BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73957)
(Xem: 62321)
(Xem: 39516)
(Xem: 31238)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đọc Nhật ký Bộ đội Đặng Thùy Trâm, Nhớ Thiếu úy Thiết Giáp Trần Phương

14 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2796)
Đọc Nhật ký Bộ đội Đặng Thùy Trâm, Nhớ Thiếu úy Thiết Giáp Trần Phương
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Thời gian qua, cuốn nhật ký của cô bác sĩ bộ -đội -cụ -hồ Đặng Thùy Trâm là đề tài khá nổi bật trên các phương tiện truyền thông. Chẳng những nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát động rầm rộ cả phong trào học tập tinh thần Đặng Thùy Trâm, mà ngay cả ở Mỹ, mới đây không lâu, cũng có kẻ rấp ranh thòm thèm chuyện như thế, như ông thượng nghĩ sĩ vốn nổi tiếng có câu nói làm nhức óc chủ nhà người ta, “the wrong guys won the war” Mc. Cain, ông tướng gì đó (quên mất tên) trong Bộ Tham mưu Liên quân nữa nói, “ Gía như binh sĩ Mỹ có được cái tinh thần Đặng Thùy Trâm…”, sau khi, chỉ trong vòng một tháng đầu năm 2006, bản dịch sang tiếng Anh cuả cuốn nhật ký được người Mỹ mua cả năm chục ngàn cuốn .

Tôi “thiếu điều kiện” để đọc trọn cuốn nhật ký, nhưng sau khi chịu khó lướt qua, trên online, một rừng bài mao tôn cương từ mọi phía quanh đề tài này với những câu trích dẫn, cũng tàm tạm “bắt được”… tinh thần Đặng Thùy Trâm. Tôi cảm phục cô bác sĩ bộ đội trẻ tuổi có tình yêu nước nồng nàn, đã chiến đấu can trường trong hy sinh gian khổ; tôi cảm xúc với cô niềm cô đơn, nỗi nhớ cha nhớ mẹ, nhớ em mãi quê nhà xa xăm. Từ cảm phục xúc động, dâng tràn trong lòng tôi nỗi thương tâm cuộc đời người con gái Hà nội bất hạnh. Bất chợt tôi nhớ tới người lính miền Nam bạn tôi lúc xưa, Thiếu úy Thiết giáp Trần Phương cũng đã để lại cho tôi cuốn nhật ký của anh ta, nhờ tôi giao lại cho người chị ruột anh, “nếu lần đi này tao không trở về”.



Trần Phương trong nhóm chúng tôi gồm mười ba chuẩn úy “mới toanh quai chảo” vừa xuất thân từ khóa 20 Sĩ quan Căn bản Thiết Giáp sau khi tốt nghiệp K.26 / SQTB ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, được phân phối về Thiết đoàn 9 Kỵ Binh, lúc bấy giờ, 1969, đóng ở tỉnh Bạc Liêu. Sau mấy tháng đi theo ngồi trên xe M113 coi “người ta” đánh nhau gọi là “thời gian tập sự” cho quen mùi chiến tranh, Phương và tôi cùng 6 người nữa, là DV Trường, T Son, NM Giảng, ĐV Sự, TV Nhâm, TV Hai, lại được về chung Chi Đoàn 3/12 tân lập ( sau này là CĐ3/9). Phải nói là “được” về chi đoàn này, vì cái không khí ở đây thoải mái quá. “Trên đầu” chúng tôi chỉ có hai ông Chi đoàn trưởng và ông Chi đoàn phó, Đại úy Nguyễn Hữu Đức va Thiếu úy Nguyễn Ngọc Sinh; mà ông CĐT lại …tài lãnh đạo chỉ huy hết xẩy: ông xem chúng tôi như những người em, ông lo hướng dẫn từng li từng tí, ông không bao giờ nặng lời ngay cả những lúc chúng tôi…loạng quạng nơi chiến trường. Dưới chi đoàn là chi đội; tám anh em chúng tôi chia thành bốn cặp bầu nhau làm bốn chi đội trưởng, phó.

Trần Phương nhỏ con, tính hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, một cặp với Nhâm và làm chi đội phó, nhưng đánh giặc ham nhất, lì nhất, hay bị cái tật chưa có lệnh tấn công chiếm mục tiêu mà cứ nhào vô trước, khiến có lúc cả chi đoàn phải… theo để yểm trợ hắn . Tính “hiếu chiến” và lòng dũng cảm của chuẩn úy Phương không bao lâu đã tạo được sự “ thần phục” nơi những người lính già trong đơn vị, trước đây xem thường chúng tôi “lính sữa biết gì” . Qủa thực, hồi Chi đoàn mới thành lập, ai cũng ngao ngán, “chi đội trưởng chi đội phó gì mà toàn mới ra trường”; binh thư và thực tế lại rành rành ra đó : địch luôn luôn dí cho bằng được, chơi trò đánh phủ đầu bất cứ đơn vị tân lập nào của đối phương. Vậy mà qua mấy lần đụng độ, từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, đến Rạch Giá , Chương Thiện, Vĩnh Bình , Châu Đốc…,địch quân đều bị chúng tôi dí tả tơi . Phương đánh giặc hăng, đi chơi cũng hăng hơn ai hết; mỗi lần về dưỡng quân, “vào khỏi cổng hậu cứ, xuống khỏi xe là chỉ còn nhìn thấy hai cái gót chân của chuẩn úy Phương “, nhận xét của Đại úy Chi đoàn trưởng, “nhưng thôi, kệ hắn, ngựa chứng mà “



“Con ngựa chứng” bổng một hôm, khoảng đầu năm 1970, trước giờ Chi đoàn rời hậu cứ ở Cần Thơ đi tăng phái cho tiểu khu Rạch Giá, đưa cho tôi một cuốn tập khá dày, “dở chứng” bảo:

- Huy à, những chuyến đi trước tao không nghĩ gì, nhưng lần đi này tao linh tính thế nào đó. Đây là cuốn nhật ký của tao, nhờ mày giữ, và cứ tự nhiên đọc nếu thích, trong này có đia chỉ của mẹ và chị tao ở Quảng Trị; nếu tao tử , mày nhắn tin để chị vào đưa xác tao về quê, và nhớ giao lại cuốn nhật ký cho bà chị tao “.

Tôi ngạc nhiên vì từ trước tới giờ Chi đoàn đã lai rai chịu tử vong, nhưng cả bọn tám đứa chúng tôi vẫn chưa ai hề hấn gì, sao Phương hôm nay lại bị cái chết ám ảnh thế này ; vã lại lại tôi chưa bao giờ nghe anh nhắc đến chuyện trăn trối. Tôi ngay tình gạt ngang:

-- Mày bữa nay sao bày trò; tướng mày còn lâu.

-- Thật đó mày. Mày giúp tao đi.

Tôi cầm đại lấy cuốn nhật ký để Phương trở lại chi đội của anh, vì đoàn cua sắt đã sắp sửa tới giờ di chuyển.

Hai tuần sau Chuẩn úy Trần Phương hy sinh, cùng Chuẩn úy Nhâm, chi đôi trưởng, và một số đồng đội trong môt trận đánh ác liệt ở Rach Gía . Binh sĩ cùng M113 với Phương kể lại, “ông ấy đánh giặc như xi nê cao bồi, chúng bắn ra như mưa, mà ông tỉnh bơ, cứ chồm người lên quan sát điều động. Đạn trúng mũ sắt quay rớt xuống, ông chụp lại đôi lên, chúng quất tiếp, trúng vào khẩu colt ông mang trước ngực, không sao, ông đứng lên quan sát điều động tiếp, và lần này ông lãnh nguyên một tràng phòng không, chưa thấy ai lì như ông này”.

Tôi trình vơi Chi đoàn trưởng về chuyện trối trăn của Phương nhưng giữ cuốn nhật ký để đích thân tôi trao lại cho người chị khi vào nhận xác em. Tôi mở cuốn nhật để lấy địa chỉ của Phương, và đọc từ đầu đến cuối. Tôi còn nhớ có những dòng thế này:

“KBC 3749, ngày …Thế là mình đã thỏa được nguyện vọng. Hồi bé tý, mỗi lần thấy đoàn xe tăng chạy qua, mình thấy những chú lính ngồi trên xe sao mà oai hùng quá, và ước gì sau này lớn lên gia nhập quân đội, mình được đi lính Thiêt giáp . Mình sẽ dẹp tan cái bọn phá làng phá xóm người ta …..

“U Minh Thượng, Căn cứ Bình Minh ngày …Tưởng Tết này được nghỉ xã hơi tại căn cứ, sẽ có phái đoàn Văn nghệ Trung ương yểm trợ tiền tuyến đến giúp vui xuân. Đùng một cái chi đoàn được lệnh đi giữ an ninh cho đồng bào quận Kiến An, vì có tin một thiếu úy VC ra chiêu hồi tiết lộ địch sẽ đánh chiếm quận lỵ vào đêm giao thừa. Quận Kiến An (thuộc tỉnh Kiên Giang) cách căn cứ chừng trên dưới mười cây số, nhưng đường đi chằng chịt kinh rạch sình lầy. Chưa khi nào di chuyển trên một quảng đường ngắn mà vất vả, khổ cực, nguy hiểm và mất nhiều thời gian như chuyến đi này, vì đất ở vùng này “không có chân”, cua sắt sụp vào lầy càng ngo ngoe bươn ra, càng bị lún; dọc đường còn bị chúng bắn lén …

“Cuối cùng, sau hai ngày hai đêm lặn lội không ngủ, ăn uống cầm hơi, chi đoàn đến quận lỵ kip trước đêm giao thừa, làm một vòng cung, hướng sung ra ngoài, ôm kín quận lỵ……

“Giá như các anh không đến, không biết ba ngày Tết ra sao. Chúng nó hay về đây quậy phá lắm .Khi bắt cóc, khi giết, khi hăm dọa, cướp của...”rất nhiều người dân tâm sự với lính.

“Thất Sơn, ngàỵ … Trong số tù binh bi ta bắt trong trận đánh hôm qua có mấy anh chàng tội nghiệp quá, mặt mày non choẹt và trông hiền lành. Mấy anh chàng này đều khai, “Chúng em đang đi học, tới tuổi đi lính, được gíao dục rằng đồng bào Miền Nam đói khổ, bị Mỹ Ngụy kìm kẹp. Không ngờ vào đây chúng em thấy đồng bào tự do no ấm qúa ….”

“Chương Thiện ngày … Hôm nay nhận được thư Chị. Đọc thư thấy nhớ Má và thương Chị quá chừng. Má ơi, từ ngày ra đơn vị đến giờ, đã gần một năm, con biết Má và Chị đang lo lắng ngày đêm cho con nơi mũi tên hòn đạn. Nhưng Má và Chị đừng lo, người ta sống chết có số cả . Con xa cách Má và Chị, nhưng ở đây con có đồng đội, anh em sống với nhau có khi hơn cả ruột thịt nữa đó Má…

“Má hỏi mình “đi đánh nhau có mệt lắm không”. Đánh nhau thì “không mệt”, vì, như phim cao bồi, “bắn chậm là chết”, thì giờ đâu để biết mệt hay không. Nhưng những lúc di chuyển đường trường, ngồi trên xe lắc lư suốt đêm ngày, khi nóng nực bụi khói , khi lạnh buốt gió mưa; nhìn chung quanh, nhìn trước nhìn sau, nhìn lên mình, chỉ thấy rặt một màu ngụy trang olive, nghe đều đều tiếng máy nổ, tiếng xích ken két nghiến xuống mặt đường, mới cảm thấy rã rời mệt mỏi; và nhất là khi trên đường trở về từ một chiến trường xa xôi ề với ít nhiều tổn thương mất mát đồng đội, thêm nỗi lòng rười rượi tiếc thương…

“Nhưng cảm giác mệt mõi biến ngay mất mỗi lần mình ngang qua những thị trấn, xóm thôn đang được yên ổn trong đêm.

“Cần Thơ, ngày … Trường Tiểu học Cai Lậy bị VC pháo kích giữa ban ngày, đang giờ học. Cái bọn khốn kiếp này không chừa một ai...

“Má ơi, Má đừng buồn trách con sao chưa thể về một lần thăm Má và Chị, nha Má. Lúc này giặc kéo vào đông hơn, chiến trường sôi động… “

Phòng xác không thể chờ người Chị của cố Thiếu úy Trần Phương lâu hơn nữa . Đơn vị buộc phải mai táng anh tại địa phương, thị xã Rạch Gía, sau hai tuần chờ đợi . Đất Rạch Giá đâu cũng nước, huyệt cố ý đào nông, nhưng quan tài Phương vẫn sóng sánh. Năm chiếc M113 quay pháo tháp lên trời. Năm tràng đại liên 12 ly 7 xé bầu trời xám xịt. Tiếng nổ nghe vọng mãi trong khu rừng tràm.

Hai tuần sau khi chôn cất em, người chị mới vào đến Rach Gía. Tôi không gặp được chị vì lúc đó tôi đang nằm ở Quân y viện Phan thanh Giản Cần Thơ do thương tích khá nặng trong một trận đụng độ mà đích quân chơi chiến thuật độn thổ, cũng trong vùng Rạch Giá. Tôi chỉ nghe kể lại, nhờ sự thông cảm hết sức đặc biệt trước nguyện vọng của người chị, lời trối trăn của Phương, và cùng thỉnh nguyện của Đại úy Chi đoàn trưởng, ông Tỉnh trưởng Rạch Giá đã bỏ sang một bên nguyên tắc vệ sinh, cho phép đào xác Phương lên, thay quan tài bằng kẽm để đưa Phương về quê. Nhưng lên đến Sàigòn, chờ mãi không có chuyến bay, người chị buộc lòng để Phương nằm lại Nghĩa trang Quân Đội ở Thủ Đức.

Đã hơn ba mươi sáu năm trôi qua.Tôi không còn nhớ nhiều những gì người chuẩn úy Thiết giáp Trần Phương đã ghi trong cuốn nhật ký của anh. Nhưng tôi nhớ chắc chắn một điều : người lính chiến của quân đội Miền Nam ấy đã không hề nhắc đến đoàn này đảng nọ, và anh cũng chẳng dùng những chữ “quỉ dữ, xấu xa, bọn chó, ăn cướp, rắn độc” trong những hàng anh viết trách móc tại sao ông Hồ chí Minh lại xua quân vào đánh phá khi đồng bào Miền Nam đang sống yên lành, đang lo kiến thiết xây dựng đất nước, như cô Đặng Thùy Trâm đã dành cho tổng thống Mỹ Nixon, vị tổng tư lệnh của một quân đội có mặt ở Miền Nam sau bộ đội cụ Hồ .

Chương Khuê
Tháng Tư, 2006


* Người viết lấy làm tiếc không còn nhớ chắc chắn tên họ của Ch/U Phương và một vài người trong bài viết .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn