BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đôi dép… lá chuối

17 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 1173)
Đôi dép… lá chuối
51Vote
40Vote
30Vote
22Vote
10Vote
33
Nó nằm ngữa mặt nhìn trời, đêm dày đặc nhưng những vì sao sáng lấp lánh, nó tự hỏi không biết có thật những người chết biến thành ngôi sao như chuyện mẹ nó thường kể ngày xưa, vậy ngôi sao nào là ba nó, ngôi sao nào là mẹ nó, lòng nó vẫn hoang mang, không biết sao mẹ có bị gần sao ba không, không biết chết đi mẹ nó có thoát được ba nó không, chút lo lắng lại cháy lên trong suy nghĩ của nó…Rồi nó thở dài, may mà cái chết của ba nó đã giải thoát cho nó, giải thoát khỏi những lời chửi mắng đay nghiến mỗi sáng mỗi chiều, giải thoát nó khỏi những trận đòn chí tử mỗi ngày mà lưng vai nó như vẫn còn âm ỉ hằn những lằn roi không làm sao nó quên được…

 Bất giác thằng bạn nằm bên nó reo lên:
- A, một vì sao rơi, mày ước gì đi!
Nó buột miệng trả lời:
- Một đôi dép!
Thằng bạn ngồi bật dậy nhìn vào mặt nó:
- Mày làm sao vậy, ai đi ước một đôi dép, mày khùng hả, ai không có dép mà ước?
Nó ngớ ra:
- Ừ ai không có dép nhỉ!

Thì ra từ lâu trong tâm trí nó điều ước duy nhất vẫn là đôi dép, cho dù bây giờ nó đã có năm bảy đôi dép nhưng khi có ai đột ngột hỏi thì nó cũng chỉ biết nói thế thôi.

Ngày ấy nó là đứa bé năm tuổi, nhà nó nghèo lắm, chưa bao giờ nó được ăn một bửa cơm no, quần áo thì tơi tả, hàng bao nhiêu năm tuổi thơ nó không biết cây kẹo cái bánh là gì, cục đường là thứ xa xỉ nó thèm nhất còn không có. Những ngày trời mưa mấy chị em nó co ro ngồi ngủ ở một góc vì nhà dột chẳng có gì để che, không có chỗ nào không ướt đủ để có chỗ nằm, và mỗi ngày ba nó không …gây sự, kiếm cớ để đánh nó và mẹ nó thì đó là một ngày được phép lạ, theo như mẹ nó nói.

Hơn năm tuổi thôi, một đứa bé gầy còm nhỏ xíu như…một con khỉ, hàng xóm gọi nó vậy, đã phải theo mẹ đi làm. Công việc của mẹ nó là đi đến một khu vườn chuối rất xa, ở đó người ta cho phép mẹ nó vào cắt lá chuối, những lá chuối già sà xuống dưới, rồi đem ra chợ bán để người ta gói bánh chưng, bánh gai…bán. Đường xa lắm lại lên dốc xuống dốc ngoằn ngoèo, khi xe chở đầy lá chuối mẹ nó không đạp nỗi khi lên dốc mà phải leo xuống đẩy lên và nó đẩy xe phụ mẹ.

Bận đi thì nó được mẹ chở, ngồi đàng hoàng trên yên sau xe đạp, dù đường đầy ổ gà cái mông xương của nó cấn đau trên chiếc yên sắt mà nó vẫn thấy sung sướng, nhưng bận về nó cứ phải nhảy lên nhảy xuống đẩy phụ mẹ. Nó chẳng ngại đi bộ xa nhưng nó sợ nhất là đôi bàn chân không bé xíu của nó bước đi trên đường như trên hai bếp lò, nắng chang chang trên đầu chẳng nhằm nhò gì với nó, những hai bàn chân dù đã chai phồng vẫn cảm giác cái bỏng rát kinh khủng mỗi bước đi, đó là chưa kể khi nó dẫm phải những viên đá sắc cứa đứt chân thì cái đau tăng lên không biết bao nhiêu lần. Trưa nào đi nó cũng thủ sẵn mấy sợi dây thun để bận về nó lấy lá chuối bọc hai bàn chân rồi buộc dây thun cả bàn chân, cái sáng kiến nhỏ của nó chỉ đỡ được một chút nhưng lại quá mệt vì cứ đi vài bước thì lá chuối tụt ra, chốc chốc nó phải dừng lại ngồi xuống hì hục buộc, mẹ nó thì cứ hối: nhanh nhanh con ơi kẻo chợ tan không bán được. Một đứa bé như nó đã biết thân phận không dám xuýt xoa cái đau với mẹ vì nó biết mẹ nó đã khổ quá nhiều, mẹ nó cũng đau lòng lắm và vài hôm bà lại bảo: Rồi mẹ sẽ mua cho con đôi dép! Nhưng ngày nào nó cũng không dám nhắc, khi đi ngang hàng dép nó cố ý đi chậm lại nhưng nó thừa hiểu mẹ nó phải mua nhiều thứ để bỏ vào miệng chúng nó, mua thuốc cho ba nó, rồi lại mua xị rượu cho ba nó và cả một tẹo đồ nhắm nữa…thì còn được đồng nào mà mua dép cho nó. Chiều về nhiều khi nó không muốn rửa chân vì sợ da chân mềm ngày hôm sau đi sẽ đau rát hơn. Đêm nằm ngủ nó thường mơ được có đôi dép, một đôi dép nhựa, hay bất kể là dép gì, nhưng mơ ước vẫn là mơ ước.

Cho đến khi nó vào lớp một thì mơ ước thành sự thật, mẹ nó để dành để dụm cách nào không biết mà cuối cùng cũng mua được cho nó đôi dép để đi học. Có lẽ đó là đôi dép đầu tiên trong đời của nó, khi mang dép vào chân nó đã thầm cảm thấy sung sướng vì nghĩ từ nay sẽ không còn chịu cái nóng của nhựa đường và chịu cái đau của những viên đá bén lởm chởm trên đường.

Nhưng rồi nó đành bấm bụng để dành đôi dép chỉ mang đi học vì nếu đi bộ xa mỗi chiều đôi dép sẽ nhanh hư, và chẳng lẽ nó lại đi chân không đi học. Nó đã sớm hiểu biết đến nỗi phải chọn lựa, hy sinh đôi bàn chân, chịu đau đớn khi đi làm, giống như bạn nó thường ở trần đi chăn trâu để dành chiếc áo lành mặc đi học. Và sâu xa hơn nó quý đôi dép, quý quá đến không muốn mang thường xuyên bởi nó biết nếu đôi dép hư hay đứt thì không biết đến bao giờ mẹ nó mới có thể sắm cho nó đôi dép khác.

Cả một quãng đời tuổi thơ của nó là vậy, loanh quanh trong căn nhà tranh dột nát, ra vườn chuối cắt lá chuối và đến trường nửa buổi để học và vui đùa bên bạn bè. Nó không để ý chuyện ăn uống, ngày đói ngày no không quan trọng.

Nó dần lớn lên, bớt đẹt hơn và khi nó được mười tuổi thì ba nó chết, nó nghe hàng xóm nói: Ổng nhậu quá trời thì xơ gan chết là phải rồi. Nó biết thế, không buồn không khóc, nhưng sau ngày chôn cất ba nó, thỉnh thoảng có đêm nó vẫn mớ hét lên vì còn nhớ những trận đòn vô cớ, vô lý của ba nó. Đôi khi nó cảm thấy thiếu thiếu điều gì đó, nó hận ba nó nhưng nó vẫn thương ba nó lắm mà nó không hiểu vì sao!

Sau ngày ba nó mất gia đình nó lại đỡ khổ hơn, mấy mẹ con nó, nó có một chị và một em gái, đùm bọc nhau sống yên ổn, không tốn một khoảng tiền thuốc men cho ba nó, cả tiền rượu và đồ ăn ngon cho ba nó mỗi bửa ăn riêng…nên mấy mẹ con được no bụng mà còn được mặc áo quần lành lặn nữa. Và rồi nhờ người tốt trong xã giúp vốn mẹ nó có tiền làm một gánh xôi mỗi ngày gánh ra chợ bán… Nó được yên thân đi học, chỉ phụ mẹ buổi sáng sớm và chiều về. Mẹ nó hiền lành, thật thà, bán xôi ngon lại rẻ nên gánh xôi của bà tạm gọi là nỗi tiếng ở chợ xã và chẳng mấy chốc bà để dành được tiền sửa nhà, nuôi chị em nó học hết cấp ba. Nó học xong phổ thông thì vào trường dạy nghề và ra làm thợ sửa máy tính, cuộc sống cũng tạm ổn. Chị nó đã thoả mơ ước làm cô giáo.

Khi đứa em út vào trường Cao đẳng tài chánh thì mẹ nó mất. Mẹ nó chết lặng lẽ không có đứa con nào bên cạnh vì tụi nó đã lên thành phố hết. Hàng xóm chăm cho mẹ nó hai ngày, bà nằm liệt giường, họ bảo bà gọi chúng về nhưng bà cứ nhất định nói không sao, không cho gọi tụi nhỏ về, không báo cho tụi nhỏ biết sợ chúng lo lắng tội nghiệp.
Ngày chúng về lo ma chay cho mẹ cũng là lần cuối nó về quê, sau đó chị nó đã bán nhà và cho mỗi đứa một ít, còn để dành lo cho em út học.

Nó thương mẹ vô cùng và từng nuôi hy vọng có ngày để dành tiền mua căn hộ chung cư cho mẹ nó lên thành phố sống chung với tụi nó, cả một cuộc đời cơ cực, nay mẹ chẳng còn… Mẹ chưa được một ngày sung sướng.

Trong lòng nó mẹ là hình ảnh cô tiên trong truyện cổ tích và cho hết cuộc đời có lẽ nó không bao giờ quên những ngày đi hái lá chuối với mẹ, không bao giờ quên ước mơ có một đôi dép suốt quãng đời ấu thơ nghèo khổ của nó… Đôi lúc nó thấm thía buồn vì nghĩ bây giờ nó chẳng còn mơ ước gì nữa, dép thì đã có nhiều, còn mẹ đã mất rồi…

Sông Chuyên

Theo http://nguyennaman.wordpress.com/2012/09/14/doi-dep-la-chuoi/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn