BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72637)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lá cờ vàng ba sọc đỏ trong trái tim tôi!

28 Tháng Mười Hai 20167:44 SA(Xem: 3448)
Lá cờ vàng ba sọc đỏ trong trái tim tôi!
57Vote
43Vote
30Vote
22Vote
10Vote
4.312

Trước đây mấy năm tên Trần Trường lếu láo, không biết nhận của Cộng Sản bao nhiêu tiền, mà dám chọc giận cộng đồng Việt Nam hải ngoại chúng ta bằng cách chưng bày hình ảnh HCM trong tiệm Video cua y. Dư âm của những cuộc biểu tình rất đông người tham dự dài ngày vẫn còn âm ỷ, và tên “ăn cơm quốc gia, thờ ma Cộng Sản” nghe nói giờ này đã “thân tàn ma dại” ở một xó xỉnh nào đó. Vậy mà mới đây gã “Hùng Cửu Long” không lo làm ăn, lại nghe lời xúi dại của đám “ma đầu giáo chủ” vác xác từ Việt Nam qua Mỹ lập lại trò “chơi dại” của tên Trần Trường. Hắn đứng trước tượng đài kỷ niệm các chiến sĩ trận vong Mỹ ở Washington DC cởi áo khoác, rồi để lộ ra chiếc áo dài đỏ chói có ngôi sao vàng to ngay trước ngực, rồi nhờ người khác chụp hình, và post lên mạng, để lại chọc giận CDVN hải ngoại chúng ta. Hắn ta còn qua California dự trù lập lại màn kịch chụp hình như bên DC nhưng vì nghĩ rằng sẽ gặp rắc rối to, nên khi xuất hiện tại thủ đô của người Việt Nam tị nạn hắn ta chỉ mặc một chiếc áo dài mầu vàng, nhưng cũng đã bị đồng hương chúng ta ở đó phản đối, và xua đuổi, coi hắn như một thứ dịch bệnh nan y, cần phải tống khứ càng sớm, càng tốt. Hắn được cảnh sát Mỹ chở ra phi trường để “book” vé trở về chốn cũ. Quả thật, những cái ngu dại của người trước còn sờ sờ trước mắt, mà bọn tay sai lớp sau vẫn cắm cổ làm theo.

bieutinhchongtrantruong
Biểu tình chống Trần Trường

Nhân dịp vụ lá cờ của tên Hùng Cửu Long, tôi chợt nhớ lại thời gian bị giam cầm 7 năm sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam thân yêu của chúng ta (Tôi không dùng từ cải tạo, giải phóng, học tập, và những từ ngữ chói tai của Cộng Sản nặn ra). Một số khá đông anh em quân nhân chúng tôi thuộc các đơn vị tác chiến của Sư Đoàn 22BB đã phải tan hàng, buông súng vào những ngày cuối Tháng Ba, 1975. Sau khi thoát khỏi vòng đai phi trường Phù-Cát cùng với khoảng 20 quân nhân của nhiều đơn vị, chúng tôi mò mẫm trong đêm đen để về phía Quy Nhơn, nhưng chẳng bao lâu, mỗi người lạc mỗi nơi, một mình tôi bơ vơ trơ trọi giữa bóng đêm. Cái giờ phút tang thương của cả một đơn vị lớn sao bỗng dưng đổ ập lên đầu chúng tôi mau thế. Mà không chỉ riêng chúng tôi bị thất thủ từ vùng một vào tới vùng hai, mà tôi có cảm tưởng trong lúc đó rằng: bàn cờ tướng đã được “bọn đầu nậu” quyết định rồi, thì thân phận những con tốt như chúng tôi có sá gì!! Đêm đen trời trong xanh, muôn vì sao vẫn láp lánh, vũ trụ vẫn yên lành, vạn vật có lẽ cũng bắt đầu ngủ yên, chỉ có con người là đang kiếm đủ mọi mánh khóe để giết hại và trù dập lẫn nhau.

Ở trại tù đầu tiên, trên vùng rừng thiêng nước độc, chúng tôi đã phải ngậm ngùi bó chiếu tiễn đưa khoảng 20 chiến hữu chỉ vỏn vẹn trong thời gian 2 tháng. Cảnh tượng mà bọn chúng gọi là: “Trại cải tạo” thật là tồi tệ. Chúng nhét bọn tôi vào những lán trại sơ sài, cho ăn hai bữa, mỗi bữa một chén khoai mì, có cõng trên lưng mỗi lát mì vài ba hạt cơm gạo mốc. Chúng tôi luôn luôn bị đói, cái đói có lẽ cũng không thua gì nạn đói kém năm Ất Dậu của phía Bắc nước ta. Khu nhà cầu mới thê thảm làm sao, được “thiết kế” ngay trong trại, mùi hôi thối được đám ruồi xanh tải đi khắp nơi, gieo rắc mầm bệnh, và đó là nguyên nhân mà chúng tôi phải tiễn đưa 20 người anh em xấu số. Hai tháng đầu tiên nếm mùi “thiên đường Cộng Sản,” tôi có cảm tưởng là đang sống trong địa ngục, mà địa ngục, nếu có, có lẽ cũng không đến nỗi tồi tệ như thế. Ôi, sao mà bọn họ tuyên truyền hay thế, dân miền Bắc đã đành, không nhìn thấy gì ngoài lũy tre xanh, con trâu, cái cầy, cái cuốc, không nghe được gì, ngoài chiếc loa tuyên truyền láo khoét, nên riết rồi cứ tưởng đó là sự thật. Nhưng dân miền Nam thì sao, bọn người của cái gọi là “Mặt trận giải phóng miền Nam,” và những tên theo đóm ăn tàn, có những tên học cao: bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, nhưng hình như họ cũng bị thuốc lú, bùa mê, nên vẫn cam tâm làm tay sai cho Hà nội.

Thấy tù nhân cứ rủ nhau ra gò nằm làm bạn với giun, dế nhiều quá, chúng mới chuyển chúng tôi về trại thứ hai ở An Trường, cách thành phố Quy Nhơn khoảng mấy chục cây số. Ở Đây được một năm rưỡi, hầu hết được cho về, chỉ riêng 188 người chúng tôi được chuyển qua trại thứ ba, đó là trại 51, nằm trong phạm vi tỉnh Phú Yên cũng do bọn bộ đội chịu trách nhiệm giam giữ. Những thành phần quân cán chính miền Nam như cảnh sát đặc biệt, an ninh tình báo, chiến tranh chính trị, kể cả những đơn vị mà chúng cho là có nợ máu với nhân dân, những người có cấp bậc cao, hành chánh, cũng như quân đội, đa số đều bị nhốt 6, 7, 8 năm trở lên cho tới vài chục năm.

Ở đây chúng tôi cũng được chia ra thành nhiều đội, mỗi đội khoảng 40 người ở chung trong một lán trại, và cùng nhau được điều động đi làm ngoài rừng, chặt cây, làm rẫy, làm ruộng v.v… Cuộc sống tù, mà không có tội cứ được “cách mạng” cho ở thoải mái, khi nào tốt sẽ được về, nhưng không ai biết khi nào thì tốt, nên cứ phải chịu khó làm thân trâu ngựa. Nhất định không chịu khuất phục trước hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, trong những lúc được nghỉ ngơi, tôi cuốc đất trồng rau, trồng bắp, để có chút ăn giặm thêm với khẩu phần ăn rất khiêm nhường của “Bên thắng cuộc” cấp cho mỗi ngày. Có mấy người bạn nản chí hay than phiền cuộc sống đầy ải lâu ngày, mà không thấy chút ánh sáng nào cuối đường hầm của ngày về. Tôi hay khích lệ họ rằng: “Làm thân trai không nên quá bi lụy, chúng ta phải trải qua những chông gai của cuộc đời mới vươn lên được, ngày mai chắc chắn trời sẽ lại sáng.” Dù sao 9 năm lính tác chiến gian khổ khắp quân khu Hai, chiến trường cũng đã tôi luyện cho tôi được phần nào cứng cỏi hơn những anh em trong văn phòng, và những quân nhân thuộc các ngành chuyên môn.

Trong suốt thời gian ở trại tù này, có mấy lần bị điều đi làm “Ngựa Thồ,” tôi còn nhớ mãi: Một toán chừng 20 người được phân chia đi tải đường về cho cả trại, tù và cai tù. Từ sáng sớm, sau khi lãnh mỗi người một khẩu phần ăn, hai chàng “lính cụ Hồ,” súng ống đầy đủ dẫn chúng tôi lên đường. Cuốc bộ trên con đường mòn gập ghềnh lởm chởm đá, đi mấy tiếng đồng hồ chưa cõng “nàng sugar” nào, mà đã bá thở, trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại, khẩu phần ăn, chỉ cứu đói được vài tiếng đồng hồ, bao tử đã giơ tay đòi “phát biểu” ý kiến, y như đám quốc hội bù nhìn đóng tuồng ở khu vực gần Ba đình.

Tôi không nhớ rõ con số,nhưng có lẽ mỗi người phải mang sấp sỉ 20 kg, loại đường bánh tròn như chiếc dĩa lớn, mầu vàng đậm, ngả qua nâu. Hai người phải khiêng một giỏ đi trên đoạn đường dài mấy chục cây số, dốc lên dốc xuống giữa trời trưa nắng mùa hè, mồ hôi lại được dịp tuôn ra như suối đổ, người nào, người nấy thở không ra hơi. Tuy nhiên cũng còn may, những lúc nghỉ lấy sức, chúng tôi cũng bẻ được ít miếng đường để tiếp phần glucose thêm cho cơ thể đủ sức lết về tới trại. Một lần khác lại bị điều đi cõng củ mì, đoạn đường lần này còn gian nan hơn trước, vì phải leo qua hai ngọn núi cao chới với, nhiều khi chúng tôi phải lén bỏ bớt vào bụi cây bên lối đi, cho nhẹ bớt mới đi nổi. Đoạn đường chiến binh hồi tập ở quân trường Thủ Đức so với những đoạn đường tù binh, không nhằm nhò gì cả.

