Tôi chờ rác biển còn hơn chờ người tình đến. Lần thú nhất tôi thấy đám rác chỉ là những chiếc giầy cao gót của phụ nữ . Tôi vừa mừng vừa sợ. Sợ vì gàn đấy có thể có ghe đắm. Mừng vì đó cũng có thể là có một bãi cát nào rồi. Lần thứ hai thì cái đám rác đó lại có đủ thứ như giấy , lon , chai lọ , dừa khô , mấy tàu lá chuối còn tươi nữa thì cái niềm hy vọng nó càng lớn , nhưng cuối cùng cũng chỉ là mừng hụt...
Tôi đi tất cả ba lần . Hai lần trước tới điểm hẹn thì ghe lớn không tới , lại phải trở về. Cứ chuẩn bị xong xuôi lại đình. Chờ đợi rất mệt tim. Tụi du kích , công an địa phương chúng nó “căn me” dữ lắm. Dễ gì qua mắt tụi chúng. Mua thịt về làm chà bông không đi được lại ăn hết. Ăn hết rồi làm lại , chờ họ báo để chuẩn bị đi.
Lần thứ ba họ chỉ báo trước có hai ngày thôi. Cũng như hai lần trước , tôi không mang nhiều đồ. Ba người chị cản trở tôi quá mà tôi vẫn đi. Tôi là con Út trong gia đình. Má tôi mất từ hồi tôi mới được chín tháng. Má tôi có báo mộng cho bà chị thứ hai của tôi bảo con Út đừng có đi. Đi chuyến này khổ lắm. Nhưng tôi đã quyết định rồi. Chị Hai tôi có nhờ bà dì năm nỉ tôi ở lại nhưng tôi vẫn nhất định đi là đi . Tôi cũng thấy không có nao núng gì. Còn ba tôi thì mới mất. Thế là tôi không còn gì để luyến tiếc Sài Gòn nữa , mặc dù tôi rất khổ tâm bỏ ba người chị ở lại. Hơn nữa tôi lại có hai ông anh đang ở Mỹ rồi.
Cứ nghĩ tới đồng lương , tương lai tù túng , mịt mù , ngày hôm sau cũng như ngày hôm nay , chán nản vô cùng. Tôi làm kế toán cho Hợp Tác Xã Cơ Khí.
Trước khi đi tôi cũng nhờ ông thầy khá nổi tiếng chấm tử vi. Thấy bảo đến 52 tuổi tôi mới đi được. Không ngờ số 52 nó trùng với ngày sống dở chết dở của tôi trên biển thôi. Ông còn nói lấy chồng tôi sẽ bị trắc trở tình duyên. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến chuyện đi thôi , còn lòng dạ nào mà nghĩ tới duyên nợ. Nghe ông ấy “phán” về nhà nản quá , nhưng tôi đã nhất quyết đi rồi. Tôi thử cãi số xem sao.
Tôi tình cờ gặp lại cô bạn cũ ở Trà Vinh đã lâu rồi không gặp. Cô này cũng quen một cô ở Trá Vinh bán vải. Cô ấy đang sửa soạn vượt biển. Tôi phải quyết định trong có ba ngày. Tôi không biết mặt cô ấy , và cô ấy cũng không bnieet1 mặt tôi. Cứ thỏa thuận và tin nhau thôi.
Tôi tìm đến nhà cô ấy vào một buổi chiều mưa tầm tã. Tôi mặc một chiếc quần đen và một chiếc sơ mi sọc. Tôi mang theo mì gói, củ sắn , sâm caoly , hai hộp sữa đặc , và hai bốn viên thuốc chống say sóng.
Khoảng hơn một giờ đêm tháng 9 năm 1989 , có hai chiếc Honda chở tôi , chị Nguyệt và một thằng bé. Lúc đó lạ lắm. Trời tự nhiên tạnh mưa. Tôi rất mừng vì dù sao cũng là điềm lành.
Hai người thanh niên chở chúng tôi tới một cây cầu , rồi thả chúng tôi tại đó , và bảo sẽ có người liên lạc để đưa ra ghe lớn. Lúc đó tôi cũng thấy có bốn người đang chờ. Sợ kinh khủng. Chờ mà tim cứ đập thùm thụp. Thỉnh thoảng có xe hàng hoặc có người , mình lại phải nấp xuống gầm cầu gần đó.
Rồi cuối cùng tôi thấy có ánh đèn pin lia đi lia lại. Biết là “phe mình” mà vẫn cứ hồi hộp. Chúng tôi thấy một ông già và ông ấy đưa chúng tôi xuống ghe. Trên ghe tôi thấy có bó mía.
Tảng sáng thì tôi thấy có thêm ba chiếc ghe nữa cũng đang chờ ở đó. Chúng tôi lấy vải che kín cửa ghe. Ngồi chờ cả ngày rồi mới được bốc ra ghe lớn. Tôi thấy người ta cũng kéo lên ghe một cái xuống ba lá đựng mấy cần xé củi nữa. Tôi cũng chẳng biết họ mang theo xuồng để làm gì . Thế là chiếc ghe lớn rời địa điểm đổ người. Không có chuyện gì trục trặc. Tôi cũng mừng trong bụng.
Có một buổi tối tôi nghe thấy ông Tư , người chủ ghe nói với anh tài công là phải châm dầu đều đều không thì máy tắt liền , vì máy đã cũ rồi. Tôi nghe lén thôi , điều này làm tôi hơi ơn ớn .
Trên ghe có hai thanh niên tên Dũng. Một anh là Dũng quăn , vì anh này có mái tóc xoăn tít. Còn anh Dũng kia là anh tài công.
Ngày thứ hai thì tôi để ý đến anh tài công để mắt đến một cô gái khá xinh. Hai người cứ quấn quýt lấy nhau như “sam” , trò chuyện huyên thuyên. Quả nhiên cái điều tôi ơn ớn vào ngày thứ ba nó là sự thật. Anh tài công mải nói chuyện với cô gái nên quên châm dầu vào máy , thế là máy chết ! Loay hoay mãi máy cũng không chạy. Mọi người lo sợ không thể tả được. Có một thanh niên còn đòi phải cho anh ta một gói mì thì anh ta mới sửa. Anh ta lấy con dao cùn và cái búa trên ghe , vặn vặn , đập đập lia lịa mà máy cũng chẳng nổ. Lúc đó vào khoảng ba giờ chiều của ngày thứ ba . Mới ba ngày mà đã có chuyện rủi ! Cuối cùng chỉ có anh sửa máy là lới được gói mì.
Ngay lúc đó, có người nhìn thấy con một tàu từ xa tiến lại gần. Người thì la, người thì hét , người thì vẫy tay lia lịa . Rồi có thêm hai tàu nữa đến. Nó cứ đảo qua đảo lại rồi bỏ đi. Lúc đó tôi quá thất vọng. Cổ cứ khô lại , mà miệng thì đắng. Gặp tàu nó không vớt thì chừng nào mới vớt đây ?
Đêm hôm đó họ lại hì hục sửa máy , nhưng cái máy cũ quá không thể chạy được nữa.
Sang ngày thứ tư , mọi người cứ nằm dài ra mà chờ tàu đi ngang qua đẻ kêu cứu. Rất nhiều tàu , kể cả tàu có mang cờ Nhật đi ngang qua mà họ cũng không ngó ngàng tới. Chúng tôi bắt đầu đói rồi.
Tôi luôn luôn ôm cái giỏ đồ ăn trong người. Lúc này tôi phải nhấm sâm để cầm hơi. Sức đã bắt đàu kiệt rồi. Tôi cũng mang theo cả củ thục địa nữa. Có đồ ăn mà không dám ăn. Phải giữ để thủ thân.
Tới ngày thứ chín , mệt quá tôi đánh lấy một hộp sữa bò rồi lấy đầu con dao cùn người ta sửa máy hôm trước , đục hai lỗ nhỏ xíu , mút một hụm sữa. Cái nỗi thèm khát nó dữ dội vô cùng. Ăn sủa xong thấy trong mình khoẻ lên. Tôi cũng cho chị Nguyệt mút một hụm.
Đêm đó mệt lả , tôi ngủ thiếp đi , chẳng biết trời trăng là gì. Lúc tỉnh dậy , giỏ đồ của tôi mất hết trơn. Chỉ còn lại có mấy gói mì gói. Tôi la lên rồi xin lỗi mọi người , đi tìm giỏ đồ ăn. Nhưng có lẽ đói quá , họ ăn mất tiêu rồi. Lúc đó tôi thấy mạng sống của mình bị đe dọa...
Đến ngày thứ 18 , mọi người trên tàu đều sống ngắc ngoải . Không còn cái gì có thể ăn được nữa. Cuối cùng có anh Ba Phối và một người nữa tình nguyện đi cái xuống ba lá chở củi mà lúc đó xuống đã hở rồi , để đi tìm tàu khác giúp.
Thế là ông chủ tàu và vài người nữa phải mất một ngày “xàm” lại cái xuồng. Ông cũng yêu cầu ai còn vàng , còn thức ăn gì thì cho anh Phối và người đi cùng. Tất cả thu được chín chỉ vàng. Có một người Miên tên là Si-Ba dấu được nửa lít cốm dẹp và một ít gạo mốc đã sắp thành bột đem cho hai anh. Anh Ba Phối nói anh đi để cứu hai đứa con trai không thì chúng sắp chết đói. Thằng anh rất đuối sức . Một đứa tên Trung , một đứa tên Kiệt.
À , tôi còn quên một chi tiết nữa. Cái con dao cùn mà tôi dùng để đục hộp sữa hôm nọ rất là được việc. Họ đã dùng con dao này đẽo một cái bơi chèo lấy từ cái bẹ ván ghe. Hai ông tài công cũng cho họ được ba xị nước. Có một người còn cho hai anh một tấm nylon để hai anh làm mui che nắng. Nắng ở biển giống như dầu hắc trải đường.
Tảng sáng ngày thứ 18, chiếc xuống ba lá rời ghe đi tìm tàu để cầu cứu. Lúc đó trăng sáng cả một vùng biển. Lúc hai người xuống chiếc xuồng , tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra. Nhiều người khác cũng khóc như tôi . Tôi nghĩ giữa biển cả mênh mông , mưa gió như vậy , chiếc xuống chịu sao nổi.
Lạ một điều là chiếc xuống đi được một đỗi là mặt biển lặng như tờ , như một cái hồ. Mặt biển im phăng phắc như một cái nhà mồ đến ba ngày như thế mà không thấy chiếc xuống của anh Ba Phối và người bạn trở về. Chúng tôi đoán chắc là cả hai người đã làm mồi cho cá mập.
Trong ngày thứ 18 , khát nước quá , ông chủ tàu đã dùng một cái nồi nhỏ và hai cần xé củi còn lại nấu nước biển để chưng lấy nước uống. Họ tranh nhau lấy mấy giọt nước uống còn hơn giật vàng nữa. Tôi liếm nước trên cái vung đọng hơi nước mà cũng đỡ khô họng.ô1 một người đàn bà không tranh được nước , thức cả đêm nấu mà được có một chum nhỏ xíu.
Đến ngày 19 thì trên tàu còn dầu , nhưng ông chủ tàu không cho ai đụng đến để nấu nước. Ông ta cũng có một cái vợt cá. Cái vợt mới được lắp cán. Ông giữ độc quyền vớt cá ! Ông vớt được cá là lấy dầu nấu giữ cho bốn người ăn riêng.
Tới ngày thứ 21 có một tàu xuất hiện , nhưng nó cũng đi luôn. Qua ngày thứ 24 , lại có một tàu ghe lưới từ xa đến. Chúng tôi lấy quần áo cũ đốt để có khói cho họ nhìn thấy. Thế là nó táp lại gần. Nhưng nó lại sợ mình là cướp. Thật khổ. Mình cầu cứu người ta mà người ta lại sợ mình. Thuyền trưởng là người Mã Lai biết nói tiếng Tàu. May mà trên ghe có anh Thoại , anh ấy biết nói được cả tiếng Anh lẫn tiếng Tàu. Ông ta nói là chính phủ Mã Lai không cho tàu vượt biên vào. Ông ta quăng dây xuống biển để truyền nước và thực phẩm xuống ghe.
Dũng quăn nhào ngay xuống nước , lẹ như một con rái cá . Anh ta kéo cái dây vào sát ghe , rồi truyền hai can nước 40 lít đổ ngay vào cái khạp làm bằng da bò để trên ghe. Mọi người tranh nhau uống. Tôi không được uống một giọt nào.
Họ cũng cho hai con cá , mỗi con đến 10 ký , hai thùng nước ngọt. Một thùng đựng 24 lon nước chanh. Họ cũng cho thêm một túi gạo nhỏ. Nhưng chủ tàu và Dũng quăn giữ hết . Ai có đóng tiền cho hai người đi xuống ba lá hôm rồi thì mỗi người được một lon nước ngọt. Gạo thì chỉ phát cho mỗi người một chung thôi . Rang lên còn đúng một lòng bàn tay. Mấy bà có con nít thì cho gạo rang vào nước biển nấu thành cháo cho con húp . Cá thì họ khía ra từng khía phát cho mỗi người.
Qua ngày thứ 25 , 26 , họ mới mang nước ngọt ra bán. Năn phân vàng một lon. Ai không có vàng thì đành chết khát thôi. Bao nhiêu nhẫn dây chuyền bỏ ra đổi lấy nước hết. Bán nước ngọt xong họ bán tới nước trong hai cái can mà tàu Mã Lai cho. Thời gian này anh tài công cũng vớt được cá , anh ta bán hai con cá năm phân vàng. Tôi và Nguyệt đổi hết một chỉ rưỡi để lấy cá ăn cầm hơi. Ai không có vàng thì mua chịu. Cứ ăn cầm cự như thế cho đến ngày thứ 44.
Có những ngày hứng nước mưa cũng rất hào hứng. Chúng tôi hứng nước bằng những mảnh áo mưa đã rách tả tơi. Tôi lấy ba mảnh áo mưa rách , xoi lỗ bằng cái đầu con dao cắt móng tay , rồi tước dây nylon khâu từng mũi , ba ngày mới xong.
Có những trận mưa nhỏ trêu chọc mình. Có rất nhiều mây đen tụ , gió gào thét dữ dội , rồi mây đen bay đi hết. Chỉ rơi lác đác có vài giọt thế mà mình cũng phải liếm để mà sống sót. Con nít sáu bảy tuổi gì cũng lấy mảnh nylon bằng tờ giấy học trò đem ra hứng nước, trông như một cái lễ đón mưa , vừa ma quái vừa vui. Như một đám thây ma đón mưa !....
Sáng ngày thứ 44 , có một thằng bé xin ông chủ ghe cho nó một tí nước. Ông không cho và mắng; “mày làm biếng chết ráng chịu. Không chịu hứng nước như người ta. Mày mà lạng quạng tao đạp mày xuống biển.”
Nó sợ lắm , vì ông ta đã từng đạp vài người xuống biển rồi , may mà có người vớt lên.
Đến khoảng ba giờ chiều lúc đó , tôi đang lim dim ngủ phía sau buồng lái , chợt tôi bật dậy như cái lò xo , khi nghe thấy người ta la lên ; “ Thằng Hưng chết rồi !” Con bé Năm nó tưởng thằng Hưng ngủ , nhưng sao đầu nó chấm xuống nước , mà kêu hoài nó cũng không dậy. Nó đã tắt thở lúc nào cũng chẳng ai biết.
Cả ghe cùng khóc , tại vì người ta thấy cái số phận của họ rồi cũng như Hưng thôi. Ông chủ ghe kêu hai người đàn ông nữa khiêng Hưng lên phía trước khoang ghe. Thằng Hưng chỉ còn da bọc xương. Hai hố mắt nó sâu hoắm. Trông nó như một khúc cây mục. Bây giờ tôi vẫn bị khuôn mặt nó ám ảnh.
Người ta xin một bộ quần áo cũ coàng cho nó. Ông chủ ghe đem một chung nước với một cái đươi cá đã nấu chín để cúng Hưng. Tôi nghe ông khấn vái; “ Hưng ơi ! Bây giờ mày đói mày khát , cũng là lỗi tại tao. Mày sống khôn thác thiêng phù hộ cho tụi tao , đẩy chiếc ghe này vào bờ. Nếu mày không đẩy thì tụi tao chết hết mất !”
Cúng xong ông kêu mọi người đến vuốt mắt cho Hưng. Mắt nó cứ mở trừng trừng. Tôi chỉ dám sờ nhẹ vào chân nó và lắc lắc. Tôi khấn nó trong bụng như thế này; “ Hưng ơi ! Lỗi cũng tại chị. Chị không cho em uống nước. Nhưng cũng vì sự sống mà chị phải thủ thân thôi. Em bỏ qua cho chị . nếu em phù hộ cho ghe này đến nơi an toàn , chị sẽ cúng em một mâm chị nguyện như thế !”
Rồi người ta khiêng xác Hưng ném tùm xuống biển . Nhưng thật rùng rợn ! Cái đầu nổi lên mặt biển cứ theo sát sau đươi ghe hoài. Ông Tư bảo; “ Cái thằng Hưng này kỳ cục thật ! Nó sợ ở trên biển một mình chắc?” Cái xác cứ theo ghe đến mấy tiếng đồng hồ , cho đến lúc có một bầy cá heo nhào đến ghe , quần cái xác. Cá nhào lên nhào xuống. Tôi không biết nó có ăn thịt người không...Nhưng mấy tiếng đồng hồ sau cái xác cũng mất tiêu theo đàn cá heo. Có lúc tưởng ghe muốn lật vì đàn cá đó.
Trời tối sập xuống thật lẹ . Hết thấy đường rồi. Mặt biển như một màn sương dầy đặc. Cũng đôi khi tôi lãng mạn là đằng khác. Đói khát như thế mà thấy trời sao thật thơ mộng . Lúc đó có cả vạn con cá táp vào hai mạn ghe loang loáng bạc dưới ánh sao đêm , trông giống như cá rô biển lắm. Mỗi con đến nửa ký. Sao , nước biển , cá , cái đói khát , cái chết...đan vào nhau thành một thứ ảo giác lạ.
Tôi cũng nghiệm thấy trong chuyến đi này , cứ có một cái rủi sau đó lại có một cái hên , như có một bàn tay nào trên cao sắp xếp mọi chuyện . Sau khi thằng Hưng chết ông Tư lại vớt được đến 40 con cá rô biển. Không chừng nó phù hộ cho mình !
Đêm đó trên ghe , người ta làm cá vui như ngày hội. Mọi người đều thức làm cá , chẳng ai ngủ . Cũng có lúc người ta hồi tâm. Ông chủ ghe lấy ra 17 con cá làm thịt phát không. Mỗi người được một cục thịt cá. Ông cũng phát cho mỗi người một ít nước ngọt. Nhưng sau đó thì ông ta lại bắt đầu bán cá. Một chỉ vàng mua được hai con. Có một anh tên Thanh nhờ tôi bảo đảm mua cá chịu , khi nào lên đảo sẽ trả bằng đô la ! Ông chủ rất ghét anh này. Tôi có uy tín trên ghe lắm ông mới bán chịu.
Trên ghe có một cô tên Hồng. Cô này đi chung với chồng nhưng ghe lạc nên bị bỏ lại Việt Nam. Cô ấy mang giầy dép quần áo của chồng đưa cho ông Tư đổi lấy cá ăn. Một đôi giầy chỉ được cái đầu cá !...
Đến ngày thứ 46 , trên ghe lại có thêm người chết nữa . Đó là một cô gài người Trung Hoa , tên cô là Lừng. Trước đó một tuần , cô ta mê sảng như người bị quỷ ám. Cô ấy có một cái áo lạnh cũng mang đổi cá để ăn. Lúc chết mình mẩy cô ta lạnh cóng và thâm tím. Trên ghe chúng tôi cúng bái cô rồi thả xác xuống biển như lần Hưng chết.
Sau khi cô Lừng chết thì thấy có một cái máy bay xuất hiện. Nó thả một thùng gì to lắm xuống biển. Mọi người đoán có lẽ nó tiếp tế thực phẩm. Ông Tư bảo ai tình nguyện bơi ra kéo cái thùng vào ghe , nhưng chẳng ai dám liều mạng , rồi thì chiếc máy bay cũng bỏ đi.
Sáng ngày thứ 48 , độ khoảng sáu giờ chiều , có một cái tầu tiến đến ghe. Chiếc tầu đó tắp vào ghe. Toàn công an Mã Lai. Họ kiểm soát ghe xem có vũ khí không rồi họ mới phát cơm , nước , tôm khô , trứng tráng. Lúc đó mừng quá chẳng thấy đói. Những người đói quá thì nằm liệt không ăn nổi .
Họ cột chiếc ghe vào tàu của họ rồi kéo đi đến sáng ngày thứ 49 , rồi họ ngừng lại tiếp tế nước , bắp cải , đậu xanh hộp , dưa leo ăn một ngày không đủ. Cuối cùng họ tháo dây ròng , bỏ ghe lại ở biển. Lại tiếp tục đói , lại tiếp tục chờ đợi , tiếp tục sống trong kinh hoàng đe dọa.
Sang ngày thứ 50 , trời mưa tầm tã. Lạnh khủng khiếp . Tôi mặc hai cái áo lạnh mà răng vẫn đánh bò cạp . Trên biển lúc đó có những đám rong to bằng cái nhà đang nổi lềnh bềnh. Thấy rong biển trôi ai cũng mừng . Ông Tư thấy một cái cây bám đầy hến. Ông vít lấy và dùng con dao cùn gạt một đống xuống sàn ghe. Người ta vớt rong ăn. Tôi ăn thử nhưng nuốt không nổi.
Chợt có con bé tên Thoa la lớn: “Tàu đến ! Tầu đến!” Lúc ấy khoảng 10 giờ sáng. Nhưng ngay lúc trông thấy cái tàu thì một thằng bé trúng gió nặng. Người ta đánh gió cho nó. Cổ nó bầm đen. Nhưng muộn quá rồi , tôi thì cũng gãn cạn dầu gió nên phải giữ để phòng thân. Thằng Taxi đã tắt thở khi tàu Hy lạp tới.
Mọi người quơ chân quơ tay lia lịa ra hiệu cho chiếc tàu. Lúc đó tôi vốc hai vốc đầy hến biển cho vào túi áo. Tôi cũng bốc một nắm ăn sống. Tanh mà ngọt không thể tả được . Ăn xong vốc hến , tôi như được truyền một sức sống kỳ ảo , một phép lạ. Vỏ hến mềm nên tôi nhai cả vỏ.
Lúc cái tầu Hy Lạp tiến đến gần cái ghe , ông Tư nảy ra một ý kiến. Ông bảo khiêng xác thằng Taxi và ông Long lúc đó đã kiệt sức lắm rồi lên sàn ghe để họ biết trên ghe có người sắp chết , may ra họ cứu chăng...
Trên tàu họ chụp hình chiếc ghe lia lịa. Tàu đi vòng đến 30 phút mà cũng không động tĩnh gì. Mọi người lại thất vọng. Chắc nó lại bỏ đi như tàu của Mã thôi.
Cuối cùng chiếc tàu cứu chúng tôi thật ! Họ thả thang dây xuống cho những người khoẻ lên trước. Lại tranh nhau lên ! May mà không có ai rớt xuống biển.
Những người yếu như tôi lên sau. Tôi là người lên gần cuối chót. Những người không đứng dậy được thì phải nhờ vào mấy cái cần xé đựng củi rồi kéo lên sau cùng.
Xác thằng Taxi và chiếc ghe bị chiếc tàu dùng cái cần cẩu cẩu lên rồi đập xuống. Lúc chiếc ghe chìm , tôi và nhiều người ứa nước mắt khóc không thành tiếng.
Lên tàu , Những người thủy thủ phải bế từng hai ngươi như bế con nít đi tắm. Lúc đó đầu tóc tôi như rơm rạ. Tôi sụt còn 29 ký ! Mặt mũi cháy đen đúa như quỷ , đau có trắng trẻo như bây giờ. Tắm xong họ phát cho phụ nữ những chiếc áo đầm rộng thùng thình , trông tức cười mà chẳng ai còn hơi để mà cười. Họ sát xà bông cho mình và kỳ lưng cho mình nữa ! May mà họ không nhìn thấy chí bò trên đầu mình . Mà có thấy thì chắc chẳng ai còn mắc cỡ gì. Mệt muốn chết.
Làm vệ sinh thân thể xong , họ phát cho mỗi người một cục xà bông , bánh kẹo , mà đâu có ăn nổi. Chỉ khát nước thôi. Khát đến khô họng. Mà bây giờ không cần có vàng mới có nước !
Khoảng 8 giờ đêm hôm đó , lại có một phụ nữ chết. Thật tội ! Chị mang theo hai đứa con 8 hoặc 9 tuổi gì đó. Bố chúng thì đang sống ở mỹ , chờ vợ con sang đoàn tụ. Thế mà lại có thêm một người nữa bị ném xuống biển. Hai đứa bé khóc mẹ trông thảm thương vô cùng. Tới nơi rồi mà còn chết.
Tới 10 giờ sáng ngày thứ 52 tàu cặp bến Mã Lai. Nhưng tàu này nghèo quá không đủ tiền đóng cho chúng tôi. Lằng nhằng thủ tục giấy tờ mãi tới 7 giờ tối mới lên được bờ . May mà bà đại diện Cao Ủy Tị Nạn bảo lãnh nói sẽ đóng tiền sau. Tiền do chính phủ Thụy Điển cấp.
Lên đến đất liền chúng tôi mới biết là cái xuồng ba lá của ông Ba Phối , bố của em Trung và em Kiệt cuối cùng đã trở về Việt Nam an toàn. Ông viết thư cho hai con nói họ phải lênh đênh trên biển cả đến 9 ngày mới gặp tàu đánh cá ở Thuận Hải vớt. Có bao nhiêu vàng nộp hết lại còn phải theo tàu đánh cá hơn 10 ngày nữa mới được thả. Thế mà chúng tôi cứ tưởng cá mập ăn hai người rồi. Số không chết là không chết .
Bây giờ tới bến tự do , tôi lại phải vượt biển lần nữa. Cái biển ESL , cái biển công ăn viêc làm , biển hôn nhân , biển nhớ gia đình , bạn bè , quê hương.
Nguyễn Tiến Đức
* Sinh ngày 9 tháng 3 năm 1937 tại Lạng Sơn.
* Tốt nghiệp đại học Sư Phạm Sài Gòn
* Giảng viên Anh Ngữ truòng Sinh Ngữ Quân Đội
* Viết chuyện ngắn , phiếm luận và thơ trước năm 1975 tại Sài Gòn và sau năm 1990 tại Hoa Kỳ
* Đã xuất bản hai tập truyện ngắn và một tập thơ.
Gửi ý kiến của bạn