BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77544)
(Xem: 63341)
(Xem: 40789)
(Xem: 32422)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chương 6, 7, 8, 9, 10

07 Tháng Chín 20189:23 SA(Xem: 1359)
Chương 6, 7, 8, 9, 10
52Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.73

6

 

 

Khải đem mấy cái lồng chim khuyên ra treo dưới giàn thiên lý rồi đứng ngắm. Mấy con chim trong lồng cũng giương cặp mắt đen láy có viền trắng xung quanh nghiêng đầu nhìn Khải, làm như chúng tò mò muốn tìm hiểu về sinh vật khổng lồ đang đứng trứơc mặt chúng. Giống chim này có thói quen nghiêng đầu mỗi khi nhìn. Khải vừa mới với tay ngắt một chùm hoa lý cài vào một chiếc lồng thì cổng xịch mở và Hiền tiến vào. Hiền và Khải cùng học với nhau hồi ở trung học rồi nay lại cùng dạy ở trừơng Bạch Đằng nên rất thân. Hiền hỏi:

- Chủ nhật mày không đi đâu à? Ngồi dứơi giàn thiên lý nghe chim khuyên hót, thú vị quá nhỉ?

Hai ngừơi vẫn quen lối xưng hô mày – tao từ hồi đi học. Khải rời cái lồng chim, quay lại bạn:

- Ngồi đây nói chuyện thích hơn vào nhà. Tao vẫn ưa ngồi dứơi giàn thiên lý, nhất là trong những đêm có trăng. Tuyệt!

Con Mừng – con bé giúp việc nhà - thấy có khách, tự động bưng ra hai tách trà nóng. Khải chỉ cho Hiền ngồi xuống một chiếc ghế mây và mình ngồi xuống chiếc đối diện. Hiền hớp một ngụm trà rồi nói:

- Hoa thiên lý này có một mùi thơm thật đặc biệt. Nó chỉ thoang thoảng thôi, rồi khó mà biết đựơc nó từ hướng nào bay đến.

- Đúng thế. Hương cau cũng vậy. Ngồi dứơi trăng mà bỗng có hương thiên lý hay hương cau, hương bửơi trong gió đưa tới thì tỉnh ngừơi. Mấy thứ hương này nhẹ nhàng thoang thoảng chứ không thơm gắt như hương lài hay hương chanh.

- Tao nghe nói ngừơi ta còn ăn hoa thiên lý nữa. Mày có ăn không? Giàn này đầy bông.

- Ừ đúng, ngừơi ta có ăn bông lý. Có ngừơi ăn cả những lá non nữa. Xào thịt bò, xào tỏi, nấu canh với giò sống hay thịt nạc. Nhưng tao không cho nhà hái ăn. Để ngắm và hửơng hương thơm, thú vị hơn.

Hiền nhìn mấy lồng chim rồi hỏi:

- Mày không nuôi chim yến à?

- Hiện giờ chỉ nuôi vành khuyên thôi. Có lẽ do thói quen từ hồi nhỏ.

- Từ hồi nhỏ?

- Tao có hai ông anh. Một hơn tao 10 tuổi, một hơn 5 tuổi. Hồi nhỏ các ông ấy bẫy đựơc chim khuyên nên nuôi quen rồi.

- Bẫy có khó lắm không?

- Dễ lắm. Mua một cái lồng bẫy hay thuê mấy ngừơi nhà quê họ làm. Thả vào lồng một con chim mồi. Để một miếng chuối, gài thêm một hai bông hoa. Hoa dâm bụt, hoa mướp, bông sứ … Hoa gì cũng đựơc miễn nó tăng vẻ sặc sỡ cho cái lồng để chim ngoài khỏi sợ. Mày biết không? Vào mùa thu, mùa xuân ngoài Bắc, chim khuyên trên rừng bay về từng đàn. Các anh tao treo cái lồng bẫy lên cây xoài hay cây ngọc lan trong sân. Thế nào cũng có vài anh chim hoang sa bẫy.

- Bẫy đựơc nhiều thế nuôi sao hết?

- Mình lọc lựa dần. Những con hót dở và chim mái thì thả ra. Chỉ giữ lại những con trống đã già và hót hay.

- Nuôi chúng có khó không? Tao nghe nói nuôi chích chòe khó lắm. Nó tự tử chết.

- Đúng. Bẫy đựơc chích chòe mà nuôi thì nó cứ đâm đầu vào thành lồng đòi ra và bỏ ăn mà chết. Nhưng chim khuyên dễ nuôi lắm. Nó hiền hơn chích chòe.

- Nuôi chim khuyên bằng gì? Cho ăn thóc, ăn kê hay châu chấu?

- Không. Chim khuyên không ăn mấy thứ đó. Nó dễ tính lắm. Hồi nhỏ, anh em tao lấy tiền đâu mà mua đồ ăn cho chim như những thứ ngừơi ta chế tạo bây giờ. Với con chim khuyên, chỉ việc nhá cho một miếng cơm rồi nhả vào một cái lá mít và để vào lồng. Cho một cóng nứơc nữa là đủ rồi. Nó rất an phận, sống giản dị. Nếu cho thêm một miếng chuối nữa thì thật là quí hoá. Chỉ cần bấy nhiêu thôi là nó sung sứơng lắm rồi, sẽ hót vang cho mà nghe. Bây giờ có tiền mới cho nó ăn tẩm bổ. Dĩ nhiên, đựơc tẩm bổ nó hót hay hơn và hay hót hơn.

- Tẩm bổ như thế nào?

- Cũng không cầu kỳ lắm đâu. Bây giờ thì thay miếng cơm nhá nát trên cái lá mít bằng cái cóng bột đậu xanh trộn lòng đỏ trứng gà. Thỉnh thoảng muốn cho nó thêm chất thịt thì xé cho một hai con châu chấu bỏ cánh, bỏ đầu.

- Lại phải xé châu chấu và bỏ cánh bỏ đầu?

- Ừ thì mình cũng nên cưng nó một chút cho nó vui mà hót để mình nghe, mình cũng vui. Để nguyên con, nó cũng ăn đựơc.

- Thế còn bột đậu xanh trộn lòng đỏ trứng gà, mày mua do

ngừơi ta làm sẵn?

- Ngừơi ta có bán, nhưng tao không mua. Tao làm lấy.

- Mày tự tay làm lấy? Thế thì cầu kỳ quá! Mất thời giờ.

Tại sao phải làm vậy?

- Ừ thì cũng hơi mất thời giờ. Nhưng như thế mới vững

bụng. Đồ ăn bán sẵn không tin đựơc. Lỡ bị chết chim thì tiếc hùi hụi. Vì luyện đựơc một con chim hót hay vừa ý mình, cũng công phu lắm. Bởi vậy tao phải làm lấy.

- Mày kể lại cách làm tao nghe đi.

- Thế này nhé: đậu xanh không vỏ rang chín rồi giã thành bột, tao giao cho con Mừng làm. Lọc riêng lòng đỏ trứng gà ra khỏi lòng trắng, tao nhờ bà xã. Không dám giao cho con Mừng, vì lỡ nó để lẫn lòng trắng, chim ăn có thể mất tiếng. Còn trộn lòng đỏ trứng vào bột đậu xanh, tao làm. Phơi cho thật khô rồi để nguội, cất vào hũ thuỷ tinh hay lon guigoz, cho chim ăn dần.

- Ngoài chuyện đó ra, còn gì nữa không? Chẳng hạn cho nó uống nứơc trà hay nước lọc? Nếu là trà thì trà sen hay trà hoa lài?

- À cái vụ trà thì còn tùy ông chim ông ấy phán rằng thích trà gì thì dâng trà đó! Mày hỏi móc tao đấy phải không? Muốn nghe thì ngồi yên mà nghe, đừng hỏi móc họng!

Hiền cừơi:

- Ừ thôi, tao nghe đây, kể tiếp đi. Chơi thế thì công phu quá, tao chịu, không theo đựơc.

- Nghề chơi cũng lắm công phu mà! Tao nói đến đâu rồi nhỉ? À, ăn thì như thế. Còn uống thì mỗi ngày thay một cóng nứơc sạch cho nó uống; một cóng nứơc khác cho nó tắm. Chừng hai ngày làm vệ sinh chuồng, nghĩa là làm sạch phân và đồ ăn vương vãi. Để lâu hôi hám và chim có thể bị bệnh.

- Mày không chơi mấy thứ chim khác như hoạ mi, yến, sơn ca, chích chòe … ?

- Bây giờ còn bận chưa thể chơi mấy thứ đó đựơc. Mất thời giờ lắm. Vả lại trừ chim yến ra, những thứ đó đều đắt hơn vành khuyên nhiều lần. Mày có thể tửơng tựơng đựơc không? Một chú Tầu bán thịt quay ở Chợ Lớn dám gửi mua một con họa mi từ Hồng Kông với giá 150 ngàn, một con sơn ca gần 200 ngàn đấy! Trong khi giá vàng là 4 ngàn một lựơng. Mình chịu!

- Thế chim khuyên bao nhiêu một con?

- Rẻ lắm nếu so với họa mi hay sơn ca. Ở chợ cũ họ bán

một con chim khuyên hót như con này chừng 3 ngàn đồng.

Đang nói chuyện, bỗng Hiền ngồi yên lặng chăm chú nhìn tách nứơc, có vẻ nghĩ ngợi. Không thấy bạn hỏi nữa, Khải quay lại nói:

- Uả, sao mày có vẻ đang băn khoăn về chuyện gì? Hồi này có gì lạ không? Có hay đến thằng Tuyên không?

Tuyên là một ngừơi bạn nữa cũng học với Khải cùng một lớp ở trung học như Hiền. Ba ngừơi thân nhau lắm, tuy Hiền và Tuyên là ngừơi Công giáo, còn Khải theo đạo Phật. Đúng ra là thờ ông bà.

Hiền trả lời chậm chạp có vẻ như đang suy nghĩ đắn đo điều gì:

- Ờ, thỉnh thoảng tao vẫn gặp thằng Tuyên. Nó cũng vẫn đi dạy đều, nhưng có vẻ bận vì vợ nó đẻ liền hai đứa con. May nhờ có bà cụ nó giúp cho, chứ vợ nó chậm chạp lắm. Khải này, tao muốn hỏi mày chuyện này.

- Ơ hay! Chuyện gì? Hỏi thì cứ hỏi, tại sao mày phải rào đón như vậy?

- Tao hỏi mày vì mày thân với tao. Mày biết rõ tao. Ngoài ra, chuyện này cũng liên quan đến mày.

- Liên quan đến tao? Chuyện gì thế? Quan trọng lắm không mà tao thấy mày có vẻ nghiêm trọng quá! Ờ, hãy khoan đã, để tao gọi nó lấy nứơc mới.

Nói xong Khải gọi với vào trong nhà:

- Mừng ơi. Cho cậu bình trà nóng ra đây!

Con Mừng «dạ», rồi bưng ra ấm trà mới pha. Chờ cho nó vào hẳn trong nhà, Khải nói:

- Nào, bây giờ có chuyện gì thì nói đi! Mà sao lại liên quan đến tao?

Hiền ngập ngừng, có vẻ không đựơc tự nhiên:

- Chuyện này tao chỉ tiết lộ với một mình mày thôi. Và

tao nói nó có liên quan đến mày, thực ra cũng không hẳn như thế. Có thể coi như mày là nhân chứng. Mày có biết con Thảo không?

- Thảo nào? Trần Thị Thảo, con bé trông trắng trẻo, nhỏ nhắn ấy à?

- Ừ, đúng rồi.

- Nó đang học tao năm nay mà. Tao dạy Anh văn lớp nó. Lớp mixed, có cả con trai lẫn con gái. Nó thuộc loại học khá, chăm học, ngoan ngõan nên tao nhớ nó chứ. Hình như năm ngoái mày dạy Lý Hoá nó phải không?

- Ừ. Đúng.

- Rồi sao?

- Tao … tao thấy nó … dễ thương. Mày thấy sao?

- Ơ hay! Học trò ngoan ngoãn, học khá, chăm chỉ, thì đối với tao, con trai hay con gái, đứa nào chả dễ thương. À thôi tao hiểu rồi. Mày có cảm tình với con bé này, hay nói đúng hơn, mày … mết nó, phải không?

- Ờ, tao thấy … mến nó.

- Thôi ông ơi! Ông bị coup de foudre - tiếng sét ái tình rồi.  À, mà nói thế cũng không đúng, vì mày  đã biết nó cả năm học rồi chứ đâu phải mới thấy mặt là bị «sét đánh»! Thì cứ nói phứt ra là mày chót yêu con bé chứ gì?

- Ừ ! Theo mày thấy, có gì không?

- Có gì là thế nào? Sao hôm nay mày bị thần ái tình nó ám thành ra ăn nói hồ đồ quá! Ý mày muốn hỏi tao rằng có gì trở ngại không, phải không?

- Ừ, mày thấy có gì trở ngại không?

- Trứơc hết, theo tao, thầy trò yêu nhau không có gì là tội lỗi, là trái đạo lý. Nhưng thừơng thì trong các mối tình như thế, ông thầy là ngừơi chủ động, cho nên trách nhiệm thuộc về ông thầy. Tại sao? Vì ông thầy là ngừơi lớn, đủ và thừa khôn ngoan. Còn học trò chỉ bị động. Đối với học trò, ông thầy là thần tựơng, cho nên ông thầy dễ có ưu thế để chinh phục đối  tựơng, nhất là những ông thầy đẹp trai, dạy giỏi, ăn nói có duyên v.v… Thậm chí có những ông cù lần, chẳng đẹp trai mà vẫn lấy đựơc nữ sinh đẹp. Nhưng tao nói thầy trò yêu nhau không tội lỗi, nghĩa là phải đi tới hôn nhân đàng hoàng. Nếu không, tức là ông thầy lưu manh, lợi dụng ưu thế «thần tựơng» của mình để lừa gạt học trò. Những anh thầy đó không xứng đáng để đựơc gọi là «thầy» nữa. Vậy thì trừơng hợp của mày, mày đã tự vấn lương tâm chưa? Mày có chắc chắn là mày lương thiện, chân thành, thực lòng yêu nó không?

- Tao thực tình yêu nó. Mày biết tao không phải thằng lưu manh mà.

- Ừ,  tao biết mày không phải hạng lưu manh nên tao mới chơi với mày. Như vậy tao không có gì để phản đối chuyện này cả. Tuy nhiên, vì mày tin tao mà tâm sự, cho nên tao thấy có bổn phận phải nói cho hết ý, để giúp mày nhận thức vấn đề một cách sáng suốt trứơc khi đi tới quyết định.

- Ừ mày có ý kiến gì cứ nói hết để giúp tao.

- Đây nhé: tao phân tích những điều có thể coi là trở ngại trong hoàn cảnh của mày. Trứơc hết là vấn đề tôn giáo. Như mày đã biết, nhiều cuộc hôn nhân bị trục trặc chỉ vì lý do hai kẻ yêu nhau theo hai đạo khác nhau. Mày theo Công giáo, hình như con bé theo Phật giáo. Tao nói «hình như» vì tao chỉ dạy Anh văn chứ không làm công việc điều tra lý lịch học trò. Cái đó mày phải tìm hiểu lấy.

- Tao biết rồi, nhà nó theo Phật giáo.

- Rồi! Thế là đã thấy trở ngại. Giả sử chỉ có hai đứa yêu nhau thì dễ quyết định. Có thể vì yêu mày mà nó theo đạo của mày. Nhưng còn gia đình nó. Không chắc gì ngừơi ta để cho con ngừơi ta đổi đạo đâu. Còn về phần mày. Tao biết chắc, chính mày cũng không bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ đạo. Đúng không? Huống hồ gia đình mày là đạo gốc thì không thể có chuyện để cho mày bỏ đạo nếu như mày muốn.

Khải nhấp một hớp nứơc trà nóng, đặt cái tách xuống, rồi chậm rãi tiếp:

- Bây giờ đến chuyện khác, cũng rất tế nhị cần phải xét cho kỹ. Vì mày chơi thân với tao và tao biết rõ gia cảnh mày nên tao cứ nói thực. Nhà mày nghèo, «nhà quê», Bắc kỳ di cư, còn nhà nó tỉnh thành, dân miền Nam, và chắc chắn giàu hơn nhà mày. Có nhiều ngừơi con dâu không chịu đựng nổi, không hòa hợp đựơc với gia đình nhà chồng, thế là hôn nhân của đôi trẻ tan vỡ.

Khải ngưng mấy giây để cho Hiền «ngấm» những điều chàng vừa nói, rồi nhìn thẳng vào mắt bạn mà tiếp:

- Vừa rồi tao đưa ra những điều coi như những trở ngại trong mối tình và hôn nhân của mày. Nhưng tao hỏi thực: mày đã tỏ tình với nó chưa, và phản ứng của nó ra sao, hay đây mới chỉ là tình cảm của mày hứơng về nó. Vì tao thấy nó vẫn còn nhỏ. Dĩ nhiên là có thể trong mắt nó, mày là thần tựơng, là mẫu ngừơi nó có thể chọn lựa. Nhưng năm nay chắc nó mới chỉ 16 – 17. Ở tuổi này, chưa chắc nó đã dám xác nhận tình yêu mà có thể mới chỉ là cảm tình thôi. Lắm cô gái ở tuổi này chỉ ấp ủ tình yêu lãng mạn trong lòng thôi, chứ chưa dám bạo dạn thổ lộ. Nhất là nó còn đang đi học. Nhưng đó là tao chỉ «đóan mò» thôi. Biết đâu nó thuộc lọai bạo dạn thì sao?

Hiền ngồi yên nghe Khải nói, vẻ đăm chiêu, rồi chợt hỏi:

- Nghĩa là mày đứng bên cạnh tao trong chuyện này?

- Nếu mày đã thấy tất cả những trở ngại đó mà vẫn cứ muốn tiến tới, vẫn cứ thiết tha húc đầu vào bức từơng bê tông, thì tao sẵn sàng đứng cạnh mày, nếu cần thì đứng đằng sau mà đẩy lưng mày. Nhưng tao cũng cần cảnh giác mày là sẽ có rất nhiều chông gai đấy!

Khải cừơi và nói đùa:

- Tao không hiểu hiện giờ tình cảm của con bé đối với mày như thế nào. Nhưng nếu mày chinh phục đựơc nó thì cũng tốn nhiều gạo lắm đó. Nó mới có bấy nhiêu tuổi thì mày phải mất thời gian khá dài mà «giú» nó, và tốn gạo nuôi nó.

- «Giú» nghĩa là gì?

- «Giú» là tiếng miền Nam có nghĩa là «rấm», là «ủ» của tiếng Bắc, như ngừơi ta «rấm» trái cây còn xanh cho nó chín đó. Mày không nghe tiếng đó bao giờ à? Thế mà đòi đi «quơ» con gái Nam!

Nói rồi Khải đứng lên:

- Thôi, bây giờ theo tao xuống Sài Gòn đi «bát phố» một vòng. Ghé vào Khai Trí tao tìm một cuốn sách, rồi theo thiên hạ «cộ đèn», sau đó đến chỗ nứơc mía Viễn Đông làm một bụng phá lấu, bò bía, bò khô.  

- Mày mua sách gì?

- Sống Đẹp của Lâm Ngữ Đừơng. Mày đọc chưa?

- Chưa. Sách hay không?

- Thấy giới thiệu là hay lắm. Nguyễn Hiến Lê dịch.

Mấy phút sau Khải đã thay đổi y phục, từ trong nhà bứơc ra. Hai ngừơi lên xe vespa ra đừơng Lê Văn Duyệt chạy về hứơng đại lộ Lê Lợi.

 


7

 

Vì xe vespa hỏng bất ngờ nên hôm nay Khải phải đón xe đò đi dạy học. Chiếc xe đò hiệu Nam Thành thuộc loại trung, chở đựơc khoảng 28 ngừơi. Nhưng tài xế và lơ xe tham lam nên có khi số khách lên tới gần 40 ngừơi, vừa đứng vừa ngồi. Khải nhẩm tính xe chạy chừng 45 phút từ Sài Gòn đến Biên Hoà, ấy là kể cả thời gian để cho khách lên và xuống xe ngang đừơng. Không ngờ tài xế cứ cho xe chạy vòng vòng quanh vùng Bà Chiểu để đón khách. Khi đã đầy xe, mới chịu chạy đi Biên Hoà. Bởi vậy hôm nay Khải đến lớp trễ mất gần nửa giờ. Học sinh đã ngồi chờ trong lớp. Cũng may đó là lớp học sinh ngoan và rất có kỷ luật, nên không gây ồn ào mất trật tự làm phiền các lớp bên cạnh.

Khải gặp ông Giám học trình bày lý do phải đến trễ một cách bất khả kháng. Ông Thanh là ngừơi hiền lành, không phiền trách mà còn tỏ ra thông cảm. Ông mời Khải ngồi rồi nói:

- Ông Khải ạ, tôi đã từng có kinh nghiệm về việc đi xe đò Sài Gòn – Biên Hoà dạy học. Nếu ông tính rằng xe chạy mất 45 phút hay một giờ, thì ông phải để ra 2 tiếng để trừ hao, vì không bao giờ xe chạy đúng giờ đâu. Có ba thứ xe chạy đừơng Sài Gòn - Biên Hoà. Đó là xe «lô», tức là location. Đây là loại xe traction màu đen, chỉ chở hành khách, không chở hàng hóa. Họ biến cải cái xe traction nhỏ vốn chỉ để chở 3 hay bốn ngừoi, thành cái xe chở 10 ngừơi hành khách, cộng với tài xế và lơ xe là 12 ngừơi! Họ ráp thêm một băng ở giữa xe, không có chỗ dựa lưng. Thế là đằng sau hai băng, mỗi băng 4 ngừơi. Bên cạnh tài xế nhét thêm 2 ngừơi. Lơ xe «ngồi ké» vào khoảng trống giữa hai băng phía sau. Xe này chạy nhanh, ít vòng vòng đón khách, nhưng lấy đắt tiền, 15 đồng một ngừơi lận. Loại xe lớn chở khoảng 40-45 khách là của hãng xe Liên Hiệp. Xe này chạy đúng giờ vì không lòng vòng đón khách, lấy giá 12 đồng. Nhưng xe này chạy chậm vì họ tôn trọng sự an toàn của khách. Tệ nhất là hãng xe Nam Thành, loại xe trung, chở chừng gần 30 ngừơi, lấy giá rẻ, có 10 đồng thôi. Nhưng leo lên xe này có nhiều phần bị cho đi vòng vòng vùng Bà Chiểu, Cây Quéo, nên đến lớp bị trễ đấy. Vậy lần sau nếu phải đi xe đò, ông hãy chọn xe cẩn thận.

Ôn lại chuyến đi xe đò vừa qua, Khải thấy ngán quá, nhưng đồng thời có đựơc vài khám phá thú vị mà mọi khi đi vespa chàng chưa hề biết. Chẳng hạn dọc đừơng, khi xe đang chạy nhanh mà thấy có ngừơi đứng bên lề thì lơ xe liền biểu diễn một cảnh hồi hộp khiến ngừơi chưa thấy quen phải nín thở. Đó là anh ta đánh đu bên thành xe, một tay bám vào thành cửa xe, đứng một chân, còn cả ngừơi ngả hẳn ra phía ngòai, dang một tay và một chân kia ra ngoài, miệng la «Goà hông? Gòa hông?». Lần đầu tiên nghe thấy như vậy, Khải phải mất khoảng mấy giây đồng hồ mới hiểu ra là anh lơ hỏi «Biên Hoà không?», hay «Đi Biên Hoà không?». Hễ ngừơi đựơc hỏi gật đầu hay dơ tay vẫy, thì tài xế lập tức thắng lại. Nếu khách có đồ đạc hay quang gánh lỉnh kỉnh, anh lơ chỉ mất mấy giây đồng hồ lùa khách lên xe, sau đó đu vọt lên mui xe như một con vựơn. Anh ta xếp đặt, cột buộc những thứ đó trên mui xe trong khi xe vẫn cứ phóng vun vút. Sau đó, anh lơ mới tụt xuống, trở lại vị trí đứng bám tòn ten trên bậc cửa sau xe, mắt không rời lề đừơng phía trước để sửa sọan mời đón khách khác.

Trứơc khi vào thành phố Biên Hoà, xe phải qua hai cây cầu sắt lót ván đựơc làm từ thời Tây. Một tên là cầu Gành và một là cầu Rạch Cát. Vì cầu hẹp nên chỉ cho xe cộ lưu thông lần lựơt từng chiều một. Nếu xe tới nơi vừa đúng lúc thuận dòng xe qua cầu, anh lơ la lớn «Cô bác lấy tay lấy đầu zô, xe qua cầu!», và rồi lập lại vắn tắt «Tay đầu zô, xe qua cầu!». Anh phải la như vậy vì hành khách nào vô ý thò đầu hay thò tay qua cửa sổ xe sẽ vỡ đầu hay gẫy tay vì đập phải thành cầu. Hai đầu cầu là chỗ hoạt động náo nhiệt của đám trẻ con và ngừơi lớn bán trà đá, trái cây, mía ghim, bánh kẹo, đồ ăn và cả xổ số. Hễ xe đến mà phải ngưng để chờ cầu, là đạo quân bán rong này ào tới, đánh đu vào cửa xe mời chào ơi ới. Có khi việc mua bán đang dở dang thì xe chuyển bánh để qua cầu. Thế là ngừơi bán phải chạy theo xe tới khi xe lên cầu mà lấy tiền, rồi mới quay lại vị trí cũ để chờ chuyến xe khác.  

                        *

                   *         *

 

Khi Khải vào lớp thì học trò có vẻ thắc mắc tại sao hôm nay thầy đến trễ quá như vậy. Lớp trở nên hơi lao xao. Thấy học trò quan tâm tới mình mà không dám hỏi, Khải nói lý do tại sao đến trễ:

- Hôm nay xe của tôi bị hỏng bất ngờ nên phải đi xe đò xuống đây. Vì chưa có kinh nghiệm về việc chọn xe đò Biên Hoà nên tôi lên xe Nam Thành. Họ cứ chạy loanh quanh đón khách, thành ra tôi ngồi trên xe gần 2 tiếng đồng hồ mới xuống đến đây.

Nghe Khải nói thế, một nam sinh đứng lên nói:

- Thưa thầy, đừng bao giờ thầy đi xe Nam Thành. Xe Liên Hiệp chạy chậm hơn nhưng đúng giờ. Còn nếu thầy muốn đi nhanh thì đi xe lô. Nhưng xe lô lấy mắc tiền hơn thầy ạ.

- Cám ơn em cho tôi biết. Lần sau nếu phải đi xe đò, tôi sẽ nhớ điều này. Trong lúc tôi vắng mặt, lớp có làm gì ồn ào mất trật tự để mang tiếng tôi không?

Cả lớp nhao nhao trả lời:

- Dạ không thầy. Tụi em ngoan lắm, không phá phách đâu. Anh trửơng lớp dữ lắm. Chẳng đứa nào dám phá.

Một nữ sinh nói nhỏ nhưng cũng đủ cho mọi ngừơi nghe khiến cả lớp cừơi rộ:

- Chỉ chọi qua chọi lại và ăn quà thôi thầy!

Khải vờ như không nghe thấy, mở cuốn sổ điểm. Thế là

cả lớp yên lặng vì ai cũng sợ bị truy bài. Nhưng Khải không khảo bài mà giảng sang một bài mới. Chàng đọc bài đó một lần cho học sinh theo dõi. Sau đó đọc lại và giảng nghĩa. Để giúp học sinh nghe quen tiếng Anh, Khải hạn chế việc sử dụng tiếng Việt để giảng, đồng thời mở rộng ngữ vựng cho học sinh bằng cách hỏi và cho những từ ngữ liên hệ, cùng họ với một từ nào đó trong bài, rồi lại cho luôn phản nghĩa, đồng nghĩa và đồng âm. Gặp trừơng hợp cần giảng về văn phạm, chàng cho ghi vắn tắt dứơi dạng những «ghi chú» (foot note). Những từ ngữ mới trong bài đựơc Khải lập lại vài lần, chỉ rõ phải nhấn giọng ở vần nào, và bắt học sinh đánh dấu nhấn vào ngay trên vần đó. Giảng xong một đoạn bao giờ Khải cũng đọc lại hai ba lần, rồi bắt vài học sinh đọc lại, để sửa những chỗ phàt âm và nhấn giọng sai.

Cuối cùng Khải nói:

- Phần bài tập, các em mở bài số 18 trong tập in ronéo

ra. Tôi sẽ nói qua, rồi các em về nhà làm, vì hôm nay chúng ta không đủ thời giờ.

Vừa nói Khải vừa mở xấp Bài tập mà chàng đã cho in ronéo phát cho học sinh. Bằng cách này, giúp học sinh đỡ mất công chép bài tập, lại tiết kiệm đựơc thời giờ. Vả lại Khải rất ngại viết bài tập trên bảng cho học sinh chép lại.

Nhưng vừa mới mở bài tập số 18 ra, liếc qua từ đầu, đến đọan giữa Khải giật mình, vội nói:

- Các em đã tìm thấy bài tập này chưa? Đã đọc lứơt qua chưa?

Cả lớp trả lời:

- Dạ rồi thầy.

Hỏi như vậy, Khải đồng thời đưa mắt nhìn khắp lớp, thấy

tất cả vẫn nghiêm chỉnh cúi đầu vào bài tập, chàng mới vững bụng.

Sở dĩ Khải làm như vậy vì vừa mới khám phá ra một lỗi ấn

loát tầm thừơng nhưng lại tạo ra một điều tai hại vô cùng. Đó là trong bài có nhóm chữ «his pen is on the desk». Chẳng may ngừơi đánh máy của nhà in ronéo mà chàng thuê in đã đánh liền hai chữ “pen” và “is” vào làm một. Thỉnh thoảng cũng có khi gặp lỗi đánh máy. Nhưng chưa bao giờ bị cái lỗi khiến đưa đến tình trạng làm “méo mó” ý nghĩa một cách tai hại như lần này. Vì đây là lớp nam nữ học chung, nên cái lỗi đánh máy này có thể trở thành “nguy hiểm”, nếu bị một nam sinh rắn mắt nào đó dùng để khai thác. Nhưng rất may là Khải không thấy một nam sinh nào che miệng cừơi tinh quái, và cũng không có nữ sinh nào tỏ ra ngượng nghịu, đỏ mặt cúi nhìn xuống mặt bàn. Khải nghĩ thầm:

- Hú vía! May quá, chưa có cô cậu nào phát giác ra điều tai hại này. Học sinh của mình còn hiền lành chán!

Sở dĩ Khải hơi hoảng, vì nghĩ rằng có thể có những nam

sinh tò mò, hay mở tự điển tra tìm những chữ chỉ về các cơ quan kín đáo trong cơ thể ngừơi ta, do đó họ biết đựơc nghĩa của chữ này thì hỏng bét. Khải làm ra vẻ thản nhiên nói:

- Trong bài này có một chữ đánh máy sai. Đó là ở giữa

dòng thứ 8 từ đầu bài. Các em sửa lại, tách rời chữ này thành “pen” và “is”. Ngừơi đánh máy vô ý làm cho hai chữ dính vào nhau. Tất cả các em tìm thấy chưa? Rồi hả? Vậy sửa đi.

Nói xong Khải tự nhủ:

- Chết thật! Từ nay phải để ý soát lại những bài thuê in ronéo kẻo lại xảy ra chuyện đáng tiếc. Lần này may quá.

Khải dặn dò học sinh thêm vài chi tiết về bài tập, rồi hỏi lại lần chót:

- Các em đã hiểu hết bài hôm này rồi phải không? Có ai

có thắc mắc gì về bài tập thì hỏi đi.

- Dạ hiểu, thầy.

- Dạ không có thắc mắc, thầy.

- Tốt lắm. Hôm nay chúng ta làm việc như thế tạm đủ rồi. Các em về nhà soạn trứơc bài kế tiếp trong sách, tuần sau tôi sẽ giảng.

Khải nói tới đây vừa tầm chuông reo. Chờ cho cả lớp đứng dậy, Khải bứơc ra hành lang, trong đầu vẫn còn buồn cừơi và hú vía về «tai nạn» đánh máy vừa rồi.

 

 


                        8

 

Hôm nay Khải và các bạn không ăn ở nhà hàng Hạnh Phứơc như mọi khi mà đến quán cơm Thịnh Vựơng trên đừơng Phan Đình Phùng. Đây là một quán cơm thuần túy Việt Nam. Thực khách khá đa dạng, nhưng hình như không có dân lao động. Đa số là anh em không quân, một số sĩ quan và quân nhân bộ binh thuộc quân đoàn 3, và công tư chức. Đám giáo sư các trừơng cũng thừơng đến ăn ở đây. Có lẽ vì giá cả phải chăng mà món ăn hợp khẩu vị, nấu nứơng cẩn thận và tình trạng vệ sinh cũng khá chứ không luộm thuộm như ở những quán ăn của ngừơi Hoa.

 Quán cơm này do một bà ngừơi Bắc cùng hai cô con gái  trông nom. Nghe nói bà có tên «Tây» là Simone. Cái tên này khiến nhiều ngừơi đánh dấu hỏi về quá khứ của bà. Nhưng Khải và bạn bè không quan tâm về chuyện ấy. Điều họ quan tâm là giá bữa ăn không đắt, món ăn hợp khẩu vị và sạch sẽ. Hình như xét về mấy phương diện này, quán Thịnh Vựơng đựơc cho điểm từ trung bình trở lên. Thế là đựơc rồi.

Sau bữa ăn, đám giáo sư Bạch Đằng vừa bứơc ra tới cửa quán bỗng có tiếng gọi lớn:

- Anh Khải!

Khải quay lại thì thấy một ngừơi mặc bộ đồ phi hành đeo lon trung úy rời khỏi một bàn có bốn năm ngừơi khác ăn mặc tương tự, chạy ra.

- Anh còn nhớ em không? Trực đây. Ngày xưa thừơng hay đến chơi nhà anh Quý, vẫn gặp anh ở đó mà.

- Nhớ chứ. Chà, «bay» từ hồi nào vậy? Cách nhau khá lâu rồi nhỉ?

- Hồi đó em tình nguyện vào phi công, rồi sang huấn luyện ở Mỹ. Về căn cứ Biên Hoà đựơc 3 năm rồi.

- Ồ, trông oai quá! Trứơc kia mình cũng đã có hồi ôm mộng «bay bổng» đấy.

- Thế hả anh? Hồi nào vậy?

 - Hồi năm 1958. Sau khi đọc «Đời Phi Công» của Toàn

Phong, mình khoái quá, thi vào khoá phi công năm đó. Đáng lẽ sang Canada huấn luyện - hồi đó mới có T28 thôi – nhưng mình bỏ.

- Ủa, sao lại bỏ? Nếu anh đi từ hồi đó thì bây giờ có lẽ đã mang một bông mai bạc rồi.

 Vì sợ vào nhà binh mà bứơng bỉnh không chịu «mềm mỏng” có thể bị đì khốn nạn lắm. Vả lại, chắc mình không có số mặc quân phục. Số moa không thể phát về binh nghiệp đựơc. Thì đành làm thầy đồ vậy!

- Anh sứơng thế còn gì nữa! Dạy học, nữ sinh bu đầy xung quanh. Còn gì bằng.

Khải phì cừoi:

- Bu đầy thì càng khổ chứ sứơng nỗi gì? Đi dạy học chứ đi … tán gái sao mà mong có nhiều con gái bu xung quanh? Phải giữ tác phong, giữ gìn từng lời ăn tiếng nói, không thì mang tiếng và thân bại danh liệt ngay.

- Nhưng dù sao cũng còn hơn tụi này nhiều. Trong khi các anh đựơc các em nữ sinh mơn mởn vây quanh, tôn thờ, thì bọn nhà binh tụi em chỉ thấy những bom đạn và chết chóc, chứ chẳng thơ mộng như các ông Saint Exupéry và Toàn Phong thêu dệt đâu. Anh biết không? Thời buổi này, đi bay mà về chậm chừng ba tiếng đồng hồ là gia đình đã lo rồi. Giờ này còn ngồi đây đấu láo, nhưng mấy giờ sau có khi đã … đi không ai tìm xác rơi rồi(1)!

[ Chú ý: Xin ghi chú thích này ở cuối trang khi lay-out :     (1) Không Quân Việt Nam, nhạc Văn Cao. ] 

Nhưng thôi, anh có cô học trò nào dễ thương đáng chọn làm vợ thì … gả cho em với. «Mót» lấy vợ lắm rồi. Lêu bêu cuộc sống độc thân mãi cũng buồn, đâm ra hư.

Khải cừơi lớn:

- Nói hay nhỉ! «Gả» thế nào đựơc. Đó là quyền của cha mẹ chứ thầy thì ăn thua gì! Mà khi các cô đã có ngừơi yêu và đã mê nhau rồi thì cha mẹ chẳng gả cũng không đựơc. Lo gì! Phi công đẹp trai, ngừơi hùng vi vút cữơi mây đạp gió thiếu gì gái mê mà cần đến tôi. Mà tôi cũng chẳng dám làm mai đâu dù học trò ngoan thiếu gì.

- Sao vậy? Nếu có học trò ngoan như thế mà anh không làm mai thì ác quá.

- Không nghe ngừơi ta nói à? Ở đời có bốn cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu. Đấy, làm mai đựơc xếp đứng đầu bốn cái ngu đó. Cho nên tôi chẳng dám. Lấy nhau rồi những lúc lục đục ghen tương, lại lôi ông mai ra mà chửi. Lúc đó tôi có chết rồi chắc cũng chịu không nổi phải trăn trở trong mộ thôi!

Cả hai cừơi lớn. Khải bảo:

- Thôi vào ăn tiếp đi. Hôm nào rảnh đến mình chơi, nói chuyện nhiều. Cái việc mai mối, vợ con, cứ từ từ. Còn tự do bay nhẩy đựơc ngày nào là sứơng ngày ấy. Đừng vội đưa đầu vào thòng lọng cho khổ thân.

Nói xong Khải cho địa chỉ, bắt tay Trực rồi chạy ra phía mấy bạn đang chờ. Tân lái xe thả mấy ngừơi xuống trừơng Bạch Đằng rồi vòng về trừơng Phan Chu Trinh. Khải, Tân, Trung, Minh, chiều nay có giờ ở đây, rồi buổi tối Khải, Trung và Tân lại dạy tiếp.

 

                        *

                   *         *

 

Chờ cho những học sinh cuối cùng ra về, và Đạm, cậu lao công nhà trừơng đóng cổng, mấy thầy giáo mới tắm gội. Sau đó ra văn phòng trừơng uống nứơc. Thay vì pha trà, Đạm pha một bình nứơc cam thảo, vốn là thứ nứơc giải lao đựơc mấy ông thầy ưa thích.

Những lúc rảnh rỗi như thế này Trung mới lấy ống pipe ra nhồi thuốc rồi châm lửa «bập bập» cái cán ống điếu một cách hả hê hạnh phúc. Nhìn theo làn khói dày đặc đang cuộn lên trần nhà, Minh hỏi:

- Anh Trung hút pipe nhưng có vẻ như không nghiện nặng, phải không anh Trung?

- Đúng vậy. Moa chỉ hút khi nào rảnh rang. Nếu bận thì có thể nhịn đựơc.

Hiền thắc mắc:

- Anh không cảm thấy khó chịu bứt rứt nếu không hút?

- Không. Nếu nghiện nặng thì không tốt. Moa hút đã lâu

nhưng không nghiện nặng. Dĩ nhiên đôi khi không hút cũng thấy thèm, nhưng không bị nó «vật» đến nỗi không hút không chịu đựơc.

Khải hỏi:

- Anh chơi pipe gì? Dunhill?

- Không, moa dùng Robb.

- Hiệu Robb cũng sang lắm. Nhiều ngừơi thích Dunhill vì nó nổi tiếng hơn. Nhưng cũng có ngừơi thích Robb. Có lẽ cũng tùy sở thích từng ngừơi, và còn tùy kiểu pipe mình chọn. Có khi muốn chơi Dunhill nhưng không tìm đựơc cái kiểu mình ưng ý, nên phải chọn kiểu đó của nhà Robb.

- Khải nói đúng đó. Vả lại, so sánh hai nhãn pipe này cũng giống như so sánh hai hiệu xe Mercedes và BMW vậy. Có khi muốn đi xe Mercedes nhưng nó không có cái kiểu mà mình thích, trong khi xe BMW thì có kiểu đó, cho nên lấy cái BMW vậy.

Tân hỏi:

- Nhưng anh có thấy hai loại ống điếu Dunhill và Robb

có gì khác nhau khi hút không? Ví dụ cái nào êm hơn, không “xóc”?

- Theo nhận xét chủ quan của mình, hai cái cũng như

nhau. Chỉ có điều cái Dunhill đựơc tiếng là sang hơn.

- Chơi pipe có công phu không anh?

- Cũng không công phu mấy. Trứơc hết phải chọn xem pipe đó làm bằng gỗ gì. Cối điếu hình thù có thanh nhã không, trơn hay sần. Ống điếu tức dọc tẩu - hay cán điếu cũng vậy - thẳng hay cong, dài ngắn có vừa tầm tay mình không.

Tân hỏi:

- Pipe làm bằng gỗ gì tốt nhất?

- Theo tôi biết, gỗ cây thạch nham - tiếng Anh là briar - làm pipe tốt nhất. Nhưng ngừơi ta lấy phần rễ cây nằm ngay dứơi gốc, nhất là khúc rễ nào xoắn lại thì càng tốt. Vì loại gỗ của cây này có tính chống nhiệt rất cao. Như thế cối điếu không bị cháy. Giống cây này mọc ở vùng Địa Trung Hải, chẳng hạn như đảo Corse, nứơc Ý, miền Nam nứơc Pháp. Pipe làm bằng gỗ rễ cây này đắt tiền lắm.

- Ở Việt Nam có những loại gỗ cứng và quí như lim, trắc, cẩm lai, có thể dùng để làm ống điếu đựơc không anh?

- Mình không biết rõ, vì có phải nhà chế tạo ống pipe đâu. Nhưng mình nghĩ, rất có thể dùng đựơc.

- Trên thế giới, có những nứơc nổi tiếng về một món gì đó. Ví dụ Thụy Sĩ làm đồng hồ nổi tiếng, Bỉ làm xô-cô-la, Pháp sản xuất sâm-banh và rựơu vang. Anh có biết nứơc nào làm ống pipe nổi tiếng không?

- À, làm ống pipe nổi tiếng là Đan Mạch, rồi đến Thụy Điển, Ý.

Minh lại hỏi:

- Sau khi đã chọn đựơc cái ống pipe hợp ý rồi, còn cần thêm thứ gì nữa không anh Trung?

- Chọn đựơc cái pipe vừa ý rồi, còn cần có bộ đồ nạo, để nạo cái cối và thông cái ống điếu, tức là cái dọc tẩu. Thỉnh thoảnh cũng cần “xấy” hay “hấp” cối điếu nữa.

Hiền lấy làm lạ:

- Xấy hay hấp cối nghĩa là làm sao?

- Nghĩa là đổ một chút rựơu cognac vào cối rồi châm lửa. Chất rựơu cháy bắt vào thành cối, khi hút rất thơm. Khi mới mua điếu về cần làm ngay việc này. Rồi sau đó nhồi thuốc chừng 1/3 cối mà hút lần đầu.

- Thay Cognac bằng thứ rựơu khác, ví dụ Whisky, đựơc không anh?

- Cognac nó thơm. Whisky hơi hắc, không thơm. Cậu uống hai thứ rựơu này tất đã biết đấy.

Minh đáp:

- Hiền là thầy tu, có biết gì đâu anh Trung. Đến đàn

bà nó cũng chưa biết nữa mà! Nó chưa cầm tay phái nữ bao giờ đâu.

Cả bọn cừơi ồ. Hiền có vẻ lúng túng. Để giúp Hiền khỏi

ngựơng, Khải hỏi:

- Anh Trung hút loại thuốc gì? Thuốc thừơng hay “seventy-nine” hay “half-and-half”?

- Mình hút half-and-half.

 Khải tiếp:

- Anh Trung có nhận thấy rằng ngừơi hút pipe cảm thấy

thơm một - hay có thể không thấy gì - nhưng ngừơi đứng gần hay đứng cuối gió, ngửi thấy mùi thuốc rất thơm, thích lắm. Nó cũng giống như mình ngửi thấy mùi khói thuốc phiện vậy.

Tân hỏi:

- Một ngừơi không hút nhưng nếu cứ hít khói thuốc hoài vì nó thơm, thì liệu có bị ảnh hửơng như tiếng Anh gọi là second-hand-smoking không nhỉ? Nghĩa là cũng có thể bị ung thư phổi?

Trung đáp:

- Chắc rồi cũng bị. Nhưng các cậu nên nhớ rằng giữa một ngừơi hút cigarette và một ngừoi hút pipe hay hút cigar thì anh hút cigarette dễ bị nghiện nặng và bị ung thư phổi hơn anh hút hai thứ kia.

Mấy ngừơi hỏi dồn vì ngạc nhiên:

- Sao lạ vậy? Tửơng hút pipe hay cigar mạnh hơn thì dễ bị ung thư hơn chứ?

- Không. Vì anh hút cigarette có thể nuốt khói vô phổi nên có hại. Còn anh hút pipe hay cigar chỉ hít vào miệng rồi nhả ra, không nuốt khói đựơc, nên đỡ hại hơn.

Hiền nhận xét:

- Tôi thấy rằng thuốc cigar và pipe để lại mùi khó chịu hơn thuốc điếu. Nó khai khai khó chịu lắm!

- Điều đó đúng. Nhưng anh hút thuốc điếu tức cigarette

cũng tạo ra mùi hôi chứ chẳng thơm tho thú vị gì đâu, có điều ít hơn hai anh kia.

Minh hỏi:

- Nghe nói có những ngừơi không thích hút các loại thuốc bán sẵn mà lại thuê tiệm thuốc pha trộn thuốc theo ý thích của mình, phải không anh?

- Đúng. Những ngừơi ít tiền thì mua các loại thuốc chế tạo sẵn. Giá cả tùy theo loại thuốc. Cũng tỷ như thuốc điếu loại 555 giá cao hơn thuốc Mélia hay Cotab chẳng hạn. Ngừơi chơi sang hơn thì chọn thuốc Half-and-Half hay Seventy Nine. Ngừơi cầu kỳ hơn nữa thì thuê tiệm thuốc pha trộn hai hay ba loại thuốc mình chọn lựa, theo tỷ lệ mình muốn. Ví dụ mỗi lần thuê trộn chừng 300gr. Hút hết lại làm tiếp.

     Trung trả lời xong, nhìn các bạn trẻ và hỏi:

-   Có cậu nào tính hút pipe không mà hỏi kỹ thế?

Hai ba ngừơi trả lời:

-   Không. Hút tốn tiền mà lại bận rộn thêm.

Khải tiếp:

-   Theo tôi, lớn tuổi như anh Trung hút pipe thì coi đựơc,

nhưng còn trẻ như bọn mình mà bầy đặt ngậm cái ống điếu, trông “xấc” lắm. Hiện giờ đang có phong trào đua nhau hút pipe. Lắm ông mới ngoài 20 tuổi cũng phì phèo cái ống điếu, trông không giống ai cả! Phải từ 50 trở lên, lúc đó hút pipe trông chững chạc và thích hợp hơn.

 


                   9

 

Vì Hiền hẹn trứơc nên sáng nay Chủ nhật Khải đến đón. Khi chiếc vespa rời con hẻm nơi Hiền ở thuộc khu nhà thờ Chí Hoà, chạy qua khỏi nghĩa trang đô thành, gần đến chợ Hoà Hưng, Khải mới hỏi:

- Mày định nhờ tao chở đi đâu hôm nay, có việc gì quan

trọng không?

- Không có gì quan trọng. Trứơc hết tụi mình đi ăn phở. Xong rồi mày có rảnh thì làm ơn chở tao đến hiệu giày Gia. Sau đó đến nhà may nào mày quen và vẫn cắt com-lê. Tao muốn may một bộ.

Khải kêu lên, giọng riễu cợt:

- Ối dzời ơi! Bạn tôi mới trúng xổ số hay sao mà … chơi quá vậy? Thế này thì Sài Gòn sắp bị bão lụt mất thôi! Ờ, có thế chứ, mày phải “cách mạng” như thế mới đựơc. Rồi! Bây giờ đi ăn phở trứơc đã.

- Mày thích ăn ở đâu? Bẩy Chín hay Lý Thái Tổ?

- Không. Tao ghét thằng 79 vì từ hồi đông khách nó làm ăn điêu ngoa. Tô phở chỉ có nứơc, còn bánh và thịt giảm rất nhiều, tuy rằng nứơc của nó vẫn trong. Còn Lý Thái Tổ thì chén đũa … ghê quá, chưa kể ông già trông như ho lao ngồi thu tiền. Cứ tửơng tựơng ông ấy ho một phát là mấy mươi triệu con vi trùng Koch du ngoạn trong không gian rồi không hiểu có bao nhiêu con hạ cánh xuống tô phở mình đang ăn.

- Thế mày đi đâu?

- Bộ cả Sài Gòn này chỉ có hai tiệm phở đó thôi à? Rẽ sang Trương Minh Ký ăn phở Quỳnh Tín. Tiệm này chỗ ngồi tương đối thoáng đãng. Ngòai ra anh chủ biết thói quen của tao rồi: khỏi phải gọi cũng có “hành chần, nứơc béo, lại thêm đĩa hành tây vắt chanh để tủ lạnh”.

- Mày không thích Hợp Lợi hay phở Quyền à?

- Không. Vì Hợp Lợi chật chội, nứơc đục ngầu. Tiệm này chỉ mùa lạnh đi chơi khuya, khoảng 10 giờ đêm đến gọi một tô “bốc mả” với chai 33 thì tha hồ ấm lòng.

Hiền thắc mắc:

-   Tô “bốc mả” là tô gì?

-   Mày đã xem cảnh ngừơi ta bốc mả để cải táng rồi chứ?

-   Xem rồi. Tao đã xem bốc mả cho ông nội tao.

-   Mày thấy gì? Có phải thấy xương tùm lum không? Thế thì

cái tô đựơc gọi là «bốc mả» cũng vậy. Đầy một tô xương xẩu có thịt bám vào. Bốc mả là tiếng lóng miền Bắc, còn miền Nam gọi đó là tô «xí quách». Theo cụ Vương Hồng Sển, từ này do tiếng Triều châu «trư cốt» mà ra; tức là xương heo – xương ông Trư Bát Giới đấy!

- Khiếp! Nghe mày nói ghê bỏ mẹ! 

- Nhưng dân nhậu thích tô bốc mả lắm. Nhất là mấy ông

xích lô. Đêm khuya đạp xe mệt phờ râu, thấy túi tiền tạm đủ, bèn ghếch xe vô lề, vào quán gọi một tô «xí quách» với ly rựơu đế. Tha hồ hạnh phúc!

     - Còn phở Quyền?

- Còn anh Phở Quyền trên đừơng Võ Di Nguy, gần ngã tư Phú

Nhuận ăn cũng đựơc, nhưng bị mấy ngừơi cùi ngồi ám. Mình chưa kịp đứng dậy họ đã xông tới tranh nhau chỗ còn thừa. Mình sẵn sàng bố thí tiền, nhưng phải để yên cho mình ăn uống ngon lành, chứ làm cái kiểu của họ, thực khách bỏ chạy hết mất thôi.

- Ừ, kể cũng sợ thật. Cứ tửơng tựơng cái tô và đôi đũa họ vừa mới cầm và húp, sau đó nhà hàng rửa “qua loa” rồi đem cho khách dùng. Nghĩ tới cảnh mình dùng phải cái tô và đôi đũa đó, thì dễ nổi da gà quá!

- Trứơc khi có ngừơi cùi đến ngồi ở đó, tao vẫn ăn phở Quyền, tuy nó không ngon lắm.

- Tại sao không ngon lắm mà mày mất công đi xa để ăn?

- Vì xế cửa Phở Quyền, xéo bên kia đừơng, có một nhà nuôi con họa mi hót quá hay. Khoảng chín rữơi mỗi sáng, ông cụ chủ nhà đem treo lồng chim trên ban công cho chim phơi nắng sau khi nó tắm táp và ăn no. Vừa sửơi nắng, con họa mi vừa hót vang cả khu phố. Ngồi ăn bên này nghe chim hót thật là thú vị. Ngoài ra, thực khách nào sính văn thơ có thể thửơng thức đôi “câu đối” do ông chủ tiệm “ngẫu hứng”.

- Câu đối? Thật không? Mày có nói đùa không?

- Đây là đôi “câu đối” bất hủ của ông chủ tiệm:

              Quý khách chiếu cố Phở Quyền

              Phở Quyền nhớ ơn quý khách

Ngày xưa vua Tự Đức khen:

                   Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán

                   Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đừơng

Tao nghĩ rằng các cụ Siêu, Quát, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương nếu còn sống, thấy tài văn thơ của ông chủ Phở Quyền cũng phải bẻ bút, đập bỏ nghiên mực!

 

    

                        *

                   *         *

 

Ra khỏi tiệm phở Quỳnh Tín, Khải bảo Hiền:

- Bây giờ mình sang Khánh Hội. Tao đưa mày đến hiệu

giày Gia ở đừơng Hoàng Diệu. Mày đã đóng giày ở đó bao giờ chưa?

- Chưa. Phải thú thật đây là lần đầu tiên tao đóng một

đôi giầy mới. Trứơc đây toàn đi giầy mua thôi. Tao nghe nói giầy Gia nổi tiếng lắm phải không?

- Ừ. Giới trẻ và dân trưng diện bây giờ ở Sài Gòn chỉ đóng giầy ở Gia thôi. Tụi pilot rủ nhau chơi giầy Gia đông lắm. Phải công nhận giầy của nó đẹp, trang nhã. Dĩ nhiên đắt hơn nơi khác. Nhưng có nhiều anh bị lầm.

- Lầm làm sao?

- Tại vì lần đầu tiên tìm đến tiệm Gia đóng  giầy, quý vị ấy vác đầu đến một tiệm khác. Số là, gần tiệm Gia có một tiệm giầy khác tên là Gia Phong. Nhưng trên bảng hiệu, nó mập mờ đánh lận con đen bằng cách viết chữ Gia thật to, nhưng chữ Phong lại nhỏ xíu ở góc phải phía trên. Thế là nhiều ông chưa đến Gia lần nào, đâm đầu vào hiệu này. Lúc hiểu ra thì đã lỡ rồi.

- Mày đến Gia mấy lần rồi?

- Sáu lần!

- Sáu lần? Mày đã đóng sáu đôi giầy ở tiệm Gia rồi?

- Không. Mới đóng có hai đôi thôi. Một đôi màu đen, một đôi màu acajou - tức là màu rựơu chát tươi – Nhưng phải đi lại cả thẩy sáu lần. Lần thứ nhất để đo chân, chọn da, chọn màu. Lần thứ nhì để thử. Lần thứ ba để lấy giầy. Đó là suôn sẻ không bị trục trặc gì cả.

- Và mày hoàn toàn hài lòng với giầy Gia?

- Ừ. Tao nhận thấy đôi giầy rất quan trọng đối với sức

khoẻ con ngừơi. Ngừơi mình thừơng xem giầy dép là chuyện nhỏ nhặt, không chú trọng đúng mức. Trái lại, ngừơi Tây phương chọn lựa giầy dép rất thận trọng. Bởi vì ở dưới gan bàn chân có rất nhiều huyệt nối liền với các cơ quan trong thân thể, tức là lục phủ ngũ tạng. Nếu đi đôi giầy chật chẳng hạn, sẽ tạo ra bệnh nhức đầu. Còn đi đôi giầy vừa vặn, mình sẽ cảm thấy thoải mái dễ chịu. Nếu phải chọn lựa giữa một đôi giầy chật và một đôi rộng, tao sẽ chọn đôi rộng.

Vừa nói chuyện, Khải vừa cho xe vựơt qua Cầu Quay sang Khánh Hội, rồi theo đừơng Trình Minh Thế  đến chợ Xóm Chiếu thì quẹo phải, vòng bên hông chợ rẽ vào đừơng Hoàng Diệu. Khoá xe xong hai ngừơi vào tiệm. Thấy khách quen, hai anh em nhà Gia đon đả:

- Chào anh Khải. Lâu quá mới thấy đến chơi. Hôm nay anh định chọn kiểu gì? Mới có da Italy về, đẹp và tốt lắm.

- Chào anh Gia. Không, hôm nay tôi không đóng giầy, mà

ông bạn tôi đây muốn đặt một đôi. Nếu thấy hài lòng có thể ông ấy sẽ đặt thêm đôi nữa.

- Vâng. Mời anh ngồi để tôi đo chân. Còn anh Khải sao

không đóng một đôi luôn?

- Tôi … hết tiền rồi! Nghèo lắm, anh cho chịu thì tôi

đóng.

- Đựơc mà. Mời anh cứ đóng. Bao giờ trả cũng đựơc.

- Nói chơi vậy chứ cám ơn anh. Đóng giầy chịu rồi không trả đựơc, anh bỏ tù tôi thì sao?

- Gớm, anh Khải cứ nói đùa chứ anh mà nghèo thì ai giàu?

Gia đã lấy xong ni tấc chân Hiền. Hiền chọn màu wine.

Ra khỏi hiệu giầy Gia, hai ngừơi quay trở lại phía Hàm Nghi. Hiền hỏi:

- Mày định đưa tao đến nhà may nào? Có phải nhà Đức

Tân mày vẫn may quen?

- Ừ. Ở góc Cống Quỳnh và Trần Quý Cáp, xế cửa rạp Việt

Long. Mày bằng lòng không, hay muốn chọn nhà khác?

- Thôi cứ đến đó. Mày đã may quen ở đó rồi. Tao thấy nó may com-lê cho mày đẹp lắm. Mà mày chọn màu cũng khéo nữa.

- Cũng hên xui thôi. Thằng Xuân cũng may một bộ complet ở Đức Tân mà chê là xấu.

- Hay tại nó … lệch vai? Mày có hỏi xem hồi xưa nó có gánh nứơc nhiều không?

- Hai ngừơi phá lên cừơi. Khải bảo:

- Mày nói đùa nó như thế, nó nghe đựơc thì mày hết đất

sống!

- Ừ thì tao chỉ dám nói vắng mặt nó, chứ nói trứơc

mặt, nó … đánh cho thì dại. Tao đánh không lại nó!

- À, mày vừa nói thằng Xuân lệch vai khiến cho thợ may

vất vả, làm tao nhớ tới câu chuyện cổ về một ngừơi thợ may khéo và rành tâm lý. Nếu gặp thân chủ có tật, một ngừơi thợ khéo vẫn có thể may đẹp đựơc.

- Chuyện như thế nào?

- Một ông quan kêu thợ đến đo để may áo. Ngày xưa mặc áo dài. Ngừơi thợ hỏi:”Bẩm quan lớn, ngài làm quan đã lâu chưa ạ?”

Ông quan ngạc nhiên hỏi lại:

- Tại sao anh hỏi ta như vậy? Anh may áo cho ta thì cứ

may, cớ sao tò mò?

- Bẩm quan lớn tha tội cho con. Con hỏi như thế không

phải vì tò mò, mà có lý do: Nếu quan lớn mới ra làm quan thì hãnh diện nên thừơng uỡn ngực ra, con phải may cái vạt trứơc dài hơn vạt sau một chút. Còn nếu quan lớn đã làm quan lâu năm rồi, thì đã mệt mỏi trong chốn quan trừơng, do đó đi đứng thừơng cúi xuống. Con sẽ may cái vạt sau dài hơn vạt trứơc.

Khải nói tiếp:

- Vậy tao phải bảo nhà Đức Tân may cái áo của mày vạt trứơc dài hơn vạt sau mới đựơc.

Hai ngừơi bạn lại cừơi vang. Lúc đó vừa tầm có mấy cô gái đi ngang qua. Họ tửơng hai ngừơi cừơi mình nên có vẻ bẽn lẽn khiến Hiền và Khảỉ phải vội “tốp” ngay tiếng cừơi và giữ bộ mặt trang nghiêm.

Thấy khách quen vào, ông chủ Đức Tân chạy ra đón, đon đả hỏi Khải:

- Ông Khải vẫn mạnh? Mời hai ông vào. Hôm nay ông cần gì ạ?

Khải đáp:

- Chào ông. Cám ơn ông, “nhờ Trời” tôi bình thừơng. Hôm nay tôi không may gì cả, chỉ đưa ông bạn thân đến để ông ấy may bộ com-lê. Ông cứ coi ông ấy như tôi nhé.

- Vâng. Ông khỏi phải nói. Bạn thân của ông tôi xin phép đựơc coi cũng như ông vậy.

 Rồi ông Đức Tân quay sang Hiền:

- Xin mời hai ông xơi nứơc xong thì ông đây chọn hàng.

May quá vừa có một lô hàng mới từ Singapore về. Để mời ông xem, nhiều màu đẹp lắm.

Hiền và Khải xem lô hàng mẫu. Hiền chọn màu xám tro rồi hỏi Khải:

- Cậu thấy màu này đựơc không?

Trứơc mặt ngừơi lạ, hai ngừơi không “mày, tao” mà đổi

cách xưng hô. Khải đáp:

- Đựơc đấy. Màu này sạch, dễ mặc, dễ chọn giầy. Đi giầy đen cũng đựơc mà nâu cũng đựơc.

Ông Đức Tân hỏi trong khi lấy ni tấc:

- Thưa ông may ngực đơn hay kép?

Hiền hơi lúng túng vì không hiểu. Khải đỡ lời:

- Cậu muốn loại cài cúc thẳng hay xéo, như bộ treo

trên mắc kia kìa.

Vừa nói Khải vừa chỉ một bộ complet cài nút vắt chéo

qua, cho Hiền hiểu. Đoạn chàng tiếp:

- Loại double breasted – cài nút vắt xéo – trông đạo mạo

nghiêm chỉnh hơn. Dân Ăng-lê trung lưu và quí phái hay mặc kiểu này. Còn loại single breasted thì giản dị hơn, thông dụng hơn. Tuỳ sở thích của cậu.

Hiền đáp:

- Thôi chọn loại single cho dễ mặc.

Ông Đức Tân lại hỏi:

- Thưa ông thích ba cúc hay hai?

Hiền lại nhìn Khải cầu cứu. Biết là bạn mới đi may bộ complet đầu tiên trong đời, nên Khải góp ý:

- Bây giờ có một số ngừơi mặc ba nút rồi. Loại này thì ve áo ngắn hơn loại hai nút. Cậu có chiều cao, mặc ba cúc đựơc đấy.

Hiền nói ngay:

- Thế thì tôi chọn loại ba cúc.

- Vâng. Ông Khải nhận xét đúng đấy, ông cao, mặc áo ba cúc đẹp hơn. Vả lại kiểu này mới lạ. Thưa ông muốn xẻ lưng hay hai bên hông, hay không xẻ?

- Xẻ lưng đi.

Sau khi đặt cọc và đựơc hẹn một tuần sau quay lại thử, hai ngừơi lên xe vespa quay về đừơng Lê Lợi. Ngồi trên xe Khải dặn thêm:

 - Mày nhớ là mặc áo ba cúc thì chỉ cài một cúc giữa thôi nhé. Áo hai cúc thì cài cúc trên. Lắm anh “cả quỷnh” cài lung tung, hoặc là cài hết tất cả các nút, trông “quê” lắm. Mày để ý tụi Mỹ thì thấy rất nhiều anh “trọc phú” đếch biết ăn mặc. Trái lại bọn trung lưu Pháp, Ý, nhất là Ăng-lê, trông khác hẳn.

Khải tắt máy, bỏ xe trứơc cửa nhà sách Khai Trí, chỉ khoá cổ xe rồi đi. Hai cậu bé khoảng 15 – 16 tuổi chạy theo nói:

- Cậu để chúng cháu coi xe cho. Bảo đảm, cậu! Chúng cháu lau xe luôn. Lát cậu ra xe láng coóng!

Khải quay lại, giả vờ nghiêm mặt hỏi:

- Tụi bay làm ăn ở đây bao lâu rồi mà không biết tao là ai à? Cứ để đó xem có đứa nào dám ăn cắp xe của cò Quận Nhất không. Bảo mấy thằng “thổi xế”, muốn lấy, cứ tự nhiên.

Hai thằng nhỏ có vẻ hơi “ớn”, lùi lại, không dám tía lia nữa. Thấy vậy Khải tội nghiệp, mỉm cừơi:

- Thôi đựơc. Cứ trông xe cẩn thận, lát nữa cậu thửơng.

- Dạ. Dạ. Cám ơn cậu.

Hiền bảo nhỏ bạn:

- Mày dọa làm hai thằng nhỏ tửơng mày là “cò cớm”, sợ

dúm ngừơi lại.

- Sợ khối đấy! Mấy ông thần này còn biết sợ ai.

Trong nhà sách ngừơi đông nừơm nựơp, phải chen lách mới di chuyển đựơc tới chỗ bầy cuốn sách Khải định mua. Hai ngừơi muốn đi loanh quanh xem có cuốn nào hay mới ra mắt thì mua thêm, nhưng đành chịu trứơc cảnh chen lấn, nên vội trả tiền cho cuốn “Quan Niệm Sống Đẹp” của Lâm Ngữ Đừơng, do Nguyễn Hiến Lê dịch, rồi ra ngay.

Khải nói:

- Thôi cứ để xe ở đây. Tụi mình đi bộ cho giãn gân cốt, luôn thể ngắm thiên hạ đi “cộ đèn”. Đến đằng cà phê Meilleur Gout tao mua ít eau de lavende.

- Có phải thứ nứơc hoa mày vẫn dùng hả?

- Ừ. Nhưng không phải nứơc hoa. Nó chỉ là eau de toilette thôi.

- Nứơc hoa hay eau de … cái gì cũng đựơc. Nhưng tao thích cái mùi đó đáo để. Nó có một mùi thơm nhẹ nhàng thoang thoảng chứ không gay gắt như các thứ nứơc hoa khác.

- Ừ. Tao chỉ đổ một chút nứơc lavende này ra tay rồi thoa lên cổ và hai bàn tay. Thế là đủ rồi. Nó sẽ toát ra một mùi hương thoang thoảng nhẹ nhàng giống như mình vừa mới ngâm ngừơi trong thứ nứơc nấu một loại cỏ thơm đặc biệt. Mày còn nhớ trứơc đây các bà thừơng tắm gội bằng nứơc nấu lá chanh, lá xả, lá thanh hao … ?

- Tao thấy nhiều ông bôi nứơc hoa xực nức. Như thế quá đáng, phải không?

- Đàn ông mà bôi nứơc hoa, hay còn gọi là «xức dầu thôm», là hạng đàn ông «quỷnh». Chỉ nên dùng mấy thứ eau de toilette nhẹ nhàng thôi. Mà trong những thứ này, eau de lavende là hạng nhất. Đó là thứ nứơc cất từ dầu cây oải hương. Cũng có loại nứơc hoa chế từ dầu oải hương. Đặc biệt lắm. Ngày xưa một vị hoàng đế nứơc Anh đã ra lệnh bào chế riêng thứ nứơc hoa lavender cho ông xài. Như thế đủ hiểu nó lịch sự quí phái như thế nào. Hãng nứơc hoa nổi tiếng Yardley ở Luân Đôn chuyên sản xuất loại nứơc hoa và xà bông lavender cho ông vua Anh xài. Về sau mới bán ra cho công chúng.

- Nhưng ngoài thị trừơng vẫn có những thứ nứơc hoa cho

đàn ông?

- Đúng. Thì tùy sở thích từng ngừơi mà họ chọn loại nứơc hoa. Nhưng cái cách ăn mặc, trang sức cho thấy tư cách, giai cấp, xuất xứ của mỗi ngừơi. Mày biết một ông linh mục dạy ở Đại học Văn Khoa và có chân trong Văn bút chứ? Đến gần ông ấy vài thứơc là thấy mùi nứơc hoa ngào ngạt! Mà «ngài» lại «chơi» nứơc hoa Bain Champagne mới chết chứ! Đó là nứơc hoa của đàn bà, khỉ ạ! Lại cũng có ông dùng nứơc hoa Chanel No.5 nữa. Đó cũng là nứơc hoa đắt tiền chỉ dành cho phái nữ. Cả hai nhãn nứơc hoa nổi tiếng này đều do Pháp chế tạo.

 

 

 

 

 

    

    

    

     -

 

 

 

 


                   10

 

Qua khỏi cầu Rạch Cát, ba chiếc xe vespa chở sáu ngừơi rẽ theo con đừơng quốc lộ số 1 nhưng dân địa phương quen gọi là  đừơng Đắp Mới. Chạy một quãng thì vựơt một khoảng  đồng trống hai bên đừơng không có nhà cửa. Khi tới ngã năm Biên Hùng, như thừơng lệ, không hẹn mà cả ba xe đều ghé vào trứơc một quán ăn trông rất bình dân nằm về phía bên phải của rạp chiếu bóng Biên Hùng. Quán mang tính chất bình dân vì khách ngồi trên những chiếc ghế thấp đóng bằng gỗ thông. Còn bàn ăn  vuông cũng bằng gỗ thông. Cả bàn lẫn ghế đều mang dấu tích phong trần do tàn phá của thời gian với những vệt xây xát đen đúa ngang dọc. Quán không có tên mà cũng chẳng có bảng hiệu. Ngay trứơc cửa quán có một cây trứng cá xòe tán rộng đủ che cho mấy cái bàn đặt quanh gốc. Số bàn còn lại đều nằm dứơi mái tôn thấp khiến ngừơi ta có thể nhìn thấy nhiều chỗ đã hoen rỉ. Tuy không có tên nhưng dân địa phương và thực khách đã gọi nó là quán hủ tíu dai Cây Trứng Cá, hay quán hủ tíu dai Biên Hùng, theo thói quen của dân miền Nam là đặt tên cho các quán hàng dựa vào một đặc điểm nào đó, hay vì nó nằm cạnh một địa danh hoặc kiến trúc nổi bật nào đó. Ví dụ Mì Gốc Nhãn trên đừơng Trần Quang Khải Đa Kao, vì tiệm mì này nằm dứơi gốc một cây nhãn. Hoặc Bánh cuốn Tây Hồ, vì mẹ con bà chủ ngồi tráng bánh cuốn bán ngay trứơc đền thờ cụ Phan Chu Trinh trong chợ Đa Kao. Quán hủ tíu dai Cây Trứng Cá này nổi tiếng từ lâu rồi. Thực khách đa số là công tư chức, các quân nhân thuộc Quân đoàn 3 hay từ phi trừơng Biên Hòa. Chẳng ai biết chủ quán tên là gì, dù ai cũng rõ đó là một ngừơi Hoa. Riêng chị em hai cô chạy bàn có lẽ là con ông chủ quán, đựơc đám thực khách trẻ dành nhiều cảm tình vì hai cô nhanh nhảu, vui tính, phục vụ khách rất ân cần.

Hiền, Đức, Dương gọi hủ tíu nứơc, nhưng Khải, Minh và Hổ thích hủ tíu khô hơn. Khô hay nứơc chỉ khác nhau ở chỗ tô khô không chan nứơc lèo mà để riêng trong một cái chén. Hủ tíu dai của quán này đặc biệt ở chỗ khéo chần bánh, để cho sợi bánh vừa dai đúng  mức. Chần non tay một chút là sợi bánh dai quá, mà già tay một chút thì sợi bánh lại nát, mất ngon. Trong mỗi tô đều có chừng hai ba miếng gan heo luộc thái mỏng, một con tôm luộc lột vỏ chẻ làm đôi, một ít thịt bằm, hai ba miếng thịt ba chỉ luộc và một cái trứng cút.

Đức chỉ tô hủ tíu hỏi Dương:

- Ông thấy tô hủ tíu dai ở đây có gì đặc biệt không?

- Chịu. Tôi thuộc loại ngừơi thực bất tri kỳ vị, chỉ

biết ăn thôi, không phân biệt đựơc những điểm đặc biệt, những món ngon vị lạ.

Minh nói thay Dương:

- Theo tôi,hủ tíu dai ở đây ngon hơn ở tiệm Thanh Xuân trên đừơng Tôn Thất Thiệp, gần Bộ Công Chánh Sài Gòn. Miếng gan heo ở đây có vị bùi vì luộc vừa khéo. Gan mà luộc chín quá sẽ cứng. Còn gan cũ có mùi hôi, mất ngon.

Hổ tiếp:

- Lại thêm mấy miếng tóp mỡ và tí hành phi cho nên ăn

nó có vị vừa béo vừa bùi mà thơm. Còn nứơc lèo thì ngọt một cách đặc biệt, không phải vì cho bột ngọt.

Hiền hỏi:

- Theo các ông, họ có bí quyết gì để làm cho nứơc lèo có vị ngọt đặc biệt như vậy?

Minh đáp:

- Nghe nói có quán đốt cháy một con dơi rồi bỏ vào nồi

nứơc lèo. Sẽ ngọt lắm!

Hổ nói luôn:

- Nếu không bắt đựơc dơi thì dùng con chuột cũng đựơc. Vì dơi và chuột cùng một họ với nhau.

Dương chặn ngay:

-   Nói bậy! Chẳng có dơi chuột nào hết! Tôi nghĩ rằng họ

hầm nhiều xương cá nên có vị ngọt như vậy.

Hổ gọi:

- Cô ơi! Làm ơn cho đĩa giá chần nhé!

Khải nói:

- Cậu Hổ hôm nào cũng phải đòi thêm một đĩa giá chần. Ăn phở cũng đòi giá chần. Hình như cậu ấy cần “ăn độn”.

Cả bàn cừơi rộ chế riễu Hổ. Minh gọi cô chạy bàn:

- Em ơi! Làm ơn cho xin mấy trái ớt hiểm. Cho ớt xanh nhé.

Khải hỏi:

- Tại sao không ăn ớt chín mà lại xin ớt xanh?

- Vì ớt xanh thơm. Vả lại nó không cay bằng ớt chín. Cắn miếng ớt xanh nó lên mùi hăng hăng mà không cay lắm, chứ cắn ớt chín … cay rụng lữơi! Tôi thích cái vị cay hăng hăng của trái ớt hiểm tươi, cho nên không đụng tới lọ ớt thái sẵn ngâm dấm ở trên bàn, cũng không dùng tương ớt.

Đức nhận xét:

- Quán này tuy bình dân, không trang hoàng gì cả và không  sang không lớn như quán Thanh Xuân trên Sài Gòn, nhưng đĩa rau tần ô và giá sống  lúc nào cũng tươi và sạch, không có cọng úa nào.

Khải nói:

- Mà giá cả lại bình dân.

Hổ tiếp luôn:

- Và thêm hai cô “a múi” chạy bàn mũm mĩm dễ thương.

Mấy ngừơi cừơi đồng ý, nhưng Hiền sửa ngay:

- Cậu vào quán để ăn hủ tíu hay để … ăn hai cô chạy

bàn?

- Đã đành là vào ăn hủ tíu, nhưng cũng phải đựơc quyền

nhận xét chứ! “Thầy” … khó quá! Chẳng hơn là vào một quán mà có hai bà xồn xồn răng hô chạy bàn à? Cậu có muốn vào một quán như thế không?

Đức chậm rãi:

- Theo tôi, nếu quán này thay hai cô bé bằng hai ả xồn xồn răng hô thì số thực khách sẽ giảm phân nửa trong vòng sáu tháng.

Dương tiếp luôn:

- Và một năm sau xập tiệm!

Cả bọn lại cừơi hô hố vì câu nói đùa khiến mấy ngừơi ngồi bàn bên cạnh tò mò liếc sang. Khải nêu câu hỏi:

- Các ông có nhận thấy rằng quán này đông khách vì ngon và rẻ, lại có hai cô chạy bàn dễ thương, thế mà không hề thấy một ông cảnh sát nào từ cái bót cảnh sát xéo bên kia đừơng sang ăn. Tại sao?

Minh đáp:

- Có thể là vì đồng lương của họ thấp. Buổi sáng ăn cơm nguội hay làm một cái bắp luộc, một ổ bánh mì, đỡ tốn tiền hơn.

Đức tiếp:

- Hoặc có thể là chỉ huy của họ có lệnh cấm sang ăn, vì lỡ nhà hàng thấy mấy thầy cảnh sát là chỗ quen biết nên không lấy tiền. Như thế là can tội tham nhũng.

- Đúng! Thà rằng tham nhũng hàng vạn, hàng triệu, nhưng kín đáo thì không sao, có thể làm đựơc. Nhưng tham nhũng một tô hủ tíu dai, tuy rằng nó ngon và do cô chạy bàn mũm mĩm phục vụ, mà làm công khai, nó … kỳ lắm!

- Thôi, các cậu không nên nói xấu những ngừơi bạn dân như thế. Họ không sang ăn, có thể là để giữ tác phong đạo đức.

- Cậu nói thế nghĩa là ăn hủ tíu dai là mất tác phong, mất đạo đức, phải không?

- Thôi, cho xin đi các ông ơi! Ăn xong thì đứng lên để còn vô trừơng, nhừơng chỗ cho ngừơi khác. Đừng quên trả tiền để bị kêu lại đòi, ấy mới là mất tác phong và đạo đức.

Nói xong Khải vẫy cô chạy bàn lại tính tiền. Khi họ lục tục ra lấy xe, Dương đùa thêm:

- Yêu cầu ông nào còn ngậm tăm thì bỏ đi giùm! Đi dọc

đừơng mà ngậm tăm hoặc tệ hơn nữa, quẹt quẹt cây tăm trên hai hàm răng rèng rẹc như đánh dương cầm, thế mới là mất tác phong đấy!

Nghe nói vậy, không ai bảo ai mà vô tình ngừơi nọ ngó ngừơi kia như thể kiểm soát xem có ai còn cây tăm trên miệng không.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn