BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73941)
(Xem: 62318)
(Xem: 39510)
(Xem: 31236)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những phụ nữ trong cuộc đời Kim Châng In

25 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1659)
Những phụ nữ trong cuộc đời Kim Châng In
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56
Người đàn bà nhỏ nhắn run tay làm rớt chút đường khỏi tách cà phê. Mấy năm đã qua kể từ khi bà rời khỏi một đại gia đình bí hiểm nhất thế giới. "Ai cũng muốn biết về Kim Châng In, ông ấy là ai, làm gì. Tuy nhiên, người ta không thể căn cứ vào việc làm để đánh giá tính cách của ông ấy. Tôi thì hiểu rõ ông Kim, bởi tôi là người trong nhà".

Sung Hae Rang đang sống những năm tuổi 60 của mình trong một căn hộ một phòng ở châu Âu. Là em gái của người yêu bí mật của Kim Châng In, bà từng giúp nuôi nấng con trai cả, và sống trong nhà của ông này. Bà Sung đã chứng kiến một giai đoạn khó khăn trong cuộc đời Kim, trong hệ thống chính trị chằng chịt được tạo ra bởi cha ông - Kim Nhật Thành - để cuối cùng trở thành chủ tịch Bắc Triều Tiên ngày nay. Bà khẳng định nếu chỉ nhìn Kim Châng In như một người đe doạ hoà bình bằng vũ khí hạt nhân, hay độc ác nhét tiền đầy túi trong khi người dân đói khổ, thì người ta mới chỉ thấy được một nửa bức chân dung của ông.


Bà Sung Hae Rang cùng con trai tại một bờ biển của CHDCND Triều Tiên.


Sung nhớ lại có những lần bà ngồi xem truyền hình cùng với Kim Châng In. "Tôi nhìn những đứa trẻ ăn mặc bảnh bao, cười gượng gạo trên màn hình", và hỏi ông ta: "Cái này hoàn toàn là giả dối. Sao không làm gì khác đi?". Ông Kim nhìn tôi mệt mỏi, đáp: "Tôi biết. Nhưng nếu không thế, họ sẽ đưa những hình ảnh ngược lại, những đưa trẻ rách rưới, bẩn thỉu và vô vọng".

Người em vợ hờ thường cảm thương cho người mà dân Bắc Triều Tiên luôn gọi là nhà lãnh đạo kính mến. "Ông ấy vào guồng quay rồi. Nếu dừng lại là bị nghiến nát ra". Nhất quyết không tiết lộ nơi đang ở của mình, bà Sung mô tả dè dặt về tính cách hay thay đổi của Kim Châng In. "Khi vui, ông đối xử rất, rất tốt. Nhưng khi cáu giận, ông ấy có thể làm tất cả các cửa sổ rung lên bần bật. Ông ấy quả là cực đoan".

Bà Sung gặp Kim Châng In lần đầu tiên lúc mờ sáng ngày 10/5/1971. Bị đánh thức bởi tiếng còi xe chói tai, bà nhảy bật khỏi giường, suýt nữa thì làm rách cả chiếc váy lanh đang mặc, lao xuống thang để gặp một người đàn ông mà bà mới chỉ nhìn qua ảnh. Kim khi đó 29 tuổi. Ông yêu cầu bà leo lên một chiếc xe hơi lớn màu đen. Bà biết Kim đã bí mật lấy chị gái mình, Sung Hea Rim, và sống như vợ chồng, nhưng không cho Kim Nhật Thành biết. Nhưng tình hình giờ phức tạp hơn nhiều, Kim vừa đi vừa giảng giải cho bà Sung. Hai người đã có với nhau một đứa con trai, tên là Kim Jong Nam. Bỗng nhiên Sung Hea Rang trở thành người nắm giữ bí mật lớn nhất của Bắc Triều Tiên lúc bấy giờ. "Và cuộc đời tôi thay đổi hẳn kể từ lúc đó", bà lão 60 bồi hồi.

Năm 1976, bà được đưa vào gia đình ông Kim để giúp nuôi nấng Kim Jong Nam. Cậu bé 5 tuổi này không thể đến trường được, bởi nếu thế, tung tích cha mẹ cậu sẽ lộ. Chồng bà Sung đã chết trong một tai nạn ôtô, bà liền đưa cả con gái và con trai mình về nhà Kim cho làm bầu bạn với đứa cháu. Đi cùng bà Sung còn có mẹ ruột, người khi đó là một biên tập viên khả kính của Rodong, tờ báo chính thức của Bình Nhưỡng.

Sung cùng các con đã sống hơn hai chục năm trong "đệ nhất gia đình" Bắc Triều Tiên. Trong cuốn hồi ký bằng tiếng Hàn mà bà đang dịch sang tiếng Anh, Sung mô tả cuộc sống trong một khu nhà bị phủ bóng bởi những âm mưu và sự che giấu. Với những lý do khắt khe, ông Kim Nhật Thành không bao giờ chấp nhận mối quan hệ của con trai mình với Sung Hae Rim.

Không một ai - kể cả Sung Hae Rang - khẳng định được rằng Kim Châng In và Sung Hae Rim đã tiến hành lễ cưới bí mật, hay ông Kim chọn cách tránh sự công nhận hôn nhân chính thức, để họ có thể che giấu cuộc sống bí mật của mình. Nhưng một điều rõ ràng là tổ ấm mới của ông không được công bố.

Mẹ của Kim Châng In đã chết từ khi ông mới 7 tuổi, và người cha Kim Nhật Thành đi bước nữa. Ông từng phải khéo léo xoay xở để ngăn chặn tham vọng của người mẹ kế muốn quyền lực tập trung vào tay con trai của bà - tức em cùng cha khác mẹ với Kim Châng In. Một phần lớn trong cuộc sống của Kim Châng In là làm thế nào để những đối thủ không thể đàm tiếu ông trước mặt chủ tịch Kim Nhật Thành - người cha mà ông vừa e sợ vừa tôn sùng. Theo bà Sung, Kim "không muốn làm phật lòng cha, và các hành động của ông phản ánh mối quan tâm đó". Và quả là như vậy, Kim Nhật Thành đã không bao giờ biết được một tổ ấm của con trai mình với ngôi sao điện ảnh Sung Hae Rim, được lập nên năm 1970.


Kim Châng In cùng con trai cả (trên, phải), em vợ và hai con của bà. Ảnh chụp năm 1981.


Nỗi sợ cha cũng không thể khiến Kim Châng In xa rời Sung Hae Rim. Ông thực sự mê mẩn bà. Kim là người ái mộ điện ảnh, say mê xem phim, còn Sung là minh tinh màn bạc Bắc Triều Tiên thời bấy giờ. Hai người đã trở thành "bạn thân" nhờ cơ duyên ấy. Đúng lúc hai người quen nhau, gia đình bà Sung đang chịu sức ép về chính trị. Cha bà là một địa chủ Hàn Quốc giàu có, cảm mến chế độ cộng sản nên đã tới miền bắc. Tuy nhiên, ở nơi đây ông không nhận được những gì mong muốn, thậm chí vẫn bị coi là thành phần của kẻ thù giai cấp. Mặt khác, theo Sung Hae Rang, chị gái của bà thực sự yêu quý Kim Châng In và cảm thông với nỗi khổ mất mẹ từ nhỏ của ông.

Bà Sung tin rằng nếu không phải giấu giếm, đôi uyên ương sẽ thành một cặp đẹp. "Nếu hoàn cảnh khác đi", bà Sung viết trong cuốn hồi ký, "họ sẽ thành một đôi trời sinh". Nhưng trong thực tế, rất rất ít người biết được rằng hai người đã lấy nhau. Chỉ sau khi người cha Kim Nhật Thành qua đời và ông Kim kế nhiệm, câu chuyện mới hé lộ.

Cuộc sống của ông Kim, theo lời bà Sung mô tả, khá là sang trọng. Ông giấu gia đình mình trong những biệt thự và nhà nghỉ đẹp đẽ bên bờ biển, thi thoảng cho mọi người đi chơi và mua sắm ở nước ngoài. Tuy thế cuộc sống của bà Sung không phải là đầy đủ mọi mặt, bởi ông Kim rất coi trọng sự di chuyển và ăn ở của gia đình. Mọi sự đi lại phải được phép của ông. "Chúng tôi sống với sự bức bối", bà Sung thở dài nhớ lại mối đe doạ thường trực sợ bị phát giác.

Ký ức của bà vẫn còn rõ một sự kiện, khi đứa con trai Kim Jong Nam của cặp uyên ương lên 4. Nó bị ốm và được đưa đến bệnh viện. Nhưng cũng đúng thời điểm ấy, mẹ kế và em cùng cha của ông Kim có chuyến thị sát các bệnh viện và ghé khoa nhi. Mẹ của bà Sung đang chăm sóc cháu ngoại, liền cõng đưa trẻ trên lưng, chuồn ra khỏi phòng qua cửa sổ, trốn sau những thân cây dương trồng trong sân bệnh viện. "Bà gắng hết sức bước nhẹ từng bước, để tiếng động của những chiếc lá khô bị gãy không quá to", bà Sung nhớ lại. Sau đó, chúng tôi thậm chí không được tới bệnh viện. Tuy nhiên, một thời gian sau, khi bệnh viện trở thành nơi trú ẩn tốt nhất tránh những con mắt tọc mạch, "chúng tôi lại chỉ được đến mỗi nơi đó mà thôi".

Năm tháng qua đi, niềm say mê của ông Kim dành cho Sung Hae Rim nguội dần. Ông có thêm ít nhất hai người vợ nữa, tuy nhiên rất tài tình "xếp lịch" để không bao giờ những người phụ nữ chạm mặt nhau. Sung Hae Rim không bao giờ có thể quen được với cú đòn đó. Bà cố gắng đương đầu với thực tế là Kim Châng In kết hôn với Kim Young Sook, vị hôn thê mà cha ông đã chọn cho ông. Kim hầu như chẳng ngó ngàng đến bà này. Nhưng điều mà nữ minh tinh không thể chịu được là mối quan hệ của ông Kim với Ko Young Hee, một vũ nữ gốc Nhật. Ko dần chiếm được cảm tình và thay thế vị trí của Sung trong tim ông Kim, cuối cùng trở thành một trong những vợ tuy không chính thức của chủ tịch Bắc Triều Tiên. Cũng như trước kia, lễ cưới Ko có hay không vẫn luôn là điều bí ẩn.

Trong nhiều năm qua, chưa bao giờ Kim Châng In công khai xuất hiện cùng người nào trong số 3 bà vợ, không một người nào được công nhận là "đệ nhất phu nhân". Danh hiệu đó gần như được trao cho người em gái đầy ảnh hưởng chính trị của ông Kim, bà Kim Kyung Hee.

Sung Hae Rang mô tả người anh rể mình là rất hoà nhã và thích tìm hiểu về những người xung quanh: "Ông ấy sẽ hỏi bạn về bản thân, về suy nghĩ và chính kiến. Ông ấy rất giỏi trong việc làm người đối diện cảm thấy thoải mái, nếu ông muốn thế". Sự ham tìm hiểu của Kim Châng In còn thể hiện ở lòng say mê nghệ thuật. Kim có một thư viện lớn với 10.000-20.000 cuốn sách, cùng phim và băng đĩa nhạc, hầu hết được chọn lựa bởi bà mẹ vợ vốn là biên tập viên của tờ Rodong. Kim thích món ăn Nhật, tennis và bơi lội hàng ngày.

Trong gia đình, Kim Châng In là người tha thiết, hết lòng yêu mến con trai Kim Jong Nam. Khi nó còn bé, ông kiên nhẫn hàng giờ đong đưa trên lưng dỗ cho cậu bé ngủ. Khi bé lớn lên một chút, Kim hiểu con mình đang phải chịu đựng cảnh cá chậu chim lồng ở hết biệt thự này đến villa khác. Jong Nam "cần được thay đổi không khí. Nó muốn đi chơi đến phát điên lên", bà Sung kể. Cuối cùng thì Kim Châng In đồng ý để hai chị em Sung cùng con trai đi chơi ở Geneva và Matxcơva.


Ông Kim Châng In năm 1948.


Sự mềm yếu trong trái tim Kim Châng In dường như là điều kỳ dị, thậm chí đáng sợ. Bà Sung Hae Rang nhớ có một lần chứng kiến anh rể trở về nhà từ một cuộc đi săn, thái độ đầy kích động. Lao vào nhà, ông ta lập tức gọi điện tới bệnh viện địa phương và hỏi bằng giọng run run, xem "mẹ và em bé" có ổn không. Tất cả mọi người trong nhà ngạc nhiên và kinh hãi, không hiểu chuyện gì cho đến khi ông Kim mệt mỏi giải thích. Trong khi đi săn, ông đã bắn nhầm một con hươu đang mang thai. Cắn rứt lương tâm, ông liền đưa nó tới bệnh viện, nơi con hươu con được đưa vào lồng ấp trẻ sơ sinh.

"Tôi biết có người phải chết vì bị ông ấy bỏ rơi", bà Sung viết trong hồi ký. "Đánh mất sự yêu quý của ông ấy đồng nghĩa với đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp, thậm chí cả cuộc sống. Là thành viên gia đình cũng không phải đã được bảo đảm hoàn toàn".

Khi Kim Châng In một lần bắt gặp cậu con trai Kim Jong Nam với bạn gái mà ông không ưa, người cha đã quyết định cắt toàn bộ các chuyến thực phẩm mà trước vẫn được chở tới nơi Jong Nam ở cùng với mẹ và dì, thậm chí còn doạ sẽ đưa cậu ta tới sống cực khổ trong các mỏ than. Bà Sung vẫn nhớ hình ảnh mình cùng với những người trong nhà quỳ xuống để xin cho cậu thiếu niên. Cuối cùng, ông Kim mềm lòng và cho qua chuyện đó. Thế nhưng, hai tháng sau, ông lại phát cáu lên với cả nhà bởi họ không hỏi xin lại các chuyến hàng thực phẩm, quên phắt rằng chính ông đã bãi bỏ lệnh cấm rồi.

Kim Châng In trở nên đặc biệt dữ tợn khi nghĩ rằng mình bị lừa dối hoặc phản bội. "Ông ấy ghét, căm ghét những kẻ dối trá", bà Sung kể. Năm 1980, bà đi Helsinki mà không xin phép. Những người Triều Tiên khác có hành động tương tự, hoặc thậm chí "mắc lỗi" nhẹ hơn, đã bị bắt. Trở về Bình Nhưỡng, bà Sung đinh ninh mình sẽ bị trừng phạt bằng lao động ở trại cải tạo. Kim Châng In hỏi bà đi đâu, tại sao không xin phép, mặc dù ông ta đã quá rõ câu trả lời. Nghĩ rằng đằng nào cũng chả có gì để mất, bà Sung kể tất tật. Sự thành thực khiến Kim nguôi giận, ông cho phép em vợ ở lại nhà.

Cuộc sống đối với Sung Hae Rim thậm chí còn khó khăn hơn. Có lúc, nữ minh tinh ngày nào phải phát khiếp khi Kim Châng In ném bà khỏi xe. Sau khi mất vị trí độc tôn trong trái tim chồng, Sung chị chọn cách sống ở một căn hộ Matxcơva, nơi bà có thời gian tĩnh lặng để xoa dịu những vết thương lòng gây ra bởi những cơn thịnh nộ của chồng. Bà qua đời năm ngoái tại thủ đô Nga, vì những rối loạn liên quan đến chứng stress. Sung em xót xa: "Bà ấy chết vì phải sống một cuộc sống như thế với ông Kim Châng In. Cuộc đời đã giết chết bà ấy".

Sung Hae Rang chọn một con đường khác. Năm 1982, con trai bà khi đó 21 tuổi chạy khỏi Bắc Triều Tiên. Con gái bà ra đi sau đó 10 năm. Năm 1996, trong chuyến thăm toà biệt thự của ông Kim ở Geneva, bà Sung chuồn ra đường phố và trốn đâu đó trên đất châu Âu. "Những năm đầu, tôi thực sự lo sợ. Tôi sống chui nhủi trong một gác xép, và chỉ ra đường cùng một phụ nữ Nhật mà tôi biết. Tôi phải giả làm người Nhật. Nguy hiểm là nỗi ám ảnh tôi". Bà Sung giải thích lý do rời Bắc Triều Tiên là vì muốn gần các con. Tuy nhiên, ý muốn đó không thành. Năm 1997, con trai bà bị bắn chết trên đường phố Seoul.

Giờ đây, "niềm ân hận lớn nhất của tôi là đã bỏ chị Hae Rim ở lại". Còn một điều nữa day dứt bà Sung, đó là sự nhớ nhung đứa cháu trai. Sung tin rằng Jong Nam không được sung sướng bởi cậu phải lớn lên trong sự cách biệt. Sống ở phương Tây, bà Sung cho biết vẫn thường xuyên tìm kiếm tin tức về đứa cháu trên báo chí. Bà lão 60 kể một cách buồn rầu việc đọc tin Jong Nam tới Nhật để thăm Disneyland Tokyo hồi năm 2001. "Tôi không biết điều gì sẽ đến với cháu tôi, không được tin tức gì từ nó. Khi ra đi, tôi có cảm giác bỏ rơi, lừa dối cháu", Sung thở dài.

Giọng nói trở nên yếu ớt và sụt sùi, bà Sung gỡ cặp kính đặt xuống bàn, ra dấu rằng câu chuyện kết thúc.

T. Huyền (Theo Time)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn