BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73959)
(Xem: 62321)
(Xem: 39516)
(Xem: 31238)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người Sĩ Quan Ở Chợ Cũ

15 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 1121)
Người Sĩ Quan Ở Chợ Cũ
52Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.33
Một buổi chiều ra chợ cũ mua thức ăn, trong lúc chồng tôi vào quầy mua đồ tôi đứng trông xe và tình cờ quen anh. Anh ngồi dưới đất cạnh chỗ tôi đứng tay cầm xấp vé số mời tôi mua nhưng tôi không mua và không như những người khác khi tôi từ chối anh không nằn nì, chèo quéo nên tôi đứng quan sát anh và… có thiện cảm với anh. Anh trạc chừng 60 tuổi, tuy ngồi dưới đất bán vé số nhưng trông anh có vẻ lịch sự với cái áo sơ mi ca rô ngắn tay, tuy đã cũ mềm nhưng còn lành lặn thẳng thớm, bỏ vào trong chiếc quần dài cũng rất cũ và hai ống quần thì xắn gọn gàng lên đến gối lộ hai đầu chân cụt chỉ cách gối chừng hơn mười phân. Khuôn mặt anh trắng trẻo, theo tôi còn có vẻ người trí thức nữa với chiếc mũi thon, đôi mắt đượm nét hiền lành, chân thật. Thấy không ai mua vé số tôi lân la hỏi chuyện anh và biết anh sống ở trong một hẻm sâu đường Nguyễn Cư Trinh, trong đầu tôi nãy ngay ý định đề nghị nhóm từ thiện của mình mua tặng anh một chiếc xe lăn để anh đi lại đỡ vất vả. Khi chồng tôi ra tôi nói với anh ý định của tôi và muốn anh tìm hiểu rõ hơn về người đàn ông này, tôi không nói ngay là giúp anh cái gì mà chỉ xin địa chỉ anh để đến nhà xem có thể giúp anh điều gì không, rôì chồng tôi ghi địa chỉ và mua giúp anh ít vé số rồi chúng tôi đi.

Hôm sau chúng tôi đi tìm địa chỉ nhà anh hết sức khó khăn vì nằm sâu trong hẻm, không có địa chỉ rõ ràng và lại là khu tập trung nhiều dân nghiện xì ke, khu đặc trưng của quận nhất, tôi thật sự lo sợ vì có người bảo rằng vào những khu thế này biết người lạ bọn này có thể trấn lột, cướp xe mình như không, cũng may đang lớ ngớ thì gặp anh vừa đi bán vé số về và anh dẫn đến nhà, nói là nhà… cho vui vì thật ra chỉ là chút đường hẻm bên hông nhà người ta cho anh ở ké với mái che tôn, cửa gỗ xộc xệch.

Anh Long vui vẻ mời chúng tôi vào nhà… đứng chơi, bởi nhà không có ghế, chỉ vừa đủ để một chiếc giường gỗ nhỏ ngang khoảng 1m, dài khoảng 1m5 (vì anh cụt cả hai chân nên cũng không cần giường dài 2m như cái giường bình thường), và một chiếc tủ cũ kỹ bong mi ca mà anh lấy băng keo dán tạm lại khắp chung quanh. Trên tủ có chiếc ly nhựa cũng ngã vàng và chiếc cà mèn nhôm móp méo trên để vài đôi đũa và cái muỗng nhôm. Tôi phải công nhận nhìn qua đã thấy anh là một người đàn ông ngăn nắp, sạch sẽ.

Chúng tôi đặt vấn đề mua tặng anh chiếc xe lăn khoảng một triệu bảy trăm ngàn, anh ngại ngần một lúc rồi nói ” nói thật với anh chị nhà tôi thế này mua xe cũng chẳng có chỗ để, hơn nữa tôi không đi đâu ngoài việc đến chỗ ngồi bán vé số ở Chợ cũ mà mấy mươi năm nay tôi vẫn ngồi… Mỗi sáng có anh xe ôm quen chở đến đó, chiều anh lại đón về, mỗi ngày tôi cũng kiếm được đủ tiền ăn, trả xe ôm và để dành chút ít khi đau ốm. Vì vậy nếu anh chị thương muốn giúp thì cho tôi tiền sửa cái cửa vì ở đây tụi xì ke trộm cắp nhiều lắm, tối ngủ mà sợ tụi nó cạy cửa vô giết mình để lấy vài trăm ngàn, và tôi cũng muốn đắp thêm cái thềm ngăn nước mưa tràn vào mỗi khi mưa”. Tôi đồng ý ngay và hỏi anh cần bao nhiêu thì anh chỉ xin một triệu. Tôi ngạc nhiên và cảm động trước sự trung thực của anh, bởi chúng tôi muốn mua tặng anh một chiếc xe lăn thì tôi vẫn có thể tặng anh ngần ấy tiền hoặc hơn một chút.

Tôi nghe chồng tôi nói chuyện với anh và loáng thoáng hiểu trước anh là sĩ quan ở sư đoàn nào đó, đóng ở Quảng Trị, anh bị thương phải cưa hai chân khi gần xong cuộc chiến và mất liên lạc với gia đình. Anh ở Sài gòn, ba mẹ anh mất sớm, anh chỉ có một người em trai và vợ mới cưới, khi về được nhà thì không còn ai, không tiền không nhà, anh mặc cảm vì trước đó khi anh bị thương nằm ở bệnh viện Huế vợ anh cũng đã không liên lạc với anh nên anh không còn ý định đi tìm ai nữa hết. Anh nhịn đói nằm lề đường để được chết nhưng không chết và phải tự bò đi kiếm ăn… Anh nói ” xui tận cùng thì cũng có cái may đến, tôi nằm ở hiên nhà này và người chủ nhà đã thương tình cho tôi tá túc, cho ít tiền làm vốn mua vé số bán ngay lòng vòng trong hẻm kiếm cơm ăn mỗi ngày, rồi cũng có anh xe ôm trong hẻm thấy thương chở đi dùm ra Chợ Cũ ngồi bán cho được hơn…”. Anh còn nói ” ở đâu cũng còn tình người anh chị ơi!” làm tôi muốn khóc! Tôi hỏi anh có muốn tìm gia đình không tôi giúp đăng báo, nhắn tin trên truyền hình nhưng anh nói không một cách dứt khoát!

Chúng tôi trao tiền cho anh luôn rồi về, chồng tôi hẹn tháng sau quay lại để xem anh sửa được cửa chưa và cần gì thêm không nhưng rồi chúng tôi cũng quên bẵng đi. Một lần ra chợ cũ mua thức ăn tôi đang đứng lớ ngớ xếp hàng chờ đến lượt mình thì nghe có tiếng gọi từ đàng xa “chị ơi!”, không biết gọi ai nhưng bất giác tôi nhìn về hướng gọi và nhận ra anh Long. Có lẽ anh quên tên tôi cũng như tôi đã quên tên anh từ lâu nhưng giờ tự nhiên sực nhớ lại. Anh vẫn vậy, quần áo …chỉnh tề, khuôn mặt tôi không thấy già đi chút nào nhưng tóc đã bạc phơ. Anh nói anh chờ chúng tôi ghé lại mà không thấy, anh đã sửa cửa nên ngủ yên và cũng không lo mưa ngập tràn vào nhà nữa, anh lại cám ơn chúng tôi làm tôi ái ngại bởi chỉ là việc nhỏ của cả nhóm thiện nguyện chúng tôi mà thôi. Tôi không biết vì sao nhưng lòng tôi quý mến anh nhiều lắm, tôi mua dùm anh hai chục tờ vé số thầm cầu mong trúng để tặng cho anh và những người như anh nhưng chẳng trúng được lấy một số.

Về nhà lòng tôi vương vấn mãi… Những người lính đã cống hiến đời mình cho đất nước để rồi thế này đây, tôi không có tư tưởng chính trị để bênh vực cho bên nào, nhưng những người lính đều ra đi với mục đích bảo vệ đất nước, bảo vệ lý tưởng họ đang theo, và đôi khi phải đi vì trách nhiệm, bổn phận đối với đất nước. Dù thế nào họ cũng đã hy sinh thời gian của họ, chịu tổn thương về tinh thần, đôi khi mang thương tật hay cống hiến đời mình, và chẳng may họ ở bên thua thì luôn phải chịu thiệt thòi…

Tôi sống trong sung sướng, luôn ở nơi bình an nhất và thời đất nước có chiến tranh thì tôi còn nhỏ dại nên chẳng biết gì về chiến tranh, vậy nhưng hậu quả của chiến tranh thì tôi được thấy nhiều, bao nhiêu gia đình tan nát, những em bé mất cha mất mẹ sống suốt đời trong cô nhi viện, những người lính mang thương tật và những người mẹ cứ mãi đi tìm xác con mình từ năm này qua tháng nọ… làm tôi thật xót xa!

Rồi tôi lại đổ thừa cho số phận, chắc kiếp trước anh đã làm điều ác nên kiếp này phải vậy. Nhưng tôi tin anh đủ ý chí để sống nốt quãng đời còn lại, lạc quan trước cuộc đời không may mắn của mình và gắng sống trong sạch. Không biết đó có phải là từ bản chất trong con người anh hay là những đức tính trung thực và ý chí đã được rèn luyện từ trong quân đội mà anh có được. Tôi cho anh số điện thoai của tôi và dặn khi đau ốm anh cứ gọi tôi nhưng chưa bao giờ anh gọi, tôi nghĩ anh tự trọng không muốn làm phiền ai hết… Sau đó cũng nhiều lần ra Chợ Cũ nhưng không biết sao tôi không gặp anh, có lẽ chiều quá anh đã về hay tôi không còn duyên gặp anh nữa!

Dù sao tôi cũng vui vì đã gặp được anh và giúp cho anh một việc nhỏ.

Sông Chuyên
1995
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn