LTS.– Năm nay, tưởng niệm 50 năm biến cố Tết Mậu Thân ở Huế, các tổ chức trong cộng đồng người Việt ở Nam California sẽ tổ chức một buổi Tưởng Niệm chung tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ và một cuộc biểu tình tuần hành tố cáo và lên án tội ác diệt chủng của quân CS khi giết chết và chôn sống hơn 3 ngàn người dân Huế, dịch giả Toàn Như đã gửi đến Trang Cựu Chiến Binh /Người Việt một bài dịch về cuộc tấn công liều chết của cộng sản vào Tòa Đại Sứ Mỹ. Bài viết của phóng viên Don North của hãng thông tấn ABC News làm việc tại Saigon.
Là một phóng viên làm việc cho hãng thông tấn ABC News tại Việt Nam, tôi (phóng viên Don North – ghi chú của người dịch) đã ở đó chứng kiến cuộc Tấn Công Tết 1968 và hầu hết các trận đánh lớn, kể từ ngày 30 Tháng Giêng tại Khe Sanh cho đến ngày 25 Tháng Hai tại Huế khi TQLC Mỹ sau cùng đã giải tỏa cổng Đông Nam của Thành Nội chấm dứt một trận đánh đẫm máu nơi đây. Tuy nhiên, tại thủ đô Sài Gòn, bên trong tòa nhà có tường bao bọc của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ vào lúc rạng sáng ngày 31 Tháng Giêng, đã nổ ra một trong những trận đánh chủ chốt và quan trọng của cuộc chiến.
Trước cuộc tấn công vào Sài Gòn, tại một tiệm sửa xe hơi đầy dầu mỡ tại số 59 đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ), 19 tên đặc công Việt Cộng (VC) đã leo lên một chiếc xe tải nhỏ hiệu Peugeot và một chiếc taxi để lái đến mục tiêu của chúng là tòa Đại Sứ Mỹ. Mặc những bộ đồ bà ba đen và những băng đỏ trên cánh tay, họ là những thành viên của Tiểu Đoàn Đặc Công C-10 khá nổi tiếng. Hầu hết họ được sinh ra tại Sài Gòn nên khá quen thuộc với các đường phố của thành phố đông đúc này.
Trước đó hai ngày, những cái cần xế nặng ngụy trang như đang chứa cà chua, cùng với những thúng gạo, đã được chở tới căn nhà bên cạnh tiệm sửa xe. Chúng cũng đã chất chứa những khẩu súng AK-47, đạn B-40 và những túi thuốc nổ cho 19 đặc công thi hành sứ mạng. Ngay sau nửa đêm, những tên lính này lần đầu tiên mới được thuyết trình hướng dẫn về kế hoạch tấn công. Không có mô hình của địa điểm, không có sự hướng dẫn phải làm gì sau khi vào bên trong tòa nhà, không nói gì đến việc tăng cường hay con đường rút lui và cũng không xác định đây có thể là một nhiệm vụ cảm tử.
Cuộc tấn công tòa đại sứ có thể chỉ là một phần nhiệm vụ của tiểu đoàn đặc công để tạo thành mũi nhọn trong cuộc tấn công vào Sài Gòn, được hỗ trợ bởi 11 tiểu đoàn với tổng cộng khoảng 4,000 quân.
Có lẽ rằng, cái mà họ thiếu trong kế hoạch có thể đã được cố tình vạch ra trong cái viễn ảnh to lớn táo bạo của những cuộc tấn công. Sứ mạng của chúng tại Sài Gòn vào sáng ngày hôm đó là chiếm cứ 6 mục tiêu gồm có: Tòa Đại Sứ Mỹ, Dinh Tổng Thống, Đài Phát Thanh Quốc Gia, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Bộ Tổng Tham Mưu tại căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt và Tòa Đại Sứ Phi Luật Tân. Chúng phải chiếm các mục tiêu này trong vòng 48 giờ cho đến khi các tiểu đoàn VC khác vào thành phố tiếp cứu họ. Những người sống sót sau cuộc tấn công sẽ được tuyên dương ngay lập tức…
Trên đường tới tòa đại sứ, các đặc công đã được chỉ điểm lái xe không có đèn bởi một cảnh sát thường phục Nam Việt Nam. Viên cảnh sát này thuộc lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Miền Nam VN, vẫn được gọi là “Chuột Bạch,” để tránh rắc rối đã lẩn vào trong bóng tối khi chiếc xe tải và taxi chạy qua. Các đặc công đã gần như may mắn đến đối diện trước tuyến phòng thủ đầu tiên của tòa đại sứ. Rẽ vào Đại Lộ Thống Nhất, họ chạm trán thêm bốn sĩ quan cảnh sát, đã hầu như bỏ đi không nổ một phát súng.
Vào lúc 2 giờ 45 sáng, các đặc công lái tới cửa trước tòa đại sứ và khai hỏa với AK-47 và hỏa tiễn B-40. Bên ngoài lối vào tòa đại sứ, hai Quân Cảnh (QC) Mỹ thuộc Tiểu Đoàn 716 – hạ sĩ Charles Daniel, 23 tuổi, ở Durham, N.C., và binh nhì Bill Sebast, 20 tuổi, ở Albany, N.Y. – bắn trả lại trong khi lùi vào bên trong chiếc cổng sắt nặng nề và khóa nó lại. Vào lúc 2 giờ 47, họ đánh điện “Signal 300” – mã số ngụy danh của Quân Cảnh có nghĩa là bị địch tấn công. Một tiếng nổ vô cùng to lớn đã làm rung chuyển tòa nhà khi các đặc công làm thủng một lỗ rộng khoảng 3 feet trên bức tường bằng thuốc nổ. Daniel la vào trong máy, “Chúng nó đang đến – cứu tôi với!” và chiếc máy cũng im bặt.
Hai tên lính đầu tiên của Tiểu Đoàn C-10 (đặc công) đi qua cái lỗ là hai thành viên cao cấp, Bảy Tuyên và Út Nhỏ. Họ và hai quân cảnh Mỹ đều chết trong trận nổ súng cận chiến. Các đặc công còn lại có khoảng hơn 40 cân Anh thuốc nổ loại plastic C-4, quá đủ để mở đường đi vào tòa nhà. Không có mệnh lệnh rõ ràng sau khi những người chỉ huy của chúng đã chết, chúng núp sau những bồn hoa lớn hình tròn trong vườn hoa tòa đại sứ và bắn trả vào lực lượng Mỹ đang bắn lại chúng từ những mái nhà bên ngoài tòa đại sứ.
Chỉ ít phút sau, khoảng 3 giờ sáng, phát ngôn viên Tòa Đại Sứ Mỹ Barry Zorthian từ nhà ông cách đó mấy block đường đã gọi điện thoại cho văn phòng các hãng thông tấn báo động cho họ. Zorthian có rất ít chi tiết, nhưng ông nói cho chúng tôi biết: Tòa đại sứ đang bị tấn công và đang bị dưới hỏa lực (địch) rất mạnh.
Dick Rosenbaum, trưởng văn phòng ABC News, đã gọi cho tôi sau khi nhận được điện thoại của Zorthian. Văn phòng lúc đó đặt tại khách sạn Caravelle, chỉ bốn block đường cách tòa đại sứ. Vào lúc xảy ra, anh quay phim Peter Leydon của ABC và tôi đang ở Sài Gòn chỉ vì cái việc mà chúng tôi nghĩ là đã bị xui xẻo ở Khe Sanh ngày trước đó.
Đã hàng tháng trường bất cứ phóng viên nào có những nguồn tin đúng đắn cũng đang mong đợi có một chuyện gì to lớn xảy ra vào dịp Tết. Văn phòng ABC và hầu hết văn phòng các hãng thông tấn khác đều trong tình trạng báo động, mọi sự nghỉ phép đều bị hủy bỏ và tôi đã đón mừng Giáng Sinh với gia đình tôi ở thành phố gần đó là Kuala Lumpur, Mã Lai, vào ngày 1 Tháng Mười Hai để tôi có thể vẫn ở tại Việt Nam, để sẵn sàng cho một sự kiện lớn do phía địch mang lại một lúc nào đó trước, trong hay sau Tết. Rất nhiều tài liệu của địch bắt được nhiều tháng trước Tết đã cho biết một điều gì đó lớn lao sắp xảy ra.
Một trong những nguồn tin quân sự đáng tin cậy và đáng chú ý nhất vào lúc đó là từ Trung Tướng Fred C. Weyand, tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Vùng III, khu vực xung quanh Sài Gòn. Trong những tuần lễ trước Tết, Tướng Weyand đã nói với nhiều phóng viên điều mà ông đã nói với Tướng William C. Westmoreland rằng: “Việt Cộng đang huy động những đơn vị lớn được tăng cường cùng với quân Bắc Việt và những vũ khí mới. Qua những tù binh và tài liệu của địch chứng tỏ rằng sắp có một cuộc tấn công lớn xảy ra, có thể nhắm vào Sài Gòn.” Dù đã có sự hạn chế nghiêm ngặt cấm đưa tin về những việc chuyển quân của quân đội Mỹ, tuy nhiên Weyand đã nói với chúng tôi ra ngoài thông lệ rằng, ông đã chuyển 30 tiểu đoàn Mỹ vào những vị trí tốt hơn xung quanh Sài Gòn.
Vào những tuần lễ trước Tết, những cơ quan tình báo quân sự và dân sự khác nhau, cả Hoa Kỳ và Việt Nam, đều biết những tin tức về những hoạt động của địch nhưng không hiểu tầm quan trọng của chúng. Bởi những sự đối nghịch và tranh chấp giữa các cơ quan, họ rất ít khi trao đổi hay so sánh các tin tình báo với nhau và không bao giờ sắp xếp nó thành một nguồn tin đáng tin cậy. Họ đã biết cái ý định của địch trong năm 1968 qua hàng núi tài liệu thu lượm được, nhưng họ không rõ sẽ đối đầu với cái ý định này ở nơi nào…
Tuần lễ trước Tết đã yên lặng một cách lạ kỳ. Vì không có việc gì làm, tôi dẫn toán nhiếp ảnh đến trường đua Phú Thọ ở Chợ Lớn để lấy một ít hình ảnh về cái đường đua ngựa có đường đua cong nhất trên thế giới. Việc sử dụng bừa bãi thuốc (kích thích) trên những con ngựa đã đưa đến những kết quả quái đản, và thường một con ngựa què vẫn có thể đi vào vòng đua của kẻ thắng nếu nó chịu đựng được đến cuối cuộc đua. Một tuần sau đó, trường đua Phú Thọ đã là một trung tâm yểm trợ và là căn cứ hậu cần cho cuộc tấn công của VC. Tuy nhiên vào buổi chiều Chủ Nhật yên lặng đó, dường như VC đang xâm nhập vào Sài Gòn qua ngả trường đua ngựa – có thể biết đâu người đánh cá lớn xếp hàng với tôi tại quầy lãnh tiền cá cược chiều hôm đó lại là một đại tá quân đội Bắc Việt không chừng. Trở về lại văn phòng ABC, tôi được gởi ngay ra phi trường để bay đi Khe Sanh, nơi mà Tướng Westmoreland đang mong chờ một trận đụng độ lớn với kẻ địch trong dịp Tết ở đó.
Tại Khe Sanh vào ngày 30 Tháng Giêng, Leydon và tôi đã bị quân Bắc Việt pháo kích nặng nề. Trong lúc nhảy xuống giao thông hào, cái ống kính của chiếc máy ảnh 16 ly của chúng tôi đã bị vỡ, buộc chúng tôi phải rút ngắn thời gian ở Khe Sanh. Vì vậy, chúng tôi đã phải bay trở lại Sài Gòn trên chiếc C-130 ngay chiều hôm đó.
Chính vì chiếc máy ảnh bị bể, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ bị lỡ trận đánh của quân Bắc Việt vào Khe Sanh. Nhưng khi bay suốt chiều dài của Việt Nam vào đêm hôm đó, chúng tôi đã thấy dường như cả nước đang bị tấn công. Khi chúng tôi cất cánh khỏi Đà Nẵng, chúng tôi đã nhìn thấy những hỏa tiễn đang lao tới. Bay qua Nha Trang ngay sau lúc nửa đêm, chúng tôi có thể nhìn thấy những ánh lửa lóe lên. Chúng tôi đã nghe nói về những cuộc tấn công qua máy truyền tin liên lạc với trạm kiểm soát dưới đất.
Nhưng vào lúc 3 giờ sáng ngày 31 Tháng Giêng, chúng tôi đã trở về lại Sài Gòn, lái xe ra khỏi khách sạn Caravelle trên chiếc xe Jeep của ABC News với chiếc máy ảnh mới. Khi vừa ra tới đường Tự Do, cách ba dãy phố tới tòa đại sứ, một người nào đó, không biết là VC, lính VNCH, cảnh sát hay QC Mỹ, đã bắn về phía chúng tôi bằng một loại súng tự động. Một vài viên đạn ghim vào mũi xe Jeep. Tôi tắt đèn và trở lại văn phòng cho đến gần sáng.
Khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi đi bộ tới tòa đại sứ. Khi đến gần tòa nhà, chúng tôi nghe thấy tiếng súng dữ dội, và chúng tôi nhìn thấy những vệt xanh và đỏ cắt ngang nền trời màu hồng.
Những lằn đạn màu xanh của VC đến từ tòa nhà sứ quán và tầng lầu của những tòa nhà bên kia đường. Những lằn đạn màu đỏ bắn ngược lại phía bên kia đường. Chúng tôi bị kẹt trong những lằn đạn.
Cùng bò tới cái cổng với tôi là Peter Arnett của hãng thông tấn AP. Ông phụ trách đưa tin về cuộc chiến đã hơn 5 năm qua và đã từng đoạt giải thưởng Pulitzer. Nằm bên đường mương bên cạnh những người lính QC buổi sáng hôm đó, Arnett và tôi không biết VC đã phá thủng lỗ ở chỗ nào trên bức tường và tiếng súng đến từ đâu. Nhưng chúng tôi biết đây là một sự kiện lớn.
Arnett và các nhân viên AP khác là những người đầu tiên báo tin cho thế giới biết cuộc tấn công vào Tòa Đại Sứ Mỹ. Vào lúc 3 giờ 15, bản tin đầu tiên đã được gởi đi, 40 phút trước cả UPI, như sau: “Cuộc Tấn Công Đầu Tiên: Saigon (AP) VC đã pháo kích dữ dội vào Sài Gòn hôm Thứ Tư tiếp theo những cuộc tấn công của chúng vào tám thành phố chính trên toàn quốc. Cùng lúc đó, một tiểu đội cảm tử gồm các phiến quân đặc công đã xâm nhập vào thủ đô và đã có ít nhất ba tên đã vào bên trong tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ gần trung tâm thành phố. TQLC Hoa Kỳ bảo vệ tòa đại sứ, mới khánh thành cuối năm ngoái, đã nổ súng đối đầu với những kẻ xâm nhập.”
Một vài QC chạy tới, một người đang dìu một tên đặc công VC bị thương đang chảy máu. Y mặc một bộ bà ba đen và thật là lạ, có mang một cái nhẫn ruby màu đỏ khá lớn. Tôi phỏng vấn các lính QC và thâu âm cuộc điện đàm của họ với các đồng sự của họ ở bên trong những cánh cổng. Các QC tin rằng VC đã ở bên trong tòa nhà, nhưng điều này sau đó mới biết là không đúng sự thật. Arnett đã bò đi tìm một cái điện thoại để báo cáo cuộc điện đàm của QC về văn phòng của ông. Vào lúc 7 giờ 25, căn cứ trên cú điện thoại của Arnett tại hiện trường, AP đã đánh đi bản tin đầu tiên nói rằng VC đã ở bên trong tòa đại sứ. “Bản tin: Vietnam, Saigon (AP) Việt Cộng đã tấn công Sài Gòn hôm Thứ Tư và đã chiếm giữ một phần Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. QC Hoa Kỳ tại hiện trường nói rằng có khoảng 20 đặc công cảm tử VC ở bên trong tòa đại sứ đã chiếm giữ một phần của tầng lầu I.”
Câu hỏi được đặt ra là VC đã vào hẳn bên trong tòa nhà hay chỉ ở trong vòng rào có tính cách biểu tượng quan trọng. Tôi đã nghe lại cái băng của ngày hôm đó, và rõ ràng các QC đã tin rằng VC đã vào bên trong tòa nhà.
Một chiếc trực thăng đáp trên nóc tòa đại sứ, và các binh sĩ bắt đầu đi xuống các tầng lầu. QC Dave Lamborn nhận lệnh từ máy hiệu thính từ một sĩ quan bên trong: “Đây là Waco, roger. Bạn có thể vào cổng bây giờ được không? Đem một lực lượng vào đó và dọn dẹp tòa đại sứ, ngay bây giờ! Sẽ có trực thăng đến trên mái và sẽ có lính đi xuống. Hãy cẩn thận để chúng ta không đụng độ nhau. Hết.”
Khi chúng tôi chuẩn bị cùng QC chạy tới cái cổng, tôi lại có những âu lo khác. Tôi la lớn hỏi Leydon: “OK, chúng ta còn bao nhiêu phim?” Anh trả lời: “Tôi còn một mag (khoảng 400 feet). Anh cần bao nhiêu?”
“Chúng ta đang có một tin quan trọng nhất của cuộc chiến với chỉ một hộp phim. Do đó, phải ráng thu lấy hết mọi thứ, kể cả chỗ tôi đứng.”
Tôi bước lại chỗ cái huy hiệu Hoa Kỳ đã bị nổ văng ra khỏi bức tường tòa đại sứ gần cái lối vào bên cạnh. Chúng tôi chạy vội qua cái cổng chính vào bên trong vườn, nơi mà một trận chiến đẫm máu đã xảy ra. Ký giả Kate Webb của UPI sau này đã mô tả nó chẳng khác gì cái cửa hàng thịt ở Eden.”
***
Trong khi các trực thăng tiếp tục đổ quân trên mái nhà, chúng tôi ngồi xổm trên bãi cỏ với một nhóm QC. Họ đang bắn vào một căn biệt thự nhỏ trong sân tòa đại sứ nơi mà họ nói VC đã rút vào làm cứ điểm sau cùng. Lựu đạn cay đã được ném vào trong cửa sổ, nhưng hơi cay đã thoát ra ngoài vườn. Đại Tá George Jacobson, sĩ quan điều phối Hoa Kỳ, cư ngụ trong biệt thự bất thần xuất hiện ở cửa sổ tầng lầu hai. Một QC ném cho ông một cái mặt nạ hơi ngạt và một khẩu súng lục .45. Có thể có ba VC ở tầng lầu I và chúng có thể rút lên lầu vì hơi cay. Đây đúng là một bi kịch lớn, nhưng tiếc là cái máy hình của ABC News của chúng tôi lúc đó phải tiết kiệm phim.
Tôi tiếp tục diễn tả tất cả mọi việc tôi thấy vào một cái máy thu băng, đã bị nghẽn vì hơi gas. Tôi có thể đọc được cái thẻ nhân viên tòa đại sứ trong cái bóp của Nguyễn Văn Đệ, thân hình hắn đầy máu đang nằm xóng xoài bên bồn cỏ cạnh tôi. Nguyễn sau này được xác minh là một tài xế làm việc cho tòa đại sứ đã 16 năm, thường lái xe cho đại sứ Hoa Kỳ. Các QC nói y đã bắn về phía họ ngay trong lúc giao tranh ban đầu và y có thể là kẻ nội ứng.
Một loạt đạn nổ vang đưa tôi về với thực tại. Tên VC cuối cùng chạy lên lầu bắn loạn xạ về phía Đại Tá Jacobson, nhưng hụt.
Viên đại tá sau này nói với tôi: “Cả hai chúng tôi nhìn thấy nhau cùng một lúc. Y bắn hụt tôi, và tôi bắn một phát về hắn bằng khẩu súng .45.” Jacobson sau này thú nhận rằng lúc đó cô bạn gái dân Sài Gòn đang ở đó với ông và đã chứng kiến toàn bộ tấm thảm kịch dưới những tấm drap trải giường.
Con số chết trong trận đánh tại tòa đại sứ sau được xác nhận chính thức là 5 binh sĩ Hoa Kỳ cùng với 17 tên địch trong số 19 đặc công. Hai tên đặc công sống sót sau đó được thẩm vấn và trao lại cho QLVNCH.
Còn 30 feet phim cuối cùng, tôi thâu âm phần kết luận của tôi ở trong vườn tòa đại sứ như sau: “Kể từ Năm Mới âm lịch, VC và Bắc Việt đã chứng tỏ họ có khả năng tạo ra những biến chuyển quân sự đáng chú ý và dữ dội mà người Mỹ ở đây không bao giờ nghĩ rằng chúng lại có thể thành công. Không biết họ có thể chịu đựng cuộc tấn công này lâu dài hay không hãy chờ xem. Nhưng cái nó xoay chuyển cuộc chiến thì nay đang xảy ra, việc chiếm giữ tòa đại sứ Hoa Kỳ trong bảy tiếng đồng hồ là một chiến thắng về mặt tâm lý sẽ động viên và gây hứng khởi cho Việt Cộng.”
Đó là một sự đánh gía vội vã trước khi mọi bí ẩn được đưa ra? Có thể lắm. Nhưng lúc đó không có thời gian để cho một ủy ban nghiên cứu vấn đề. Tôi đang bị thúc hối vì kỳ hạn từng giờ, và ABC mong muốn biết tin cũng như một vài viễn ảnh sắp tới ngay trong những giờ phút ban đầu của cuộc tấn công…
Vào lúc 9 giờ 15 sáng ở Sài Gòn, tòa đại sứ chính thức tuyên bố đã an toàn. Khoảng 9 giờ 20, Westmoreland đã bước qua cổng tòa đại sứ trong bộ đồ trận còn nguyên nếp hồ, được bảo vệ bởi những QC và TQLC lem luốc và dính đầy máu vì vừa trải qua một trận đánh từ lúc 3 giờ sáng. Đứng bên đống đổ nát, Westmoreland tuyên bố: “Không có tên địch nào vào bên trong tòa nhà. Đây là một biến cố tương đối nhỏ. Một toán đặc công đã làm nổ một lỗ hổng bên tường và bò vào, và tất cả chúng đã bị giết. Mười chín xác địch đã được tìm thấy trong khuôn viên. Chúng ta đừng để bị đánh lừa bởi biến cố này.”
Tôi không thể tin điều ấy. “Westy” vẫn còn nói mọi chuyện đều tốt đẹp. Ông nói những cuộc tấn công Tết trên cả nước chỉ là “một cách đánh lừa” được tính toán để tạo ra sự ngạc nhiên tối đa ở Việt Nam và rằng họ đã “dương đông kích tây” để dành nỗ lực chính cho trận đánh tại Khe Sanh.
Hầu hết phóng viên tại Việt Nam vào thời gian đó tôn trọng Westmoreland – ông thường rộng rãi cho những cuộc phỏng vấn dài để giải thích sự thành công dưới quyền chỉ huy của ông. Nhưng một biến cố khoảng sáu tháng trước Tết đã để lại trong tôi những câu hỏi liên quan đến sự hiểu biết của vị tướng chỉ huy về vai trò của truyền thông trong thời chiến…
Một bản ghi nhớ (memo) do Westmoreland ký đã được gởi tới văn phòng ABC News và hầu hết các hãng thông tấn khác vào giữa năm 1967 cho rằng các báo cáo tin tức về việc bộ binh Nam Việt Nam (QLVNCH) kém hiệu qủa không giúp ích gì cho những nỗ lực trong cuộc chiến. “Nếu bạn cho một cái tên xấu cho một con chó, nó sẽ sống với cái đó mãi.” Westmoreland đề nghị rằng nên có những báo cáo tích cực hơn cho người bạn đồng minh Việt Nam của chúng ta.
Mười năm sau, Westmoreland vẫn còn nói xấu truyền thông về những biến cố vào buổi sáng ngày hôm đó. Ông nói với tôi: “Đây là một bước ngoặt trong chiến tranh. Nó đáng lẽ là một bước ngoặt cho chiến thắng, nhưng lại là một bước ngoặt cho thất bại (bởi) cái đạo đức của những thông tin lúc ban đầu… đã bị vẩn đục và đen tối nên đã tạo ra cái ấn tượng là Hoa Kỳ đang bị thua trên chiến trường. Nó làm cho dư luận quần chúng áp lực các giới chức thẩm quyền chính trị phải có quyết định rút lui.”
Trong một bài chỉ trích báo chí dài, Westmoreland đã cho rằng chúng tôi là những kẻ thù tệ hại nhất. “Vào lúc chúng ta có 700 phóng viên, tất cả đều đang hành nghề, tìm kiếm và báo cáo tin tức như đã quen thuộc tại Hoa Kỳ, tất cả chỉ tìm kiếm những tin tức giật gân. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ báo cáo những thất bại, những sự bất thường hay những sự quái dị trong bất cứ cuộc chiến nào trong tương lai, chắc chắn, dư luận Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng như họ đã bị trong chiến tranh Việt Nam. Tôi nghĩ rằng hậu quả của vấn đề này là vô cùng tai hại cho một xã hội công khai, và một nền dân chủ chính trị của chúng ta.”
Westmoreland không chỉ không hiểu báo chí trong xã hội chúng ta, ông cũng còn không hiểu những bài học lịch sử. Ngay cả những sự thất bại lớn lao có thể coi như chiến thắng về mặt tinh thần nếu có các mục tiêu thật rõ ràng – và cả những sự thiếu sót – được chia sẻ với công chúng. Nhưng ở trong nước, có rất ít sự tin tưởng về lời tuyên bố chiến thắng của giới quân sự.
Ngày 25 Tháng Ba năm 1968, hai tháng sau (biến cố) Tết, cuộc thăm dò dư luận của Harris đã cho biết có 60% dân chúng Hoa Kỳ coi cuộc tấn công Tết như là một sự thất bại cho những mục tiêu của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Don North
Toàn Như (chuyển ngữ)
(Dịch theo www.Historynet.com & Vietnam Magazine – Feb. 2001)
Nguồn Người Việt