Việc làm phi nhân vô đạo đã rõ, kẻ trực tiếp thực thi cũng đã bị bắt nhưng cái gốc của nó vẫn còn, đấy là việc người ta không còn coi dân ra gì, chứ đừng nói vì dân do dân hay lấy dân làm gốc. Như một ông quan phường ở Hồ Tây- Hà nội đã nói toạc móng heo “Dân là gian!”. Bi hài ở chỗ quan coi dân là gian lại còn đòi lấy dân làm gốc.
Để biết ai gian ai ngay, qua vụ việc này nhìn thấy rất rõ. Khi hỏi tại sao địa phương để cho người ta đổ cả ngàn mét khối phế thải lên nghĩa địa Đồng Trưa, một ông quan phường Dương Nội trả lời: “Đây là sự hiểu lầm vì nghĩ rằng bãi đất trống“. Nghĩa trang Đồng Trưa nằm giữa đoạn đường Lê Văn Lương, hai đầu đều có barie chắn, nhiều ngôi mội xây và mộ chứ không phải hầm bí mật, làm sao có thể nhầm là đất trống? Việc đổ cả ngàn mét khối đâu dễ dàng như đổ một hai xe bò để có thể đổ trộm xong rồi bỏ chạy, nếu không có người bật đèn xanh, chắc chắn hai chiếc barie đấy không được mở để cho cả chục xe tải chạy vào. Và kẻ bật đèn xanh chắc chắn là người sở tại, không lẽ không biết đó là nghĩa địa? Cũng vậy đối việc việc xới tung nghĩa điạ Đường Mía, ông quan phường này đã nói tỉnh bơ là ủi nhầm(!).
Riêng nghĩa địa Giải Phướn thì thật qúa bi hài, cười ra nước mắt. Ngày 9/3/2010 các quan phường hồ hởi chỉ huy cả đoàn xe san ủi mồ mả, khi dân kêu động đến Thiên đình, đến ngày 27/3/2010 tổ trưởng dân phố mới cho họp xóm để thông báo về việc di chuyển mồ mả (!)
Chuyện rõ mười mươi thế rồi mà quan phường cứ làm như không biết, ai hỏi cứ bảo hết nhầm này đến nhầm khác. Cái sự loanh quanh đến chết cười, câu đầu bảo đất trống, câu sau đã thừa nhận: “”Có ngôi mộ đắp đất, có ngôi mộ đã được xây kiên cố” Câu đầu bảo “Sự việc ủi nhầm là có nhưng hôm đó máy ủi chỉ xới và làm vỡ các tiểu và các phần mộ phía trên, chứ không tung hài cốt“. Câu sau đã nói ngay:”có sự lẫn lộn không xác định được vị trí các mộ nữa, buộc phải đưa hài cốt đi giám định“
Khi chuyện vô lương không giấu được, các quan phường Dương Nổ mới vội vã kêu lên:: “Đây là sự cố hy hữu chúng tôi chưa bao giờ gặp phải. Chúng tôi hết sức phẫn nộ“. Chợt nhớ chuyện ở Hà Giang. Chủ tịch Nguyễn Trường Tô khi biết đừơng giây dắt gái nữ sinh bị lộ cũng đã vội vã kêu lên: “Hiệu trưởng mua dâm nữ sinh là một việc động trời, không thể hình dung được. Đây là một việc làm đáng xấu hổ và không thể chấp nhận với một thầy giáo đồng thời là người đứng đầu một trường cấp ba.” Chuyện vỡ lỡ, thiên hạ mới biết chẳng những người đứng đầu cấp ba mà quan đầu tỉnh mới là người đầu tiên thuộc diện “ không thể hình dung”, “ không thể chấp nhận”.
Năm 1428, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh, giành lại độc lập, Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô đại cáo. Mở đầu bản tráng ca chống giặc ngoại xâm lại là hai câu nói về dân: “Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân,/
Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo”. Muốn nói chuyện nhân nghĩa trước hết phải để yên dân, phải chăm lo cho dân trước khi lo giặc giã. Đó là đạo lý xưa nay, tiếc thay cho đến ngày nay ít ai chịu thấm nhuần, trong khi giặc giã đang thập thò trước cửa.
Nguyễn Quang Lập
10-09-2010
Theo Blog Quechoa
Gửi ý kiến của bạn