BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73934)
(Xem: 62317)
(Xem: 39509)
(Xem: 31234)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mùa Thu Gio Linh

13 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 1824)
Mùa Thu Gio Linh
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Tặng tiểu đoàn 1 Nhảy Dù.


 Bây giờ là ngày cuối thu. Những cơn mưa bất chợt kéo về thật đột ngột. Anh đã xa Sài Gòn thật lâu rồi. Nhưng anh cũng chưa quên những ngày vừa qua. Hình dáng em với nụ cười say đắm hôm nào trước khi anh lên đường. Em đến với anh thật bất ngờ như cơn mưa ở đây đến vội vã đổ xuống vùng chiến địa khô cằn vì bom lửa vì đạn đại bác của đôi bên cháy cỏ cây. Rồi chúng mình lại xa nhau không hẹn ước. Rồi anh lại lên đường, những tháng, những ngày thật dài. Để khi anh trở lại nét mặt lại sạm đen với bộ chiến phục thêm bạc màu nắng gió chiến trường. Nhưng em vẫn chưa quên và chúng mình lại tìm đến với nhau thật đẹp như thuở gặp ban đầu.

 Mùa thu thật sự đã về ở nơi đây với những cơn gió heo may lạnh đến da diết lòng người. Mùa thu mà anh đã đánh mất từ mười ba năm qua. Kể từ một ngày cuối thu năm

1954, anh và ba người bạn thân từ giã Hà Nội lên đường vào Nam, miền chỉ có hai mùa mưa nắng mà thôi. Anh đang ở đây, miền Gio Linh với những ngày khói lửa. Đơn vị anh đang đóng tại một căn cứ đối diện với cầu Hiền Lương, một tiền đồn tại địa đầu vùng giới tuyến. Anh tới nơi đây vào những ngày đang xảy ra các cuộc pháo chiến ác liệt nhất của cả đôi bên. Xuống xe từ thị trấn Đông Hà, các anh đã phải đi bộ một đoạn đường dài trên mười cây số để vào vùng máu lửa này. Từ xa các anh đã trông thấy cả một hàng rào khói đen bốc lên dầy đặc, đó là hàng loạt đạn đại bác đủ loại từ bờ Bắc pháo kích sang. Tiếng súng địch chưa ngưng thì những dàn đại bác của ta bắn trả lại. Tiếng nổ kéo dài từng loạt như bất tận. Rồi khi tiếng súng đôi bên vừa ngưng thì từng đoàn phi cơ phản lực vun vút bay từ biển vào đâm chúc xuống miền đất bên kia. Tiếng nổ lại rền trời rung đất. Những cột khói khổng lồ bốc lên cao với những đám mây mờ phía xa. Đó là những hình ảnh đầu tiên mà các anh trông thấy như đón tiếp như chờ đợi và hứa hẹn nhiều cho những ngày sắp tới.




 Đơn vị anh vẫn tiến vào vùng lửa đạn đó. Mỗi bước đi anh thấy như mình càng tiến gần về quê hương. Quốc lộ số 1 kéo dài thẳng tắp, từng đoạn đường cày lên vì vết mìn nổ còn mới nguyên. Đó là những vết thương lở lói đã bao năm qua làm đau đớn đất nước đau thương này. Những cột cây số cứ lùi dần, lùi dần và chữ Hà Nội với hàng chữ số bên dưới đã có lúc hiện ra như một hình ảnh từ lâu chợt quên trong tiềm thức. Quê hương miền Bắc của chúng mình ở bên kia dòng sông. Con sông Bến Hải ngăn cách đôi bờ đã bao năm qua. Miền đất bên kia mang bao nhiêu là kỷ niệm của tuổi ấu thơ và những ngày anh đầu tiên bước chân vào cuộc đời.

Bây giờ thì các anh đang làm những người lính trấn giữ miền đất Gio Linh này. Vùng đất địa đầu nhất định không để lọt vào tay giặc và các anh cũng nhất định cản ngăn bước tiến của quân thù muốn xâm nhập qua đây. Vùng đất hẻo lánh khô cằn giờ đây tràn ngập bóng những người lính chiến áo hoa mũ đỏ. Mặc dù mức độ pháo kích càng ngày càng nặng nề ác liệt nhưng những người lính nhảy dù ngày đêm vẫn hoạt động thường trực chung quanh khu vực để bảo vệ căn cứ.

 

Trại lính Việt Nam Cộng Hoà, cách Gio Linh hai dặm.


Mỗi lần ngồi trên đài quan sát, anh chiếu ống viễn kính bao quát chung quanh. Tự nhiên anh nghĩ giá có em ở đây anh sẽ chỉ cho em thấy dải đất xanh ngút ngàn phía bờ Bắc con sông Bến Hải. Chúng mình sẽ thấy gần quê hương hơn bao giờ. Quốc lộ số 1 chạy ngoằn ngoèo lượn khúc rồi mất hút. Ngày nào, phải, ngày nào em nhỉ chúng ta sẽ được thanh thản trở lại quê hương yêu dấu ngàn đời. Thành phố Hưng Yên nhỏ bé đầy kỷ niệm của chúng ta. Giờ đây miền đất thân yêu ấy chắc cũng đã vào thu. Hồ Bán Nguyệt sẽ đìu hiu trong cô quạnh vì những cơn gió lạnh đã ào ào thổi về làm xơ xác hàng liễu bên bờ. Đám sen trên mặt hồ liệu còn bông sen cuối mùa nào nở muộn không. Và cây Đa Voi cổ thụ bên trường trung học Phạm Ngũ Lão nghèo nàn xa xưa liệu có còn đứng vững với thời gian mười mấy năm qua. Tình yêu quê hương càng làm anh thấy xót xa vì anh nghĩ rằng vùng trời ruột thịt đó giờ đây còn nằm trong tay ngự trị của quân thù. Đó cũng là một lý do tại sao ngày xưa anh lại lên đường vào Nam. Tất cả gia đình anh ở lại. Anh ra đi với hai bàn tay trắng và mang tâm trạng của kẻ mất quê hương. Nhưng chính sự ra đi là để sửa soạn cho một ngày trở lại trong thanh bình. Ngày ấy quê hương chúng ta sẽ đẹp hơn bao giờ và chúng ta sẽ làm lại được cái khí hậu hiền hòa của nắng gió miền trung châu có sông Hồng mãi mãi mang đất phù sa bồi đắp đôi bờ.




Còn bây giờ quê hương thật xa vời chỉ còn lại một ảnh hình thương yêu trong trí nhớ. Anh đã bỏ quê hương, bỏ gia đình bỏ trường để trở thành người lính chiến nhảy dù.

Mười năm qua trong quân ngũ, anh đã có mặt trên khắp chiến trường miền Trung và miền Nam, nhưng anh vẫn nuôi trong lòng mộng ước ngày trở lại giải phóng miền Bắc. Các anh sẽ là những người trai đầu tiên nương theo bao cánh hoa dù nở giữa vùng trời yêu dấu cũ. Ngày đó, anh nghĩ sẽ chẳng còn bao xa; vì hôm nay biết bao người trai đã lên đường tự nguyện chiến đấu cho sự mất còn của phần nửa đất nước miền Nam này. Ngày chiến thắng cũng đã sắp đến gần. Vì thế anh đã phải xa em từng tháng ngày trong gian khổ hiểm nguy, nhưng anh tin rằng em đã hiểu nỗi lòng của những người con trai như anh đang làm nhiệm vụ giữa mùa chinh chiến. Như những lần ngồi bên em trong một quán nước ở đường Tự Do. Trong máy lạnh trong tiếng nhạc gợi cảm êm đềm nhìn dòng người thanh thản đi qua lại hay những đêm trong một khiêu vũ trường ấm cúng có ánh đèn mờ nhạt, có những màn vũ khêu gợi thì làm sao em có thể hình dung được bộ mặt thật của cuộc chiến hiện tại. Vì thế bây giờ anh muốn gởi về em những cảm nghĩ, những hình ảnh trung thực nhất của một mặt trận đã nổi danh: Gio Linh - vùng đất địa đầu miền giới tuyến với những ngày dài nhất trong khói lửa, trong tiếng đạn rít xé ngang đầu của các cuộc pháo chiến ác liệt nhất trong cuộc chiến hiện tại.




Cũng từ đài quan sát, anh nhìn sang trái, ngang với căn cứ trú quân của anh là đồn Cồn Thiên. Một địa danh ngày xưa chưa ai biết đến nhưng ngày nay tên Cồn Thiên đã được nhắc đến từng ngày.

Cứ điểm đó do những người lính Hoa Kỳ trấn giữ kể từ ngày khu phi chiến đã trở thành khu chiến với những trận đánh đẫm máu cho cả đôi bên. Hàng ngày trăm trái đạn đại bác rơi phủ mờ đồi Cồn Thiên cũng như đồi Gio Linh nhưng những cứ điểm này vẫn vững bền như những cứ điểm thép đứng ngạo nghễ thách đố về bờ Bắc.

Nhìn sang phải, anh trông thấy rõ dòng nước bạc chảy từ con sông lịch sử đổ xuôi ra cửa Tùng. Ngoài ra nữa là biển cả mênh mông nổi bật đoàn chiến hạm với những dàn hải pháo sẵn sàng yểm trợ cho Cồn Thiên và Gio Linh để phản pháo.

Ngày ở đây thật dài, dài như những ngày mấy năm về trước khi anh còn tham chiến ở chung quanh đồn Đức Cơ. Vì ngoài những lúc tung quân tuần tiễu để bảo vệ căn cứ, tất cả đều sống trong tình trạng báo động thường trực. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong những căn hầm xây ngầm dưới mặt đất và được che kín bằng những lớp bao cát thật dầy. Từ trong hầm anh đã nhìn mùa thu Gio Linh qua đi bằng lỗ châu mai. Ở đây chỉ có gió heo may lạnh buốt và tiếng đạn rít ngang đầu hay tiếng nổ rung chuyển cả đất hàng đêm bởi những cuộc oanh tạc dữ dội của từng đoàn pháo đài bay B.52 dội bom xuống địa điểm trú quân và vị trí pháo của địch phía bên kia bờ Bắc.

Từ lâu anh thấy nhớ không khí của một mùa thu nhưng ở đây không có hình ảnh đẹp của những chiếc lá vàng rơi từ hàng cây cao dọc bờ đại lộ của thành phố. Đất ở đây đã khô cằn vì sỏi đá, cây ở đây đã ngã gục cháy đen vì đạn đại bác của đôi bên cày từng vuông đất.

Chiến tranh là vậy. Thê thảm khôn cùng. Không một ai trong chúng ta thích chiến tranh. Nhưng các anh đã thực sự đối diện với chiến tranh từ bao năm qua. Các anh chiến đấu để bảo vệ quê hương thứ hai miền Nam này và để sửa soạn cho một ngày trở lại nơi chúng ta đã sinh trưởng hiện đang quằn quại điêu linh trong tay quân thù. Các anh cầm súng chiến đấu chỉ vì quê hương và để cho những người như các em được sống an lành chờ đợi ngày các anh trở lại.

***






 Sau mấy tháng trời hành quân, Luận theo đơn vị trở lại Sài Gòn. Những chiếc phi cơ vận tải khổng lồ C.130 lần lượt hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Ngày Luận về Sài Gòn là mùa nắng bây giờ trở lại trong những cơn mưa xối xả đến bất chợt. Chiếc Jeep đưa Luận về đến trại Nguyễn Trung Hiếu đã gần chiều. Đơn vị được nghỉ bảy ngày. Luận nghĩ đến bạn bè thân lâu ngày chưa gặp. Có lẽ phải đi thăm hết không thì gặp thằng nào cũng lại bị trách móc. Người đầu tiên Luận nghĩ đến là Chí.

Phải, nó tên là Nguyễn Hồng Chí. Thằng bạn thân nhất và chơi với nhau cũng lâu nhất trong số bạn hữu hiện tại của Luận. Biết nhau những ngày hai đứa ngồi chung một ghế tại trường trung học Chu Văn An - Hà Nội. Tính Luận thì hay đùa nghịch, còn Chí thì chín chắn mang cái vẻ đăm chiêu của người lớn. Thật sự thì Chí cũng hơn Luận vài tuổi thật. Nhưng không phải vì thế mà Chí trở thành một người lớn trong bọn Luận. Những ngày xa xưa đó, Luận thì sống trong một gia đình sung túc lúc nào cũng được nuông chiều. Còn Chí mồ côi cả cha lẫn mẹ thật sớm. Chí được người chị cả đã lấy chồng đưa Chí về nuôi ăn học. Không lúc nào Luận thấy Chí đi chơi rong phố hay gặp Chí trong các rạp chiếu bóng vào ngày nghỉ. Chí học hành chăm chỉ và luôn luôn là một người học trò gương mẫu. Luận là người duy nhất trong lớp được Chí tâm sự về gia cảnh và Luận đã cảm thông được nỗi lòng của Chí. Điều ao ước duy nhất của Chí là cố gắng học để thi xong tú tài rồi đi làm để có thể tự lập. Chí không muốn nhờ vả người chị cả, gia đình chị cũng không được dư dả cho lắm. Mặc dầu người anh rể rất tốt lúc nào cũng săn sóc Chí như người anh ruột.

Một buổi học vào giữa năm đệ tứ, trong một giờ toán được giảng dạy bởi một giáo sư nổi tiếng là khó. Lúc nào ông cũng sẵn sàng la hét, sẵn sàng cho điểm không và phạt công–si. Bàn Luận có bốn người. Chí thì lúc nào cũng nghiêm trang theo dõi lời giáo sư và rất ít khi tham dự những trò đùa nghịch của bọn Luận. Nhưng Luận và Khải, Luận thì sẵn sàng tìm những trò ngộ nghĩnh để phá giáo sư. Nhất là chọn những ông nào có tiếng là hóc búa. Những lần trước, các giáo sư không tìm ra thủ phạm nhưng chẳng may giờ toán này bọn Luận bị bắt gặp. Giáo sư phạt tất cả bàn hai chủ nhật liền phải đến trường ngồi chép phạt. Luận, Khải, Trụ đứng dậy nhận lỗi nhưng xin tha cho Chí vì anh ngồi cùng bàn nhưng không tham dự. Giáo sư vừa bằng lòng, thì Chí đứng dậy xin chịu lỗi cùng vì anh nhận có tham dự trò đùa nghịch đó. Giáo sư ngơ ngác. Nhưng cả lớp hiểu và bọn Luận hiểu Chí. Sau giờ đó Chí cự nự bọn Luận rất nhiều. Chí nói đời học sinh có học cũng có đùa nghịch, đó là những kỷ niệm sâu đậm nhất của những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Mai đây, chia tay nhau đã chắc gì tìm lại được những kỷ niệm đẹp ngày xưa. Thế là hai chủ nhật liền cả bàn đều chịu phạt cho có nhau. Nhưng từ đó tình thân càng trở nên mật thiết. Nhất là tình bạn của Luận với Chí. Ngày vào Nam, bọn Luận vẫn đủ bốn đứa như cũ theo học năm cuối cùng. Thi xong, Khải được gia đình cho sang Pháp học. Trụ theo đại học y khoa. Chí thi vào một trường cao đẳng chuyên nghiệp để sớm được đi làm. Gia đình Luận ở lại tất cả ngoài Bắc. Luận cũng bỏ trường đi dạy học một năm, rồi anh quyết định xin nhập ngũ. Luận theo một khóa học sĩ quan ba năm tại trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt.




Trong thời gian này Chí và Luận vẫn nhận được thư của nhau hàng tuần. Chí ra trường trước Luận một năm. Ngày Luận mãn khóa, Chí lên tham dự. Hai người ở lại Đà Lạt một tuần để chơi. Luận tình nguyện về phục vụ tại binh chủng nhảy dù, đơn vị anh đóng ngay tại Sài Gòn. Vừa lúc đó, Chí cũng từ nhiệm sở tại Bến Cát - Bình Dương đổi về. Hai người thuê chung một căn nhà để ở. Với những tiện nghi tối thiểu. Luận và Chí đã làm gần tròn những mộng ước ngày xưa. Một tủ đầy sách quý của Luận, một quầy rượu đủ loại của Chí.




Trong những ngày ở chung đó, Luận lại có dịp nhìn thấy sự thực của con người trong sạch như Chí. Trong sở, Chí được trao phụ trách công việc đấu thầu. Anh đã làm việc thật thẳng thắn và công bằng. Nhiều lần, Luận đã thấy những người thật sang trọng đến tận nhà riêng của hai người để điều đình các áp-phe. Họ mang tiền bạc và cả gái đẹp ra sẵn sàng dâng hiến nhưng Chí đã từ chối. Đã có lần Luận muốn thử lòng Chí:

- Này nhận cho họ vụ thầu này là tụi mình có xe hơi đi rồi đó.

Hoặc là:

- Mày thấy đấy. Trong cuộc sống hiện tại thiếu gì thằng lợi dụng chức tước để cho vợ chạy áp-phe, cho đàn em buôn lậu. Để rồi họ từ một thằng chẳng biết gì cả thế mà bây giờ cũng học ăn, học mặc, học nhảy cũng ra điều ăn chơi nay Tự Do mai Văn Cảnh, Maxim’s. Đối với cấp trên thì nịnh bợ, luồn cúi để che đậy công việc làm nhơ bẩn, còn đối với cấp dưới thì hống hách tự coi mình như mặt trời riêng của một vùng đất nhỏ bé biệt lập.

Những lần nghe như vậy, Chí đều cười nói với Luận:

- Mày muốn thử tao phải không? Chính vì tao không làm như vậy được thì tao mới là bạn mày. Tao mới không bị chúng mày khinh bỉ. Tao không thẹn với lương tâm. Mặc dù tao biết tao không làm những việc đó thì sẽ không thiếu gì những thằng sẽ làm. Chúng nó làm được, nhưng chắc chắn tao không làm được, mày không làm được. Và tất cả những thằng còn chút lương tâm, còn biết có danh dự thì cũng sẽ như chúng mình.

