BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73934)
(Xem: 62317)
(Xem: 39509)
(Xem: 31234)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện tình núi Hương Sơn

28 Tháng Tám 20238:06 SA(Xem: 1289)
Chuyện tình núi Hương Sơn
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Phần 1

Tiết tháng 7, trời Berlin vẫn nắng nóng chang chang. Mùa hè năm nay kéo dài hơn mọi năm.

Tôi đi câu cá với người bạn, chúng tôi mang cả lều và giường chăn cắm trại ngoài hồ. Đêm thứ hai người bạn nói phải về nhà tắm rửa thay quần áo.
Còn lại mình tôi trong căn lều ven hồ, bên kia hồ là rừng rậm. Ở cái hồ này người ta khoang một nửa hồ cấm không cho ai vào. Họ cấm vậy để số thú như con chuột nước, vịt, lele có không gian sống thoải mái.

Lúc đầu tôi kéo khoá cửa lều, nhưng nửa đêm thấy ngột ngạt, tôi mở cửa lều tung ra cho thoáng.

Nằm trong lều nhìn ra mặt hồ nước loang loáng, bỗng tôi thấy bên kia hồ, trong khu rừng rậm có người thấp thoáng. Tôi nghĩ mình nhìn nhầm, vì chẳng ai ở khu rừng bên đó được. Người châu Âu họ chấp hành tốt kỷ luật, dù là hội thanh niên nghịch ngợm chúng cũng chẳng nửa đêm vào khu rừng rậm đó làm gì.

Tôi nhắm mắt định ngủ tiếp, nhưng chẳng hiểu sao cảm giác có người thực sự đang lởn vởn quanh hồ làm tôi khó ngủ, dù biết họ là ai đi nữa cũng chẳng làm phiền mình.

Tuy nhiên đang một mình ở khu hoang vắng, nửa đêm có người nào đó đi xung quanh cũng vẫn cảm giác phân tâm.

Tôi dậy và đi ra ngoài, rảo chân được vài chục mét, tôi gặp một người con gái đang đứng ven hồ ngắm mặt nước.

Đó là một cô gái người châu Á, có lẽ là người Việt vì khu vực này người Việt sinh sống rất nhiều.

Tôi chào từ xa.

-Hallo

Cô gái quay lại chào tôi bằng tiếng Việt.

- Chào em.

Tôi ngạc nhiên, cô ta đội cái mũ nỉ, tuổi chỉ chừng hai mươi, lại gọi tôi bằng em.

Cúi xuống nhìn lại người mình, tôi hoảng hốt thấy chân tay tôi bé đi, tôi chỉ cao bằng vai của cô. Tôi luống cuống, sợ hãi bật hỏi.

- Ôi sao mình lại bé thế này ?

Cô gái cười.

- Em 13 tuổi, đòi lớn đến đâu.

Tôi quay lại nhìn cái lều xem nó có đấy không, nhưng không có cái lều, thay vào đó là một ngôi chùa cổ.

Tôi biết mình đang mơ, ở đây làm gì có chùa.

Đôi khi tôi ngủ mơ và vẫn biết là mình đang mơ, có lúc tôi quyết định trở người để tỉnh dậy thoát khỏi giấc mơ, có lúc tôi cứ nằm để giấc mơ diễn ra như nào thì diễn. Nhưng nếu biết mình mơ và vẫn cố không tỉnh để mơ tiếp xem thế nào, thì chỉ giây lát nữa là tỉnh, cố không được.

Lần này cũng thế, tôi nhìn thấy cô gái bỏ mũ ra, lộ mái tóc bị cắt lởm chởm, cô nói.

- Em là Hiếu phải không, chị tên là Hồng.

Tôi định hỏi sao chị biết em, thì tỉnh giấc dậy. Tôi ra khỏi lều, đến ven hồ chỗ tôi mơ nhìn thấy cô gái đứng, chẳng có gì cả. Tôi nhìn mặt hồ hoảng hốt, có đám rêu đen như mái tóc người bị ai cắt ném xuống, trôi vật vờ trên mặt nước.

Quay lại lều, nhóm lửa, pha trà. Tôi ngẫm xem có quen ai tên Hồng mà hình vóc như thế không.

Nhớ mãi chẳng ra ai cả. Nhất là năm tôi 13 tuổi càng chẳng quen biết chị nào tên như thế.

Có tiếng sột soạt rất nhẹ như tiếng chân người đi trên lá khô, tôi vội mò tay xuống đáy balo để dưới gầm giường xếp, lấy khẩu súng ngắn mà thằng em bên Ba Lan mua cho dạo nọ. Phủ cái áo khoác lên tay cầm súng, tôi ra khỏi lều ngó quanh.

Chẳng có ai, chắc có con gì đi ăn đêm.

Tôi cất súng đi, chợt nhận ra mình đã hoảng mà không mở khoá an toàn, không kéo lên đạn. Lỡ mà có gì thì chẳng kịp đối phó.

Tất nhiên chẳng ai ngủ được tiếp khi trải qua giấc mơ ở nơi hoang vắng một mình như vậy, tôi thức luôn đến sáng, đêm ấy mặt hồ yên lặng, trời không có gió, mọi thứ yên tĩnh. Đặc biệt là máy báo cá đụng dây không hề kêu một chút nào. Đêm trước máy báo liên tục khiến tôi không thể nào ngủ được, chúng tôi câu được 2 con đêm trước, để sổng 4 con. Cá đụng dây hay chạm mồi đến cả chục lần làm máy báo tín hiệu kêu liên tục.

Tôi ra ngồi nhìn đèn báo trên giá đặt hai chiếc cần câu, mong nó báo hiệu để xua đi những suy nghĩ ám ảnh vừa rồi. Nhìn mãi hoa mắt, tôi thấy hai đốm đèn báo hiệu như đôi mắt của người đang nhìn lại tôi.

4 giờ sáng thì anh bạn đi về nhà tắm trở lại, anh mang theo mấy túi lỉnh kỉnh, nói.

- Tao về tắm xong, lấy con gà trong tủ ra luộc , làm phở gà đây.

Chúng tôi lục đục soạn phở gà ăn, ăn xong uống trà, rồi xoay vào chuyện cá, tôi quên luôn giấc mơ trong đêm.

Chiều hôm đó tôi về nhà, sắp ngủ thì giấc mơ hôm qua lại trở lại.

Thường thì giấc mơ liên quan đến gì đó mà mình suy nghĩ, không thể tự dưng đến được nhất là giấc mơ có tên người, có hình người.

Tôi nhớ ra là trong giấc mơ, tôi còn thấy một ngôi chùa.

Phải là những tình tiết tôi đã gặp hay nghe kể từ lúc nào, tôi chẳng nhớ.

Nhưng chùa ám ảnh tôi, chỉ có chùa Hương, nơi có đại đức Thích Minh Hiền trụ trì là ám ảnh tôi nhất trong mấy năm qua.

Tại sao ngôi chùa lại có trong giấc mơ gặp chị Hồng. Chị ấy đằng trước, ngôi chùa đằng sau tôi trong giấc mơ. Có gì liên kết với nhau ?

Người ta đồn đại đức Thích Minh Hiền ngoài là một nhà sư, ngài còn là một thầy pháp cao tay, biết vẽ Mạn Đà La, biết trấn ma, trừ tà.

Hay cô gái kia muốn nhờ tôi nói thầy giải giúp oan nghiệt gì ?

Chẳng phải, cô ấy biết tôi thì tất biết chuyện tôi đòi tiền đồng hồ của thầy không được, tôi chửi thầy không khác gì bà mất gà chửi bọn trộm gà. Sao mà nhờ tôi nói với thầy chuyện giúp được.

Ai đệ tử đại đức Thích Minh Hiền, làm ơn hỏi hộ tôi thầy có quen cô gái nào tên Hồng không ?

Tôi thì chỉ muốn nhận lại đồng hồ, hoặc tiền đồng hồ.

Tôi thực sự sợ những chuyện mơ như này lắm. Nếu như đại đức trả tôi tiền, có lẽ tôi đã không bị ám ảnh bởi những ngôi chùa. Cứ mỗi lần đến ngôi chùa nào cúng Phật, tôi lại nghĩ đến đại đức Thích Minh Hiền đã quỵt tiền mua đồng hồ.

Trong lúc chờ thầy Thích Minh Hiền, tức Nguyễn Nam Sơn trả tiền, tôi phải đi tìm câu trả lời để giải mã giấc mơ của mình. Không giải được, còn vương vấn, còn mộng mị.

thichminhhien


***

Phần 2

Ở thành Nam năm ấy có một người con gái rất đẹp, cô tên là Hồng. Cô có mái tóc dài ngang lưng, mi cong trĩu làm say đắm bao nhiêu chàng trai.

nhiều người theo đuổi, cô nhận lời yêu là một sĩ quan an ninh ngầm, anh phải ra nước ngoài học đào tao nghiệp vụ ở một nước CNXH ở châu Âu. Đó là những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, lúc mà khối CNXH ở châu Âu vẫn còn hùng mạnh.

Thư từ phương xa qua thư lại, năm này nối tiếp năm khác, tình cảm cứ dần nhạt đi, như các cụ nói xa mặt cách lòng.

Bên cạnh cô bao nhiều chàng trai hàng ngày theo đuổi. Còn viên sĩ quan an ninh trẻ vì tính chất nghề, luôn sống trong bí mật.

Ngày nọ chàng sĩ quan an ninh gửi cho cô lá thư cuối cùng.

- Em lấy chồng đi, anh ở bên này đã lấy vợ không về nước nữa.

Cô gái sụp đổ, cô trầm cảm phải vào viện chữa trị. Trong thời gian ở viện, vị bác sĩ lớn tuổi đã có gia đình đã lắng nghe, chia sẻ nguyên nhân căn bệnh của cô, rồi ông tỏ tình với cô.

Vị bác sĩ theo đuổi cô thời gian, không ai chắc họ có gì với nhau không, nhưng đời sống cô được cải thiện, cô có xe máy đi lại và nữ trang, những thứ mà thời ấy cùng lứa với cô ít người có được.

Nhưng người bác sĩ ấy đã có gia đình. Người yêu ở biền biệt phương xa, đã có vợ rồi. Cô gái có mái tóc dài ấy cũng tính tương lai cho mình.

Người cô chọn lần này là một sinh viên vừa tốt nghiệp khoa Luật, là một người cùng thành phố với cô, người thư sinh trẻ ấy có tên là Nguyễn Nam Sơn, sinh ngày 2 tháng 6 năm 1960 tại Nam Định.

Theo đuổi Hồng nhiều năm, ở bên cạnh Hồng, chứng kiến mối tình của Hồng với người khác. Chàng thanh niên Nam Sơn không hề nản chí, anh biết nhất cự ly, nhì tốc độ. Anh chờ đợi như con thú săn mồi, đợi lúc thời điểm thích hợp nhất để ra đòn quyết định.

Tình địch của anh là người hơn anh nhiều ưu thế, đặc biệt là cái mác an ninh ngầm, cái mác tình báo, điệp viên là tiêu chí say mê của bao nhiêu cô nàng bất cứ thế hệ nào, bất cứ tuổi tác nào.

Khi tình yêu của Sơn với Hồng vừa được chấp nhận, thì bỗng nhiên người chiến sĩ an ninh từ xa trở về nước. Anh đợi bên hiên nhà Hồng, chờ cô về , anh xuất hiện và nói.

- Anh đây, anh chưa hề lấy vợ, vì nhiệm vụ anh phải nói dối em.

Cô bàng hoàng, chạy ra vườn ôm mặt khóc.

Người tình cũ vì nhiệm vụ cao cả, vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc trước những tổ chức phản động bên ngoài, những thành phần chống đối đảng và nhà nước Việt Nam ở bên ngoài ( chẳng hạn như kẻ đang viết bài này bây giờ ) phải nói những Lời Nói Dối Chân Thật khiến cô thấy cảm động.

Rồi họ cùng nắm tay nhau như bài Nối Lại Tình Xưa.

Bố Hồng biết chuyện, mắng con.

"Ngu thế hả con? Nó ruồng rẫy mày bao năm, giờ về thả mấy lời ngon ngọt đã vội cụp đuôi theo nó tới giờ mới về. Nhục quá con ạ"

Hồng chẳng bận tâm, người yêu cô đã trở về, người tráng sĩ ra đi vì non nước đã trở lại. Cuộc tình của họ càng nồng thắm hơn.

Nhưng định mệnh thật ác nghiệt, có kẻ nào đó đã xúi bẩy đến tai vợ người bác sĩ kia, rằng Hồng là bồ nhí của ông chồng bác sĩ, được ông chu cấp xe cộ, tiền bạc, nữ trang.

Vào một tối của năm 1985, Hồng bị hai người đàn ông và vợ ông bác sĩ bắt cóc mang đến một căn phòng. Vợ bác sĩ sau khi cho hai người kia đánh cho Hồng một trận, cắt tóc cô, rồi đưa ra điều kiện.

- Con đĩ, một là mày ký giấy xác nhận ngủ với chồng tao và nhận tiền bao của ông ấy, hai là mày cầm lọ thuốc ngủ này uống đi.

Hồng đã chọn thuốc ngủ, cô biết nếu việc lộ ra, cô chẳng còn mặt mũi nào để sống với người chiến sĩ an ninh kia được nữa.

Cô về nhà, tắm rửa, dọn dẹp, đốt một số thứ, viết một vài thứ. Rồi lạnh lùng rót nước để chiêu vốc thuốc ngủ, trước khi đi vào cõi chết, cô dặn mẹ cô rằng.

- Mai con nghỉ làm, mẹ cứ để con ngủ nhé.

Cái chết của cô làm xôn xao thành Nam nhỏ bé và nghèo nàn vào năm đó, một người con gái đẹp với mối tình phức tạp với anh sĩ quan an ninh biệt phái công tác ở nước ngoài, với vị bác sĩ đáng kính và với một chàng luật sư trẻ tuổi hiền lành, ít nói.

Bà vợ ông bác sĩ phải ngồi tù, số phận của bà cũng bi thảm, bà bệnh và mất trong thời gian đang ở tù.

Còn chàng sĩ quan an ninh trở lên điên dại, chắc hẳn chàng rất đau đớn. Bao nhiêu năm biệt phái lăn lộn xứ người, để tìm hiểu nội tình bọn phản động hải ngoại, góp công triệt phá chúng để bảo vệ chế độ Việt Nam XHCN. Ngày anh về tưởng được đền đáp, người yêu trong tay và sự nghiệp phía trước rộng mở, anh được cơ cấu lựa chọn hứa hẹn sẽ là một sĩ quan cấp cao trong cục tình báo công an.

Mọi thứ bỗng nhiên sụp đổ trong một ngày định mệnh.

Anh trở nên điên dại, hàng ngày anh chầu bên mộ cô , thắp hương liên tục. Anh vác cả bao tải hương đến để đốt dần. Anh dựng lều bên cạnh mộ cô.
Có người dân nói anh thất tình nên điên, có người lại nói vì anh có nhiều công trạng, anh được cơ câú lên cao, nên có người đã hãm hại anh.

Chuyện đã 40 năm rồi, chẳng biết người dân thành Nam ai là người nói đúng. Với kinh nghiệm của tôi thì có lẽ anh ấy thất tình mà điên thì đúng hơn, vì lúc ấy anh còn trẻ, có cơ cấu thì chức cũng không đáng phải người ta hạ đôc. Hơn nữa từ những lá thư anh gửi về, cho thấy tình yêu của anh với Hồng rất sâu nặng.

Và anh chỉ điên khi cô mất đi, cho nên nguyên nhân thực sự chỉ có thể là anh điên vì sự ra đi của cô.

Người bác sĩ cũng buồn, ông sống như mộng du, rồi đột tử ít lâu sau.

Hôm Hồng chết, Nam Sơn là người ngoài gia đình có mặt đầu tiên, anh lặng lẽ phụ giúp gia đình, cũng như lấy đi một số đồ trong căn phòng của Hồng. Trong đó có một bức tranh màu đen có tên là Biển Đêm.

Khi mộ Hồng chưa xanh cỏ, vợ người bác sĩ vẫn còn đang trong trại giam để điều tra xét hỏi, Nguyễn Nam Sơn tìm đến chùa Hương, anh gặp đại đức Thích Viên Thành và phủ phục xin được xuất gia.

Ai cũng nghĩ anh buồn, anh thất tình , anh ngộ thấy sự đời bi sầu nặng trĩu, nên thoát tục đi tu.

Sự thực nhìn bên ngoài như vậy, sự thực cũng đúng gần hết như vậy.

Người chết, người điên, người đi tù...

Người còn lại đi tu cũng chẳng có gì ngạc nhiên.

Nhưng do Nguyễn Nam Sơn tức đại đức Thích Minh Hiền có ân oán với Bùi Thanh Hiếu, một tên phản động cư trú ở nước ngoài, y chuyên sáng tác những câu chuyện bịa đặt hại người. Chẳng hạn y từng vu vợ ông Nguyễn Xuân Phúc dính đến Việt Á, một năm sau ông Phúc từ chức và khẳng định vợ con ông không hề liên quan. Y cũng từng vu đại gia Nguyễn Cao Trí ẵm 10 nghìn tỷ của bà Trương Mỹ Lan, nhưng 8 tháng sau công an kết luận là anh Trí cầm 40 triệu USD của bà Lan chứ không phải 10 nghàn tỷ như y nói.

Với dã tâm muốn hại người lương thiện đã xuất gia, đã trở thành một đại đức danh vang khắp nước.

Câu chuyện tình đau buồn kia đã 40 năm trôi qua, vẫn bị y khai quật lại để tìm câu hỏi.

- Ai đã thông tin cho bà vợ ông bác sĩ, ai đã xúi bà ý phải bắt cô Hồng ký giấy xác nhận ngoại tình với chồng bà ?

***

Phần 3

Công an bắt bà vợ ông bác sĩ và hai gã đàn ông đánh thuê để làm rõ nguyên nhân vụ đánh ghen. Trong thời gian giam giữ để điều tra đó, Nguyễn Sơn Nam đến chùa Hương xin xuất gia.

Khoảng 10 năm sau ngày cô Hồng tự vẫn, có cố nhân tìm đến chùa Hương gặp Thích Minh Hiền ( tức Sơn Nam ). Đó là vào mùa xuân năm 1994. Thích Minh Hiền đang là sư Bác và vừa tốt nghiệp cử nhân Phật Học của trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam tại TP HCM.

Khi bên ngoài chật ních người chen vai đi lễ hội chùa, trong gian phòng tiếp khách của sư Hiền, không gian như đóng cứng, ngột ngạt.

Người phụ nữ già quyết định phá vỡ không khí gượng gạo và ngột ngạt ấy.

- Bạch thầy, kiếp tu hành đến giờ, thầy đã thấy thanh thản nhiều chưa ?

Sư Hiền dường như đã chuẩn bị câu trả lời cho câu hỏi này từ rất lâu rồi, Sư biết có ngày nào đó, dù 10 hay 20 năm nữa sau khi cô Hồng chết, cố nhân sẽ đến hỏi câu này. Gần 10 năm tu học, sư đã chuẩn bị sẵn cho cầu trả lời kín kẽ.

- "Thưa bà! Cuộc đời của mỗi con người có rất nhiều ngã rẽ. Có ngã rẽ đi vào ngõ cụt, có ngã rẽ đưa ta vào một thế giới mới mà chỉ lúc đó ta mới ngộ ra.
Nói rồi sư Hiền đứng dậy, lấy trong tráp ra một chiếc phong bì tặng cố nhân.

Người phụ nữ già đi xuống bến đò, sư Hiền đứng trên chùa nhìn theo, khi chiếc đò chở người phụ nữ khuất, sư thở phào nhẹ nhõm và quay vào trong.

Đò đi được nửa đường, người phụ nữ già bóc phong bì ra xem. Đó là một tấm ảnh của sư Hiền trong lễ bế mạc khoá học ở trưởng Cao Cấp Phật Học.
Bà nhìn đăm đăm vào phía đối diện, như có ai đó đang ngồi trước mặt bà, bà nói.

- Thôi con ạ, chuyện đến đây cũng đủ rồi.

Người chèo đò ngơ ngác, anh tưởng bà nói gì với mình về việc chèo đò hàng ngày, anh đáp.

- Vâng, chuyến này chuyến cuối bà ạ, ngày hôm nay cháu làm mấy chuyến cũng đủ rồi.

Người phụ nữ già miệng nói với người vô hình trước mặt chuyện đã đủ rồi, như lời khuyên chấm dứt một câu chuyện đã qua.

Nhưng trong đầu bà lại hiện về phiên toà xét xử vợ ông bác sĩ và hai tên đánh thuê, với những lời khai rùng rợn, có tính chuyên nghiệp và tàn nhẫn.
Trước toà bà vợ bác sĩ khai do ghen, đã thuê hai tên lưu manh thực hiện.

Chúng chụp bao tải lên đầu cô gái, mang đến căn phòng nào đó, cắt tóc và đánh cô gẫy răng, máu và răng rơi tung toé trên nền nhà. Chúng bắt cô phải viết giấy xác nhận.

Nguyên văn lời bà bác sĩ lúc đó khai trước toà, được hai kẻ thuê kể lại.

-"Con đĩ, mày chọn đi. Hoặc ký vào tờ giấy xác nhận là mày đã ngủ với chồng tao và chiếm đoạt nhiều tiền bạc của ổng. Hai là lọ thuốc ngủ này. Xe máy, nữ trang của mày hôm nay tao lấy lại..."

Toà theo nhân chứng, vật chứng đầy đủ mà công an đã điều tra, kết án bọn người dã man ấy với mức án nghiêm khắc mà chúng đáng phải nhận.

Kết quả khám nghiệm tử thi, cô Hồng vẫn còn trinh. Đây là điều tế nhị và nó không cần phải trưng ra toà vì dù có hay không cũng chẳng thay đổi tội danh của những con ác thú.

Người ta chỉ biết một phiên toà xử đánh ghen, xử những hành động tàn ác, thế là đủ cho một phiên toà.

Chẳng ai biết rằng, đằng sau phiên toà ấy còn có một phiên toà khác được diễn ra âm thầm.

Số là người phụ trách an ninh văn hoá những năm ấy là tướng Dương Thông.

Tướng Dương Thông sinh năm 1924, ông có thời gian dài hoạt động cách mạng ở Nam Định, cuộc đời ông có nhiều gắn bó dấu ấn với vùng đất thành Nam này, ông lấy vợ người Nam Định.

Chính ông đã cử người an ninh trẻ, người yêu cô Hồng đi công tác nước ngoài. Đến năm 1989 một an ninh ông phái đi Berlin đã trốn ở lại, tiếp đến năm 1990 ca sĩ Ái Vân mà ông đồng ý duyệt cho đi cũng trốn ở lại Đức. Kể sơ lại những điều này để thấy vai trò trong việc quản lý an ninh văn hoá, cài người là một trong những biện pháp nghiệp vụ của tướng Dương Thông.

Vụ án đánh ghen dẫn đến chết người ở thành Nam, mảnh đất gắn bó với tướng Dương Thông, nơi người chiến sĩ dưới quyền mình liên quan đến, tất là nỗi quan tâm chú ý của vị tướng văn hoá đa tài này.

Tướng an ninh văn hoá Dương Thông nhận ra ngay rằng một mụ đàn bà đánh ghen vô cớ, không biết chắc rằng chồng mình có ngủ với người ta không, mà âm mưu thuê những kẻ chuyên nghiệp, thực hiện chuỗi hành động tàn ác và rất bài bản, đặc biệt đoạn tra tấn để lấy được bản xác nhận của cô Hồng.

Ông nghĩ chi tiết bắt viết giấy xác nhận chỉ có những kẻ trong ngành công an, ngành luật mới cần những thứ đó. Một mụ đàn bà đi đánh ghen, lồng lộn gặp gì phang đó. Làm sao mà lạnh lùng tổ chức bắt cóc, tra tấn tàn bạo để lấy lời khai như thế làm gì. Phải có kẻ đứng sau bày mưu, xúi dục và tiêm nhiễm cho bà vợ bác sĩ làm chuyện như thế.

Kẻ đó tất phải là người mưu trí , tàn nhẫn, lạnh lùng, làm được việc lớn.

Kẻ có nghề và kiềm chế được cảm xúc của mình, kẻ đó không phải là người chiến sĩ an ninh đã bị điên, ông đọc những lá thư tình của người chiến sĩ an ninh gửi cho Hồng, kết luận anh ta không đủ sự kiên nhẫn, lạnh lùng, toan tính để xúi bà vợ kia làm vậy.

Ông mỉm cười, ông vừa phát hiện ra một nhân vật mà tương lai sẽ đắc dụng trong công việc của ông.

Tướng Dương Thông về thành Nam, ông chỉ đạo ban điều tra vụ án chỉ tập trung hành động đánh ghen của các đối tượng, không cần mở rộng vì việc chỉ có thế, rõ ràng rồi, xử nhanh để dư luận khỏi chờ. Gạt bỏ những cái tên nghi vấn với vụ án như Nguyễn Sơn Nam.

Một tháng sau khi tướng Dương Thông về Nam Định. Người luật sư trẻ tuổi , điềm đạm, người luôn giấu được cảm xúc của mình, người bình tĩnh bên xác người yêu thu nhặt những món đồ liên quan đến mình, chàng trai Nguyễn Sơn Nam đến chùa Hương xin đại đức Thích Viên Thành cho xuất gia.

Sơn Nam được đại đức thu nhận dễ dàng một cách không ngờ ban cho pháp danh là Thích Minh Hiền, sau đó được ưu ái cử đi học cao cấp Phât Giáo.

***

Phần 4

- Riêng tôi, đi tu không phải là để tìm quên một điều gì, mà đó chính là vận mệnh của tôi, là ngã rẽ mà tôi tâm đắc nhất.

Mười năm sau khi xuất gia, Nguyễn Sơn Nam đã trở thành một sư bác đĩnh đạc, tự tin, điều khiển được tâm lý người đối diện.

Thích Minh Hiền trả lời thẳng với người quen cũ từ thưở trước. Sư đi tu không phải tìm quên mối tình với cô Hồng như nhiều người lầm tưởng, sư đi theo vận mệnh, theo ngã rẽ mà sư thấy tâm đắc nhất.

Ngã rẽ vận mệnh mang đến cho sư danh vọng tột đỉnh và tiền bạc chất ngất hơn nữa là một thứ quyền lực mềm có thể sai khiến, điều khiển, chi phối được rất nhiều người.

Cái ngã rẽ do trung tướng an ninh Dương Trọng Thông ( thường gọi là Dương Thông ) đã vạch ra cho sư.

Trong chùa Hương đệ tử của đại đức Thích Viên Thành rất đông, đặc biệt trong số đó có một vị sư từ quân đội xuất gia rất được đại đức Thích Viên Thành sủng ái.

Cuối năm 1975, lúc ấy quân đội vừa đánh miền Nam xong, thế lực rất mạnh, nhân lực cũng hùng hậu. Bộ quốc phòng ý kiến với Bộ chính trị đưa một số cán bộ quân đội sang phục vụ bên Bộ Nội Vụ ( tức Bộ Công An bây giờ)

Cục trưởng Dương Thông nghe trưởng phòng 1, phòng tổ chức cán bộ cục Nguyễn Ngọc Cát báo cáo về việc cấp trên đưa đến một số chiến sĩ từ tổng cục 2 tình báo quân đội. Một trong những sĩ quan đó là Khổng Minh Dụ, sau này leo đến chức cục trưởng cục an ninh văn hoá với hàm thiếu tướng.

Dương Thông thở dài ngao ngán, một Nguyễn Quang Phòng từ tổng cục tình báo chuyển sang làm phó chưa đủ, giờ tình báo quân đội còn đưa Khổng Minh Dụ sang chỉ làm mỗi nhiệm vụ giám sát ông nữa.

Dưới sự nâng đỡ của Nguyễn Quang Phòng, Khổng Minh Dụ leo lên rất nhanh. Cặp đôi này cưụ tình báo quân đội này đã khẩn trương xây dựng cơ sở cài người vào những vị trí quan trọng có ảnh hưởng đến đời sống văn hoá xã hội.

Là người từng có mặt trong cuộc chiến đấu với bọn nhân văn giai phẩm, Dương Thông rất hiểu tầm quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ tư tưởng, an ninh văn hoá. Chiếm được những vị trí có ảnh hưởng xã hội về văn hoá, tư tưởng, tôn giáo là điều kiện bắt buộc của nhiệm vụ bảo vệ an ninh tư tưởng.

Trong văn hoá tư tưởng thì tôn giáo có một vai trò quan trọng. Chính sách nhà nước Việt Nam xác định rõ Công Giáo chịu quá nhiều ảnh hưởng của phương Tây, rất khó bảo. Việc cài người vào Công Giáo thời điểm ấy gần như là không thể, thành công không đáng kể, chỉ có mấy linh mục đoàn kết lẻ tẻ. Nếu không kiểm soát được Công Giáo Việt Nam thì phải hạn chế nó phát triển. Song song với việc hạn chế phát triển CG thì cần phải đẩy mạnh phát triển PG vốn dĩ có nhiều người của nhà nước đang sẵn trong đó.

Tổng cục tình báo bộ quốc phòng và tổng cục an ninh bộ công an là những đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng trên. Nhưng vì phân công nhiệm vụ thì tổng cục an ninh là đơn vị thực hiện chính, cho nên tổng cục tình báo quân đội đành phải đưa người mình sang.

Chùa Hương được xác định là một điểm quan trọng trong mặt trận văn hoá tư tưởng sẽ phát triển ở những năm sau này. Về địa bàn, lịch sử, vị thế đều chiếm những ưu thế cực tốt. Đến bây giờ thì chắc chắn khẳng định tầm đánh giá của cơ quan an ninh ngay từ những năm đầu thập kỷ 80 là hoàn toàn chính xác.

Dương Thông đã đưa Nguyễn Nam Sơn vào chùa Hương, ép Thích Viên Thành phải tiếp nhận.

Đúng bài mà tổng cục tình báo quân đội đưa Khổng Minh Dụ về cục an ninh văn hoá bắt Dương Thông phải tiếp nhận.

Khi đưa Nam Sơn vào chùa Hương, mục đích là để sau này nắm chức trụ trì, nhất là Sơn được cử đi học Cao Cấp Phật Giáo, là hạt giống chạy đua với sư MT quân đội xuất gia. Một cuộc họp đã diễn ra giữa an ninh, Nguyễn Quang Phòng muốn đưa người mình sẽ thay thế Thích Viên Thành, còn Dương Thông muốn đưa Nguyễn Nam Sơn thay thế.

Khi đưa lý lẽ, Dương Thông đã chiến thắng thuyết phục.

Một trong lý lẽ đó là Sơn từng học đại học, tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ , làm truyền thông, làm văn hoá sẽ tốt hơn một chiến sĩ tình báo từ quân đội ra. Tuy nhiên lý lẽ này chỉ là một phần vì bản thân Nguyễn Quang Phòng, Khổng Minh Dụ cũng từ tình báo quân đội ra.

Cái lý lẽ quan trọng nhất mà Dương Thông thuyết phục được để người của ông chiếm lĩnh được chùa Hương, đó là cái lý cốt lõi trong ngành an ninh mà ông Tô Quyền ( thân phụ của bộ trưởng Tô Lâm ) đã phát triển thành phương châm đánh địch.

Đó là phương châm lấy ác trị ác.

Ngành an ninh có những bí mật tác nghiệp không dạy trong trường đại học an ninh. Không bao giờ có trong sách vở. Những bí mật tác nghiệp này y hệt những bí kíp trong chuyện của Kim Dung, những chiêu thức không bao giờ dạy trong võ đường. Những chiêu thức chỉ có sư phụ nhìn thấy học trò nào có phẩm chất, tin yêu thì truyền thụ, hoặc trong gia đình truyền lại cho nhau từ đời này sang đời khác.

Đến đây thì nhiều bạn đọc đã hiểu vì sao có những lãnh đạo công an xuất thân chỉ trung cấp, cảnh sát giao thông, cảnh sát bảo vệ mà leo lên được làm lãnh đạo dù không có thân thế gì. Đó là dạng được sư phụ phát hiện có xương cốt để lĩnh hội được võ công, tức là có độ nham hiểm , tàn ác, lạnh lùng để làm được những việc mà trường đại học an ninh không dạy.

Cũng hiểu vì sao ngành công an vấn đề con nối nghiệp cha rất được ưu tiên.

Hãy nghe thiếu tướng Nguyễn Quang Hùng ( là con trai của cố thiếu tướng phó tổng cục an ninh Nguyễn Quang Phòng) thổ lộ với người bạn là thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái ( Thái là cấp dưới của Dương Thông, Nguyễn Quang Phòng )

- Bí mật ấy là của ngành Công an, của Đảng và Nhà nước chỉ đạo, đúc kết mà nên. Vì thế, nếu gia đình nào có nhiều người, nhiều đời tham gia lực lượng CAND thì đó sẽ là môi trường vô cùng thuận lợi để truyền cho nhau những bí quyết, kinh nghiệm xương máu không thể lộ lọt ra ngoài nhiều thông tin nội bộ. Các cụ ta thường dạy “sống để dạ chết mang theo” là như thế. Tôi tự hào vì gia đình tôi học hành thông minh và có đến ba đời chọn ngành Công an để làm việc, cống hiến”.

Một hồ sơ khác nằm ngoài hồ sơ vụ án cô Hồng tự vẫn được đưa ra cho mọi người trong cuộc họp xem.

Nguyễn Quang Phòng đọc xong, mọi người nhìn ông xem có phản đối gì không. Nguyễn Quang Phòng lắc đầu thán phục.

- Cậu này quá đủ năng lực đảm nhiệm. Nhưng chúng ta cần bồi dưỡng thêm, cậu MT xin cứ để làm phương án dự phòng.

Cuộc đời Nguyễn Nam Sơn đi vào ngã rẽ vận mệnh như ông ta nói.

Chú ý Sơn không nói ngã rẽ số phận, ngã rẽ định mệnh như người ta hay nói. Ông dùng từ vận mệnh.

Những từ này người ta dùng trong những trường hợp như thế nào, tôi nghĩ các bạn đọc của tôi có thừa kinh nghiệm và trình độ để hiểu những từ này dùng trong những trường hợp nào.

Ông ta tâm đắc với ngã rẽ vận mệnh của mình, ngã rẽ bỏ lại sau lưng một người trinh nữ chết đau thương với mái tóc bị cắt lởm chởm, với hàm răng bị gẫy nhiều cái do những kẻ tàn độc tra tấn , đánh đập.

Người Buôn Gió 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn