BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73955)
(Xem: 62321)
(Xem: 39516)
(Xem: 31238)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Món quà vô giá

28 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 907)
Món quà vô giá
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Kính tặng chị - Nicole Barry 

 Chiếc xe ôm của người quen chở tôi dừng lại trước cổng vườn nhà người bạn cũ. Nhìn quanh, khung cảnh nơi đây hình như hoàn toàn khác hẳn ngày tôi ra đi. Trong vườn cây trái sum suê nhiều hơn, căn nhà có vẻ xây chưa bao lâu nên trông còn mới! Bên hông nhà là cái hồ nuôi cá, lưa thưa vài bông sen nở, có một cái cầu ngắn nối liền với cái nhà thủy tạ nhỏ giữa hồ là còn giống y chang như xưa.

 Tôi dặn anh xe ôm: “Cố gắng chờ, khi xong việc chở dùm tôi về luôn thể!”

 Tôi bước vô sân và dừng lại. Hồi hộp đứng đợi… không khí lạnh lùng im ắng, tuyệt nhiên chẳng có ai trong nhà? Tôi ra hiệu cho chú xe ôm dắt xe vô. Dù sao tôi cũng là người phương xa mới về, nhà lại vắng như thế nầy, vào một mình sợ người ta hiểu lầm. Đang phân vân thì có một chị sồn sồn - có lẽ chủ nhà - chạy ra đon đả:

 -Dạ chào bác! Chồng cháu đi họp ở dưới Xã - chiều mới về cơ! Có việc gì sáng mai bác quay lại nhá!

 Tôi đứng thừ người, thất vọng!

 Như vậy là người bạn của tôi đã bán nhà cho gia đình chị nầy, thử hỏi xem chị ta có biết tin tức gì về người anh bạn của tôi đi về đâu hay không?

 -Thưa cô, cô làm ơn cho tôi hỏi chút chuyện. Có phải cô mua lại cái vườn nầy của một người “thương phế binh” cụt hai chân?

 -Thưa ông - Ông “phế binh” ấy bán vườn cho một người khác trước rồi… Khi vợ chồng chúng cháu vào đây mới mua lại của người ấy đấy! Nhưng hai người bây giờ ở đâu thì nhà cháu cũng không rõ lắm!

 -Có lẽ cô mua cái vườn nầy đã lâu rồi thì phải?

 -Không lâu đâu, nhà cháu mới mua lại chừng ba năm nay thôi! Còn chủ nhà trước mua của ông “Thương Phế Binh” cũng khoảng chừng ấy năm, trong giấy tay bán đất có ghi ạ!

 -Nói thật với cô! Trước đây tôi cũng ở xóm nầy, vì bận đi làm ăn xa mười mấy năm nay bây giờ mới quay trở lại tìm người bạn. Nay người bạn bán vườn ra đi không biết về phương trời nào. Tôi trở về không gặp mặt trong lòng buồn lắm. Vậy cô có thể cho tôi biết chút ít tin tức về người bạn của tôi được không cô?

 -Thật ra, nhà cháu cũng không biết gì nhiều về ông ấy đâu. Nhưng có lần chị chủ nhà trước mua miếng đất của ông ấy nói cho cháu nghe rằng: Sở dĩ ông “cụt chân” bán vườn là vì vợ chồng ông đã già rồi, không còn đủ sức canh tác nữa. Vả lại, hai đứa con của ông bà nay đã lớn, đỗ đạt, có công ăn việc làm hẳn hoi ở trên Thị Trấn. Anh chị ấy về bàn bạc…, rồi bán vườn. Nghe đâu mua nhà trên ấy. Cháu chỉ biết đến đấy thôi!

 Tôi cảm ơn cô chủ nhà và chào cô ấy ra về mà trong lòng buồn vô hạn! Nhưng rồi lại mừng cho huynh ấy bởi các con anh không quên anh. Còn nghĩ đến người cha tật nguyền do thời cuộc gây nên. Tội nghiệp một thời tuổi thơ của con anh cũng như con của những anh em khác bị người đời nguyền rủa: “con của thằng phế binh ngụy”!

 Tôi và anh bạn xe ôm đi ra tới mé lộ đứng nhìn lại mảnh vườn người bạn. Căn chòi lụp xụp khi xưa lợp mấy tấm tôn xi măng vách lá toang hoác chứa đựng bốn con người nhỏ nhoi trong cái xã hội mới - không một ai thừa nhận. Nhưng bốn con người bơ vơ lạc lõng đó đã hòa mình vào nhau trong hoàn cảnh nghiệt ngã đau thương của chính mình cũng như người thân, bạn hữu và xa hơn là cảnh nước mất nhà tan!


 Trong quán rượu yên tỉnh bên bờ sông có hai người một già một trẻ - kể chuyện cho nhau nghe… 

 
 Ngày tôi ra trại ! “Sau bảy năm học tập… anh chàng sinh viên đỗ đạt loại ưu - có quyền công dân tại chỗ như tôi cầm mảnh bằng: "Giấy-Ra-Trại!", đi tìm việc làm khắp nơi không một cơ quan, nhà máy nào nhận” ! (Thằng bán nước cho Mỹ, dù mầy có quyền công dân chúng tao trả. Nhưng lý lịch bán nước làm tay sai cho Mỹ của chúng mầy vẫn đeo đẳng mầy, con cháu và anh chị em mầy suốt đời!).

 Tôi lần mò về miền đông: Long Khánh, tìm đất làm rẩy. Năm một nghìn chín trăm tám mươi hai, rừng tương đối còn nhiều. Người dân kể cả bộ đội - thanh niên xung phong - “cải tạo viên”. Sau năm bảy mươi lăm đều thi đua phá rừng làm Nông Trường; còn người dân thì phá rừng làm rẫy… Phá sạch! Cây lớn làm gỗ, cây loại nhỏ cắt ngắn cỡ bốn tất để làm củi ; đốt than đem ra chợ bán để sống qua ngày. Người ta còn sử dụng than thay cho xăng dầu để chạy xe chuyên chở hành khách…Xe nào cũng đeo cái thùng lò than tổ bố phía sau.

 Một buổi sáng tháng chạp sương mù dày đặc, mọi người đang thâu hoạch đậu phộng, đậu xanh, bí…, ai rỗi rảnh thì cuốc lật đất ruộng lên phơi nắng, sau tết cuốc cũng được nhưng đất khô và cứng. Thường sau tết rất bận vì còn phải thu hoạch khoai mì - xắt lát phơi khô.

 Trên đường vô rẫy, tôi thấy một cô con gái chừng mười bốn hay mười lăm tuổi, chở một người đàn ông ngồi phía sau trông như một đứa con nít, hai tay giữ chặt bên dưới cái yên xe. Dọc theo cái xe thồ là cây cuốc, trên ghi đông đeo một bình nước màu vàng; một gói nhỏ bọc lá chuối và cái nón cời treo lủng lẳng.

 Cô bé dựng xe đạp thồ cẩn thận. Ẵm người đàn ông để xuống đất, người đàn ông hai tay “đi” trên hai cái ghế thấp nhỏ làm bằng tre phụ giúp tháo cái cuốc trên xe đạp xuống. Cô gái đưa bình nước cho người đàn ông và nói gì đó… rồi vội vàng đạp xe trở về.

 Ruộng của người đàn ông bên khe suối không nhiều, chừng hai công. Mỗi năm làm một vụ khi mùa mưa đến, khoảng cuối tháng tư - gieo hạt, làm cỏ, bón phân, chăm sóc… Được mùa hay mất mùa đều do thời tiết! Người đàn ông cụt chân nầy miệt mài trên cánh đồng của mình trong nhiều năm để cùng người vợ tảo tần nuôi hai đứa con khôn lớn.

 Buổi chiều - thay cho đứa con gái buổi sáng là người phụ nữ - vợ người đàn ông cụt chân? Tôi nghĩ vậy! - Dáng chị trông dễ nhìn, dong dỏng cao, nhanh nhẹn, tóc búi. Dựng chiếc xe đạp thồ bên vệ đường. Chị chạy lại chỗ người đàn ông lấy cây cuốc cột dọc theo thân xe. Đoạn chị ẵm người đàn ông ngồi lên sau xe, lấy khăn lau mặt và vuốt lại mái tóc lòa xòa trên trán người đàn ông. Khuôn mặt vốn điển trai. Giờ càng “rạng rỡ” thêm ra! Đó là niềm hạnh phúc của hai người - không còn bức tranh nào đẹp hơn bức tranh hiện thực nầy nữa!

 Mấy ngày sau tôi lân la làm quen với người đàn ông ấy ngay tại đám ruộng, rồi thân nhau như anh em - cùng là lính Miền Nam với nhau. Tâm tình một hướng cho nên rất dễ bắt nhịp… Anh ấy lớn hơn tôi những tám tuổi; bằng cấp, cấp bậc, chức vụ đều là cấp trên của tôi. Khi vui, có lần huynh ấy hỏi:

 -Nếu huynh không bị thương trên chiến trường cụt hai chân, chú nghĩ xem… Huynh đi “cải tạo” được bao nhiêu năm?

 -Thì huynh cứ trông cái “đáp số bảy năm!” của thằng đệ nầy là huynh biết “hậu quả nhãn tiền” của huynh liền chứ gì…?

 Chúng tôi cười vang…!

 Ngày tôi đi định cư nước ngoài. Bài thơ tôi viết cho anh cũng là cho tất cả những anh em khác có cùng trường hợp là: Thương Phế Binh như anh ấy. Nhưng anh ấy chính là nguồn cảm hứng chân tình làm cho tôi vừa mến phục anh vừa nễ sợ! - “Anh vẫn còn đôi chân! Anh chưa bị cụt!”. Tôi nghĩ như vậy - Anh vẫn còn yêu đời và phảng phất chút… tự hào! Có nhiều người còn đủ cả hai chân mà không biết đường để mà đi; không biết quý trọng và xoay trở như thế nào để sống. Thật là tội nghiệp!

 Huynh ấy thích bài thơ tôi viết dùm cho anh. Câu huynh ấy thích nhất “….vợ tao ẵm tao như một đứa trẻ sơ sinh ngậm ngùi …” - Chẳng những vợ ẵm mà mấy đứa con cũng đều ẵm huynh nữa đấy chú em ơi! - Anh nói với tôi mà như là tâm sự với chính anh.

 “vợ tao như Thiên Thần…”

 Huynh ấy nói:

 -Quả là như một Thiên Thần, chẳng những với huynh mà cả mấy đứa con huynh nữa!

 bẵng đi một thời gian chúng tôi không còn liên lạc gì với nhau nữa. Có một lần tôi gửi thư cho huynh ấy nhưng không thấy hồi âm gì hết! Thời đó điện thoại bàn ở thành phố mới có mà cũng chỉ dành cho người có tiền và cơ quan nhà nước. Ở nông thôn chỉ là điều mơ ước mà thôi.

 Về quê thăm lần nầy trước tiên là thăm viếng mẹ tôi. Bà đã chín mươi hai tuổi, qua một đêm ngủ biết đâu sẽ không còn thức dậy nữa! Mẹ tôi cũng như bao người phụ nữ khác tần tảo nhịn ăn, nhịn mặt hàng tháng thăm nuôi chồng con trong trại cải tạo. Không cần ai phong cho họ để trở thành “Anh Hùng”!. Chính những người vợ, người mẹ nầy - đã là Anh Hùng từ lâu rồi…! Nên suốt đời con cháu phải nhớ ơn và trân trọng.

 Sau là, mang một món quà trực tiếp trao cho huynh ấy. Món quà vô giá đó không phải bằng hiện vật, hay hiện kim . Món quà chỉ là một lá thư ngắn bày tỏ… Ngôn từ diễn đạt xuất phát từ con tim; từ máu của hai người anh trai của chị ấy đã hy sinh bảo vệ Miền Nam Tự Do. Cùng với cái tuổi hai mươi - tuổi thanh xuân tràn đầy niềm tin yêu mơ mộng … chất chứa với biết bao kỷ niệm của một thời con gái sống trong một quê hương điêu tàn bởi chiến tranh… hận thù ! Để rồi hụt hẫng nhìn từng người thân, người mình thương nhớ, lần lược ra đi… cái nắm tay rụt rè hay một nụ hôn quyến luyến lúc chia tay để ra chiến trường mới hôm qua, vẫn còn đọng lại dư âm nồng ấm…Vậy mà, hôm nay đã là… thiên thu vời vợi!

 Món quà vô giá đó là của chị - Nicole Barry

Xin trích: 

 ………

 “ Thân phận của người thương phế binh VN qua những dòng thơ đầy tình người. Người chết dù là những anh hùng vô danh. Họ đã được vinh danh. Đáng thương thay cho người lính VNCH và thương phế binh còn sống mang thân phận lưu đày trên chính quê hương mình sau tháng tư 1975…..”

 “…Làm thế nào để tôi có thể gửi một chút quà cho anh bạn anh được không? Như một chút quà gửi cho anh tôi mà thôi…”

 Nicole.

 Thật là vô cùng cảm động.

 Tôi muốn tận mắt thấy anh đọc - muốn thấy anh thể hiện tình cảm trên khuôn mặt phong trần - đối với các chị, các anh em đã viết cho anh! Chia xẻ nỗi gian truân một thời mà anh cùng gia đình đã vượt qua số phận nghiệt ngã để vươn lên ngang tầm hoặc hơn cái giá trị bản thân của một người lính, dù đã nằm xuống vĩnh viễn hay bỏ lại trên chiến trường một phần thân thể. Xót thay, bao năm qua đã bị chính người anh em đồng bào ruột thịt ruồng bỏ; khinh khi như một đứa con ghẻ, lạc loài trên quê hương đất mẹ. Bị lãng quên trên giòng sông thời gian trôi buồn bã chẳng một ai đoái hoài! Từng ngày, từng năm nhìn người anh em phía bên kia tung hê chiến thắng trên vết thương ruột thịt đã lâu rồi vẫn chưa lành! Cùng một cội sinh ra mà xót xa cho cảnh “gà cùng một mẹ bôi mặt đá nhau!”.

 Vậy mà, người bạn của Chú giờ đã: “Bóng chim tăm cá”! Con nghĩ có thấy buồn không? Huynh ấy đi về phương trời nào - dù có ở phương trời nào huynh ấy cũng không thoát khỏi cái vòng xoáy nghiệt ngã của lịch sữ.

 Chú xin cảm ơn con đã bỏ một buổi chạy xe ôm để ngồi đây nâng chén rượu đối ẩm với Chú và nghe Chú kể lễ dài giòng chuyện dĩ vãng của một thời xa xưa!

 Buồn nản phải không con?

 Không phải buồn đâu chú. Ngược lại chúng con rất tự hào về một thời hào hùng giữ nước của các Chú bác! Chúng con hơn ba mươi tuổi đầu. “Tam thập như lập”, vậy mà, tuổi trẻ chúng con chưa đứng nổi trên đôi chân của chính mình và lúng túng không biết hướng nào để đi…!!

 Tuổi trẻ và sự thật là tương lai của dân tộc để trường tồn. Tre già măng mọc! - không lẽ bẻ măng nấu canh ăn hết hay sao? Các cháu hãy sáng suốt nhìn vào tương lai!

 Thưa chị Nicole, dù anh bạn của tôi không được may mắn lắm nhận món quà tinh thần từ tấm lòng hoài cảm nơi chị. Nhưng… từ nơi phương trời nào đó… bạn tôi và những người anh chị em chiến sĩ và Thương Phế Binh đã cảm nhận món quà từ nơi trái tim chị. Hai người anh chị cũng vậy, và họ sẽ rất là tự hào về chị. Chúc chị nhiều may mắn!

Trang Y Hạ

 Sài Gòn Tết 2012
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn