Ngày 27-12 báo chí Nhà nước rầm rộ thông tin “Bộ Chính Trị phê bình nghiêm khắc Bộ Trưởng Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn”. Thoạt nghe cứ tưởng ông này sẽ thành củi tươi vào lò. Điều này hoàn toàn xứng đáng, làm Bộ Trưởng mà có hàng tá cán bộ cấp dưới từ Thứ trưởng , Vụ trưởng, Cục trưởng, Đại sứ …bị bắt, bị kỷ luật trong thương vụ uống máu dân hàn ngàn tỷ đồng mang tên mỹ miều “chuyến bay giải cứu” không biến thành củi mới là chuyện lạ.
Càng chắc chắn hơn khi một tuần trước đây, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, cánh tay phải chuyên đốn củi to, củi tươi cho lò đã ra thông cáo báo chí đánh giá: “đối với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2021 - 2026, UBKT Trung ương nhận thấy, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước trong đại dịch COVID-19”.
UBKT Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư “xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026; ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản”. (1)
Theo điều lệ Đảng thì Ủy ban Kiểm tra chỉ có quyền kỷ luật đảng ủy viên cấp dưới, với các đảng ủy viên cùng cấp thì chỉ được quyền đề nghi lên cấp trên giải quyết. Bùi Thanh Sơn là Ủy Viên TƯ nên ngoài tầm xử lý của UBKT. Xưa nay, UBKT đề nghị thì xem như án đã tuyên, tội đã cấu thành, BCT chỉ cân nhắc mức độ xử phạt như thế nào mà thôi.
Quy trình khởi động, chỉ chờ khai đao
Hơn thế nữa, từ trung tuần tháng 11, Văn phòng Quốc hội đã đánh tiếng sẽ tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường. Dù nguyên cớ lúc đầu đưa ra là họp bàn chuyện chiến lược, cho ý kiến và thông qua luật.. vv.. nhưng giới am hiểu đoán biết ngay là Đảng cần Quốc hội bấm nút bổ nhiệm hoặc truất phế nhân vật nào đó ở tầm cao từ Bộ trưởng đổ lên mà theo luật phải do Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm.
Quả nhiên, đến ngày 24-12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo thống nhất chủ trương tổ chức kỳ họp bất thường thứ hai Quốc hội khóa XV với năm nội dung quan trọng, có nội dung về nhân sự. (2)
Khả năng Bùi Thanh Sơn sẽ nhập kho tương tự như Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long, Chủ Tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh là quá rõ. Quy trình xử lý đã khởi động chỉ chờ giờ bấm nút.
Thế nhưng thật bất ngờ, vào giờ cuối lò đã không nhận củi. Ngày 27-12, Bộ Chính trị đã họp và ra thông báo cũng đánh giá sai phạm tương tự như UBKT là “Vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội; làm sai lệch chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giảm uy tín của tổ chức đảng và ngành Ngoại giao”.
Phê bình không phải là kỷ luật!
Nhưng bằng lời lẽ hùng tráng, BCT đã chốt hạ trao cho Bùi Thanh Sơn không chỉ kim bài miễn tử mà còn tha bổng cho đoái công chuộc tôi. BCT phán rằng "Ông Bùi Thanh Sơn cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định phê bình nghiêm khắc ông Bùi Thanh Sơn, yêu cầu ông Sơn nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các vi phạm đã được chỉ ra, báo cáo Bộ Chính trị.”
Điều tréo ngoe là toàn bộ cái tập thể Ban Cán sự mà ông Sơn đứng đầu và cấp dưới của ông thì đều dính án.
“Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016 - 2021, khai trừ ra khỏi Đảng các ông: Vũ Hồng Nam, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Ngô Quyết, Nguyễn Ngọc Sự”.(3)
Tại sao BCT phê bình nghiêm khắc ông Bùi Thanh Sơn mà bảo là tha bổng? Xin thưa vì theo Điều lệ đảng thì phê bình không phải là hình thức kỷ luật dù có nghiêm khắc hay cực kỳ nghiêm khắc.
Điều 35 khoản 2 quy định về các Hình thức kỷ luật đã ghi:
“- Đối với tổ chức đảng: khiển trách, cảnh cáo, giải tán;
- Đối với đảng viên chính thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ;
- Đối với đảng viên dự bị: khiển trách, cảnh cáo”. (4)
Ngoài ra, BCT còn giao nhiệm vụ “yêu cầu ông Sơn nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các vi phạm đã được chỉ ra, báo cáo Bộ Chính trị.”
Như vậy, ông Sơn hoàn toàn yên tâm yên vị ngồi lại ghế Bộ trưởng chờ cơn đại dịch thứ ba để tổ chức các chuyến bay giải cứu khác chu đáo, kín kẽ hơn?
Miễn nhiệm hai phó thủ tướng
Vậy thì Quốc Hội sẽ bấm nút để bãi nhiệm, miễn nhiệm ai? Cùng ngày 27-12, trên mạng xã hội lan truyền thông tin hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam sẽ từ nhiệm và về hưu theo chủ trương “trót nhúng chàm rồi thì phải biết rửa tay”. Chủ trương này đã được thể chế hóa bằng Thông báo Số 20-TB/TW (ngày 8.9.2022), trong có nội dung ghi ở Điều 2: “Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.”
Vào kỳ họp thứ 19 UBKT, một số tờ báo trong nước đã cầm đèn chạy trước ô tô đưa thông tin UBKT đề nghị BCT kỷ luật Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam nhưng sau đó đã xóa thông tin này. Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà Báo Độc Lập đã thông tin sự kiện này như sau:
“Từ tối 14-7, có tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương có đề xuất xem xét kỷ luật hai phó thủ tướng là Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh liên quan đến chuyện tham nhũng trong chuyện phòng chống dịch COVID lần thứ tư vừa qua.
Cuối giờ chiều ngày 15-7, theo Thông cáo báo chí được đưa ra công khai của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho thấy cả hai ông đều không được nhắc đến, có chăng là ẩn ý ở phần kết thứ tự số V ở văn bản này”.
Phần V của thông báo chỉ viết chung chung là “Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác”.(5)
Liên tiếp sau đó, ông Nguyễn Quang Linh và Nguyễn Văn Trịnh, Trợ Lý của Phó TT Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam lần lượt bị bắt vì liên quan đến chuyến bay giải cứu và Kit test Việt Á. Áp lực rõ ràng đè nặng lên hai ông quan chức này, có người còn cho rằng đây là trùm cuối của đường dây tội ác.
Trước những tiền đề mạch lạc đó việc Quốc Hội họp bất thường để bấm nút truất phế hai vị phó thủ tướng là có cơ sở.
Giết nhau để tranh vào tứ trụ?
Vấn đề đặt ra là tại sao nếu quyết tâm chống tham nhũng, nếu ai vi phạm đều phải đối diện với ánh sáng công lý, đều phải được xét xử công khai. Sao lại có người được âm thầm rửa tay nhúng chàm qua những cuộc họp hành nội bộ trong bóng tối? Trường hợp ở Bộ Ngoại Giao tại sao cấp dưới đi tù hàng loạt, cấp trên phải từ chức, ông Bộ Trưởng Bùi Thanh Sơn lại có thể yên vị ngồi rút dây kinh nghiệm?
Từ lâu nay người ta vẫn băn khoăn về việc củi nhà và củi rừng. Hơn thế nữa, trong chế độ toàn trị, tham nhũng là đặc quyền mà mọi quan chức đều tận dụng. Tay ai cũng dính chàm kể cả người nhóm lò, người châm củi.
Công bằng mà nói hai nhân vật Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh cũng không thể thoát ra khỏi quỹ đạo đó. Chắc hẳn phải có quà cáp, cúng kiến từ cấp dưới từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực có liên quan nhưng cũng phải thừa nhận rằng lĩnh vực quyền hạn của hai ông này không phải là béo bở và chắc chắn rằng họ ít nhiều điều tiếng hơn những quan chức khác.
Nói cho cùng, tham nhũng cao cấp nhất là tham nhũng quyền lực thì người nhảy xổm lên Điều lệ Đảng, bám ghế đến nhiệm kỳ thứ ba có tham nhũng hay không? Thanh kiếm Tô Lâm có nhúng chàm không trong vụ án AVG khi ký hàng loạt văn bản hỗ trợ, bảo vệ bí mật cho việc mua bán giữa Mobiphone và Phạm Nhật Vũ? Thực chất công cuộc đốt lò chỉ là phương tiện, là công cụ của các lợi ích phe nhóm tranh giành quyền lực.
Đại hội 13 chưa hết nửa nhiệm kỳ nhưng cuộc sát phạt chen chân vào tứ trụ ngày càng khốc liệt. Thanh kiếm Tô Lâm đang nắm quyền lực mạnh nhất hiện nay sẽ trắng tay nếu không có suất đặc cách tuổi của tứ trụ.
Xét về tiêu chuẩn, Phạm Bình Minh trải qua bốn khóa là Ủy Viên Trung Ương, hai khóa là Ủy Viên Bộ Chính Trị, thêm thế mạnh về quan hệ đối ngoại, tuổi tác, cánh cửa để lọt vào ghế Chủ tịch nước khóa tới đang rộng mở và đó cũng là viên đá ngáng đường thăng tiến của Tô Lâm. Truất phế Phạm Bình Minh thì khó ai có thể tranh được với Tô Đại Tướng.
Trong cuộc xâu xé quyền lực mạnh được yếu thua này, hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam chừng như không có phe cánh, không có hậu thuẫn trong Trung ương, trong khi Phạm Minh Chính có phe Thanh Hóa, Quảng Ninh. Vương Đình Huệ có phe Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trung Quốc không ưa
Một yếu tố quan trọng khác là cả hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đều được học hành tử tế ở các nước phương Tây. Không giáo sư, tiến sĩ nhưng là thực học. Trong khi Bộ Chính Trị chỉ gồm những người xuất thân từ quân đội, công an, đoàn thể, là tiến sĩ an ninh hay giáo sư tiến sĩ Marx Lenin.
Đặc biệt nhất là với Phạm Bình Minh yếu tố Trung Quốc là điểm yếu mà Phạm Bình Minh khó có thể tồn tại lâu dài. Thân phụ ông, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là đối thủ mà Trung Quốc nhất quyết phải loại trừ. Phạm Bình Minh nhận chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đúng vào thời điểm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng và ông đã thể hiện ứng xử bản lĩnh. Báo chí Việt Nam vẫn còn lưu giữ hình ảnh ông bắt tay Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì với ánh mắt sắc lạnh như dao. Bụng dạ đại lượng của bạn vàng chắc chắn không thể quên hình ảnh đó, việc loại trừ Phạm Bình Minh chỉ là chuyện thời gian.
Bộ Trưởng Nguyễn Cơ Thạch chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình với nhận định bất hủ về hội nghị Thành Đô là “Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba đã bắt đầu”. Sự bãi nhiệm Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng sẽ là chỉ dấu cho sự lệ thuộc sâu sắc hơn với thòng lọng 16 chữ vàng.
Gió Bấc
Nguồn : RFA
__________________
Tham khảo:
1-https://congan.com.vn/tin-chinh/ky-luat-de-nghi-ky-luat-hang-loat-can-bo-ngoai-giao_141426.html
5-https://vietnamthoibao.org/vntb-vu-duc-dam-va-pham-binh-minh-khong-bi-ky-luat/