BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73945)
(Xem: 62319)
(Xem: 39513)
(Xem: 31236)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trường Nữ Tiểu học Gò Công thời 40

11 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 1700)
Trường Nữ Tiểu học Gò Công thời 40
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Chỉ cách nhau một con đường, hai trường Nam Nữ tiểu học xưa nhất Gòcông cùng nhìn về một hướng, kinh Salicetti trước mắt xuôi dòng. Trái hẵn với trường Nam cổ kính, đồ sộ, sừng sững như pháo đài, bao quanh bằng bức tường kiên cố, trường Nữ thật yểu điệu rực rỡ với dãy nhà trệt hình chữ L. Hai căn thấp, đơn sơ lợp thiếc Cao bằng dành cho lớp chót, lớp tư. Lớp ba đến lớp nhứt, tiếp liên đặc biệt được học trên phòng có nền cao, tường sơn vàng nhạt, mái ngói đỏ, lót gạch bông với hành lang rộng. Hàng cột dài dẫn thẳng đến văn phòng có lầu nhìn sang trường Nam khắc khổ nghiêm trang.



Không biết có phải vì các cậu trai hay nghịch phá hay chính quyền thuộc địa âm thầm lo ngại tinh thần vùng lên bất khuất của giới trẻ có học mà tường rào được xây cao, chi chít lổ. Trái lại, hàng rào trường Nữ, chỉ xây gạch thấp kín ở phía sát đường, còn ba phía kia toàn trồng cây keo ù có gai hay bỏ trống.

Trường quay mặt ra phía kinh, nước chảy lờ đờ ra bến tàu chợ cá. Bước vào cổng, bên trái là cây đa cổ thụ, rể to dài đong đưa như trong tranh cây đa củ, bến đò xưa. Mé phải, cây phượng bấy giờ gọi là cây điệp thật đẹp chỉ nở rộ vào hè. Ngày còn đi học chỉ thích phượng vì hoa vì trái, kỷ niệm khó quên của tuổi học trò. Các anh chị Trung học nhìn phượng say hồn thơ, ướp mơ gây mộng, còn các em « ăn chưa no lo chưa tới » nầy chỉ biết thưởng thức qua bao trò chơi vui nhộn thích thú, nào nhâm nhi cánh phượng chua chua, nào dự cuộc đánh cá các độ đá gà bằng nhụy hoa vàng đỏ, rình đập bong bóng tai hoa làm pháo vu qui.

Giữa sân trường là cột cờ, học sinh hát chào quốc kỳ mỗi sáng thứ hai và chiều thứ bảy.

Cạnh đấy sừng sững hai cây bàng như hai chiếc lộng vinh qui. Học sinh thường bị cấm vào sân trường sớm, nên vừa được vào là vội chạy kiếm tìm trái bàng khô rơi. Dùng cục gạch đập cho bể hai, khều hạt dài to cở hạt nếp lứt, ăn bùi bùi, ngòn ngọt như hạt dẽ, đậu phộng. Lá bàng tươi dùng làm quạt, ưởn bụng ra phe phẩy bắt chước ông Địa trước lân. Hoặc giả bộ tiểu thơ, công chúa trong tuồng hát bội, cải lương, e thẹn che mặt hé nhìn làm dáng. Tuổi học trò dù là

« Học trò là học trò con,

Ăn nói lon xon là con học trò »

đi chăng nữa vẫn có bao sáng kiến nên thơ.

Làm sao quên được những cây me quanh sân phía sau. Mỗi lần gió thổi, lá me bay bay như đàn bướm lượn, đầu ngẩng lên đua nhau nhón gót nhảy cao đón bắt, đếm lá đoán hên xui. Còn nói gì nhặt được trái me, đó là kỳ công, chia ra từng mắt chuyền tay cùng nhau nếm thử. Cô thì mặt nhăn như khỉ chép miệng chạy dài, cô le lưởi lắc đầu hàng mà vẫn còn xè tay xin nữa. Người chung quanh thấy me chua còn tự nhiên nuốt nước miếng, bạn bè trong cuộc làm sao đứng nhìn mà không chịu xáp đến dự phần.

Bên hông trường, một căn nhà lợp thiếc không vách ngăn, kê vài chiếc bàn, băng dài dùng làm « cantine », chỗ ăn trưa cho học sinh ở xa. Tiến bộ nhất là dãy nhà vệ sinh, nền cao ráo, tường sơn cửa có móc chốt, sạch sẽ dễ nhìn.

Không biết câu nói « nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò » có đúng ở nơi nào không, nhưng điều chắc chắn là ở đây không một học sinh nào, dù nghịch ngợm, con nhà giàu sang vọng tộc thế nào đi chăng nữa, có thái độ bất kính với thầy cô.

Nhớ cô hai Qui dạy lớp chót, chồng là thầy tư Hương dạy ở trường Nam. Cô ba Hớn dạy lớp tư, chồng thầy Huệ, cũng dạy trường Nam. Lớp ba với cô sáu Điệu, còn độc thân. Thể dục với thầy Báu, sau nầy là chồng cô. Lâu lâu có thầy Bữu Liệu đến dạy thế. Cuối lớp nầy, phải đổ bằng Tiểu học mới được lên lớp nhì một năm. Có đến hai lớp nhì, một do cô tám Xiếu, vợ thầy Huề, trường Nam ; hai do cô năm Tâm, vợ thầy Năng, trường Nam. Cô Lan, cô năm Lài, cả hai bấy giờ còn độc thân, dạy lớp nhì hai năm. Cô bảy Ngự dạy lớp nhất, cuối năm nầy bắt buộc thi lấy bằng Sơ học. Nếu không đổ vào Trung học, thì học lại ở lớp tiếp liên, thầy ba Minh, thầy Sửu dạy thể thao. Hiệu trưởng cả hai trường bấy giờ là ông Huỳnh văn Hai.

Học sinh rất kính trọng thầy cô đúng như câu « nhất tự vi sư, bán tự vi sư ». Thường nhìn thấy thầy cô ở xa xa là tránh qua đường khác hoặc chạy vào nhà bạn bè gần đãy chờ cô đi ngang qua rồi mới dám đi ra. Nếu lở chạm trán, tay nầy kẹp chặc cặp, tay kia dở nón cúi chào sâu. Hảnh diện lắm mới được thầy cô cho mang sổ, phấn, tập học sinh về nhà. Cô dặn điều gì là nhớ kỷ, vâng lời răng rắc. Uy của cô lớn thật, không phải chỉ lễ phép với cô dạy mình mà tất cả thầy cô khác nữa.

Nhộn nhịp nhất là giờ chơi. Không khí sân trường rộn rịp tưng bừng vang vang tiếng cười la. Bao trò chơi được bày ra như đánh tên, đánh búng, đánh nhà, đánh cờ chó, cờ mụ, nhảy giây...

Đặc biệt nhất là trò chơi đánh u, chia hai phe, đường ngăn đôi chiến tuyến gọi là lụn. Có hai cách chơi, một là u thường, xử dụng làn hơi, hai là u ấp, im lặng, thở đều. Tại sao gọi là « u » ? Có thể nhại tiếng kêu ù ù của máy bay chăng ? Bạn cứ hình dung hai loại phi cơ, một thứ săn giặc, thứ khác thám thính, bây giờ phi cơ không người lái đãy. Một tên phe nầy sang đất địch, vừa dùng hơi thở hô « u » không được ngưng vừa tấn công, chạm được đối thủ nào, tên ấy bị bắt làm tù binh. Nếu thấy hụt hơi phải tháo lui ngay, như phi cơ trục trặc hay địch phản công quá mạnh, quay về đất mình. Chẳng may bị địch bắt mà không vùng vẫy chạy thoát qua khõi ranh giới ?lụn? là trở thành tù binh đîch vậy. Cán lụn là được tha.

Với u ấp, chỉ rồ máy tức là hô « ấp », rồi lặng lẽ sang đất địch. Nguyên tắc chơi giống nhau. Củng có thể cứu tù binh bị bắt cầm tù bên đối phương bằng cách tìm cách chạm vào người đồng đội. Trò chơi đánh u nầy đòi hỏi nhiều sức, tính toán nhanh nhẹn và dài hơi.

Thùng ! Thùng ! Thùng ! Một hồi ba dùi trống báo hiệu giờ tan học. Như đàn chim non rời tổ, xin trả lại cho trường khoảnh khắc yên tĩnh, nghỉ ngơi. Phòng học vắng tiếng ?phú lang sả xì xịt điểm đệm bằng nhịp roi thước của thầy cô. Chiếc trống chầu chơi vơi bên hàng cột lạnh dài. Sân trường không còn rộn tiếng cười la hét, ?oánh tù tì ra cái gì ra cái nầỷ, búa kéo hay bao. Gió thổi xóa đi bao vạch lằn hằn trên đất. Confettis me thiếu người nhặt rụng đầy sân. Phượng thua buồn mặc hoa lá tự do rơi. Hai chiếc lộng, tàn cây bàng giương cao che thân suông trơ trọi, giây rể đa không ai giữ hờ hững như chỉ thắm quanh nón cụ cô dâu.

Rồi năm tháng trôi qua... Những cánh chim tiếp nối tung bay khắp khoảng trời rộng mở. Bụi phấn nhuộm trắng đầu bao thế hệ, mái trường xưa vẫn là chứng nhân lịch sử quê hương. Thầy cô cũ, bạn bè xưa, gia đình tinh thần gần gũi nhất, đánh dấu bước đi đầu đời tập tễnh của mỗi học trò con. Trường mãi mãi là kho tàng ký ức, kỷ niệm êm đềm một thời vô tư trong trắng hồn nhiên.

Trần Thành Mỹ

Ý kiến bạn đọc
20 Tháng Giêng 20184:48 SA
Khách
Xa quá ! Tui học trường nam năm 1962 , chỉ còn thầy Giáp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn