Phạm Công Thiện (1941-2011), sinh quán Mỹ Tho. Sống ở ngoại quốc nhiều hơn ở Việt Nam
Tác phẩm đã xuất bản:
Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông (1964)
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965)
Trời tháng Tư (1966)
Ngày sinh của rắn (1967)
Im lặng hố thẳm (1967)
Hố thẳm của tư tưởng (1967)
Mặt Trời không bao giờ có thực (1967)
Bay đi những cơn mưa phùn (1970)
Ý thức bùng vỡ (1970)
Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988)
Sự chuyển động toàn diện của tâm thức trong tư tưởng Phật Giáo (1994)
Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng
Triết lý Việt Nam về sự vượt biên (1995)
Làm thế nào để trở thành một bậc Bồ Tát sáng rực khắp bốn phương Trời (1998)
Tinh tuý trong sáng của đạo lý Phật Giáo (1998)
Trên tất cả đỉnh cao là Im Lặng
Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử
Khai ngôn cho một câu hỏi dễ hiểu: Triết học là gì?
Đối mặt với 1000 năm cô đơn của Nietzche.
Jiddu Krishnamurti, Tự do đầu tiên và cuối cùng (1968)
Martin Heidegger, Triết lý là gì? (1969)
Friedrich Nietzsche, Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (1969)
Nikos Kazantzakis, Rèn luyện tâm thuật huyền linh (1991)
TRÍCH VĂN THƠ PHẠM CÔNG THIỆN
I. Văn
1. Bay đi những cơn mưa phùn
Phạm Công Thiện
Hắn thổi những cơn mưa phùn qua khung cửa kính hiệu buôn thuốc lá và cà phê. Chỉ có đất Pháp này mới có những quán thuốc lá chuyên bán đủ loại thuốc hút, đồng thời bán phụ thêm cà phê và rượu đỏ: cà phê đen, rượu đỏ và thuốc bao xanh là ba dấu hiệu của đất Pháp: không có ba thứ này, nhất định nước Pháp sẽ không còn những cơn mưa phùn tháng tư. Hắn ngồi bên cạnh khung cửa kính, quán thuốc lá chỉ mang tên vỏn vẹn là tabac café express; quán thuốc nằm đối diện nghĩa địa. Chung quanh đều im lặng, thỉnh thoảng vài tiếng ho, tiếng cửa đẩy vào, tiếng gió rít vào từ những ngày quá khứ. Bây giờ là tháng tư? Thời gian là những tháng tư còn lại. Không, tháng mười rồi. Mưa bụi và lạnh, những cơn mưa phùn tháng mười ở ngoại ô Paris.
Hắn ho khan vài tiếng cho đỡ buồn; trời lạnh quá, im lặng quá, nhiều khi mình phải bày đặt ho khan để thấy rằng mình vẫn còn đó, vẫn sống, vẫn thở và thổi những cơn mưa phùn vào nghĩa địa của ngoại ô đầu thu. Đầu thu hay cuối thu? Đầu cuộc sống và cuối sự chết? A, tôi phải đi. Paris chỉ nằm bên kia sự chết: Saigon, Hànội, Huế, Đàlạt chỉ là những thành phố Paris nằm bên kia sự chết. Giết hết tất cả những thành phố, bôi sạch chữ Paris trong tâm hồn mình, bôi tên, quên họ, bỏ quốc tịch, vứt lại đằng sau lưng những con đường rầy, những đêm tối, những mùa xuân, những quê hương. Làm một kẻ phản quốc, phản bội bạn bè, phản bội tổ tiên, phản bội văn chương, phản bội tùy bút, truyện ngắn và truyện dài. Trung thành với nỗi chết xa và gần, nỗi chết long đong, nỗi chết của những cơn ho gượng, ho cho đỡ buồn. Chỉ có những cơn ho khan là quan trọng, tất cả còn lại chỉ là văn chương.
A, tôi phải đi. Vừa đi vừa ho. Tập ho cho thật nhiều, ho như chưa từng biết ho trong đời. Người ta ho lao và người ta muốn ho lao: tôi không muốn ho lao, tôi chỉ muốn ho khan cho bay đi những cơn mưa phùn tưởng tượng. Dưới kia thung lũng là cỏ khô. Một dấu chấm, một dấu phết, một dấu sắc và một dấu huyền. Tất cả còn lại…
.
2. Con bướm băng qua đại dương
Phạm Công Thiện
“… Nhưng đại dương có phải là một thực tại?
— Không, đại dương là một giấc mộng.” [*]
Thiền là một giấc mộng, một giấc mộng đặt trên một giấc mộng, một cơn sóng biển trào bọt đặt trên một cơn sóng biển trào bọt, một đại dương đặt trên một đại dương.
“… Nhưng đại dương có phải là một thực tại? Không, đại dương là một giấc mộng.”
Câu nói trên của Gottfried Benn, thi sĩ nước Đức; Gottfried Benn là Nguyễn Du của nước Đức ở thế kỷ XX.
“… Nhưng đại dương có phải là một thực tế không? Không, đại dương là một giấc mộng; một giấc chiêm bao.”
Tôi xin kể một giấc chiêm bao. Tôi nằm chiêm bao, tôi thấy tôi đứng trên một giảng đường và nói về Thiền học và Thiền tông, tôi thấy mọi người đều bỏ ra về. Tôi nằm chiêm bao thấy mình đứng trước một giảng đường trống người. Cả một giảng đường hoang trống như một nhà xác. Mọi người đều bỏ ra về. Tôi vẫn đứng và tiếp tục nói. Mấy chục hàng ghế trống đang nghe tôi nói. Không, có một người nào đó bỗng hiện lên và ngồi cuối giảng đường. Chỉ một người. Người ấy là ai, có phải người ấy là một con ma? Hai con mắt của người ấy đỏ hừng như hai cục than. Tóc bỏ dài đến mang tai. Người con trai ấy có phải là một con ma? Mọi người đều bỏ ra về. Chỉ còn có một con ma đang ngồi cuối giảng đường và nghe tôi nói. Rồi tôi cũng bỏ ra về và chỉ còn tiếng nói ở lại với hồn ma.
Tôi có quen thân với một thanh niên khoảng mười tám tuổi, tôi gặp anh ta tại Đà Lạt năm 1959. Tôi ở chung phòng trọ với anh tại một ngọn đồi thơ mộng tại Đà Lạt; hai năm sau, vào năm 1962, anh chết trước mắt tôi tại một tu viện trên một ngọn đồi Nha Trang. Anh có tên thơ mộng là Hoàng Đại Dương. Năm 1962, anh chết trước mắt tôi, một đại dương đi vào một đại dương.
“… Một dúm thời giờ lặng câm
trong cơn gió vèo ở vùng Sils-Maria” [**]
Thi sĩ Gottfried Benn gợi đến tên Sils-Maria, nơi mà Nietzsche đã sống cô liêu.
“… Một dúm thời giờ lặng câm
trong cơn gió vèo ở vùng Sils-Maria”
Tiếp theo câu trên, Gottfried Benn viết tiếp:
“… Sự thành tựu đều nặng nề những vết thương…” [***]
Hoàng Đại Dương chết trước mắt tôi, nặng nề với những thương tích. Anh đã thành tựu chưa? Anh không trả lời, vì anh chết đi mang theo:
“… Một dúm thời giờ câm lặng
trong cơn gió vèo ở vùng Sils-Maria”
Giống như Nguyễn Du chết đi mang theo “một dúm thời giờ câm lặng trong cơn gió vèo ở vùng Trường Sơn”.
Anh đã chết trước mắt tôi vào năm 1962 tại một thiền viện trên ngọn đồi ở Nha Trang. Chết trước mắt tôi, nhưng tại sao bây giờ anh lại ngồi trước mắt tôi ở cuối giảng đường? Có phải hồn ma của anh đang ngồi dưới đó? Chính hai tay tôi đã cầm xẻng để đào đất, để chôn quan tài anh ở dưới ngọn đồi gần biển… Chính tay tôi đã ném những cục đất cuối cùng vào quan tài anh, nhưng ngay giờ phút này, anh lại ngồi dưới cuối giảng đường như là còn sống? Hay tôi bị quáng mắt, bị hoa mắt? Tại sao tất cả đã bỏ ra về và không thấy anh, mà chỉ có tôi là nhìn thấy anh?
Tôi gặp anh tại Đà Lạt vào năm 1959. Dạo ấy, anh là giáo sư Anh văn tại trường Trung học Việt Anh ở Đà Lạt. Nét mặt anh xanh xao, gầy, hốc hác, vì dường như anh không bao giờ ngủ. Tôi ở phòng trọ chung với anh trong một biệt thự cho thuê. Tôi vẫn thấy đèn phòng anh sáng suốt đêm. Thỉnh thoảng, đêm khuya, tôi có nghe anh ho khan, một thứ ho khan của những người câm lặng, sống âm thầm bí mật. Phòng anh thường đóng kín cửa, có lẽ ban ngày anh không chịu được ánh sáng mặt trời. Có một lần anh bảo tôi rằng anh ghét thù mặt trời. Tôi cười và thú thực là không hiểu anh muốn nói gì. Nhưng có một lần tôi chợt hiểu câu nói của anh. Một hôm chiều, đi dạy học trở về, bỗng thấy từ trên đỉnh đồi đỏ sẫm, mặt trời lặn ngay trên đỉnh đồi, có một bóng đen từ trong mặt trời trên đồi nhô ra và đi xuống dưới đồi. Anh từ mặt trời bước ra và đi xuống, khi mình mờ mắt thì dễ thấy như thế.
Có một lần tôi hỏi anh:
— Anh là một kẻ đi ra mặt trời, từ mặt trời đi ra.
Anh ngạc nhiên trả lời:
— Chính mặt trời đã đi vào tôi, đi vào tim tôi. Lồng ngực tôi nóng ran, tôi chịu không nổi. Mặt trời là kẻ thù của tôi.
Sau này được dịp đọc sách về Thiền học, tôi mới hiểu rằng người tham thiền có khi suy tưởng về mặt trời và tưởng tượng rằng mặt trời đằng xa thu hình lại bé nhỏ và tiến rồi nhập một với trái tim; sự tưởng tượng ấy quá mạnh đến nỗi người tham thiền cảm thấy nóng ran, ấm nóng cả lồng ngực, ấm cả thân người.
Chẳng hạn như ở Hy Mã Lạp Sơn, có những đạo sĩ cởi truồng, không mặc áo quần, và vẫn ngồi trên tuyết lạnh. Nói theo danh từ nhà Phật thì họ chuyển lửa Tam muội. Nói theo danh từ thông thường thì đó là sức mạnh suy tưởng (những vị nào học triết Tây phương chắc còn nhớ Socrate đã đi hai chân không và đứng trọn đêm ngay ngoài trời tuyết, vì lúc đó Socrate đang suy tưởng và quên hết mọi sự, có người thức cả đêm để rình ông và ngạc nhiên khi thấy Socrate đứng sững trên tuyết như đinh đóng vào gỗ. Sức mạnh của tư tưởng đã cột dính Socrate, giống như con ruồi lằn bị dính vào keo. Dân ở thành phố Athènes thường gọi Socrate là “một con ruồi nhặng” vì ông hay quấy phá sự tự mãn tinh thần của dân chúng. Con ruồi ấy bị dính keo mà chết, chứ không phải bị chết vì uống thuốc độc như lịch sử truyền lại).
Dạo đó, tôi gặp anh Hoàng Đại Dương và chỉ biết mang máng về anh, nghe những người khác kể lại. Hình như anh có tham thiền gì đó. Sau này, anh chết trước mặt tôi. Cuộc đời anh, tôi được biết đại khái như sau đây, do bạn bè và người nhà anh kể lại (mặc dù anh thường nói với tôi rằng anh không có gia đình và không có bạn bè, đôi lúc khôi hài tịch mịch, anh nói: “Bạn bè của tôi là những con ruồi. Cha mẹ tôi ư? Anh có thấy những con chuột đẻ con không?” Anh nói rồi cười sặc lên như điên. Tôi, người bình thường không chịu được ngôn ngữ bất thường của anh. Cho nên, tôi bỏ anh đứng giữa đường khuya Đà Lạt. Dường như sáng hôm sau, anh vẫn còn đứng ở đó, lúc ấy Đà Lạt chưa có giới nghiêm).
Theo người ta kể lại thì anh là con một gia đình giàu có ở miền Nam. Cha mẹ anh triệu phú, rồi sau bị phá sản, trở nên nghèo khó hơn bất cứ người nghèo nào ở Việt Nam. Ngay lúc gia đình còn giàu, anh đã sống bất thường rồi, dường như anh khinh bỉ tiền bạc, không chịu sống đời sống giàu sang phú quí của công tử nhà giàu. Nghe nói lúc nhỏ, 13-14 tuổi, anh đã say mê Marxisme, đọc sách Marxisme suốt ngày đêm, và muốn làm cách mạng, đi vào bưng biền để đánh Pháp. Năm 16 tuổi, anh bị công an bắt nhốt vào xà lim và tra tấn. Mặc dù anh không phải là một người cộng sản, nhưng đầu óc anh nhiễm đầy tư tưởng Marx và Lénine, anh rất ái quốc và muốn làm một cái gì đó để chuyển hoá xã hội, anh không chịu nổi bất công, không chịu nổi sự đau khổ của con người Việt Nam. Dường như, theo người nhà kể lại, thì anh bị một người cán bộ khai tên chỉ điểm. Tất nhiên đó chỉ là khai gian thôi, vì anh không có tham gia một tổ chức chính trị gì cả. Sau một thời gian bị đánh đập, bị tra khảo đủ điều, thì anh bỗng được thả ra nhờ người nhà quyền thế can thiệp. Sau khi ra tù thì hình như anh không còn để tâm tới chính trị nữa, có lẽ không phải vì anh sợ bị tra tấn nữa, mà có lẽ vì anh nghĩ anh đã chết hụt một lần và anh không muốn chết hụt theo lối cũ, mà có lẽ chết hụt bằng lối khác. (Anh nghĩ rằng có một loại người sinh ra để làm Quang Trung hay Trần Hưng Đạo thì cũng có một loại người sinh ra để làm Nguyễn Du hay Hàn Mặc Tử. Không phải chỉ làm tướng là ái quốc thôi, mà sống với hồn thơ tuyệt đỉnh cũng là một cách ái quốc khác).
Thầm lặng hơn, Anh đã chọn con đường đi của Nguyễn Du. Và để cho những người khác làm Quang Trung. Thật ra không có sự chọn lựa, vì mọi việc xảy ra đều như cây mọc lá, tự nhiên như máu chảy trong cơ thể. Giòng máu anh là giòng máu thi sĩ, nghệ sĩ, chứ không phải máu của người hành động.
Hồi nhỏ, anh học trường thầy dòng, nhưng sau anh bỏ đạo và bỏ đi nhà thờ. Anh bắt đầu say mê ngất ngưởng với tiếng hét thịnh nộ của Nietzsche. Giống như phần đông thanh niên ở khắp thế giới, tuổi trẻ của anh đã bị ngấm độc, nhiễm nặng thuốc độc của Nietzsche. Tất nhiên, một người nào đã nhiễm bệnh Nietzsche thì chính trị, dấn thân, hành động, ái quốc, xây dựng lý tưởng, tôn giáo, vân vân, đều trở thành khói thuốc. Nietzsche dạy anh cõng tuổi trẻ của anh trên hai vai của chính anh. Từ một người gương mẫu, lạc quan, tin tưởng, đầy tinh thần vị tha, ái quốc, đầy tinh thần xây dựng, anh bỗng trở thành con người lạc lõng, bơ vơ, ích kỷ, buông rơi, kiêu ngạo, ngang tàng, khinh bỉ tất cả mọi sự, khinh bỉ cả những gì nhỏ nhoi trong người anh; anh luôn luôn đen tối, mắt đầy ngờ vực, lấy đêm làm ngày, “đêm bốc lửa, thế giới bốc lửa”. Anh sống như con thú dữ với cơn hoả hoạn bắn lửa trong đầu, trong tim và trong cuộc đời. Đã qua rồi ái quốc, đã qua rồi lý tưởng cao đẹp, đã qua rồi niềm tin sắt đá của tuổi thơ. Trong phòng anh, có kẻ chỉ thấy những hình ảnh của Nietzsche, Van Gogh, Rimbaud, Henry Miller và Dostoievsky. Nhưng một sớm đẹp trời nào đó, bỗng nhiên anh xé bỏ hết Nietzsche, Van Gogh, Rimbaud, Dostoievsky và Henry Miller. Anh tự cho rằng mình đã lớn, đã mạnh, đã đủ sức, thừa sức để đi một mình, đứng một mình, ngồi một mình và nằm một mình. Chỉ có một mình và một mình, anh sống một mình với một mình của anh. Đối với anh, tất cả giá trị đều sụp đổ, anh thấy rằng anh không còn hiểu gì nữa, anh bước đi trong bóng tối không thấy gì cả và chỉ bước đi trong bóng tối. Mọi người đều bỏ xa anh, bạn bè bỏ anh, gia đình bỏ anh, chính anh rồi cũng bỏ cả anh, anh chỉ còn là cái xác đi trong tối. Trong một đêm tuyệt vọng, anh lảo đảo như một người lên đồng. Tình cờ, anh dở quyển sách bỏ quên dưới đất. Quyển sách ấy là quyển Zen Buddhism của D.T. Suzuki. Anh không hề biết Zen là cái gì cả. Nhưng khi đọc tình cờ một câu trong quyển sách ấy:
— Làm sao tôi có thể nhập đạo?
Một môn đệ hỏi Thiền Sư, Thiền Sư trả lời:
— Con có nghe tiếng suối reo?
Thế thì đùng một cái, anh mới sực nhớ rằng anh đã sống cái đạo gọi là đạo Thiền trước khi anh đọc sách về Thiền. Toàn thân anh run rẩy, anh có cảm tưởng đi hỏng chân trên một đại dương.
Giai đoạn ấy là giai đoạn tôi gặp anh tại Đà Lạt. Bây giờ nhắc lại tôi vẫn còn được cái cảm giác đố kỵ với anh. Dạo ấy, tôi đố kỵ với điệu sống của anh, tôi thấy anh sống tràn lan như ống nước bể vòi, anh sống vô tâm như cỏ cây, chim chóc, anh yêu đời một cách khó giải thích, tôi cho rằng anh là một thằng điên, một tên gàn, một kẻ lập dị. Đôi lúc anh nói với tôi rằng anh chán đời, anh buồn, anh muốn tự tử, vân vân, nhưng trong cách nói của anh và cử chỉ của anh tôi hiểu rằng anh muốn nói: “tôi quá yêu đời, quá vui, quá sống, sống, sống…” Chữ “buồn” trong miệng của anh cũng vui lây nữa. Nếu lúc ấy anh có tự tử đi nữa thì tôi vẫn cho anh tự tử vì quá sướng, quá vui, quá đẹp. Khó thấy một người nào sống đã đời như anh, đôi lúc tôi ghen với những ý tưởng trong cái đầu bồng bềnh tóc của anh.
Tôi chắc những ý tưởng trong đầu anh chỉ là hoa vàng, hoa mai, hoa mận, bông cúc, bông hồng, cánh đồng xanh, chim bướm. Có một đêm anh hỏi tôi:
— Tôi là ai?
Tôi trả lời bằng lý luận:
— Anh là những gì tôi nghĩ về anh.
Anh vụt trả lời như một nhát gươm đập vào nước:
— Tôi trả lời cho câu hỏi anh rồi.
Tôi không hiểu, hỏi lại:
— Tôi đã hỏi gì đâu?
Anh lặp lại:
— Tôi là ai?
Tôi vụt lặp lại:
— Tôi là ai?
Vừa nói xong thì tôi vụt thấy rằng con chim vỗ cánh bên ngoài là con chim vỗ cánh trong đầu tôi. Cắt cái đầu tôi liệng đi thì con chim cũng mất theo. Lúc ấy, tôi cũng học đòi về Thiền Tông trong năm sáu cuốn sách của D.T. Suzuki, Alan Watts, Chang Chen-Chi, Hubert Benoit; tôi cũng có đọc quyển Pháp bảo đàn kinh và Vô môn quan và Truyền đăng lục. Có một lần tôi hỏi anh về D.T. Suzuki, anh trả lời:
— Chính nhờ D.T. Suzuki tôi mới biết đến Thiền, lần đầu tiên đọc D.T. Suzuki tôi có cảm giác leo lên núi Hy Mã Lạp Sơn, tôi lạnh cả người, nhưng bây giờ tôi coi D.T. Suzuki như con gà mở cửa mả…
Tôi hỏi lại:
— Nghĩa là thế nào?
Anh hỏi lại tôi:
— Anh có tin rằng người chết trở lại?
Tôi trả lời:
— Tôi tin có.
Anh nói lại:
— Tôi chỉ học được D.T. Suzuki rằng người chết không có trở lại và cũng không không có trở lại.
— Nghĩa là làm sao?
— Nghĩa là anh phải chết.
— Nghĩa là làm sao?
— D.T. Suzuki chỉ lặp lại những kinh điển một cách dễ hiểu theo ngôn ngữ thời đại, còn kinh điển chỉ lặp lại một cách dễ hiểu những gì không thể lặp lại.
— Như những gì?
— Như giấc mộng, như cái chết.
— Đạo Thiền là đạo sống.
Anh vội nói lại:
— Sống là chết, bắt chước D.T. Suzuki, bắt chước những Thiền sư thì chúng ta có thể nói như vậy, nói rằng sống là chết, Niết bàn là Luân hồi, khổ là vui, vân vân, không có mà cũng không không, vừa có được sự im lặng cũng là vừa nói, vân vân, nhưng tôi đang chết.
— Biết rằng mình đang chết là sống.
Anh nói lại:
— Nếu anh có thích lý luận thì cứ lý luận.
Tôi hỏi anh:
— Tại sao có một Thiền sư nói rằng gặp Phật thì giết Phật, gặp Tổ thì giết Tổ?
Anh trả lời:
— Gặp Phật thì Phật chết, gặp Tổ thì Tổ chết.
— Nghĩa là làm sao?
— Nghĩa là cái chết gặp cái chết.
— Cái chết gặp cái chết thì làm sao?
— Thì anh không hỏi “làm sao” nữa…
— Heidegger có nhắc lại câu của Abraham a Sancta Clara: “Kẻ nào chết trước khi chết thì không chết lúc hắn chết”. Phải chăng anh muốn nói rằng cái chết gặp cái chết thì sống mới bùng dậy lại?
— Tôi không hiểu.
Tôi đã thuật lại câu chuyện giữa tôi và anh. Nhưng tôi không thể diễn tả lại ấn tượng lạ lùng trong tâm thức tôi, tôi vừa nghe anh nói: “tôi không hiểu” thì tôi có cảm giác bất chợt rằng một trái sung chín vàng rụng vào cái miệng hả rộng của anh khờ.
Sau này, tôi có nghe anh cạo đầu đi tu. Tôi rất lấy làm lạ, vì theo tôi nghĩ thì anh không cần tu cũng là tu rồi. Đối với tâm hồn như anh, tu hay không tu cũng thế thôi. Nhưng đôi lúc tôi cũng nghĩ rằng tu cũng là một chuyến đi chơi dài của anh vào những đồng cỏ bát ngát tịch mịch. Lúc tôi gặp anh tại một tu viện ở Nha Trang, tôi có hỏi anh:
— Thiền học là gì?
Anh trả lời:
— Là học về Thiền.
Tôi hỏi lại:
— Học cái gì, học làm sao?
— Học thở.
— Phải học thở thế nào?
Anh hỏi lại:
— Không phải anh đang thở đó sao?
Tôi hỏi:
— Thiền Tông là gì?
— Là một Tông phái đề cao hơi thở.
— Tại sao phải ngồi để thở?
— Vì ngồi thẳng lưng dễ thở, nhưng đối với một người có nội công, nội lực thì đi cũng thở, đứng cũng thở, làm gì cũng dễ thở. Chỉ chán đời thất vọng u sầu khi nào hơi thở bị nghẽn.
— Tại sao những Thiền sư đốt tượng Phật, chặt đầu mèo, phá giới, coi kinh điển như giấy bẩn?
— Vì họ muốn giải thoát hơi thở.
— Không, họ chỉ phá hoại?
— Phá hoại thiếu hơi thở (gọi là phá hoại hụt hơi) khác hẳn với phá hoại qua hơi thở.
— Anh chỉ ngụy biện!
— Như thế không còn vấn đề gì nữa đáng nói.
Tôi im lặng. Anh cũng im lặng và mỉm cười thoải mái. Đến năm 1962, tôi nghe người ta báo tin anh chết một cách đột ngột. Tôi vội leo lên Thiền viện ở đồi Nha Trang, tôi nhìn anh nằm dài thản nhiên, mắt anh nhắm lại như nằm mộng, tôi chợt nhìn thấy một con bướm nhỏ đủ màu đậu ngay giữa trán anh. Tôi vừa đọc xong câu chú chữ Phạn: “Gate, gate, paragaté, parasamgaté, bodhi, svaha!” thì con bướm vụt bay đi, băng qua đồi, tôi nhìn theo và thấy con bướm bay sang biển.
“Nhưng đại dương có phải là một thực tại? Không, đại dương là một giấc mộng.”
Anh chết đi và để lại niềm bí ẩn cho tôi, câu hỏi trước kia mà tôi đã từng hỏi anh:
— Thiền học là gì? Thiền tông là gì?
Anh vẫn chưa trả lời cho tôi, tất cả còn lại cuộn giấy nhàu tôi lượm ở dưới giường anh nằm. Đó là một cuộn giấy dơ mà anh viết chằng chịt, giữa những giòng chữ đen, anh thường hay vẽ những vòng tròn, tôi không hiểu tại sao anh thích vẽ những vòng tròn như thế. Giữa những giòng chữ bôi đen, tôi còn đọc được những đoạn mà anh viết về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư đệ nhất của Thiền Tông.
Anh chết đi và không trả lời cho câu hỏi mà tôi thắc mắc bao nhiêu năm nay.
Đứng trước thân xác anh nằm dài, nhắm mắt chết nhẹ nhàng như giấc mộng, tại ngọn đồi ở Nha Trang năm 1962, tôi muốn hỏi thầm:
— Thiền học và Thiền Tông là gì?
Vừa hỏi thầm thế, rồi khi vừa tụng xong một câu thần chú chữ Phạn: “Gate, gate, paragaté, parasamgaté, bodhi, svaha…”, khi tôi vừa dứt chữ “bodhi svaha!” thì bỗng con bướm đủ màu giữa vầng trán anh vụt bay ra khỏi phòng, bay khỏi đồi, bay lượn băng qua biển xanh, “biển xanh trộn lẫn với mặt trời.”
— Thiền học và Thiền Tông là gì?
Câu hỏi không được trả lời. Tất cả còn lại chỉ là một câu thần chú chữ Phạn và một con bướm màu băng qua đại dương.
.
3. Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?
Phạm Công Thiện
MÙA HẠ có mấy con chim lội qua biển, vài ba đám mây, bên kia là trời, màu xanh, màu trắng.
Cửa sổ mở ra, mấy tấm vải phơi dưới mái nhà ở đây, mái nhà ở đó. Hai giờ sáng, đi qua bước lại, mở cửa ngó xuống chiếc cầu đen. Thang lầu này tròng véo qua thang lầu kia, sân xi-măng có gió, trời gần sáng, tiếng động. Đẹp, đẹp. Yêu đời, yêu đời quá. Hai chân kéo lôi ra ngoài đường, tiếng đàn hàng xóm, bên đây là im lặng, không có người nói.
Đúng 7 giờ, quán mở cửa. Cái quán đóng suốt đêm qua, từ 11 giờ khuya đến 7 giờ sáng. Ngực khô ran, hút thuốc nhiều, khi nào bỏ hút thuốc? Lúc nào không mở mắt, lúc nào không bước đi. Nằm kề chân lên vách tường. Cho đến khi nào gặp lại. Cái chết vẫn được gặp lại ở quán cà-phê đầy nắng với hoa phong lữ thảo.
Một tách cà-phê, hai tách cà-phê, vỏ đất bị xáo trộn kinh thiên. Bỏ uống cà-phê, bỏ hút thuốc, bỏ uống bia 33. Tập sống giả đạo đức cho đỡ buồn, lâu lâu giựt mùng cho rớt xuống để bố thí máu cho muỗi đói. Cười con chó chạy cong đuôi ở ngoài sân, mở vòi nước lavabo, ực năm lần cho đầy bao tử, tập uống nước bẩn cho đỡ sạch đỡ chán.
Tiếng con nít khóc, người mẹ ru con giọng xa, dài, buồn.
Quán mở, bàn ghế kéo ra. Cuối quán, ngồi tận đằng cuối. Âm nhạc kéo lè nhè, con nhện, mùa thu. Hôm qua, bà cụ nói: “Cậu hai con trước kia chết vì bệnh lao, thằng René, con của cậu hai chết trước, René nó nghiêm nghị như cậu hai con, lúc mẹ có thai con thì René nó chết, mẹ khóc dữ lắm. Lúc cậu hai con nằm bệnh hấp hối thì ở dưới lầu người ta đóng quan tài của René. Cậu con nghe tiếng động dưới lầu, hỏi ai làm gì ồn thế. Người nhà phải nói láo là…”
— Thôi mẹ đừng kể tiếp nữa, con biết rồi, con đã nghe mẹ kể nhiều lần rồi…
Buổi sáng, ngoài đường, xe cộ chạy vù vù qua cầu. Quên hết ngày hôm qua, quên hết ngày hôm nay, quên hết vỏ trái đất bị xáo trộn.
— Xin cho tôi tách cà-phê như thường lệ.
Như thường lệ, mỗi sáng, thức, đi xuống sân trường, đứng lại ngó lồng bóng rổ, không có bóng. Cỏ héo nhiều, thiên hạ trét xi-măng trên đó. Mỗi ngày, người mình cứng như xi-măng, cứng, cứng.
— Xin cho một tách Arabica…
Sa mạc Sahara, ôi, nắng, nóng, lửa, Rimbaud làm cái giống gì ở đó? Giở tự điển ra tìm chữ, café là bởi tiếng Ả-rập “qahwah”. Không ngờ văn minh Ả-rập cai trị thành phố Sài-gòn. Mỗi sáng, ít người biết rằng có gần một triệu người uống cà-phê tại Sài-gòn và những thành phố vây quanh Sài-gòn. Mỗi sáng, ít nhất tại Sài-gòn có gần một triệu người phải chịu đoạ đày mở mắt ra và làm những việc khả kính.
MÙA ĐÔNG có mấy chiếc xe đạp bị nổ bánh. Vài ba đám mây, đó đây, đá và chỉ là đá. Tiếng hàng xóm chửi nhau, ông say rượu bắt đầu chửi thề. Cuộc đời vẫn đẹp như cái tên của cái hotel đối mặt với quán cà-phê. Quán cà-phê này độc nhất ở Việt Nam là có món pousse-café.
— Xin cho tôi một cái poussse-café…
Nhiều lúc tôi muốn nói với người giữ quán hiền lành:
— Xin cho tôi một cái pousse-pousse, một cái cyclo-pousse, một cái pousse-cofard, một cái pousse-ennui, một cái pousse-néant…
Nhưng tôi phải trấn đê Nhị Hà lại. vì làm sao pousse-rien được? Phải tập ăn nói khả kính, đứng đắn, đàng hoàng. Đài khí tượng đã báo động năm trước là vỏ trái đất bị xáo trộn dữ dội.
— Xin kính mời đại đức khoa trưởng lên nhắn nhủ cùng anh em sinh viên đôi lời trong dịp họp mặt tất niên này.
Cái micro phải gió bắt đầu réo lên. Merde, đại đức, thất đức, khoa trưởng, thôn trưởng, ấp trưởng, xã trưởng, lấy sách công dân giáo dục ra học lại cho khả kính.
— Mi đã làm gì cho đời mi?
Nhan đề một vở kịch của Sartre, chưa đọc “La Putain respectueuse”, sẽ đọc đêm nay, nếu không ngủ quên, không lười, không rầu, không mệt.
— Chúng ta phải tìm lại một căn nguyên gốc rễ cho chúng ta. Tìm lại tinh thần văn hoá dân tộc… (tiếng micro lại xè xè như muốn réo réo pisse-pisse…)
MÙA THU có hai con chó con mà một bà nhà quê đứng bán ở toà đô sảnh. Hai con chó quá nhỏ, một con đen, một con vàng. Tôi đang bước qua đường Nguyễn Huệ, đứng lại, hỏi rất lễ độ:
— Thưa bà, bà bán hai con chó này bao nhiêu?
— Sáu trăm đồng, thầy ạ…
— Thôi được.
Ông thầy chùa phải gió ôm hai con chó con băng qua đường, gọi ta-xi trở về nhà bà cụ. Thiên hạ hai bên đường ngó nhìn…
— Thưa mẹ, con vừa mua hai con chó này, để đem về cho em Bích nuôi.
— Thôi con, cho ai thì cho phứt cho rồi. Nuôi chúng, chúng ỉa ra dơ nhà, không ai dọn hết…
— Con dọn cho.
— Thôi con…
— Bích, anh mua cho mày hai con chó nè…
— A, a, sướng quá…
Hai ngày sau, mẹ tôi đem hai con chó cho người ta. Mẹ tôi nói rằng chúng làm dơ cả nhà. Có Bích nó khóc ầm cả lên. Tôi nghe nó khóc mà có cảm giác như nghe cả một dân tộc Do-thái đang khóc ở đền Jerusalem. Tôi giàu tưởng tượng, từ ngày mẹ tôi đem chó cho người ta đến nay thì đã gần 4 tháng và tôi cũng chẳng nghe con Bích nhắc đến chó lần nào nữa. Ồ, con nít mau quên lắm.
— Không biết giờ đây hai con chó ấy đã làm gì cho đời chúng?
MÙA XUÂN có bông cúc vàng và bông anh đào Đà Lạt. Tôi nằm ngủ suốt ngày mùng một, đến ngày mồng hai ngủ luôn cho đến mồng ba. Thức dậy thì đèn đường đã tắt.
—————–
* 3 truyện / tuỳ bút trên trích từ sách “Bay đi những cơn mưa phùn” của Phạm Công Thiện (Sài Gòn: nxb Phạm Hoàng, 1970)
.
4. Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ…
Phạm Công Thiện
Mỗi lúc quên hết sáng tác và sáng tạo thì sáng tác và sáng tạo lại hiện đến. Không cần tìm cảm hứng thì lúc nào cảm hứng cũng xuất hiện, mỗi lúc quên mình và viết và vẽ và sống. Càng sáng tác thì càng xa lìa đời sống thường nhật, nhưng đó chỉ là giai đoạn đầu. Càng tiếp tục đi sâu vào chu kỳ bí ẩn của sáng tạo thì lại càng trở về khám phá lại đời sống thường nhật, càng yêu đời, tha thiết với cuộc đời tầm thường, tha thiết với cái chết tầm thường, ngay đến tất cả lo âu sợ hãi cũng trở thành thơ mộng cần thiết. Những cử chỉ nhỏ nhặt nhất của đời sống mỗi ngày biến chuyển thành ra phép lạ tuyệt vời. Thực ra, chỉ là gọi ép, chứ không có gì là sáng tác, sáng tạo hay cảm hứng. Mình không bao giờ là tác giả; mình chỉ thụ động mở lòng ra phơi phới để đón nhận những quà tặng của thần linh; thần linh có hay không có, chẳng đáng bận tâm.Thần linh là tất cả những gì xa lạ, vượt qua mình; những gì vượt qua mình và không phải thuộc về mình mới đích thực là mình. Càng cố gắng giữ lại thì càng mất; càng muốn đi tới một cái gì thì càng không tới cái gì cả. Càng chán đời thì càng yêu đời; càng yêu đời thì càng cảm tạ cuộc đời và cảm tạ nỗi chết. Mỗi lần tâm thức được chuyển hoá trọn vẹn thì tất cả nghịch cảnh khó khăn nhất đều là thuận cảnh đầy thần linh di động. Nó đang mở lòng phơi phới với gió, chim, đất, trời, chiêm bao và thực tại. Tất cả mọi sự đều có ý nghĩa, nếu mình không còn muốn gì nữa. Chỉ một ý tưởng thoáng qua cũng đủ đóng khép lại cả một thế giới, và một thế giới khác được mở ra huy hoàng với một ý tưởng sáng rực. Phải thường trực lưu ý rằng tâm thức mình trống trải và trống rỗng, vừa trống rỗng vừa sáng rực. Sự rực ngời của tâm thức là điều không thể tránh được; trong đêm tối hoang vu nhất của đời người vẫn rực sáng tâm thức bất động, tâm thức thuỷ tinh, tâm thức lưu ly. Tâm thức không là cái gì cả; đó là sức mạnh khủng khiếp của tâm thức. Tâm thức là hư vô mà không phải hư vô, hư không mà không phải hư không. Những lúc mình mất đất đứng và mất hết tất cả thì hư vô lộng hành. Sống với hư vô là điều kiện tối thiểu để chợt nhận ra rằng tất cả mọi sự đều thơ mộng và cần thiết. Chỗ đi tới của cuộc hành trình vô tận là mỗi bước chân; chuẩn bị lên đường là đã lên đường; chưa lên đường là đã lên đường. Phát bồ đề tâm là đã thực hiện bồ đề tâm. Thực sự muốn thành Phật thì tức nhiên đã thành Phật rồi; trong đời sống, rất ít ai thực sự muốn cho đúng nghĩa. Chỉ thực sự muốn cho đúng nghĩa là lúc nào tâm thức hoàn toàn trống rỗng và rực sáng; lúc ấy, đạt tới ý muốn hay không đạt được ý muốn bỗng trở thành phù phiếm, vì chính tâm thức cũng là phù phiếm, mộng, huyễn, dương diệm, ảnh, hoá… Bầy quạ đen bay vụt từ tâm thức. Tâm thức là hơi thở di động; hư vô đang thở trên trang giấy. Nó ngồi viết, không cố gắng, không mục đích, không ý nghĩa. Nó không đi tìm hạnh phúc. Nó đang ngồi thở thanh bình, thở im lặng, thở gió, thở trái đất. Hơi thở không thuộc về ai cả. Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ…
(Chương 31 trong “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”)
.
5. Hãy Để Tất Cả Thế Giới Bị Tiêu Diệt Và Chỉ Xin Chừa Lại Đà Lạt
Phạm Công Thiện
Tôi đã đánh mất ý niệm thời gian. Tôi bắt đầu để ý quan tâm đến những ngày tháng ghi trong lịch và thường hay ngó đồng hồ; tôi cũng thường hay hỏi tuổi tác của người khác. Đó là những dấu hiệu bệnh hoạn tâm thần: sự sợ hãi hoảng hốt càng lúc càng trở nên trầm trọng trước cái gì vụt thoáng bay mất mà tôi không thể nào níu kéo lại được, như trước sự bỏ đi biệt tăm biệt tích của một hơi hám đàn bà nào đó đã chết đi chầm chậm trong những ngày nằm một mình ngó lên những bóng ma mộng mị lai vãng tới lui qua lại trong gian phòng nhỏ. Tôi đã chạy trốn tất cả qúa khứ hay chính tất cả qúa khứa đang chạy trốn tôi ? Có một cái gì vô cùng bí mật đã xô đẩy tôi trở về Los Angeles sau hai chục năm trời, một cái gì lạ lùng như sức hút mãnh liệt của vòng trôn ốc tinh cầu, một cái gì bất ngờ đã bôi sạch hết những gì đã tàn phá tôi từ mười ba năm nay. Năm 1970, đang lúc được mời đi dự hội nghị quốc tế ở đại học đường Jeruralem, một cái gì đó xẩy đến bất ngờ khiến tôi bỏ hết tất cả, và hoàn toàn không chuẩn bị, tôi đã lấy máy bay đi trở về Paris và bỏ làm Khoa trưởng Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1970 cho đến nay. 13 năm lưu lạc như lục bình trôi sông, từ Paris cho đến Munich và ở lại Toulouse gần mười năm. Thế rồi bây giờ ngồi đây trong gian phòng nhỏ ở Los Angeles, cánh mái tam quan của chùa Việt Nam đầy những con bồ câu bay lượn tứ tung và cả khu cửa sổ mở vút lên tận trời cao mà chiều hôm qua tôi đã đứng rón rén ngó lên một đám mây nhỏ thong dong một mình giữa cả một bầu trời mênh mông vô hạn
Mười ba năm tôi đã quên hẳn quê hương và mất hết mọi liên lạc với tất cả những gì gọi là Việt Nam. Tôi còn tệ hơn cả một tên vong quốc. Tất cả gốc rễ chằng chịt nuôi dưỡng tôi lớn khôn đến ngày hôm nay đã bị chém đứt hết. Tôi căm thù mấy chữ “dân tộc tính”. Tất cả lịch sử Việt Nam đã chết trong tôi. Tôi muốn tất cả nước Việt Nam bị tiêu diệt và chỉ chừa lại thành phố Đà Lạt mà thôi. Chỉ có Đà Lạt mới xứng đáng là Việt Nam trong tất cả mọi ý nghĩa thiêng liêng nhứt và thơ mộng nhất của Việt Nam. Hãy để tất cả thế giới bị tiêu diệt và chỉ xin chừa lại Đà Lạt và Tây Tạng. Đối với tôi Đà Lạt là Tây Tạng, cái gì cao nhứt và hoang vu nhứt của đời tôi: sông Cửu Long bắt nguồng từ vùng núi cao của Tây Tạng. Chỉ những đạo sĩ mới giải phóng Tây Tạng trong tương lai, cũng như chỉ những thi sĩ mới giải phóng toàn thể nước Việt Nam trong nay mai, và hành động đầu tiên quyết định tất cả là giải phóng Đà Lạt trong tâm thức của từng người Việt Nam. Tất cả những chiến tranh vũ trang phải được dẫn đạo bằng mặt trận đầu tiên và mặt trận quyết định cuối cùng. Mặt trận thi ca. Khi toàn dân Việt Nam không còn được tự do thong dong để mơ mộng, khi cả một chính quyền chỉ đẻ ra những tên thợ thơ, những tên làm thơ tuyên truyền, những tên đã giết chết hết những gì thơ mộng nhứt của Việt Nam thì lúc ấy có cái gì linh thiêng nhứt và hùng mạnh nhứt như vũ bão ngấm ngầm mấy ngàn năm heo hút của sông Nhị Hà và sông Cửu Long sẽ bất ngờ bừng vỡ lên như cơn động đất toàn diện, và tất cả Mùa Xuân của Việt Nam sẽ bừng dậy như cả rừng đào đỏ máu của Đà Lạt. Chỉ có Thơ và Tơ Tưởng (chữ của Hàn Mặc Tử) mới giải phóng Việt Nam. Thơ ca ở đây không có nghĩa là những bài, những bài ca ngớ ngẩn mất dậy của một lũ văn nghệ ngu xuẩn chỉ đùa chơi lố bịch với ngôn ngữ hấp hối: và Tơ Tưởng ở đây không phải chỉ là triết lý ý thức hệ nông cạn của thứ chủ nghĩa Marx-Lenine rẻ tiền, và của cả thứ chủ nghĩa triết lý phân tích ngôn ngữ hay thực dụng coca-colaism. Chỉ có thi sĩ mới có được tơ tưởng lớn nhất mới chuẩn bị mở đường về Quê Hương. Tất cả còn lại chỉ là một hơi thở tàn tạ trong trái tim của một con chim én bị bắn rớt vào một buổi chiều hoang vu nhất mặt đất. Từ khi con người có trên mặt đất này, con người đã tìm mọi cách để xua đuổi phỉ báng thi sĩ. Người ta thường sung sướng tự mãn cho rằng thi sĩ chỉ biết mơ mộng và không thực tại thực tế thực tiễn. Lời kết án ấy trở nên qúa sáo, đến nỗi người ta còn có can đảm xử dụng mà không hề thấy mắc cỡ về sự ngu xuẩn của mình. Người ta làm như người ta hiểu Thơ là gì, hiểu Mơ Mộng là gì, và hiểu Thực Tại là gì. Thực là khôi hài.
Có một câu của Heidegger đã không ngớt ám ảnh tôi từ trên mấy chục năm nay. “Thơ ca không phải chỉ là một đồ trang sức phụ hoạ đời sống, cũng không phải là một cơn xúc động nhiệt tình nhất thời hay chỉ là một sự quan tâm thích thú và tiêu khiển mua vui giải sầu. Thi ca là nền móng căn bản cơ sở chống đỡ lịch sử, vì thế thơ ca không phải chỉ là một phát hiện văn hóa, và hoàn toàn không phải chỉ là “diễn đạt” của một thứ “linh hồn văn hóa” . Những giòng ấy quyết định một cái gì trầm trọng nhứt trong lịch sử con người trên mặt đất: Chính Ngôn Ngữ kiến lập tạo thành thế giới. Và chỉ khi nào thế giới phát hiện thì mới có cái gọi là Lịch Sử. Ngôn ngữ không phải chỉ có mục đích diễn đạt truyền thông, mà hơn cả mọi sự, Ngôn Ngữ chính là biến cố quan trọng nhứt khai mở khả tính tối thượng của đời sống con người trên mặt đất. Lúc thành kính chiêm ngưỡng Holderlin, Heidegger có tư tưởng quyết định: ” Thơ ca là Ngôn ngữ Uyên nguyên (Ur-Sprache) của một dân tộc có sử tính”. Đối với Holderlin, thi sĩ là kẻ đạo đạt “tiếng nói của dân tộc”, là kẻ bị hất ra ngoài đời sống tầm thường vủa thế nhân và đứng giữa những thần linh và loài người. “Nhưng chỉ ở chỗ giữa này mà lần đầu tiên mới quyết định con người là ai và con người an định đời sống mình ở đâu. Con người chỉ thực sự là con người khi con người biết lưu trú một cách thơ mộng trên trái đất (Holderlin). Chỉ có thi sĩ là tạo dựng lại mọi sự “bằng Ngôn Ngữ và qua bên trong Ngôn Ngữ.” Phải phá vỡ tất cả Ngôn Ngữ mất gốc rễ của Việt Nam hiện nay. Chỉ có cuộc Cách Mạng Ngôn Ngữ mới là cuộc Cách Mạng duy nhứt dẫn đầu tất cả mọi thứ , và hiển nhiên chỉ có thi sĩ mới làm được sự chuyển hóa toàn diện trong ngôn ngữ Việt Nam bằng cách lắng tai nghe trong Im Lặng của sư Cô Đơn cùng cực, lắng tai nghe Tiếng Nói của Dân Tộc âm thầm trổi dậy từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, Tiếng Nói phát lên từ sự sụp đổ toàn diện của tất cả mọi giá trị, của mọi truyền thống. Holderlin đã đau đớn nhắn lại những thi sĩ nhân loại rằng thời đại này là thời đại mà “những thần linh đã đi mất và thần linh mới chưa tới.” Thi sĩ phải chịu đứng giữa cái gì linh thiêng nhứt đã mất và cái gì linh thiêng khác chưa xuất hiện. Vì thế thi sĩ phải bị hất ra ngoài lịch sử để dựng lại lịch sử uyên nguyên của Dân Tộc. Thi sĩ không nô lệ vào sự tất định của lịch sử, vì chính thi sĩ là sự thể hiện sự tự do toàn triệt của Sáng Tạo; sự tự do toàn triệt này không phải là sự phóng túng nghệ sĩ lông bông mà chính là tất yếu tính nội tại của tất cả sử tinh. Câu thơ mộng của Holderlin không ngớt ám ảnh tôi gần mười năm nay “Hãy để thi sĩ tự do thong dong như những con chim én” . Viết tới đây tôi nhớ tới Nguyễn Du hay Hàn Mặc Tử, và tôi hình dung tưởng tượng Nguyễn Du hay Hàn Mặc Tử đang đầu thai sống lại tại đất Việt Nam, và thử tưởng tượng họ đang làm gì. Tôi không biết, chỉ một điều mọi người đều biết: Tất cả những con chim én đều sẽ lần lượt bị tắt thở ở quê hương ./.
(Ký dưới tên Nguyên Tánh, trong tập Đà Lạt Tưởng Niệm Dưới Mặt Đất, nhà xuất bản Thuận Hoá, 1985, California) – Nguồn: Gió-o
.
6. Những ngày hoang vu trên mặt đất
Phạm Công Thiện
Tất cả đều xuất phát từ cơ cấu của ngôn ngữ, cú pháp, văn phạm, ngữ pháp: tất cả những thứ ấy làm lung lạc mờ tối nhận thức bén nhạy trong suốt giữa lòng sự sống. Những hình dung từ, những trạng từ, động từ, danh từ tham dự trọn vẹn vào ý nghĩa đời sống và giết chết mọi thơ mộng ngây thơ của trực kiến.
1
Chỗ đứng của mỗi một chữ đều khuôn định một trạng thái tâm tư và cảm giác: một tháp Chàm trơ trọi đứng giữa cánh đồng như một chữ lạ lùng trong một bài thơ. Tiết nhịp âm thanh là hơi thở và làm sống dậy những năng lực huyền bí của một thứ tiếng nói đang được khai sinh ra trong động tác và cử chỉ. Mỗi trang viết chỉ được vài ba câu, và trong vài ba câu ấy chỉ được vài ba chữ, và trong vài ba chữ ấy chỉ còn lại một chữ độc nhất. Tất cả mọi chữ không cần thiết đều dồn tới một chữ duy nhất, vì thế tất cả tất cả những trang không quan trọng đều cần thiết, cũng như những sai nhịp, những chữ lạc nghĩa, những chữ vô vị tầm thường đều vô cùng quan trọng để lót đường cho một cái gì bất ngờ vụt tới như sao xẹt, như lửa táp, như sấm nổ, như địa chấn. Cưu mang chịu đựng tất cả những vô vị nhàn chán của đời sống là thảm nạn tàn nhẫn mà tất cả những tâm hồn nghệ sĩ đều phải cắn răng mòn mỏi quyết liệt tranh đấu từng giây từng phút một để cứu vãn lại trong đời sống mình một chút mong manh, một chút gì đó khó hiểu để đứng lại và đi tới … một cử chỉ nào đó vô cùng cần thiết để bảo vệ thế giới sáng tạo vô cùng u ẩn và rất dễ dàng tan vỡ …
Rất yêu đời ngày hôm nay, buổi trưa liên miên suy nghĩ về Thập Địa, Thập Hồi Hướng, Thập Đại Nguyên Phổ Hiền, Thập Vô Tận Tạng và Thập Lực. Buổi chiều suy nghĩ về sự khác nhau giữa sự tập trung tư tưởng, tham thiền và nhập định, làm điều tác động và động tác tinh thần để thôi thúc tí nhớ cần thiết. Trí nhớ luôn đi đôi với vọng hình và song tưởng , nhất là loại trí nhớ trừu tượng. Trí nhớ cụ thể thì cần mùi. Người mù cần lỗ tai, mùi vị, và sờ mó, phụ thêm vọng hình trong bóng tối và vọng nghĩa song tưởng trong đầu. Chỉ có sự ham muốn thèm khát, hận thù và nhớ nhung làm cho nhớ dai hơn cả: nhưng sự thù hận kinh tởm qúa độ nhiều khi làm mình quên hẳn đối tượng. Cái làm mình nhớ nhiều nhất là điều đụng chạm tự ái của mình; sự sợ hãi vừa làm mình nhớ vừa làm mình quên: Sợ sống thì quên chết và sợ chết thì quên sống. Chỉ có tình yêu là làm cho mình nhớ dai nhất. Điều mâu thuẫn con người nhớ đủ mọi chuyện chính là con người tự quên mình. Sau cùng chỉ có sự trong sạch trọn vẹn trong tâm hồn là khai sinh và nuôi dưỡng trí nhớ vĩ đại nhất. Trí nhớ vĩ đại nhất thì không có qúa khứ, hiện tại và tương lai. Đúng hơn đó chính là trí nhớ của tương lai vọng ngược vào qúa khứ và hiện tại; hiện tại chìm xuống và qúa khứ được chuyển hoá linh động, và con người rơi vào thế giới sâu thẳm; tất cả trở thành một cơn xuất thần vô hạn, không tác giả, không sinh sinh giả, không thành giả, cơn hoại diệt liên tục giữa nhập thần và xuất thần; và chính là sự đột hiện của thế lực bất hoại của thần linh. Thi sĩ vĩ đại chỉ là nạn nhân thụ động của đôi phút xuất thần; và nếu thi sĩ không có sự tỏng sạch tâm linh cần thiết thì tất cả sẽ vỡ nứt ra thành cơn điên loạn bức tử hoặc bất lực tàn tạ
2
Dọn lại gian phòng và sắp xếp những đống sách, chừng trăm quyển; và sách nhảm nhí thì qúa nhiều. Bỗng nhiên thèm đọc những quyển sách nhảm nhí và thích thú hưởng thụ những khía cạnh bất ngờ của những việc thông thường. Nhiều khi đã lỡ đi thì cố gắng đi cho tới mức cùng tột của khả năng giới hạn của mình. Con ngược lại thì sẽ bị chữ nghĩa lường gạt vô phương cứu chữa, nhất là đề cao “kinh nghiệm sống” và “hành động thực tế”, chính lúc đó thường hay bị một số “kiến thức” nông cạn tác động từ trong vô thức và tiềm thức do tập qúan truyền thống, thói quen và ảnh hưởng tế nhị của khuôn mòn lối cũ và tham vọng và bao nhiêu sự hỗn loạn của đám đông. Tất cả chủ thuyết “quốc gia”, “quốc tế”, xuất phát ra từ đó; tất cả “lập trường thái độ” độc quyền “ái quốc” phát ra từ đó, và từ đó chủ nghĩa cộng sản mới dễ bề thao túng và lường gạt và đảo lộn lại mọi giá trị, hậu quả cụ thể nhất của nghĩa hư vô địa cầu. Đặc trưng của chủ nghĩa hư vô là hay tìm hiệu năng và kết quả thực tiễn hữu ích thấy được: “những gì không thể thấy được thì không thể có”, từ đó chiến tranh bùng nổ, hai người không còn nhìn nhận ra nhau và tất cả thơ mộng bay mất. Sự khiêm tốn tự nhiên bắt buộc phải tự nhận rằng không hiểu cái gì ra cái gì cả, và từ đó sẽ không phê phán ai cả, và tập nhìn, tập thấy, tập viết, tập nói, tập nghĩ, tập cảm thông tất cả những gì chưa trưởng thành ở tâm thức. Lúc đó sẽ thấy mọi sự đều tức cười, vì chính mình cũng là tác giả của tất cả những ngộ nhận ngu muội lớn nhất trong cuộc sống thường nhật. Mình sẽ mắc cỡ khi nói đến “tình thương” và “rộng lượng”, và sẽ cảm thấy lễ độ hơn mỗi khi nghe nói đến mấy khẩu hiệu dễ dàng như “tình thương”, “tích cực”, “xây dựng”, “lý tưởng”, “hy vọng”, vân vân. Bây giờ gần mười giờ tối, định vặt ba bốn trái cam vàng California để tẩm bổ không gian và thơi gian trong cơ thể … Tối nay sẽ thức suốt đêm và thả hồn trí đi lông bông mọi bến bờ tùy thích. Còn gì thơ mộng co bằng sống lủi thủi một mình với một mình và không hận thù đố kỵ ghen ghét ai hết; chỉ có trách nhiệm linh thiêng với tính mệnh nào đó; không ai hiểu định mệnh và tính mệnh của ai, đó là điều qúa dĩ nhiên.
Những phê phán hay trách cứ, những điều ấy đều có sẵn đó mỗi khi nói người khác bần tiện thì chính mình cũng có sẵn sự bần tiện nơi mình. Một người trong sạch thì thấy tất cả mọi sự đều trong sạch. Ngày hôm qua không viết gì cả, trời như muốn chuyển mưa, hôm nay thì trời quang đãng. Thích dùng những chữ không cần thiết như những chữ rất xưa của Việt Nam như “thì”, “mà”, “cái”, “con” … Rất khoái nghe câu “… những chiều con nước về … ” trong bài bất hủ “Trên Ngọn Tình Sầu” của Du Tử Lê, nếu bỏ chữ “con” và thế lại chữ “dòng” thì mất hết tất cả thơ mộng
3
Tối hôm kia thức suốt đêm và bù lại tối hôm qua ngủ lại trọn đêm. Giấc ngủ vô cùng cần thiết như cái chết vô cùng cần thiết cho đời sống. Thử tưởng tượng mình mất tất cả những gì mình đang có trong giờ phút nầy thì mình mới có được cái nhìn thân yêu đối với tất cả mọi sự đang xảy ra tại chỗ. Mỗi một ngày là một đời sống thâu gọn, không có đời sống nào khác trong thế giới này, ngoài ra mỗi ngày và mỗi đêm duy nhất. Ngày mai lại là một ngày và một đêm . Mỗi ngày là một giây phút và mỗi đêm là một giây phút vừa lướt qua và đang tới. Tất cả vĩ đại linh thiêng, qúi phái, thơ mộng, tuyệt đẹp, chỉ nằm trong trong một phút giây phút, một cái nhìn trong giây phút, một sự im lặng trong giây phút, một ý tưởng trong giây phút, một cảm giác trong giây phút, một sự nhàm chán trong giây phút, một sự cô độc trong giây phút, một sự mệt mỏi muốn bỏ cuộc chỉ xảy ra trong nhấp nháy; chỉ cần một hơi thở nhẹ nhàng trọn vẹn cũng đủ để chuyển hóa sự thất bại thành ra sự phong phú tràn trề của một cánh đồng hực lửa khi mùa xuân đang tới. Hốt nhiên thấy mọi sự đều thơ mộng trong giây phút này, những lời những tiếng tới tấp hiện đến, tất cả những gì xảy ra đều linh thiêng, cảm thấy thương hết tất cả, thương hết những gì động đậy trên mặt đất và ngoài cả mặt đất,; mỗi sự sống đều động đậy và ngay đến sự chết cũng động đậy, cái gì động đậy thì có tiếng, có âm thanh, dù là sự im lặng cũng có tiếng và có âm thanh; mỗi một chữ xuất hiện thì một tiếng cất lên và một thế giới sinh thành hoại diệt, rồi thì tất cả mọi sự đều “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”, một trong những cao siêu nhất của Khổng Giáo; tất cả đều đáp ứng kêu gọi nhau; sự nông cạn kêu gọi sự sâu thẳm, thế giới này kêu gọi thế giới khác, “con sếu gọi con trong tối” và “con ong thèm nhớ mật ngọt” …
Hai ngày cuối tuần trôi qua, đầu óc như lên cơn sốt. Gần 12 giờ trưa, đói bụng, cả đời vẫn đói bụng. Cái việc thèm muốn ăn uống cũng đi đôi với tình dục. Ba tháng nay, không ăn thịt thế mà tình dục cũng ngóc đầu như thường và mình phải áp đảo nó xuống. Đọc “Những Áng Mây Sầu” của Nghiêm Xuân Hồng, bài ngắn, rất buồn, cô độc, sâu sắc và nhẹ nhàng như một cụm mây buổi chiều. Đọc một truyện ngắn của Lê Thị Huệ, “Mộng, Thực, Và Kỳ Ngộ”, một truyện viết giản dị, bi đát và thơ mộng đen như bông huệ đen mọc giữa đêm trăng hai giờ khuya. Ngồi đãng trí bâng quơ cả buổi. Đã gặp đâu đó hai lần, giọng nói sâu và chát, đôi mắt sáng, đôi môi sắc và mọng. Trước bàn viết, bên trái bông trắng và tím, bên mặt bông đỏ, và sau lưng, bông vàng, sự hiện diện hữu hình kín đáo của những bông hoa này làm căn phòng có một không khí tươi sáng, như thể âm dương vô hình hành thông, bốn trái cam vàng đỏ trên bàn, bốn trái mộng thần thoại thượng kiếp. Trời lúc sáng như sắp mưa, như trời Đà Lạt; bây giờ nắng vừa sáng rực lên. Tối đêm qua đọc lại những đoạn Celine viết về Toulouse và buồn lên những năm tháng cũ. Tự nói rằng mình phải bóp chết qúa khứ. Mỗi một nhà văn chỉ viết được một quyển sách và mỗi nhà thơ chỉ viết được một bài thơ duy nhất. Tự nhiên bỗng thèm đọc quyểnh Wuthering Heights của Emily Bronte, quyển tiểu thuyết của Emily Bronte là kiệt tác một trong những quyển tiểu thuyết hay nhất của nhân loại, dường như đàn bà viết văn lạ lùng hơn đàn ông. Bỗng nhớ Nguyễn Thị Hoàng một cô bạn rất thân ái ngày xưa … Thường cho rằng Hoàng ham viết văn lãng mạn tình cảm, nhưng đôi khi tình cờ đọc loáng thoáng đâu đó vài ba truyện ngắn gì đó của Hoàng, cũng phải nhận là cô nàng viết văn hấp dẫn và đôi lúc sâu sắc bất ngờ.
(trích báo Đời do nhà thơ Nguyên Sa chủ trương, xuất bản tại Irvine, Nam California, số 34, từ 1 đến 30 tháng 7 năm 1985) – Nguồn: Gió-o
II. Thơ
.
Ngày sanh của Rắn, bài VIII
mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông
.
Mùa xuân bay thành khói
mùa xuân bay thành khói
tôi ca hát một mình
suốt đời không biết nói
nước chảy tràn con kinh
.
quá khứ bay lên trời
biến thành cánh chim non
tôi quì hôn lá mới
đau khổ trắng linh hồn
.
hư vô đổ ra khơi
kỷ niệm trôi qua cầu
bãi chiều không người tới
tình nhỏ quên từ lâu
.
xuân bay trắng núi đồi
tôi nằm ngủ mơ chim
bỗng hét lên trong tối
ngồi dậy thức trắng đêm
.
trời cuối năm gác trọ
đèn tắt suốt đêm dài
con chim mười năm đó
bay về đậu nơi đây
.
hơi thở giết thời gian
bướm nằm chết thang lầu
tiếng chim ru ngày tháng
máu chảy về sông sâu
.
suốt đời không biết nói
tôi ngồi thức một mình
đốt thuốc lên nhìn khói
đêm vọng về vô minh
.
Anh sẽ hiện
Anh sẽ hiện ồ anh sẽ hiện
Cả rừng cây không ai lên tiếng
Bóng tối tràn vũ trụ tan hoang
Tiếng thơ kêu trên đầu con kiến
.
Kiến lửa ngày xưa đốt mộng mơ
Nằm nghe con ngựa nhảy qua bờ
Em về bên ấy quên đi nhé
Anh chẳng bao giờ biết đến thơ
.
Một hàng áo trắng phất trong sương
Vũ trụ chiều nay sao quá buồn
Tôi đắp kín mền trong gác lạnh
Nghe mùa xuân dậy ở đông phương
.
Đông phương xanh lửa dậy tung hoành
Đông phương vàng dẫy chết chim oanh
Trời Paris chiều nay nhân loại ngủ
Em đi đi và nhớ quên anh
.
Đời anh buồn trần gian đi chợ
Mặt anh buồn như chim không thở
Cả sông này cả đời này nứt vỡ thành thơ
Rừng thơ hiện Đông phương im tiếng
.
Anh về rồi mây mọc bên hiên
Ồ em ơi trời đất chìm rồi
Đông phương lặn bướm ngày tan biến.
.
Buồn
Có chuyện buồn trên cao
Phù phép nổi lào rào
Có chuyện buồn hôm nào
Thôi hết còn gặp nhau
.
Có chuyện buồn hôm sau
Có nàng tiên cởi áo
Đôi vú nhỏ nghẹn ngào
Thơm nóng đỏ trăng sao
.
Có chuyện buồn chiêm bao
Nàng tiên cài khuy áo
Mưa dột mấy rừng đào
Thôi hết còn gặp nhau…
.
Mộng
Mộng ở đầu cây mơ lá cây
Giòng sông ngừng chảy đợi mây bay
Kêu nhau nhỏ nhẹ sầu năm ấy
Chim hải hồ bay trắng tháng ngày
.
Tình nhỏ quên rồi em ở đâu
Mây bỏ trời đi tìm sông sâu
Em về lồng lộng như sương trắng
Hồn chết trôi về thương hải châu
.
Đêm
I.
Đêm tối nào ru mái tóc em
Mộng gì lạ thấy quá êm đềm
Em nằm thở nhẹ như bươm bướm
Hai má thơm nồng lại nóng thêm
II.
Anh ngủ dịu hiền trong giấc mơ
Rồi em vờ ngủ rất thờ ơ
Chờ khuya em khẽ bàn tay mộng
Choàng nhẹ vai anh bao phím tơ
III.
Anh vụt cười to động đoá hồng
Dịu dàng em rắc giữa hương nồng
Anh ngồi chỗm dậy như sư tử
Vồ chụp bướm ngàn lúc rạng đông
IV.
Buổi tiễn em đi tận cửa ga
Anh bước theo em – sư tử già:
Dặn dò em nhớ về bên ấy
Đừng để bướm bay lộn mái nhà
V.
Bướm bay rồi thú dữ ở đâu
Hồn anh gầm thét dưới con tầu
Trở về ngủ muộn trên lầu vắng
Bỗng thấy em về trong đêm sâu
VI.
Tuyết trắng bây giờ không thấy bay
Mùa đông đi nhẹ dưới chân giày
Anh nằm mơ tưởng em về lại
Đặt nhẹ mây trời trên cánh tay
VII.
Con bướm xoay mòng bay đi đâu
Mùa đông ôm nhau trên thang cầu
Em ngồi anh hát cười vang xóm
Bồ câu đập cánh bên kia lầu
VIII.
Một con trăng lạ đậu trên đầu
Anh hôn em buồn như cô dâu
Tối xưa hai đứa ôm nhau ngủ
Một kẻ đắm tàu nơi sông sâu.
.
Những gì
Những gì không với tới
Thì có sẵn đó rồi
Bao nhiêu danh vọng hời
Vài ba cụm bèo trôi
.
Một chút mây
Một chút mây và một chút mưa
Hồn em thở nhẹ cõi xa xưa
Buồn bay lên mấy hàng dây thép
Mây trắng em còn phơi ban trưa
.
Rất nhiều buồn và một chút đau
Em chợt hiện về trong chiêm bao
Chiều Paris hò hẹn hôm nào
Tưởng gặp sao mà không thấy nhau
.
Có gì buồn như chút rượu say
Thức trọn đêm và ngủ ban ngày
Trăng khuya một mái nhà ga lạ
Tôi bước đi hoài trọn tối nay
.
Từ sông Seine bèo bọt chợ trời
Băng qua cầu bỗng nhớ Montreuil
Đồi Montmartre hẹn em tiền kiếp
Một chút buồn như có gì rơi
.
Tỉnh lẻ
Chiều hôm băng qua cầu
Phố xưa buồn phong châu
Phù đồ trôi mấy kiếp
Mây trắng nõn trên đầu
.
Những ngày tháng còn lại
I.
Một giờ rồi hai giờ
Một ngày trôi bâng quơ
Nhớ quên rồi quên nhớ
Quên với nhớ hững hờ
II.
Lẳng lặng đời trôi đi
Đìu hiu trăng dậy thì
Lang thang chiều phố thị
Nhớ gì quên biệt ly
.
Tịch diệt
Thoắt đi một đời người
Buồn hoài cũng thế thôi
Triệu năm là giây phút
Chưa đi đã tới rồi
.
Có một bài thơ
I.
Có một bài thơ quên trọn năm
Có người bỏ mộng đi biệt tăm
Có ai lén lút ra ngoài cửa
Có một căn phòng đóng lặng câm
II.
Có gì mà vẫn buồn quanh năm
Có mưa rớt nhẹ qua đêm rằm
Có ai lén lút đi ra cửa
Có một căn phòng đóng lạnh câm
.
Một chiều nào đó ở California
I.
Một gian phòng nhỏ một buổi chiều
Một người tựa cửa đứng buồn thiu
Một cô gái nhỏ băng qua phố
Một tiếng chim xa lọt xuống đèo
II.
Một gian phòng cũ một buổi chiều
Một người tựa cửa đứng đìu hiu
Một người lặng lẽ băng qua phố
Một kẻ xa buồn lén ngó theo
III.
Một gian phòng tối một buổi chiều
Không người tựa cửa đứng đìu hiu
Không ai bước nhẹ băng qua phố
Không tiếng bông khô rụng xuống đèo
.
Sống chết
Sống không ai ngó
Chết chẳng ai lo
Sinh tử ồ chuyện nhỏ
Thương khóc chi lắm trò
.
Thời gian
Hôm qua vẫn trở lại
Dĩ vãng là hôm nay
Ngày mai là hiện tại
Hiện tại chết mỗi giây
.
Mỗi giây mất một đời
Cái gì vừa vụt tới
Liệng bay đi tức thời
Em đâu rồi em ơi
.
(Các bài thơ trên được trích trong tập thơ: Trên tất cả đỉnh cao là lặng im của Phạm Công Thiện – NXB Văn hoá Sài Gòn, 2009)
.
THƠ CỦA PHẠM CÔNG THIỆN ĐƯỢC PHỔ NHẠC
– Tôi Đứng Trên Đồi Mây Trổ Bông – Lê Uyên Phương / Thơ Phạm Công Thiện
https://youtu.be/-SCu5NMgu-w
– Mùa Xuân Bay Thành Khói – Phạm Công Thiện – Lê Khắc Thanh Hoài
https://youtu.be/lxJWvaRplyM
– Mười năm gió thổi – Phạm Công Thiện – Lê Khắc Thanh Hoài
https://youtu.be/N61prN-sUdA
– Em đi nhè nhẹ như rong rêu – Phạm Công Thiện – Lê khắc Thanh Hoài
https://youtu.be/nB8HZa-Zp1w
* Và đặc biệt: Tư liệu quý hiếm
Phạm Công Thiện giới thiệu tác phẩm Huyền Thoại Duy Ma Cật và tác giả Tuệ Sỹ, 11/2007
https://youtu.be/Th68X72PrAE
.
LỜI KẾT
Xin được ghi ra đây trích đoạn ngắn văn thơ của Phạm Công Thiện – coi như là lời kết cho loạt bài Đọc lại Y Thức Mới trong Văn nghệ và Triết học.
“Ý nghĩa của một câu văn, một lời nói, một quyển sách, không quan trọng. Ý nghĩa hoàn toàn không quan trọng, cao siêu, sâu sắc, nông cạn, thiển cận, tất cả tính từ này không quan trọng, chỉ quan trọng là hơi thở mà người nói và người viết đã cô đọng vào đó; chính lòng tronh sạch của người nói và người viết mới quyết định tất cả linh hồn của câu nói và câu viết. Dù người nói và người viết có chết đi và dù mười ngàn năm có trôi nếu câu nói và câu viết ấy còn sót lại thì hơi thở nóng nồng của người nói và người viết vẫn còn nguyên vẹn trong câu văn. Chính cơn say sưa thuần khiết, chính lòng chân thành, chính sự sạch sẽ trong tim đã khiến cho lửa trong câu văn vẫn còn cháy mãi thiên thu.
Một lời nói, dù cao siêu thâm trầm đến tột đỉnh, vẫn hoàn toàn vô nghĩa và nhạt nhẽo; nếu lửa của người nói và người viết không cháy trong lời nói và chữ viết ấy. Lửa trong và lửa ngoài phải tiếp nối nhau, như cây diêm và lưu hoàng, như mặt trời và con mắt của con người, như cơn điên nửa đêm và mặt trăng thượng đỉnh” (Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực đoạn LXI, Phạm Công Thiện, An Tiêm 1967)
[Hết]
.
Nguyên Lạc
_______________________
Phụ đính:
Trên tất cả đỉnh cao là lặng im – Phạm Công Thiện
https://acrobat.adobe.com/id/urn:aaid:sc:VA6C2:ee1be050-1777-4429-89c3-4fa49284c4f6