Đi lang thang trên đường phố Sài Gòn những ngày trước Tết, chợt thấy một cái băng rôn màu đỏ lạc lõng Kỷ niệm 55 năm cuộc tấn công Mậu Thân 1968. Lòng cảm thấy nhói đau nhớ lại thời chiến tranh, súng đạn nổ vang trong các ngày Tết, mấy ngàn căn nhà ở Sài Gòn bị đốt cháy, mấy ngàn người dân ở Huế bị thảm sát.
Giữa năm 1967, Bộ chính trị đảng cộng sản Bắc Việt quyết định đưa chiến tranh vào các thành phố và thị xã ở Miền Nam. Trong năm 1967, đảng cộng sản điều động thêm 94.000 binh sĩ của quân đội Bắc Việt đi vào Miền Nam, biên chế thành các Trung đoàn và Sư đoàn chính quy. Họ đưa nhiều thanh niên vào Nam đánh nhau mà không sợ Miền Bắc bị "hở sườn" là vì có 170.000 binh sĩ Trung Quốc vào Miền Bắc giúp phòng thủ.
Tham gia cuộc tấn công Mậu Thân 1968 là mấy trăm ngàn binh sĩ Bắc Việt đã xâm nhập vào Miền Nam, mấy chục ngàn cán binh cộng sản từ các mật khu trong rừng núi và các cơ sở nằm vùng ở thành phố. Sách báo Miền Bắc gọi chung tất cả là quân giải phóng. Sách báo Miền Nam gọi chung các lực lượng đó là quân cộng sản (CS) hoặc là việt cộng.
Chính quyền Miền Nam có một quân đội, sách báo Miền Nam gọi là Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), sách báo Miền Bắc gọi là ngụy quân. Tết Mậu Thân, theo thông lệ hưu chiến mấy ngày Tết như các năm trước, nhiều binh sĩ VNCH về nhà ăn Tết với gia đình, những binh sĩ trực trại thì phòng vệ doanh trại bình thường.
Đêm giao thừa và ngày mồng 1 Tết, quân đội CS tấn công vào các thành phố và thị xã, giành thế chủ động, chiếm được một số địa điểm. Quân đội VNCH bị bất ngờ, lúng túng. Dân chúng bị mất ăn Tết, nếu sinh sống ở nơi có bắn nhau thì người dân bỏ nhà cửa tản cư đi nơi khác hoặc chạy vào các cơ sở tôn giáo như nhà chùa, nhà thờ với hi vọng được an toàn.
Sau vài giờ đồng hồ, quân đội VNCH tổ chức được các tuyến phòng thủ và bắt đầu phản công. Giao tranh giữa quân đội cộng hòa và cộng sản diễn ra khắp nơi, 50.000 binh sĩ hai bên bị tử trận trong Tết Mậu Thân, người dân cũng bị thiệt hại nhiều nhân mạng và tài sản.
Nhận xét về quân đội CS, giữ được yếu tố bất ngờ là một ưu điểm lớn nhưng khả năng chiến đấu yếu kém của quân giải phóng là một khuyết điểm lớn, có lẽ do không được huấn luyện quân sự đầy đủ. Bên phía quân đội VNCH, bị bất ngờ là một khuyết điểm lớn nhưng khả năng chiến đấu vững vàng của sĩ quan và binh sĩ VNCH là một ưu điểm lớn. Kết quả là quân CS đánh vào được nhiều thành phố, nhưng chỉ một vài ngày là bị quân đội VNCH đánh bật ra khỏi tất cả các thành phố và thị xã ở Miền Nam, ngoại trừ Huế, trận đánh ở đó kéo dài 25 ngày.
Tiến hành tấn công Huế, quân đội CS sử dụng 4 trung đoàn chính quy và các tiểu đoàn độc lập, tiểu đoàn đặc công. Họ tấn công Bộ chỉ huy Sư đoàn 1 VNCH ở Mang Cá nhưng không vào được. Họ quay sang chiếm khu Đại Nội của Triều Nguyễn là một khu vực văn hóa không được phòng thủ nhiều. Họ cũng đánh chiếm các khu dân cư ở phía nam sông Hương. Khi quân đội VNCH và đồng minh phản công, quân đội CS đưa thêm 3 trung đoàn ở Khe Sanh về tham chiến, trận đánh kéo dài đến ngày 25-2-1968 mới chấm dứt (*).
Huế bị giải phóng 25 ngày, đó là những ngày kinh hoàng. Nhiều người dân nhìn người thân của mình bị quân CS bắt đi và không bao giờ trở lại. Một thời gian sau, mấy chục ngôi mộ tập thể được phát hiện ở quanh Huế với 2.810 tử thi, một số người dân tìm được người thân của mình trong đó. Trong số những người bị giết có các giáo viên, bác sĩ, linh mục Thiên chúa giáo. Không ai giải thích được lý do tại sao họ bị giết? Tàn nhẫn hơn, một số nạn nhân đã chết với hai tay bị trói. Người ta cũng tìm ra nhiều phụ nữ và trẻ em trong số những người bị chôn sống.
Tháng 9-1969, một ngôi mộ tập thể được phát hiện ở Khe Đá Mài với 428 tử thi. Thời gian đã phân hủy nhiều thi hài, chỉ một số được xác định danh tính nhờ các đồ vật họ mang trong người lúc bị chết. Chính quyền VNCH cải táng hơn 400 bộ hài cốt không xác định được từ các ngôi mộ tập thể về núi Bân ở phía nam Huế và lập ra hai bàn thờ, một bên cho Phật giáo, một bên cho Thiên chúa giáo. Những đồng bào có thân nhân bị chết hoặc mất tích trong Tết Mậu Thân nhưng không tìm ra xác thường tới đây những ngày đầu năm để cúng giỗ người thân. Sau năm 1975, chính quyền CS phá hủy hai bàn thờ đó và ngăn cấm người dân đến cúng giỗ.
Đối với người dân Huế, cũng như người dân Miền Nam nói chung, Tết Mậu Thân 1968 là những ngày tang tóc, những ngày rất buồn.
Sách báo trong chế độ cộng sản được viết theo chỉ đạo của đảng, bóp méo sự thật theo hướng đảng luôn luôn thắng. Họ nói cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 là chiến thắng. Xem xét kỹ ngày giờ của các trận đánh thì thấy quân đội CS tấn công vào các thành phố, ở đó một vài ngày, ở Huế 25 ngày, ở nhiều nơi chỉ có mấy giờ đồng hồ, rồi bị quân đội VNCH phản công và đánh bật ra khỏi các thành phố, phải rút lui về rừng hoặc chạy qua Kampuchia. Như vậy ai là bên chiến thắng? Một điều chắc chắn là người dân Miền Nam bị thiệt hại nhiều vì cuộc tấn công.
Ngày nay, lãnh đạo đảng CS đi qua Tàu, Pháp, Mỹ, nói gác lại quá khứ hướng tới tương lai để buôn bán. Nhưng ở trong nước, sách báo tuyên truyền vẫn nói về quá khứ chiến tranh, nói về các "chiến công" của đảng với nhiều máu và nước mắt.
55 năm đã đi qua, vẫn còn một số người vỗ tay tự hào chiến thắng trên những xác người, tiếp tục chia rẻ dân tộc.
Trần Mai Trung
Tháng 1-2023
(*) Nếu bạn muốn biết thêm chi tiết, xin đọc: Cuộc tổng công kíck Tết Mậu Thân 1968 của Sử gia Đại tá Phạm Văn Sơn.
Gửi ý kiến của bạn