BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73945)
(Xem: 62319)
(Xem: 39513)
(Xem: 31236)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ký sự

03 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1666)
Ký sự
57Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
57

 15 tháng sáu năm 1975, tới nay tháng 6 năm 2001, 26 năm. Biến cố 30 tháng tư năm 1975 quan trọng đối với một thế hệ, bớt quan trọng đối với những thế hệ sau hoặc những người có may mắn không chứng kiến thực sự sự việc. Nhiều bạn đã qua đời, tôi xin nêu tên để phần nào kính dâng lên hương hồn các bạn đó, mà chắc chắn trước khi nhắm mắt cũng không quên được chuỗi ngày này.

Chúng tôi hai vợ chồng, hai đứa con trai, một đứa hai tuổi rưỡi, một đứa mới tám tháng đang bò lê. Tất cả ngồi sệt dưới sàn nhà ăn cơm, vỏn vẹn chỉ có một miếng thịt kho bằng hai ngón tay, vợ chồng chỉ chấm nước còn thịt nhường cho thằng con lớn. Có tiếng chuông cửa, tôi chạy ra mở, hồi hộp không biết cái gì, lo hay mừng. Thì ra DTH, mặt mày méo xệu. Tôi mời vào nhà. Liếc thấy bữa cơm của chúng tôi anh ta vội quay ra "thôi, thôi!" Tôi gặng mãi anh H. mới cho hay nhà không còn một đồng nào.

Tôi đứng ngẩn, ruột gan tơi bời, chúng tôi cũng cùng một tình trạng. Từ ngày mất nước, căn nhà ở đường Nguyễn Siêu do Điện Lực cấp cho chúng tôi, hàng ngày đều có người mặc ka ki bấm chuông, đàn ông hay đàn bà cũng đều đeo một cái sac, không chào hỏi, đi thẳng vào nhà coi từ bếp, cầu tiêu, phòng ngủ, phòng tắm, gật gật đầu rồi đi ra.


Đầu tháng sáu, thông cáo của chính phủ Cộng hoà Lâm thời Miền nam Việt Nam, lệnh tập trung cải tạo ngụy quân và ngụy quyền. Mọi người đều "hồ hởi phấn khởi" với cái ý nghĩ đi học một tháng ở ngay Sài Gòn, ăn cơm của nhà hàng Bát Đạt, rồi lấy cái giấy chứng nhận, trở về đi làm bình thường.


Tôi từ giã vợ con và được Ông Ba Ng. tài xế khu Nam chở tới trường Gia Long. Ngay cửa vào có một tên bộ đội ngồi sau một chiếc bàn. Tôi đưa thẻ căn cước, anh ta cầm lấy coi rồi hỏi:


 - Chức vụ gì?


 - Trưởng Khu.


Ngần ngừ suy nghĩ:


- Không thuộc diện cải tạo! Nói rồi đưa lại cho tôi thẻ căn cước.


Tôi nửa mừng nửa hoang mang:


- Nhưng thưa anh, ở sở có danh sách chỉ định đi học tập.


Tôi hy vọng nó viết cho vài chữ từ chối để đem về nộp cho công ty. Nó rung đùi, mặt nghênh nghênh:


 - Cấp bậc gì?


 - Trung uý biệt phái.


- Thế thì vào đi!


Bên trong dân điện lực đầy hết, lúc đó đã xế trưa. Tôi được ăn bữa cơm chiều với anh em, có cơm trắng, canh và cá. Nếu cứ thế này hết thời gian học tập thì sướng chán.


 Bên kia hàng rào, vợ con ríu rít như đàn chim sẻ quanh chiếc lồng nhốt chim con. Đây là chồng và cha. Họ ném những gói kẹo, thuốc lá, thuốc tây, v.v... Tôi nghe tiếng Ông Giám đốc Nha Tiếp vận:


- Anh cứ tiếp tục nhé, tôi ở đây mà, có gì vướng mắc chiều chiều anh lại đây cho tôi hay!


Khi đã phân chỗ căng mùng thì có tin anh Trưởng Khu Chợ Lớn được gọi về vì thiếu người điều hành hệ thống. Sau đó là hai nàng "hộ lý", quần áo bà ba đen, mặt mày nghiêm nghị, trông vẫn còn vết bùn lầy Cà Mau, đi nhỏ cho từng người hai giọt nước tỏi cay xè vào hai lỗ mũi. Một ông lẩm nhẩm "mình thành gà toi hết rồi".


Tôi ở Gia Long được một ngày, tối hôm sau, vừa nằm được một lúc, quãng hơn mười giờ tối thì có lệnh dẹp đồ, đổi trại, ra tập trung ngoài sân.


Một giọng nói sang sảng:


- Tất cả ngồi xuống, giữ trật tự, mọi hành động tiêu cực sẽ được xử lý ngay. Sau đó khi có lệnh sẽ lần lượt lên xe.


Tôi liếc nhìn một vòng thì thấy đầy quần áo vàng, tay lăm le súng AK chĩa vào chúng tôi. Một cảnh tượng giống hệt như Đức quốc xã gom dân Do Thái. Cái này là hết giỡn rồi. Anh bạn bên cạnh tôi thì thầm:


- Chút nữa coi xe nó chạy về hướng nào? Nếu về phía Bảy Hiền là đi Hóc Môn, Củ Chi, trại này hắc ám lắm. Nếu ngược ra xa lộ là đi Long Khánh, trại Long Giao, trại này nghe nói bộ đội quản lý, dễ chịu.


Có lệnh lên xe.


Một đoàn xe buýt cũ của Sài Gòn đậu dọc theo đường Phan Thanh Giản, hướng ra xa lộ. Anh bạn lại giựt giựt tôi:


- Long Giao rồi.


Tất cả cửa kính xe đóng kín, người lên càng đông càng ngộp thở. Có người lên tiếng xin mở cửa sổ, tức thì một họng súng chĩa ngay về phía ông ta:


- Im. Người cầm súng là một tên trẻ cỡ 16, 17 tuổi, rất nguy hiểm.


Một tên khác len lén xuống xe một lúc lâu rồi trở lại:


- Có lệnh cho hạ một nửa kính xuống.


Đoàn xe ra khỏi thành phố, xa lộ vắng tanh, mấy ngọn đèn đường leo lét. Một nỗi buồn sâu xa thấm vào người tôi. Khỏi khúc quanh Cát Lái là nhà máy nhiệt điện, Sài Gòn Sub, làng Đại học, bên kia là Nha Trang bị, ngã tư Thủ Đức, đường vào quân trường. Thằng bạn có căn nhà ở cư xá mới hay mời anh em lên ăn thịt rùa ... Tất cả đang mất hết!


Ông bạn bên cạnh lại giựt giựt :


- Long Giao rồi! Hên đấy!


Đoàn xe gần tới Long Bình thì rẽ qua lối đi Vũng Tàu, tôi giựt giựt lại anh bạn thấy anh này ngồi im. Một lúc nữa thì xe rẽ trái vào một cái cổng có tấm bảng hình cầu vồng:


- Làng Cô nhi Long Thành - anh bạn đập tôi hơi mạnh và tiếp tục - Tốt rồi, không sợ rừng thiêng nước độc.


Cả đám người đổ xuống giữa hai dãy nhà. Ánh trăng và gió lạnh. Tôi nghe tiếng ông cựu Bộ Trưởng Ngô Trọng Anh la lớn:


- Anh em công chánh và điện lực mình vô hết đây đi.


Căn nhà trống không, dưới sàn xi măng thắp một dãy nến leo lét, đoàn người ai cũng cảm thấy một cái gì thê thảm, chết chóc. Lúc đó đã gần hai giờ sáng, mọi người trải chiếu ra nằm, có người ngủ, có người mở mắt trắng suy nghĩ.


Vừa chợp mắt, tôi nằm mơ thấy một đám lính thủy quân lục chiến, quần áo rách tả tơi và họ kêu "chúng tôi đói quá". Hôm sau tôi kể cho anh bạn bên cạnh nghe giấc mơ, anh ta không nói gì, chỉ cho tôi một vết máu dài còn dính trên tường.


Sáng dậy, mọi người ồn ào ra sân đi nhận nhau, thằng này thấy thằng kia thì mừng cười. Dành nhau mãi mới được một lon ghi gô nước, vừa đánh răng vừa xoa lên mặt. Đa số vẫn còn thuốc đánh răng của Mỹ như Pepsodent hay của Pháp Diamant


Màn sau là tụ lại pha cà phê và thuốc lá. Lác đác đã thấy mấy ông bự, quần áo xì po, tay cầm cuộn giấy "kiss me" đi ra phía ruộng. Cái cầu tiêu là một cái hố mở, quây tôn ba mặt, một miếng gỗ nhỏ bắc ngang chênh vênh ở phía trên. Hành giả ngồi tham thiền, đầy mùi xú uế, nhìn xuống dòi ở đâu đã lúc nhúc, một đàn én lần lượt sà vớt những chú nhặng non, mới lột xác, chưa biết bay, y như chiến dịch diều hâu bằng trực thăng của Mỹ. Có một vị ở Bộ Giáo dục sợ quá không dám ngồi mà đứng khom khom ở cái thế xuống tấn, mắt nhìn lên trời. Đa số là các vị đã từng đi máy bay Boeing 747, ở khách sạn bốn năm sao, New York, Paris, Tokyo, lùi lại thời thô sơ, còn mong gì nữa.


Làng Cô nhi Long Thành nằm trên một ngọn đồi lớn, nhìn ra ngoài thoai thoải đồng mía. Một phía là núi Long Khánh, một phía là núi Bà Rịa, lúc nào cũng có mùi cỏ, mùi đất ngai ngái. Từ cổng đi vào giữa hai dẫy 10 căn nhà, mỗi căn hai gian, mỗi gian dài 10 thước, ngoài ra còn một căn chính diện, một căn dọc bên phải và một căn bên trái ở xa. Công chức từ căn một tới nửa căn bảy, còn lại là Cảnh Sát, Tình Báo, Phượng Hoàng, căn chính diện dành cho nữ, đa số là nữ tình báo. Căn bên trái xa là ban quản lý trại. Ngay ngoài cổng là một căn xưa dùng cho khách vãng lai, nay cho công an võ trang ở. Trước đây Làng Cô nhi Long Thành do các ni cô nuôi các trẻ em mồ côi do chiến tranh hoặc những bà mẹ đem con đến cho. Các bà lớn trong chính phủ có chỗ để treo cờ kết hoa tới biểu diễn cho tiền và tỏ lòng nhân đạo tràn trề. Khi chiếm được miền Nam, những người cộng sản đã tốt nghiệp "đại học công an" thì thấy ngay là một cái nhà tù lý tưởng.


Ngày hôm đó chia tổ, bầu tổ trưởng, lập danh sách và cắt người đi lấy cơm.


Hai ba ngày sau, yên ổn đâu đấy là có lệnh lập bản tự khai. Cán bộ phát giấy và hướng dẫn: "Tên họ, ngày sanh, năm sanh, bí danh, bố mẹ, vợ con, anh em, thời gian đi học, thời gian đi lính, làm việc trong cơ quan nào, chỉ huy là ai, thuộc cấp là ai, cùng hoạt động với ai, có chỉ điểm phá vỡ các cơ sở bí mật của cách mạng nào không... Cứ khai cho thật, cách mạng mới cải tạo được, nếu anh không khai, người khác cùng trong cơ quan của anh họ khai ra anh thì là gian dối, tội rất nặng. Trong thời gian này, tất cả cấm trại, không được quan hệ với người khác và không đưa người khác coi bản khai của mình. Ai muốn đi vệ sinh đứng lên báo cáo với cán bộ hoặc tổ trưởng. Các anh làm việc đi!"


Nhà nào cũng có cán bộ đi rảo phía ngoài y như các phòng thi. Chiều thì nộp bài. Trước khi đi tôi đã được người bà con ở ngoài Bắc vào dặn "nói ít, viết ít". Đối với nhiều người khác, thật căng thẳng, những năm phức tạp nhất của thanh niên Việt: Ai cũng hăng hái với lý tưởng dành độc lập năm 1945, đi kháng chiến, rồi sau đó bỏ chạy về quốc gia, bây giờ thua cuộc, khai sao cho nhẹ tội? Trong lúc mọi người hí hoáy viết, họ cho gọi một người trong nhà lên làm việc riêng với họ ở một chái nhà trống. Buổi trưa nghỉ có người nói nhỏ với tôi "chúng muốn chúng ta thành lũ sói ăn thịt lẫn nhau". Nộp bài rồi, ai cũng trở thành suy tư, thuốc lá hút nhiều. Ông đại tá đầu bạc nằm cạnh tôi là người cùng quê, phủ Quốc Oai, tâm sự "Cậu có thể về trước tớ, tớ là chưa biết sao? Tớ chỉ huy trận đánh Căm Bốt mà Tướng Nguyễn Chí Thanh ngoài Bắc chết đấy. Trận đó họ chết cả ngàn, mà thống kê chỉ ghi có bốn, năm trăm. Cậu nhớ là quân mình phục bên này biên giới, xe tăng thiết giáp vòng cung dồn từ sau về, cứ thế là nã, trên thì trực thăng quan sát và phóng hỏa tiễn. Súng lượm lại chất đầy cả chục chiếc xe GMC. Sau trận đánh, mình đang ngồi uống rượu với mấy tên cố vấn thì bà ấy hớt hơ hớt hải chạy vào cho hay là đài phát thanh giải phóng vừa loan tin đã bắt được tên Đại Tá đầu bạc. Ngay ngày hôm sau Nguyễn Văn Thiệu cho gọi vào dinh nói: �Tôi có chỗ này rất tốt cho cậu, chức Tỉnh Trưởng Long Khánh". Tớ cãi là mình đang thắng trận, thế mà cũng không được. Mình không hiểu được tụi Mỹ nó muốn gì, nó không cho mình thắng!"


Sau đó, mọi người bàn tán tới học chính trị. Có người nói hình như mình phải học tới bảy bài, có người lại nói chỉ có năm. Trong lúc đứng xếp hàng lãnh phần cơm cũng bàn tán, một ông giúp việc ở nhà bếp nghe chừng trái tai đã nói lớn "Các anh là đi tù chứ học tập cái con mẹ gì!", ông này liền bị một người trong hàng đấm một quả vào mặt. Chiều tới cán bộ giải thích ngay là các anh không có quyền có những hành động trừng trị như vậy, đây là nơi để tu sửa lại những sai lầm trong con người của các anh. 


Nghĩ lại thì chính ông kia đã nói đúng, ông ta thấy rõ hơn những người ngây thơ, ảo vọng.


Tối đến từ căn nhà bảy báo động là có người chết. Đây là anh L., chưa tới 30 tuổi, làm việc ở Trung Ương Tình Báo, mới ở Mỹ về, theo anh bạn nằm kế bên thì trước khi ngủ anh này có nói nhỏ với anh là "sống với tụi này thế nào được", đến khuya thì thấy anh ta thở kỳ cục, lay gọi anh L. không biết gì nữa, người ướt đẫm mồ hôi. Ngay khuya hôm đó, anh em đi kiếm ván làm cái hòm và chôn ở gần hàng rào.


Hai ba tuần lễ trôi qua, ngày nào cũng dài đằng đẵng, chỉ canh chiều tới là đi ngược đi xuôi ở con đường chính giữa, có người gọi là "đại lộ hoàng hôn". Đủ thứ lý luận, đủ thứ tin tức, có khi là thật, có khi là phịa, nhưng cái tin các bà vợ ở nhà đã tụ tập lên toà đô sảnh đòi thả chồng về thì là có thật. Họ cho đăng báo ngay cái hình chụp những người cải tạo đang chơi vô lây, vui vẻ, thoải mái! Cho tới hôm nay, hai mươi sáu năm sau họ mới ra thông cáo là một số viên chức ngụy quyền tự ý xin đi học tập!


Để giết thì giờ, anh em gặp cái gì cũng mài, cắt vỏ chai xì dầu làm ly, đi đào củ "hà thủ ô", theo cái rễ càng sâu càng ác liệt, lên xuống phải công kênh nhau. Tôi thơ thẩn lại lượm được một cái nẹp thép niềng các thùng cạc tông, dài gần hai thước, mừng rỡ về chia với một ông sĩ quan công binh, ông này cho mượn cái dũa thế là tôi chế ra một cái cưa nổi tiếng. Có lần cán bộ tới mượn đi cưa cây, không biết cưa sao gãy bà nó lưỡi, anh ta mang về mà cứ xót xa:


- Này, cái cưa "peugeot" của anh đưa cho thằng nhãi không biết cưa làm gãy luôn, anh cảm phiền nhé!


Đầu tháng tám một buổi trưa có lệnh cấm trại không được ai ra khỏi nhà. Hé qua cửa sổ thì thấy một đám cán bộ, súng lục cầm tay, đi từ ban quản đốc trại xuống, nét mặt căng thẳng, họ bắt ba người từ các nhà khác nhau, dẫn ra khu ruộng bắp sau đó có súng nổ. Đến tối thì có tin là trong đó có một phó tỉnh trưởng, cán bộ nhà xuống giải thích là chúng tôi buộc lòng phải làm như vậy vì có một số người nợ máu, không thể cải tạo được. Người nào người nấy nét mặt xanh rờn.


Bài học đầu tiên tới, tất cả được lên lớp.Tới ngày mong ước được học, có người cắm cúi ghi, đúng là đại học Long Thành. Đề tài của bài học: "Ngụy quân ngụy quyền là tay sai ngoại bang, bán nước phản động, đế quốc Mỹ là một loại thực dân mới."


Giảng viên nói tràng giang đại hải từ thời thực dân Pháp, "Hồ chủ tịch cướp chính quyền năm 1945, rồi bọn phản động Việt Nam Quốc Dân Đảng, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh từ Trung Quốc về, chỗ nào thấy trụ sở của cách mạng là cho quân đốt bỏ. Anh Vũ Hồng Khanh có ở đây không?" Một cụ già giơ tay: "có".


Sau đó đến "thằng vua bù nhìn Bảo Đại, thằng Ngô Đình Diệm, thằng Nguyễn Văn Thiệu đi lính cho Tây, tất cả là một lũ tay sai ngoại bang, phản động, bán nước. Thằng Nguyễn Cao Kỳ là du côn, trèo me trèo sấu cũ. Đâu có thằng nào là tốt đâu, vào đây rồi mà có anh TVT còn tập trung anh em dạy võ Bình Định, có âm mưu chống phá cách mạng phải không?" Ông TVT giơ tay tính đứng dậy thì bị quát liền: "Anh không được quyền nói gì ở đây!"


Tối hôm đó, đại lộ hoàng hôn không khí căng thẳng. Một ông bên cảnh sát qua chơi với ông đại tá đầu bạc cho hay: "Các anh đừng có hy vọng gì về, tôi nay phải thủ sẵn hai cây vàng để mà sống sau này. Hồi trước tôi bắt được tụi nó còn chửi thậm tệ hơn nhiều. Những người kẹt lại hồi 54, ngoài Bắc, tới giờ này vẫn còn ở trên Ba Vì có được về đâu!"


Sau bài học tất cả phải cấm trại, họp tổ, sinh hoạt. Tổ của tôi gồm một nửa điện lực, một nửa quan thuế, một anh quan thuế người Trung bắt đầu cuộc thảo luận, đọc lên đề tài thằng này thằng kia, tay sai bán nước... có vẻ cộng sản lắm, bác DVM giám đốc nha quan thuế người Nam có ý kiến: Tôi đề nghị ghi vào báo cáo là chúng tôi xưa nay không có dùng quen chữ thằng, trước tới giờ trong Nam vẫn gọi Ông Hồ, Ông Võ Nguyên Giáp. Anh em hơi hoảng vì cái đoạn sau nó sẽ cho là xỏ nó. Cùng một lúc thấy TTTh rung chân, giơ tay, mắt nhấp nháy: "có thêm ít hành phi với mỡ". Hoá ra quí vị ở phía đó đang bàn tới đĩa cơm tấm bì ở Chợ Cũ, có thêm mấy miếng cơm cháy.


Tối đến, bắt buộc phải ra bãi đất coi phim Nguyễn Văn Trỗi. Một ông có vẻ cảnh sát, nói với ông bạn bên cạnh: "Hôm đó anh chàng này run như cầy sấy: em bị chúng nó gài!"


Nguyễn Văn Trỗi là "anh hùng" lội xuống kinh đường Công Lý chờ xe Mac Namara (1964) đi qua là giựt mìn, nhưng bị bắt. Sáng ra anh công an coi Nhà 4 hỏi: "Sao các anh coi phim có hay không?" "Hay lắm, nhất là đoạn chị Uyên gào: Anh Trỗi ơi!" Công an phì cười: "Các anh toàn nói náo, cái phim đó có ai thèm coi nữa đâu!


Sau đó ít lâu còn được coi một phim nữa là "Quản lý nhà tù ở Thái Nguyên".


Bài học số hai là nói về "sự nghiệp làm thơ của Bác Hồ" do nhà văn Hoài Thanh thuyết giảng. Trong đó có tập thơ trong tù, thơ tại hang Pắc bó và thơ khích lệ bộ đội.


Nhà văn kết luận là "vì Bác nổi tiếng chứ một người khác mà làm thơ như thế thì có ai đọc".


Bài lên lớp số ba "chiến thắng mùa xuân" do một anh có vẻ cao cấp trong quân đội miền Bắc nói chuyện, giọng nói, thái độ ít sắt máu hơn, anh ta nói: "Chúng tôi tiến tới Hố Nai thì bị các phụ nữ thụt súng cối, gần chết, rồi các bà già chạy ra xỉa vào mặt, này, đã chia cho một nửa ngoài Bắc mà không chịu hả, còn bò vào đây làm khổ chúng bà?"


Tiếp theo là anh quản lý trại, giọng Quảng Bình, mặt cứ vác lên, đi đi lại lại nói trên trời dưới biển hàng giờ, chẳng ai thèm nghe.


Thời gian đó là đúng mùa mưa, mỗi buổi chiều nhìn ra hướng biển, mây đen đặc kịt, tiếng sấm ì ầm và những lằn chớp loang loáng mà thấy nhớ nhà, nhớ những dịp sống êm đềm rồi nghĩ đến sự đổi thay của đất nước mà đau lòng. Có lần sét đánh ngay cột cờ giữa sân, tia lửa tung toé, thoáng cái nhìn xuống chân cột cờ đã có một ông cởi trần, mặc xà lỏn, ngồi theo thế thiền, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm nhẩm thần chú như kêu gọi sét tới. Tiếng sét vẫn kéo dây nổ như đại bác ở trên không, lập tức có hai người vội chạy ra khênh ông này vào nhà. Đó là một ông bạn kỹ sư công chánh. Hôm trước cán bộ cho hay, đang đêm điểm danh thấy mất anh này, mọi người vội vã đi tìm thì ra ông bạn ra đầu nhà đào hố tự chôn mình, ló cái đầu lên nhìn mặt trăng rằm để lấy khí âm vào người, hôm nay chắc là muốn thâu nguyên khí dương của một lằn sét!


Một tin làm sôi nổi cả trại đó là mới có một phòng hớt tóc ở gần cửa. Sau khi thăm dò biết được tiệm "Đơ" ở Hiền Vương, mọi người ra hớt tóc và dấm dúi miếng giấy nhỏ cho mấy anh thợ, đưa tin về nhà, gửi tiền vô. Tổ trưởng của tôi tâm sự với tôi "hồi xưa tao tưởng mày ghê lắm, giờ tao mới thấy mày cũng tội, sáng mai có tiền vào tao chia cho", vừa nói xong thì NHN cùng tổ chạy về cười hích hích: "Bể mẹ nó mánh rồi, có hai ông bự điện lực nhắn gửi vào cả trăm ngàn, công an biết nên tụi nó không dám nhận nữa".


 Khoảng hai tuần đầu của tháng tám thì có lệnh một số đổi trại, trong đó có ông đại tá đầu bạc cùng quê tôi, khăn gói ra sân xếp hàng. Trước khi đi ông ta ân cần dặn tôi: "này mày có về nhớ lên Biên Hoà chỗ cái bồn nước mới xây nói với bà nhà tớ là bán cái xe hơi đi, lấy tiền mà sống". Sau đó có tin đồn là những người này được đi "16 NV ", học tập tốt hơn được đổi trường.


Cuối tháng tám, đợt thứ nhất được về, đa số các chuyên viên kỹ thuật, những gia đình có công với cách mạng và không dính líu nhiều với quân đội hoặc chính trị của Việt Nam Cộng Hoà. Đó là để chào mừng ngày "quốc khánh" hai tháng chín. Mỗi nhà phải cử một người lên lo tắm hai con heo. Đến ngày hai tháng chín, lên lãnh cơm trưa thấy các bà bếp đều đeo khẩu trang, anh bạn xách chậu đi cạnh tôi thốt: "à hôm nay cái lỗ được bịt lại!" Có người đồn là có bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa sẽ lên thăm trại. Bữa ăn hôm đó thấy trong canh bí đỏ có một miếng mỡ nổi lềnh bềnh và nước canh có màu sếnh sếnh.


Tối hôm đó văn nghệ ngụy được tổ chức để chào mừng quốc khánh xã hội chủ nghĩa, có cả kịch do các chị Trung Ương Tình Báo diễn, các bài hát như "Cô gái vót chông, Trường sơn đông nhớ trường sơn tây" (hết duyên rồi anh có muốn em không?) Đàn làm bằng cán chổi, dây thừng, trống giữ nhịp bằng thùng rác. Các cán bộ mặc lễ phục loè loẹt, đeo cả mề đay, bài hát chót là bài "Giữ vững niềm tin" do một dân biểu học tập cải tạo sáng tác, trong đó có các câu: "Giữ vững niềm tin, tin vào dân tộc, tin vào quê hương bất khuất ..."


Chấm dứt buổi văn nghệ, lại ông giám đốc trại lên phát biểu: "Các anh hát hay lắm, tiện đây tôi cũng thông báo để các anh biết là để chào mừng ngày quốc khánh đầu tiên của tổ quốc thống nhất, nhà máy thép Thái Nguyên đã cho ra lò mẻ thép đầu tiên". Nói xong tự vỗ tay. Một tiếng thì thầm cách không xa tôi lắm "Chắc được bằng cái đũa!"


Ngay tối hôm sau, anh dân biểu tác giả bài hát "Giữ vững niềm tin" được mời lên ban quản giáo "làm việc", lúc về anh cho hay là họ hỏi "có phải anh muốn hô hào giữ vững niềm tin là các anh sẽ thắng không, ngoan cố thế thì làm sao cải tạo được. Cách mạng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, đã đánh cho Mỹ cút ngụy nhào, đổi năm đời Tổng Thống Mỹ, vậy mà anh vẫn chưa hiểu?"


Trước đó ai cũng thấy các nhạc sĩ có mặt như Hồ Đình Phương, Vũ Thành An ra gốc cây sáng tác ráo riết, nhưng không ra được bài nào, hình như nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, người đã gây sóng gió cho trại tù Z20 ở miền Bắc sau này cũng xuất phát từ Long Thành.


Ngày 22 tháng chín có lệnh đổi tiền. Cán bộ ra lệnh là anh nào còn cất giữ tiền ở nhà hay ở sở thì được quyền về lấy nộp cho nhà nước. Một bác già không biết ở bộ nào, sáng ra cho hay: "Cả đêm tớ suy nghĩ vì tớ chôn một triệu đồng tiền quỹ ở vườn sau nhà, bây giờ khai ra thì có tội mà cái tiền đó đằng nào cũng vô giá trị rồi nên tớ im luôn."


Có người hỏi: "Thế bác gái ở nhà có biết vụ đó không?" "Không, thế mới bỏ mẹ chứ !"


Một anh thẩm phán treo một miếng giấy lên gốc cây chữ "hotocata", anh ta giải nghĩa là hớt tóc cải tạo, giá một đồng, không có cũng không sao.


Hôm đó nghe nói có hàng bún bò cho bán ở trại giá hai đồng, tôi mới được lãnh bốn đồng nhà nước cho, hớt tóc mất một đồng, còn ba đồng cứ suy nghĩ mãi là mua xà bông tắm hay ăn một tô bún bò. Ngồi tưởng tượng ra cái miếng thịt chân giò heo quăn quăn mà nuốt nước miếng, cuối cùng ăn cho nó đã, lâu quá không có tí thịt. Thế là tối hôm đó bụng quặn đau, ra đồng làm thủ tục. Cái đau nó không ngừng, cứ chừng hơn tiếng đồng hồ nó lại quặn lên, lại phải chạy đi. Khuya vắng, gió lạnh, ngồi một mình sợ ma "thủy quân lục chiến". Sáng hôm sau xếp hàng lên phòng thuốc, tới lượt, một anh còn trẻ, mặt hầm hầm, hất hàm không thèm nói.


- Thưa anh tôi muốn xin thuốc đi kiết.


- Không có. Anh kia. (gọi người kế tiếp)


Tôi về phòng nằm, than thở với ông bạn ở bên cạnh, một bác sĩ đại uý quân y :


- Không hiểu sao tôi xin thuốc kiết họ không cho.


- Tớ mới xin được này, cậu nói làm sao?


- Thưa anh tôi muốn xin thuốc đi kiết.


- Thế thì hỏng rồi, phải thưa bác sĩ, không biết em bị gì mà bụng cứ quặn lại và ngày đi cả chục lần ra bọt. Nếu nó gật đầu nói "kiết" là nó cho thuốc. Đừng bao giờ nói bệnh ra trước vì có người bị nó hỏi tại sao anh biết anh đi kiết, về đi.


Tôi nằm tới ngày thứ ba, ăn không được, đứng lên thì lảo đảo, chỉ còn hai cái mắt, mỗi sáng bò dậy xin một chén trà nóng của anh em, thấy bụng êm hơn. Sáng hôm đó tự nhiên có một anh bác sĩ không hiểu sao biết tên tôi: "Anh H. ạ, cái thuốc này ở bên ngoài nó rẻ mạt, nhưng tôi thấy anh tới tình trạng nguy ngập rồi nên đưa để anh uống". Tôi run run cầm ống thuốc và còn nhớ cái tên là Entéro... có chất thạch cao. Anh bạn giải thích là những chỗ tập trung như thế này, ruồi nhặng, thế nào cũng bị kiết. Có cái lạ là trước khi có lệnh cải tạo, bộ y tế đã cho bào chế hơn hai trăm ngàn ống thuốc kiết, vậy mà họ không chịu cho.


Tôi uống tới viên thứ hai thì đã thấy đói, lúc đó cũng gần trưa, có người nói, cậu bệnh có thể lên xin ăn trước. Tôi xách lon guigoz lên bếp, một bà thấy tôi thì sốt sắng :


- Bịnh hả? Để tôi lấy cơm nóng này cho.


Đó là cơm gạo Mỹ hạt dài, tôi về ngồi tựa lưng vào tường ăn một lon cơm mà chưa bao giờ thấy nó ngon thế. Tôi mỉm cười với anh bác sĩ ngầm cảm ơn. Anh này còn giải thích thêm là sau này nếu được ra phải khám kỹ vì vi trùng kiết nó có thể vẫn còn. Ở đâu cũng vẫn thấy có người tốt.


Sau này khi gặp anh PX Hùng ở Sacramento, anh cũng cho hay là lúc đó tưởng cũng đã đi đứt rồi, kiết lỵ mà xin thuốc nó không cho.


Đa số các bạn bè lúc đầu đã về hết. TTTh nằm cạnh tôi rỉ rả kể truyện chưởng, hoặc Phi Lạc Sang Tàu của Hồ Hữu Tường, anh ta nhớ vanh vách từng chi tiết, những đoạn nào thú vị lại híp mắt cười kha khả. Anh ta có tài đánh cờ tướng, nện cho "bác Tám" KT Khải mười ba ván mà bác Tám vẫn chưa phục, cứ đòi trả thù. Một hôm anh ta lẩm nhẩm tập hát bài "Lúa khoai ta gắng trồng" rồi đến bài "Đoàn quân Việt Nam đi", anh ta hỏi tôi có biết bài này không, tôi trả lời: năm 55 tớ miệng thì hát bài này còn mắt láo liên tìm đường vô Nam. T Khiết thì cứ cỡ 11 giờ trưa là xuất hiện rủ xuống bếp xin cơm cháy, lai rai vừa đi vừa nhai, ngon thật. Có hôm không thấy anh này qua, tôi đi tìm thì được anh cho biết hôm nay tổ mắc dẫn ông Phó H. đi tắm! NVP, cởi trần trùng trục, cứ ăn cơm trưa xong là đi thăm hết các nhóm Điện lực, tay xoa xoa bụng. Thấy anh ta tới ai cũng hỏi: "Có tin tức gì không?" và bao giờ cũng chỉ có một câu trả lời: "Mẹ nó, mình gặp con thú dữ, làm sao mà đoán trước hành động của nó được, các cậu có tin gì không?


Cựu Bộ trưởng NT Anh đi rỉ tai: "Tớ nhận xét thấy nhà bếp nó hết củi mà không có mua thêm, như vậy là tới rồi đó". Ngay trưa hôm đó một đoàn xe chở củi tới chất đầy. Vẫn ông Bộ trưởng: "Nếu bây giờ các cậu thấy một đoàn xe tới là mình về đó". Quả nhiên một hôm có hai ba xe tới trước hội trường, một đám người được đổ xuống, anh em ra coi tình hình và tìm ra được vài tên Điện lực mới tới.


Lần lượt các nhà được đi lao động, tức là đi nhặt cỏ, xếp củi, gánh phân tươi ra bón rau lang. Đám nữ tình báo nhặt cỏ đã thấy hai xác Thủy quân lục chiến, anh em đào đất chôn và hôm sau nhờ mua một nải chuối mấy nén nhang vào làm lễ. Phòng bên cạnh tôi là Hàng không Dân sự, đi nhặt cỏ vồ được con chim sơn ca, một anh làm ngay cái lồng rất đẹp nhưng con chim không chịu ăn, cả ngày cứ xông vào nan lồng tét đầu chảy máu, trưa hôm đó anh đó xách lồng ra sân và trịnh trọng nói: "xét về ý chí thì mày còn hơn tao nhiều nên tao tuyên bố trả tự do cho mày", con chim bay thẳng lên mây xanh.


 Quần áo bắt đầu rách, đã sang tháng mười, có lệnh được viết thơ về nhà và nhận thơ. Nhiều người bị phù vì thiếu vitamine B1. Tôi cũng ngồi coi đánh cờ lúc đứng dậy không nhấc được chân bên phải lên, anh em phải nâng dậy và dặn nói nhà gửi cám vào mà ăn. Đúng là tôi tuổi hợi. Đợt tiếp tế đầu tiên tới, thức ăn, thuốc lá thuốc lào mì gói đầy, cả phòng sột soạt cả đêm.


Tháng 12 lại có đợt về, lần này tổ tôi chỉ còn có anh PX Hùng và tôi là Điện lực, anh PX Hùng đang bị đi kiết nặng, may có thuốc gửi vào kịp. Căn nhà nữ tình báo ở giữa được giải tỏa, về hoặc chuyển trại, một số bà phân phối về các dãy sáu và bảy, chiều chiều tôi thấy một bà ngồi ăn cơm với đứa con trai 7, 8 tuổi vào ở tù chung với mẹ.


 Đêm Noel năm đó họ cho tổ chức lễ, tất cả nhà tụ vào một phòng ở đầu, gồm dân biểu người Thượng, người không phải công giáo, ai cũng muốn tới dự nghe một bác có tuổi hát bài "Đêm thánh vô cùng". Anh dân biểu tác giả bài "Giữ vững niềm tin" tự nhiên kéo tôi ra một chỗ và dúi cho một ly rượu lễ, tôi hà lên một tiếng sung sướng, nhìn lên bầu trời đầy sao, chờ có một ngôi sao chổi không?


Buổi sáng tôi đang đứng cạnh cái loa phát thanh sang sảng suốt ngày và nghe được một câu rất thích thú vì họ nói "Chế độ của chúng ta là chế độ đa dạng", vì tôi vẫn nghĩ cái chế độ này nó không có luật pháp gì cả, mất mạng dễ như chơi. Theo Georghiu, Roumanie, thì người dân nào đi ngủ cũng phải dấu một miếng bánh hoặc củ khoai tây luộc vì đang đêm công an vào bắt đi là ngày mai đói. Tôi còn đang tủm tỉm cười thì một anh thất thểu bên kia hè lạng sang, ghé sát tôi:


- Cậu phải luyện cho thành cặp lỗ tai đàn bà.


Tôi hơi ngạc nhiên:


- Có nhiều người nhột ở chỗ đó!


- Không phải, ông nội, nghĩa là nghe mà đếch có thèm hiểu, chỉ nghe tiếng động thôi.


Nói rồi có vẻ khoái chí bỏ đi mất.


Tôi vẫn thơ thẩn, tìm chế tạo một cái gì, một cái máy hình chụp bằng một lỗ nhỏ không có ống kính, gửi phim từ ngoài vào, tối tôi chui vào mền cắt từng miếng phim nhỏ, dán vào, mỗi ngày chụp một cái. Phải có giấy đen gói lại. Cái gói thuốc lá Vàm cỏ có thể làm được. Quan trọng là bọn antenne không biết. Ý nghĩ sinh tử này cứ lảng vảng trong đầu tôi vì nếu có được những bức ảnh lịch sử này thì sau này quý lắm. Hồi bị Đức quốc xã bắt, một anh trong quân đội Bỉ cũng đã làm được một cái máy như vậy, nhưng đối với bọn này tôi thấy ghê rợn quá, có đáng liều không và chắc gì bà vợ đã dám chuyển phim vào. Tôi lò mò tới một chiếc xe GMC đậu giữa dãy một và hai vừa lúc một anh tới mở ca-pô lên, chiếc máy dầu còn mới tinh. Anh này sau khi ngắm nghía :


- Xe này là của ta, đâu phải của chúng nó. Một trong bảy điều quân lệnh là khi bị địch bắt phải tiêu hủy ngay quân trang, quân cụ.


 Nói rồi anh ta thò tay vào vặn, lắc và lôi ra ba ống dẫn dầu cong queo bằng nhôm đặc biệt, đường kính 3 hay bốn milimét. Anh ta đưa tôi một, tôi lắc đầu. Sáng hôm sau đi qua gần đó thấy hai ba người vênh miệng ngậm chiếc tẩu thuốc lào kiểu người thượng và cái ống hút bằng nhôm sáng loáng.


Nhà năm của tôi có cán bộ mới, mặt vuông mà méo, răng hô, mắt nhỏ không thẳng hàng. Hôm mới xuất hiện thằng bạn tôi thọc vào sườn tôi và nói sẽ: "Mày có nhớ cái bia tập bắn ở Thủ-đức không? Y hệt!"


Vào quãng tháng hai 1976 lại có tin đồn cho về ăn Tết. Cơm chiều xong, một anh ở Quan Thuế gọi tôi lại ngồi dựa lưng vào tường sát anh ta, anh ta hỏi tôi ngày sanh tháng đẻ rồi lẩm nhẩm tính (lúc đó tuyệt đối cấm tử vi bói toán).


- Kỳ này mày về.


Tôi đáp lại :


- Không, thằng Ch. cạnh tôi nói đã thu xếp với cán bộ xong rồi.


- Không, nó không có về.


Buổi sáng hôm đó tôi đang luộc mớ rau lang bằng cái lon guigoz thì cả nhà tập trung qua phòng bên cạnh nghe đọc danh sách rời trại. Danh sách đọc xong, anh cán bộ đi ra nhìn cuốn sổ lại quay vào :


- Tôi sót một anh là anh H. Điện lực.


Tôi chỉ xách cái ba lô, mùng mền, hột gà thức ăn để lại hết. Trước khi đi qua đoàn người xếp hàng tiễn đưa, một anh gọi tôi và giơ cái mũ tai mèo của tôi vẫn đội ra vẫy. Chợt thấy cái về của mình so với cái đau khổ của họ không có gì là hồ hởi.


Hai chiếc xe chạy về phía Sài Gòn. Trên chiếc xe trước tôi thấy Ông Phó Giám đốc Air Việt nam rút harmonica ra thổi bài Come back to Sorriento "Thân thất cơ quay về điêu tàn..." Tôi và anh M., thẩm phán, bạn thân trong tù được thả xuống vườn Tao Đàn, ngơ ngơ ngẩn ngẩn như gà mới lọt chuồng. Một cô gái bán xe giải khát gần đó mời chào :


- Hai chú có uống gì không? 


Hai thằng gọi hai ly chanh muối.


- Hai chú cải tạo ở đâu được về hả?


- Long Thành.


- Ba cháu cũng ở Long Thành mà có tin xuống tàu đưa đi Bắc rồi.


- Ba cháu làm gì?


- Thiếu tá Cảnh sát chìm!


 Hai thằng nhìn nhau sửng sốt. 


- Hết bao nhiêu tiền hả cô?


- Không, cháu mời hai chú, mừng hai chú được về. Nghe nói Long Thành hết là trại cải tạo nữa mà là nhà tù hình sự phải không chú?


- Đúng rồi họ đang xây tường đá dày và hàng rào chung quanh bịt kín hết (20 -02-1976).


Nguyễn Quang Hữu






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn