BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77194)
(Xem: 63240)
(Xem: 40642)
(Xem: 32279)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Về Kinh Bắc bài nào cũng buồn

05 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 2562)
Về Kinh Bắc bài nào cũng buồn
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

(Tâm tình với bạn đọc talawas)


Tập thơ Về Kinh Bắc (NXB Văn học 1994) không được nêu tên trong danh mục những tác phẩm được Giải thưởng của Nhà nước Việt Nam lần thứ V, nhưng trong các tập thơ Bên kia sông Đuống (NXB Văn hoá 1993), Lá Diêu bông (NXB Hội Nhà văn 1993), 99 tình khúc (NXB Văn học 1999) được nêu trong giải thưởng, có rất nhiều bài nằm trong bản thảo Về Kinh Bắc, trong đó có đủ những bài thơ chủ yếu bị quy kết là phản động hồi những năm đầu thập kỷ 1980 (“Cây tam cúc”, “Lá Diêu bông”, “Quả vườn ổi”…). Để bạn đọc có dịp đọc toàn bộ tập thơ đã trở thành một di sản văn hoá nước nhà trong bản chính thức của nó, chúng tôi đã đề nghị chính tác giả Hoàng Cầm cung cấp tài liệu. Nhà thơ đã vui vẻ nhận lời và nhân dịp này, có đôi lời tâm sự với bạn đọc.


Talawas


Về Kinh Bắc ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Vào cuối những năm 1950, bốn anh em chúng tôi (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng) sau khi đi lao động cải tạo về, vẫn nằm trong thời kỳ bị kiểm soát chặt chẽ. Nói cho đúng thì riêng tôi không phải đi lao động, (không biết vì lý do gì mà những nơi Hội Nhà văn liên hệ để đưa tôi đến lao động đều không nơi nào chịu nhận, thế là tôi thoát!) trong khi Lê Đạt thì đi Phú Thọ, Trần Dần đi Thái Nguyên. Và nói về sự kiểm soát thì tôi cũng được thoải mái hơn hai anh ấy. Tôi cứ việc ở nhà trong khi Lê Đạt và Trần Dần thì tất cả các buổi sáng phải đến ngồi ở Hội Nhà văn. Chỉ uống nước chè, tán chuyện, cười ha hả thôi, nhưng vẫn phải đến. Nhưng việc in ấn thì dứt khoát là không được phép. Trong tình cảnh ấy, tôi đề xướng với các bạn: lúc này chính là lúc bọn mình phải để tâm vào việc phá ra về thi pháp, phải phá ra khỏi kiểu thơ Tố Hữu, hay nói rộng ra là kiểu thơ cũ mà mình đã chán ngấy. Thế là bốn anh em thống nhất về đường lối sáng tác. Từ đấy hai anh Trần Dần, Lê Đạt ở Hội Nhà văn sáng sáng chỉ tán chuyện một lúc rồi mỗi người yên lặng cắm cúi viết lách. Trần Dần viết Cổng tỉnh dựa vào những kỷ niệm thời thanh niên ở Nam Định. Lê Đạt thì những kỷ niệm ở Yên Bái (thân phụ của anh làm xếp ga ở đó) cho anh loạt thơ sau in trong Bóng chữ. Đặng Đình Hưng, với sự "đỡ đầu" (dùng đúng từ anh nói) của Trần Dần, cũng viết được những bài thơ mới hẳn, lâu lâu anh lại đến khoe, rất hào hứng. Tôi rất thích những bài thơ ấy của Hưng, và học tập được khá nhiều ở tinh thần mới mẻ của anh.


Riêng tôi, như đã nhiều lần tự bạch, tôi viết Về Kinh Bắc hoàn toàn nhờ chìm đắm vào những kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi luôn nghĩ rằng: với bất cứ anh thi sĩ nào, cái thời kỳ từ 5 đến 15 tuổi là thời kỳ quyết định hơi thơ, cốt cách thơ của cả đời anh ta. Từ năm 4 tuổi đến 14 tuổi (lúc đỗ certificat [1] ), tôi sống ở một phố nhỏ trên đường quốc lộ 1, cách thị xã Bắc Giang 6 km. Mười năm ấy ăn vào mình nhiều nhất. Chỗ tôi ở là một con phố đìu hiu, lèo tèo vài hàng quán, ông thân sinh tôi mở hàng thuốc bắc ở đó, còn mẹ tôi thì có gánh hàng xén. Cái phố ấy vẫn có phong vị nông thôn với rặng tre, cây đa, con đường đất nhỏ, lại có tí văn minh với cảnh ô tô, tàu hoả, tôi hay ra ga xem khách lên khách xuống, tàu đến tàu đi. Những đêm trăng cô hàng xóm thích hát xướng tập họp bọn trẻ trong phố ra giữa đường hoặc cái bãi rộng sau ga hát trống quân, cò lả…


Có lẽ vì thế mà toàn bộ tập Về Kinh Bắc chìm trong cái buồn, cái buồn của sự hoài vọng quê hương, bài nào cũng buồn, câu nào cũng buồn. Hồi trong Hoả Lò [2] bị buộc phải viết kiểm điểm về tập thơ này, tôi cũng dễ dàng thừa nhận là tập thơ buồn quá. Nguyên cái buồn ấy hình như đã là chống lại đường lối văn nghệ của Đảng rồi, vì Đảng yêu cầu văn nghệ phải khấn khởi tươi vui. Nhưng ngoài cái đó ra, tôi còn phải nhắm mắt tự nhận tội với những từ nặng nề nhất như phản động, chống Đảng. Có điều tôi cũng viết rất khéo sao cho nếu bản kiểm điểm sau này được công bố thì bạn bè và công chúng cũng thấy đó là sự nhận tội không tự nguyện, nhận mà là không nhận. Thí dụ như tôi dẫn chứng câu thơ "Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa" là rủa Đảng, bài thơ “Lá Diêu bông” và một số bài khác là mang tính chất tư sản, than thở số phận con người, qua đó thấy cuộc sống thất vọng quá, buồn quá, những ước nguyện đẹp nhất đều không thực hiện được.


Sau khi tôi ra tù, không ít bạn trách tôi vì sao lại nhận tội như thế? Có phải là hèn quá chăng? Nhưng thực tế hoàn cảnh tôi trong tù rất khốn đốn, sau ba tháng là sức khoẻ suy sụp, nếu kéo dài thêm hai tháng nữa thì có thể chết trong tù. Vì vậy, trước sức ép ngày đêm của những người công an thụ lý và những hứa hẹn của họ, tôi suy nghĩ: phải giữ cái mạng của mình cái đã, phải tồn tại, phải sống, còn tác phẩm của mình chẳng đi đâu mà mất, nó còn hay không là do nó, nó có giá trị thì nó sẽ tồn tại. Cho nên tôi quyết định nhận tội. Khi tôi viết xong bản kiểm điểm (dài 6 trang giấy thếp thì phải), anh công an thụ lý tên N. đọc ngay, và bảo "Tốt quá rồi!". Hôm sau, anh đem đến một cái cassette mới toanh, bảo tôi tự đọc bản kiểm điểm vào máy. Anh cẩn thận dặn tôi phải đọc hết sức tự nhiên, không phải như người bị ép buộc hoặc như đọc dictee [3] . Là một diễn viên kịch, tôi thừa sức để "diễn" theo đúng ý anh. Tôi muốn tỏ ra hết sức ngoan ngoãn, cốt để được về. Tôi vừa đọc xong, anh ta chồm dậy, bắt tay tôi rối rít và cảm ơn cảm ơn hai lần liền, sau đó cho người đi mua phở cho tôi ăn. Anh còn tuyên bố: "Chúng tôi sẽ đề nghị để Tết này anh được về". Tôi mừng quá, viết thư về cho bà Yến [4] báo tin vui. Thế là suốt những ngày gần Tết năm ấy tôi cứ khấp khởi đợi chờ. Sau này tôi biết bà Yến nhà tôi cũng trong tâm trạng ấy. Sáng 30 Tết bà bắt anh con rể mang xe đến chờ ở cổng Hoả Lò suốt từ sáng tới tối. Nhưng thực tế là tôi không được thả như lời hứa của công an mà ngay mồng 4 Tết thì bị chuyển tới "xà lim bộ" [5] và tiếp tục bị giam, tổng cộng là 18 tháng.


Vì sao lại có chuyện thay đổi như thế? Có phải anh công an tên N. đã nói lừa tôi cốt để tôi nhận tội cho được việc của anh ta? Tôi cũng không rõ sự thực thế nào, cho đến một hôm sau khi đã ra tù, tôi tình cờ gặp một anh công an thụ lý khác (xin phép không nêu tên) ở quán bia Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Trông thấy tôi anh mừng lắm, anh mời tôi vào uống bia để tâm sự. Anh nói là anh đã ra khỏi ngành, và anh kể cho tôi một chuyện khá bất ngờ. Chuyện đại ý như sau: Sau khi tôi nhận tội, công an đã định cho tôi về thật. Nhưng trong thời gian chờ đợi giải quyết, thì một hôm ông Lê Đức Thọ [6] gọi công an lên hỏi về vụ Hoàng Cầm ra sao rồi, và thông báo rằng có một số trí thức Pháp, những người quen biết nhiều với ông, đã giúp đỡ ông và đoàn đại biểu Việt Nam ở Hội nghị Paris, vừa gửi thư cho ông yêu cầu nếu xét Hoàng Cầm không có tội trạng gì cụ thể thì hãy thả ngay nhà thơ ra. Ông còn nhắc nhở: "Các cậu xem thế nào thì giải quyết đi, không có thì mang tiếng lắm". Sự việc trên được công an báo cáo với Tố Hữu [7] . Ông lập tức hạ lệnh: "Ngoại quốc can thiệp hả? Đã thế thì cho thêm một năm nữa!".


Thái độ cứng rắn đến nghiệt ngã của Tố Hữu với riêng tôi cũng như với các anh em Nhân văn-Giai phẩm rất nhất quán. Ngay cả đối với những sáng tác mà anh em chúng tôi tìm lối mới vào cuối những năm 1950 nói trên, ông cũng rất ghét, mặc dù không biết ông có đọc hay không. Lại nói là sau khi bốn người chúng tôi bật ra được thứ thơ ấy, ai cũng mãn nguyện vì đã lộ rõ cốt cách từng người. Riêng tôi thì ngay từ lúc viết xong Về Kinh Bắc, tôi đã tin là nó có giá trị, có đóng góp cho văn học nước nhà. Tuy tôi không dám truyền đi rộng rãi, chỉ cho vài người bạn đọc, nhưng rồi nó được tự động lan truyền, đặc biệt có những bạn sinh viên trẻ say mê nó lạ lùng. Phải nói tình yêu đối với Về Kinh Bắc có cái gì đó rất đặc biệt. Tôi không tin là tập thơ dễ hiểu chút nào, đặc biệt là phần Nhịp một với "những đêm ngũ hành" kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Ngay nhà thơ Lữ Huy Nguyên, cố Giám đốc NXB Văn học, cũng thú thực với tôi rằng: "Em in cho anh thì cứ in chứ nói thật là em chỉ hiểu được 1/4 tập thơ". Đến anh công an thụ lý N. sau khi tôi nhận tội cũng thú nhận: "Thực tình tôi chẳng hiểu anh nói gì, bây giờ anh khai ra tôi mới biết ý đồ chống Đảng của anh, thì ra anh thâm thuý thật!".


Việc chúng tôi sáng tác những tác phẩm mới nhanh chóng được báo cáo với Tố Hữu. Một người bạn được tham dự buổi họp tuyên giáo mở rộng kể với tôi rằng trong cuộc họp Tố Hữu đã cảnh báo: "Tụi Trần Dần Hoàng Cầm… bây giờ đang thực hiện đúng khẩu hiệu phục xuống sáng tác mà Văn Cao đã khởi xướng. Phải canh chừng và dập tắt ngay".


Đây là lần đầu tiên tôi nói rõ một số chuyện liên quan đến Về Kinh Bắc, nói ra để khép lại những cái đau buồn ấu trĩ của một thời. Bây giờ, tôi xin các bạn thưởng thức nó vượt qua mọi bối cảnh chính trị xã hội, thưởng thức nó như một tác phẩm nghệ thuật mà đến hôm nay tôi vẫn thấy hài lòng.


H.C.


–––––––––––––––––


[1]Bằng tiểu học (Certificat d'études primaires) – Chú thích trong bài của talawas


[2]Trại giam của Pháp ở phố Hoả Lò, mang tên Maison Centrale, sau này là trại tạm giam của công an Hà Nội cho đến cuối thập kỷ 1990. Tác giả bị bắt vào đây ngày 20/8/1982 sau khi công an phát hiện có "âm mưu" tuồn bản thảo Về Kinh Bắc ra nước ngoài.


[3]Chính tả (các chú thích đều của talawas)


[4]Bà Lê Hoàng Yến, vợ tác giả


[5]Trung tâm thẩm vấn của Bộ Công an ở ngoại thành Hà Nội.


[6]Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lúc ấy.


[7]Lúc đó là Phó Thủ tướng thường trực, đồng thời vẫn là người lãnh đạo về văn hoá tư tưởng.


 Nguồn: talawas.org
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn