BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73962)
(Xem: 62321)
(Xem: 39517)
(Xem: 31238)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bà Ẩn

13 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 1491)
Bà Ẩn
58Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
58
Đầu tháng 9, sau ngày tựu trường của học trò, tôi đang ở Tuần Châu tham dự một cuộc khai trương sân golf. Buổi tối sau tiệc chiêu đãi, tôi tha thẩn đi dạo bộ quanh khu biệt thự, bỗng nhận được tin nhắn. Thật lạ lùng đó là tin nhắn dài, không chỉ là lời tâm tình mà là một bài thơ.

 Mười ba tuổi, em về với ngoại

Tóc vàng hoe, nắng cháy đen giòn

Ngoại già nua, ốm yếu cô đơn

Nhà vắng vẻ, chỉ ông bà với cháu.

 Vào những năm bảy lăm bảy sáu

Vừa hết chiến tranh, cuộc sống cơ hàn

Đất miền trung, nắng cháy mưa tuôn

Sống lam lũ, nhờ củ khoai củ sắn.

 Cậu hy sinh, các dì xa vắng

Ngoại ốm đau, bệnh tật triền miên

Bệnh thần kinh mỗi lúc lên cơn

Bà đội áo vác dao đi khắp xóm.

 Ông hiền từ, miệng cười móm mém

Áo nâu sồng, bát nước chè tươi

Sống đạm bạc một đời chân chất…

 Những câu thơ chân thật như lời tự sự, chính xác hơn là ký ức một thời được diễn đạt bằng thơ. Ngẫm những thông tin từ đó, rồi tôi cũng nhận ra tác giả của nó. Đó là cô Long, hiện đang là hiệu trưởng một trường phổ thông ở Đồng Nai, người tôi mất thông tin đã hơn 30 năm. Gần đây, chúng tôi mới nối lại liên lạc, nhưng những thông tin về cô vẫn sơ sài.

 Điều đáng nói hơn là nhân vật chính trong bài thơ, bà ngoại của tác giả, chính là bà Ẩn, bà là hàng xóm của tôi, đi chung ngõ. Vài chục năm lại đây, mỗi lần về quê tôi đều dành một phút bùi ngùi bên con ngõ ấy, bởi, nơi đó, sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời, với tôi vẫn đầy ắp những kỷ niệm thuở thiếu thời.

 Khi tôi là một đứa trẻ biết quan sát cuộc sống vẫn nghe hàng xóm gọi ông bà là ông Ẩn, bà Ẩn. Tên gọi theo tên người con gái lớn, bà này trạc tuổi mẹ tôi, đã đi lấy chồng lên tận Tân Kỳ, thi thoảng có những đứa cháu trạc tuổi chúng tôi về ở với ông bà ngoại, học hành dăm ba năm ở trường làng rồi lại đi. Long là một trong số những đứa cháu đó.

 Như lời của bài thơ “Ông hiền từ, miệng cười móm mém” ông Ẩn là người hiền lành, ít nói, vậy nên mọi công việc đối ngoại, quan hệ với xóm giềng, ông nhường hết cho bà. Trong xóm, người ta biết đến bà nhiều hơn. Với tôi cũng không là ngoại lệ.

 Bà Ẩn người họ Nguyễn, con cháu cụ Nguyễn Xuân Ôn ở làng Bút Trận, nay thuộc xã Diễn Thái, cách làng tôi hơn ba cây số. Dẫu là người làm dâu ở Hoa Thành, nhưng sau bao nhiêu năm, bà vẫn giữ giọng thổ ngữ của dân Bút Trận. Với người làng, giọng bà không lẫn vào đâu được. Bà nói năng dõng dạc, mạch lạc, lại hay lý sự nên người kính nể bà cũng nhiều, nhưng người không ưa bà cũng lắm, nhất là với một người ngoại huyện. Người ta bảo, cũng chính vì bà hay lý sự, nên trong cải cách ruộng đất, ông bà đã bị đấu tố, quy vào thành phần địa chủ, bị trưng thu hết điền sản. Thực ra thì ông bà chỉ là người lam lũ, chịu khó chắt chiu nên tậu được ít ruộng, chỉ độ hơn mẫu. Ông bà dựng được nếp nhà ngói năm gian, so với đời sống nông thôn lúc đó, ông bà không chỉ mới thuộc dạng thoát nghèo.

 Vào mùa vụ, ông bà có mướn dăm ba người làm, phụ giúp thêm việc đồng áng. Chỉ chừng đó thôi, với chính sách “quy nhầm hơn bỏ sót”, đội cải cách đã tìm được yếu tố cấu thành tội bóc lột và đưa ông bà ra đấu tố. Sau này, chính phủ ông Cụ sửa sai, ông bà được xếp vào hàng Phú Nông, được trả lại nếp nhà năm gian, nhưng dấu tích của những cuộc đấu tố thì vẫn hằn sâu khó xoá.

 Ông bà Ẩn có sáu người con, năm gái, một trai. Người con trai duy nhất của ông bà tên Ấn, anh lớn hơn tôi gần chục tuổi. Khi tôi học cấp 1, thì anh đã học cấp 3. Anh là đẹp trai, học giỏi, nhanh nhẹn, tháo vát. Với nông thôn, con trai vẫn là niềm kiêu hãnh, là trụ cột của gia đình. Khi anh bước vào lớp 9, mới 16 tuổi thì được gọi nhập ngũ. Kể ra thì với những người khác thì anh có thể được hoãn, vì chưa đủ tuổi, thêm nữa lại đang là học sinh cấp 3, nhưng với anh, thành phần Phú nông nên không được quyền ưu tiên.

 Sau huấn luyện tân binh, trước Tết anh được về phép thăm nhà mấy ngày rồi lên đường vào Nam. Sau Tết Mậu thân, gia đình nhận được giấy báo tử. Lúc đó dẫu còn bé nhưng tôi đã kịp chứng kiến một ngày u buồn nhất trong con ngõ nơi hàng ngày mình đều đi qua, và cũng chính lúc này tôi mới hiểu thế nào là nỗi đau của một người mẹ mất con.

 Thoạt đầu bà Ẩn khóc, rồi gào lên thảm thiết. Bà con hàng xóm xúm lại, động viên an ủi bà nhưng sự nguôi ngoai không được bao lâu, bà lại khóc lóc vật vã. Bà khóc từ sáng cho đến trưa thì khản giọng, kiệt sức, bà lịm đi. Buổi trưa, bà không chịu ăn uống gì, người nhà dùng dầu, dùng vôi bôi vào thái dương, vào cổ bà, cho bà uống ngụm nước. Khi tỉnh dậy bà lại như người hoang dại, lại hỏi “con tôi đâu?”, rồi lại khóc, rồi lại ngất đi.

 Buổi tối, bà cũng không chịu ăn uống gì, sợ bà kiệt sức người nhà đổ cho ít nước cháo, tỉnh dậy bà lại khóc. Cuộc khóc lóc vật vã như vậy kéo dài đến ngày thứ ba thì bà hoá dại. Đang đêm, bà tỉnh dậy vác dao đi khắp xóm, bà lẩm bẩm, kiếm xem đứa nào đã cướp đi mạng sống của con bà. Là người đã chứng kiến cảnh đó nên tôi mới thấu hiểu hai câu thơ: “Bệnh thần kinh mỗi lúc lên cơn/Bà đội áo vác dao đi khắp xóm.”

(Còn tiếp)

Phan Thế Hải

13-09-2011

Theo Blog Phan Thế Hải
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn