BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76681)
(Xem: 63115)
(Xem: 40506)
(Xem: 32132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thanh Tâm Tuyền: tháng ba và những trang sách

06 Tháng Ba 200812:00 SA(Xem: 1283)
Thanh Tâm Tuyền: tháng ba và những trang sách
50Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
31
Thanh Tâm Tuyền


Tháng ba. Những tháng ba định mệnh của một thi sĩ tiên phong, một nhà văn lớn. Tháng ba, tháng mà thi sĩ ra đời (15/3/1936) và tháng ba, cũng là thời điểm thi sĩ dời trần thế (22/3/2006).1936-2006. Bẩy mươi mốt tuổi thọ. Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền.

Tháng ba, cũng là thời điểm của “Một chủ nhật khác”cuốn tiểu thuyết cuối cùng thi sĩ viết tại miền Nam trong những giờ khắc của một chính thể hấp hối và của một cuộc chiến đã đến lúc ngã ngũ:

”... Cuối tháng ba bước sang tháng tư, trận chiến bùng nổ quy mô khốc liệt tại các vùng giới tuyến. Quảng Trị mất. Kontum. Bình Long bị uy hiếp. Đầu tháng năm ấy hòa đàm Ba Lê lại đình hoãn vô hạn định.Hoa Kỳ tái oanh tạc miền Bắc dội bom Hà Nội. Hải Phòng, thả mìn phong tỏa các hải cảng Bắc Việt.

Trong thị xã xuất hiện bóng dân chạy loạn từ Kontum đến từ Huế vào.Lính tráng đi ngoài đường đội nón sắt mang theo vũ khí.Quân trường từng bị đột kích hồi năm Kiệt mới đổi lên, tăng cường bố phòng. Canh gác tuần tiễu gia tăng. Báo động phòng thủ nghiêm ngặt có đêm hai ba lần. Các sĩ quan giáo sư đều bị huy động vào tiểu đoàn trợ chiến cho tiểu khu, các đại đội ứng chiến phân phối cho các cứ điểm thuộc phạm vi trường. Không khí căng thẳng xớn xác...”

Một Chủ Nhật Khác. Một chuyện tình trong bối cảnh chiến tranh như nhà văn Mai Thảo, chủ trương nhà xuất bản Văn ở hải ngoại, tái bản tập tiểu thuyết này, nhận xét:

”Trong không khí của mùa hè nóng bỏng chiến tranh, trên thành phố cao rực rỡ rét mướt, là câu chuyện tình của Kiệt. Tình say đắm. Tình thảng thốt. Tình đầu và tình cuối. Tình sống và tình chết. Thơ mộng và tàn ác như rừng rú núi non…

Thanh Tâm Tuyền-tác giả Bếp Lửa, Cát Lầy, Tôi Không Còn Cô Độc- đã viết Một Chủ Nhật Khác, một truyện tình hết sức lãng mạn, chứa chất những đam mê vô vọng một thời…”

Không gian của Một Chủ Nhật Khác là của một thành phố cao nguyên tương tự như thành phố Đà lạt và quân trường mà ông mô tả giống như trường Võ Bị Đà lạt.Những môi trường sống ấy, của năm tháng ấy, quen thuộc với những người Đà Lạt. Và những nhân vật như ông trung tá già trong truyện cũng là nhân vật có thực ở ngoài đời. Có người đã cho rằng Một Chủ Nhật Khác có thể coi như một bán tự truyện của tác giả. Kiệt có những nét giống đại úy DZư Văn Tâm nhưng không phải là thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, cái độc đáo của văn chương ông là tất cả chỉ là mờ mờ không chỉ định, giống nhưng mà không giống và đôi khi chỉ là những gợi nhớ thoáng qua... Có thể, từ suy tư của Kiệt đã nhiễm tính chất của một thi sĩ, nhìn đời sống bằng con mắt hoài nghi, sống theo dòng cuốn của thời thế và đã có mầm tự sát ngay từ lúc khởi cuộc. Những cuộc tình, như những ngã đường rẽ qua nhiều lối, nhưng rồi, vẫn là sự chọn lựa của một người không chọn lựa, thụ động để rồi kết cuộc là một sự chấm dứt không đột ngột bởi, cái nhân đã khởi đầu cho cái quả. Rất lãng mạn, có không khí chiến tranh nhưng lại có nét hững hờ của một thế giới nào khác chứa đựng những nỗi niềm nào im lìm chìm lắng. Ngay nhân vật như ông trung tá già hay là anh chàng đại úy On đều có nét riêng của những tâm tính riêng. Mỗi một hoàn cảnh, mỗi một con người là những thế giới khác. và ngay chính trong nội tâm Kiệt cũng là những mơ hồ bất định. Đời sống trôi đi, tình yêu có thể là lãng quên nhưng cũng có thể là oan nghiệt nẩy mầm từ đời sống chồng vợ không hạnh phúc giữa Ly và Siêu để thành một mối tình thật lãng mạn nhưng cũng thật nhiều gay cấn của Kiệt và Ly. Cũng như mối tình giữa cô học trò Oanh và thầy giáo Kiệt, trao tặng dâng hiến thân xác như một kỷ niệm để chia xa nhưng vẫn là những nửa vời của một kết cấu nào có những nét phá cách của những tâm tính những suy nghĩ khác thường lập dị.

Không gian ấy có nét bảng lảng mơ hồ của một thời thế sôi sục, của những người lính sống trong một không khí đe dọa nặng nề. Những sinh hoạt của một quân trường với những người trí thức khoa bảng, có nhiều nhân vật lập dị, lúc lai căng vọng ngoại, có lúc kỳ cục dị hợm, được mô tả như một nét chấm phá của một xã hội rệu rã đang bước suy tàn…

Trung úy Kiệt, nhân vật chính ”học cơ khí ở Đức, học Quản Trị ở Mỹ“ là một người lính nhưng lại chọn lựa cái chết để giải quyết những vấn nạn của cuộc sống. Những cuộc tình, dù với vợ, Thùy, hay với người tình cũ đã một thời mê đắm, Ly, hay với cô học trò, Oanh, tất cả đều nhuốm vẻ hư vô, và những mầm mống bi quan.Trong hoàn cảnh chiến tranh, chứng kiến những cái chết, những người trí thức ấy bị đẩy vào cuộc chiến một cách thụ động và tham dự với sự lãnh đạm vô tâm. Quân đội đã tạo cho họ một đời sống với những quy luật cứng rắn hàng ngày. Họ sống như chờ đợi một điều gì bi thảm đang ập đến.

Trong ngày tháng ấy, tình yêu như những lửa ngọn bốc lên và dường như chớm mầm tự hủy ngay từ lúc khởi đầu.

Tình yêu với Thùy, người vợ, có lúc nồng nàn nhưng cũng có lúc hận thù lạnh lùng. Còn Kiệt, vợ con cũng chỉ là một điều gì mông lung lúc nhớ lúc quên của một người như hờ hững với mọi sự trên đời.

“... Trong thời gian này, Kiệt cũng nghe mình hờ hững lạnh nhạt với vợ con. Chàng vẫn nghĩ tớiThùy, tới ba đứa con nhưng không tha thiết buồn khổ lắm.Dường như chàng mải chú ý đến những điều gì mơ hồ đâu đâu.Nhiêu khi dưng không chàng sực nhớ những chuyện vụn vặt vô nghĩa và những nhớ tưởng ấy ám ảnh chàng triền miên. Có lúc Kiệt ngỡ ngàng thấy mình đang sống như cái máy. Đầu óc chàng lờ đờ chậm chạp. Nhưng đồng thời vang vọng ở chàng một niềm hoan lạc thầm thì khó dứt. Chàng bắt gặp những phản ứng bất chợt kinh ngạc. Những lúc ấy chàng như tỉnh táo hẳn thất cảnh tượng trời đất chếnh choáng trong gió hoặc bấp bênh nhẹ bổng như thiếu khí thở...”

Như một người mộng du, Kiệt sống phân hai giữa cuộc sống đang náo động bên ngoai và nội tâm hờ hững bên trong. Sự bất nhất hay thay đổi cũng như tự chính mình coi mình như một kẻ lạ khiến những hình ảnh đàn bà như xáo lộn với nhau và gợi đến nỗi lãng quên, “Cùng một lúc chàng nhớ Oanh và Ly, tâm thần bất định xoay chuyển như cánh quạt gió. Chàng nhớ Ly để quên Oanh rồi chàng nhớ Oanh để quên Ly và chàng nhớ Thùy và các con để quên hai người...” Trong một định nghĩa nào đó, tình yêu có phải là sự lãng quên?

Đọc Một Chủ Nhật Khác, như đọc những mảnh đời của một người.Nhưng, những mảnh đời ấy lại có chất bảng lảng của một không gian thời gian mơ hồ của những hư cấu và hiện thực chen lẫn nhau. Mối tình với Oanh, với Ly, mà sự khao khát dục tính như những mồi nhử loài cá cắn câu, có khi chỉ là của sắp xếp tưởng tượng nhưng lại bỏng rát những vết hằn nhức nhối của những điều tình cờ mà có thể liên tưởng tới từ cuộc sống...Hình như, cuộc đời dưới nhãn quan và suy tưởng của ông là một chuỗi thất bại. Tình yêu thất bại, làm tình cũng thất bại mà truy hoan cũng thất bại luôn, để đến nỗi cái chết cũng là của một định mệnh thất bại. Và từ một liên tưởng ấy, thân phận trí thức trong một xã hội có bóng dáng chiến tranh cũng là một thân phận của những người dơ tay đầu hàng từ lúc khởi cuộc....

Đọc tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền, phải đọc Bếp Lửa. Nhân sinh quan của ông nằm trong nội dung của cuốn tiểu thuyết một cách thật rõ nét. Và có nhà phê bình đã nhận định rằng đây là một cuốn tiểu thuyết trong thời điểm đó đã mở ngỏ cho sự khai phá những tiểu thuyết mới.

Đây là một tác phẩm mà ông đã viết khi còn rất trẻ và mỗi lần tái bản là mỗi lần sửa chữa và viết lại bài đề tựa. Bài đề tựa Bếp Lửa lần thứ hai:
”… Người được đề tặng sách này đã chết.

Hắn. tên Vũ Đạo Aùnh, chết vào một buổi sáng chủ nhật đầu tháng chín năm 1064, tại một khu rứng tỉnh Bình Dương, một viên đạn xuyên ngang ngực năm mới ngoài ba mươi. Vào một buổi chiều cuối thánh tám, hắn còn đứng trước một căn nhà trong hẻm ngoiạ ô, nhìn qua cửa sổ, đèn trong nhà thắp sángnhưng mọi người đi vắng, cất tiếng gọi. Như những ngày mùa thu, mùa đông nơi thành phố, xa khuất cũng hơi ngửa đầu lên cao liếc màu trời xẫm mau, hắn gọi đứa bạn của thời niên thiếu nghèo khốn, gọi những mộng phiêu lưu đã bị nghiền nát cùng tuổi trẻ như một Thiên Đường cửa đóng. Hắn lủi thủi trở về như bị bỏ rơi, chạy qua thành phố Sài Gòn buổi tối còn ngơ ngác những âm vang của mấy ngày hỗn loạn. Có lẽ hắn nhớ tới thnah phố của tuổi trẻ, như nhớ tới đứa bạn, hắn đã chạy cuồng trong đó trên chiếc xe đạp tồi tàn giữa những ngày tháng rách bươm, mơ ước cái cơ hội kết tập được ngày tháng tan rã thành một đời ý nghĩa. Có lẽ hắn muốn gặp đứa bạn để hỏi : tại sao mày không viết được gì thêm nữa ngoài cuốn sách đề tặng tao?; cuốn sách hắn nhận được vào một ngày cuối năm nào khi còn đóng đồn trên sườn núi ngoài Trung nhớ quê hương đã lìa bỏ cùng mẹ và gia đình ở lại, cuốn sách vợ hắn mang liệm theo xác như một kỷ niệm hắn muốn mang đi. Hắn không gặp đứa bạn và tự hỏi. Nó ra sao?, đã lâu không gặp, như ngày nào trong thành phố hoài nghi và khắc khoải, hắn thường tìm bạn và hỏi: Thế nào, chúng mình sẽ đi về đâu?

Hắn gục chếtbên một gốc ccây,mau lẹ, không đau đớn. Hắn nằm đó, đầu ngoẹo sang bên, gối lên cỏ như một người ngủ mệt sau đoạn đường hiểm trở của Định Mệnh-Định Mệnh của một thế hệ, những người còn sống là những kẻ sống sót. Hắn đã đi từ tuổi trẻ bị cướp đoạt, tới nằm đó trong khu rừng giữa cuộc chiến phơi mình làm một sự thật thô sơ, ở đây, trong xứ sở khốn nạn này, cuộc chiến phải chấp nhận không phải là lối phiêu lưu trốn chạy ngông cuồng. Cái chết của hắn không phải là một huyền thoại Rimbaud, một huyền thoại Lawrence, tên bạn hắn hiểu được như vậy.

Chúng muốn gì? Người chết cho kẻ khác sống. Chúng muốn gì?

Những nhà phê bình ở Hà Nội đã gọi các nhân vật trong cuốn sách này là bọn tôi mọi nô lệ. Họ hỏi trong khi họ xây dựng xã hội chủ nghĩa, bọn này đi đâu? Những người ở Hà NỘi không khi nào tự đặt câu hỏi với mình, những câu họ thường đặt cho kẻ địch. Bọn chúng đã đi trong thống khổ của lịch sử tới cái chết như sự từ chối quyết liệt.Tại sao/ Đáng lẽ họ phải tự hỏi: tại sao? Cái chết lựa chọn không phi lý, nó sẽ làm nẩy sinh sự thật, sự thật của những người chết truyền lưu cho kẻ sống sót.

Mỗi nhà văn, chính là một kẻ sống sót?…”

Bếp Lửa có không gian của Hà Nội những ngày trước khi mà đất nước chia cắt. Nhân vật tên tâm đã kể lại chính về cuộc đời mình và cả những người chung quanh trong một thành phố náo loạn bất an.Tâm mồ côi cả bố lẫn mẹ, sống trong một xã hội vẫn còn dưới sự đô hộ của Pháp và những tư tưởng Quốc Gia Cộng Sản xung đột nhau dữ dội.Tác giả Bếp Lửa bằng những nét phác họa rất sắc để tượng hình ra một môi trường sống mà ở trong đó những cá tính về chính trị được biểu hiện rõ nét. Ông hình như không chỉ muốn phác họa một chân dung của Tâm mà còn muốn mô tả cả mộtthế hệ thanh niên trong thời kỳ đó. Như Bảo một người trong đảng phái Quốc Gia có lúc đã tham dự vào phong trào Ngũ xã của Việt Quốc nhưng nay đã mất tinh thần và không còn tin tưởng như thời trước nữa.Như Đại, một người bị mê đắm đến mù quáng vì chủ nghĩa Mác Xít và đang chuẩn bị thoát ly ra khu để theo Việt Minh.như Đại, một người của phòng Nhì Pháp. Như Ngọc một người có tư tưởng hư vô và không quan tâm đến thời cuộc, cũng như quốc gia dân tộc. Hay như ông Chính, một người Việt Quốc vẫn còn kiên cường đi và tin tưởng vào sự chọn lựa của mình. những nhân vật ấy đã sống và mỗi người mang tâm trạng riêng, một nỗi niềm riêng.

Chuyện tình trong Bếp Lửa có nét nhẹ nhàng và giản đơn không khúc mắc. Tâm gặp cô bạn cũ tên Hạnh trên một chuyến xe và sau đó đã đi ăn với nhau và ngủ với nhau tại khách sạn. Một vài lần sau cũng tái diễn như thế và với Hạnh, bóng dáng của chiến tranh đã làm cho nàng như lạc vào một tâm trạng khác tạo mê đắm và hứng thú cho công việc làm tình.

Nhà văn Huỳnh Phan Anh có một nhận xét:

“Nếu Bếp lửa thể hiện một sự thật, một kinh nghiệm thì thất bại chính là tên gọi của sự thật của kinh nghiệnm đó. Trong một bài viết về Thanh Tâm Tuyền tôi có đi tới một nhận xét” Đọc Thanh Tâm Tuyền tức là tham dự một cách nào đo cuộc phiêu lưu trắc trở của một ý thưc 1lạc loài và bất hạnh.

Nhân vật Bếp Lửa chính là một trường hợp điển hình của ý thức khốn khổ đó. Một ý thức khốn khổ ùhay một ý thức trong cuộc hành trình vô vọng giữa hư vô và đổ vỡ. Một ý thức mà giấc mộng” biến cải thế giới”, “thay đổi cuộc đời”” tự do và chọn lựa”... chỉ là một nỗi đam mê vô ích giữa những thế lực mù quáng của Định Mệnh và lịch sử không ngừng “lấn áp ở mọi phía”. Một ý thức trong cô đơn và bất lực bị kết án phải “đi một mình suốt đời”giữa bốn bề bốn động tối tăm.

Cuốn sách mở ra một cuôc hành trình, hành trình vào cõi đêm thâu. Trên từng câu ngắn, trên từng ý nghĩa cô đơn, người đọc không đọc mà lắng nghe, lắng nghe cái âm vang lạc loài của những bước chân cô đơn quờ quạng...”

Văn tiểu thuyết của một người thất bại thì thơ là của bóng đen, của những nỗi niềm của một thế kỷ xa lạ.

“Một người da đen một khúc hát đen
bầu trời đen sâu không cùng
những giòng nước mắt
xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
bằng giọng của máu của tủy của hồn bắt đầu ngày tháng
giữa rừng không lời rừng mãi trống không
ném mình ném đám đông vào trần truồng tủi cực hờn xác thịt
tan vỡ hôm qua hôm nay kể gì ngày mai
tôi rằng không quên chẳng thể được quên
vì Blues không xanh vì điệu Blues đen
trên màu da nức nở...”

Có người đã viết những câu thơ. Một thuở nào, xa lắm. Những ngày, mà Hà Nội chỉ còn hiện diện trong giấc mơ. Những ngày, mà Sài Gòn đã thành hiện hữu.

Có những câu thơ, bắt đầu một thời kỳ của tình yêu bị chia cắt. Những câu thơ, của một thi sĩ đang đi tìm lại một giấc mơ:

“sự em có mặt cần thiết như những sớm mai
(nếu đời người không có những sớm mai)
anh trở dậy
đọc thơ Nguyễn Du
những câu lục bát buồn rưng rưng cuối đường
của một ngày…”

Có một người, tự gọi tên mình để nhận diện cho ra chân dung nỗi buồn. Vào trong góc vắng, nghe những vỡ vụn của thanh âm tiếng chuông. Những câu thơ, hoang mang, xa lạ. Những câu thơ, của nỗi niềm xa vắng :

“tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quì thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không mầu…”

Có một người làm thơ, tìm giấc mơ trên những giây phút cảm xúc của nhịp thở. Hôm nay, ngày mai là chính là cái kết tinh của ngày hôm qua. Thơ, là gợi ý cho con người bước đi trên nhịp cầu sinh tử.

:… những giấc mơ-hôm qua là phá hủy-hôm nay là ngày mai
nhỏ như con tim đôi mắt chớp lẹ
nhỏ như hơi thở trong một ngực tình cờ
hung thần chạy trốn
hào quang trên môi hôn
lời nhiệm mầu tác phẩm”

Có những câu thơ, viết về nỗi buồn. Thi sĩ, làm những câu thơ, nói lên những nỗi niềm chung mang của một thế hệ.

“tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rã rượi.
Đôi khi anh muốn tin
Ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
Mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
Đến ngày cuối
Đôi khi anh muốn tin
Ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
Mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
Nguồn sữa mật khởi đầu...”

Cũng những câu thơ ấy, về sau, là một trời suy tư. Chữ nghĩa, là những để lại cho đời.

“nghe lời vọng lòng sách u uẩn
trang giấy ố mọt xông mở quên
chữ nghĩa dày dạn hàm hồ
nghe tuyệt tích cám dỗ

dưới mái dột nát tạm trú
ngọn điện chong rực lóa vắng xưa
chiếc bóng ám sàn vách loang lổ
dị hợm vô hình thù…”

Có vài khúc dạo tặng tri âm. Thơ, ở trí biệt khuất ngoài lịch sử.

“Rũ bỏ ký ức –ký ức người
mông muội đắm mình
không thể khác
ngậm tanh tiếng sơ sinh
lạnh bất trắc...”

Người thi sĩ bay vào miền đất lạ. Hồi trước, thi sĩ đã khóc người bạn, thi sĩ Quách Thoại. “còn gì chăng. Tôi bưng mặt khóc bên thềm cửa. Trời –đất rưng rưng. Em không để cầm tay. Khi người thi sĩ ấy chết trơ trụi.Không một lời trối trăng từ biệt. Mắt khép không đợi vuốt. Nửa đêm...” Bây giờ, có một câu thơ vẫn còn hiển hiện :

“xin trao thi sĩ vòng hoa tặng.
Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời...”

Thanh Tâm Tuyền. Thi sĩ đã vừa ra đi.Tôi Không còn Cô Độc. Liên Đêm mặt trời Tìm Thấy. Thơ Ở Đâu xa. Những tập thơ đánh dấu những cột mốc của thi ca Việt nam. Bây giờ, từ những vận động để làm mới thi ca cũng như những tâm sự nỗi niềm của một thời đại, đã qua đi. Thi sĩ đã khuất vào trong cõi vô thủy vô chung. Thơ như tài sản để lại cho đời … Của Việt Nam chiến tranh. Của đất nước một thời chia cách….

Nguyễn Mạnh Trinh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn