BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73945)
(Xem: 62319)
(Xem: 39513)
(Xem: 31236)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hoài Niệm và Mơ Ước

11 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 1392)
Hoài Niệm và Mơ Ước
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Nỗi hoài niệm và những mơ ước ngậm ngùi! Cảm nhận sau khi đọc “Hồi Ký Không Tên” của Chánh Trinh Lý Quí Chung.

Năm 1965, khi ông Lý Quí Chung (LQC) được bổ nhiệm làm Giám đốc Nha Tác động tâm lý, Bộ Thanh niên của chính phủ Sài Gòn, tôi đang học ở trường mẫu giáo Lâm Tỳ Ni, Huế. Đầu năm 1969, khi ông tham gmột phái đoàn trí thức nhân sĩ miền Nam đi thăm chính thức một số nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ với mục đích làm cho thế giới hiểu thêm về miền Nam và chế độ Sài Gòn, thì ở Huế, tôi và lũ bạn cùng lứa lớp ba trường tiểu học cộng Đồng Nam Giao say sưa chạy theo ông Giám-có-ma-đưa-đường đi đào trúng chóc những chỗ chôn sống tập thể trước đó mấy tháng trong biến cố Mậu Thân 1968, ở vùng Nam Giao và phụ cận.

Năm 1972, khi ông “tẩy chay” cả Quốc hội Sài Gòn lẫn “tẩy chay” viết, thì ở Huế, gia đình tôi cùng dòng người tỵ nạn từ Qủang Trị, Hải Lăng, Đồng Hà chạy trối chết quyết vượt cho được con đèo Hải Vân hướng về phía Đà Nẵng tránh bom đạn vốn vô tình trong “mùa hè đỏ lửa” năm đó. Để rồi ba năm sau đó, đầu năm 1975, gia đình tôi lại thêm một lần vất của chạy lấy người quyết trèo qua cho được con đèo Hải Vân nhiều nợ hơn duyên này khi nghe tin đồn ông Tổng thống Thiệu sẽ cắt Huế nhường cho miền Bắc!

Tháng 3 năm 1975, khi ở Sài Gòn, ông LQC “đặt thẳng vấn đề với bạn bè ông để sẵn sàng thay Thiệu dù chỉ để cầm cờ trắng đầu hàng”, thì ở Đà Nẵng, gia đình tôi chuẩn bị hồi hương về lại Huế, sau khi Đà Nẵng và Huế hoàn toàn được“giải phóng”.

Nói như vậy, để thấy rằng tôi là thế hệ sau ông LQC. Không biết “chính trị chính em” gì trước ngày đất nước thống nhất, cho đến khi bị bắt đi bỏ phiếu Quốc hội khoá I năm 1976, theo hình thức “đảng chọn, dân bầu”. Cho đến nhiều năm sau đó ở Việt Nam, có không muốn biết đến chính trị cũng không tránh được, vì nó bao trùm lên mọi lãnh vực đời sống con người. “Lý lịch bản thân để thi vào Đại Học” là bài học vỡ lòng cho thế hệ chúng tôi sau 1975. Và sau đó, biết chính trị, cũng đồng nghĩa là biết để “ngậm mà nghe”.

Hồi ký không tên, trang 122 Nguồn: “Hồi Ký Không Tên”, tác giả Chánh Trinh Lý Quí Chung (2005)


Trong lúc những cuốn hồi ký chính trị khác bị cấm phát hành, thì đầu năm 2005, cuốn “Hồi ký không tên” (HKKT) ra đời rầm rộ ở Việt Nam, với lời giới thiệu của nhà nghiên cứu, lý luận cộng sản tên tuổi Trần Bạch Đằng. Tuy vậy, tôi không nghĩ rằng ông Lý Quí Chung (LQC) được “tự do” phóng bút mà không bị kiểm duyệt trước khi in. Một thí dụ điển hình, cuối năm 1967, ông tái đắc cử vào Quốc hội lập hiến một lần nữa. Và khẩu hiệu tranh cử của ông lần này – theo trong cuốn hồi ký của ông — là “một miền Nam trung lập trong một Đông dương trung lập”. Nhưng tấm hình in hai áp phích vận động bầu cử của ông ở trang 109, trong chính cuốn hồi ký này mà độc giả có thể đọc được rõ ràng là “1 Miền Nam Trung Lập Không CS Trong Một Đông Dương Trung Lập”. Ai đã đục bỏ hai chữ “Không CS” này, để chỉ còn lại: “1 Miền Nam Trung Lập Trong Một Đông Dương Trung Lập” ở trang 122? Có lẽ, chỉ có tác giả và nhà xuất bản mới có câu trả lời. Nhưng nếu giả như ông được viết những gì ông muốn viết mà không bị gò bó bởi sự kiểm duyệt của chính quyền CS, thì đó mà một cuốn hồi ký buồn — hồi ký của những giấc mơ đã tàn! Bởi, nó thiếu phần trung thực! Bởi, ông cố tình lẩn tránh nhiều điều đáng để nói đến trong 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, trong những năm tháng đất nước có nhiều “bức xúc, trăn trở” nhất. Về phương diện này, ông giống người đảng viên cộng sản về cái mặc cảm phản bội tổ quốc của mình, nên hoặc là âm thầm đớn đau, hoặc là ù lì cố tình lẩn tránh cái thực tại.

Áp phíc tranh cử: “1 Miền Nam Trung Lập Không CS Trong Một Đông Dương Trung Lập” (trang 109) Nguồn: “Hồi Ký Không Tên”, tác giả Chánh Trinh Lý Quí Chung (2005)


Cũng vì cách nhau một thế hệ, trải qua và thể nghiệm những biến động lịch sử của đất nước trong những hoàn cảnh khác nhau, nên tôi không thể không có những so sánh sau khi đọc xong cuốn hồi ký của ông, về một bối cảnh chính trị giữa miền Bắc và miền Nam trước 1975, và với cả nước sau 1975 cho đến nay (2006). Vì lẽ đó, khi viết bài này, tôi chỉ lướt qua cuộc đời hoạt động chính trị của ông dựa vào cuốn “Hồi ký không tên” do ông viết để nhằm nói lên cái không khí sinh hoạt chính trị trước 1975, chứ không nhằm khen, chê cá nhân ông LQC. Riêng về những đoạn ông viết về gia đình ông, tôi có cảm nhận ông viết rất thật, với những tình cảm trân qúy dành cho gia đình mình. Tôi cảm động và hoàn toàn tôn trọng, không đề cập tới. Vì vậy, nếu có điều gì thất thố với tác giả LQC, đó là điều ngoài ý muốn của tôi. Tôi thành thật xin lỗi ông. Mong ông rộng lòng tha thứ cho kẻ đi sau ông một thế hệ này.

Trí thức tiểu tư sản miền Nam dấn thân vào hoạt động chính trị - Một hình ảnh đẹp, một cách lãng mạn.

Thời thơ ấu, ông LQC là một người may mắn, “tuổi thơ trải qua khá êm đềm mặc dù đây là một giai đoạn đầy biến động của đất nước (1943-1953)(1). Cha ông là một công chức cao cấp trong chính quyền thời Tây, về sau đã từng làm phó Đô trưởng Sài Gòn thời ông Nguyễn Văn Thiệu (1970-1972). Được mẹ cho đi học trường Tây ở Biên Hòa chỉ dành cho con Tây và con công chức cao cấp trong tỉnh (2). Lẽ dĩ nhiên, ông cũng có tên Tây: Charles. Sau đó ông theo học trường Tây Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, cũng dành cho con em người Pháp và quan lớn người Việt (3), rồi Lycee Yersin ở Đà Lạt, và cuối cùng thì trở lại Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn để lấy tú tài 2. Trong thời gian này, ông chơi thể thao, xem phim Tây, đọc báo Tây và nhảy đầm… như Tây. Thế rồi, ông thi đậu vào Học viện Quốc gia Hành chánh để tránh bị đi quân dịch (4). Nhưng ông không tìm thấy thú vị nào ở trường này, bởi như ông nói, ông có một đam mê lớn trong đời: đam mê làm báo.

Bắt đầu viết về chủ đề thể thao, ông dần lấn qua địa hạt chính trị. Bởi, “từ môi trường báo chí, tôi tiếp cận với đời sống chính trị Sài Gòn, biết bức xúc trước những bất công, những việc làm phi dân chủ, độc tài của chính quyền Sài Gòn” như ông kể (5). Không ai dẫn dắt ông, không ai lôi cuốn ông, thực tế đời sống và diễn biến thời cuộc của đất nước điều chỉnh các hoạt động và thái độ chính trị của ông mà thôi. Một hình ảnh tuyệt đẹp. Hình ảnh của một anh trí thức tiểu tư sản miền Nam dấn thân vào con đường hoạt động chính trị chỉ bởi nhằm một mục đích đấu tranh chống độc tài, cho lẽ phải, công lý và dân chủ cho mọi người. Nó cũng không kém phần lãng mạn, khi người đi làm cách mạng này là một người nói tiếng Tây như Tây, nhảy đầm như Tây, và chơi thể thao cũng như Tây.

Ông Chung quả là một người may mắn so với thế hệ chúng tôi, là thế hệ lớn lên và trưởng thành trong chế độ cộng sản sau ngày đất nước thống nhất. Cơm no áo mặc không là một điều băn khoăn trong tuổi thơ ông. Chỉ cực nhọc sau khi ông lập gia đình. Nhờ hoàn cảnh gia đình và môi trường lúc đó, ông hấp thụ được một nền giáo dục nghe mà thèm. Để khi vào đời, ông biết bức xúc trước những bất công, phi dân chủ… của xã hội, của chính quyền thời đó. Dứt khoát một điều, suốt thời gian đi học của ông, ông không phải “ứa máu” với sơ yếu lý lịch, với “hồng và chuyên”, “hai sợi chỉ đỏ”… và một mớ chủ nghĩa Mác-Lê vô bổ như thế hệ chúng tôi sau này. May mắn thay cho ông!

Tôi vẫn cho rằng, con đuờng ông LQC chọn lúc vào đời, như một sự dấn thân để đấu tranh chống độc tài, cho lẽ phải, công lý và dân chủ cho mọi người, như ông nói — là một thái độ sống đẹp và hùng. Một sự dấn thân đáng được trân trọng.

Đời hoạt động chính trị ở chính trường miền Nam trước 1975 - Như một sự tình cờ.

Năm hai mươi lăm tuổi, ông LQC ra tờ báo Sài Gòn Tân Văn và làm chủ nhiệm tờ báo này cho đến lúc tờ báo bị đóng cửa. Tuy tuổi thọ tờ báo ngắn ngủi nhưng nó tác động ông mãnh liệt. Ông cho rằng “nghề báo không thể tách rời các cuộc đấu tranh cải tiến xã hội, bảo vệ dân chủ và lẽ phải. Một nhà báo dứt khoát phải là một trí thức dấn thân”(6). Sau Sài Gòn Tân Văn, ông qua làm thư ký tòa soạn cho tờ Bình Minh của ông Võ Văn Ứng.

Năm 1965, trong chuyến công du Nam Triều Tiên (tức là Đại Hàn, hay Nam Hàn như cách gọi trước đây, bây giờ gọi là Hàn Quốc) của chủ tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương (UBHPTƯ) do ông Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu, ông LQC đã được mời tháp tùng theo phái đoàn với tư cách là nhà báo độc lập, vì ông Kỳ muốn mời “cái anh ký giả Nguyễn Lý (bút hiệu của LQC lúc đó) hay viết bài chống tôi”. Đúng lý, ông không được đi, vì đang ở trong tình trạng trốn quân dịch. May thay, các ký giả tháp tùng phái đoàn của Thủ tướng Kỳ được cấp thông hành công vụ, nên ông … thoát và cuối cùng đi được.

Cũng trong năm 1965 này, có hai biến cố lớn xảy ra trong đời hoạt động của ông, là được bổ nhiệm làm Giám đốc Nha Tác động tâm lý, của Bộ Thanh niên do ông Võ Long Triều làm Bộ trưởng. Ông LQC được mời là do có những hoạt động với ông Triều trước đó để vận động thành lập Đại học miền Tây. Biến cố thứ hai là đắc cử vào Hạ viện Sài Gòn. Trong thời gian này, ông Thiệu và ông Kỳ chạy đua dành ảnh hưởng trên chính trường miền Nam, ngay sau ngày bầu cử Quốc hội Lập Hiến. Ai cũng muốn đa số dân biểu đứng về phía mình. Qua sự hậu thuẫn của ông Kỳ, ông Bộ trưởng Bộ Thanh niên Võ Long Triều thành lập liên danh ứng cử, trong đó có ông LQC, như người lót đường. Người cầm đầu liên danh này là ông Nguyễn Bá Nhẫn. Vì lý do riêng tư, ông Nhẫn rút lui vào giờ phút cuối. Ông Võ Long Triều chỉ còn cách “đôn” ông Chung lên thay thế ông Nhẫn cầm đầu liên danh, và thế là ông đắc cử. Cuộc tham gia vào chính trường miền Nam của ông bắt đầu như thế — “không do tôi chủ động và với qúa nhiều tình cờ không thể tượng tượng (nhưng hầu như đều thuận tiện cho tôi)” (8). “Thế là trong vòng không đầy một năm, từ một sinh viên bỏ học dở dang, trốn quân dịch, mới tập tễnh với nghề viết báo, tôi trở thành Giám đốc ở Bộ Thanh niên rồi bây giờ là dân biểu Quốc hội! Lúc đó, tôi tròn 26 tuổi.” (8)

Tuy rằng theo ông, “Quốc hội Sài Gòn khi ấy không khác gì một nhà hát hài kịch rẽ tiền và lố lăng, nhưng từ diễn đàn này cũng đã vang lên khá nhiều tiếng nói của những phần tử đối lập, cùng những trí thức ý thức vận nước tìm cách thể hiện nguyện vọng của người dân miền Nam không chịu tách rời với miền Bắc ruột thịt, muốn được thấy tổ quốc hòa bình độc lập và thống nhất”(9). Nhưng cho dù Quốc hội Sài Gòn là một nhà hát rẽ tiền và lố lăng như ông nói, ông đã ra ứng cử và đắc cử 3 nhiệm kỳ liên tiếp, làm dân biểu trong vòng 10 năm từ năm 1966 cho đến 1975.

Đọc đến đây, tôi không thể không nghĩ đến hai nhân vật cùng thời với ông ở miền Bắc, đó là nhà văn Vũ Thư Hiên và nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Sở dĩ tôi nhớ đến hai ông này vì tôi đã có dịp đọc hai cuốn hồi ký của họ. Nhưng không được may mắn như ông LQC. Cuốn hồi ký “Chuyện kể năm 2000” của ông Tấn bị tịch thu ngay sau khi in ở Việt Nam, còn cuốn hồi ký “Đêm giữa ban ngày” của ông Hiên thì còn thê thảm hơn, không những không được in ở Việt Nam, mà ngay cả khi viết, ông cũng phải viết trên đường bôn tẩu ở ngoại quốc. Quả thật, chỉ căn cứ qua ba cuốn hồi ký này mà nói, thì tuồng như miền Nam trước 1975, thành phần trí thức đối lập đã không có đủ lực và thế mà xoay dịch được tình thế chính trị, cho dẫu họ ra báo riêng, ứng cử vào Quốc hội, biểu tình chống chính phủ đương thời…, trong lúc ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đã thiết lập được một nền dân chủ tập trung hãi hùng. Rất tiếc, ông Chung đã kính phục những người cộng sản - như ông nói trong cuốn hồi ký của mình - mà không cần biết cái chế độ đó đã mang lại gì cho nhân dân. Cũng như ông mãi tranh đấu chống chính quyền miền Nam, mà hoàn toàn không có một ý niệm là cái gì đây sẽ thay thế nó một khi chính quyền mình chống đối không còn nữa. Để đến hồi kết, ông và bạn bè ông “sẵn sàng thay Thiệu để cầm cờ trắng đầu hàng”. Hết. Sau đó là cái gì đi nữa thì cũng xem như “một sự tình cờ”!

Hoạt động đối lập với chính quyền Sài Gòn - Thỏ giỡn trăng.

Hoạt động đối lập với chính quyền Sài Gòn - Thỏ giỡn trăng Nguồn: ml.hss.cmu.edu


Trong những ngày đầu ở Quốc hội, ông tự thừa nhận hành tranh chính trị của ông hầu như chẳng có gì, vì chưa từng trải qua một ngày học luật và chưa từng có những hoạt động chính trị đúng nghĩa. Nhưng ông thấy rõ rằng, đây là một Quốc hội làm hiến pháp, nhưng trước hết nó phải là diễn đàn của dân, vì dân và tiếng nói quan trọng nhất đối với một dân biểu trên diễn đàn Quốc hội vào thời điểm đó nhất thiết là tiếng nói đấu tranh cho dân chủ và công bằng (10). Hồi ký không đề cập ông hứa hẹn với cử tri của ông là sẽ làm gì cho họ sau khi đắc cử, và cũng không thấy ông đề cập đến những thành tựu ông mang đến cho cử tri của ông suốt ba nhiệm kỳ ở Quốc hội.

Trong thời gian ở Quốc hội Sài Gòn, ông làm trưởng khối Dân tộc,“là khối dân biểu đối lập đầu tiên trong Quốc hội Sài Gòn, do lập trường chống chính quyền quân sự và chống chiến tranh” (11). Với tư cách là Trưởng khối dân tộc, ông đã được mời thuyết trình về dự thảo hiến pháp cho lớp cao học (ngành đốc sự) ở Học viện Quốc gia Hành chánh, được Tổng hội Sinh viên Sài Gòn mời tham dự cuộc hội thảo về tình hình miền Nam và Quốc hội Lập Hiến cùng với Linh mục Nguyễn Ngọc Lan. Qua những hoạt động đối lập với chính quyền Sài Gòn trong thời gian này, mà ông được tái đắc cử vào Quốc hội lập pháp năm 1967. Theo ông, là “bởi phần nhiều các báo đều dành thiện cảm cho các dân biểu đối lập và tỏ ra coi thường các phần tử thân chính quyền mà họ gọi là ‘gia nô’”. Tuy nhiên, ông cho hay, trong thời gian ông Phan Khắc Sửu là chủ tịch Quốc hội, “cụ (PKS) tương đối giữ được tư cách của một nhân sĩ có tinh thần dân tộc và không chịu bán mình cho chính quyền dù phải luôn đối phó với nhiều áp lực” (12).

Trong gần suốt hai thập niên 60 và 70, ông “mò mẫm” con đường đi giữa một chính trường Sài Gòn cực kỳ hỗn loạn. Ông tự vạch cho mình một con đường đi, mà theo ông, “với một thứ ánh sáng duy nhất xuất phát từ con tim: đó là lòng yêu nước rất đơn sơ với mong muốn Tổ quốc của mình được độc lập, hòa bình và thống nhất. Trước mắt, sự can thiệp của người Mỹ phải chấm dứt, người Việt Nam yêu thương nhau và nước Việt Nam phải là của người Việt Nam” (13).

Ngay sau khi hiến pháp vừa được ban hành vào ngày 18 tháng 3 năm 1967, cuộc chạy đua giành ảnh hưởng giữa hai ông Thiệu và Kỳ diễn ra ráo riết. Khi ông Kỳ quyết định rút lui không ứng cử Tổng thống nữa thì Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia đề nghị ông Kỳ đứng phó trong liên danh ứng cử của ông Thiệu “để giữ sự đoàn kết trong quân đội”. Như vậy, lần ứng cử Tổng thống này, ngoài liên danh Thiệu Kỳ, có 10 liên danh khác của các nhân sĩ và đảng phái ghi danh ứng cử. Trong các liên danh dân sự, có liên danh của ông Trần Văn Hương (14). Kết quả là liên danh Thiệu-Kỳ về đầu trên toàn miền Nam với 35% số phiếu. Theo hiến pháp, kết qủa bầu cử này phải được Quốc hội hợp thức hóa. Đây là lo âu không nhỏ cho ông Nguyễn Văn Thiệu và các phe nhóm của ông (15).

Vì lẽ đó, ông Thiệu vận động ông Lý Quí Chung như là trưởng khối Dân tộc bỏ phiếu hợp thức hóa sự đắc cử của ông Thiệu. Ông Thiệu đã mời ông LQC đến nhà riêng của mình để vận động, nhưng ông Chung từ chối. Ông còn kể thêm ông Thiệu đề nghị ông Chung cứ công khai giữ vững lập trường của mình, nhưng khi bỏ phiếu kín, thì xin ông Chung bỏ phiếu hợp thức hóa kết quả bầu cử. Ông Chung đã trả lời thẳng thắn là ông từ chối làm điều này. Nhưng cuối cùng, Quốc hội lập hiến đã hợp thức hóa sự đắc cử của liên danh Thiệu-Kỳ với 58 phiếu thuận và 43 phiếu chống. Cuối năm 1967 này, ông tái đắc cử vào Quốc hội lập hiến một lần nữa. Và khẩu hiệu tranh cử của ông lần này là “một miền Nam trung lập trong một Đông dương trung lập”. Như đã đề cập đến trong phần mở đầu, có lẽ là một sự cố ý khi trong “Hồi ký không tên”, người ta đã bỏ đi hai chữ cộng sản. Bởi tấm hình in hai áp phích vận động bầu cử của ông ngay ở trang 109 mà độc giả có thể đọc được rõ ràng là “1 Miền Nam Trung Lập Không CS Trong Một Đông Dương Trung Lập”. Nhưng trong hồi ký, khẩu hiệu này bị đục bỏ hai chữ Không CS, để chỉ còn lại: “1 Miền Nam Trung Lập Trong Một Đông Dương Trung Lập” ở trang122? Để theo đuổi lập trường hòa bình của ông lúc đó, sau khi ông đắc cử, ông gởi thư đến một số nhà lãnh đạo Châu Á như Thủ tướng Malysia Tengku Abdul Rahman, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Thủ tướng Nhật bổn Sata yêu cầu họ hỗ trợ giải pháp này (16). Trong nhiệm kỳ Hạ nghị viện 1967-1971, ông Chung cho hay phe đối lập với chính phủ Sài Gòn có hai tờ báo hàng ngày khá mạnh về số lượng phát hành. Đó là tờ Tin Sáng của dân biểu Ngô Công Đức, và tờ tiếng nói Dân Tộc do chính ông LQC làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Tháng 8 năm 1971, ông LQC ra ứng cử dân biểu Hạ nghị viện lần thứ ba và đắc cử thêm một lần nữa. Trong thời gian vận động bầu cử này, ông có một tuyên bố trên đài truyền hình và cả trên báo chí rất dứt khoát: “Tôi đắc cử Hạ nghị viện và sau đó ông Nguyễn Văn Thiệu cũng đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử độc diễn, thì tôi sẽ từ nhiệm và rút ra khỏi Hạ nghị viện để phản đối cuộc bầu cử không dân chủ của ông Thiệu.” (17) Hai tháng sau đó, tức tháng 10 cùng năm 1971, ông Thiệu đắc cử Tổng thống qua một cuộc bầu cử “độc diễn” độc đáo và trơ trẽn không khác chi bầu cử theo thể thức “Đảng chọn dân bầu” dưới chế độ CS sau này. Đã lỡ tuyên bố với cử tri, ông LQC không còn con đường nào khác hơn là “lên diễn đàn Quốc hội đọc lá thư gởi cho Chủ tịch Hạ nghị viện chính thức xin từ nhiệm, thực hiện đúng lời tuyên bố của mình khi ra tranh cử”. Đơn từ nhiệm không được Chủ tịch Hạ nghị viện chấp thuận với lý do đơn giản: nhiệm kỳ dân biểu do nhân dân ủy thác bằng lá phiếu, do đó Chủ tịch Hạ nghị viện không có thẩm quyền giải quyết sự từ nhiệm của người đắc cử. “Dù không được chính thức từ nhiệm, tôi vẫn giữa quyết định ‘tẩy chay’ Quốc hội của Nguyễn Văn Thiệu” (18). Và như vậy, tuy mang tiếng là dân biểu trong thời gian này, ông không còn tham gia hoạt động hội họp gì với Quốc hội nữa. Thay vào đó, ông đi làm cái việc mà ông thích: làm báo và bên cạnh đó, “tham gia cả việc bưng bê các thức ăn cho khách”, cho tiệm ăn do ông ta mở, vợ ông quản lý và phụ trách bếp (19), rồi … chơi quần vợt. Ông hãnh diện khoe tuy mình mới bắt đầu chơi quần vợt từ cuối năm 1971, nhưng ông “tiến rất nhanh trong thời gian “tẩy chay” Hạ nghị viện,“rãnh rỗi nên ngày nào tôi cũng vào Xẹt Tây đánh quần vợt. Tôi chơi ba năm tiến bằng người ta chơi sáu năm”! (20). Trong chương“những tháng ngày tưởng như bế tắc…” đó, ông sống như Tây,“mỗi sáng tôi vào Xẹt Tây ăn sáng, đánh quần vợt cho tới trưa, rồi sang hồ bơi ăn cơm trưa và xuống hồ bơi … phơi nắng cho đến chiều tối mới về nhà” (21).

Tuy vậy, trong thời gian này, là “thời gian thật chán nản đối với tôi. Bỗng chốc nhận ra sự bất lực của hoạt động chính trị nghị trường và thân phận làm ‘đối lập kiểng’ của mình. Tôi cảm nhận mình không khác gì một con gà bị trụi lông” (22). Cũng trong thời gian này, sau khi ông Thiệu đắc cử Tổng thống qua màn độc diễn, ông Thiệu bắt đầu cũng cố quyền lực của mình “tăng cường các biện pháp siết chặc phe đối lập, đồng thời tiến hành triệt để đàn áp, bắt bớ các phần tử bị coi là thân cộng”. Nên, “trong tình hình bế tắc ấy, các thành phần chống Thiệu không còn sự chọn lựa nào khác là phản đối chính quyền bằng cách xuống đường biểu tình, làm báo nói, tổ chức báo nói…” Và như thế, nhằm cái lúc rãnh hơi, và chán nản ngay cái cảnh ăn sáng, chơi quần vợt, phơi nắng đã đời ở Xẹt Tây, ông trở lại hoạt động bằng cách tham gia rất nhiệt tình các cuộc xuống đường, tổ chức báo nói của các bạn đồng viện của ông. Như ông nói,“tôi không bao giờ vắng mặt” (23).

Nhiều cuộc biểu tình được tổ chức bởi các dân biểu đối lập trước Quốc hội đã bị cảnh sát dã chiến của chính quyền ông Thiệu đàn áp. Cũng như nhiều lần đi làm “báo nói” (cầm microphone chạy bằng pin và nói trước công chúng, thường là các đầu chợ, khi chợ còn buôn bán đông đúc), cũng đã bị cảnh sát địa phương “làm khó dễ”, bằng cách áp tải cả đoàn dân biểu đối lập đang đi làm báo nói đi qua địa phận khác không còn là trách nhiệm của mình, rồi “thở phào nhẹ nhõm khi thấy ô tô của chúng tôi đã lên phà. Cảnh sát Cần Thơ coi mình đã làm xong phận sự. Bên kia bờ thuộc trách nhiệm của cảnh sát Vĩnh Long” (24). Cách làm báo nói này không những chỉ xảy ra ở miền Tây, mà ngay cả “sau khi Hiệp định Paris đã ký kết, chúng tôi mang tận ra Huế ‘diễn’ rất thành công ngay tại chợ Đông Ba” (25).

Tháng 8 năm 1972, ông Tổng thống Thiệu ký sắc luật 007, khiến cho 16 tờ báo ngày và 15 tờ báo định kỳ phải đóng cửa. Ông Chung giải thích thêm, “sắc luật 007/1972 này bắt buộc mỗi tờ báo phải đóng ký qũy 20 triệu đồng (lúc ấy tương đương 47000 đô-la), còn báo định kỳ thì 10 triệu. Nếu không nạp đủ số tiền đó, thì báo bị rút giấy phép” (26). Chính cái sắc luật quái gỡ này làm điêu đứng giới báo chí miền Nam lúc đó. Tờ Bút Thần của ông LQC cùng chung số phận, phải đóng cửa sau đó. Nhưng “trong số báo Bút Thần cuối cùng, ngoài sự lên án sắc luật 007/72 dành độc quyền ra báo cho những kẻ giàu có – báo chí của giai cấp tư bản – tôi còn có một tuyên bố trong bài xã luận: vĩnh viễn không cầm viết nữa. Thế là sau khi tẩy chay Quốc hội – không đi họp nữa – tôi ‘tẩy chay’ viết!” Để “nhiều năm sau nhìn lại, tôi vẫn không biết mình có những quyết định đó đúng hay sai” (27).

Trong giai đoạn này, ông không đứng về phía cộng sản, bởi theo ông, “lý do đơn giản là ông không biết gì về người cộng sản”. Ông cũng không tự cho mình là thành phần “quốc gia”, bởi ông cho chế độ Sài Gòn không đại diện cho nhân dân miền Nam, phản dân chủ và hoàn toàn không có khả năng bảo vệ chủ quyền đất nước (28). Nên ông tự dịch mình vào giữa, và tự gọi mình là người Việt cô đơn. Với ông, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là người Việt cô đơn, người Việt đứng giữa như ông (29). Tuy nhiên vào năm 1974, khi ông cho rằng “tình hình gần như bế tắc đối với giới thanh niên trí thức tiến bộ, kể cả phần tử đối lập”, ông có bàn với ông Dương Văn Ba “tìm cách liên lạc với Mặt trận Giải phóng Miền Nam (MTGPMN) và chọn hẳn con đường hoạt động bí mật”. Nhưng cả ông và ông Ba chẳng ai biết cách nào để liên lạc với MTGPMN (30). Mặc dù ông thừa nhận, sự hiểu biết về Hồ chủ tịch và MTGPMN rất trễ tràng và ít ỏi. Cũng may cho ông chưa gia nhập MT trong thời gian đó, nên ông không bị “bay hơi” theo cái Mặt trận hữu danh vô thực này. Vì vậy, khi các ông Trương Như Tảng, Đoàn Văn Toại… phải vượt biên năm 1977, bà Bs Dương Quỳnh Hoa chính thức trả lại thẻ đảng năm 1979, thì ông LQC vẫn ung dung viết báo ở Sài Gòn!

Tuy vậy, ông đã không giữ lời hứa“tẩy chay viết” này lâu. Sau khi nghĩ viết một thời gian ngắn, ông đồng ý hợp tác với tờ Dân Tộc, nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn. Cuối cùng, ông trở lại cầm bút theo lời mời của ông Lý Chánh Trung và Dương Văn Ba khi hai người này làm tờ Điện Tín. Theo ông LCT, “thực tế cận thời điểm này, việc tìm kiếm một diễn đàn để bày tỏ quan điểm là hết sức cần thiết. Tiếp tục giữ thái độ ‘tẩy chay’ chính quyền mà treo bút là không thiết thực và hoàn toàn bất lợi” (31).

Lướt qua một đoạn dài như vậy, để thấy nếu như con đuờng ông LQC chọn lúc vào đời, như một sự dấn thân để đấu tranh chống độc tài, cho lẽ phải, công lý và dân chủ cho mọi người, như ông nói – là một thái độ sống đẹp và hùng; thì trong thực tế, cái khoảng thời gian mười năm (1965-1975) ông LQC loay hoay đấu tranh, hoạt động đối lập với chính quyền Sài Gòn dạo đó nó gợi lên trong tôi một hình ảnh lung linh, rộn ràng của cái cảnh … thỏ giỡn trăng. Giỡn mệt rồi thì “vào Xẹt Tây ăn sáng, đánh quần vợt cho tới trưa, rồi sang hồ bơi ăn cơm trưa và xuống hồ bơi … phơi nắng cho đến chiều tối mới về nhà” (32). Khi lấy lại sức và chán chê cái xẹt Tây, thì trở lại hoạt động bằng cách tham gia rất nhiệt tình các cuộc xuống đường, tổ chức báo nói của các bạn đồng viện của ông!

Ông dân biểu biết dùng quyền của một dân biểu để đi biểu tình – Vui như hội.

Từ cuối năm 1972 trở đi, ông chỉ có hai hoạt động “để nuôi dưỡng tinh thần của mình: dự các buổi họp hằng tuần vào ngày thứ sáu trong nhóm Dương Văn Minh và tham gia các cuộc xuống đường thường do anh Hồ Ngọc Nhuận chủ xướng” (33).

Một trong những cuộc xuống đường để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất là ngày ký giả đi ăn mày, xảy ra vào ngày 10 tháng 10 năm 1974. Theo ông, do sự ra đời của sắc luật 007/72 mà làm cho hai tổ chức báo chí: Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt và nghiệp đoàn ký giả Việt Nam xích lại gần nhau. Và“ngày ký giả đi ăn mày, đã do 4 tổ chức báo chí ở Sài Gòn tổ chức. Đó là Hội chủ báo, Nghiệp đoàn ký giả Nam Viêt, Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam, và Hội ái hữu ký giả. Buổi xuống đường quy tụ nhiều nhà báo tên tuổi, và nhiều dân biểu đối lập với chính quyền Thiệu, đã bị cảnh sát của Thiệu đàn áp thẳng tay”. Nhưng theo ông Chung,“ngày ký giả đi ăn mày đã được tổ chức rầm rộ và gây một ảnh hưởng trong dư luận. Cả hai đài VOA và BBC nhìn nhận đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ 3 năm qua. Có một chi tiết thú vị là cũng đêm đó, “hậu ký giả đi ăn mày”, dân biểu bác sĩ Đinh Xuân Dũng, đơn vị Bình Thuận đã bị cảnh sát đánh ngay trước mặt Hạ viện và bắt bỏ lên xe đưa đi. Sau khi ông dân biểu Dũng được thả về, nhóm dân biểu đối lập bí mật băng bó ông Dũng kín mít như đang ở trong tình trạng nguy kịch rồi khiêng ông trên băng ca đến Tòa án Sài Gòn trên đường Công Lý để kiện.” (34). Nhưng cuối cùng bị hàng rào concertina chận lại, mà đoàn biểu tình không đến được mục tiêu, phải trở lại Hạ viện.

Cũng trong thời gian này, ông tham gia Lực lượng Hoà giải Dân tộc, ông tổ chức một buổi hội thảo về Hiệp định Paris ở chùa Ấn Quang, hợp tác cùng với“Tổ Chức Đòi Thi Hành Hiệp Định Paris” do Luật sư Trần Ngọc Liễng đứng đầu để tăng khí thế. Một trong những lần hội thảo ở chùa Ấn Quang này, chùa bị lực lượng cảnh sát dã chiến của chính quyền tấn công, bắn phi tiễn hơi cay, hơi ói vào chùa. Ông phải chạy thoát bằng ngõ sau. Do nhảy từ bờ tường xuống, ông bị thương ở chân, phải đi cà nhắc. “Ngay hôm sau Hạ viện họp phiên họp khoáng đại. Có tin các dân biểu đối lập lại tổ chức biểu tình nên cả khu trung tâm thành phố bị cô lập. Chiếc ô tô chở tôi đi họp bị chận lại trên đường Tự Do, ở ngã tư Lê Thánh Tôn. Tôi không thèm đôi co với toán cảnh sát chốt ở ngã tư này, tôi bước xuống xe với hai cây nạng kẹp bên người, đi bộ đến Hạ viện. Ông cho rằng,“đây là một cách tố giác cảnh sát Thiệu đàn áp cuộc hội thảo hôm qua tại chùa Ấn Quang. Dĩ nhiên truyền hình nước ngoài đã không bỏ lỡ dịp ghi hình một dân biểu đi họp với hai cây nạng…”(35). Ông chính thức trở lại các buổi họp của Hạ viện sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Chao ôi,“trước những bất công, những việc làm phi dân chủ, độc tài của chính quyền Sài Gòn”, và tuy rằng,“Quốc hội Sài Gòn khi ấy không khác gì một nhà hát hài kịch rẽ tiền và lố lăng” ông đã vẽ lại cho thấy một hình ảnh sinh hoạt chính trị dân chủ tuy còn non trẻ ở miền Nam trước đây, mà mãi đến hôm nay (2006), nó vẫn chỉ là một giấc mơ đời hư ảo trên đất nước Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản toàn trị!

“Đi tìm một chân trời mới” cho một Lý Quí Chung - Một trí thức, và một nhà báo.

Trong chương 8, “Đi tìm một chân trời mới”, ông nói rằng: “người trí thức không còn là mình và đánh mất sự hiện diện của mình trong xã hội sẽ trở thành vô nghĩa và thậm chí đáng lên án nếu sự có mặt của mình chỉ để chấp nhận những gì đã có sẵn và thụ động trước một trật tự đã được thiết lập. Người trí thức phải biết và dám thúc đẩy sự thay đổi tiến lên trong lãnh vực mình hoạt động và đi xa hơn nữa tự trao cho mình sứ mạng và trách nhiệm tìm lời giải đáp cho các bế tắc xã hội” (36). Cũng như trước đó ông đã từng nói “nghề báo không thể tách rời các cuộc đấu tranh cải tiến xã hội, bảo vệ dân chủ và lẽ phải. Một nhà báo dứt khoát phải là một trí thức dấn thân” (37). Và cũng từ đó, ông “thấy rằng chính quyền của ông Thiệu là một cản trở cho hòa bình và thống nhất của đất nước mặc dù Hiệp định Paris đã được ký, hàng loạt hoạt động ủng hộ Hiệp định, tấn công nhằm lật đổ Tổng thống Thiệu được các thành phần đối lập đồng loạt tiến hành”.

Như là một thành phần của Lực lượng Hòa giải Dân tộc, ông hoạt động tích cực năng nỗ trong vai trò này, và trong giai đoạn này. Ông đã đến miền Trung, Huế, Đà Nẵng… để vận động quần chúng gây áp lực chính quyền miền Nam thi hành hiệp định Paris (32). Cũng như ông thừa nhận,“phản ứng của các giới chống đối chế độ như chúng tôi được nhiều người biết đến chỉ có một tác động hạn chế”. Nên ông nghĩ đến chuyện lôi kéo các quân nhân và công chức của chế độ Sài Gòn tham dự với nhóm ông. Đó là trường hợp của Trung sĩ Vũ Đạt. Ông Đạt “muốn đấu tranh cho hòa bình đất nước. Tổng thống Thiệu với chính sách hiếu chiến là một cản trở để đi đến hòa bình…” Ông LQC đã dàn xếp và thông báo sẵn cho báo chí nước ngoài. Đúng ngày đúng giờ hẹn, ông LQC cho trung sĩ Vũ Đạt ngồi trước thềm cửa chính Hạ viện (nhà hát lớn thành phố bây giờ). “Tôi (LQC) đưa tay lên hướng về phía Salon-Café Caravelle ra hiệu cho báo chí nước ngoài. Tức khắc họ tràn sang.” Trước một hàng phóng viên báo chí nước ngoài, ông Trung Sĩ Đạt tuyên bố “bất tín nhiệm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu”. Ngay sau đó, cảnh sát canh chừng khu vực Hạ viện nhào vào bắt ông Trung sĩ Đạt, nhưng những người tổ chức đã nhanh chân đưa ông vào bên trong Hạ viện. Vì không được lệnh, nên cảnh sát không dám xâm nhập nơi làm việc của các ông dân biểu.

Ông tận dụng chức năng và quyền lợi dân biểu của mình để thỏa mãn cái ước muốn của mình. Nhưng không thấy, cái nguyện vọng của người bỏ phiếu cho ông được đề cập ở bất cứ đâu trong tập hồi ký! Ông tái tranh cử năm 1971 với dấu hiệu“ngôi sao và bó lúa”, đại diện cho dân lao động thợ thuyền trong khu vực ông tranh cử, không biết ông hẹn gì với cử tri của ông, và họ hy vọng gì ở ông như một người dân biểu, đại diện cho họ ở Quốc hội, thì “về phần mình, từ năm 1973, tôi dứt khoát đi tìm một chân trời mới. Tôi đã quyết định tách khỏi bến bờ cũ mà tôi mất hết niềm tin cho tương lai của đất nước và cho cả cuộc sống của chính mình. Nhưng bến bờ mới vẫn còn xa lạ, chỉ là một vầng sáng ửng lên ở cuối chân trời…”(39).

Rất tiếc không đâu trong “Hồi ký không tên”, thấy ông đề cập lại vai trò trí thức và nhà báo của ông sau ngày đất nước thống nhất, ở cái giai đoạn lịch sử đất nước cực kỳ cần những “trí thức dấn thân có trách nhiệm tìm lời giải đáp cho các bế tắc xã hội, và những nhà báo không thể tách rời các cuộc đấu tranh cải tiến xã hội, bảo vệ dân chủ và lẽ phải. Một nhà báo dứt khoát phải là một trí thức dấn thân”. Đã sống trong chế độ CS, tôi nghĩ rằng guồng máy bạo lực chuyên chính vô sản sẵn sàng nghiền nát những ai có manh tâm“dấn thân” trong chế độ của họ, cho dù chỉ có trong đầu. Nhưng tôi thắc mắc ông Chung nói chi đến cái điều mà ông đã từng làm “như một trí thức dấn thân trước 1975”, và lại im hơi lặng tiếng suốt 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, khi chủ nghĩa duy ý chí và căn bệnh tự mãn của Đảng CSVN lôi tuột cả một đất nước đi vào lầm than và phân hóa?

Có cần thiết không, để viết lại hồi ký của chỉ một nữa đời người – chính xác hơn là mười năm hoạt động như một trí thức đối lập ở miền Nam từ 1965-1975 – và một nửaa sau – 30 năm từ ngày đất nước thống nhất cho đến ngày “Hồi ký không tên” ra đời - là một sự “im lặng thở dài”?

Ông Bộ trưởng 48 giờ - Một kết thúc lãng mạn.

Đầu tháng 4 năm 1975, ông Dương Văn Minh và nhóm ủng hộ ông họp bàn chuyện thay thế ông Thiệu ở Dinh Hoa Lan. Cuộc họp báo chính thức để nhóm ông Minh tuyên bố với báo chí xảy ra ngay sau đó ở Đường Sơn Quán, một nhà hàng đặc sản nằm giữa một đồn điền cao su trên xa lộ Đại Hàn. Ngày 21 tháng 4 năm 1975, ông Tổng thống Thiệu từ chức sau khi lên truyền hình đọc một bài diễn văn nảy lửa, có cả nước mắt chan hòa!

Ông phó Tổng thống Trần Văn Hương lên chức Tổng thống mới của VNCH. Trong cảnh bát nhốn bát nháo này, cả hai ông Đại sứ Pháp và Mỹ áp lực ông Hương từ chức nhằm đưa ông Dương Văn Minh lên, với hy vọng là “được Hà Nội chấp nhận đối thoại”.

Tối ngày 26 tháng 4 năm 1975, lưỡng viện Quốc hội được triệu tập để quyết định người thay quyền Tổng thống Trần Văn Hương. Cuộc biểu quyết truất quyền ông Hương và trao quyền cho ông Minh được thực hiện với số phiếu gần như tuyệt đối 147/151 (40).

Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Dương Văn Minh xảy ra sau đó hai ngày, vào chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975. Cũng trong ngày 28 đó, ông LQC được chính thức bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Thông tin Chiêu hồi trong chính phủ của Tổng thống Dương Văn Minh. Ngay sau khi nhậm chức, ông LQC đổi tên bộ này thành Bộ Thông tin, bỏ hai chữ chiêu hồi (41).

Ngày 29 tháng 4, ông Chung lên truyền hình, mặc dù không có bằng chứng gì để bảo đảm lời nói của mình, ông vẫn “mạnh dạn cam đoan rằng sẽ không có một trận đánh đẫm máu cuối cùng như cả Sài Gòn đang lo sợ” (42).

11 giờ 30 sáng ngày 30 hôm sau, chiếc tăng T-54 của quân giải phóng xuất hiện ở đại lộ Thống Nhất. Chỉ ít phút sau, tiếng chân người vang dội trong đại sảnh (dinh Độc Lập), có cả tiếng khua vũ khí và tiếng đạn lên nòng (43). Mọi người được lệnh ra khỏi phòng, cùng lúc với lệnh “đưa hai tay lên đầu”. Ông Tổng thống Dương Văn Minh đi trước, thiếu tá tùy viên Hoa Hải Đường đi bên cạnh, tiếp theo là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, ông Bộ trưởng Thông tin LQC cùng mọi người đều đưa hai tay lên đầu bước ra đại sảnh. “Trong lúc hai tay tôi vẫn dơ cao trong tư thế của người đầu hàng. Nước mắt tôi trào ra, tôi khóc vì quá sung sướng thấy cuộc chiến tranh kéo dài triền miên trên quê hương mình đã kết thúc.” (44) Và chính ông là người đã dẫn Đại úy Bùi Quang Thận, người chỉ huy chiếc xe tăng mang số hiệu 843, lên sân thượng dinh Độc Lập để hạ lá cờ của chế độ Sài Gòn, thay vào đó là lá cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam.

Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đi từ dinh Độc lập ra đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng (trưa ngày 30/4/1975) Nguồn: tienphongonline.com.vn


Sau đó, khi phe giải phóng mời hai ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh để thảo và đọc bản tuyên bố đầu hàng, ông LQC đi theo trên một chiếc xe khác, với những nhà báo người Đức. Khi đến đài phát thanh, thì ông Minh và ông Mẫu đã đến và vào trước. Khi xe ông Chung đến, một nhân vật hoạt động nội thành cho mặt trận là ông Nguyễn Hữu Thái (người ám sát ông Giáo Sư Nguyễn Văn Bông ở Sài Gòn trước đây, năm 1971) (45) và hai thanh niên lạ mặt khác bảo ông: “Anh về đi, khi nào có bộ phận chính trị vào sẽ liên lạc lại” (46). Một lời nói vu vơ, nhưng cũng xem như một tuyên cáo của chính quyền mới “giải nhiệm” chức Bộ trưởng của ông.Tính từ lúc nhậm chức Tổng trưởng Thông tin cho đến ngày ông thôi chức, tổng cộng chưa tới 48 tiếng đồng hồ.

Và như thế, ông đi bộ về nhà. Cổ còn mang cà-vạt, một tay cầm áo vét, một tay cầm xách da chứa đầy một “đống giấy lộn”. Đó là toàn bộ “số tiền phụ cấp hàng tháng rất là cao trong xã hội của một dân biểu nghị sĩ” mà ông đã lãnh một ngày trước đó ở Hạ nghị viện. (47).

“Có thật không, có một thời như thế?”

Năm 1981, đang là sinh viên năm thứ tư Y Khoa ở trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, người viết đỡ đẻ cho bà chị con bác để lôi thằng cháu trai ra đời ở Bệnh viện Hùng Vương Sài Gòn. Năm 2004, Cường – tên của cháu – tốt nghiệp Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, và hiện đang làm một chuyện không dính dáng gì đến luật ở Sài Gòn. Tháng tư năm 2006 này, sau khi cháu Cường vừa đọc xong cuốn “Hồi ký không tên”, cháu vội vàng gọi tôi qua số điện thoại cầm tay:

- “Có thật không cậu, đất nước mình có một thời như thế, khi người ta có quyền ra báo, có tự do ứng cử và bầu cử vào Quốc hội, có đại biểu Quốc hội đi biểu tình chống chính quyền mà không bị tù…”

Sau này khi lớn lên, tôi có điều kiện để đọc và tìm hiểu thêm về hai chế độ đệ nhất và đệ nhị cộng Hòa ở miền Nam trước ngày đất nước thống nhất, tôi hiểu đủ để ngán ngẫm cho cả hai tập đoàn lãnh đạo gia đình trị và quân phiệt này ở miền Nam. Nhưng trước câu hỏi của cháu, tôi trả lời với sự hiểu biết của tôi, một cách thành thật:

- “Vâng, một nửa nước Việt Nam của mình đã có một thời như thế.”

Cháu hỏi tiếp, giọng sôi nổi:

- “Liệu đất nước mình sẽ có lại một sinh hoạt chính trị dân chủ như thế, cho dẫu nó son trẻ, quặt què như năm xưa?”

Đưa ngón trỏ của bàn tay trái bịt lỗ tai trái của mình, còn tay phải thì dí sát cái điện thoại di động vào tai phải, tôi nói như hét rằng tôi hứa với cháu sẽ trả lời khi vào lại Sài Gòn, bởi tôi chợt xúc động với cách đặt vấn đề của cháu; mà hơn nữa, tôi không nghe rõ. Lúc đó, tôi đang thả bộ bên bờ sông Hoài, ở phố cổ Hội An, rất gần với cái loa công cộng treo trên cột điện đang đọc oang oang danh sách những người vừa đắc cử vào Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng cộng sản Việt Nam. Đó là trưa ngày 26 tháng 4 năm 2006, ngày sau hôm bế mạc Đại Hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ X ở Hà Nội. Tính ra, chỉ thiếu vỏn vẹn có năm ngày, là đúng trọn 31 năm ngày chiến tranh chấm dứt trên đất nước Việt Nam, và quê hương thống nhất.

Bởi lẽ đó, tuy có nhiều điểm cá nhân tôi không đồng ý với ông Lý Quí Chung qua cuốn hồi ký của ông, nhưng tôi vẫn cám ơn ông. Bởi qua cuốn hồi ký của ông, đã để cho thế hệ đàn em và cháu của ông, nhất là những người sinh trưởng ở Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, có được một cái nhìn về cái thời ông sống, và sinh hoạt chính trị ở miền Nam trước đây. Biết, để so sánh. Biết, để hy vọng và dấn thân giùm ông, như lời ông nói trong hồi ký của mình: “người trí thức không còn là mình và đánh mất sự hiện diện của mình trong xã hội, sẽ trở thành vô nghĩa và thậm chí đáng lên án nếu sự có mặt của mình chỉ để chấp nhận những gì đã có sẵn và thụ động trước một trật tự đã được thiết lập. Người trí thức phải biết và dám thúc đẩy sự thay đổi tiến lên trong lãnh vực mình hoạt động và đi xa hơn nữa tự trao cho mình sứ mạng và trách nhiệm tìm lời giải đáp cho các bế tắc xã hội. Sự tìm kiếm đó có thể thành công hay thất bại, nhưng cái chính là dự dấn thân” (48), và “nghề báo không thể tách rời các cuộc đấu tranh cải tiến xã hội, bảo vệ dân chủ và lẽ phải. Một nhà báo dứt khoát phải là một trí thức dấn thân” (49).

Hơn bao giờ hết, đất nước hôm nay dưới chế độ độc tài Đảng trị của ĐCSVN, cần biết bao những trí thức dám dấn thân như lời tâm sự thiết tha của ông LQC, mà suốt ba mươi năm sau ngày đất nước thống nhất, với ông, đó vẫn chỉ là một hoài niệm của một thời ông hoạt động như thỏ giỡn trăng ở Sài Gòn trước 1975; và với thế hệ sinh sau 1975, trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta hôm nay, một sinh hoạt chính trị dân chủ tuy còn son trẻ và quặt què kia vẫn thuần là một niềm mơ ước đầy ngậm ngùi!

Tháng 5, 2006

Hồ Ngọc Ánh

Nguồn Y Khoa Huế Hải Ngoại
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn