BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76368)
(Xem: 63031)
(Xem: 40421)
(Xem: 32017)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đêm nhạc hiếm hoi, ‘Nguyễn Đình Toàn – Một Ngày Sau Chiến Tranh’

05 Tháng Tư 20197:44 SA(Xem: 1772)
Đêm nhạc hiếm hoi, ‘Nguyễn Đình Toàn – Một Ngày Sau Chiến Tranh’
50Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
21

WESTMINSTER, California (NV) – Sau chương trình “Đêm Nhạc Thính Phòng Nguyễn Đình Toàn” tổ chức tại nhật báo Người Việt cách đây gần tám năm, đêm nhạc mà người xem ngồi chật khán phòng, đứng tràn ra sân, và không biết bao nhiêu khán giả phải ngậm ngùi ra về trong luyến tiếc vì không còn chỗ chen chân, thì nay, “Nguyễn Đình Toàn – Một Ngày Sau Chiến Tranh” sẽ trở lại.

Đêm nhạc đặc biệt này sẽ bắt đầu vào lúc 7 giờ tối Thứ Bảy, 13 Tháng Tư, 2019, cũng tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Chương trình do Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học thực hiện, và, cũng như lần trước: vào cửa miễn phí.

Ông Bùi Đường, thành viên Ban Tổ Chức, cũng là một trong hai MC của chương trình, cho biết, “Chúng tôi tổ chức chương trình Nguyễn Đình Toàn vào dịp Tháng Tư, nhân đánh dấu 44 năm rời xa quê hương, và chúng tôi muốn dùng chương trình này như một ‘Bông Hồng Tạ Ơn’ người nhạc sĩ đã viết những bài nhạc sau cuộc chiến nhưng chưa có điều kiện công bố, cũng như cả cuộc đời anh đã viết những dòng thơ, dòng chữ làm giàu cho tâm hồn tất cả chúng ta.”

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn bên những bản nhạc chưa từng công bố. (Hình Ngọc Lan-Người Việt)
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn bên những bản nhạc chưa từng công bố. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Như một người bạn, người am hiểu về nhà thơ/nhà văn/nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, ông Bùi Đường chia sẻ, “Trước năm 1975, Nguyễn Đình Toàn được biết đến như một nhà thơ, nhà văn và tuy rằng hai ca khúc ‘Tình Khúc Thứ Nhất’ và ‘Anh Đến Thăm Em Đêm Ba Mươi’ cùng chương trình ‘Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn’ rất được công chúng yêu mến và hâm mộ nhưng với âm nhạc, ông vẫn là người ngoại đạo.”

Theo ông Đường, “Ngay sau khi cuộc chiến kết thúc, miền Nam sụp đổ, nhiều người bỏ nước ra đi. Bao nhiêu bài hát thể hiện tâm trạng day dứt nhớ thương, những u uất đau buồn về một quê hương đã mất đều do các nhạc sĩ đã ra khỏi nước viết về. Trong khi đó, Nguyễn Đình Toàn chính là người còn ở lại, chịu tù đày, chịu tất cả những hận thù của kẻ chiến thắng.”

Ca sĩ Mộng Thủy. (Hình Facebook Mộng Thủy)
Ca sĩ Mộng Thủy. (Hình: Facebook Mộng Thủy)
“Đó chính là thời kỳ Nguyễn Đình Toàn bẻ bút, không viết văn, không làm thơ, ông chọn âm nhạc làm nơi dung thân. Và từ đáy thẳm đau thương đó, âm nhạc Nguyễn Đình Toàn vang lên như tiếng thở dài trong não nề tuyệt vọng của một chứng nhân cho cuộc đổi đời có một không hai này,” ông tiếp.

Nhưng, như ông Đường nhận xét, “Điều đặc biệt nữa là qua những ca khúc này, dù Nguyễn Đình Toàn nói đến những đổ nát tan thương, nhưng lại không hề có dấu vết của sự căm hận, không nét hận thù, mà luôn vẫn nhìn về tương lai, nhìn về một ngày nào đó đất nước mình sẽ thay đổi.”

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn cho biết, “Trong thời gian ở tù sau 1975, tôi viết rất nhiều, tôi nghĩ có lẽ phải hơn 100 ca khúc. Trước đó, tôi không nghĩ là mình viết nhạc đâu. Sở dĩ tôi viết nhạc là bởi vì đó là một cách tôi nói cho họ biết đời nhà văn của tôi coi như đến đấy là hết. Họ chặt đứt cái đó. Như cái cây bị cưa đi. Thì nhạc của tôi là mầm mống đâm ra từ chỗ vết thương bị cắt đó. Tôi muốn chứng tỏ với họ rằng, tôi còn khả năng viết, nhưng tôi không muốn viết, tôi không muốn đóng góp cho xã hội đó.”

Ông viết nhiều, nhưng hầu như chỉ có bài “Nước Mắt Cho Sài Gòn” (hay nhiều người vẫn quen gọi là “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên”) được gửi ra ngoài, được phổ biến. Còn lại, vẫn nằm trong “vùng tối.”

“Khi Nguyễn Đình Toàn sang Mỹ, vào năm 1998-99, tức đã hơn 20 năm sau cuộc chiến, thì thời gian đó lại không thật sự thích hợp để ra mắt công chúng những sáng tác của ông ở thời điểm tang thương đó. Cho đến lần này, trong chương trình ‘Nguyễn Đình Toàn – Một Ngày Sau Chiến Tranh,’ chúng tôi muốn được giới thiệu đến khán giả những bài hát ông viết trong giai đoạn cùng cực nhất của miền Nam, để thấu hiểu được tâm trạng của một người mất quê hương nhưng phải ở lại ngay trên quê hương đã mất, phải ở lại với một Sài Gòn đã mất để tận mắt nhìn những đổi thay,” ông Bùi Đường nói.

Cô Kim Ngân, một thành viên khác trong Ban Tổ Chức, nhận xét, “Chương trình lần này có chủ đề sau cuộc chiến, không phải là những tình ca, mà nếu là tình ca, thì cũng là những tình ca đổ vỡ sau chiến tranh. Và, có thể đây sẽ là chương trình cuối cùng của Nguyễn Đình Toàn. Thực ra, hiện tại chúng tôi vẫn đang ấp ủ một chương trình nữa theo sau chương trình này, nhưng vì lý do sức khỏe của ông nên không biết có thể thực hiện được không.”

Ca sĩ Nga Mi (trái) và Kim Yến. (Hình Facebook Kiet Tran)
Ca sĩ Nga Mi (trái) và Kim Yến. (Hình: Facebook Kiet Tran)

“Chương trình ngoài mục đích nói về dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn và những đóng góp của ông cho nền văn học và âm nhạc Việt Nam, còn là tâm tình của người nhạc sĩ muốn gây quỹ giúp cho Viện Việt Học có thêm kinh phí trong vấn đề bảo tồn văn hóa Việt. Thế nên, mặc dù chương trình hoàn toàn vào cửa miễn phí, nhưng nếu có những mạnh thường quân muốn bảo trợ chương trình thì chúng tôi rất hoan nghênh và tác giả cũng rất hoan nghênh,” cô cho biết.

Điều mà Ban Tổ Chức chương trình băn khoăn nhất hiện nay là vấn đề số lượng người tham dự.

“Chúng tôi sợ đông người quá thì không biết phải giải quyết như thế nào. Kinh nghiệm lần trước có rất nhiều người phải tiếc nuối ra về vì không có chỗ. Thật sự sau khi nghe bài ‘Nước Mắt Cho Sài Gòn’ rất nhiều người ngạc nhiên về ông, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Đó cũng là lý do rất nhiều người muốn đến với chương trình của ông,” ông Bùi Đường bày tỏ.

Tuy nhiên, theo Ban Tổ Chức, chương trình có “dịch vụ” giữ chỗ trước. Khán giả chỉ cần gọi số điện thoại (714) 270-8110 để ghi danh giữ chỗ với lệ phí tượng trưng $10 – cũng chính là góp phần gây quỹ theo mục đích mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn mong muốn đóng góp cho Viện Việt Học – thì chắc chắn khán giả sẽ có được một chỗ cho mình.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, “Nhạc sĩ có xuất hiện để tâm tình, chuyện trò với khán giả không,” tác giả của ca khúc nổi tiếng “Tình Khúc Thứ Nhất” cười, nói, “Ngày hôm đó tôi có đến nhưng tôi không nói gì cả. Trên những ca khúc mình viết ra mà không gói ghém được điều mình muốn nói, tức là bài đó chưa đủ, nói thêm để làm gì, tất cả chỉ là sự chú thích, thêm vào mà thôi.”

Đêm nhạc hiếm hoi “Nguyễn Đình Toàn – Một Ngày Sau Chiến Tranh” tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt đón chờ sự có mặt của mọi người.

Chương trình có sự góp mặt của các ca sĩ và thân hữu Anh Dũng, Hồng Hạnh, Mộng Thủy, Nga Mi, Kim Ngân, Kim Yến, Tạ Chương, Thu Vàng, Trần Ngọc, cùng ban nhạc Nguyễn Đình Thư và Sao Biển.

Ngọc Lan
Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn