BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73946)
(Xem: 62320)
(Xem: 39513)
(Xem: 31236)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ký sự xuân Mậu Tý

21 Tháng Hai 200812:00 SA(Xem: 902)
Ký sự xuân Mậu Tý
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
1. Nhà tù ơi, hãy làm bổn phận của mi đi!*

Không gian náo nhiệt tết Mậu Tý đã tràn từ tâm trạng con người xuống đường phố. Năm mươi năm trước, mẹ tôi nói với tôi khi người hồ hởi mang về từ chợ mấy cân gạo nếp thơm lừng: “ Dù đói quanh năm cũng phải no ba ngày tết”. Đã sang thế kỷ 21 được 8 năm, vợ tôi còn nói lại câu này. Có lẽ vì vợ tôi chạnh lòng khi thấy những ngày giáp tết lượng người ăn xin và trẻ đánh giày đi qua cửa nhà tôi đông hơn những ngày thường.

Chúng tôi có người anh và cô em vợ sinh sống tại thành phố Hải Dương. Đã thành thông lệ, năm nào trước tết dăm bảy ngày vợ chồng tôi cũng lên đó, mang theo một món quà tượng trưng, ăn một bữa cơm tất niên và chúc tết gia đình hai thân nhân. Món quà lần này là 1 ký mực khô, chia đều cho hai bên.

Mực khô thì quý rồi, nhưng không phải biếu vào thời điểm nào cũng được. “Đầu năm mua muôí, cuối năm mua vôi” tục cũ kiêng kị đến vậy. Do giống mực khi sống có một túi mực đen sì để tự vệ nên loại hải sản khô này người ta chỉ đem biếu hoặc ăn vào cuối tháng, cuối năm. Chúng tôi chọn ngày khởi hành là 26 của năm cũ Âm lịch.

Láng ghiềng gọi gia đình tôi bằng cái tên khá lạ: “ Cái nhà thức khuya, dậy muôn, bị bao vây”. Dù trong miệng người này có tính hài hước, miệng người kia dè bỉu, nó cũng nói lên chính xác đặc điểm sinh hoạt của chủ nhân. Thường thì chúng tôi thức đến 12 h hoặc đã bước sang ngày kế tiếp mới tắt đèn. Thức khuya ắt phải dậy muộn. “ Bị bao vây”là ám chỉ việc lúc lúc lại có công an công khai ngăn cản đi lại hoặc rình mò quanh nhà.

Chúng tôi đã chuẩn bị xong. Một giờ xe đò, sáng đi, chiều về, không phải mang theo đồ cho vướng.

Quý vị có thừa nhận giác quan phụ nữ tốt hơn đàn ông chúng mình không nhỉ?. Câu đầu tiên vợ tôi nói khi bước ra đường là: “ Anh ơi, có công an!”. Đã lâu trong tiềm thức của chúng tôi chỉ có hai đối tượng: Công an và các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền. Sau câu nói của vợ tôi, bốn công an trong y phục dân sự và hai công an giao thông bám sát chúng tôi tụ lại điểm xe đò đi Hải dương-Hà Nội dừng đón khách.

- Anh không được đi Hà Nội! –Viên công an nhiều tuổi nhất và cao to nhất trong nhóm hạ lệnh.

Tôi không hiểu! Hôm ấy không phải là ngày cuối tuần để nói có biểu tình, tuần hành của sinh viên Hà Nội chống Trung cộng bành trướng xâm lược, để họ viện lý cớ tôi lên đó; cũng không còn bà con Giáo dân Hà Nội tập trung cầu nguyện hoà bình tại sân toà Khâm Sứ; vì chính quyền Hà Nội đã hứa trả lại sau tết. Đã 26 tết rồi, tất cả mọi công dân đều đang tự do đi lại trên đường, thăm viếng, tặng quà, chúc tết nhau kia mà! Hà cớ gì vợ chồng tôi bị ngăn cấm?. Chúng tôi không còn lần đi thứ hai; bởi vì như đã giải thích: loại hải sản khô này chỉ có thể biếu nhau vào cuối tháng hoặc cuối năm.

Vợ tôi giải thích mục đích chuyến đi. Thực sự vợ tôi muốn hạ mình cho được việc. Tôi biết không ăn thua gì! Đừng nói với viên đạn đang bay đến ngực anh rằng: Hãy dừng lại, mà phải nói với người cầm khẩu súng. Người cầm khẩu súng đang ở tận đâu đó trong bộ công an, trong ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản, mà ngay cả dư luận quốc tế, phản ứng của các Chính phủ, Quốc hội phần thế giới văn minh nhất nhân loại, và các củ cà rốt tỉ đô la vẫn còn chưa hữu hiệu.

Kịch bản lặp lại y nguyên lần trước. Sau vài chục phút cãi lộn để xả bớt cơn phẫn uất, vợ chồng tôi đành xách ký hải sản về nhà.

Sau ngày 26 tết, không biết từ nguồn nào, có tin rằng tôi sẽ bị bắt vào sau tết. Tin đồn có vẻ chính xác hơn khi nói tôi bị kết tội “ Phá hoại khối đoàn kết dân tộc”. Tôi không nhận ra chứng cớ. Nhưng luật pháp Việt Nam là thứ luật mà phương cách thực hiện chỉ nhằm bảo vệ vị trí của đảng cộng sản. Hàng trăm nhân vật đấu tranh cho tự do dân quyền bằng chủ trương ôn hoà, khắp trong Nam, ngoài Bắc từ 40, 50 năm nay đã không nối tiếp nhau vào tù đó sao! Hàng chục tổ chức, cá nhân của người Việt Nam tại Hải Ngoại đấu tranh ôn hoà cho tự do, dân chủ của người dân trong nước không bị kết tội khủng bố đó sao!

Hãy đặt giả thiết là tôi bị bắt và bị kết án như nhà cầm quyền mong muốn! Vậy thì tôi sẽ làm gì khi ra trước vành móng ngựa? Chắc chắn là tôi phản đối bản án và kết tội lại họ. Ai đã phá hoại khối đoàn kết dân tộc khi chủ trương: “Trí, phú, địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ!?. Ai đã làm cuộc cải cách ruộng đất ghiết oan hàng vạn người nông dân trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đang đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau theo truyền thống cha ông? Ai đã trả thù cựu quân nhân cán chính chế độ cũ khi chiến thắng, để 3 triệu người trong cộng đồng phải ly hương và hàng triệu người liên đới ở lại ôm hận, mãi nay chưa cách nào hoà hợp được? Chỉ mong lúc ấy tôi còn sỹ khí và không bị bịt miệng như linh mục Nguyễn Văn Lý.

Người nào mãn hạn tù cũng nói câu: “ một ngày tù bằng nghìn thu bên ngoài”. Quả nhiên đúng! Nhưng với tôi ấn tượng tù đày lại là những bạn tù.

Vào năm 1989, trên đường đưa tiễn người thân vượt biên bằng đường biển đến trại tỵ nạn Hồng Kông, tôi bị công an tỉnh Hải Dương bắt giữ cùng 17 người thực sự muốn vượt biên khác. Có sự sắp đặt của công an hay không mà trước đó đoàn chúng tôi đụng phải một nhóm thanh niên ngay trên bãi sông vắng, chỉ cách bến tập kết nửa giờ cuốc bộ. Chúng tôi bị ép phải đưa cho họ tất cả tiền Việt, tiền Mỹ, đồng hồ, vàng... để đổi lấy việc họ không báo công an. Nhóm thanh niên này vừa trả lại tự do cho chúng tôi thì công an ập đến. Nghiêng tả hay hữu thì cũng bị bắt rồi! Chúng tôi hô hoán cho những người công an biết chúng tôi vừa bị trấn cướp. Nhưng công an vẫn để cho nhóm thanh niên kia bình thản rời khỏi hiện trường.

Chúng tôi bị giam cứu tại nhà tù Kim Chi, tỉnh Hải Dương. Sau tuần đầu, qua một nguồn tin tôi biết tất cả những người cùng bị bắt thực sự có hành vi vượt biên đã được thả. Rồi từ đó tôi nhận ra các câu hỏi của viên cảnh sát điều tra trong những lần đi cung đều khai thác tôi vào hướng: “ Tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép”. Một điều tra viên của công an Hải Dương xuống Hải Phòng gạ vợ tôi hối lộ 5 chỉ vàng đổi lấy tự do cho chồng. Vợ tôi không thực hiện yêu cầu này vì biết chồng vô tội. Không đe doạ, ép cung được tôi, không khai thác được gì ở vợ tôi, khoản hối lộ cũng không, sau một tháng họ trả tôi tự do.

Lưu giữ đến giờ trong tôi là những con người cùng chịu chung số phận tù đày. Trong xà lim giam cứu, tôi kết thân với một người bạn tù kém tôi 3 tuổi. Người bạn tù của tôi bị bắt vì một lý cớ rất hài hước. Chính quyền địa phương đang mở chiến dịch bài trừ mê tín dị đoan. Tất cả các đền miếu trong vùng đều bị phong toả ngăn cấm con nhang, đệ tử thắp hương lễ bái, lên đồng, hầu bóng. Một tối, công an huyện rượt đuổi những người tụ tập lên đồng. Nghe tiếng bước chân huỳnh huỵch chạy ngoài ngõ, anh này vội chạy ra xem rồi trở thành nghi can. Đã 6 tháng, năm lần bảy lượt đi cung, anh chỉ một lời khai mà vẫn không được thả.

Là nông phu khoẻ mạnh nên anh ta háu đói bậc nhất. Khi những liễn cơm, liễn canh được tù tự do đẩy loẹt xoẹt qua cái lỗ nhỏ sát nền xi măng dưới chân cánh cửa bằng tôn dày 4 ly vào mép mảnh sân nhỏ rộng bằng hai chiếc chiếu đôi, người đón nhận đầu tiên bao giờ cũng là anh, và người chia đều sự sống mỗi ngày cho bạn tù cũng là anh. Nhìn anh hứng thú với vài muỗng cơm, muỗng canh đặt thận trọng, e dè xuống từng 7 chiếc bát sắt tráng men Trung Quốc cóc gặm, tôi nghĩ anh ta đã được no một nửa.

Trước tết này, tôi được gặp thân mẫu LS Lê thị Công Nhân tại nhà cô Phạm thanh Nghiên. Bà kể rằng trong tù, nữ LS đã tước những mụn vải cũ màu nâu, bện thành hai chiếc nhẫn. Trên mặt nhẫn bé tí tẹo, cô dùng sợi vải màu xanh biếc dệt nên hai giòng chữ “ Tự do” và “Nhân Quyền” bằng Anh ngữ. Một sự kiên nhẫn và khéo tay chỉ có được ở những tù nhân. Một chiếc LS đã tặng cho ông Trưởng phái đoàn tự do tôn giáo Hoa Kỳ khi vào thăm cô. Chiếc nhẫn thứ hai cô tặng LS Trương công Định trước ngày phiên Phúc thẩm khai mạc.

Người bạn tù của tôi ngày ấy cũng kiên nhẫn như vậy khi xé tơi những sợi vải đã chai lỳ thành những nắm bông để lấy lửa hút thuốc lào. Lửa, muối ăn, đồ kim loại và vật cứng, nhọn bị nghiêm cấm có trong xà lim giam cứu ( muối dùng để ăn mòn song sắt khi tù nhân âm mưu trốn trại. Lửa, phóng hoả vào quần áo, chăn mềm để tự thiêu hoặc trả thù nhau, Vật sắt thép và cứng nhọn dùng tự tử hoặc sát thương nhau). Nhưng những bạn tù của tôi vẫn có được vài viên đá lửa, một mảnh sành, một cán bàn chải đánh răng, bằng những bí mật của họ để lấy lửa.

Tôi sẽ trở về cái nơi ấy một lần nữa để gặp những bạn tù tương tự? Nhà tù của các chính thể dân chủ chỉ để giam cầm những can phạm hình sự. Nhà tù của chính thể độc tài còn là nơi giam cầm những người đối kháng, dù là ôn hoà. Vậy thì... Nhà tù Việt Nam ơi. Mi hãy làm bổn phận của mi đi!*

2. Đằng trước và phía sau

Đằng sau nhà tôi là “vườn địa đàng”

Đây là một mảnh vườn hoang của nhà láng ghiềng, chỉ rộng 100 thước tây. Đích thị là “ Vườn địa đàng của chuột sống, xác súc vật chết, rác rến, thân chuối hoang và cỏ ngập úng. Phía góc vườn, nơi khô ráo hơn một chút nhà láng ghiềng xây một chuồng heo. Khu vườn xú uế đến vậy nên chưa bao giờ tôi nghe nói heo của bà hay ăn, chóng lớn.

Góc mảnh vườn ấy, vào những ngày đầuxuân Tân Tỵ công an đã thay nhau thức ngủ ngày đêm trong không gian ô nhiễm để chốt chặn, ngăn tôi vượt qua mái bếp lẻn ra đường phụ.

Đằng trước nhà tôi là đường phố Trường Chinh, tên một cựu tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.

Chếch bên phải là điểm chốt thứ nhất. Đó là mái hiên của ngôi biệt thự 3 tầng, xây cất bằng tiền bẩn, thuộc quyền sở hữu của ông cựu chủ tịch phường, cựu phó bí thư đảng uỷ phường, người có nhiều tai tiếng về tham nhũng. Trong mái hiên của toà biệt thự, công an tập kết người và phương tiện giao thông để đeo bám, săn đuổi tôi. Đối diện tư gia của tôi, bên kia đường là điểm chốt thứ hai. Công an cử người đóng chốt cố định, nhằm khi tôi đi bộ ra đường, họ ứng phó được ngay.

Chủ ngôi biệt thự là cán bộ đảng cộng sản kia chống lại tôi là lẽ đương nhiên, còn chủ nhà phía đối diện cho phép công an biến quán nước của họ thành điểm chốt cả ngày lẫn đêm canh giữ tôi là điều cần giải thích.

Hai vợ chồng nhà này tuổi trong khoảng 50-55. Họ lấn ra nửa vỉa hè, căng lên một mái hiên, tạo ra một quán nước nhỏ, nhưng thu nhập chính lại từ nghề bán số đề ( thứ cờ bạc tư nhân có trong danh mục: “tệ nạn xã hội”) Vào những ngày có công an bao vây tôi, họ không dám hành nghề, vì sợ bị bắt. Thu nhập của họ trong tháng lên hoặc xuống phụ thuộc vào thời gian công an canh giữ tôi dài hay ngắn. Có lần chị vợ kêu than rằng vì tôi mà họ “đói”. Tôi giải thích, không phải tại tôi, chị cứ bán, những công an này không phải loại đi bắt cờ bạc. Chị vợ nói, công an là công an, họ không bắt thì suỵt cho nhóm khác bắt.

Người chồng ủng hộ tôi. Anh ta chửi vụng “ chúng nó” tới số. Những lúc công an kéo đến, anh ta đuổi khéo để công an không thể ngồi tại đó lâu như họ muốn.

Mọi chuyện thay đổi từ 3 – 4 tháng gần đây. Mỗi khi tôi ngồi lên xe gắn máy, trong căn nhà này, hoặc vợ, hoặc chồng nhanh nhẹn cầm máy điện thoại bấm số. Khi nhà tôi có khách lạ, tương tự, và chỉ sau dăm phút công an đã tới. Những ngày xuân Tân Tỵ, hẳn có thêm một giao kèo. Vợ chồng anh ta được tự do bán số đề, phía công an có một điểm chốt cố định, tránh phải vật vờ trên vỉa hè, chịu nắng, mưa, đặc biệt trong những đêm đông giá rét. Và điều này nữa, rất con người, nếu không có căn nhà này, ban đêm khi mọi nhà đã đóng cửa, công an dễ phải phóng uế ra đường.

Bức xúc vì chuyến đi Hải Dương bất thành rồi cũng qua. Nhưng khi công an bổ sung lực lượng, đem cả xe ô tô đến đậu sát cửa nhà tôi cả ngày lẫn đêm khiến chúng tôi phải điều chỉnh mọi sinh hoạt.

Vợ chồng, con cái chúng tôi không còn bộc bạch hết tình cảm trong ngôn ngữ như trước. Một lần, chúng tôi đã nằm trên giường, đèn nhà đã tắt nhưng chưa ai ngủ; một tiếng động lạ bên ngoài lọt vào khiến tôi nghi ngại. Tôi trở dậy, rón rén bước ra cửa nhìn qua tấm kính: một cái lỗ nhĩ đang áp sát vào cửa kính phía bên ngoài. Họ đang nghe trộm!

Hàng ngày hai cánh cửa tư gia nhà tôi mở toang như bản tính của hai người chủ dành cho láng ghiềng, bạn hữu. Trong những ngày này chúng tôi phải khép lại nửa cánh. Thật không dễ chịu khi lúc nào nhìn ra ngoài cũng đối diện với những cặp mắt nhìn xói vào tư gia của mình như cú vọ. Những lúc tôi phải bận gì dưới nhà bếp, lâu không hiện diện nhà trên, lập tức đã có những công an đi vào sát cửa, hằn học nhìn vào tư gia tìm kiếm.

Tôi có một tật xấu về sinh học, nhiều khi làm phiền người nhà, đặc biệt vào những thời điểm bị công an bao vây. Tật xấu sinh học của tôi là đi WC quá lâu. Trước khi tôi vào WC, bao giờ vợ tôi cũng dặn: “ Anh đi nhanh rồi lên nhà cho họ nhìn thấy, kẻo họ chạy loạn lên ở ngoài đường!

Một người hình hài tựa tôi từ nhà tôi đi ra đã bị họ chặn lại, cưỡng bức bỏ mũ bảo hiểm để họ nhận diện không phải là tôi.

Sát tết rồi! Chuyện gì đã xảy ra, đang xảy ra, sẽ xảy ra mà họ khủng bố gia đình tôi dữ dội vậy?

Tôi không còn nhận được đầy đủ thông tin trong và ngoài nước như trước kia. Internet đã bị cắt từ đợt khủng bố trước. Điện thoại bàn bị nghe lén. Điện thoại di động không phải là phương tiện nhận thông tin. Nó vượt quá khả năng tài chánh. Một vài tin nhắn không cập nhật được nhiều. Những đồng hữu của tôi từ xa đến gần chưa ai bị khủng bố như thế. Giao thừa đang đến!

Vào đêm mồng Một, rạng mồng Hai tết, đang thiu thỉu ngủ, tôi nghe chuông nhắn tin từ máy di động. Ai đó gửi vào máy tôi mẩu tin cụ Hoàng Minh Chính đã mất. Tôi tung chăn bật dậy. Cảm giác đầu tiên của tôi là rét. Chưa bao giờ cái rét Bắc Kỳ dữ dằn như năm nay. Tôi đọc lại tin nhắn lần nữa. Một cảm giác khác mạnh hơn cái rét tràn đến khi tôi chuyển tiếp tin nhắn vào những máy tôi biết. Cụ đã ra đi!

Hết 2007 rồi, Người ấy không chờ được!

Hết 2007 rồi, Người ấy phải ra đi!

Tôi nằm lại giường và chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài “ Cầu nguyện cho Cụ Hoàng Minh Chính” tôi đã viết đầu tháng 10 âm lịch. Thời điểm đó tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng cụ sẽ ra đi trong vài ngày tới. Các bài viết về Cụ lần lượt xuất hiện trên Internet. Thế nhưng Cụ vẫn qua khỏi, vẫn dồn sức tàn lực kiệt, chiến thắng cái chết để biết trong tháng 11, 12 năm cuối năm có thêm những sự kiện dân chủ mới. Đó là các cuộc biểu tình của sinh viên chống Trung cộng bành trướng lãnh thổ vào đất Việt, tuần lễ cầu nguyện hoà bình của giáo dân Hà Nội đòi lại Toà Khâm sứ và những trí thức du học từ nước ngoài, từ trong nước, những kí giả tự do gia nhập hàng ngũ dân chủ. “- Anh nói thiêng thế!- Vợ tôi nói – “ Hết 2007...” thì không hết 2007 âm lịch là gì? Chỉ chậm mất một ngày!

Tôi không tiên tri. Những câu thơ của tôi là giác quan của tâm linh. Cụ Hoàng Minh Chính đang và sẽ có một vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt nam vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21

Chúa ơi, mở

vườn E-đen,

Bốn nhánh sông;

Xếp chỗ giữa nghìn tinh tú

chốn trần ai

Một Linh Hồn đang lên

 

Nam Mô Thích Ca Mâu Ni

Xin rộng Toà sen

miền Cực Lạc

Bể trầm luân đã phóng thích một người.

Thế là tỏ tường, công an bao vây tư gia chúng tôi vì mục tiêu gì!

Bắt đầu từ sáng 2 tết, công an tăng cường lực lượng và phương tiện như tập trung cho một phá án vĩ đại. Phong phú trong ý tưởng liên hệ, tôi tưởng tượng ra cảnh quân đội Bắc Việt tập trung quanh vành đai Sài Gòn cho ngày 30-4-1975.

Vào các ngày cao điểm này, tư gia tôi luôn là điểm quan sát của láng ghiềng hai dãy phố dài. Có lúc họ tụ lại từng nhóm ba, bốn người, nhìn đám công an, nhìn xe ô tô công an, nhìn vào nhà tôi rì rầm bàn luận. Vợ tôi hầm hè khó chịu. Tôi khác: Càng nhiều người biết tại đây có một người đối kháng chính quyền cộng sản, đang bị công an khủng bố càng tốt!

Tối mồng 2 tết có hai công an, một tuổi trung niên, một thanh niên, tách từ đám canh giữ tôi vào thẳng nhà tôi để thực hiện một cuộc thương lượng.

Thứ nhất: họ khẳng định họ có đủ lực lượng, đủ biện pháp ngăn tôi không thể ra khỏi nhà.

Thứ hai: Nghĩa tử là nghĩa tận! Tôi sẽ thực hiện được ý nguyện ( cả vợ tôi nữa) nếu đi dự tang lễ Cụ Chính bằng xe ô tô và dưới sự giám sát của họ. Viếng tang xong về ngay, không được tiếp xúc với ai.

Tối mồng 4 tết, mọi việc diễn ra trái ngược.

Bảy giờ tối, tôi đã tắm xong, đang vận quần áo. Vợ tôi gõ cửa nhà tắm, báo có hai người lạ đang ngồi chờ tôi trên nhà. Tôi đi lên đề nghị hai người lạ chờ tôi thêm vài phút cho tôi sấy khô mái tóc. Họ tỏ ra không vội vàng. Tôi vừa sấy tóc, vừa quan sát họ. Cả hai người đều vào khoảng 40 đến 45 tuổi, da ngăm đen, khuôn người chắc, độ cao trung bình, sắc thái lạnh lùng, giọng nói ít sinh khí:

-Tôi là Nguyễn Văn Hoàn, Tổng cục 2- Một người nhìn thẳng vào mặt tôi tự giới thiệu.

-Tôi là người của Cục Tình báo. Chúng tôi từ Hà Nội xuống!- người thứ hai nói bằng chất giọng hoà hoãn hơn. Anh ta nhìn ra chiếc xe con màu trắng sữa đỗ sát vỉa hè để tôi nhìn theo, hàm ý rằng chiếc xe kia chứng minh họ từ xa đến.

Tôi nói:

- Nếu hai anh là người của Tổng cục 2 và Cục Tình báo từ Hà Nội xuống đây, hẳn có việc hệ trọng. Để tin nhau, cho tôi được xem giấy tuỳ thân của...

- Anh khỏi phải xem!- Vẫn người đã tự xưng của Tổng cục 2 ngắt lời tôi- Tết nhất, chúng tôi đưa điều tốt cho anh chị. Chúng tôi tốn bao nhiêu người, bao nhiêu tiền, khổ cực vì anh mấy ngày nay, anh có biết không?

Anh ta nói đúng! Những công an canh giữ tôi đâu có sung sướng. Sau này người thanh niên kể lại rằng: một sáng, dậy sớm đi thể dục, cậu ta nhìn thấy trên bậc thềm có hai người. Một đang nằm ngủ ngon lành dưới tấm chăn chiên rách, người thứ hai thức, ngồi co ro dưới tấm vải mỏng.Ăn mày!” cậu thanh niên kêu, trước khi nhận ra đó là hai đồng chí công an.

Tôi cũng biết cảnh khổ cực của họ.

 Một đêm, tôi tỉnh giấc vì nghe tiếng đóng cửa ô tô khá mạnh. Vài câu đối thoại vọng vào: “ Mày ngồi trên ô tô hay tao?”. Thì ra đang có hai công an trẻ cãi lộn. Ngồi trên ô tô ắt phải ấm áp hơn đứng ở bên ngoài.

 Một đêm khác, trước khi tắt đèn, tôi nhìn qua lỗ hổng bức tường nhà bếp ra vườn “địa đàng”. Họ đang ở đó, chui rúc như những con chuột đêm, ngửi mùi xú uế, để không phải phá một vụ án đem lại vinh quang cho cá nhân họ mà chỉ để cầm giữ một ông già đi viếng đám tang, cho đến khi về hưu cũng không được ai cho biết để làm gì!

 - Tự các anh làm các anh khổ. Tại sao các anh phải canh giữ tôi?- Tôi nói

 - Anh có đi dự đám tang ông Chính không?

 Tất nhiên, tôi trả lời sẽ đi! Dù biết không có họ can dự cũng không cách nào đi thoát.

 - Anh có biết vụ tai nạn giao thông của Lưu quang Vũ không?

 Tôi rùng mình.

 -So với Lưu quang Vũ, anh thuộc loại vô danh tiểu tốt. Vụ tai nạn ấy cũng chìm đi. Còn anh chỉ là vô danh tiểu tốt thôi!- Anh ta nói lại, nhấn mạnh vào cụm từ “vô danh tiểu tốt”

 -Vậy là các anh xác nhận Lưu quang Vũ, Xuân Quỳnh cùng một người con bị sát hại?

 Cả hai người khách không trả lời vào câu hỏi. Vẫn người tự xưng Tổng cục 2 đe doạ:

 -Dù anh có ra được khỏi Hải Phòng cũng gặp công an Hải Dương. Đòn của công an Hải Dương nặng lắm. Anh không chịu nổi đâu!

 Tôi cười vang. Tôi cố cười thật to. Tiếng cười của tôi khiến vợ tôi lo sợ:

 -Anh Nghĩa không nói nữa! Dù muốn đi mà các anh khủng bố thế này cũng không đi được!

 Hình như toại nguyện sau câu nói của vợ tôi, cả hai người cùng đứng lên. Vẫn người Tổng cục 2 (?) nói lời cuối cùng:

 - Chuyến đi của anh lành ít dữ nhiều. Báo trước để anh biết!

 Vào hai buổi sáng mồng 5 và mồng 6 tết, khi tôi lựa chìa vào lỗ khoá. Chìa không thể lọt vào. Ban đêm, rình lúc chúng tôi đang ngủ, một ai đó đã lẻn đến cửa, nhét vật lạ vào lỗ khoá. Tôi gọi điện mời công an phường đến giải quyết vụ việc tôi cho là quá nghiêm trọng này. Quý vị thử tưởng tưởng ra cảnh nếu trong tư gia tôi xảy ra hoả hoạn, hoặc chuyện gì tương tự, chúng tôi thoát hiểm cách nào đây? Người công an phường trực máy cười mà rằng: tự chúng tôi xoay xở lấy!. Tôi gọi điện cho một công an PA 25, người cũng tham gia canh giữ tôi đợt này. Anh ta bảo rằng công an không làm chuyện đó. Có thể một đứa trẻ nghịch ngợm nào đó chăng. Tôi biết là không thể!. Không có đứa trẻ nào dám đi qua cửa nhà tôi vào ban đêm khi mà sát cửa là ô tô công an, người của công an đứng canh lố nhố. Chỉ có thể là những kẻ canh giữ tôi làm vụ này cho chắc ăn hơn.

 Tôi phải nhờ người tình cờ đi qua gọi dùm ông thợ khoá.

 Hai ngày sau, tôi phải giục người con đang học đại học trên Hà Nội trở lại nhà trọ sớm hơn lịch. Tôi không muốn cháu thấy nhiều hơn cảnh tôi bị khủng bố.

 Tôi cũng gạt đi câu nói của vợ: “Đầu năm đã bị ma ám!”

 Tôi không cách nào đi được. Đã đến rồi qua ngày tổ chức tang lễ cụ Hoàng Minh Chính (10 Âm lịch). Một vài cơ quan truyền thông của người Việt nam ở nước ngoài gọi điện hỏi thăm. Tôi nói, chính nghĩa cuối cùng rồi cũng thắng, nhưng từ giờ đến đó, từng cá nhân không phải lúc nào cũng thắng. Cũng như Cộng sản Việt Nam đã thành công trong mưu đồ loại bỏ người Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam để thắng chế độ Việt Nam cộng hoà, nhưng rồi sau đó phải ăn xin người Mỹ.

 Sáng nay (14 tháng giêng Mậu Tý- 20-2- 2008) câu đầu tiên khi vợ tôi khi mở cửa là: “ Anh ơi, công an đã rút!”. Tôi nhìn ra ngoài đường. Đúng! Không còn xe, còn người của công an; chỉ còn thấy mấy láng ghiềng nhìn sang nhà tôi mỉm cười.

 Trời hửng nắng. Không gian thật tuyệt vời sau một tháng u ám vì những đợt lạnh từ Xi-bi-ri của nước Nga tràn xuống. Cũng từ nơi này chủ nghĩa cộng sản đã tràn xuống quê hương tôi. Buồn thay! Quê hương của nó đã thoát khỏi nó mà quê hương tôi vẫn chưa. Tôi đi qua và nhìn vào chiếc quán bán số đề- chốt canh số 1 của công an trong 20 ngày qua. Người chồng đang xê dịch cho khỏi cập kênh chiếc bàn bán số đề có dải vải trắng mang dòng chữ giả mạo: “Đại lý xổ số kiến thiết Xã hội chủ nghĩa”. Tôi nhìn lên biệt thự 3 tầng của ông cựu phó bí thư đảng uỷ phường- chốt canh thứ 2 và thấy cần ghi lại hình ảnh này như ghi lại một chứng tích cá nhân. Nếu sắp xếp chủ sở hữu hai điểm chốt liền nhau, ta có phương trình: Công an + tham nhũng + Tệ nạn xã hội = Chủ nghĩa cộng sản. Tôi nhớ đến vị linh mục đã làm chỉ điểm cho công an cộng sản Ba Lan hãm hại các thành viên Công Đoàn Đoàn Kết, đang hối lỗi với chính quyền mới dù không ai động đến cái lông chân. Tôi đến gần bà già bán bánh mì, người chủ “vườn địa đàng”- chốt canh của ông an phía hậu: Tôi nói: “ Bà ơi! Sao bà nỡ để công an dùng vườn của bà làm nơi khống chế tôi?”. Tại sao trong ba người tôi chỉ hỏi một? Tại vì chỉ có gia đình bà không vướng mắc chính quyền cộng sản. Chồng bà đi lính cho người Pháp tham gia đại chiến thứ 2, cả gia đình bị chính quyền ghi sổ 50, 60 năm nay. Nếu người con rể hiện tại không vì tình yêu mà cam chịu rời khỏi ngành công an giao thông, thì con gái đầu của bà cả đời ôm hận. Bà nhìn tôi, cười: “Khổ lắm chú ơi. Đầu tiên họ lừa tôi, bảo vào mua vườn, vào được vườn rồi họ bảo mượn.”. Vào buổi trưa, người láng ghiềng thân thiện nhất, mọi năm vẫn xông cửa nhà tôi từ mồng 1, mồng 2 tết, đến tận hôm nay mới vui vẻ bước vào:

 

- Chúc mừng năm mới!. Khiếp thật! 20 ngày đêm, hàng mấy chục công an, hai ba chiếc xe. Mưa dầm gió bấc... chỉ để canh một ông già không cho dự đám tang một cụ già!!!

Ông chưa hiểu hết! Nếu được xem băng ghi hình cảnh tang lễ giáo sư Hoàng Minh Chính, nghe điếu văn tiễn đưa Cụ về cõi Vĩnh Hằng, thấy cảnh công an xô đẩy, ngăn cản người dân đến chịu tang, thấy hình ảnh chàng thanh niên trí thức Nguyễn Tiến Trung căng giải băng tang có giòng chữ: “Đảng Dân Chủ Việt Nam”..., thấy hàng chục nhà dân chủ xa và gần Hà Nội có mặt trong tang lễ; biết rõ chính quyền cộng sản đã đổ ra bao nhiêu tỉ tiền thuế của nhân dân để ngăn cản hàng trăm nhà hoạt động dân chủ nhân quyền khắp trong Nam, ngoài Bắc hội tụ về Hà Nội tham dự tang lễ... mới hiểu hết ý nghĩa tang lễ cụ Hoàng Minh Chính! Họ ngăn là phải!- đứng trên nhãn quan chính trị của họ. Họ sợ Cụ khi sống, càng sợ hơn khi Cụ chết.

Rồi đây, ắt sẽ có vài nhân vật biểu trưng cho chế độ độc tài toàn trị phải ra đi. Tôi biết không ai trong chính quyền mới lên kế hoạch phá hoại tang lễ người đó như người cộng sản đã làm với tướng quân Trần Độ trước kia và cụ Hoàng minh Chính ngày rồi. Tôi cũng sẽ đến dự đám tang, với ý nghĩa đưa tiễn những vết tích gợi nhớ đến một giai đoạn đau buồn và tủi hổ trong lịch sử dân tộc.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa

Viết trong những ngày bị khủng bố

Hoàn chỉnh ngày 15 tháng giêng Mậu Tý ( 21-02-2008)

* Độc dược ơi. Mi hãy làm bổn phận của mi đi! ( Hăm-lét)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn