BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76377)
(Xem: 63036)
(Xem: 40426)
(Xem: 32020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kỳ họp Quốc hội 11: Mạng xã hội sẽ được luật Báo chí công nhận?

21 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 1105)
Kỳ họp Quốc hội 11: Mạng xã hội sẽ được luật Báo chí công nhận?
51Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
42
Sau gần 20 năm tồn tại “ngoài vòng pháp luật”, có một khả năng mạng xã hội và theo đó là giới truyền thông “lề dân” sẽ lần đầu tiên được luật lệ của đảng Cộng sản Việt Nam công nhận chính thức, nếu không phải tại kỳ họp Quốc hội thứ 11 thì cũng trong năm 2016 này.

Một sạp báo trên đường phố Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2015.


Không còn hũ nút

Ngay trước mắt, kỳ họp thứ 11 của Quốc hội Việt Nam vào tháng 3/2016 sẽ “gút” dự thảo Luật Báo chí - một văn bản đã bị kéo dài đủ lâu trong bối cảnh cuộc tranh đấu cho quyền “mở miệng” của báo chí nhà nước và tự do cho báo chí tư nhân vẫn còn bị cản trở khá nhiều bởi giới bảo thủ “lề đảng”.

Khác nhiều với bầu không khí hũ nút trong nguyên năm trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, sinh khí đắc thắng của những người đã làm được sự nghiệp “nhất thể hóa” các ban đảng và phần lớn các bộ của chính phủ đã góp phần dẫn đến vài tín hiệu dân túy hơn cho tinh thần tự do của Luật Báo chí.

Tín hiệu mới nhất và có vẻ sáng giá nhất phát ra từ người không còn là ủy viên Bộ Chính trị nhưng vẫn cầm trịch Quốc hội - ông Nguyễn Sinh Hùng.

Nếu nhìn lại phiên họp tháng 2/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có vẻ Chủ tịch Hùng tiếp tục gây ngạc nhiên đối với giới quan sát trong nước và quốc tế.

Sau Đại hội XII, dư luận xã hội không chỉ chứng kiến sự kiện chủ tịch Quốc hội chỉ trích cơ chế trì hoãn Luật Biểu tình của Thủ tướng chính phủ là “thiếu nghiêm túc”, mà Ủy ban thường vụ Quốc hội còn “xin ý kiến các đại biểu để đưa các trang thông tin điện tử tổng hợp và thông tin có tính chất báo chí trên mạng xã hội vào Dự thảo Luật Báo chí”. Đến lúc này và khác hẳn với tư thế ù gật năm 2015, quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khác hẳn với thái độ khăng khăng trì hoãn một cách kỳ lạ của bên Chính phủ - khi Chính phủ cho Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son lặp lại phát ngôn về chỉ thị của Bộ Chính trị là Việt Nam không thừa nhận báo chí tư nhân, Luật Báo chí chỉ quản lý các loại hình báo chí, còn các loại hình khác thì phải “theo” Nghị định 72.

Vậy Nghị định 72 là gì?

Con số 72 lịch sử

Từ khi Internet ra đời, mối thâm thù của chính thể cầm quyền dành cho mạng xã hội là không bỏ đâu cho hết.

Cuối năm 2013, được chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung ương cùng tinh thần tham mưu sắt son của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chính phủ đã tung ra Nghị định 72 với mục đích “quản” các trang mạng xã hội - khi đó đã bị xem là “thế lực thù địch ghê gớm”.

Điều kỳ diệu là trước đó vào đầu năm 2013, đã xảy ra một sự trùng hợp về con số 72. “Kiến nghị 72” - một phong trào phản biện của 72 trí thức, trong đó có những nhân vật gạo cội xuất thân từ lòng đảng, đòi tháo dỡ điều 4 Hiến pháp về độc đảng để lần đầu tiên khiến xã hội chính trị Việt Nam ra khỏi cơn mê ngầy ngật, đã như thể một điềm báo chính trị cho giai đoạn sau đó. Không gian mạng xã hội cũng bởi thế trở nên không biên giới từ thời điểm này.

Đến giữa năm 2013, khá nhiều trang mạng xã hội trong nước đã trở thành kẻ đốt lửa thiêu cháy một đền thờ mục nát. Tại Hội nghị trung ương 7 của đảng, những trang mạng xã hội như Một góc nhìn khác của blogger Trương Duy Nhất và trang Phạm Viết Đào còn đưa những tin tức bị coi là cực kỳ “nội bộ” của hội nghị này.

Quá lo sợ thông tin và ảnh hưởng của mạng xã hội, Bộ Công an đã bắt giam và xử án tù cả Trương Duy Nhất lẫn Phạm Viết Đào ngay sau đó.

Thế nhưng vẫn còn nhiều kẻ đốt lửa đền trong tư thế sẵn sàng. Chiến dịch PR cho Nghị định 72 trên các báo đảng cùng vô số đòn phép răn đe từ giới dư luận viên vào cuối năm 2013 đã chỉ khiến không gian mạng xã hội co lại đến Tết nguyên đán 2014. Sau đó, tất cả trở lại với y nguyên hình thể quyến rũ của blog và facebook.

Ngay sau Tết nguyên đán 2014, sắc diện mạng xã hội càng tươi tắn hơn khi chính quyền Việt Nam bắt đầu đợt thả tù nhân lương tâm lớn nhất từ sau năm 1975 - 12 người trong năm 2014. Chẳng bao lâu, người ta quên bẵng văn bản “Nghị định 72” từng là nỗi sợ hãi đối với một số blogger. Tất cả những gì mà văn bản siết mạng xã hội này làm được chỉ còn là “ăn hiếp” những trang thông tin điện tử tổng hợp liên quan đến báo chí nhà nước.

Đến cuối năm 2014, Nghị định 72 càng hiếm có cơ hội phát tác khi “đời thay đổi khiến ta thay đổi”. Vào thời điểm đó, TPP đang hiển lộ với yêu cầu về Công đoàn độc lập và Xã hội dân sự, còn chiến dịch vận động tranh cử cho Đại hội XII của đảng bắt đầu khởi phát. Thật oái oăm, dường như dấu ấn tự do thông tin đầu tiên lại thuộc về một trang mạng xã hội mang cái tên khủng khiếp: Chân Dung Quyền Lực.

Sự thật là từ năm 2013 đến nay, không những không “quản” được các trang mạng xã hội bằng Nghị định 72, một tình cảnh tréo ngoe là có nhiều dấu hiệu cho thấy những phe phái đấu đá trong nội bộ đảng lại phải “vận dụng” mạng xã hội để chuyển tải thông tin về “minh bạch tài sản” cùng đơn thư tố cáo lẫn nhau. Chân Dung Quyền Lực đã tạo được khá nhiều răn đe trong nội bộ đảng với tư cách là một kênh thông tin đậm chất phe phái chính trị.

Trong khi đó, rất ít hoặc không có báo chí nhà nước nào dám đăng loại vụ việc đấu đá triều đình. Sau vụ tổng biên tập báo Người Cao Tuổi - ông Kim Quốc Hoa - bị Bộ Công an “khởi tố treo” vào đầu năm 2015, hầu như không còn tờ báo nhà nước nào dám tham dự vòng “huyết chiến cung đình”.

Đó cũng là lý do mà vào thời gian trước và ngay trong Đại hội XII của đảng cầm quyền, một số tài liệu được cho là thuộc loại “Tối mật” hoặc “Tuyệt mật” đã được những tác giả vô danh gửi đến các trang mạng xã hội như Ba Sàm, Dân Luận, Tin Tức Hàng Ngày, kể cả Dân Làm Báo để nhờ đăng tải. Đại hội XII cũng bởi thế đã chứng kiến không chỉ cú lật kèo theo chiều xuống đối với “Anh Ba”, mà còn là vị thế lên như diều gặp gió của mạng xã hội, trong lúc báo chí nhà nước im thin thít.

Sau hiện tượng khủng khiếp Chân Dung Quyền Lực đầu 2015 và hàng loạt cái tên đỡ khủng khiếp hơn như Ý Kiến Đảng Viên vào cuối năm đó, đã quá rõ là “không thể ngăn được mạng xã hội đâu các đồng chí à!” - một “tiên cảm” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2015.

Điều đáng tiếc duy nhất đối với tự do thông tin là Thủ tướng Dũng đã bị “đá hậu” bởi chính mạng xã hội. Trong cuộc đấu truyền thông về đơn thư tố cáo như bươm bướm trước Đại hội XII, rút cục chính quá nhiều bài báo của giới viết lách ủng hộ Thủ tướng Dũng đã khiến ông bị phản cảm ngay trong Bộ Chính trị. Tỷ lệ thiểu số dành cho ông trong cơ quan đầu não này tất đã phản ánh tính hai cạnh của một con dao.

Còn bây giờ thì sao?

Thử nghiệm báo tư nhân?

Những tin tức công khai gần nhất cho biết dự luật báo chí đã được Chính phủ chuyển qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, theo nghị trình thì vào kỳ họp thứ 11 từ ngày 21/3/2016 Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua.

Tuy vậy Dự luật này bị cho là có quá nhiều thiếu sót, mặc dù đây là lần soạn thảo thứ 19.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ tháng 2/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tạo ấn tượng đáng kể khi phê phán việc Dự luật Báo chí không có nội dung nào liên quan tới các trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Theo báo mạng VnEconomy, ông Nguyễn Sinh Hùng khi đó đã nói rằng Hiến pháp qui định quyền dân chủ trong đó có quyền tự do ngôn luận của nhân dân và không thể quan niệm truyền thông xã hội không phải là báo chí.

Nếu trước đây còn tồn tại thuật ngữ “quản không được thì cấm”, thì nay tình thế đang diễn biến khác hẳn. Với yêu cầu của mới nhất Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc đưa trang thông tin điện tử và mạng xã hội vào luật Báo chí, lần đầu tiên “báo chí tư nhân” có cơ hội sánh vai cùng báo giới nhà nước trong cùng một khuôn khổ pháp luật.

Tất nhiên, vẫn có dư luận về khả năng các trang mạng “lề dân” sẽ bị chế tài hoặc bị “khủng bố” một khi nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật Báo chí. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành công trong việc chỉnh lý Dự luật Báo chí, thêm vào các nội dung liên quan đến truyền thông xã hội, để cuối cùng được Quốc hội khóa 13 thông qua và thành luật, đây sẽ là cải cách lớn lao trong công tác lập pháp ở Việt Nam.

Xin lưu ý, “cải cách lớn lao” trên không phải thuần túy xuất phát từ não trạng muốn đổi mới của các giới chức đảng và chính quyền Việt Nam, mà đã được thúc đẩy một cách có điều kiện bởi chính giới và các tổ chức nhân quyền phương Tây từ năm 2013, đặc biệt sau cuộc gặp mặt Trương Tấn Sang - Obama tại Tòa Bạch ốc. Đến giữa năm 2014, “tự do ngôn luận” và “tự do báo chí” đã trở thành những nội dung chính thức mà Nhà nước Việt Nam phải thừa nhận, không phải trên đầu môi chót lưỡi, mà trong Báo cáo định kỳ phổ quát về nhân quyền mà nhà nước này đã họp tại Geneve, Thụy Sỹ, sau khi trở thành thành viên chính thức của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc vào tháng 11 năm 2013.

Những lẽ trên, và cùng với xu thế “đổi mới Quốc hội” chẳng đặng đừng trong tương lai gần, Luật Báo chí có khả năng được duy tu gia cố, đính kèm “đối tượng” trang mạng xã hội và có thể cả “thử nghiệm báo tư nhân”.

Phạm Chí Dũng

Nguồn Blog Phạm Chí Dũng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn