Chỉ đến khi Phan Văn Vĩnh bị bắt, người ta mới để ý nhiều hơn đến những thành tích phá án của ông. Ông ta đã ghi tên tuổi trong nhiều vụ án lớn như vụ án Lê Văn Luyện, Nguyễn Thị Huyền Như, Bầu Kiên, thảm án Bình Phước…
Báo chí ca ngợi ông, gọi đó là những chiến công nhưng ông nói “đây không phải là chiến công mà là hoàn thành trách nhiệm”. Lời nói khiêm tốn đó làm cho người ta nể nang ông hơn, cho dù đó là sự “khiêm tốn” của một người cao ngạo.
Nhưng đọc đến bài viết “Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và những giai thoại phá án cực kỳ thông minh” (VTCnews) , tôi thấy hãi hùng về những mưu mẹo phá án của ông ta. Bài viết chỉ kể ra vài vụ trong số rất nhiều giai thoại “đếm không hết” về Phan Văn Vĩnh. Để điều tra về vụ mất 1 tấn thóc giống của hợp tác xã, ông ta cho đốt đống rơm nhà nghi phạm, lấy cớ chạy tài sản (là tang vật) ra khỏi nhà sợ đám cháy lan sang. Trong một vụ khác, ông ta bắt cóc nghi phạm bỏ vào túi vải rút dây lại, vác nghi phạm vắt ngang đường ray xe lửa cho tàu kẹp, nhét đá vào túi nghi phạm giả làm làm lựu đạn. Khủng bố tới mức ấy, gì mà nghi phạm chẳng khai.
Luật sư Lê Công Định ngạc nhiên: “Những "nghiệp vụ" vừa phạm pháp nghiêm trọng, vừa xem thường nhân mạng như thế chẳng những không bị nghiêm cấm, mà người sử dụng chúng còn được khen là "phá án thông minh" và thăng cấp đến Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát”.
Bài viết còn tiết lộ thêm thói quen xài luật rừng trong vụ diệt băng cướp tiệm vàng. Trong vụ này, Phan Văn Vĩnh chủ trương chỉ bắt một tên còn lại để chúng trốn chạy, đề phòng đường cùng, chúng sẽ chống trả liều lĩnh. Đấy là một cách tính toán khôn ngoan, nhưng để chúng trốn chạy rồi “bắt nguội sau” thì lại rõ thêm chất xã hội đen khi phá án của ông ta.
(Về vụ này, một bài viết với lý lẽ khá thuyết phục trên facebook cho rằng thực chất là vụ giang hồ Thái Bình đến “nói chuyện” phải trái với chủ tiệm vàng do không giữ lời hứa chứ không phải là cướp tiệm vàng. Bạn đọc quan tâm có thể xem TẠI ĐÂY)
Sợ thật. Chắc không chỉ mình Vĩnh có “biện pháp nghiệp vụ” ấy mà hẳn còn có rất nhiều vụ được phá án theo kiểu này. Vì ông ta làm tổng cục trưởng lại là anh hùng, được đảng trọng dụng, uy thế nghiêng ngả, gì mà cấp dưới của ông ta không lấy đó làm tấm gương mà noi theo. Hèn chi mà lắm án oan. Hèn chi mà trong giới hoạt động xã hội dân sự, đã xảy ra rất nhiều người bị đánh dọc đường, bị bắt cóc rồi bị đánh đập tơi tả. Tàn bạo nhất là cách hành xử với Mục sư Nguyễn Trung Tôn, người vừa bị kết án 12 năm tù hôm 5/4/2018 vừa rồi. Ngày 27/2/2017, ông bị bắt cóc rồi bị đánh vô cùng dã man, lột hết quần áo và đồ đạc ông mang theo rồi vứt ở một khu rừng hẻo lánh.
Nếu pháp luật nghiêm minh thì những người phá án kiểu Phan Văn Vĩnh phải bị khởi tố trước cả nghi phạm.
Tôi cứ nghĩ Phan Văn Vĩnh là đại ca giang hồ khét tiếng, chứ không phải là tướng công an… nhân dân vì cách điều tra của ông ta rặt chất xã hội đen.
Nhưng đọc đến chuyện này thì tôi còn ngạc nhiên hơn. Xin trích:
Có một giai thoại kể rằng, bên lề Hội nghị Công an Toàn quốc năm 1996, báo chí đã vậy quanh Trung tá Phan Vĩnh với câu hỏi: nhờ đâu mà chỉ trong một thời gian ngắn giữ chức GĐ CA Nam Định, ông đã khiến giang hồ gần như biệt bóng ở xứ này, trong khi trước đó thành Nam khét tiếng đất dữ, thủ phủ giang hồ Bắc? Phan Văn Vĩnh đã trả lời: “Dễ lắm. Nhậm chức giám đốc xong, tôi hẹn hết 500 thằng đấu gấu giang hồ lại, phát cho mỗi đứa một cái phong bì. Tôi bảo: “Anh lên giám đốc, an hay nguy đất này giờ là trách nhiệm của anh. Các chú cầm lấy ít tiền, qua bên kia phà Tân Đệ, về Thái Bình, Hải Phòng… hay đi đâu đó mà làm ăn, để đây cho anh yên tí. Lỡ có “móm” thì về, anh lại cho một ít”. Chúng nó quý nên nghe tôi, kéo nhau bỏ đi hết. Vậy là Nam Định yên lành. Nào có bí quyết gì đâu”.
Hết trích.
Không hiểu sao, chuyện này cũng được đem ra báo cáo ở hội nghị toàn quốc cho các tỉnh học tập. Đây không thể gọi là dẹp giang hồ mà chỉ là động tác “đánh bùn sang ao”, ‘vứt rác sang nhà hàng xóm”. Đẩy tội phạm ở địa phương mình quản lý sang địa phương khác với cách cư xử và lời nói đầy khuyến khích là một kiểu chơi xấu, phi nguyên tắc. Hẳn là ngành công an hay bất cứ một ngành quản lý nào đều phải biết đến nguyên tắc không được vì lợi ích cục bộ mà ảnh hưởng xấu đến lợi ích toàn cục.
Nếu tỉnh nào cũng học tập Vĩnh thì giang hồ chẳng cần cướp bóc gì vẫn có tiền để tiêu xài vì “Lỡ có ‘móm’ thì về, anh lại cho một ít”. Đó là sự dung dưỡng cho tội ác. Cách xưng hô anh anh, chú chú, dùng từ “móm” cũng toát lên chất giang hồ trong con người Phan Văn Vĩnh.
Ấy là chưa nói đến tiền nuôi 500 giang hồ Vĩnh lấy ở đâu ra. Lương của Vĩnh sao đủ bao?
Phải công nhận rằng, Phan Văn Vĩnh là một người can đảm, có bản lĩnh và thông minh nữa. Hành động ông ta trực tiếp quật ngã kẻ giang hồ (không đùn cho cấp dưới) để rồi mang biệt danh “Vĩnh Chột” là một ví dụ về điều đó. Vĩnh không vượt qua cám dỗ của vật chất và danh tiếng trong xã hội đen do chất đại ca đậm đặc trong người nên đã sa vào vòng lao lý.
Tuy nhiên bài viết trên VTCnews gọi đó là những “giai thoại” nên mức độ chân thực không biết như thế nào nhưng nội dung cơ bản chắc có.
“Ranh giới giữa một người anh hùng và một tội phạm gần như chẳng có gì để phân biệt. Thế giới ngầm luôn có từ rất lâu và nó được bảo kê bởi những ông trùm nhưng mang danh là những anh hùng vì bình yên giấc ngủ của nhân dân. Còn bao nhiêu những người anh hùng như vậy?” (facebooker Nguyễn Tuấn Anh)
Việc tướng Nguyễn Thanh Hóa, rồi tướng Phan Văn Vĩnh không chỉ liên quan đến 2 ông tướng này. Hóa và Vĩnh hẳn phải có những kẻ cấp cao hơn chống lưng. Có thể còn những ông tướng khác, thậm chí cao hơn sẽ bị bắt. Một tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm lại bảo kê cho tội phạm trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng; một cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lại bảo kê cho tội phạm sử dụng công nghệ cao và những biểu hiện khác còn cho thấy ngành công an - ngành trước hết có chức năng bảo vệ pháp luật lại đứng trên pháp luật, vi phạm pháp luật nhiều nhất. Độ nghiêm trọng tới mức cần cải tổ ngành công an khi nó đã có nhiều dấu hiệu của một băng đảng xã hội đen. Và không chỉ ngành công an, mà còn các ngành kiểm sát, tòa án, giáo dục, y tế…, cả hệ thống chính trị đã mục ruỗng tới mức nhân dân không thể chịu đựng được nữa và chế độ không còn lý do gì để tồn tại.
8/4/2018
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn Blog Nguyễn Tường Thụy