Thời gian cứ lững thững đi “từng bước chân âm thầm,” làm cho chúng tôi sốt ruột, mà ngày về thì “thăm thẳm chiều trôi!” Một buổi sáng ngày nghỉ bọn tù binh chúng tôi được cấp phát quần áo, những bộ quần áo mầu nâu đỏ có sọc trắng; nhưng lạ quá, sao hôm nay bọn chúng lại phát cả quần đùi, mà vô liêm sỉ thay, chúng lại lấy lá cờ vàng ba sọc đỏ của quốc gia Việt Nam chúng ta có từ thời chính phủ Trần Trọng Kim, rồi may những chiếc quần đùi cũn cỡn đem phát cho chúng tôi. Mọi người nhìn nhau ngao ngán!!! Những tưởng rằng không ai dám mặc chiếc quần mà tên “khốn nạn” nào đó đã đẻ ra cùng với cái ý tưởng trả thù hèn hạ, ngu dốt đó. Nhưng bất hạnh thay, bà Mẹ Âu Cơ vì sinh ra một lúc hằng trăm chiếc trứng, nên cũng có vài ba chiếc bị ung thối, mà những quả trứng thối đó, lại được lũ quỷ dữ hóa phép thành người, nên mấy hôm sau cả trại thấy một tên nghe nói cũng từng mang ba bông mai vàng trên cổ áo, xúng xính trong bộ đồ mới. Chiếc áo đỏ nâu, sọc trắng, bên dưới là một chiếc quần dài mà tên láu cá đó đã lấy chiếc quần đùi may bằng lá cờ của chúng ta, rồi may thêm hai chiếc ống nữa để biến nó thành quần dài. Hắn ta có vẻ thích chí, đi tới đi lui, vẻ mặt kệch cỡm như một con khỉ làm trò hề. Mọi người chỉ xầm xì, không ai dám nói gì hắn, nên hắn càng nhởn nhơ đi lại thật vô tư. Nhìn lá cờ của tổ quốc thân yêu bị xúc phạm nặng nề bởi bọn Cộng Sản xâm lược, và bởi chính một thành viên trong hàng ngũ của mình, tôi suy nghĩ mãi để tìm cách hóa giải cái cảnh tượng trêu ngươi đó. Tối hôm đó, tôi lại chỗ hắn ta nằm, làm bộ như thân mật, vỗ vai hắn, rồi nói- “Tôi thích chiếc quần bạn đang mặc, tôi muốn đổi chiếc quần dài mới lãnh của tôi cho bạn để lấy chiếc bạn đang mặc, được không? Trước đề nghị của tôi, hắn có vẻ hơi ngạc nhiên, sau một chút do dự, hắn ta đồng ý, cuộc trao đổi “tù binh,”diễn ra thật nhanh chóng, chỉ có vài người chứng kiến. Tôi đem chiếc quần có lẽ là độc nhất vô nhị đó về chỗ, cất vào gói đồ tư trang, rồi thanh thản đi ngủ, bước đầu đã hóa giải được sự xúc phạm tổ quốc của một gã vô liêm sỉ. Một thời gian sau, khi mọi truyện đã chìm vào quên lãng, chiều tối tôi lặng lẽ tháo banh chiếc quần “phản quốc” đó ra, rồi đem xuống lò bếp thiêu hủy, kể từ đó, mỗi lần nhìn thấy tên “chó chết” đó, tôi lại muốn cho hắn một cán cuốc, bây giờ, có lẽ hắn ta cũng đang sống chui nhủi đâu đó trên đất nước tự do này. Mỗi lần, nếu có, đi sinh hoạt với cộng đồng VN chúng ta, khi chào kính lá quốc kỳ Việt Nam tự do mầu vàng ba sọc đỏ, hắn sẽ nghĩ gì về cái ngày mà hắn dám mặc chiếc quần vô liêm sỉ đó. Tôi hy vọng bài viết khiêm nhường này cũng phần nào tác động đến những phần tử đang có manh tâm đi theo con đường của hai tên Trần Trường, và Hùng Cửu Long. Chúng ta rời bỏ quê cha đất tổ, bỏ ruộng vườn, nhà cửa, bỏ lại sau lưng tất cả những người thân yêu nhất, chỉ vì muốn có tự do, nhân phẩm, và quyền con người. Hành trang mà chúng ta mang theo được trên mảnh đất tạm dung này, tôi thiết nghĩ chỉ có lá cờ vàng Ba sọc đỏ của chúng ta là giá trị, và đáng trân quý nhất. Mỗi lần nhìn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lá cờ thân yêu của chúng ta tung bay trong gió khắp năm châu bốn bể, tôi lại cảm thấy bồi hồi xúc động. Ba vạch đỏ trên lá cờ của chúng ta, là tượng trưng cho sự hy sinh mạng sống của tiền nhân, của các anh hùng liệt nữ, của toàn thể quân dân cán chính miền Nam đã từng đổ ra để bảo vệ tự do cho chúng ta, và nhờ họ, chúng ta mới có được ngày hôm NAY Hoàn toàn khác xa với mầu đỏ sặc mùi tanh máu của Cộng Sản trên lá cờ mà Hùng Cửu Long muốn theo lệnh chủ đem qua đây để quấy phá chúng ta. Chiêu bài hòa hợp, hòa giải mà hắn đưa ra, bọn con nít cũng không ngửi được, huống hồ những người đã từng thấm đòn thù Cộng Sản bao năm tháng như tất cả quân cán chính chúng ta!! Tên văn nô Tố Hữu đã từng viết những câu đại loại như: “Giết, giết nữa, giết không ngừng nghỉ, cho ruộng đồng mau tốt, lúa thêm xanh” (nhớ không chính xác). Người ta trồng lúa để nuôi con người, đàng này hắn ta cổ súy giết người để bón cho cây lúa. Trên thế giới có lẽ không ai có lối làm thơ như hắn, mà hắn ta muốn giết kẻ xâm lược chăng, hắn muốn giết chính đồng bào của mình đấy!! Trong tương lai chắc sẽ còn những đám tay sai khác thực hiện những trò ma mãnh để quấy phá CDVN chúng ta khắp nơi, mong rằng mọi người hãy cảnh giác trước những âm mưu đen tối của kẻ thù.

ATLANTA ngày 2 Tháng Mười Hai, 2016.
VT, Trần Quốc Công
Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn