BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73960)
(Xem: 62321)
(Xem: 39517)
(Xem: 31238)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bước vào cuộc đổi đời

23 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 1243)
Bước vào cuộc đổi đời
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trinh đứng ngắm mình trước gương lớn trong phòng ngủ đã hàng giờ. Nàng nhìn tấm thân còn nõn nà trong niềm tiếc nuối mênh mang. Mới ngoài ba mươi nhưng Trinh chưa bao giờ nghĩ là “đã toan về già” như cổ nhân nói.

Nàng vẫn khát sống, thèm yêu và muốn yêu cuồng, sống vội. Nhưng bây giờ... một đổ vỡ đã tới, thật thản nhiên, thật bất ngờ và thật tàn bạo.

Có ai ngờ đâu, chỉ mới tháng trước đây thôi, Saigon còn hừng hực sức sống. Đã đành những tối giới nghiêm kéo dài có đôi lúc làm người Saigon khắc khoải với cuộc chiếc tranh thảm khốc kéo dài. Nhưng vì nó thảm khốc kéo dài đã quá lâu nên thành quen. Ai sống vẫn sống, vẫn ăn, vẫn chơi, vẫn lừa đảo, vẫn áp phe, vẫn chống đối cuội.

Và ai chết, cứ việc chết. Chiếc khăn tang cho người cô phụ chỉ như những chấm đen trên tấm thảm xám xịt để rồi chính quyền lại che giấu bằng cách cấm đoán như trường hợp bài thơ phổ nhạc “Chiều nay đi nhận xác chồng, anh lên lon giữa hai hàng nến trong...”

Trinh nhẩm lại bài hát và chợt thấy thân phận mình. Bao năm tháng ăn chơi, phù phiếm để rồi không có được người chồng chính thức. Bây giờ đã đổi đời. Ngoài kia, cuộc đổi đời đang diễn ra dữ dội. Rõ ràng có cảnh ông xuống thằng và thằng lên ông...

Mái tóc rũ xuống, Trinh vuốt nó lên. Nàng chợt thấy mười ngón tay mình trơ trọi. À, phải rồi nó thiếu mầu đỏ ở mười đầu ngón. Người ta bảo nhau không tô son, kẻ phấn, sơn móng tay. Việt Cộng đã vào thành phố, có thể chúng đang có một chiến dịch sẽ rút móng những ai sơn móng tay, chân.

Có tiếng huyên náo dưới đường vọng lên. Nàng ngó ra ban công. Đám đông đang vây kín lấy một thiếu nữ, đầu cúi gầm. Trước ngực thiếu nữ có đeo một tấm bảng phủ hết nửa người trên đó viết: “Tôi là cặn bã xã hội.” Người thiếu nữ khốn khổ bị hai tên thanh niên rất quen mặt tay đeo băng đỏ dẫn ra từ một con hẻm nhỏ đầu đường Bùi Viện mà Trinh biết rõ là nơi đó có rất nhiều nhà chứa. Cô gái khốn khổ kia sẽ còn phải khốn khổ đến bao giờ. Cuộc đời đổi thay diễn ra không ảnh hưởng gì đến cô sao. Trinh rùng mình chợt thấy lại cái cảm giác tuần trước khi bọn “giải phóng” tiến vào thành phố.

Tiếng mẹ Trinh gọi vọng từ dưới nhà:

- Cô Trinh đâu?

- Mẹ đến chơi.

- Phải, cô đang làm gì đấy?

- Con không biết làm gì cả bây giờ.

Mẹ Trinh nguýt cô:

- Thế cô không sửa soạn đi đón bố cô về à. Hôm nay rồi đấy.



Trinh nhớ ra hôm nay là ngày vào thành phố của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Bố Trinh là một thành phần. Mới ngày nào cả nhà khóc ngất khi được biết ông đã ra “bưng” cùng với nhóm “trí thức tiến bộ” sau khi Việt Cộng tràn vào thành phố phá hoại dịp Tết Mậu Thân. Ai cũng nghĩ khó mà còn gặp nhau được nữa. Ai ngờ chỉ mới có bảy năm ông đã trở về trong chiến thắng. Mà sao Trinh vẫn không thấy mừng, thấy nôn nao chút nào cả. Mẹ Trinh loay hoay sắp đặt ít quà mừng. Trinh vội nói:

- Để bố về bố ăn ở nhà, chứ mẹ mang lên đó làm gì.

Bà cụ từ tốn giải thích:

- Không chắc ổng về được ngay đâu. Mà lâu nay ở rừng rú chắc cũng thèm của ngon vật lạ. Tôi còn lạ gì bố cô nữa.

Thật ra Trinh rất mơ hồ về người bố. Nàng đã bỏ nhà theo trai từ lúc 16 tuổi. Đến khi di cư gặp lại cha mẹ Trinh thấy như xa lạ hẳn, nhất là đối với người bố lúc nào cũng đạo mạo là một vị giáo sư, lại là hội trưởng của một tổ chức đạo đức nữa. Có lẽ vì thế mà cha con cứ ngày một xa cách. Nhiều lúc Trinh cũng muốn xin lỗi bố nhưng rồi cuộc sống khuôn khổ sau sự xin lỗi làm cho Trinh cứ lần lữa. Cho mãi đến khi bố đi theo “giải phóng” thì Trinh như người cất được cái gánh nặng đạo đức. Bây giờ, ông về, mà về trong cái quyền thế mới mẻ, Trinh thì không những vẫn hoang đàng như xưa mà lại còn hơn nữa nên Trinh khó thể có được những tình cảm vui mừng đoàn tụ.

Mẹ Trinh bước vào buồng giục:

- Mau lên kẻo xe ủy ban đến đón bây giờ.

Không vội như mẹ, Trinh đứng lại trước gương chải lại mái tóc, vuốt lại cặp mi dài, thử liếc nhìn bóng mình trong gương và cười nhẹ:

- Mẹ ơi, con gái mẹ hết thời rồi.

Bà cụ nguýt Trinh thật dài:

- Thôi đừng có mà giả vờ. Trông còn chim sa cá lặn...

Chợt cụ như nhớ lại cái nết lãng mạn của con mình, cụ ngừng ngang. Trinh cũng hiểu nhưng nàng vờ như không, nói:

- Không phải con nói về nhan sắc đâu mà nói về thời cuộc.

Mẹ Trinh tỏ ra rành rẽ:

- Thời nào thì thời. Chứ bộ đẹp là cái tội sao?

- Không phải thế...

Rồi Trinh ví von:

- Ngán thay cây quế giữa rừng
Để cho chú mán chú mường nó leo.

Mẹ Trinh sốt ruột:

- Gớm, cứ cái điệu đó bố cô giận là phải.

- Bố có đường bố, con có đường con mà.

- Thôi đừng lý sự nữa, chong chóng lên.

Tiếng còi xe hơi vọng vào nhà. Bà cụ tất tả chạy ra. Trinh thủng thẳng đi theo không quên nhìn lại bóng mình trong gương. Một cô gái nào đó? Đã lâu Trinh không mặc áo dài. Những bộ đồ Tây Phương vừa quyến rũ vừa hợp thời trang đã đẩy những chiếc áo dài của nhà may Thiết Lập vào tận góc tủ áo, dài cả mấy thước. Tự nhiên Trinh nhận thấy mình như còn dáng vẻ ngây thơ của tuổi đôi mươi. Mái tóc dài xõa xuống bờ vai tròn thon. Thân áo bó vừa phải lấy hai bên lườn khiến bờ mông nàng vòng lên thành một vòng bắt mắt. Cái mầu đen bóng của chiếc quần ống rộng lấp ló giữa hai bâu áo như mời gọi... Nghĩ đến đó, Trinh bất giác mỉm cười vừa lúc mẹ Trinh sấp ngửa quay trở vào:

- Nào mau mau lên, các chú ấy đang đợi.

- Ai thế mẹ?

- Nào biết ai vào ai. Ông nào ông nấy cứ sùm sụp cái nón cối, hình hài thì vắt không ra nước, khô khốc...

- Ấy, sao mẹ lại nói xấu Cách Mạng của bố rồi.

- Ôi dào, thấy sao nói vậy. Cô đã xong chưa? Ta đi được chưa?

- Vâng.

Chiếc Toyota Corona còn mới, đậu sát cửa nhà Trinh. Trên mũi xe có cắm lá cờ xanh đỏ có ngôi sao vàng. Hàng phố đang dòm ngó chiếc xe và mẹ con Trinh. Có tiếng sầm xì chung quanh như cố ý cho mẹ con Trinh nghe rõ:

- Chà, bắt mối nhanh thế!

- Không phải đâu, Cách Mạng 30 tháng 4 đấy.

Trinh liếc về phía đám đông. Một vài người quen mặt vội lẩn ra sau người khác. Nàng mỉm cười chào tất cả. Bác tài xế vội mở cửa xe:

- Mời cụ và cô.

Hai người cán bộ, đều đội nón cối lệch một bên ngồi băng trên cũng quay chào:

- Chào mẹ, chào chị.

- Vâng, chào các anh.

Bác tài vội giới thiệu:

- Hai đồng chí...

Người cán bộ ngồi ngoài vội nhắc:

- Anh đừng gọi chúng tôi là đồng chí. Cứ gọi là anh.

Bác tài, đầu đã hai thứ tóc, có lẽ cũng là dân Sài Gòn cũ vội chữa thẹn:

- Dạ, dạ. Thưa cụ, hai anh đây ở Ủy Ban Quân Quản.

Người cán bộ ngồi trong nói như gắt:

- Thôi, mình đi, má và chị đây đã biết.

Trinh thấy bực mình. Hai người cán bộ này không biết chức vụ gì mà sao có vẻ phách lối. Cái giọng Bắc Kỳ thuần túy miền quê như đập vào tai nàng. Nàng định gây sự. Mẹ Trinh như biết ý con gái vội bấm tay Trinh và cụ đon đả:

- Phải, chúng tôi đã được Ủy Ban Quân Quản báo tin hôm qua là được các anh đến đón.

Hai người cán bộ vẫn lặng thinh.

Chiếc xe rồ máy chạy. Trinh nhìn qua kính xe. Phố phường Sài Gòn mới có mấy ngày đổi chủ mà sao xơ xác quá.

Nhiều cửa hàng vẫn còn đóng. Phố xá ngập rác tưởi. Người đi đường vẫn đông nhưng trên nét mặt người nào cũng thấy ngẩn ngơ như vừa mất một cái gì quá quen thuộc tầm thường, nhưng đến lúc biết mất rồi mới thấy là quá quí giá. Đó đây có những chú bé bộ đội dắt tay nhau dung dăng dung dẻ trên lòng đường phố khiến xe cộ đôi lúc phải ùn lại vì không ai dám đụng vào. Một chú cứ ngẩng lên ngước nhìn tòa nhà cao tầng Caravelle đến rớt cả chiếc nón cối. Trinh thấy rõ nhiều người qua đường bụm miệng cười. Và nàng cũng bật cười.

Chiếc xe thì mở máy lạnh, nhưng hai anh chàng cách mạng lại quay kính xe xuống. Bác tài nhắc khéo:

- Các anh thấy lạnh à?

- Không “nạnh” nhưng ngộp thở.

Bác tài tắt máy lạnh nhưng hai anh chàng cùng lên tiếng ngăn lại. Một người giở “sắc cốt” ra lấy hai tấm ru băng có đính đóa hồng giả đưa cho mẹ con Trinh.

- Mẹ và chị đeo vào ngực đi.

Mẹ Trinh vội đỡ lấy. Bà đưa cho Trinh. Nhìn cái “nơ” ru băng và đóa hồng giả Trinh thấy rõ thật là nhà quê. Đeo nó lên ngực áo bây giờ Trinh sẽ không khác gì một cô thôn nữ vào ngày hội Tết được đưa lên tỉnh chơi. Nhìn vẻ mẹ tự nhiên gài đóa hồng lên ve áo, Trinh khẽ thở dài cài theo.

Chiếc xe lượn vòng bùng binh sau nhà thờ Đức Bà, Trinh thấy thật đông người đứng dọc theo hai bên đường đến tận cổng dinh Độc Lập. Khi xe đến gần, Trinh ngạc nhiên thấy trong sân cũng đầy dân chúng. Bao lâu nay, mỗi lần Trinh qua lại trên con đường Công Lý hay Hồng Thập Tự, ngó vào dinh, nàng đã quen với cái vẻ thâm nghiêm cung điện. Nay Trinh thấy cảnh khác hẳn. Cái hỗn tạp của đám đông và những màu cờ rực đỏ cùng biểu ngữ làm Trinh thấy xót xa. Rồi tự nhiên Trinh thấy giận mình. Tại sao lại xót xa. Chế độ cũ nào phải của mình. Gia đình Trinh không ai làm lớn trong chế độ đã sụp đổ. Trái lại, trong chế độ mới, bố Trinh là một nhân vật quan trọng. Ông làm đến chức gì Trinh cũng chẳng biết nhưng hôm nay người ta phải mời mẹ con Trinh đi đón thì Trinh chắc bố Trinh phải vào hàng lãnh đạo. Thế sao Trinh lại thấy xót xa mất mát. Phải rồi, Trinh thấy rõ rồi, chế độ cũ đã nuông chiều Trinh. Trinh đã được trọng vọng trong đó như con cá vàng trong chậu cá kiểng. Những người đàn ông qua đời Trinh không ít thì nhiều đều là những công chức hoặc quân nhân cao cấp. Bây giờ chế độ ấy đã sụp đổ, người của chế độ đã kéo nhau ra đi. Chế độ mới không phải của Trinh mà là của bố Trinh. Và như vậy Trinh như một kẻ bàng quan, nhìn cảnh bể dâu nên mới thấy xót xa trong lòng.

Tìm được lý do cho cái tâm trạng thờ ơ của mình lúc này, Trinh mới thấy tạm thanh thản trong lòng. Nàng quay sang mẹ, vui vẻ nói:

- Đông quá mẹ nhỉ.

Bác tài vội góp tiếng:

- Ấy, loa kêu gọi nhân dân từ 5 giờ sáng. Có nơi đến đây từ 4 giờ.

Người cán bộ ngồi ngoài góp chuyện:

- Nhân dân tự động đi tiếp đón Chính Phủ của Nhân Dân. “Noa” kêu gọi “nà” để nhắc nhở thôi.

Cửa dinh Độc Lập mở rộng. Hàng hàng xe hơi nối đuôi nhau vào. Có một cái gì như rất bình dân trong cuộc tiếp tân này. Trinh đã quen lắm với những cuộc tiếp tân trang trọng. Những bộ đồ lớn thẳng nếp. Những chiếc áo dài hở vai mầu sắc lung linh cùng với những đồ trang sức đầy người. Những sĩ quan hầu cận đúng lễ nghi quân cách. Bây giờ không thấy một bộ đồ lớn nào, không có một chiếc áo dài nào diêm dúa, không phấn không son, không cả trang sức. Lại có cả những bộ đồ bà ba, khăn rằn. Và... áo sơ mi cộc tay, bỏ ngoài quần... Cái tương phản đã thấy rõ.

Chợt Trinh phải nhăn mũi nhớ ra. Mùi mồ hôi tỏa rộng trên thềm dinh. Đã thiếu hẳn mùi dầu thơm, mùi mà Trinh tưởng như hơi thở của mỗi cuộc tiếp tân.

Xe dừng. Hai người cán bộ xuống trước. Bác tài mở cửa xe cho mẹ con Trinh. Ra khỏi xe là Trinh đã bị chìm ngay vào đám đông hỗn tạp. Nón cối trùng điệp đó đây. Hai người cán bộ đi cùng mẹ con Trinh còn đang ngơ ngác thì một người mặc thường phục chạy đến:

- Các đồng chí đưa gia đình cụ Ất đến phỏng?

Hai người cán bộ gật đầu. Người mặc thường phục tiếp:

- Được rồi. Các đồng chí hết nhiệm vụ. Cụ và chị theo tôi.

Mẹ con Trinh được đưa vào một phòng khách rộng tầng một. Những khung cửa chạm trổ kiêu kỳ lúc này như không thích hợp. Một vài nơi, các tấm màn che cửa bị ai kéo giật xuống còn chưa kịp treo lên lại, tạo cho phòng khách của dinh cái vẻ tiêu điều của một cô gái bị phá trinh ngoài ý muốn. Người mặc thường phục chỉ hai chiếc ghế bành trong một dãy ghế bành kê quanh phòng khách và nói:

- Cụ và chị ngồi chờ. Máy bay đã tới Tân Sơn Nhứt rồi. Đoàn đang trên đường vào thành phố. Chắc cũng phải non một tiếng nữa mới tới.

Rồi anh ta bỏ đi. Trinh nói với mẹ:

- Lạc lõng quá mẹ nhỉ.

- Ừ. Chả có ai quen.

Quả thật, Trinh nhìn quanh. Rặt là những khuôn mặt rất lạ, hốc hác, đen đúa, răng hô. Đã thế, lại còn cái nón cối sùm sụp. Trinh thấy bực mình không đâu. Đâu rồi, những ông tổng bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc với những vẻ trịnh trọng sang cả. Đâu rồi những vị sĩ quan cấp tá, cấp tướng bụng phệ, ngực đầy huy chương, da mặt trắng nõn vì ít khi ra nắng. Những khuôn mặt quen thuộc trong bất cứ một buổi tiếp tân nào Trinh cũng vẫn gặp. Bây giờ họ ở đâu? Đảo Guam thiên đường ư. Trinh miên man nghĩ. Nếu mình quyết đi, có lẽ giờ này cũng ở đảo Guam. Và một cuộc sống đua đòi, sang cả lại tiếp diễn. Nàng nén lại tiếng thở dài. Mẹ Trinh quay nhìn Trinh nói gì đó, nhưng tiếng loa vang vang át đi. Một giọng Nam:

- Báo cáo các đồng chí và đồng bào. Đoàn Chính Phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam sắp tới. Yêu cầu...

Có tiếng lục bục trong loa như giành nhau cái micro, rồi một giọng Bắc:

- Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam sắp đến. Yêu cầu tất cả vào vị trí.

Đám đông xao động. Những chiếc áo bà ba tíu tít chạy quanh. Những chiếc nón cối ngơ ngác, quay về phía cửa.

Trinh bật cười khi nghĩ “một bọn ngố.” Rồi chợt ân hận khi nhớ ra bố Trinh cũng là bọn này. Nàng thủ thỉ bên tai mẹ:

- Ngố quá, mẹ nhỉ.

Mẹ Trinh nguýt lườm không nói gì.

Một ánh sáng flash lóe lên. Trinh để ý về phía đó. Ba bốn người ngoại quốc, cũng sơ mi trần, không cà vạt đang dơ máy ảnh chụp mọi cảnh trí trong phòng khách. A! Đám nhà báo Pháp. Trinh đứng vụt dậy thì đám nhà báo cũng nhận ra Trinh. Hai người vội chạy tới. Một người nói rành tiếng Việt:

- Ôi! Cô Trinh còn ở lại ư?

Quá vui mừng, Trinh bật ra bằng tiếng Pháp:
- Pourquoi. Eh! Toi, comment ca va? Depuis...

Mẹ Trinh vội giật tay. Trinh chợt hiểu. Lúc này mà nói tiếng Pháp chắc sẽ làm mọi người khó chịu. Nàng cười:

- Quên! Quên! Cứ tưởng như xưa. Sao Francois toa còn ở lại bao lâu?

- Có thể một tháng, có thể ngắn hơn vì tòa đại sứ cho biết hôm qua là nhà cầm quyền mới yêu cầu là công dân Pháp nên về nước.

- Nhưng toa là nhà báo.

- Mais, oui, nhà báo lại càng nên về trước.

Francois cười, ghé vào tai Trinh:

- Moa biết toa là con cụ Ất.

Trinh ngạc nhiên:

- Ồ, toa đúng là nhà báo.

Francois tự tin nói:

- Biết từ lúc toa được ông tướng Lê Nguyễn bảo lãnh khi cảnh sát Đô Thành “cum.” A, này, tí nữa cho moa một cái interview với ông cụ và toa.

Trinh cười:

- A bientôt.

Francois cúi chào mẹ con Trinh đi về phía cửa phòng khách. Mẹ Trinh cằn nhằn:

- Lúc này không nên gặp bạn bè ngoại quốc con ạ.

- Làm sao được. Họ đến với mình mà.

Người bạn ký giả Pháp đã làm Trinh bâng khuâng nhớ lại cảnh đời đã qua. Có còn lại được không những chiều ngồi tán dóc ở Continentale, ở La Pagode, ở Grivale? Không bao giờ còn nữa ư? Đã qua hẳn rồi. Như một trang giấy đã lật. Cuốn sổ đời của Trinh có lẽ sang một chương mới rồi đây. Tiếng xôn xao từ ngoài vườn dinh lan đến hành lang rồi tràn vào phòng khách.

- Xin đồng bào và các đồng chí trật tự để đón chào đoàn.

Tiếng nói trong loa như vỡ ra:

- Đoàn Chính Phủ Lâm Thời đã tới.

Trinh nghe như cả triệu âm thanh hỗn tạp ập vào tai mình. Bài nhạc Giải Phóng Miền Nam gắt lên hòa trong tiếng ồn ào, cổ võ, hoan hô. Mẹ con Trinh đứng dậy cùng vỗ tay. Trinh nhận ra ngay bố mình cao lớn trong đám những ông già sơ mi trắng cộc tay đang tươi cười tiến vào, cũng vỗ tay hòa nhịp. Trinh nghĩ, những ông già này, những nhà lãnh đạo lớn này chắc đang vui sướng lắm. Trinh ước gì mình có được niềm vui ấy, ít ra là lúc này. Chợt một tình cảm thương mến thật nhẹ nhàng len lỏi vào tâm tư nàng. Trinh nhìn mái tóc thưa bạc trắng của bố. Đôi mắt quầng sâu, hai má hỏm và da dẻ bủng như mầu chì. Một giọt nước mắt lăn trên má. Trinh nắm lấy tay mẹ tìm sự bình tĩnh. Nhưng mẹ Trinh chỉ muốn chen vào đám đông để được nắm lấy cánh tay người chồng xa cách lâu ngày.

Và đám đông nhà báo trong và ngoài nước thì đã vây kín lấy những ông già. Những câu hỏi và những câu trả lời. Trinh thấy như một tấn tuồng mà những người như bố mình phải diễn cho trọn. Bịt tai, không nghe, Trinh cũng hiểu bố mình đang trả lời đúng như những câu mà Trinh đã được nghe trên đài radio, TV và đọc trên hai tờ báo Sài Gòn Giải Phóng và Nhân Dân. Thật ra, chả bao giờ Trinh để ý đến chuyện chính trị nhưng từ ngày Sài Gòn đổi chủ, tự nhiên Trinh đâm ra chú tâm đến chính trị và Trinh bắt đầu hiểu ra thời cuộc. Như trước đây, có lần Trinh đã nghe ai đó nói với Trinh rằng: “Dù em không lý tới chính trị nhưng chính trị nó vẫn vây bọc lấy em, lật qua lật lại đời sống của em.” Ồ, thế mà đúng. Màn ra mắt của Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam bắt đầu. Một hàng dài đứng nghiêm chỉnh tươi cười để báo chí chụp hình ở trước thềm dinh Độc Lập. Cũng có thủ tướng và các bộ trưởng. Bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa với Trinh không xa lạ. Luật sư Trịnh Đình Thảo Trinh gọi bằng bác trước kia và ai như chú Trương Như Tản... Những vị khoa bảng có tiếng của miền Nam té ra cũng là cộng sản ư. Vậy cộng sản có gì đáng sợ! Mà với Trinh, có thể, còn đáng yêu nữa vì chính bố mình cũng là cộng sản.

Màn ra mắt chấm dứt. Tất cả lại quay vào phòng khách dự tiệc liên hoan nước trà, bánh kẹo. Đây là lúc mà Mẹ con Trinh được phép gặp gỡ người thân. Nàng chẳng e dè, vội nắm tay mẹ kéo bừa vào giữa các ông già đang được mọi người vây bọc. Bố Trinh đã nhận ra mẹ con Trinh. Ông vội vã gạt mọi người tiến đến, giang rộng hai tay ôm cả hai mẹ con Trinh vào mình. Ông thì thầm bên tai Trinh:

- Sao con không đi? Ở lại làm gì?

Trinh ngỡ ngàng nhìn mẹ. Mẹ giàn giụa nước mắt:

- Nó đợi ông về.

- Ngu lắm. Đợi làm gì.

Rồi ông cảm động, đứng lùi lại ngắm Trinh, hai tay nắm chặt vai Trinh rung rung. Đám phóng viên ngoại quốc chạy đến. Francois nhanh nhẩu:

- Xin cô Trinh cho biết cảm tưởng gặp lại cụ.

- Rất xúc động và vui mừng.

- Thưa cụ tổng trưởng, đất nước đã có hòa bình, một thể chế cho Việt Nam tương lai là gì?

Bố Trinh cười vui vẻ:

- Trước hết, ngợi khen ông là người Pháp mà nói tiếng Việt quá giỏi. Sau, để trả lời câu hỏi của ông, tôi xin mời ông gặp thủ tướng hoặc tổng trưởng Nguyễn Thị Bình. Hoặc nếu không có gì gấp ông có thể chờ trong một vài ngày tới sẽ có tuyên bố của chính phủ. Được chứ?

Francois vẫn nài:

- Tất nhiên là vậy. Song trong chỗ riêng tư (anh ta liếc nhìn về phía Trinh) chúng tôi muốn được cụ Tổng Trưởng hé lộ trước. Chính phủ và nhân dân Pháp cũng như thế giới rất vui mừng khi biết Việt Nam đã có hòa bình và mong muốn được biết nhân dân miền Nam Việt Nam sẽ có được sống ngay với chế độ cộng sản không.

Bố Trinh bình tĩnh:

- Thế này nhé, chúng ta sẽ gặp nhau trong một dịp khác với đề tài này. Bây giờ ông nhà báo nên dành cho chúng tôi phút giây đoàn tụ. Được chứ?

Biết mình bị từ chối khôn khéo, Francois đành xin lỗi cáo từ. Bố Trinh lại nhìn Trinh hỏi lại:

- Con ra ngoại quốc rồi cũng sẽ gặp lại bố được mà. Ở lại kẹt hết.

Mẹ Trinh đã bắt đầu bình tâm:

- Ông nói gì lạ, cứ đuổi con đi.

- Rồi bà sẽ thấy. Thôi bây giờ ở chơi một lát, tôi còn bận lắm. Mai mới về nhà được. Nhưng chính phủ có dành cho tôi một căn nhà ở Tú Xương rồi. Bà liệu dọn dẹp về ở.

- Cả con gái ông nữa à?

Trinh vội nói:

- Mẹ cứ từ từ đã. Nhà của con bỏ đi là mất liền.

Mẹ Trinh đã ra điều quyền thế:
- Ai dám lấy của con gái cụ Ất?

Nguyên Huy

Theo Người Việt

(Trích trong truyện dài “Những Người Đàn Bà Trong Thành phố Đổi Tên” của Nguyên Huy, sắp xuất bản)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn