BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73309)
(Xem: 62227)
(Xem: 39416)
(Xem: 31160)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vụ Xuân Anh và Bá Cảnh là thất vọng nữa về 'hạt giống đỏ'?

15 Tháng Tư 20196:13 SA(Xem: 1541)
Vụ Xuân Anh và Bá Cảnh là thất vọng nữa về 'hạt giống đỏ'?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Báo Việt Nam nói về bài học 'quy hoạch cán bộ trẻ' mà chưa đạt yêu cầu qua ví dụ hai ông Nguyễn Xuân Anh và Nguyễn Bá Cảnh, đều ở Đà Nẵng.

Bài ký tên Thắng Quang, có tựa đề 'Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh và bài học quy hoạch cán bộ' đăng trên báo Nhà Đầu tư (14/04/2019) bày tỏ sự thất vọng về hai người này.

quochoivadaibieuhoidongnhandan
Người ta từng đặt nhiều hy vọng vào lớp 'con ông cháu cha', còn gọi là 'hạt giống đỏ' để trẻ hóa và hiện đại hóa bộ máy lãnh đạo VN

"Trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh là cán bộ trẻ, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống, lý lịch sáng, được đi du học ở nước ngoài.

Đáng tiếc, vì những sai phạm, khuyết điểm, các ông bị kỷ luật và đề nghị kỷ luật nghiêm minh theo quy định."

"Qua đây, có thể thấy rằng, hai vị này đào tạo chưa đạt yêu cầu; khi được giao trọng trách đã vi phạm nguyên tắc công tác, vi phạm kỷ luật Đảng."

Bài báo đặt ra vấn đề cán bộ trẻ được giao trọng trách thì cần phải cố gắng hơn, hay đã không làm như vậy.


Và với các cấp lãnh đạo đề ra những dự án 'đào tào nhân tài', thì tác giả nêu lời cảnh báo rằng họ "cần nghiêm khắc hơn trong việc chọn lọc, thử thách, trui rèn cán bộ".

Bài báo cũng trích lại lời ông Nguyễn Quốc Phong, nguyên Phó tổng biên tập Thanh Niên, rằng "Hạt giống đỏ thì cần phải đỏ thật, chỉ có vậy thì cây mới bền, rễ mới chắc và mới có thể trường tồn cùng năm tháng".

'Con ông cháu cha' tức Hạt giống đỏ

Khái niệm 'hạt giống đỏ' là của Việt Nam, nhằm chỉ các nhân vật là 'con ông cháu cha', tương đương với 'thái tử đảng' bên Trung Quốc, mà báo chí Phương Tây gọi là 'princelings'.

Họ sinh ra trong các gia đình công thần của chế độ cộng sản, hoặc đơn giản là con em các lãnh đạo trung, cao cấp.

Sự 'may mắn sinh học' này tạo ưu thế về mặt lý lịch, điều rất quan trọng ở các hệ thống đơn đảng và việc làm chính trị là một đặc quyền.

Đây là nhóm được cho là 'tuyệt đối trung thành' nên thường được ưu tiên để đi học, nhận học bổng, đầu tư chuyên ngành, du học, và vào các vị trí quan trọng.

Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng đây là cách làm phản dân chủ, ưu đãi thân nhân, tạo bè phái, và chỉ đưa đến gia đình trị.

Chưa kể việc lên chức, và bị hạ bệ của họ có thể xảy ra tùy vào uy thế còn nhiều hay ít của cha ông và người bảo trợ hơn là các vấn đề tự thân.

Hồi năm 2011, tác giả Hồng Quân ở Hà Nội đã nhắc đến hiện tượng này trong chính trị Việt Nam trên diễn đàn BBC.

Bài 'Từ hạt giống đỏ đến gia đình trị?' đã nêu ra ba 'hoàng tử đỏ' khá nổi tiếng.

"Đó là ông Nông Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, con trai Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam khoá IX và X Nông Đức Mạnh.

Trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại Học Kiến Trúc Thành Phố Hồ Chí Minh, con trai Thủ Tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.

danang
Bản quyền hình ảnh LINH PHAM
Đà Nẵng những năm qua nổi bật lên như một đô thị hàng đầu Việt Nam nhưng chính trị của địa phương này cũng là đề tài dư luận quan tâm

Cảnh trong quán, nhìn ra bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng
Bản quyền hình ảnh Linh Pham
Cảnh trong quán, nhìn ra bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng

Trường hợp thứ ba là ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư quận ủy Liên Chiểu, Đà Nẵng, con trai Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kiểm tra Trung Ương khoá 10 Nguyễn Văn Chi."

Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, còn chưa xuất hiện trong danh sách những cán bộ trẻ có chờ lên chức cao nữa.

Tuy nhiên, có lập luận cho rằng ngoài tiêu chuẩn trung thành về chính trị, một lớp cán bộ trẻ, được học hành ở nước ngoài, có ngoại ngữ tốt, là nhân tố tích cực cho chính trị Việt Nam.

Hồi 2015, nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói với BBC:

"Thực ra thì trẻ hóa là rất tốt. Hai mươi, hai mươi lăm, ba mươi mà người ta đã làm lãnh đạo chỗ này, chỗ khác thì rất tốt."

Thế nhưng, ông cho rằng "trẻ hóa nó phải do chính người trẻ có tài năng thực sự họ chiếm đoạt được vị trí, họ tranh giành được cái vị trí đó".

Còn ở Việt Nam hiện nay, ông Chênh cho rằng:

"...Phát triển nhân sự lãnh đạo nhà nước, nhân sự cho cán bộ nhà nước, cán bộ đảng, thì trước hết người ta nhắm vào chính gia đình của họ. Sau đó thì mới nhắm ra các đảng viên bình thường khác".

"Và trong dân gian cũng có câu là nhất là hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn rồi mới tới trí tuệ và tôi nghĩ nó cũng đúng luôn trong tình hình này, và bây giờ nó lộ rõ một cách rất công khai và không thể che đậy được nữa."

Ông Lê Trưởng Hải Hiếu (ngoài cùng, bên phải hình)
Ông Lê Trưởng Hải Hiếu (ngoài cùng, bên phải hình) đã bị kỷ luật

Sang năm 2017, nhà văn Trần Quốc Quân tại Warsaw, Ba Lan có nhắc lại hiện tượng 'hạt giống đỏ' và nêu thêm tên ông Lê Trương Hải Hiếu, con trai ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM và bà Tô Linh Hương, con gái ông Tô Huy Rứa nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, và ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

So sánh với Hoa Kỳ, ông Trần Quốc Quân viết:

"Tại Mỹ, các gia tộc Kennedy, Bush, McCain... nổi tiếng có nhiều chính trị gia thành công trên đỉnh cao quyền lực. Nhưng khác với ở ta, họ được chọn lựa ra thông qua bầu cử dân chủ, minh bạch và công khai."

Nay thì ông Lê Trương Hải Hiếu đã bị kỷ luật 'vì vi phạm trong quan hệ tình cảm', ông Vũ Quang Hải đã bị thay chức ở tập đoàn Sabeco, còn bà Tô Linh Hương đã rút khỏi chức chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex PVC từ lâu.

Nay thì sau thêm hai ví dụ ông Nguyễn Xuân Anh và Nguyễn Bá Cảnh, có vẻ như trong hệ thống tại Việt Nam đang có ý kiến là mô hình 'hạt giống đỏ' cũng đang có vấn đề.

15/4/2019
Nguồn BBC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn