BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 78624)
(Xem: 63529)
(Xem: 41016)
(Xem: 32614)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bên lề Hà Nội

07 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 2447)
Bên lề Hà Nội
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
41
Lời phi lộ

Tôi đã không viết về Hà Nội vì một lý do rất đơn giản là tôi đã xa Hà Nội hơn 50 năm rồi, hồi đó mới lên 9 chưa biết gì nhiều, và tới nay là hơn một nửa thế kỷ, thời cuộc đổi thay cũng nhiều lắm.



Nhưng mặc dù bề dày lịch sử 1000 năm đã được nhiều người mang ra mổ xẻ, vẫn còn thấy nhiều thiếu sót, giống như thể có những lổ hổng chưa được bít lại trên một mái nhà.

Cho nên tôi mạn phép mời quí vị tới thăm cái thế giới Hà Nội nhỏ bé mà tôi đã lớn lên, là một lỗ hổng chưa có ai lưu tâm tới, một cái cõi nhân sinh tuy khiêm tốn nhưng chưa bao giờ phai mờ trong ký ức.

Cỏi nhân sinh ấy là phố Hưng Ký, vùng chợ Mơ, thời điểm những năm 1950...

Chợ Mơ

Để tới chợ Mơ, người ta có thể đón tầu điện từ Hồ Gươm.

Tầu đi Chợ Mơ lúc nào cũng chật cho nên cái may để có một ghế ngồi là hiếm lắm, nhưng thanh niên Hà Nội hồi đó rất là 'galant', họ sẽ ngả mũ nhường ghế cho quí bà quí cô. Trông lịch sự 'cứ' như là 'Tây thật'!

Khi ông tài xế kéo cái 'cần câu điện' lên phía trước và móc vào hàng dây điện ở bên trên thì chiếc tầu sẽ rung rinh chuyển bánh trên đường sắt. Bây giờ hành khách sẽ một tay bám lấy xà ngang và một tay kia lấy sẵn ra một 'hào', vì 'thày kiểm vé' sẽ đi qua ngay. 'Thày' là tên gọi của các quí công chức thời đó, ông ta thoăn thoắt đi từ dưới lên trên, tay nhận tiền, tay phát vé, len lỏi qua cái boong tàu chật ních người. Mọi người sẽ được ông ta hỏi trước khi chiếc xe dừng ở trạm kế tiếp.

Một hào là vé đồng hạng. Chợ Mơ là trạm cuối cùng, đường xe điện chấm dứt ở đây trước cửa một rạp 'xi nê ma' Ngọc Hồi (?). Khi xuống xe, hành khách phải chìa vé cho một thày đội 'phú lít' (Cảnh sát) đứng đón ngay cửa.

Có vị sẽ hỏi nếu muốn chạy xe tới thì sao, hồi đó có xe đạp là 'sang' lắm, nhất là lọai xe Peugeot hay là xe 'cua' (course, sport). Cảnh một ông chồng mặc áo 'vét tông' chỉnh tề, một tay dắt xe Peugeot, một tay dẫn con, bánh xe chiếu lấp lánh, thằng con trai mặc 'quần sọoc áo sơ mi', còn bà vợ thì 'guốc cao, quần lãnh, áo lụa, tóc vấn tròn' bế đứa con gái 'váy đầm' ríu rít theo sau, cảnh một gia đình như thế là 'bảnh' lắm.

Vậy con đường chạy xe đạp là theo lối Đinh Tiên Hòang trực chỉ hướng Nam, đường sẽ đổi tên nhiều lần mặc kệ, cứ việc đi cho đến hết đường (hồi đó) thì đến chợ Mơ.

Tôi còn nhớ nhiều buổi tối được thầy (bố) 'đèo' (chở) xe đạp về nhà. Xe lọc cọc lăn trên đường vắng giữa phố phường 'hoa đăng muôn sắc'. Nhưng khi đi qua Chùa Vua thì đèn phố bắt đầu rải rác, để nhường lại cái không gian riêng tư tĩnh mịch cho hai 'bố con'.

Tại Chợ Mơ vào buổi sáng, quí vị sẽ phải len lỏi qua nhiều hàng rong, gồm cả hàng cá hàng thịt nhiều mùi. Dân ngọai thành mang sản phẩm tới bán từ 'lúc tinh mơ', họ bày hàng chật đường, lấn cả cửa vào chợ, tới xế trưa thì về hết. Qua khỏi chợ là một ngã ba, lối bên phải đi về Bạch Mai, còn bên trái là đường Hưng Ký.

Đây là vùng ngọai ô.

Chùa Hưng Ký

Đường Hưng Ký lúc này còn quang đãng, một bên là phố còn bên kia vẫn là đồng ruộng. Làng Quỳnh thấp thóang ở đằng sau ruộng lúa. Đi xa nữa theo đường Hưng Ký thì đến Nghĩa Địa.

Ngày nay đường Hưng Ký đã đổi tên thành đường Minh Khai thì phải?

Hưng Ký còn là tên của một ngôi chùa không xa chợ Mơ là bao nhiêu. Do ông bà Hưng Ký xây, còn có tên gọi là Chùa Mới. Mỗi chiều trẻ con thường lang thang tới chùa, đi qua chiếc cổng tô vôi màu vàng nghệ, rồi vào chùa ngắm cảnh địa ngục với những tượng quỷ dữ đỏ hoe đang phanh thây kẻ có tội. Vào tới chánh điện thì có nhiều tượng phật vàng óng ánh, gương mặt hiền từ, khói nhang nghi ngút, quang cảnh lung linh u uẩn. Việc tới chơi chùa không bao giờ bị cấm cản cả, có nhiều khi còn đựơc cho ăn ỏan.

Chùa nằm sâu bên đường, trước cổng là một sân cỏ và một ao nước rộng đám trẻ dùng làm nơi tụ tập tắm gội mỗi chiều. Trên sân lúc nào cũng có con trâu ăn với một gã mục đồng ngồi chỗm chệ trên lưng.

Chiến tranh

Nhiều đám con nít ở vùng chợ Mơ tụ tập thành nhiều 'đảng' (băng đảng), hồi đó có người rủa chúng là những 'lũ du côn' hoặc 'tụi con nhà mất dạy', nhưng thực sự chỉ là những đứa trẻ ham chơi rỗi rảnh mà cha mẹ lại bận rộn không có thể chăm sóc từng giờ. Chúng tụ tập đánh bi đánh đáo hoặc chơi khăng, có lúc giàn hàng đánh trận với nhau, thường là ném đất qua những thửa ruộng. Vết 'sẹo' trên đầu của tôi là dấu tích của một cuộc thư hùng với đảng làng Quỳnh.

Và cũng có đứa chết vì tai nạn. Đó là thằng Quấy, nó chết đuối. Ngày chôn nó, đám bạn bè chúng tôi bảo nhau tặng tất cà đồ chơi cho nó. Nhiều cánh quạt giấy quay vù vù trên một ngôi mộ đất vàng mới được vun lên. Gió lạnh thổi, ruộng lúa quạnh hiu gờn gợn sóng...

Cũng trên những ruộng lúa vàng này mà nhiều lần cảnh chiến tranh thật đã diễn ra. Những máy bay 'khu trục' đi oanh tạc ở khắp nơi thường trở về bay ngang qua phố Hưng Ký. Cứ mỗi lần nghe tiếng động cơ nổ khụt khịt là người dân hò nhau chạy ra nhìn lên trời quan sát. Những chiếc máy bay bị trúng đạn trông có vẻ như là một con chim bị mắc nghẹn nhưng vẫn gắng gượng giang cánh bay về tổ. Có khi một làn khói đen cuồn cuộn phun ra, con chim sắt rít lên rồi chao đảo 'đâm xầm' xuống ruộng. Khói lửa bùng lên, trên không trung nở rộ ra một cánh dù trắng. Dân chúng đua nhau chạy tới xem người phi công vừa may mắn thóat chết... thì ra vẫn là một ông 'Tây trắng mũi lõ'...

Phố xá

Có một ông Tây thuê phòng bên cạnh nhà để chứa một cô 'me Tây'. Cô ta thoa son để tóc 'phi dê' (uốn). Ông Tây thỉnh thỏang mới về thăm nhà và không bao giờ ở qua đêm. Còn cô me Tây thì tìm cách tránh mặt hàng xóm. Cho tới một lần khi cô nàng đi qua nhà tôi mua cà nén thì bà mẹ tôi tìm cách hỏi thăm và thế là trở thành thân, cô ta nhẩy đầm giỏi, nhưng luôn luôn cúi đầu giữ vẻ khiêm nhường bẽn lẽn.

Nhà bên đó cũng còn có một 'nhà Hộ Sinh' do hai cô đỡ xinh trẻ mặc áo trắng, tuy giương bảng lên là 'nhà hộ sinh' nhưng chỉ thuê có một phòng sau, lấy màn ngăn ra nhiều khu. Hai cô đỡ vẫn còn độc thân và cũng rất thân thiết với gia đình tôi, mỗi tối các cô lân la qua trò chuyện, mẹ tôi cứ đòi làm mai mối nhưng các cô vẫn chẳng chịu đám nào, ấy thế mà vẫn cứ sang.

Có một lần tôi đi ngang qua nhà hộ sinh, nghe có tiếng la lối xuyên qua cửa sổ, tò mò tôi vén màn nhìn vào thì thấy một thai nhi còn đỏ hỏen đang co người mà khóc, dây nhau còn lòng thòng vấy máu. Bỗng một bàn tay túm lấy cổ tôi lôi ra, thì ra là cô đỡ trẻ, bắt được tôi tại trận...nhưng cô ta chỉ biết chỉ trỏ, không nói được lên lời, ra vẻ tôi là thằng con trai mà làm như vậy thì xấu lắm và híp mắt cười rũ rợi.

Xa hơn nhà hộ sinh nhưng vẫn còn trong tầm mắt là một hãng làm 'than quả bàng', lọai than đá nghiền chung với đất rồi nắm thành cục. Những anh lao công đen đủi nhào những than đá đã được cán thành bụi với bùn rồi nén qua những khuôn của một trục bánh xe bằng gang, bánh xe to lớn với bề kính cao hơn đầu người và ở trên mặt bánh xe có những khuôn nhỏ to bằng nắm tay đúc lõm xuống. Sự di chuyển bánh xe là do sức người, than được đổ vào một đầu và khi vòng bánh quay qua đầu bên kia thì những quả than giống như trái bàng cũng đã được nắm xong, sẵn sàng mang ra phơi khô. Than quả bàng giá rẻ nhưng mau tàn, người ta vẫn thích than đá hơn.

Xa hơn nữa là một hãng thổi ve chai, người nào cũng ở 'trần trùng trục', mồ hôi nhõa nhuệ trước một lò than đỏ rực. Lò than nung một thau thủy tinh từ các ve chai đã vỡ. Những người thợ dùng một ống sắt nhỏ và dài nhúng vào khối thủy tinh lỏng rồi thổi hơi vào đầu bên kia. Thủy tinh nở phồng ra như một bong bóng, người thợ mau mắn ép vào một cái khuôn, rồi nhúng ngay vào một bồn nước lạnh, khói trắng tủa ra nghi ngút. Khi làn khói tan đi thì một cái chai đã thành hình mầu xanh lục. Người thợ cắt ống thổi ra khỏi cổ chai và tiếp tục công việc làm cái chai khác.

Rỏ ràng đây là một khu phố thủ công lao động.

Cây me

Giữa khu phố đó, nhà tôi ở số 30 đường Hưng Ký, Bạch Mai, Hà Nội.

Đó là một căn nhà ngói một tầng, có chiều sâu, chia làm hai gian phần ở giữa có sân và bể nước, sân nhà có tường cao với bờ tường gắn nhiều mảnh chai vỡ để chống ăn trộm. Mặt tiền của nhà thì mẹ tôi mở một cửa hàng bán tạp hóa nhưng ban đêm thì dọn làm phòng ngủ, nhà phía sau có nhiều phòng cho thuê, trong số người thuê có một văn sĩ và một gia đình thợ thêu, họ phục vụ cho các thân chủ ở ngòai phố. Đông người ở như vậy mà cuối nhà vẫn còn một chỗ trống cho một chuồng lợn nhỏ, nằm bên cạnh lu nước tiểu và cầu tiêu, mẹ tôi nuôi một đôi lợn ỉ (Potbelly pig).

Trước nhà có một cây me và một cây bàng. Cả khu phố Hưng Ký nhà nào cũng trồng hai cây như thế. Dưới bóng mát của cây me thường có các bà bán hàng rong đặt gánh.

Tuy có Me nhưng hình như người Hà Nội không dùng để nấu canh chua thì phải, họ dùng quả Sấu. Cây Sấu được trồng thành hàng bên nhiều con đường để làm bóng mát. Quả Sấu chín có vị chua ngọt. Sấu còn là nơi sinh trưởng của Cà Cuống. Mỗi đêm đứng dưới đèn đường, nhiều khi tôi bị Cà Cuống bay xà xuống bám vào ngực áo, chỉ việc gỡ ra mà bắt lấy. Nấu canh Sấu thì dùng cá chiên, không dùng cá sống như ở miên Nam, có Đậu Phù (Tầu Hũ) được thái mỏng và chiên lên, có Bạc Hà (Dọc Mùng), có Thì Là... Khi ăn thì cắt 'đít' Cà Cuống mà nhỏ vào cho dậy mùi. Hương vị bát canh là một bản hợp ca, chua và ngọt, bùi và béo...thật tuyệt!

Cũng dưới cây me này tôi đã chứng kiến một cảnh thưong tâm của thời chiến, một tên ăn trộm bị người dân trong hẻm bắt được trong đêm, họ trói hắn vào gốc me, vì hắn mặc quần áo 'nhẩy dù' cho nên không ai dám đụng đến hắn, họ giữ hắn ở đó đợi 'phú lít' tới, vẻ mặt hắn lờ đờ mệt mỏi, con mắt đã mất thần tuyệt vọng. Không may cho hắn một chiếc xe lính nhẩy dù đi ngang. Chiếc xe dừng lại, ông 'xếp' nhảy xuống chống nạnh hỏi chuyện, gương mặt bực tức, và khi 'xếp' tuyên bố một câu lạnh lùng "mày làm nhục nhảy dù, mày đáng chết" thì lập tức cả tóan lính trên xe ào xuống thi nhau đấm đá chửi bới...Khi cái thân mềm nhũn của hắn bị lôi đi rồi, tôi vẫn còn thấy vết máu, chó liếm chưa hết, dính trên gốc cây nhiều ngày sau đó.

Ở phía bên kia đuờng là một giếng nước công cộng nằm ngay cạnh bờ ruộng. Hồi trước là một giếng đào, người dân tấp nập kín nước ngày đêm cho nên nước thì đục và giếng thì lầy lội, khu phố hồi ấy chưa có ống nước, mọi nhà đều xây bể nước mưa để uống, còn nước rửa thì nhờ vào cái giếng công cộng ấy. Về sau 'Tây' đặt một ống sắt xuống lòng đất để lấy nước mạch lên, đặt cần bơm tay và lát xi măng chung quanh, nhờ đó có nước trong và mặt giếng thì cũng khô hơn. Lợi dụng có giếng nước, nhiều người đã cuốc đất bên đường đắp thành luống để trồng rau 'Diếp' quanh năm, do đó cứ mỗi chiều là thấy cảnh những cô gái gánh nước tưới rau rất nhộn nhịp.

Hàng rong

Cùng với lúc các cô gái rủ nhau ra giếng thì một ông bán 'phá xa' cũng xuất hiện. Ông ta đi dọc khu phố, miệng rao hai tiếng "Phá...Xa!", tay cầm một cái nhạc bằng tre và đánh lên những tiếng tách tách theo nhịp chân đi. Mỗi khi nghe tiếng ông ta rao hàng thì chúng tôi túa ra mua lạc rang của ông. Đây là một lọai 'đậu phụng da cá' còn nóng hổi, một món hàng rong mà trẻ già đều thích.

Hàng rong tại phố Hưng Ký thì nhiều, giờ nào thức ấy, từ sáng tinh mơ đã nghe lanh lảnh hai tiếng 'bánh tây'. Đó là thứ bánh mì bagette từ các lò mới rỡ ra, trao cho các em bé mang đi bán lẻ. Mỗi sáng mùa đông của miền Bắc gió thổi, hé cửa lùa gọi hàng bánh tây tới, nhận những tấm bagette còn nóng hổi từ bọc vải rút ra, mà rồi chạnh lòng cảm thương cho các em nhỏ đang chịu cảnh cóng lạnh ngòai sương gió.

Vào những sáng đẹp trời hơn thì mẹ tôi kêu hàng cháo lòng lại. Kêu một hàng thì lập tức các hàng khác cũng đổ xô đến vây quanh. Thành thử vỉa hè nhà tôi trở thành một khu chợ nhỏ, hàng xóm cũng nhân đấy tới mua điểm tâm, có cháo lòng, cháo sườn, sôi lạc, sôi đậu, cốm xanh...

Nhưng món 'ăn quà' mà những đứa trẻ thích nhất vẫn là 'kem' (cà rem cây) do một đứa trẻ mang đi bán. Nó đeo một cái phích to hơn thân nó, chứa được khỏang hai từng kem. Đó là một thứ nước đường có pha màu và đông lạnh thành đá, nhưng đám trẻ mùa hè chúng tôi thì thích lắm. Sau này khi có dịp vượt qua cái ranh giới của chùa Hưng Ký mà đi xa hơn về phía nghĩa địa thì chúng tôi khám phá ra rằng cái hãng làm kem chẳng ở đâu xa, cũng là cùng trong khu phố mà thôi. Họ là những người nhập cư mới tới, di cư về Hà Nội để tránh chiến tranh, họ dựng nhà gỗ bên phía ruộng, mỗi ngày họ xay những cối kem ngay trước cửa nhà.

Phát triển

Những người di cư mang đến cho khu phố nhiều dịch vụ mới, nhưng đồng thời cũng đưa đến những xô xát và tranh cãi. Lúc đó thầy mẹ tôi đã xây thêm một căn nhà thứ hai, số 105, cạnh những căn nhà mới dựng. Một anh thợ rèn từ vùng Nghệ cũng dựng một lò rèn ở ngay cạnh nhà. Tranh cãi đã xảy ra khi anh ta gác mái lên tường và đặt lò lửa vào sát nhà tôi. Mẹ tôi là một phụ nữ 'cũng chẳng tay vừa', bà làm 'rùm beng' lên như kiểu một con gà mái bênh con, và vì thế mà anh ta phải chịu thua. Tuy gây gỗ với mẹ tôi, nhưng anh ta lại 'hiền như bụt' với tôi, anh không có con trai, thường rủ tôi vào nhà xem anh ta rèn dao. Anh thường mua vỏ đạn đại bác bằng đồng thau, nung nóng lên và rèn thành những bình hoa.

Anh ta dọa nếu cách mạng thành công thì sẽ lấy búa đập vỡ nhà tôi ra. Năm 1954 khi chúng tôi đã đi rồi thì ông nội tôi có ghé qua căn nhà ấy một lần, ông tôi cho biết nó đã không bị phá nhưng đã bị nhiều người nhập cư chiếm đọat.

Nhưng trước khi sự kịên đó xảy ra thì khu phố Hưng Ký lớn rất mau, một hàng dệt 'chiếu cói' được mở ra, rồi thêm một nhà hàng làm chõng. Phía sau dãy phố, nhiều căn nhà đất đã được dựng lên nối dài thêm những con đường hẻm, khu đầm lầy nay trở thành ruộng rau muống và chẳng mấy chốc các ngõ hẻm đã trở thành những khu phố nhỏ.

Trước nhà tôi, các ruộng lúa khuất dần, thay thế vào là một trường tư thục mà tôi cũng là học trò, và một quán ăn mà đứa con trai của chủ quán, hơn tôi một tuổi, hiền lành và kiên nhẫn hơn tôi nhiều, đã trở thành người bạn chí thân của tôi. Trước ngày di cư, khi giã biệt, chúng tôi có hẹn khi nào thanh bình thì sẽ tìm gặp nhau. Tôi hỏi làm cách nào để tìm lại nhau đây thì Khanh trả lời hãy đăng báo mà tìm, tên nó là Khanh, Nguyễn Phi Khanh thì phải...Tôi chưa có dịp về Hà Nội đăng báo bao giờ.

Tình đời

Nói tới báo chí thì một người thuê nhà làm văn sĩ, ông ta sau này nổi tiếng với bút hiệu TH. Lúc đó ông còn trẻ và đang ở tuổi yêu đương.

Khi viết về Hà Nội, người ta thường bàn quá nhiều về những câu chuyện tình đến nỗi đã trở thành 'sáo'. Cho nên tôi xin vắn tắt câu chuyện văn nghệ này. TH là một văn sĩ nghèo, tiền viết sách vào ra thất thường, có một người yêu làm ý tá ở bệnh viện Bạch Mai, mỗi buổi chiều nàng đều mang cơm tiếp tế cho chàng. Nhưng TH bắt đầu than phiền rằng càng ngày nàng càng trở niên phiền nhiễu.

Một lần kia nàng giận, và thay vì một lồng cơm thịnh sọan thì nàng mang đến một lồng...gan người chết, rồi bỏ đi.

Lúc đó TH sợ gần phát điên, run cầm cập và khóc sướt mướt. Mẹ tôi đã nghiêm nghị cảnh cáo cô nàng y tá sau đó.

Sau này vào năm 1954 khi người ta bàn luận có nên di cư vào Nam hay không thì cô nàng cho TH hay nàng là một cán bộ nội thành và yêu cầu ông ở lại. TH đã bỏ trốn vào Nam. Lần cuối tôi nghe về ông ta thì biết ông là một chánh sở của bộ Chiêu Hồi tại Saigon.

Một người thuê nhà số 105 cũng là một nghệ sĩ nghèo chưa nổi tiếng. Ông là nhạc sĩ, thường hội họp với bạn bè để tập hát bài "tôi còn có mỗi cây đàn, tôi đem bán nốt tôi theo cô hàng chè xanh...".

Các nghệ sĩ thường hay thức khuya làm phiền hàng xóm cho nên mẹ tôi đã 'ra luật' cấm cửa vào lúc 10 giờ. Họ là những người lúc nào cũng vui đời, ngoan ngõan nhưng hay phá rào và thích khoe khoang. Một hôm ông ta mừng rỡ và hãnh diện khoe với mọi người rằng báo Ánh Sáng (?) đã có một bài 'không tiếc lời khen' bản nhạc do ông trình diễn tại hội chợ. Ông thích nhất là câu bình phẩm "quan tòan quyền (Pháp) đã cười đến nỗi rung ra khỏi ghế tới cả thước tây". Ông vừa đọc báo vừa giang tay dài ra cho đúng một thứơc tây, thích thú lắm.

Người Mỹ

Người ta nói 'nhà báo nói láo ăn tiền', nhưng khi mô tả một ông Tây mà 'rung ra khỏi ghế ngồi' như thế thì một cách bóng bẩy nhà báo đó đã tiên đoán ông Tây ấy sắp phải than khóc vì cái ghế toàn quyền sắp rơi. Thực vậy lúc đó thời thế đã rối ren rồi, bằng cớ mỗi ngày Chúa Nhật đi dự lễ tại nhà thờ Bạch Mai, trên đường đi tôi thấy nhiều tóan lính đóng trạm kiểm sóat, gặp những thanh niên có dáng khỏe mạnh là họ lùa lên xe hết, họ bắt lính cho những chiến trường đang sôi động.

Người ta đồn thổi có một phái đòan Mỹ đã đến Hà Nội. Người lớn xôn xao lắm, vì lúc ấy Thủ Tướng vừa tuyên bố sẽ không bỏ Hà Nội. Họ tụ tập dăm bẩy người bàn cãi hoang mang. Không biết họ bàn về vấn đề gì nhưng riêng đám nhỏ chúng tôi thì cũng căng thẳng không kém, chúng tôi cãi nhau về việc một người Mỹ thì trông giống như thế nào, có giống Tây trắng không, cao lớn bao nhiêu, ăn mặc ra sao. Qua nhiều cuộc thảo luận sôi nổi, kết luận là người Mỹ thì phải đỏ vì họ là giống Da Đỏ 'mà lại', dĩ nhiên vì họ ở 'Tân Thế Giới' cho nên nhất định phải to và cao hơn bình thường, họ mặc đồ Cao Bồi như trong 'xi nê' và nhất định họ ăn cơm với chocolat vì theo lời đồn thì họ hay ném chocolat cho các đám con nít...và chúng tôi hẹn nhau phải rình cho bằng được một người Mỹ, hẹn sẽ báo động cho nhau biết.

Rồi thì tin báo động cũng được loan truyền ra. Một chiếc xe díp ngừng lại trứơc phố hỏi thăm, thầy tôi và nhiều người khác ra đón tiếp. Thầy tôi trước thời chiến tranh là một viên thông ngôn, khi Nhật đảo chính thì về quê làm ruộng, tới khi Bảo Đại về chấp chính thì gia nhập Bảo Chính Đòan, lo canh gác cho phủ Thủ Hiến Bắc Việt, ông là đội trưởng. Lúc đó nhiều tiểu đòan quân Việt Nam đã rút về làng Quỳnh, và người Mỹ này muốn tới thăm.

Ông ta là một linh mục mặc áo chùng thâm. Ông nói tiếng Việt.

"Tôi tên là Nhân", ông tự giới thiệu mình với đám trẻ chúng tôi sau khi kết thúc cuộc nói chuyện với người lớn.

"Thưa ông, có phải ông là người Mỹ không ạ?"

"Phải đấy, tôi là người Gia Nã Đại ở bên Mỹ Châu".

Đó là linh mục 'Gérard Gagnon Nhân', một linh mục nổi tiếng của Dòng Chúa Cứu Thế, ông đã ở Việt Nam lâu năm, nói tiếng Việt sõi hơn cả người Việt, ông nghiên cứu tường tận về đạo Khổng và viết nhiều sách. Lúc đó ông muốn dâng lễ Chúa Nhật cho các gia đình binh sĩ mới về.

Ngày Chúa Nhật đó gia đình tôi tới làng Quỳnh. Nơi dâng lễ là một ngôi chùa đổ nát mới bị bom tàn phá, chỉ còn lại hai bức tường lỗ chỗ nhiều vết đạn. Một cái bàn thô sơ được mang ra và Cha Gagnon đứng bên cạnh giảng thuyết. Ông mở đầu rất trịnh trọng bằng một lời dạy của đức Khổng: "Nhân chi sơ tính bản thiện".

Nhìn quanh chùa, tôi thấy có một bức tượng nữ thần nhiều tay cầm gươm nhảy múa, đã vỡ, trên tường có nhiều hình nổi mô tả những cung nữ mặc áo hở rốn, sát nóc nhà là một đường viền trạm trổ với nhiều bộ vú của đàn bà trông như những nửa trái banh nằm sát nhau. Phải chăng đây là một ngôi chùa Ấn Giáo không? Phải chăng họ thờ nữ thần Kali, hiện thân cho giết chóc và đồng thời cũng là hiện thân cho tình mẫu tử, một thể hiện cực kỳ mâu thuẫn?

Cha Gagnon nói rằng loài người là vốn nhân lành nhưng đã sa đọa trở thành tội lỗi mà hình phạt là sự đau khổ.

Bài giảng thấm thía làm nhiều người khóc.

Thoát nợ

Trên đường về tôi chú ý xem có những khuôn mặt quen thuộc nào không. Những đứa trẻ làng Quỳnh năm nao vẫn thường tranh hùng với bọn trẻ chúng tôi bây giờ đi đâu cả rồi?

Thời cuộc giống như là một ngọn gió Bấc lạnh lẽo ghê gớm đã lùa đi tất cả. Nó lấy hết, bạn và thù, giống như những chiếc lá bàng rơi rụng bị quét theo chiều gió một cách không thương tiếc.

Như có linh tính báo trước, những ngày sau đó tôi đi thăm tất cả mọi người, thân cũng như sơ.

Tôi và mẹ tôi ghé thăm gia đình người thợ thêu. Đã có một lần đùa nghịch tôi ném cát vào phòng của họ, cát bùn tung tóe làm bẩn một bức tranh gánh lúa sắp kết thúc. Mọi người khóc ré lên. Vì là con của chủ nhà cho nên họ không giám làm to chuyện, tuy nhiên tôi cũng cảm thấy hối hận mãi.

Lần ấy họ kể cho mẹ tôi nghe là bức tranh đã bán được rồi.

"Thưa bà thật là may mắn, chúng cháu đã thêu lại được chỗ nhem mà lại bán được giá hời nữa chứ"

Mẹ tôi đưa mắt nghi ngờ dò xét.

"Dạ thưa bà, chúng cháu sửa xong thì cái mặt cô gái bị nhếch sang một tý, nhưng mà khi bà Đầm ấy hỏi thì chúng cháu nói rằng cô ấy vừa gánh lúa vừa quay lại nói chuyện với người ở đằng sau, thế là bà Đầm ấy reo lên thích quá, ôm lấy chúng cháu mà 'hôn lấy hôn để', mà lại còn thưởng thêm tiền cho chúng cháu nữa chứ"

Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Bí mật gò Đống Đa

Chiều hôm đó tôi đựợc chở đi chơi ở Gò Đống Đa, nơi vua Quang Trung chôn xác quân Thanh. Trời chiều, công viên cao rộng, gío thổi hiu hiu, những tàng cây xanh mát rợi, mời mọc, hữu tình.

Không ngờ tôi khám phá ra một bí mật.

Hồi đó những đứa trẻ phá phách đã học được một bí quyết của các đàn anh từ đời nào truyền lại không biết, và tôi tin chắc cái bí quyết ấy cũng sẽ được lan truyền cho mãi tới thiên thu vạn đại về sau, khi mà những đứa 'nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò' vẫn còn tồn tại trên thế gian này, đó là tìm tới gốc của một cây Sưa, một lọai cây trồng rất nhiều ở gò Đống Đa, nhặt lấy trái Sưa mà đập cho nẻ ra rồi châm lửa đốt. Khi vỏ trái Sưa bén lửa thành một đốm đỏ to như đầu cây 'hương' (nhang) thì ném vào một mục tiêu ở xa, thường là dưới chân các cặp nhân tình đang 'chim cò' (hú hí) với nhau ở một góc vườn nào đó, lửa bén tới ruột thì trái Sưa sẽ xịt hơi ra như kiểu một viên pháo xì. Mùi 'khắm' (thối kinh hồn) sẽ xông ra 'nhức đầu'. Và đôi nhân tình xui xẻo đó đành phải bịt mũi 'dắt nhau chạy trối chết'...Một kỷ niệm đẹp đã bị phá bỉnh...

Giã từ

Những kỷ niệm tuổi thơ của tôi rồi cũng sẽ bị cắt ngang không lâu sau đó. Lúc đó người ta ùn ùn kéo nhau lên Hà Nội, nhà tôi chật ních người tạm trú từ quê ở Hà Nam lên, họ kể cho nghe những câu chuyện kinh hòang về đấu tố, những họ hàng bên Công Giáo của tôi thì bàn nhau phải đi vào Nam... Nhưng lúc đó cũng có tin nhắn cho thầy tôi rằng ông ta cứ yên tâm ở lại và như thế mẹ tôi đã đem lá cờ vàng lén đốt đi. Tôi đã tưởng rằng mình sẽ ở Hà Nội mãi mãi, trong lòng cũng tiêng tiếc vì không được phiêu lưu nơi phương xa...

Một đêm nọ, khi tôi còn đang say ngủ thì mẹ tôi lay tôi dậy, các bị vải xếp quần áo đã sắp sẵn từ lúc nào rồi, và tôi lặng lẽ bị đẩy ra khỏi nhà, vừa đi vừa ngáp ngủ.

Một chiếc xe 'cam nhông' đang đứng đợi ở trên đường, những anh lính 'học trò' (đàn em) của thầy tôi bế chúng tôi lên, và chiếc xe âm thầm chuyển bánh.

Chiếc xe chạy qua cầu Long Biên dài. Dòng sông Cái nước rộng tối đen, phản chiếu yếu ớt ánh đèn ngòai phố. Rồi chiếc xe đi vào phi trường Gia Lâm, mọi người không ai nói lên một lời, nghe thấy rõ có nhiều hơi thở dài và...

Thành phố Hà Nội bỏ lại sau lưng, vẫn tiếp tục giấc ngủ say, ánh đèn vàng lung linh thấp thoáng...

Chúng tôi bay vào Nam.
Trần Mạnh Trác

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn