BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73934)
(Xem: 62317)
(Xem: 39509)
(Xem: 31234)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Núi rừng cao nguyên, dòng thơ biên cương

14 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 1100)
Núi rừng cao nguyên, dòng thơ biên cương
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Nguyễn Bính được mệnh danh là thi sĩ chân quê, bởi thơ ông viết về con người và khung cảnh nông thôn miền Bắc, mặn mà đến nỗi khi người thiếu nữ ông yêu đi Hà Nội về, chỉ một thay đổi nhỏ đã làm ông cảm thấy bị mất mát: “Hôm qua em đi tỉnh về / Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.”

Đinh Hùng được hiểu là thi sĩ của rừng thiêng, không phải vì ông sinh ra ở Sa Pa, Sầm Nứa, mà bởi cả cuốn Mê Hồn Ca là những bài thơ dị kỳ, lại còn thêm thi tập “Tiếng Ca Bộ Lạc,” và nhân vật hung dữ tàn phá kinh thành, hủy diệt giai nhân “có mấy linh hồn,” “vong bản,” “là ma là quỉ,” và “Bên thành quách ta ra tay tàn phá / Giữa hoang loạn cả lâu đài đình tạ / Ta thản nhiên đi trở lại núi rừng / Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng.” Ở Miền Nam, chỉ một bài thơ xuất thần mà thơ Hoàng Trúc Ly được coi là thơ Liêu Trai, “Từ em tiếng hát lên trời / Tay xao dòng tóc tay vời âm thanh,*” [*Lưu ý chữ xao: xao như thôi-xao (gõ, đánh, đẩy, xao-động... Việt Nam Tự Điển Lê Văn Đức Lê Ngọc Trụ.] Chỉ vài năm sau, có một số thi sĩ tuy là nổi bật, mà vì miền Nam sau 1963, sau đảo chính và chỉnh lý, sau Mỹ quân đổ bộ Đà Nẵng 1965 và Cộng quân cuồng sát Mậu Thân ở Huế 68, thơ lắng chìm, các thi sĩ quân nhân rời đồng bằng, rời thành phố hải cảng, rời cát trắng biển xanh vác súng lên rừng, đóng đồn hạ trại trên các triền núi, những Kontum, Pleku, những Darlac, Đức Lập, những bản Mường heo hút, và những thung lũng rình chờ... Từ đó, họ đã đem núi rừng vào thơ, họ đã tạo sương mù đất đỏ thành vần điệu, họ là Vũ Hữu Định, là Phạm Ngọc Lư, là Trần Văn Sơn, là Kim Tuấn.

Các thi sĩ ấy hẳn đã làm thơ từ trước đó, và núi rừng đã ở đấy từ trước đó, song trước khi họ vác súng đến, núi rừng là núi rừng, thơ là thơ, chưa có thơ núi rừng, và thơ miền Nam chưa có mảng thơ nào mà mầu rừng sắc núi lại thân yêu đến thế, hùng vĩ đến thế:

 Biên cương biên cương chào biên cương

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt

Núi chập chùng như dẫy mồ chôn

Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết

Thổi lấp rừng già bạt núi non

Mùa khô tới theo chân thù địch

Ta về theo cho rậm chiến trường

Chiến trường ném binh như vãi đậu

Đoàn quân ma bay khắp bốn phương

Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi

Núi mang cao điểm ngút oán hờn

Đá mang dáng dấp hình chinh phụ

Chơ vơ chóp núi đứng bồng con.

(Phạm Ngọc Lư, Biên cương hành)

 Phố núi cao phố núi đầy sương

Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

Anh khách lạ đi lên đi xuống

May mà có em đời còn dễ thương.

 

Phố núi cao phố núi trời gần

Phố núi không xa nên phố tình thân

Đi dăm phút đã về chốn cũ

Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

 

Em Pleiku má đỏ môi hồng

Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông

Nên mắt em ướt và tóc em ướt

Da em mềm như mây chiều trong

Xin cảm ơn thành phố có em

Xin cảm ơn một mái tóc mềm

Mai xa lắc trên đồn biên giới

Còn một chút gì để nhớ để quên.

(Vũ Hữu Định, Còn một chút gì để nhớ)

 Đêm nằm nghe vượn hú

Ba lô, súng gối đầu

Mắt mở trừng không ngủ

Rừng tiếp rừng âm u

(Trần Văn Sơn, Đêm kích ở dốc Đồn Điền)

 

Thi sĩ với nhiều bài thơ biên cương, nhà thơ Kim Tuấn, mất lúc 1 giờ sáng ngày 11 tháng 9, 2003. (Hình: Đinh Cường)


Trong số này, nhà thơ Kim Tuấn lại làm nhiều thơ nhất về núi rừng cao nguyên miền Nam, cả chục bài. Tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Khuê, có nơi viết anh sinh ngày 15 tháng 10, 1940 tại Huế; sách Võ Phiến (Tổng quan Văn học Miền Nam) viết Kim Tuấn sinh năm 1937; báo Người Lao Động trong nước và Người Việt ở Quận Cam soạn lại thành tin ngày 11 tháng 9, 2003 viết anh sinh năm 1938 tại Hà Tĩnh, là hậu duệ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm; chúng tôi không rõ nguồn tin nào đúng. Kim Tuấn làm thơ vào khoảng 1959, có tác phẩm nhan đề Hoa Mười Phương, hình như cùng với nhiều người, đến năm 1969 in chung với Định Giang thi phẩm Ngàn Thương. Sau đó có in Dấu Bụi Hồng 1971, Thơ Kim Tuấn 1975, Thời của Trái Tim Hồng 1990. Tuổi Phượng Hồng 1991 rồi Tạ Tình Phương Nam 1994. Thời gian trong quân ngũ Kim Tuấn phục vụ tại Quân Đoàn II ở Pleiku, đây chính là thời gian anh làm nhiều thơ về núi rừng nhất, hơi thơ mạnh và có nhiều khác biệt, từ nơi này qua chốn khác như Bản Hét, Pleime, Pleimrong, Đức Cơ, Đức Lập, Hạ Lào...

 Men say chất ngất chiều chưa khuất

Tây Bắc rừng xanh màu lá xanh

Tây Bắc người đi chưa trở lại

Sông buồn con nước chảy loanh quanh

(Xuân trên đầu núi)

 Bản Hét ta chào mi đấy nhé

Chiều mưa che khuất núi đồi xa

Chiều mưa ta đứng trên đầu gió

Thương mình hơn những bóng mây qua

Bản Hét thương đời anh lính trẻ

Quanh năm chờ phép về thăm nhà

Quanh năm trấn thủ đời gian khổ

Hầm đất nhìn quanh ta với ta.

(Trên vùng Bản Hét)

 Những người thi sĩ cầm súng ấy đã góp phần gìn giữ quê hương nơi núi đồi hoang vu vào thời xanh tóc và thắm mộng, các bạn đã thiệt thòi biết bao, nhưng tôi tin rằng Sử Thi Việt Nam sau này khi văn hiến được phục hồi, khi nói tới núi rừng lãnh thổ, thi ca biên cương thời thập niên 70, phải nói tới thế hệ Kim Tuấn.

Viên Linh

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn