BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77172)
(Xem: 63231)
(Xem: 40632)
(Xem: 32273)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cô hàng nước

24 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 2264)
Cô hàng nước
52Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.33


(Đoản văn viết để tôn-vinh những anh-hùng, nữ-kiệt của dân-tộc, đã vun bồi cho non sông đất nước Việt Nam.)

Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy-sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.


Hồ-Dzếnh.

(Lời mở đầu: Con đường cách-mạng dân-tộc là một con đường dài vô-tận; nó bắt đầu từ thời khởi sử, và được tiếp nối từ đời này qua đời nọ không bao giờ ngưng nghỉ. Con đường có khúc bằng phẳng, thênh-thang, biểu-tượng cho những thời thái-bình thịnh-trị, và cũng có những đoạn đường đầy chông gai, gập-gềnh trở-ngại, biểu-tượng cho thời-kỳ đen tối của đất nước…Những người khách lữ-hành đi trên con đường đầy gian-chuân, khổ ải này, có lúc gặt hái được những thành qủa vẻ-vang, và cũng có lúc gặp nhiều cay đắng… nhưng không bao giờ nhụt chí.)

*****


Một buổi trưa Hè, trên con đường thiên-lý, dưới cái nắng nung nấu của ánh mặt trời; một người khách lữ-hành đang rảo bước; nét mặt đăm-chiêu ra chiều suy-nghĩ như quên cả những mệt nhọc và đói khát. Bỗng khách thấy một quán nước bên đường, khách ngập-ngừng rồi quyết định dừng chân bước vào quán.

Người con gái xinh-xắn ngồi sau chiếc bàn tre, bên cạnh nàng, một nồi nước chè xanh (chè tươi) toả khói thơm ngát. Trên mặt bàn được bầy dăm chiếc bánh nếp, bánh tẻ, vài xâu bánh gai, bánh mật, và mấy bát bánh trôi, bánh chay. Thấy khách lạ bước vào, cô hàng đon-đả đứng dậy cười tươi đón khách:

- Thưa… mời thầy ngồi nghỉ chân xơi chén nước cho đỡ khát.

Lữ khách bỗng cảm thấy lòng mình dịu lại như vừa đón nhận một làn gió mát ngào-ngạt hương bưởi, hương cau. Rồi khách ngoảnh mặt nhìn con đường quanh-co nắng cháy như thầm hỏi tại sao nơi đây lại có một chỗ u-nhã như thế này. Thấy vẻ mặt ngập-ngừng của khách, cô hàng miệng cười chúmchím:

- Dạ… Thưa thầy, chè mới hái, vừa ủ sáng nay, để em rót mời thầy dùng nhé.

Khách bàng-hoàng như người vừa lạc nẻo thiên-thai. Giọng nói của cô hàng nghe sao ngọt-ngào êm-dịu quá, và phảng-phất đâu đây làn hơi thở thơm-tho như mùi cỏ dại quyện lấy mặt khách… Nước chưa uống mà khách đã thấy cơn khát tiêu tan. Khách ngẩn-ngơ nhìn khuôn mặt trái soan nõn-nà, cặp mắt huyền long-lanh như chứa đựng cả một trời thương nhớ, đôi môi hồng cắn chỉ chớm nở một nụ cười hàm-tiếu để lộ hàm răng ngà ngọc và đôi núm đồng tiền duyên in trên má. Khách thầm nghĩ có phải xưa nàng là tiên đánh vỡ chén ngọc nên bị đầy xuống trần-gian mở chiếc quán này để mà chuộc lỗi… Rồi khách bỗng thấy hồn mình như bay bổng khỏi thân xác, và nhập-thể vào với làn khói của chén nước chè xanh… Nước đã rót ra rồi mà khách vẫn ngồi như bất động. Cô hàng lại khéo-léo, lễ-độ nhắc khách:

- Kìa… mời thầy xơi nước kẻo nguội.

Rồi với vẻ thiết-tha, giọng cô hàng như tiếng nhạc thánh-thót ngân lên:

- Quán em nghèo lắm, chẳng có gì đãi khách, chỉ có vài tấm bánh gai, bánh mật, để em bóc mời thầy dùng tạm rồi… còn lên đường cho kịp nhé.

Lữ khách bỗng rùng mình cảm thấy như vừa thoát ra khỏi một giấc ngủ liêu-trai. Bởi vì trong cái âm-thanh ngọt ngào và êm-dịu kia, nghe như ngầm chứa đựng cả ngàn vạn những lời nghiêm-huấn. Khách sửa lại thế ngồi và đưa mắt nhìn những chiếc bánh trôi bồng-bềnh trong bát nước trong vắt, khách chợt bừng tỉnh cơn mộng… “ - Ồ! Đúng rồi ‘Bẩy nổi ba chìm với nước non’ (1) Phải, nàng đã kín-đáo cho ta thấy tâm-sự của nàng…” Rồi thì thanh-âm của những tiếng như ‘bánh gai, bánh mật, nước, kẻo nguội…’ bỗng đâu cuồn-cuộn nổi lên như một ngọn cuồng-phong trong đầu lữ-khách. Khách chợt nghĩ ra, và rồi như tự thẹn với chính mình, khách thầm hỏi: “- Gái thuyền-quyên đã như vậy, trai anh-hùng há để lụn chí nam-nhi!” Rồi khách nghe văng-vẳng đâu đây lời nói của một trang nữ-lưu thuộc giòng giống Trưng, Triệu:

“- Hỡi người trai anh-dũng của non sông, quê-hương của chúng ta còn trong cảnh lầm-than, nghèo khổ, dân-tộc ta còn đang quằn-quại đau thương sống dưới ách cai-trị ngu-xuẩn của đám người tham tàn, vô thần, vô tổ-quốc, buôn dân bán nước; cam tâm cắt mảnh giang-sơn gấm vóc của tiền-nhân để lại cho ngoại-bang. Hãy gác bỏ tình riêng, mau lên đường làm tròn sứ-mạng, dù có phải nằm gai nếm mật cũng cam lòng.”

Dòng máu nóng chợt bừng lên trong huyết-quản. Khách bỗng nhớ lại giọng nói khẳng-khái của một Phi-Khanh ngày nào trên chót ải Nam-Quan:

“Con yêu dấu chớ xuôi lòng mềm yếu”
Gác tình riêng quay gót trở về Nam”
“Con về đi tận trung là tận hiếu”
“Đem gươm mài dưới nguyệt chít khăn tang” (2)


Khách gật đầu tự nhủ:

“– Đúng lắm. Tận trung với Tổ-Quốc chính là đã lo trọn được tình riêng và giữ tròn chữ hiếu với đấng sinh thành.”

Rồi khách lấy lại được sự tự-nhiên lúc ban đầu, ngẩng gương mặt phong sương, nâng cao chén nước, hướng cặp mắt sáng quắc nhìn cô hàng, miệng mỉm cười như thầm tạ lỗi. Mặt cô hàng hồng lên qua làn khói mờ ảo của chén nước chè xanh, nhưng vẫn không mất đi vẻ nghiêm-trang, đài-các của một trang nữ-lưu anh-kiệt.

Bên ngoài nắng vẫn đổ trên mặt đường cằn-cỗi. Khách dùng-dằng, ngần- ngại… Lòng người hào-kiệt như chưa đủ độ để cân-nhắc hai chữ ‘nợ nước, tình riêng’… Đôi chân muốn bước mà con tim như níu kéo:

“Tiền nước trả rồi trời nắng gắt”
“Tôi thương… mà em có hay” (3)


Cô hàng như soi thấu tâm can lữ-khách. Miệng hoa chớm nở một nụ cười, giọng oanh vàng lại thánh-thót ngân lên nửa như thúc-giục, nửa như vỗ-về khuyến-dụ:

- Thưa thầy… đường còn dài, xin hãy bảo-trọng. Khi nào xong việc, có dịp trở về đây, xin thầy… nhớ ghé lại quán em nghe.

Khách nghe mà thấy lòng ngẩn-ngơ tê-dại. Gương mặt phong-trần của kẻ trượng-phu như bị phủ mờ đi… Không hiểu mờ bởi khói nước chè xanh hay vì làn hơi thở thơm-tho của cô chủ quán…

Người khách lữ-hành cúi đầu từ-biệt bước ra khỏi quán. Bên ngoài, ngàn cánh hoa nắng lung-linh chào đón, vạn khúc nhạc ân-tình trỗi dậy tiễn đưa. Khách mím môi lắc đầu xua đuổi bỏ lại chiếc quán tình-cảm sau lưng. Bỗng văng-vẳng đâu đây một giọng ru con não-nề nổi lên:

“À a ạ ơi… À a ạ ời…”
Ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười”
Trông con mẹ tưởng như đời nở hoa”
“Nơi chốn miền xa… con ơi cha con nơi chốn miền xa”
Mong sao con trẻ quê nhà được vui…”
“À a ạ ời… À a ạ ơi…” (4)


Tiếng ru như một ngọn âm-phong thổi xoáy vào lòng lữ-khách... Khách rùng mình, và trong một thoáng, đôi chân như khựng lại... Khách cúi đầu nhẩm đọc mấy câu thơ:

Em đâu muốn trở thành sương-phụ
Hóa đá ôm con đứng đợi chờ
Ta cũng chẳng mong làm tráng-sỹ
Để rồi chìm đắm mãi trong mơ…

Rồi khách vươn vai, ngửa mặt lên trời thở mạnh, lấy lại sự khẳng-khái lúc ban đầu. Bước chân lữ-khách lại tiếp-tục trên con đường thiên-lý diệu-vợi…

Trần Ngọc Nguyên Vũ

Theo http://bietdongquan.com/baochi/munau/munauso36.htm

Chú-thích:

1. Thơ Hồ Xuân Hương
2. Kịch thơ Phi-Khanh Nguyễn-Trãi của Hoàng-Cầm
3. Thơ Trần Quang Dũng
4. Ca dao thời chống Pháp.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn