Une prison nommée Vietnam
Những lúc gần đây, ngày càng có nhiều trí thức, văn sĩ... trong nước lên tiếng đòi hỏi tự do ngôn luận, tự do báo chí. Từ ông Nguyễn văn Trấn, nay đã ngoài 80, đến những người trẻ hơn như các ông Hoàng Tiến, Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc..., từ những nhà văn chuyên nghiệp hay những nhà khoa học như ông Phan Đình Diệu cho đến những người từng phục vụ trong quân đội như tướng Trần Độ, rất nhiều người cùng lên tiếng, đồng loạt. Chắc hẳn chúng ta cũng không quên những người cũng vì tranh đấu cho tự do ngôn luận, tự do báo chí đang bị cầm tù như ông Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế...
Đó là những người "nổi tiếng", những người "may mắn" được dư luận trong và ngoài nước biết đến. Nhưng bên cạnh họ, còn muôn vàn những người không tên tuổi cũng đang ao ước, thèm khát cái quyền tự do phát biểu, tự do sáng tác mà thế giới và người dân trong nước chưa biết đến, cũng có biết bao trí thức đang ngậm ngùi trước cảnh đất nước đang đứng trên bờ vực thẳm mà họ phải bó tay, không cách nào làm thay đổi được chỉ vì một chính phủ chuyên quyền trong nước. Có những người đã lên tiếng nhưng đa số hãy còn im lặng.
Bên cạnh đó, cũng có những "văn nô", chỉ biết tung hô đường lối của đảng, sẵn sàng biên soạn những bài viết theo chỉ thị. Cũng có những người trí thức về hùa với chế độ để được ăn trên ngồi tróc, tranh thủ quyền lợi cho cá nhân mình nhưng lúc nào cũng bô bô là vì dân vì nước.
Cũng có những người nhìn ra được những khó khăn của đất nước nhưng họ chưa can đảm hay không đủ can đảm để vượt lên trên những quyền lợi riêng tư để nói lên những gì cần nói, những gì cần làm. Âu thì đó cũng là một cách sống, họ chờ thời, họ hy vọng nhà nước ban phát cho những ân huệ để sống. Họ tạm chấp nhận cái hiện tại, họ chọn lựa con đường an thân nhất, rồi lâu lâu phát biểu một vài câu để chứng tỏ ta cũng là người trí thức quan tâm đến đất nước để tự lừa dối lương tâm mình.
Tất cả những thành phần này đang có một cuộc sống ra sao trong nước ? Nếu mỗi người chúng ta có dịp tìm hiểu thì cũng là một điều đáng quý.
Nhân đọc một bài phóng sự về đời sống, suy tư của những người trí thức tại Việt Nam của nữ ký giả Danielle Laurin, bài báo mang tên "Một Nhà Tù Mang Tên Việt Nam" (Une prison nommée Vietnam) được đăng trên báo "L'Actualité" số 5, tháng 4/1998 tại Québec, tôi muốn chia sẻ đến mọi người những hình ảnh thật về cuộc sống, về cái đau cái nhục, cái rạng rỡ, cái hân hoan của từng loại người thuộc về các tầng lớp trí thức mà tôi đã phân tích bên trên.
Danielle Laurin là một ký giả sống tại Québec, Gia Nã Đại, và bà cũng đã từng biết, từng nghe nói đến tình trạng chà đạp nhân quyền tại Việt Nam. Trong chuyến sang Việt Nam để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Pháp Thoại tại Hà Nội vào tháng 11/97 vừa qua, bà ngỡ ngàng, há hốc mồm không hiểu vì sao đa số trong hội trường có vẻ như chế diễu khi Thủ Tướng của xứ Québec của bà nêu vấn đề nhân quyền tại Hội Nghị. Thêm vào đó là lời tuyên bố của Tổng Thống Pháp Jacques Chirac, lên tiếng dạy đời về phương thức thuyết phục cho nhân quyền của ông. Những sự việc này đã làm cho bà tò mò hơn, và nhất định đi tìm gặp những nhà văn, nhà báo, trí thức tại Việt Nam để xem tận mắt, nghe tận tai những gì họ nghĩ, quan niệm về hai chữ tự do. Và bà đã nỗ lực tìm gặp được một số người mà bà nghĩ rằng khá tiêu biểu cho những thành phần trí thức phức tạp trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Tư tưởng trong bài tường thuật không liên tục, cho thấy trong lúc tiếp xúc với các đối tượng, bà tìm cách so sánh những điểm tương đồng giữa những thành phần khác nhau.
Bài phóng sự được bắt đầu bằng một nhận xét rất đặc thù ở trong nước khi người ta tiếp xúc với người ngoại quốc, nhất là nhà báo :
"Nhất là Quý Vị đừng nêu tên tôi ra !" Đây là lời nói khẩn cầu của những nhà trí thức Việt Nam khi họ chấp nhận gặp gỡ, trao đổi với những người ngoại quốc, với một ánh mắt lo sợ và một thái độ không bình tĩnh chút nào cả !
Vì thế bà phải cho những người đối thoại trong bài tường thuật mang một tên khác để tránh việc họ bị truy lùng, ngoại trừ trường hợp những ai không sợ. Và các cuộc tiếp xúc được tường thuật lại như sau :
-------------------
"Tôi có thể giúp gì cho bà không? ". Lúc đó là 1 giờ sáng. Đường phố Hà Nội vắng hoe. Trong sảnh đường của khách sạn cũng thế, ngoại trừ anh thanh niên trẻ đang đứng phía sau quầy tiếp khách bằng cẩm thạch giả. Không, anh ta không giúp được gì cho tôi. Sau một cái ngáp dài, anh ta vừa gỡ bỏ cái huy hiệu mang trên chiếc áo sơ mi màu trắng nhàu nát vừa nói : "Hân hoan chào mừng nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh Pháp Thoại lần thứ 7 ".
Hội Nghị Thượng Đỉnh đã chấm dứt. Hàng chục ngàn người ngoại quốc tràn ngập thủ đô, các vị quốc trưởng, những phái đoàn chính thức và các ký giả lẫn lộn với nhau, đa số đã rời khỏi nước này. Thủ tướng Québec, ông Lucien Bouchard, người chủ trương bảo vệ quyền làm người là trên hết, đã trở về tay không. Đề nghị của ông về việc kêu gọi tổ chức các nước thành viên của khối Pháp thoại hãy noi theo gương của khối Liên Hiệp Anh (Commonwealth) mà đặt để những biện pháp trừng trị những nước không tôn trọng dân chủ và nhân quyền, đã bị chỉ trích kịch liệt, nếu không muốn nói là đã biến thành trò cười...
"Sự trừng phạt không phải là một thói quen trong khối Pháp thoại, chúng tôi muốn thuyết phục chứ không muốn ép buộc", đó là câu trả lời hùng hồn của Tổng Thống Pháp Jacques Chirac trong buổi lễ bế mạc hội nghị.
Người tiếp viên khách sạn đang ngủ gục. Và tôi chờ. Tôi có hẹn với một ký giả người Việt. Ông ta cứ hồi lại cái hẹn này hoài, cho đến hôm nay là thời hạn cuối cùng. Ông sẽ đến hay không đến ?
****
"Nhất là cô đừng nêu tên tôi ra !" Đó là lời nói của một nhà văn mà tôi đã gặp một tuần trước đó tại thành phố Hồ Chí Minh, tức Sài Gòn cũ, cách Hà Nội 1750 km về phía Nam. Nhà văn, một lão già run rẩy, ốm yếu, bệnh hoạn, ánh mắt nhìn thật buồn thảm. Tôi chờ ông trước cửa một căn phòng trong một khách sạn nhỏ bốn tầng vừa được chỉnh trang lại. Trong bộ quần áo cũ nát, ướt đẫm mồ hôi, ông ta bước lên cầu thang một cách mệt nhọc, hơi thở ngắn ngủn, lưng còng xuống. Ông lặn lội đến đây bằng xích lô đạp, cuộc hành trình kéo dài 1 tiếng đồng hồ qua những đường phố bụi bặm, tấp nập của thành phố dưới một cơn nắng thật gắt. Ông ta không muốn tôi đến nhà ông và ông đã hồi lại cái hẹn này hai lần rồi. Tôi tạm gọi tên ông ấy là Khan.
"Tôi không phải là một nhà văn chính thức của nhà nước. Tôi là một công viên chức cao cấp của đảng..., nhưng tôi bị dính líu trong một vụ kiện tụng ..., tôi đã bị hai năm lao động khổ sai ". Câu nói mà ông hay nhắc đi nhắc lại:"Nhưng quá khứ là quá khứ... "
Một quá khứ mà ông Khan không thể quên. "Tất cả những bạn nhà văn của tôi đều đi ngoại quốc. Hết người này đến người kia, người nào cũng nói "Tôi sẽ trở về". Nhưng họ đâu có trở về. Và tôi thì sẽ không bao giờ đi thăm họ được. Người ta nói với tôi như thế này : "ông già rồi, lại còn bệnh hoạn, lỡ chết ở xứ ngoài, thì đảng là người có trách nhiệm... " Thực ra, người ta sợ rằng khi đi ra nước ngoài, tôi sẽ nói xấu chế độ..."
Chuyện trước tiên là ông Khan kiểm soát lại xem có ai đặt máy ghi âm trong phòng hay không. Ông bị ám ảnh, một sự ám ảnh tinh thần của một người trí thức già nua đã từng biết mùi trại tù cải tạo của nhà nước cộng sản.
Việt Nam không có gì thay đổi hay sao ? Từ khi chính sách "đổi mới" được áp dụng, người ta không thấy tràn ngập những xí nghiệp tư nhân, sự tấp nập của du khách và đầu tư ngoại quốc hay sao ?
"Đất nước mở cửa cho kinh tế thị trường nhưng vẫn khép kín các lãnh vực văn hóa, phong tục và truyền thống", đó là lời nói đêm trước của một nhà văn khác, hãy gọi ông ta là Lộc, tuổi độ 50. Mĩm cười chua chát, ông nói thêm : "Cái khó khăn lớn nhất của giới trí thức chúng tôi là sự thiếu mở cửa. Tôi cầu mong sự mở cửa kinh tế được đi đôi với mở cửa về văn hóa và ý thức hệ ".
****
Và người ký giả của tôi đã đến. Tạm gọi ông tên Khoa, ông đến một cách lén lút. Ông độ 40 tuổi, năng động, ánh mắt khiêu khích, ông là phóng viên của một tờ báo lớn của nhà nước, giống như tất cả giới truyền thông Việt Nam. Ông nói nhỏ : "Tôi không được phép đến đây. Tôi đến đây là đưa chính cá nhân và gia đình tôi vào nguy hiểm". Ông ta liếc nhìn chung quanh, kéo cao cổ áo. Gả tiếp viên khách sạn không có vẻ gì phản đối.
"Theo một Quyết Nghị của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành ngày 28 tháng 9 năm 1997, khoảng hai tháng trước khi diễn ra Hội Nghị Thượng Đỉnh các nước Pháp thoại, các phóng viên Việt Nam phải có giấy phép của Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa và Thông Tin mới được trao đổi tin tức với các phóng viên ngoại quốc. Về vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam, tôi được tự do nói những điều gì không làm cho nhà nước phật lòng ", Khoa nói gọn như thế.
Ông lão nhà văn ở thành phố Hồ Chí Minh đã từng nói với tôi : "Các nhà văn phải làm văn hóa tốt, nghĩa là họ phải viết những quyển sách hoan hô nhà nước, thổi phồng lãnh đạo đảng. Những tác phẩm văn hóa thời thượng đều mang cùng một khuôn mặt, khuôn mặt của những kẻ nịnh bợ ".
Được phát biểu trong Hội Nghị Thượng Đỉnh về quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam, ông Cù Huy Cận, nhà thơ và là Chủ Tịch của Hội Đồng Toàn Quốc về nghệ thuật và văn chương, đã phát biểu như sau : " Các nhà văn thực sự có quyền sáng tác. Họ có quyền viết những gì họ muốn, miễn sao những gì họ muốn không đi ngược lại nền an ninh quốc gia".
Ông Cù Huy Cận không những là một nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam mà ông còn nổi tiếng ở Trung Quốc, ở Liên Xô và Cuba. Các tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Pháp, ông từng được tham gia nhiều lần các cuộc hội thảo ở ngoại quốc về văn hóa Việt Nam. Ông không hề gặp khó khăn trong vấn đề xin chiếu khán.
Trong khi đó, nhà văn Khan đã bị chìm vào quên lãng, ông không còn xuất bản gì nữa hết. "Những nhà văn vi phạm luật lệ, tự xuất bản theo khả năng của họ. Những tác phẩm của họ bị bôi nhọ công khai. Họ bị theo dõi, bị rầy rà... người ta làm sao cho họ không thể gây nguy hiểm ... Nhưng người ta không nói là chính vì những quyển sách của họ, mà người ta lại ngụy biện bằng những lý do khác".
****
Khoa cảm thấy từ từ yên tâm hơn. Chúng tôi lên lầu, bước vào một phòng khách nhỏ, thiếu ánh đèn. Không ai rình rập trong khách sạn. "Trong tờ báo của tôi, tôi có thể tố cáo các vụ tham nhũng. Tôi còn được khen thưởng nữa là đàng khác. Nhưng tôi phải biết phải ngừng ở đâu."
Trong Đại Hội Đảng CSVN vào tháng 6/1996, Tổng Bí Thư đảng đã ra lời kêu gọi dân chúng nỗ lực chống lại tham nhũng ở mọi cấp. Và ông ấy còn nhấn mạnh về vai trò của truyền thông trong công tác này.
"Tôi không thể tố cáo những vụ tham nhũng liên hệ đến cấp cao của nhà nước ", ông Khoa nói rõ như vậy. Tuy nhiên, điều này ai cũng biết rằng nó có xảy ra, thậm chí người ta còn gọi là "bọn mafia". Theo Khoa, chính chế độ cộng sản là bình phong cho các vụ tham nhũng : "nhiều người đã sử dụng nó để bảo đảm quyền lợi của họ, để giữ vững quyền lực".
Vào tháng 10, non một tháng trước Hội Nghị Thượng Đỉnh Pháp Thoại, ông chủ nhiệm của tờ báo kinh tế "Doanh Nghiệp" đã bị bắt. Ông Nguyễn Hoàng Linh đã làm một cuộc điều tra về một vụ tham nhũng. Ông đã tố cáo những quan chức cao cấp của nhà nước và một số tướng lãnh cao cấp trong quân đội trong một vụ tham ô, phơi bày chuyện quan thuế đã trả một món tiền tương đương với 4 triệu Mỹ kim để mua những chiếc tàu cũ kỹ của Ukraina mà trị giá chỉ bằng phân nửa số tiền nói trên. Ông Nguyễn Hoàng Linh bị bỏ tù, với tội danh là tiết lộ bí mật quốc gia.
Khoa kể lại cho tôi nghe một mẩu chuyện phiếm thường được kể đi kể lại tại Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nơi mà có đến 20% thành phần lao động bị thất nghiệp. Câu chuyện được kể như sau:
"Một người đàn ông thất nghiệp đi tìm nơi trú cho qua mùa đông. Ông ta biết rằng nếu ông ta la to "những nhà lãnh đạo chính trị đất nước là những thằng ngu ", thì chắc chắn ông sẽ bị nhốt tù 3 tháng. Và ông đã nói to lên điều này. Kết quả, ông bị nhốt 6 tháng: 3 tháng vì tội phản đối chính quyền ... và ba tháng vì tội đã tiết lộ bí mật quốc gia !."
Một luật khác được áp dụng từ tháng 4/1997 cho phép nhà nước được quyền bắt giữ không cần xử án những thành phần chống đối chế độ. Nhưng không phải đợi đến khi có luật này nhà nước mới bắt bớ những người chống lại họ. Trong báo cáo thường niên vừa qua, hội Ân Xá Quốc Tế đã cho biết có ít nhất 54 tù nhân khác chính kiến đang bị giam cầm tại Việt Nam.
Những trường hợp nổi tiếng : Đoàn Viết Hoạt. Ông đã bị bắt, được trả tự do năm 1988 sau 12 năm tù tội, ông bị bắt trở lại vào năm 1990 vì đã tham gia vào việc xuất bản tờ báo chui "Diễn Đàn Tự Do". Ông bị bắt mà không hề được xử trong vòng 3 năm, sau đó, năm 1993 bị kết án 15 năm tù và 5 năm quản thúc tại gia.
Thật ra, vì sao người ta lại kết án ông Đoàn Viết Hoạt ? Vì ông đã thành lập một tổ chức đối kháng, và tờ báo của nhóm ông cổ vũ cho dân chủ và đề cao nhân bản.
Chính vì tham gia vào một tờ báo đề cao nhân bản mà ông Khan đã bị đi tù cải tạo trong những năm 50. "Tôi phải bò dưới đất để trồng trà... Nhưng trong đầu tôi, tôi không bao giờ khuất phục. Có rất nhiều trí thức trong nước không bao giờ khuất phục. Bề ngoài, có khi họ phải khom lưng ... "
Ông Khan giữ gìn một cách trân quý trong ngăn tủ một tiểu thuyết tự thuật mang tên "Người cuối cùng của những người lãng mạn" : một người chấp nhận một tương lai không bao giờ đến, đó là một người lãng mạn. Ông mong rằng tác phẩm của ông sẽ được xuất bản sau khi ông qua đời. " Cho dù xuất bản hay không, tôi vẫn viết. Nếu tôi không viết, đó là cõi chết. Cái chết của tâm hồn. May mắn thay, tôi còn có thể nói, tôi còn có thể suy nghĩ. Đó là hạnh phúc".
Mỗi người có một cách "giải sầu " riêng. Nhiều người khác đi tìm sự an ủi tinh thần nơi Phật sự. Đó là trường hợp của ông Lộc : "Tôi mơ rất nhiều đến tự do, tự do tư tưởng, tự do sáng tác. Nhưng sau bao năm tháng, tôi đã hiểu ra rằng tôi sẽ giữ giấc mơ tự do đó cho tôi mà thôi ".
Ông Lộc cũng đã từng trải qua nhiều tù cải tạo, sau khi Sài Gòn thất trận vào năm 1975. Ông đã cho tôi xem một số bài thơ đã dịch sang Pháp ngữ. Những bài thơ nói về cảnh tù tội, đàn áp tiếng nói của người dân. Ông thuộc về một nhóm văn sĩ gọi là tiến bộ, bị chế độ đả kích rất nhiều. "Các nhà lãnh đạo không chấp nhận ước muốn thay đổi, tìm cái mới cho thơ văn". Ông Lộc hành nghề ký giả và thông dịch viên. Ông chấp nhận những sự nhượng bộ cần thiết.
*****
Về phía những nhà trí thức chủ trương hợp tác với nhà nước, một nhà xã hội học và một người phục vụ trong cơ quan xã hội cũng buột miệng nói : "Nghề của chúng tôi không được công nhận. Tôi muốn nói với nhà nước rằng những người chuyên môn về xã hội học rất cần thiết trong việc giải quyết các vấn nạn xã hội."
Trong một căn nhà nhỏ xinh xắn ở ngoại ô Sài Gòn, bà Nguyễn thị Oanh, đi chân đất, đã tiếp đón tôi. Hôm đó trời sáng sớm, không khí thoang thoảng mùi hoa lài. Bà mở rộng các cửa, nói thoải mái và không yêu cầu tôi đừng nêu tên tuổi : "Tôi cảm thấy tôi hoàn toàn tự do. Tôi không giống như một số văn sĩ khác, tôi không có ý hướng chống đối. Chúng tôi không làm cách mạng chống lại những người lãnh đạo "...
Bà Oanh, 55 tuổi, là một nhà xã hội học từng du học tại Pháp, Hoa Kỳ, Phi Luật Tân và sau đó đã quyết định trở về Việt Nam. "Tôi không phải là người duy nhất. Mặc dù chúng tôi đã qua rồi cái tuổi năng động, mặc dù chúng tôi có thể lựa chọn một đời sống khá hơn ở nơi khác, nhưng có rất nhiều người trong chúng tôi mong muốn được góp bàn tay xây dựng đất nước."
Người ký giả tên Khoa cũng nói với tôi những điều tương tự : "Những nhà trí thức Việt Nam rất yêu nước, nhiều hơn so với các dân tộc khác. Chính vì tinh thần yêu nước mà đã đổ máu biết bao nhiêu trong cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ."
Giống như bà Oanh, giống như đa số giới trí thức, ông Khoa rất vui mừng khi thấy nền kinh tế Việt Nam phát triển : "ở Sài Gòn, cách đây 10, 15 năm, là tình trạng nghèo đói... Khi người ta thấy các cao ốc được dựng lên, xe hơi, xe gắn máy đầy đường, đó là bằng chứng của một đời sống khá hơn. Nhưng sự phát triển kinh tế không đi cùng nhịp độ với sự phát triển về chính trị. ưu tiên của nhà nước hiện nay là ổn định chính trị. Và để có sự ổn định này, có thể người ta phải hy sinh nhiều thứ lắm. Chẳng hạn như dân chủ, thí dụ như vậy..."
Điều này vẫn không làm cho bà Oanh lo lắng : "Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ ngày càng có nhiều tự do hơn. Khi nào lãnh đạo đảng tự tin nơi họ nhiều hơn, thì lúc đó sẽ có nhiều cơ hội để đối thoại ". Bà vẫn giữ phong thái của một nhà xã hội học : "Không thể nào có sự toàn hảo trong cuộc sống và người ta phải biết chọn lựa : hoặc là tự do tuyệt đối, nhưng con người vẫn bị bóc lột, hoặc là một sự tự do ít tuyệt đối hơn và trong đó người ta làm việc cho con người. Tôi đã sống một giai đoạn rất khó khăn ở Sài Gòn trong suốt 10 năm sau khi miền Nam rơi vào tay miền Bắc : thiếu tự do, thiếu việc làm, thiếu tất cả ... Nhưng tôi cũng đã trải qua thời kỳ thực dân mới của người Mỹ: không có gì tồi tệ hơn ".
Ông Khoa thì không còn tin tưởng gì vào Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhưng điều đó cũng không ngăn được việc ông kết án những người cầm bút đang than phiền thiếu tự do. Ông Khoa cũng kết án các tổ chức quốc tế tranh đấu cho nhân quyền đã phát biểu trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Pháp Thoại. Ông ta kết án nhiều nhất là thái độ của Thủ Tướng Québec. Ông thích thái độ của Chirac : "không trừng phạt, chỉ thuyết phục mà thôi..., đó là phương cách khôn ngoan nhất để tiến hành sự việc. Nếu đặt ra những qui luật trừng phạt, quý vị càng đẩy các nhà lãnh đạo đi về hướng ngược lại... "
Ông ta đoan chắc rằng sự mở cửa ra thế giới bên ngoài sẽ khắc phục được sự chuyên quyền trong nước. Ông Khoa rất tin tưởng vào những phương tiện mới như Internet chẳng hạn, một hệ thống đang được từ từ thiết lập tại Việt Nam, hoặc là qua các cơ chế như Tổ Chức Pháp Thoại. Khi mở cửa tiếp cận với các nước khác, Việt Nam chấp nhận một trò chơi nguy hiểm cho quyền lực chính trị của họ. Họ sẽ mất dần khả năng kiểm soát tất cả mọi việc. Chỉ còn là vấn đề thời gian..."
Danielle Laurin
Thanh Thảo lược dịch
Gửi ý kiến của bạn