BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73955)
(Xem: 62321)
(Xem: 39516)
(Xem: 31238)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thấy màu đỏ ngỡ là chín

14 Tháng Tư 200712:00 SA(Xem: 1341)
Thấy màu đỏ ngỡ là chín
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Chuyện xưa

Cách đây chừng chục năm, lúc ấy ông Nông Đức Mạnh mới nhậm chức tổng bí thư (TBT) từ ông Lê Khả Phiêu, thiên hạ đã đồn ầm lên rằng: một gương mặt sáng sủa so với thế hệ tiền bối; chắc chắn sẽ có nhiều ý tưởng tiến bộ làm biến chuyển cục diện xã hội Việt Nam...

Có lẽ mọi người nghĩ ông Nông Đức Mạnh lúc ấy còn trẻ lại từng du học Liên Xô về chắc chắn tư tưởng sẽ có phần thông thoáng hơn những vị tiền nhiệm. Dấu hiệu khác người đầu tiên sau ngày nhậm chức là ông Nông Đức Mạnh đã trực tiếp tới ‘‘thăm” các vị lão thành cách mạng, trong đó có nhiều vị đang bị liệt vào ‘‘thành phần chống đảng”. Thì đã sao nào?

Lúc ấy đã có nhiều người thốt lên:

- Vậy mới xứng mặt người cầm cân nảy mực chứ!

- Vậy mới đích thực người dám đi sâu đi sát quần chúng!

- Vậy mới đúng là hành động uống nước nhớ nguồn!

- Vậy mới thực xứng danh hậu sinh khả úy...v.v

Một trong những lão thành cách mạng được tân TBT Nông Đức Mạnh bấy giờ ‘‘viếng thăm” phải kể đến cụ Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang; Nguyễn Trung Thành và lão tướng Trần Độ. TBT Nông Đức Mạnh đã nói gì cùng các vị tiền bối đó có giời mới biết. Nguyên tắc đảng ta là thế, các cuộc hội kiến của TBT đều phải giữ nguyên tắc tối mật. Tuy nhiên giữa thời buổi thông tin hóa toàn cầu những tin tức cho dù tối mật đến đâu cũng vẫn có nguồn bị rò rỉ...

Tựu trung, đồng chí TBT Nông Đức Mạnh yêu cầu các vị lão thành cách mạng nên ‘‘yên tâm dưỡng lão” và đừng nên ‘‘quá lao tâm” vào những chuyện quốc gia đại sự của đảng. Và để lời nói đi đôi với việc làm ít ngày sau đó hệ thống điện thoại, máy vi tính cá nhân của các vị lão thành trên đã được cắt bỏ và tịch thu. Những người thân quen của họ cũng được lệnh: cấm lai vãng. Cư gia của các vị lão thành trên cũng được các đồng chí công an cắt cử nhau tới túc trực rất... cần mẫn. Và rồi những chuyện gì đã xảy ra với những vị lão thành cách mạng trên thiết nghĩ không cần phải nhắc lại, chỉ biết rằng có cụ ngay cả những ngày gần hấp hối trên giường bệnh và thậm chí khi cụ bị bức tử mà các đồng chí công an vẫn không để cụ được yên. Thì ra người ta không chỉ sợ người sống mà ngay cả khi người ấy đã nằm trong... quan tài.

Những chuyện như vậy sẽ không thể xảy ra trong lòng một xã hội Tây phương.

Chuyện nay

Khi ông Nguyễn Tấn Dũng được ngồi vào ghế thủ tướng chính phủ, thay thế cho ông thủ tướng ừ… à… hắt chẳng ra hơi Phan Văn Khải, dư luận lại được phen suýt xoa: Một gương mặt sáng giá nhất trong các thế hệ lãnh đạo thời hậu chiến tranh; một con người dám nghĩ dám làm; một thủ tướng đầu tiên của Việt Nam biết nói và hiểu tiếng Anh… Và bên cạnh những lời tán dương đầy tâm đắc ấy cũng không ít những thông tin ‘‘ngoài luồng” về những chuyện ‘‘thâm cung bí sử” của vị tân thủ tướng cũng được tung ra…

Ta hãy dẹp những chuyện thọc mạch đời tư người khác, đặc biệt những chuyện làm ảnh hưởng tới danh dự, uy tín các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước để cùng nhìn vào những hành động cụ thể mà vị tân thủ tướng sáng giá đã làm.

Sự kiện trọng đại đầu tiên phải nhắc đến là Hội nghị APEC thượng đỉnh diễn ra vào trung tuần tháng 11/2006, trong đó có sự hiện diện của một đại quan khách từ nửa vòng trái đất: tổng thống (TT) Mỹ G. Bush. Một hình ảnh rất ấn tượng, khó quên là hình TT Bush đứng cạnh TT Nga V. Putin, cả hai trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam nền xanh da trời với những ngôi sao vàng năm cánh phấp phới… bay.

Tổng thống Bush giơ tay vẫy chào đám báo giới trong nước và miệng nở một nụ cười đầy… bội thu. Nhìn nụ cười của ông chắc chắn ai cũng đoán TT Bush đã very, very happy với các đồng chí lãnh đạo chủ nhà, nhưng đằng sau nụ cười mãn nguyện ấy còn ẩn chứa điều gì? Dĩ nhiên chỉ có ngài tổng thống Bush mới lý giải nổi. Nhưng có thể lắm, trong đầu TT Bush đã gợn lên dăm ba ý nghĩ khôi hài: Nó ‘‘Warm welcome Mr. G. Bush” thật hay nó ‘‘warm welcome dollar” của mình? Tại sao nó vẫn chửi mình như thụi nhưng đột nhiên lại ‘‘warm welcome” hệt như chưa có chuyện gì xảy ra thế? Nhưng cứ nhìn vào cung cách vồ vập của ‘‘bọn chúng” đã cho thấy: các ngươi đang cần ta! Và APEC thượng đỉnh đã diễn ra, thành công hết sức… tốt đẹp! Nhiều người đã nhận xét: nhờ tài thao lược của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong suốt kỳ APEC mà hình ảnh méo mó của Việt Nam đã được thế giới phần nào chú ý và xem xét lại.

Sau APEC phải kể đến chuyện tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cử Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm sang Mỹ nhằm dọn đường cho chuyến thăm chính thức của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nghe đâu vào giữa năm nay. Lẽ dĩ nhiên ông Ngoại trưởng Khiêm đã được nước Mỹ đón tiếp theo đúng thông lệ và phong cách ngoại giao của người Mỹ. Nhiều giới nhận xét: Chuyến công du này mang nhiều ý nghĩa quan trọng (chuyện của đảng bao giờ chả quan trọng!).

Thứ nhất, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại quan điểm lập trường của Việt Nam muốn làm bạn với tất cả, đặc biệt là America - kẻ tử thù của mình và sẵn sàng ‘‘khép lại quá khứ thù địch” để cùng hướng tới... tương lai.

Thứ hai, đó là một đòn hù, một lời nhắn nhủ nhẹ với người khổng lồ Trung Quốc rằng Việt Nam bây giờ đã có người hùng chống lưng!

Điều thứ ba, khẳng định sức sống của Việt Nam (cả quân sự lẫn kinh tế) đã không thể thiếu bàn tay cùng sự hiện diện của người Mỹ (?!). Điều này cứ nhìn vào những chuyến công du liên tiếp của các quan chức chính phủ Việt Nam trong vài năm gần đây ta đủ thấy giới lãnh đạo Việt Nam đã buộc phải thay đổi thế đèn cù và đổi nhãn quan trong cách cứ xử với kẻ thù cũ của mình. Việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua Mỹ cũng không nằm ngoài ý định đó, và đương nhiên, sau cuộc thăm viếng mọi người có thể thấy cục diện quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước thay đổi… khả quan.

Một sự kiện động trời nữa có một không hai trong lịch sử cầm quyền của đảng ta không thể lãng quên. Đó là việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn trực tuyến (Online) với mọi người. Sự kiện và hành động này đã được báo giới trong nước đánh giá: Con người của hành động và tư duy mới. Theo báo chí trong nước thống kê thì có tới hơn 36.000 câu hỏi của mọi tầng lớp, báo giới… của người Việt trong và ngoài nước đặt ra và cũng theo thông lệ để đảm bảo sức khỏe cho thủ tướng các câu hỏi đã có một ban kiểm duyệt sàng lọc…

Tuy nhiên những câu hỏi và trả lời của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng theo báo giới trong nước nhận xét: mặc dù số lượng câu hỏi và đề tài đặt ra quá nhiều và quá rộng nhưng thủ tướng cũng đã trả lời tương đối đầy đủ những vấn đề, bức xúc mà độc giả và người Việt mọi nơi đã đề cập... Những người trực tiếp đặt câu hỏi, nghe và theo dõi cuộc phỏng vấn trực tiếp này hẳn trong họ ít nhiều cũng đã bừng lên những tia hy... vọng?

Cũng đầu năm 2007 một sự kiện trọng đại nữa lại diễn ra: Việt Nam chính thức được công nhận trở thành thành viên thứ 150 của WTO và đã mở ra một bước đường và cũng là bước ngoặt mới cho các doanh nghiệp trong nước thâm nhập vào thị trường nước ngoài...

Rồi cũng dịp đầu năm này thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công du sang Roma (Italia) để tiếp kiến giáo hoàng Benedikt XVI. Cuộc thăm viếng này đã gợi và mang lại nhiều niềm hy vọng trong giáo giới người Việt hải ngoại và trong nước về một viễn cảnh tự do tôn giáo tại Việt nam…

Tổng kết những sự kiện và hành động sau ngày nhận chức của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều người đã rung đùi nhận xét: Hình như may nhiều hơn rủi. Và đương nhiên các văn đàn, báo giới, bình luận gia… trong và ngoài nước đã rất hồ hởi để… hòa vào ‘‘niềm vui chung” của đất nước.

Ai đó đã nói: Khi niềm vui đến bất ngờ chắc rồi nó cũng sẽ ra đi rất… đột xuất. Chẳng phải chờ lâu, hơn tháng nay các diễn đàn báo chí tại hải ngoại đã đồng loạt truyền tin (khốn nạn! trong nhà mất trộm mà cứ phải phóng tin sang mấy anh hàng xóm rồi nhờ các bác phóng ngược tin trở lại, lúc ấy người trong nhà mới biết nhà ta đang có… biến!)

Ông Đỗ Nam Hải sau nhiều lần bị các đồng chí công an bức nhiễu vì ‘‘có hành vi chống đối chế độ“ (thế nào là hành vi chống đối? hầu như các đại triết gia trong nước đều đồng loạt bị… hóc xương, để rồi các giới truyền thông cũng nhân cơ hội đó xin cho chúng em được hóc xương luôn cho nó nhất quán!). Sau nhiều lần hù dọa không kết quả ngày 16/3/07 Bộ công an đã cử người từ Hà Nội vào rồi áp giải cha ruột, chị ruột và con gái của ông Đỗ Nam Hải và yêu cầu gia đình hãy thuyết phục, khuyên nhủ ông Hải phải viết một lời tự thú rằng ‘‘những việc làm của ông trong phong trào dân chủ là sai pháp luật và nay xin cơ quan pháp luật khoan hồng”. Nhiều người bảo: hành động của nhà chức trách - những người đại diện cho một nước ‘‘dân chủ gấp triệu lần” vừa bẩn, vừa hèn. Nói vậy hình như hơi bị… thừa, bởi từ trước tới nay hành vi của những người tự vỗ ngực cho mình là đại diện ‘‘cho dân, vì dân” vẫn luôn hèn kém như vậy!

Ngày 30/3/2007 một sự kiện gắn liền với một hình ảnh hết sức… ngoạn mục khác đã xảy ra trong phiên tòa xét xử Linh Mục Nguyễn Văn Lý cùng bốn người đồng sự khác của ông. Hình ảnh Linh mục Lý đang ngồi trước vành móng ngựa, hai tay bị còng, hai viên công an mặc sắc phục đứng kèm hai bên và một người mặc thường phục đứng sau đang quàng hai tay bịt chặt miệng cha Lý khi ông hô to ‘‘Đả đảo Đảng Cộng Sản Việt Nam!”. Hành vi của viên cảnh sát mặc thường phục nói trên đã bị những phóng viên quốc tế có mặt tại hiện trường cùng báo giới của người Việt hải ngoại công phẫn chỉ trích, lên án và cho đó là những hành vi vừa dã man, vừa phản dân chủ và vô văn hóa... Tuy nhiên nếu nhìn nhận ngược lại vấn đề (có lẽ) chúng ta phải ‘‘cảm ơn” viên công an nọ, bởi xét ở góc độ vô tình (bản năng cần mẫn tận trung với chủ) hay hữu ý (được cấp trên chỉ thị trước) thì hành vi ấy đã vô tình đánh thức phần nào công luận, chính giới người Việt hải ngoại và quốc tế vốn đang nghiêng ngả hay ngộ nhận nên gà gật trước những thay đổi ảo của chế độ hiện hành, từ đó buộc mọi người phải tỉnh táo để nhìn nhận lại một sự thực: Xã hội cộng sản cho dù là nguyên thủy hay đã được cải biên, biến trướng thì bản chất của nó trước sau vẫn không hề thay đổi.

Lời kết

Rất nhiều người, nhiều giới trong đó có cả người Việt lẫn Tây phương đều nhận định: Việt Nam muốn thay đổi phải chờ cho thế hệ lãnh đạo thời tiền khởi nghĩa chết hết... lúc ấy may ra... Mới nghe cũng thấy gió thổi vi vu trong lỗ tai và cũng không ít người đã hí hửng để chờ đợi... ngày ấy. Nhưng có một nghịch lý mà đôi khi mải vui ít ai nghĩ tới: một ông bố chỉ bập bẹ dăm ba chữ quốc ngữ chắc chắn sẽ không thể dạy được đàn con vừa thông thạo chữ quốc ngữ lại vừa sành sỏi ngôn ngữ Tây phương, chưa kể ông bố ấy luôn răn đe và nghiêm cấm đàn con mình tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Dĩ nhiên thời nay đám con cháu ông bố nọ sẽ chẳng dại gì vểnh tai nghe những lời giáo huấn hủ lậu nọ mà chúng sẽ tự tìm một lối thoát riêng bằng... cửa hậu. Một xã hội mà nhà nhà đều rủ nhau đi bằng cửa hậu tất nó chỉ là một xã hội biến thái. Hãy thử hình dung một Việt nam sau 5-7 chục năm nữa, lúc ấy có thể lắm Việt Nam đã đổi tên là ‘‘Đại Cường Quốc Dân Chủ Việt Nam”! Nhưng điều có thể khẳng định: những con người trong xã hội ấy (có thể) sẽ khá hơn, có màu sắc dân chủ hơn xã hội hiện nay, nhưng cái sự thông minh và dân chủ ấy lại có cội nguồn từ các thủ đoạn tráo trở, thậm chí bẩn thỉu và cơ hội để vơ vét tiền và chỉ để phục vụ riêng cho cá nhân mình. Một ‘‘đại cường” Cộng hoà Chuối (mô hình Nam Mỹ) tương lai của những tay tư bản đỏ với phẩm chất mafia lên nắm quyền, như người ta vẫn mỉa mai tiên liệu!

Lúc ấy hẳn sẽ có người than thở: Khốn nạn! Sau cả gần thế kỷ sung vẫn chưa hề chín! Xin thưa: nó chẳng những chín thậm chí còn chín mõm, nhưng cái hương vị của nó sẽ thật là khó ngửi lắm, bởi trong ấy rặt một lũ sâu bọ.

Hy vọng Việt Nam sẽ biến chuyển theo chiều hướng khả quan hơn, để không rơi vào tình trạng trên và nếu như thế thì biết đâu lúc ấy ối người sẽ lại tìm cách để mơ: bao giờ cho tới... ngày xưa! Bởi vì người phương Đông đặc biệt người Việt ta vốn rất ưa hoài cổ?

CHLB Đức, 4/2007

Việt Hà

Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn