Ba năm tù đầu tiên, khi còn ở trong bàn tay quản lý của bộ đội, khách quan mà nói thì cũng tương đối khá. Vì bộ đội Bắc Việt cũng chì là con em của dân, phải chịu thi hành nghĩa vụ quân sự mà đi chiến đấu chết thay cho bọn đồ tể Hà nội. Tuy được giáo dục lòng hận thù sâu sắc đối với anh em quân sĩ miền Nam, những cán binh cấp thấp vẫn tỏ ra chút gì phóng khoáng hơn. Nhất là sau thời gian tiếp xúc thấy anh em quân nhân miền Nam không giống như hình ảnh họ biết qua tuyên truyền của Hà nội; họ cư xử nhẹ nhàng hơn. Thực tình mà nói, thì chính những người này cũng hiểu lầm về chính sách cải tạo của Đảng, họ cho rằng chúng tôi là những học viên, chỉ phải chịu qua một thời gian ngắn là trở về cùng với họ chung lưng đấu cật xây dựng Tổ quốc, bình đẵng với họ. Chỉ có bọn lớn cấp, nham hiểm, tàn độc luôn úp mở về số phận chúng tôi.
Tết đầu năm 1976, chúng tôi ở trại K2, Long Khánh, nơi trước đó là hậu cứ của một Trung đoàn thuộc Sư đoàn 18 BB. Một vụ nổ dữ dội xảy ra những ngày gần Tết phá huỷ gần sạch các dãy nhà, gây thương vong cho một số anh em chúng tôi và bọn lính cai tù. Chúng tôi được gia đình thăm viếng lần đầu tiên sau 8 tháng xa cách. Những xúc động, bồi hồi, hứa hẹn... Chúng tôi còn u mê, tin tưởng ngày về không còn xa, khuyến khích vợ con làm đơn từ lo bảo lãnh để mau được về đoàn tụ, dù phải chịu đi lập nghiệp vùng kinh tế mới. Sau này, mới biết những lá đơn do vợ con mình lặn lội đi các nơi, hao tốn bao thời giờ, tiền bạc (Thuỡ đó Cộng sàn sắp xếp lại các đơn vị hành chánh, muốn chứng một lá đơn có khi phải vượt hàng trăm cây số, mất cả tuần lễ) được chúng xử dụng làm toilet paper. Ôi bao tình cảm, nỗi niềm hy vọng đặt vào tờ giấy mỏng manh đã bị bọn thú vật trắng trợn dày đạp lên. Ba năm đầu, gian khổ nhiều, có chết chóc, thương tật do phải làm những công tác lao động hiểm nghèo, nhưng về ăn uống, tương đối có khá. Ngày Tết, có dủ thịt cá, bánh trái, thuốc lá và nhất là có chút thì giờ nhàn rỗi để cùng nhau tâm sự, ôn kể chuyện gia đình, trao đổi nhau ước vọng ngày xuân.
Nhưng từ sau Tết 1978, khi bộ đội bàn giao quyền quản lý cho bọn chó vàng Công an thì chúng tôi như bước sụp một bước dài xuống tận cùng mười tầng địa ngục. Đến đây, trang sử cuộc đời chúng tôi đã qua một bước ngoặc vĩ đại, an bài với bao cay đắng, tuyệt vọng. Ngày về sẽ là ảo ảnh, vợ con từ đây ngàn đời vĩnh biệt, tuổi thanh xuân hoa mộng từ đây bị chôn vùi nơi những vùng rừng thiêng, nước độc. Bọn cán bộ nói trắng ra: “Khi nào bò đực đẻ con thì các anh được về”. Chế độ tù khắc nghiệt nhưng không làm chúng tôi đau đớn bằng suy nghĩ về gia đình, vợ con bé bòng, mẹ già gần đất xa trời từ nay chỉ còn trong hoài niệm. Ngoài cái khổ cực về thể xác, chúng tôi còn chịu cái đau đớn tủi nhục của sự đối xử không nhân tính của bọn thất học vô loài. Chúng tước đoạt của chúng tôi từ tư trang, thực phẩm cho đến nhân phẩm. Chúng đày đoạ chúng tôi tệ hơn đối với loài súc vật, giam đói bỏ khát, và đem chút khoai mì ra khuyến dụ lòng chính trực, lương tâm của chúng tôi. Chúng tôi thắng, trong cuộc đấu tranh cam go này, khi sức chịu đựng đến tận cùng mà một con người xương thịt có thể chịu đựng nỗi. Biên giới của người anh hùng và kẻ hèn mạt là ở đây, được thử thách bằng miếng cơm thừa của bọn cai ngục.
Ngày đầu tiên được chuyển ra trại giam công an, mở màn là cuộc khám xét hành trang tận tình, chúng tịch thu tất cả, tất cả, chỉ trừ chiếc chiếu rách, vài bộ áo quần tù in chằng chịt dấu Cải tạo. Thuốc men, thực phẩm bị tịch thu ráo trọi, để rồi sau đó, chúng phát ngày hai bữa khoai mì độc ăn không đủ bén môi với một muỗng nước muối. Ăn như thế, mà hàng ngày mười tiếng đồng hồ phơi mình ngoài nắng gắt hay những cơn mưa triền miên của miền Trung nghèo, khắc nghiệt, lao động cật lực với những chỉ tiêu phi lý mà bọn cán bộ đặt ra. Dĩ nhiên chúng tôi biết cách đối phó để khỏi đem sức tàn của mình phục vụ kẻ thù, lúc thì giả đau, lúc thì đồng lòng lãng công, phá hoại hoa màu, dụng cụ...Sau cơn đói kéo dài cho đến ngày gần Tết, bọn cán bộ, qua các tên tay sai nhà trưởng, thi đua trật tự, cho biết: “Tết đến, Rờ Nượng khoan hồng Rân đạo (lại khoan hồng nhân đạo!) và sự quan tâm của Nãnh đạo, các anh sẽ được ăn Tết đầy đủ, trại cho mổ hai con bò, ba con Nợn, có bánh đa, một gói thuốc Ná xây Rựng, kẹo Nạc, Rưa cải...” nghe mà thèm chảy nước miếng. Chiều ba mươi, nhà bếp tấp nập, tiếng dao thớt cụp cụp nghe sao mà êm ái lạ, hương thơm bay ngào ngạt, ai nấy chuẩn bị chén bát để lãnh phần. Kìa hai anh trực ngày đang khiêng thức ăn về, tiếng xôn xao nổi lên, chúng tôi bắt bạn với nhau để cùng chia xẻ cái Tết tù hẩm hiu. Nhưng buồn sao và thất vọng sao, khi trong cái thau cỡ số mười chỉ lỏng bỏng những nước và nước, tận đáy thau có vài miếng da bò cắt như miếng mứt dừa. Thau thịt “nợn” thì gồm những miếng xương, tí “nòng”, tí huyết; thau “rưa cải” thì lòng thòng nguyên cây cải dài từ ngọn cho đến cuống rễ.(Vì muốn đạt chỉ tiêu về cân lượng, bọn CS chỉ cho thu hoạch cây cải sau khi nó ra hoa, đem về ngâm nguyên cây trong hồ nước muối, sau khi nhúng vào một cái chão gọi là rửa qua.) Quí bạn có khi nào nhai thử miếng vỏ xe đạp thì sẽ hình dung chúng tôi đã ăn da bò như thế nào. Dưa cải thì thật sự nó dai nhách như cái bao tải, nhai qua nhai lại cho có chút nước xong nhả ra như các bà cụ già nhai trầu. Chỉ có cục xương heo, gặm cho hết phần gân có dính tí mỡ, tí thịt, rồi cất đi, ngày ngày cho thêm muối, kho lui kho tới, và sau vài tuần cố gấng dùng mấy cái răng hàm đã khập khễnh, tiêu hoá luôn phần mà cả con cho đói cũng chê. Chắc quí vị sẽ hỏi: “thế bao nhiêu thịt đi đâu?”. Thưa, thịt ngon thì giao cho nhà bếp tiểu táo của bọn chỉ huy trại, thịt vừa thì đại táo của bọn cán bộ, thịt bạc nhạc thì bọn trật tự thi đua, nhà bếp thiếm xực.
Sau năm đó, hàng năm bọn Việt cộng cho phép gia đình ra thăm định kỳ nữa năm một lần, và gửi quà theo đường bưu điện hàng tháng vì lý do được giải thích như sau: “Nhà Lước Lói chung, và Trại Lói riêng có nhiều khó khăn, không No cho các anh đầy đủ, vì thế cho phép các anh được nhận quà để có sức khoẻ.” (mà Nao động cho chúng Ló). Thế là Tết đến, một số nhỏ các anh có gia đình tương đối khá ăn Tết rất ra chi. Họ tụ tập với nhau từng nhóm năm, mười người hùn hạp làm đủ các thứ, mứt bánh, xào nấu từ mười ngày trước Tết, kéo dài cả mười ngày sau Tết. Chỉ tội nghiệp cho các anh mồ côi, nằm đắp chiếc chăn rách, ôm bụng đói nghe những tiếng nhai nuốt nhồm nhoàm, ngửi hương vị thơm tho của cá thịt mà tủi cho thân phận mình. Chỉ những anh em nghèo dễ dàng chia sẻ với nhau. Thường, anh em chúng tôi ngồi tụm với nhau, kể ra vô số món ăn ngon do mình tự sáng chế, ôi thôi dủ loại cao lương mỹ vị, chúng tôi gọi là ăn hàm thụ. Nhớ nhất là Phan công Danh, một nhạc sĩ, họa sĩ tài ba, chiều chiều làm bộ thơ thẩn gần chỗ hội trường, thấy vắng đôi mắt cú vọ của bọn trật tự, là nhanh như cắt, vặt lấy vặt để mớ cỏ kiễng trồng làm hàng rào. Đem về, ngâm với nước muối làm thành một thứ Salad độn cho đầy cái bụng lép. Những anh bạo hơn thì làm bộ khai bệnh, trong lúc ngồi chờ xin thuốc, vọt ra vườn thuốc Nam hái trộm các loại rau do bọn y tá trồng vừa làm thuốc “dân tộc” vừa để cải thiện bữa ăn của họ.
Gần ngày Tết, bọn cán bộ thường yêu cầu anh em làm cho chúng lồng đèn. Tôi vốn khéo tay, được đội nhờ ở nhà làm. Dùng bất cứ thứ gì kiếm được, vì bọn cán cũng nghèo, không mua nỗi giấy màu, mực viết. Màu thì dùng lá cây làm màu xanh, hoa mồng tơi làm màu tím, thuốc đỏ làm màu đỏ, kí ninh làm màu vàng. Giấy thì lượm lặt đủ thứ dán lại. Tôi ở nhà, lợi dụng thời gian nghỉ ngơi, lén nấu nướng ăn uống, lâu lâu bày giấy, hồ ra kẻo tên cán nóng ruột mò vào xem. Ngày giao nộp, tên cán vui vẻ cho anh em nhổ khoai mì, nấu một nồi ăn “bồi dưỡng” tại nơi lao động, trong khi nó vào trại để lấy lồng đèn. Tội nghiệp, khi tôi đưa cho nó cái đèn, vẻ thất vọng hiện lên rõ rệt, vì cái lồng đèn méo mó, màu thì nguệch ngoạc, tối tăm. Nó vội trở ra, trút cơn giận dữ đạp đổ thùng khoai mì sắp chín. Thế là ba mươi anh em đành tiu nghỉu nhìn những củ mì H 34 lăn lóc giữa đất đá. Sau này một vài anh em trách tôi, nhưng biết làm sao.
Mỗi năm trôi qua, tâm hồn chai lì thêm một tí. Vì chẳng hy vọng ngày về, nên dại chó gì mà lo lắng, ưu tư. Cứ coi như vô vi, sáng chui ra, chiều chui vào cái chuồng chật ních nhốt hàng trăm người, đủ thứ bệnh truyền nhiễm. Ơn trời cho ai nấy sống, cũng ơn trời kêu ai nấy dạ. Có nghe tin đồn sẽ có đợt về ngày Tết, lòng cũng trơ đi, không mảy may suy nghĩ đến. Cho đến ngày Tết 1985, nghe đến tên mình, ngồi giữa hội trường, tôi cũng chẳng vui, chẳng thấy mừng, lạ thật!
Nguyễn Tuân, trong cuốn “Hà Nội Ta Đánh Mỹ Giỏi” kể lễ chi tiết về khẩu phần ăn ngày Tết của Hà Nội dành cho tù binh Hoa Kỳ. Với cái bánh chưng, vài miếng thịt, ông đã dành nguyên một phần mười cuốn sách để ca ngợi lòng nhân đạo của bọn Cộng sản khi cho tù ăn uống như thế. Tội nghiệp cho cái xã hội bần cùng, miếng cơm không ra gì cũng trở thành một thứ ân sũng quý báu và được nêu ra như một hành vi cao cả!
Giờ đây, gần mười năm sau ngày ra tù, gần bốn năm trên miền đất dung thân, hưởng thụ dủ thứ ngon vật lạ, hưởng thụ đủ thứ tự do, làm người với đầy đủ ý nghĩa, tôi vẫn lấy làm lạ sao con người có thể phải chịu đựng phi lý sự đối xử tàn tệ, dã man. Càng thương hơn, thông cảm sâu sắc với những nỗi bất hạnh của bạn bè, chiến hữu và đồng bào còn kẹt ở nơi tận cùng địa ngục đó.
Đỗ Văn Phúc - 1995
Gửi ý kiến của bạn