BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76242)
(Xem: 62975)
(Xem: 40380)
(Xem: 31976)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một tín hiệu mới. Nhưng đừng vội mừng

29 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 838)
Một tín hiệu mới. Nhưng đừng vội mừng
50Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
21


Trong cuộc trả lời chất vấn trước Quốc Hội Việt Nam vào ngày Thứ Sáu, 25 tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đụng đến hai vấn đề nóng bỏng và ít nhất là cho đến lúc ấy, ông và giới lãnh đạo Việt Nam luôn luôn tìm cách né tránh: vấn đề chủ quyền trên Trường Sa, Hoàng Sa và hải phận Việt Nam cũng như vấn đề luật biểu tình.

Về vấn đề biển đảo, Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa: “có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự, ít nhất là từ thế kỷ 17, chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa có bất kỳ một quốc gia nào. Và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục, hòa bình.”

Riêng về Hoàng Sa, ông còn nhấn mạnh thêm: “năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo. Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền VN cộng hòa, chính quyền đã lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố khẳng định hành vi chiếm đóng này. Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Về Trường Sa, ông cho biết: “năm 1975, giải phóng, thống nhất tổ quốc, hải quân chúng ta đã tiếp quản 5 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa đó là đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết, đảo Sơn Ca. 5 đảo này do quân đội của chính quyền Sài gòn, chính quyền miền Nam cộng hòa quản lý, chúng ta tiếp quản. Sau đó với chủ quyền của chúng ta, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo... Ngoài ra chúng ta còn xây dựng thêm 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của VN ở vùng biển này, thuộc 200 hải lí vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Trong khi đó, ở quần đảo Trường Sa này, Trung Quốc đã chiếm 7 đảo đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo nổi, Philippines chiếm 5 đảo, Malaisia, Brunei đòi chủ quyền trên vùng biển nhưng không giữ đảo nào. Như vậy, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất so với các quốc gia, các bên có đòi hỏi chủ quyền, cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo mà ta đang nắm giữ với 21 hộ, 80 khẩu, với 6 khẩu sinh ra và lớn lên ở các đảo này.”

Về hải phận, ông cho biết: “Trong Vịnh Bắc Bộ, sau nhiều năm đàm phán, ta và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận, phân định ranh giới năm 2000. Còn vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, nếu theo Công ước Luật biển 1982, thềm lục địa của chúng ta chồng lấn với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Từ năm 2006, hai bên đã tiến hành đàm phán. Mãi đến 2009, hai bên quyết định tạm dừng vì lập trường của hai bên rất khác xa nhau. Đến đầu 2010, hai bên thỏa thuận nên tiến hành đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.”

Bên cạnh việc khẳng định chủ quyền trên biển đảo, Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập đến một vấn đề vốn được xem là rất nhạy cảm ở Việt Nam hiện nay: Luật biểu tình. Theo ông, một luật biểu tình như vậy là rất cần thiết. Thứ nhất, nó hợp với điều 69 trong Hiến pháp Việt Nam vốn công nhận quyền tự do bày tỏ ý kiến của dân chúng. Thứ hai, nó đáp ứng được một tình hình mới xuất hiện gần đây: dân chúng càng ngày càng muốn bày tỏ ý kiến một cách tập thể và công khai trước nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và xã hội. Thứ ba, nó hợp với “thông lệ quốc tế”.

Trước hết, chúng ta cần ghi nhận tất cả những đặc điểm trong những lời phát biểu trên.

Thứ nhất, đó là lần đầu tiên giới lãnh đạo Việt Nam lên tiếng một cách rõ ràng, dứt khoát và cụ thể về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên họ nói thẳng ra một sự thật: Trung Quốc đã dùng “vũ lực đánh chiếm” Hoàng Sa và một phần Trường Sa.

Thứ hai, đó cũng là lần đầu tiên một người lãnh đạo tại chức nói về chính quyền miền Nam trước năm 1975 một cách đàng hoàng và nghiêm túc với ba nhóm từ được láy lại “chính quyền Sài Gòn” rồi “chính quyền Việt Nam cộng hòa” rồi “chính quyền miền Nam cộng hòa”. Xin lưu ý là việc sử dụng từ “chính quyền” thay cho từ “ngụy quyền” khi nói đến miền Nam trước 1975 đã xuất hiện khá lâu, như một nỗ lực thể hiện tinh thần hòa giải mà chính quyền Việt Nam muốn tuyên truyền. Tuy nhiên, việc sử dụng từ “chính quyền” ấy thường chỉ thấy trong những phát biểu không mấy chính thức và nhiều lúc không giấu được chút lấn cấn. Ví dụ, mới đây, vào giữa năm 2011, báo chí trong nước đăng tải rộng rãi bài “Gặp nhân chứng trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974” trong đó các phóng viên phỏng vấn một số cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa từng tham gia trận thủy chiến với Trung Quốc năm 1974. Bản thân một cuộc phỏng vấn để những người từng bị gọi là “ngụy quân” như thế nói về lòng yêu nước và sự dũng cảm của mình đã là điều hay. Trong bài viết, mỗi lần nhắc đến chính quyền miền Nam, mấy chữ “chính quyền Việt Nam Cộng Hòa” luôn được sử dụng; đó là một điều hay khác. Tuy nhiên, đâu đó, vẫn có chút gì như phân biệt và kỳ thị. Ví dụ, đoạn này: “[Năm 1974], Mỹ rút, đồng nghĩa với việc viện trợ quân sự của Mỹ ngày càng giảm buộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải chuyển dần các lực lượng hải quân đang chiếm giữ tại quần đảo Hoàng Sa về hỗ trợ cuộc chiến trên đất liền, chỉ để lại một trung đội địa phương trấn giữ.”

Đọc câu ấy, người đọc không thể không băn khoăn và ngơ ngác trước chữ “chiếm giữ”. Tại sao hải quân miền Nam lại “chiếm giữ” Hoàng Sa? Chẳng lẽ Hoàng Sa lại thuộc về một đất nước khác?

Thứ ba, lần đầu tiên một người lãnh đạo thuộc loại cao nhất nước nhìn nhận việc biểu tình chống Trung Quốc là hình thức “biểu thị lòng yêu nước”. Trước, giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh cũng nói như vậy. Nhưng từ giám đốc công an Hà Nội đến Thủ tướng, trọng lượng của lời nói không thể là một. Từ một cuộc họp giao ban đến một buổi chất vấn giữa Quốc Hội và được truyền hình trực tiếp cho dân cả nước xem, ý nghĩa cũng khác hẳn.

Thứ tư, lần đầu tiên giới lãnh đạo Việt Nam công bố một cách rõ ràng chủ trương của họ về vấn đề biển đảo. Chủ trương ấy được Nguyễn Tấn Dũng tóm gọn vào mấy điểm. Một, “yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực.” Hai, “tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội - kĩ thuật, cơ sở vật chất ở các nơi ta đang nắm giữ.” Ba, “đánh giá lại cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào ta khai thác thủy hải sản, vận tải biển trong khu vực này, khuyến khích hỗ trợ bà con ta làm ăn sinh sống và thực hiện chủ quyền trên vùng biển Trường Sa này.” Bốn, “nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện theo đúng Công ước Luật biển 1982 và Tuyên bố DOC, đảm bảo tự do, hàng hải ở Biển Đông, hòa bình và an ninh trật tự, tự do ở Biển Đông.”

Từ những đặc điểm nêu trên, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét chính:

Thứ nhất, từ việc im lặng đến việc lên tiếng công khai và chính thức về vấn đề chủ quyền của đất nước cũng như việc biểu tình của người dân là một chuyển biến lớn. Nhất là chuyển biến ấy lại được thực hiện bởi một người được xem là thủ tướng có quyền lực nhất trong lịch sử chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam lâu nay.

Thứ hai, sự chuyển biến ấy có thể xem như là một sự nhượng bộ của chính quyền Việt Nam hiện nay trước những đòi hỏi chính đáng của dân chúng trong cả nước về một thái độ, một quan điểm và một lập trường dứt khoát và nhất quán trước nhu cầu bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Lâu nay, chính quyền Việt Nam vẫn chọn một chính sách khác: Bất cần những bức xúc của dân chúng, coi chuyện quốc sự là việc riêng của những người lãnh đạo.

Thứ ba, có thể xem sự nhượng bộ ấy như một chiến thắng của dân chúng, đặc biệt của những người từng xuống đường biểu tình và những trí thức từng lên tiếng, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, đòi hỏi sự minh bạch trong chiến lược đối phó với Trung Quốc cũng như yêu sách dân chủ hóa chế độ.

Thứ tư, bởi đó chỉ là một nhượng bộ, người ta có thể nêu lên ba nghi vấn. Một, liệu Nguyễn Tấn Dũng cũng như giới lãnh đạo Việt Nam có thành thực trong những lời phát biểu ấy không? Hai, liệu những lời nói ấy có biến thành hành động hay không? Ba, liệu những hành động ấy có hiệu quả và phù hợp với yêu cầu dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ hay không?

Chúng ta không thể không nhớ, đầu tháng 8 năm 2011, giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh cũng thừa nhận “biểu tình chống Trung Quốc mang tính chất yêu nước” nhưng ngay sau đó, công an Hà Nội, dưới quyền của ông, vẫn tiếp tục thẳng tay đàn áp những người biểu tình, với mức độ còn quyết liệt và tàn khốc hơn hẳn. Riêng với Nguyễn Tấn Dũng, từ lúc lên làm Thủ tướng (tháng 7 năm 2006) đến nay, đã nhiều lần phát biểu một cách hùng hồn và dõng dạc về nhiều vấn đề. Như chống tham nhũng. Như quyết tâm điều tra vụ Vinashin. Như lời hứa hẹn xây dựng một guồng máy chính phủ dân chủ và cởi mở. Như kế hoạch giảm lạm phát.

Nhưng tất cả đều chỉ là những lời hứa lèo.

Không có điều gì trở thành hiện thực cả.

Lần này thì sao?

Phải chờ. Chưa nên mừng vội.

Nguyễn Hưng Quốc

29-11-2011

Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn