu, tôi leo lên song sắt gọi cô Nhi hồi nãy (Cô này khoảng 22, 23 tuổi, cô giáo nhà trẻ bị bắt tội vượt biên):
- Nhi ơi, nghe anh không? cho anh hỏi thăm chút coi.
Nhi nhảy lên song sắt liền, tôi hỏi:
- Bác ấy bệnh ra sao, kể anh nghe coi. Họ có nói gì không??
- Kể từ khi vào đây đến giờ, bác ấy bệnh nằm hoài một chỗ. Hai chân bác bị bệnh tê bại, đi đứng rất khó khăn, đã vậy bác còn bị thêm bệnh tim, thỉnh thoảng lại hay ngộp thở… Nói chung sức khoẻ của bác này rất yếu… Vừa rồi họ phải mang cáng khiêng bác đi bệnh xá. Cầu xin cho bác mau bình phục. Bác ấy hiền lắm.
Khi đó mấy tù nhân ở các phòng trong cũng leo hết lên song sắt hỏi thăm về bệnh tình của người bệnh vừa rồi. Ai nấy đều thấy cảm thương và tội nghiệp cho người đàn bà bệnh hoạn mà còn lâm vào cảnh tù tội.
Tôi hỏi Nhi:
- Bà ấy bị tội gì vào đây vậy?
- Vượt biên.
Tôi đã trải qua chín lần đi vượt biên thất bại trước đây, cho nên biết rõ sự cực khổ như thế nào… nên không khỏi buột miệng la lên:
- Trời đất! Với sức khoẻ như vậy mà bà này dám đi vượt biên thì quá liều rồi.
Nhi cười cười:
- Bà ta không phải tội vượt biên bình thường đâu anh Sáu Khổ ơi. Bà bị khép tội: "Tổ Chức Vượt Biên" và là người đứng đầu tổ chức vượt biên luôn đó.
Như vầy thì tôi thua luôn, lòng nghĩ thầm: "Bà già này coi vậy mà dữ thiệt, bệnh hoạn tùm lum vậy mà là người đứng đầu tổ chức vượt biên".
Khoảng 3 tuần sau, một buổi sáng khi lao động mở cửa phòng cho chúng tôi đi lấy nước ở hồ chứa bên phía trong khu Kiên Giam, chúng tôi thấy một người đàn bà khoảng 55, 56 tuổi, người ốm yếu, gương mặt rất phúc hậu, hai tay đang vịn vách tường lần từng bước rất khó khăn. Lúc đó có cán bộ đang đứng gần, chúng tôi không dám hỏi gì hết, chỉ nhìn bà đang dò dẫm từng bước khó khăn mà thấy tội nghiệp vô cùng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy người đàn bà này. Bà ta nhìn thấy chúng tôi thì nhoẻn miệng cười với một nụ cười thật hiền hậu.
Lúc bấy giờ ở Kiên Giam 1 chúng tôi có 4 người: Tôi, Gió, Trương Phái Hàn và Lâm Văn Hua. Sau khi lấy nước về phòng xong, chúng tôi cứ bàn tán về người bà khi nãy, đây là một chuyện lạ từ trước tới giờ chưa thấy bao giờ, chúng tôi đoán người đàn bà này là người đã được đưa đi bệnh xá hôm nọ. Trưa hôm đó, tôi gọi qua Kiên Giam 10 hỏi thì được xác nhận là người đàn bà đó chính là người bệnh đã được đi bệnh xá 3 tuần trước. Tối hôm đó chúng tôi "họp chợ", hỏi thăm về bệnh tình của bà thì được biết bà đã khoẻ nhiều, nhưng hai chân còn yếu lắm. Bác sĩ phê chuẩn cho bà phải tập đi mỗi ngày, không được nằm một chỗ nếu không sẽ bị liệt luôn hai chân và được phép nhắn người nhà gởi thuốc từ bên ngoài vào chửa. Nên mỗi ngày bà được cán bộ cho phép đi ra ngoài tập đi lại theo như sự phê chuẩn của bác sĩ cho thoải mái bớt. (Sau này tôi mới được biết bà đã bõ tiền ra cho tụi cán bộ ăn nhiều lắm tụi nó mới tử tế và cho bà được ra ngoài mỗi ngày và nhắn người nhà gởi thuốc từ ngoài vào, chứ dễ gì chúng nó ưu đãi bà như vậy!!)
Sau đó mỗi buổi sáng khi đi lấy nước chúng tôi đều thấy bà vịn tường tập đi như vậy. Khi nào không có cán bộ đứng gần chúng tôi hỏi thăm và chúc bà mau khoẻ mạnh trở lại… bà cũng mỉm cười thăm hỏi xã giao với chúng tôi vài câu, thế thôi.
Một đêm chúng tôi đang "họp chợ" như thường lệ, tôi đang hát thật lớn thì thình lình cán bộ Hùng từ dưới chân cầu thang đi lên. Vừa thấy hắn xuất hiện ở chân cầu thang, tôi ngưng hát và báo động "MA" một tiếng thật lớn. Bên trong tất cả im lặng như tờ ngay. Tên cán bộ Hùng tức giận lắm vì không bắt được tụi tôi tại trận, hắn đứng bên ngoài đập cửa sắt rầm rầm và quát tháo một hồi thật lâu mới bỏ đi, nhưng đêm hôm đó hắn cố tình bắt cho bằng được chúng tôi tại trận nên ngay sau đó hắn quay lại đứng nấp sau vách tường sắt với khung cửa sắt, rình rập chờ chúng tôi.
Quả nhiên không lâu sau đó tưởng đã êm, Kim Cương ở Kiên Giam 3 hớ hênh, nhảy lên song sắt định gọi phòng nữ đối diện nói chuyện với Hoa là cô gái nó thích… thì bị tên cán bộ Hùng đứng rình sẵn bắt gặp ngay. Thế là hắn mở cửa sắt, vào ngay Kiên Giam 3 chộp Kim Cương đi biệt giam kỷ luật. Cái thằng Kim cương này xui thiệt, lạng quạng cứ bị bắt hoài. Còn tên cán bộ Hùng bắt được Kim Cương để răn đe cả đám chúng tôi, hắn chắc hí hửng lắm, khi dẫn Kim Cương đi ra bên ngoài, hắn còn nói lớn:
- Trước sau cũng bắt dính các anh mà. Những người còn lại khôn hồn thì im lặng ngủ hết đi nghe.
Xong xuôi hắn đóng rầm cửa sắt lại và dẫn Kim Cương đi mất. Lần này hắn đi thật. Đó là chuyện chúng tôi phải chấp nhận, bắt hay không là quyền của mấy tên cán bộ, chúng nó có rình rập bắt thì chúng tôi đi biệt giam kỷ luật thôi, còn họp chợ thì chúng tôi vẫn họp như thường. Chúng tôi đâu có ai ngán đâu!
Sáng hôm sau khi tôi đi lấy nước như mọi hôm, vẫn gặp người đàn bà đang vịn tường tập đi, thấy không có cán bộ tôi gật đầu chào, hỏi thăm bà có khoẻ không? Bà ngừng lại nhìn tôi rồi nói:
- Cháu cẩn thận đừng để bị bắt đi biệt giam thì khổ lắm nghe cháu.
Tôi hơi ngạc nhiên khựng lại, bà nói tiếp:
- Đêm hôm qua khi cán bộ lên đập cửa sắt lúc đó cháu đang hát, ở bên phòng chúng tôi tưởng cháu bị bắt rồi chứ. Phải cẩn thận và bớt ca hát đi cháu. Bị phạt chỉ khổ thân thôi.
Bà vừa nói vừa nhìn tôi với ánh mắt thật hiền.
Tôi lí nhí trả lời:
- Dạ cháu sẽ cẩn thận, cám ơn bác.
Thình lình bà hỏi tôi:
- Cháu theo đạo gì?
Tôi trả lời, hơi ngạc nhiên:
- Dạ đạo Phật, có gì không bác?
Bà không trả lời, chỉ nhìn tôi cười. Sau đó lao động Xáng hối chúng tôi lấy nước nhanh lên nên chúng tôi chào bà rồi đi về lại phòng.
Buổi trưa khi tôi ra lấy cơm. Bà đang vịn tường đứng gần đó, lúc đó không có cán bộ bà nói với tôi:
- Bác có món quà này biếu cháu, nhưng cháu phải kiên nhẫn nghe.
Nói xong bà chìa tay ra đưa cho tôi một cuộn giấy nhỏ xíu, tôi ngó chung quanh không thấy cán bộ. Tôi hỏi nhỏ lao động Xáng:
- Cho tôi lấy món quà của bác này đưa nghe.
- Ừ, lẹ đi. – Lao động Xáng trả lời.
Tôi đứng lên giơ tay lấy cuộn giấy nhỏ đó và cám ơn bà, lòng thoáng ngạc nhiên không hiểu sao lao động Xáng hôm nay dễ quá vậy. Té ra sau này tôi biết nó cũng đã được đút lót rồi. Khi về phòng tôi giở ra xem thì ra đó là mấy tờ giấy quyến nhỏ, loại giấy vấn thuốc rê. Trên đó bà ghi lại bài: "Đại Bi Thần Chú" của Quán Thế Âm Bồ Tát, nhưng không đầy đủ vì tờ cuối ngưng nửa chừng…
Đến trưa, tôi đợi lúc cán bộ đi xuống hết mới gọi qua Kiên Giam 10 hỏi thăm bà về mấy tờ giấy viết bài chú đó. Bà mở cửa gió và nói với tôi:
- Bác viết chỉ được có mấy trang rồi mệt quá không viết nỗi nữa, bác sẽ từ từ viết và gửi cho cháu làm nhiều lần vì bài chú này dài lắm, bác có đánh số thứ tự trên mỗi trang. Cháu nên cố gắng học thuộc và tin tưởng trì tụng mỗi ngày sẽ thấy linh nghiệm lắm đó.
Tôi thật cảm động vì thấy sức khoẻ của bà yếu quá mà còn ráng viết bài Chú này cho tôi. Bài Đại Bi Thần Chú này trong Phật Giáo được mệnh danh là một trong Thập Đại Thần Chú, thường được đọc tụng trong mỗi phần khai kinh kệ… Lúc còn bên ngoài tôi có biết qua. Bài chú hoàn toàn bằng tiếng Phạn được dịch sang âm Hán Việt cho người Việt dễ đọc nhưng rất dài và rất khó thuộc. Mỗi ngày tôi đều niệm Phật và cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát nhưng không thuộc kinh kệ nào hết, nay bà đã có lòng chịu khó chép cho tôi bài chú Đại Bi trong khi sức khoẻ lại yếu kém như vậy quả thật làm tôi cảm động vô cùng. Tôi hứa cho bà vui lòng:
- Dạ bác đã có lòng chép tặng cho con bài chú quí giá như vậy, con hứa sẽ học thuộc và đọc mỗi ngày trong lúc cầu nguyện. Nhưng bác phải giữ sức khoẻ trước, khi nào thật khoẻ hẳn mới viết, đừng có gấp nghe bác. Hồi nào tới giờ không có kinh kệ gì cả, cháu cũng vẫn cầu nguyện và niệm Quán Thế Âm Bồ Tát độ trì cho hàng ngày thì cũng tốt lắm rồi, đâu có sao đâu.
Quả nhiên tôi thấy bà có vẻ vui khi tôi hứa như vậy.
Sau đó phải mất hơn cả tháng trời gởi làm nhiều lần, mỗi lần vài tờ giấy nhỏ… cứ thế cho đến khi tôi có đủ nguyên bài chú. Nhiều lần bà đứng cầm sẵn trong tay chờ khi tôi ra lấy nước hoặc tới giờ phát cơm để đưa cho tôi, nhưng gặp cán bộ có mặt ngay lúc đó nên không đưa cho tôi được, phải đợi tới đêm khuya tôi đi xe qua nhờ Nhi leo lên cột dùm mấy tờ giấy vào đầu sợi dây cho tôi kéo về. Có lần tôi phải vừa cười vừa nói đùa với bà rằng:
- Không biết lúc trước Đường Tăng Tam Tạng đi thỉnh kinh cực khổ ra làm sao, chứ bây giờ con thấy thỉnh được bài chú Đại Bi này con cũng vất vả không kém.
Bà đã cười lớn khi nghe tôi nói như vậy và khuyên tôi:
- Ráng đi cháu, có như vậy Bồ Tát mới chứng minh cho lòng thành của cháu. Sau khi có đầy đủ bài chú Đại Bi này rồi thì cháu phải ráng cầu nguyện mỗi ngày đó nghe không?
Tôi lại phải "Dạ" cho bà vui lòng.
Thú thật bài chú này bằng tiếng Phạn dù được phiên âm thành Hán Việt nhưng dài quá và khó lòng mà thuộc được. Tôi phải viết lại bài chú đó trên vách tường để đọc và cầu nguyện mỗi ngày.
Không bao lâu sau đó, vì vụ liên hệ với con Nai ở phía sau xưởng may bị bể như tôi đã trình bày ở một tiết mục trên. Chúng tôi bị đổi phòng. Phòng chúng tôi lúc đó có 4 người: Tôi, Lâm Văn Hua, Gió và Trương Phái Hàn. Riêng Gió thì chuyển qua Kiên Giam 2 kế bên ở với Thanh Đa ( Phan Văn Ty ) và Bồ Câu. Còn tôi, Lâm Văn Hua và Trương Phái Hàn thì hoán đổi phòng vào Kiên Giam 6 phía trong, những người ở Kiên Giam 6 đổi ra Kiên Giam 1.
Sau khi tôi bị đổi vào Kiên Giam 6, vị trí này gần hồ nước và nằm ở bên trong. Mỗi ngày bà vẫn vịn tường lần từng bước khó khăn đi tới đi lui để tập và tránh cho hai chân bị tê bại. Thông thường mỗi khi đi tới Kiên Giam 6 bà đều mang đến cho tôi một món quà, khi không có cán bộ đứng gần đó thì bà mở cửa gió đưa trực tiếp cho tôi, hôm nào có cán bộ thì bà nhờ lao động Xáng chuyển đến cho tôi: Khi thì một cái bánh, khi thì một món trái cây … những điều này làm cho tôi cảm động lắm.
Riêng tôi, sau một thời gian đọc Đại Bi Chú mỗi ngày hai lần trong khi cầu nguyện, tôi đã thuộc lòng bài chú này. Bà rất vui khi biết tôi đã thuộc và thường xuyên khuyến khích tôi cầu nguyện hoài thì chuyện gì cũng sẽ đạt được, đừng nản chí. Từ khi tôi quen biết được bà, bà đã khuyến khích, nâng đỡ tinh thần tôi rất nhiều. Trong hoàn cảnh tù tội, gặp được một người như bà an ủi tinh thần như vậy, tôi cảm thấy mình may mắn lắm.
Đối với tôi, bà lúc đó như một người Mẹ mà tôi có thể tin tưởng. Vì không nói chuyện được nhiều với bà nên mỗi đêm tôi viết để qua hôm sau đưa cho bà mang về đọc, nhờ bà có thể đi lại trong dãy Kiên Giam nên mỗi ngày bà vẫn đến Kiên Giam 6 nhận thư tôi đã viết sẵn cho bà. Tôi đã kể hết cho bà nghe tất cả chi tiết về gia đình Ba Má và các em tôi, về vợ con tôi hiện nay đang ở nhà người Dì ruột, vợ tôi đang dạy may ở trường dạy may của người Dì này sống nuôi con qua ngày …. Tôi cũng kể hết tất cả chi tiết về cuộc đời tôi cho bà nghe kể cả thời gian đi tù cải tạo, vượt biên 9 lần thất bại… Những lúc sức khoẻ cho phép bà cũng cố gắng viết kể cho tôi biết về bà…. trong những bức thư qua lại mỗi ngày.
Bà là người miền Bắc, rất sùng đạo Phật. Sau năm 75 khi chính quyền CS nắm quyền, bà cương quyết bằng mọi giá phải đưa các con bà đi ra nước ngoài vì bà đã biết thế nào là CS và đã chạy trốn CS một lần vào năm 54. Sau khi các con bà đi vượt biên thất bại ở các tổ chức khác, bà tự đứng ra tổ chức đưa các con bà đi và cũng đã giúp đỡ đưa được mấy tu sĩ Phật Giáo bị nhà nước CS nghi ngờ dính líu chính trị từ Miền Trung trốn vào Saigon đi vượt biên thành công. Chuyến bị bắt này là chuyến bị bắt nguội, không có quả tang gì hết nên bà hy vọng sẽ được ra sớm. Không ngờ vào tù do điều kiện khó khăn, bệnh tim của bà và chứng tê bại tái phát hành hạ và tưởng bà đã chết rồi, nhưng niềm tin vào sự che chở của chư Phật, chư Bồ Tát của bà rất vững mạnh nên bà cứ kiên trì cầu nguyện và không tỏ vẻ bi quan gì cả. Bà luôn luôn nói với tôi, nghiệp còn nặng thì phải trả thôi, đâu có gì đâu phải lo buồn. Thật là một người đàn bà can cường!
Bà cũng cho tôi biết tên thật của bà là N. T. T. chồng bà mất từ lâu, đứa con đầu lòng cũng mất sớm từ lúc còn bé. Bà đã ở vậy nuôi 3 đứa con: Một gái, hai trai cho đến khi trưởng thành. Đứa con gái lớn của bà trùng tên với tôi, đã lập gia đình và đang định cư tại Pháp với chồng. Hai đứa con trai còn độc thân đang định cư tại Úc vừa tốt nghiệp Kỹ Sư và đã làm đơn bảo lãnh cho bà sang Úc đoàn tụ. Trong khi xúc tiến lo việc bảo lãnh đi Úc thì bà lại bị bắt. Khi biết tôi cùng tuổi với đứa con trai đầu lòng của bà đã không may mất sớm, tự nhiên bà thấy xúc động nói là nhìn tôi mà cứ nhớ đến đứa con vắn số của bà. Sau khi tôi đọc được những lời kể về gia cảnh của bà như vậy, tôi đã muốn khóc ngay lúc đó và ngay hôm sau khi bà lần theo bức tường đi đến phòng Kiên Giam 6 thăm tôi như thường lệ, tôi đã xúc động gọi bà là Mẹ. Tôi còn nhớ rõ đôi mắt bà đã rơm rớm ướt ngay khi nghe tôi gọi như thế. Bà nhìn tôi với ánh mắt thật hiền một lúc thật lâu như để trấn áp đi mối xúc động đang dâng lên trong lòng, rồi cười và nói với tôi nguyên văn một câu như sau mà suốt đời không bao giờ tôi có thể quên được:
- Con của Mẹ đi lạc mãi tới giờ này mới chịu về rồi phải không?
Tôi nghẹn lời không nói được lời nào cả, chỉ biết nhìn bà với nỗi xúc động như muốn bật khóc. Trương Phái Hàn và Lâm Văn Hua đứng bên trong cũng xúc động không kém.
Và thế là bà nhận tôi làm con từ hôm đó. Chuyện bà nhận tôi làm con sau đó được chuyền ra, ở khu Kiên Giam ED tầng 2 lúc bấy giờ mọi tù nhân Nam, Nữ … đến lao động Xáng và hai cán bộ Hùng, Lợi ai cũng đều biết hết cả. Buổi tối "họp chợ ", mọi người chúc mừng hai mẹ con tôi và sau đó mỗi đêm sau khi hát hò, sinh hoạt với các tù nhân ở phòng khác, đợi đêm khuya êm vắng trước khi đi ngủ, tôi đều hát tặng bà bài Lòng Mẹ, hoặc bài Bông Hồng Cài Áo là hai bài hát mà bà thích nhất, rồi mới đi ngủ. Điều này dần dần trở thành thói quen, tất cả các tù nhân khác mỗi khi nghe tôi cất tiếng hát bài này dù họ vẫn còn nói chuyện lai rai, ai nấy đều im lặng hết đợi tôi hát tặng Mẹ tôi xong mới tiếp tục sinh hoạt trở lại.
Một điều đặc biệt nữa là sau chuyện đó một số tù nam và tù nữ đã gọi bà bằng Mẹ và ngay cả viết thư xin được bà nhận làm con. Nói chung vì tâm lý ở trong tù thiếu thốn tình cảm gia đình, cho nên hình ảnh của Bà ít nhiều gì cũng gợi lại cho các anh em trong tù về hình ảnh của người Mẹ của mình, nhất là các tù nữ, sau vụ bà nhận tôi làm con đa số ai cũng gọi Bà là Mẹ và xưng con với bà cả. Bà viết thư cho tôi hay ngay cả Gió (Phan Đình Tố) lúc đó ở Kiên Giam 2 cũng viết thơ xin bà nhận làm con. Nhưng bà đã viết thư giải thích với mấy anh chị em tù đó là chuyện Mẹ, Con đối với bà là một chuyện thiêng liêng, quan trọng và có ý nghĩa thật sư,ï vả lại đạo Phật có nói: "Chuyện gì cũng phải tùy vào Nhân Duyên chứ không phải muốn là được"… Bà nói bà cũng thương thằng Gió lắm, nhưng không thể nhận nó làm con vì nếu nhận bà sẽ có trách nhiệm và sẽ rất đau đớn khi không lo được cho nó an toàn sau này, mà sức bà thì không thể làm điều đó được.
Bà viết kể cho tôi biết là trước hôm tôi gọi bà bằng Mẹ, trong lòng bà đã xem tôi như là đứa con đầu lòng chẳng may vắn số trước đây rồi. Mỗi đêm bà đều thành tâm cầu nguyện cho sức khoẻ của bà mau khôi phục và sớm được về để bà lo cho vợ con tôi bên ngoài không còn khổ nữa, đồng thời lo cho tôi trong này. Ngay cả sau khi tôi được thả về, bằng mọi giá bà sẽ đưa vợ chồng con cái tôi đi. Đó là tâm nguyện của bà và bà nguyện sẽ làm với tất cả khả năng của bà để thực hiện điều này cho bằng được. Đó chính là lý do bà không thể nhận ai khác làm con nữa. Vì khi nhận làm con bà lại sẽ phải chịu trách nhiệm lớn như vậy chứ không thể để con mình khổ được.
Tôi thật sự cảm động rất nhiều khi bà cho biết như vậy. Thú thật còn trong hoàn cảnh tù đày lúc bấy giờ tôi thật không nghĩ ngợi gì nhiều về tương lai mà bà vạch ra cho vợ chồng con cái chúng tôi sau này, vả lại tương lai… ngày về còn mờ mịt quá, tôi không mong đợi hoặc kỳ vọng quá xa như vậy. Tôi chỉ cảm động về tấm lòng của bà đã thương yêu lo lắng cho tôi. Nội những lời nói mỗi ngày và tình thương của người Mẹ mang đến cho đứa con đã làm cho tôi thấy an ủi lắm rồi. Tinh thần tôi đã sa sút, đã thương tổn quá nhiều rồi, nên những lời nói an ủi tinh thần hoặc những miếng quà tuy đơn sơ như một miếng bánh, một món trái cây nào đó… từ tay bà mang đến cho tôi, đã làm ấm lòng và xoa dịu nỗi đau đớn trong tâm hồn tôi rất nhiều. Những món quà đã ấp ủ tình thương của người Mẹ đối với con, được bà mang đến qua từng bước đi khó khăn phải vịn vào tường dò dẫm từ phía ngoài Kiên Giam đi vào phía trong nơi Kiên Giam 6 để trao tận tay cho tôi. Những món quà như thế đối với tôi lúc bấy giờ còn quý hơn mọi thứ quý giá khác trên đời này nữa! Thử hỏi một thằng tù khốn khổ như tôi lúc bấy giờ, còn thấy có gì quý hơn thế chứ?
Một câu nói của bà đã làm tôi cảm động đến khóc mà suốt đời không bao giờ tôi có thể quên được:
- Con biết không? Ba đứa em của con (Bà ám chỉ đứa con gái lớn và hai đứa con trai của bà đang ở nước ngoài) hiện nay đang ở cảnh sung sướng, thật sự Mẹ chỉ nhớ trong lòng và hằng ngày vẫn cầu nguyện cho chúng nó thôi, chứ Mẹ không có gì phải lo lắng cho chúng nó cả. Hiện nay chính con và vợ con của con đang khổ bên ngoài mới là những người Mẹ lo lắng nhiều nhất.
Trời ơi! Ai ở vào hoàn cảnh của tôi nghe những lời như thế mà không cảm động. Bà lại còn nói:
- Từ từ con sẽ thấy người Mẹ này nói được mà có làm được hay không?
Kể từ khi nhận tôi làm con, bà kể cho tôi nghe thêm nhiều chi tiết. Mẹ tôi cho biết hiện nay bà không còn ai là thân nhân ruột thịt ở miền Nam. Những thân nhân phía bên bà đa số sau 54 còn kẹt lại ngoài Bắc. Còn phía bên gia đình chồng bà rất giàu nhưng bà cũng ít liên lạc. Trong khi tổ chức vượt biên lo cho các con bà trong những chuyến trước đây, vì để tránh sự dòm ngó chú ý của địa phương, bà đã bán nhà chuyển hộ khẩu về nhà một người bạn thân ở Ngã Tư Bảy Hiền mà bà đã giúp đỡ rất nhiều trước đây, cũng như đã từng giúp cho đứa con gái của bà bạn này đi được đến bến bờ tự do thành công, cho nên đối với bà họ luôn luôn coi như là một đại ân nhân. Sau đó bà di chuyển thường xuyên không ở cố định một chỗ nào cả để lo chuyện tổ chức vượt biên. Hiện nay đang trong tù, người bạn thân đó cũng là người duy nhất lo mọi chuyện cho bà bên ngoài.
Một hôm Mẹ tôi viết kể cho tôi biết như sau:
Lúc bị bệnh đưa đi cấp cứu nằm ở bệnh xá, bà đã móc nối được cán bộ ở đó đưa tin về nhà và từ đó vẫn giữ đường dây liên lạc này thường xuyên. Chính đường dây này là đường dây đang lo cho bà ra và hiện nay công việc đó đang tiến triển tốt đẹp. Theo như tin bên ngoài đưa vào, bà hy vọng không bao lâu nữa sẽ được về.
Ngoài ra bà cũng cho biết cả hai tên cán bộ Lợi và Hùng khu Kiên Giam ED tầng 2 ở đây bà cũng đã móc nối được luôn rồi, nhưng hai tên này bà chỉ mua chuộc sai vặt như đem thư từ, chuyển tiền vào cho bà chứ không dính dáng gì tới chuyện lo cho bà ra. Khi nào cần liên lạc với bên ngoài thì với chút đỉnh tiền thù lao, bà có thể nhờ chúng làm cho bà được. Bà còn nói rõ tuy bà có thể sử dụng cả hai tên cán bộ Hùng và Lợi này. Nhưng bà nhờ tên Lợi nhiều hơn. Bà nói ban đầu cán bộ Lợi còn ăn tiền của bà mỗi khi bà nhờ chuyển tin tức cho bà, nhưng dần dần bà cho thì nó lấy chứ không đòi hỏi, đôi khi nó cũng giúp cho bà không lấy tiền nữa. Một điều chính bà cũng ngạc nhiên không ngờ tới nữa là tên công an Lợi cũng đã gọi bà bằng Mẹ và cũng xin bà nhận nó làm con nuôi… nhưng bà đã tìm cách từ chối khéo nó. Bà thấy đã tới lúc có thể nhờ chúng nó giúp liên lạc với vợ con tôi bên ngoài cho tôi như bà đã nói trước đây nên bảo tôi sau khi đọc thư này của bà, tôi cứ việc viết sẵn một thư cho vợ tôi và bà sẽ nhờ cán bộ Lợi chuyển về cho.
Thế là ngay đêm hôm đó tôi viết ngay một bức thư thật dài kể rõ hết mọi chuyện cho vợ tôi nghe về bà mẹ nuôi, xong qua hôm sau đưa cho Mẹ tôi để bà đưa cho cán bộ Lợi chuyển về dùm tôi.
Mấy ngày sau, tôi nhận được thư vợ tôi gởi vào qua đường dây của cán bộ Lợi. Vợ tôi cho biết là đã nhận được 2 bức thư: Một của tôi và một của Mẹ tôi. Qua hai bức thư, vợ tôi đã hiểu rõ hết mọi chuyện. Ngoài ra riêng trong thư của Mẹ tôi, bà có dặn vợ tôi đến địa chỉ của nhà người bạn của bà ở Ngã Tư Bảy Hiền nhận một số tiền mà bà đã có báo trước cho bạn của bà biết rồi. Cứ đến đó nói tên ra thì bà ta sẽ đưa tiền ngay. Mẹ tôi còn an ủi vợ tôi là kể từ nay bà hứa sẽ không để con dâu của bà và 2 cháu nội của bà phải khổ nữa đâu… Quả nhiên sau đó khi vợ tôi tìm đến địa chỉ bạn của Mẹ tôi trong thư, bà bạn của bà đưa cho vợ tôi một số tiền lớn ngay không thắc mắc gì cả. Vợ tôi cho biết cảm tưởng như người ở trong mơ, không tưởng tượng nỗi đó là sự thật, vì số tiền bà bạn của Mẹ tôi đưa cho vợ tôi lớn lắm, nhất là vào thời buổi khó khăn như lúc bấy giờ.
Mặc dầu là người trong cuộc, biết rõ mọi chuyện, vậy mà khi đọc thư ở nhà gởi vào, tôi đây còn ngỡ như mình đang sống trong mơ huống chi là vợ tôi ở bên ngoài thình lình xảy ra một chuyện như vậy. Mọi chuyện đối với tôi bỗng chốc như là một chuyện thần thoại hoang đường nào đó chứ không phải là sự thật nữa! Tôi còn nhớ rõ cái cảm giác của tôi lúc đó thật khó tả. Cái cảm giác của một người vừa được ân sủng của Thượng Đế. Tôi đã quỳ ngay xuống và thành tâm cảm tạ hồng ân của chư Phật, chư Bồ Tát và cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát đã hiện thân xuống cứu vớt gia đình tôi. Đối với tôi lúc bấy giờ hình ảnh của bà Mẹ tôi là hình ảnh của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi đã thành tâm đọc bài chú Đại Bi với tất cả lòng tin tràn đầy mặc-khải. Ngay cả lúc đang viết những dòng này, tôi đã phải nhắm mắt hồi tưởng lại, trong một thoáng cái cảm giác thiêng liêng của lúc đó như đang sống lại trong tôi. Trong đời tôi đã trải qua biết bao lần thành tâm cầu nguyện vào những bối cảnh và thời điểm khác nhau… nhưng có lẽ hôm đó niềm tin tôn giáo trong tôi mãnh liệt và trọn vẹn nhất.
Mẹ tôi đã rất vui khi thấy tinh thần tôi không còn sa sút nữa, nhưng bà vẫn buồn lo vì tính "phá phách" của tôi. Những sinh hoạt của tôi trong khu Kiên Giam đối với các bạn tù ngày càng bạo hơn. Trong khu Kiên Giam lúc bấy giờ chỉ có tôi, Hồng Vân, Gió là những thằng kỳ cựu nhất. Thanh Đa, Kim Cương, Sáu Thạnh, Bồ Câu… và những người khác đều đã lần lượt chuyển đi hết rồi. Tôi chỉ tiếc một điều là không biết Thanh Đa bị chuyển đi đâu, có bị ra toà hay không? Gió thì cũng dạn dĩ lắm, nhưng phải nói chỉ có tôi và Hồng Vân lúc bấy giờ nổi tiếng lắm. Hai thằng cứ thay phiên nhau bị bắt đi biệt giam kỷ luật hoài. Tên cán bộ Hùng lại là thằng ghét và đì tôi nhiều nhất. Nó cứ canh me cố tình bắt tôi đi kỷ luật cho bằng được. Ngay chính cán bộ Lợi đã báo động cho tôi và Mẹ tôi biết là tên Hùng đang chú ý và để ý đì tôi, bảo tôi phải cẩn thận. Tức cười lắm, khu Kiên Giam ED tầng 2 có hai cán bộ Hùng và Lợi. Khoảng thời gian này cán bộ Lợi lại giúp và che chở cho tôi nhiều việc, trong khi tên Hùng gây khó khăn cho tôi và tìm cách hại tôi.
Với sự cố tình của một kẻ đang có quyền hành trong tay thì cũng không khó gì khi muốn bắt tôi. Quả nhiên tôi bị tên Hùng bắt tại trận đưa đi kỷ luật còng giò mấy lần. (Tôi sẽ kể chuyện đi biệt giam kỷ luật trong một chương khác). Mỗi lần bị phát giác và bị bắt đi kỷ luật chúng tôi lại phải đổi danh hiệu khác, vì danh hiệu cũ có thể đã bị cán bộ trong khi rình bắt biết được là ai rồi. Từ Sáu Khổ đổi qua Hai Ga, rồi Ba Thanh, Ba Long, rồi Hải Triều. Ôi thôi, tùm lum hết.
Nhưng càng bị bắt đi kỷ luật, nhất là bị bắt vì đi xe chở hàng dùm cho các bạn tù khác, hoặc đang ca hát cho những anh chị em trong tù nghe giải trí lúc "họp chợ", khi về lại càng được các bạn tù khác thương mến. Trong khoảng thời gian này có mấy người tù nữ như Quyên Quyên, Xuân, Vũ Thị Lan, Kiều Mi rất thương mến tôi. Mỗi khi tôi bị đi biệt giam kỷ luật về, ngay tối hôm đó thế nào các bạn tù cũng chuyền tin cho nhau và lên tiếng hỏi thăm tới tắp. Với nhiệt tình của bạn tù như thế, có muốn trốn tránh cũng không được. Sau đó là thư, quà, thuốc men từ các phòng khác đi xe chuyền tới cho tôi "bồi dưỡng" liên tục… Thử hỏi làm sao tôi có thể tránh né đi đâu cho được! Quyên Quyên, Xuân, Vũ Thị Lan lại ở cùng phòng với Mẹ tôi và chờ đến khuya đã từ Kiên Giam 10 tuốt bên ngoài đi "xe suốt" vào Kiên Giam 6 tiếp tế cho tôi. Còn Kiều Mi ở Kiên giam 9 đối diện tôi nên đi xe qua tiếp tế cho tôi dễ dàng. Cô Kiều Mi này nhận tôi làm anh nuôi và mỗi tối hay nghe tôi kể cho nghe những câu truyện tôi đọc được trong sách vở trước đây, nên Kiều Mi rất thương tôi. Mỗi khi tôi đi kỷ luật về là đêm đó thế nào cô ta cũng nhảy lên song sắt hỏi han tôi đủ thứ. Những chuyện linh tinh như vậy làm cho Mẹ tôi buồn lòng không ít.
Sau một lần tôi bị bắt đi biệt giam kỷ luật về, Bà đã viết cho tôi:
- Con biết không Mẹ đã phải lo lắng biết là chừng nào mỗi khi con bị đi kỷ luật. Mẹ cứ suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Cái cảm giác nhìn con mình đang bị nạn mà không giúp được gì làm cho Mẹ đau đớn lắm con biết không? Thôi con đừng bướng bỉnh phá phách nữa. Đừng leo lên song sắt ca hát ban đêm nữa. Ai làm gì mặc ai, con cứ ráng ẩn nhẫn qua ngày đi. Ngày về của Mẹ cũng sắp tới rồi, theo như tin tức bên ngoài đưa vào thì sẽ không bao lâu nữa Mẹ sẽ về. Khi ra được bên ngoài rồi thì Mẹ sẽ rộng đường lo lắng cho con và vợ con của con. Nhưng Mẹ nói hoài mà con không chịu nghe. Con cứ lung tung cả lên như vậy quả thật làm cho Mẹ không an lòng. Đã vậy, nhìn thấy sự quan hệ giữa con và mấy cô ở đây Mẹ lo quá. Con còn đang ở trong tù, bên ngoài vợ và hai con của con đang khổ cực, ngày đêm lo lắng. Con phải làm sao chứ để vướng vào tình cảm với mấy cô ở đây và làm vợ con đau khổ sau này là Mẹ dù thương con cách mấy cũng sẽ không thể bênh vực cho con được đâu.
Câu chuyện của con và con Nai cả cái Kiên Giam này ai cũng biết đã khiến Mẹ không vui rồi. Là một Phật Tử chân chính con không thể có cái Tâm sai trái như thế. Mẹ khuyên con nên khéo xử làm sao để chuyện quen biết với mấy cô ở đây thì chấm dứt tại đây, chứ không thể kéo dài khi ra ngoài được. Mẹ còn nhiều chuyện lớn lo cho con sau này, không muốn phải lo giải quyết chuyện gia đình xào xáo vớ vẩn của con sau này được. Con hiểu không?
Mẹ tôi chưa bao giờ viết cho tôi một bức thư dài như thế, Bà la mắng tôi quá trời! Nhưng chuyện này thì oan cho tôi quá. Mấy cô Quyên Quyên, Xuân và Vũ Thị Lan này quả thật có cảm tình với tôi thật. Nhưng đối với tôi, chỉ là tình cảm như của người anh đối với mấy cô em gái thôi. Quyên Quyên là một cô giáo. Xuân thì gia đình có sạp vải ở chợ Tân Bình, cô phụ cha mẹ buôn bán, còn Vũ Thị Lan nhà ở Hố Nai gia đình làm nghề may mặc áo cưới cho cô dâu. Mấy cô này rất thích nghe tôi hát mỗi đêm và tôi chỉ xem như các cô em gái mặc dù không chính thức kết nghĩa anh em như tôi với cô Kiều Mi ở Kiên Giam 9.
Tuy nhiên tôi cảm động và ân hận lắm khi thấy đã mang lại cho Mẹ tôi bao nhiêu lo lắng như vậy… nhưng thử hỏi tôi còn làm được gì khác. Tôi đã phải thanh minh với Mẹ tôi điều này và đoan chắc là sẽ không có gì xảy ra đâu cho Bà an tâm.
Không bao lâu sau đó thì Mẹ tôi được thả về. Bà được thả vào buổi chiều, Bà đã xin đến Kiên Giam 6 báo cho tôi hay, nhưng không được chấp thuận. Tôi không hay biết gì hết. Ngay sau khi công an đóng cửa sắt đi xuống dưới không bao lâu thì Quyên Quyên gọi báo cho tôi biết:
- Ba Long ơi! (Lúc này danh hiệu của tôi là Ba Long).
- Nghheee.
- Lên đài đi.
Tôi nhảy lên song sắt liền.
- Anh biết tin gì chưa?
- Tin gì? Đâu có nghe nói gì đâu?
- Mẹ về rồi.
Tôi sững sốt với cái tin đột ngột này, cơ hồ như không tin vào đôi tai mình và chưa kịp có phản ứng gì thì Quyên Quyên nói tiếp:
- Mẹ về hồi chiều trước khi phát cơm một chút.
Giọng tôi như lạc hẳn đi:
- Mẹ có nói gì không? Em thấy bà bước đi có khoẻ không?
- Mẹ có xin đến gặp anh nhưng cán bộ Hùng không cho. Bà bảo mấy tụi em cho anh biết là anh cứ yên tâm đi. Bà bảo đã nói gì với anh thì sẽ làm đúng như vậy. Ngay khi về Bà sẽ nhắn tin vào. Anh đừng lo gì cả.
Tôi vẫn chưa hết xúc động, hỏi lại Quyên Quyên:
- Cái đó anh biết rồi. Em thấy Mẹ khi đi, bước đi có vững không.
- Mẹ bước đi cũng yếu lắm, nhưng có lao động Xáng giúp, chắc không sao đâu. Bà để lại giỏ đồ ăn cho anh ở đây nè, mai em sẽ nhờ lao động chuyển cho anh.
Tôi cám ơn Quyên Quyên và xuống nằm vắt tay trên trán, đầu óc cứ đầy ắp hình ảnh của Mẹ tôi đang dò dẫm từng bước vịn vào tường tập đi với gương mặt và nụ cười phúc hậu của Bà. Nước mắt tôi chảy dài ra hồi nào không biết.
Đêm đó là đêm đầu tiên tôi không tham gia sinh hoạt "họp chợ" ở khu Kiên Giam, mặc cho lời kêu réo tên tôi của các bạn tù bên ngoài. Tôi ngồi cả đêm cầu nguyện và nhớ về Mẹ tôi, cầu xin cho Bà sớm tìm được thầy hay, thuốc tốt để đôi chân có thể đi đứng khoẻ mạnh lại như xưa. Kể từ khi Bà được về, tôi thấy an tâm về mặt gia đình ở bên ngoài lắm. Một mặt Mẹ tôi có cơ hội chữa lành bệnh, mặt khác vợ con tôi bên ngoài chắc chắn sẽ được Bà lo và như vậy đời sống vật chất không còn khó khăn nữa. Tuy nhiên tôi buồn và nhớ Bà rất nhiều. Khoảng thời gian này nhiều biến đổi, các bạn thân của tôi lần lượt đổi đi hết kể cả Hồng Vân, Thanh Đa… Chỉ còn có tôi và Gió là kỳ cựu nhất. Tôi đâm ra ít nói, ít tham gia sinh hoạt "họp chợ" hoặc hát hò nhiều như trước nữa.
Khoảng mấy ngày sau khi Mẹ tôi về, tôi nhận được thư của Bà và thư vợ tôi do cán bộ Lợi chuyển vào. Bà không nói gì nhiều về bệnh tình của bà, chỉ vắn tắt cho biết Bà đang ở nhà một đứa cháu họ mà Bà giúp đỡ trước đây để chữa bệnh và đang châm cứu hai chân mỗi ngày. Ngoài ra suốt cả bức thư dài Bà chỉ nói về chuyện của vợ con tôi và tôi! Bà cho biết ngay sau khi về, qua hôm sau bà cho người đến nhà đưa thư của Bà cho vợ tôi bảo lên gặp Bà gấp. Gặp vợ tôi, Bà đã cho biết tình hình chi tiết hơn về Bà và hỏi han vợ con tôi tất cả những sinh hoạt, khó khăn bên ngoài như thế nào cứ nói hết để Bà hiểu rõ hơn và giải quyết cho. Bà nói khi Bà nhìn hai đứa con của tôi và thấy thương chúng quá sức. Bà đã ôm vợ và hai con tôi vào lòng và hứa là từ nay sẽ không để cho gia đình chúng tôi khổ nữa, sau đó Bà mời Má ruột tôi đến, kể cho Má tôi nghe những diễn tiến về tình Mẹ con kết nghĩa trong tù và tâm sự với Má tôi là Bà xin được chia sẻ trách nhiệm với Má tôi để lo cho tôi và vợ con tôi. Cả một lá thư dài, Bà chỉ nói về Bà có hai ba hàng và bảo tôi đừng lo lắng gì cho bà. Trong khi đó cả phần còn lại của bức thư chỉ hoàn toàn lo cho gia đình tôi mà thôi, trong khi sức khoẻ của Bà vẫn còn đang rất yếu kém! Bà đối với tôi như vậy bảo tôi làm sao mà không xúc động cho được. Bức thư của vợ tôi cũng tương tự như vậy cho biết là sau khi vợ con tôi lên gặp Mẹ tôi rồi thì Bà lo lắng đủ thứ hết mặc dầu còn nằm một chỗ và bảo tôi đừng có lo nghĩ gì cả.
Tính đến thời gian này thì tôi đã ở trong Chí Hòa hơn 3 năm rồi, nhưng kể từ đó những ngày tù của tôi trong Chí Hòa không còn cảm thấy quá khó khăn nữa. Ngoài những nhớ nhung và nỗi nôn nóng được sớm đoàn tụ cùng gia đình vẫn thiêu đốt trong tôi không ngừng nghĩ, tôi không còn có tâm trạng lo lắng cho vợ con bên ngoài như trước đây. Tôi liên lạc thường xuyên với gia đình một cách đều đặn và "an toàn" qua đường dây cán bộ chuyển thư đi, về cho chúng tôi. Đời sống tinh thần của tôi không còn quá căng thẳng, còn đời sống vật chất thì phải nói là không còn thiếu thốn nhiều như trước đây. Những giỏ quà thăm nuôi mỗi tháng một lần từ nhà gởi vào giờ đây đã "nặng" hơn và đầy đủ hơn, ngoài ra ở trong tù lúc này hễ thèm gì, thích gì thì tôi có thể nhờ cán bộ ra ngoài mua dùm cho tôi ăn uống được, kể cả thỉnh thoảng cũng có chút rượu … Nói chung đang từ một tên tù "bạch đinh" khó khăn đủ mọi thứ từ tinh thần tới vật chất, kể từ khi Mẹ tôi về tôi bỗng dưng thấy mình trở thành một loại tù "trưởng giả". Hình như bài chú Đại Bi Mẹ tôi đã vất vả chép cho tôi hơn một tháng trời trước đây và sự tin tưởng trì niệm của tôi mỗi ngày đã bắt đầu ứng nghiệm. Trong niềm tin của tôi lúc bấy giờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát qua hiện thân của Mẹ tôi, đang giơ tay ra cứu vớt đời tôi.
Gửi ý kiến của bạn