Thế rồi, những ngày tháng đầm ấm của tình bạn cứ đều trôi qua. Nhưng cuộc chiến bắt đầu vào giai đoạn khốc liệt nhất. Luận phải theo đơn vị lên đường hành quân dài hạn từ hai đến ba tháng một lần. Khi thì Pleiku, Kontum, khi thì Tuy Hòa, Bình Định. Rồi vùng Thừa Thiên, Quảng Trị, Đông Hà…

Nhiều thanh niên được gọi nhập ngũ lớp sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Chí cũng ở trong lớp người sẽ bị gọi đó. Trong khi một số người hèn nhát tìm đủ mọi cách để xin hoãn dịch hoặc miễn vĩnh viễn thì Chí hăng hái thu xếp công việc để sẵn sàng khi có lệnh gọi sẽ lên đường. Chí bảo với Luận:




- Dù trên cương vị nào thì cũng là phục vụ cho đất nước. Nhưng tao thấy chúng mày, những thằng lính là những người hy sinh gian khổ nhiều nhất. Không lẽ để chúng mày chiến đấu thay cho kẻ khác mãi. Chúng tao phải có bổn phận góp mặt chung dưới cờ với tụi mày. Mai đây sau thời gian phục vụ theo pháp định, chúng tao sẽ giải ngũ và như vậy tao sẽ không có mặc cảm nào đối với cuộc chiến hiện tại.

Rồi Chí kể cho Luận nghe những bộ mặt sợ hãi, những kiểu cách xin miễn dịch của một số bạn đồng sở. Luận cũng kể cho Chí nghe một trường hợp:

- Tao vừa được một thằng bạn kể lại - thằng trung úy Hòa chắc mày cũng biết chứ gì – nơi nó làm có một thằng em của một ông đơn vị trưởng. Thằng này đang dạy học tại Sài Gòn. Mỗi lần vào trại thăm anh, nó lên mặt với tất cả các sĩ quan trong đơn vị, nó muốn mọi người cũng phải sợ nó như ông anh nó vốn có tiếng hách nổi tiếng nhất. Mà ông anh nó mỗi lần họp các sĩ quan đều đập bàn rầm rầm để chỉ dẫn các thuộc hạ đủ những danh từ đẹp đẽ nhất nào tuổi trẻ, nào hy sinh, nào tổ quốc. Thế mà khi thằng em trai có lệnh gọi đi Thủ Đức thì sợ hãi cuống cuồng làm như đi là chết ngay. Còn ông anh thì hình như quên những điều thường nói với các sĩ quan thuộc quyền, ông ta bắt thằng Hòa mang đồ lễ đi mọi nơi để xin xỏ hoãn dịch cho thằng em ông ta từng khóa một. Cuộc đời tầm thường như vậy đó.

Chí lên đường nhập học khóa 13 Thủ Đức. Sau bốn năm chiến đấu trên khắp các chiến trường. Anh giải ngũ với cấp bậc Trung úy với bốn anh dũng bội tinh với nhành dương liễu và một chiến thương bội tinh.

Chí trở lại nhiệm sở cũ và sau một thời gian ngắn anh lập gia đình với một người con gái miền Trung. Chí quen Hương và yêu nàng những ngày anh theo đơn vị lưu động tại vùng giới tuyến. Hương rời Huế, xa dòng sông thơ mộng, xa những đền đài lăng miếu cổ kính, để theo chồng vào Nam. Gia đình Chí thật hạnh phúc vô cùng. Luận nhận đỡ đầu cho đứa con trai đầu lòng của Chí cũng như Chí đã đặt tên cho đứa bé. Điều đó chứng tỏ lòng quý mến của vợ chồng Chí đối với Luận. Vì thế sau mỗi lần hành quân trở lại hậu cứ, Luận nghĩ ngay đến việc đến thăm vợ chồng Chí trước tiên. Ở đấy, Luận có thể tìm thấy khung cảnh ấm cúng của một gia đình hạnh phúc, một tình bạn thiêng liêng đủ làm Luận quên những ánh lửa vừa trải qua. Mỗi lần đến như thế, Luận lại kể cho Chí nghe những mặt trận mà anh vừa mới trải qua, những chiến thắng đơn vị anh đoạt được. Những ly rượu cứ vơi dần và Hương thì bận rộn nhiều nhất vì phải sửa soạn bữa tiệc cho hai người. Hương đối xử rất khéo léo mỗi khi Luận đến thăm vì nàng đã được Chí kể cho nghe tình bạn thân thiết của hai người. Rồi vợ chồng Chí thấy Luận cứ kéo dài đời sống độc thân mãi, đã có lần nàng hỏi Luận:




- Anh và Chí chơi thân với nhau. Bây giờ Chí đã có hai cháu rồi. Bộ anh định ở vậy mãi hay sao.

Lần nào cũng vậy, Luận đều cười:

- Thì gia đình của anh chị là gia đình của tôi. Hai cháu là con tôi. Đời lính suốt tháng năm ngoài chiến trường đâu dám nghĩ đến chuyện vợ con. Lấy ai, tôi chỉ sợ làm người ta khổ. Và chị Hương nhắm xem có ai dám lấy tụi tôi không.

Tiếng Chí vang lên:

- Hương đừng nói chuyện vợ con với thằng đó. Nó cãi bài bây cho mà xem. Hôm nào em xem trong số bạn gái có cô nào xinh mà thật dễ thương giới thiệu cho nó một cô. Chỉ sợ tới lúc đó nó lại phải năn nỉ vợ chồng mình đấy thôi. Anh chơi thân với Luận lâu, biết tính nó chả ai khuyên nổi nó đâu.

Nhã, em gái nhỏ của Hương, vội nói láu táu:

- Chị Hương có nhiều bạn gái dạy cùng trường, người bạn thân thiết là giáo sư Việt văn của em. Tụi em là con gái mà cũng phải mê. Đã đẹp lại dễ thương vô cùng. Trong những giờ dạy, lúc nào rảnh rỗi chị lại kể cho chúng em nghe về những kỷ niệm quê hương cũ. Chị ấy tả về thành phố Hưng Yên ngày xưa của chị…

Luận vội ngắt lời:


- Nhã nói sao? Cô ấy thường nói về thành phố Hưng Yên à.


Chí hỏi Hương:

- Cô nào ấy em. Luận nó cũng ở Hưng Yên đấy. Nói tên xem chàng ta có biết không?

- Linh Phương, anh Luận ạ. Hoàng Thị Linh Phương, anh có biết không?

Luận im lặng suy nghĩ. Những người con gái đẹp của Hưng Yên ngày xưa anh biết rõ. Trong đó có Tuyết Mai với mối tình đầu của anh. Có lẽ ngày đó Linh Phương còn nhỏ, vả lại anh theo học ở Hà Nội chỉ về Hưng Yên mỗi khi nghỉ hè. Luận trả lời Hương:

- Chắc tôi không biết đâu chị ạ. Chị quen cô ấy từ hồi nào?

-Từ dạo còn theo học ở ngoài trường Đồng Khánh. Phương di cư từ Hưng Yên vào thẳng Huế. Chúng tôi cùng đỗ, cùng vào sư phạm một năm. Phương theo gia đình vào Sài Gòn trước tôi. Tôi lấy Chí vào đây không ngờ gặp Phương cùng dạy một trường. Anh chịu không tôi làm mối cho.

Luận cười nhìn Chí:

- Để xem đã chị ạ. Nào bây giờ chúng ta ăn uống đi chứ? Hương mỉm cười nhìn hai người:

-Thôi ông tướng uống vừa ở nhà thôi. Rồi kéo nhau đi chơi đâu đó thì đi. Nhớ đừng uống say quá rồi lái xe không nổi lại quên cả đường về. Tôi sửa soạn phòng cho anh Luận về đây nghỉ nhé.

Luận cảm động cám ơn Hương. Còn Chí thì âu yếm nói:

- Anh đi chơi, em không ghen à? Hương cười:

- Có anh Luận về em cho phép anh đấy. Hai anh đi riêng mà tâm sự. Kẻo khi anh Luận đi hành quân rồi cứ nhắc anh ấy hoài.

***


Luận nhìn đồng hồ tay. Mười bẩy giờ chiều. Anh nhấc điện thoại gọi đến sở của Chí. Có tiếng người nữ thư ký ở đầu máy:

- Xin ông vui lòng chờ, tôi sẽ chuyển máy cho ông Chí ngay.

Tiếng Chí hét trong máy:

- A-lô, Luận đầu máy phải không? Mày về bao giờ vậy?


- Tao vừa xuống máy bay cách đây nửa giờ. Có gì lạ không?


- May cho tụi mình quá. Mày có nhớ ngày hôm nay là ngày gì của tao không?

- Thú thật tao chả nhớ gì cả. Ngày gì đó mày?

- Ngày kỷ niệm chúng tao lấy nhau. Vì thế tối nay tại nhà tao có buổi họp mặt của một số bạn thân. Tao và Hương đang tiếc vì không có mày. Chúng tao đều buồn vì thiếu mày thì coi như mất vui một nửa rồi. Bây giờ mày về là hoàn toàn. Tao lái xe đến đón mày nghe.

- Thôi tao còn thu xếp một ít công việc của đơn vị. Rồi còn phải thay quần áo đã chứ. Mày muốn tao mặc bộ đồ trận đầy bụi đến mừng vợ chồng mày sao. Mày về trước phụ với Hương đi cho bà ấy bằng lòng. Cho tao biết mấy giờ bắt đầu?

- 20 giờ mày nghe rõ chưa? À quên báo cho mày biết trước để mà hồi hộp chơi. Hôm nay có cả Linh Phương đến nữa đấy. Tao có gặp đương sự rồi. Điểm chúng mình phê bình các em ngày xưa khi còn đi học là 8/10. Tao nhắc lại là 8/10 nghe không. Xứng đôi với mày lắm. Được chứ Luận.

- Mày nói thì tao tin. Nhưng để rồi xem đã. Bây giờ tao chỉ cần gặp mày và uống rượu thôi.

- Xong rồi, tao để dành cho mày một chai rượu đặc biệt mà tao mang từ Phi Luật Tân về tháng trước. Hồi mày đi hành quân tao vừa đi công cán 15 ngày ở bên đó. Thôi tao cúp máy, đến sớm một chút nghe.

Luận đặt ống nói điện thoại xuống bàn. Anh cho lệnh vắn tắt các nhân viên dưới quyền rồi trở về phòng riêng.

Từ trong phòng, Luận nhìn ra ngoài khung cửa sổ mở rộng. Cây khế trước hiên đã nở hoa tím đầy cành. Mầu lá xanh ngắt còn lóng lánh ướt nước của cơn mưa vừa dứt. Mầu tím phơn phớt của hoa khế như nhắc nhở Luận đến những mối tình đẹp đã đi qua trong đời. Thoáng nhẹ nhớ thương dâng trong lòng. Một làn gió thổi nhẹ đưa những cành hoa tím rơi đầy trên thềm nhà.

 Đối với Luận, cuộc họp mặt này thật bất ngờ không định trước. Người con gái ngồi đó. Đối diện với chàng trong dáng điệu thật lạ lùng. Mái tóc xõa trên bờ vai thon nhỏ. Màu áo trắng đơn sơ điểm những bông hoa nhỏ màu tím xinh xinh. Tiếng nói trong và mang một âm điệu đặc biệt của người con gái sinh trưởng tại miền Bắc. Luận như ngỡ ngàng sống lại cái tuổi 17 ngày nào lần đầu đối diện với người yêu. Nhưng không phải người con gái đó là Tuyết Mai của mối tình non dại thuở học trò của Luận 13 năm về trước. Người con gái này là Linh Phương. Nhưng sao Luận vẫn mơ hồ tưởng như sống lại buổi tiệc mãn khóa hè ngày nào tại Phố Hiến của thành phố Hưng Yên quê hương yêu dấu cũ. Linh Phương như mang trọn hình ảnh của một Tuyết Mai bé nhỏ dịu dàng với một chút nũng nịu nụ cười má lúm đồng tiền trông duyên dáng vô cùng.




Hiện tại đã kéo Luận về sự thực. Bầu không khí của buổi họp mặt trở nên mỗi lúc một sôi động. Tiếng nói của Chí vang lên:

- Luận uống đi chứ? Ly thứ mấy rồi?

Luận cười nâng ly với Chí trước khi uống cạn:

- Mới có ly thứ ba…

Chí quay sang nói với vợ:

- Hương, em rót cho Luận ly nữa. Luận giơ tay vội nói:

- Xin chị cho từ từ, buổi tiệc còn dài coi chừng tôi say đó.

Tiếng Trụ ngồi cạnh Linh Phương:

- Chị Hương cứ rót đi. Luận mới ở mặt trận về phải cho nó uống thoải mái cho bõ những lúc hành quân gian khổ.

Tiếng rượu chảy róc rách trong ly. Nhã, em gái Hương ngồi bên cạnh Luận, gắp thêm đá và đổ đầy sô-đa, rồi nói:

- Anh chị Chí giao cho em phải tiếp anh và chị Phương ngày hôm nay.

Ánh mắt Phương thoáng nhìn Luận, rồi cúi xuống.

- Cô làm như tôi là khách lạ không bằng. Nhã giọng trẻ con đùa nghịch:

- Không lạ thì anh cũng coi chừng mọi người sẽ quên anh.

Luận nâng ly hỏi:


- Tại sao vậy Nhã?


Nhã nhìn Linh Phương như phân trần câu nói của mình:

- Chị Phương xem, anh Luận đi hành quân gì mà biền biệt cả mấy tháng. Chả chịu thư từ gì về cả. Mọi người chẳng ai biết anh đi đâu và bao lâu. Ấy vậy khi thoáng thấy anh đến chơi rồi lại biến mất. Anh Chí gọi điện thoại hỏi đơn vị của anh thì lại nghe nói anh đi hành quân rồi.

Tiếng Phương nhẹ nhàng:

- Nghe nói anh mới đi hành quân về. Vùng Thừa Thiên, Quảng Trị phải không anh? Tôi cũng xa Huế mấy năm rồi chưa có dịp nào trở lại.

Luận nhìn đôi mắt Phương:

- Gần ba tháng ròng rã ngoài đó. Chúng tôi đi gần hết từ Phú Lộc, Phú Thứ, Nam Hòa, Quảng Điền và Phong Điền tới miền Hải Lăng, La Vang, Gia Đẳng rồi trở lại Lương Mai, Lại Hà và Phá Tam Giang.

- Anh có dịp nào đi qua trường Đồng Khánh không ạ?

- Thưa có. Những lần về nghỉ dưỡng quân ở Đàn Nam Giao, Long Thọ hay An Hòa, tôi có nhiều dịp đi qua trường. Bây giờ ngoài đó vào hè. Trường đóng cửa nhưng sân trường đỏ màu hoa phượng.

Giọng Phương như trở nên xa xôi:

- Đời tôi có hai kỷ niệm sâu đậm nhất. Đó là những ngày đầu bước chân vào trung học tại trường Phạm Ngũ Lão ở Hưng Yên quê hương tôi và sau này di cư tôi theo học tại trường Đồng Khánh - Huế.

- Như vậy tôi có chung một hình ảnh kỷ niệm đầu với Phương vì tôi cũng học tại trường Phạm Ngũ Lão rồi sau đó mới lên Hà Nội theo học tại trường Chu Văn An. Phương trở nên cởi mở hơn:

- Tôi cũng nghe anh chị Chí nói anh người Hưng Yên. Không gì bằng được gặp người đã cùng sống trong vùng trời kỷ niệm thuở ấu thơ của mình. Tôi thấy nhớ thương quê hương khôn cùng. Mười mấy năm rồi anh nhỉ? Tôi muốn nói đến Hưng Yên và tôi muốn nghe lại chuyện Hưng Yên.

Suốt buổi họp mặt đó, Luận và Phương đã nói chuyện với nhau như quên cả mọi người xung quanh. Những đôi vợ chồng bạn thân của Luận như Chí, Khải, Trụ đều đưa mắt nhìn nhau mỉm cười.




Hương nhìn Luận và Phương ngồi nói chuyện, rồi hỏi nhỏ chồng:

- Liệu lần này chị Phương buộc nổi chân anh Luận không? Chí gật gù nhìn chai rượu:

- Xong rồi. Thằng Luận hôm nay say tình chứ nhất định rượu không làm nó say nổi đâu.

Sau buổi tiệc, Luận lấy xe hơi của Chí đưa Linh Phương về nhà. Trên đường đi, từ Trần Quốc Toản về tới Thị Nghè, dù xe chạy thật chậm mà cả hai người còn thấy đoạn đường đưa nhau về quá ngắn. Xe dừng trước cửa đã từ lâu, nhưng không một ai muốn nói tiếng từ biệt trước. Hai người ngồi im lặng như muốn thời gian ngừng lại. Nhưng rồi Luận lên tiếng:

- Phương đã cho tôi những giờ phút vui thật quý báu sau những tháng dài quên mình hành quân gian khổ ngoài chiến trường. Tôi sẽ xin gặp lại Phương. Tôi nghĩ rằng còn nhiều chuyện muốn nói với Phương. Thời gian tôi ở Sài Gòn thật ngắn ngủi. Tôi hy vọng chuyến đi sắp tới tôi sẽ mang theo một hình ảnh đẹp và một hy vọng của ngày trở lại.

Tiếng nói của Phương như lạc giọng:

- Phương sẽ chờ anh. Dù tháng năm khói lửa chiến tranh có dài đi bao lâu nữa…

 ***


Đồi 46 là cao địa bao quát suốt vùng Gio Linh và Trung Lương. Căn cứ được thiết lập trên đỉnh đồi đã được san phẳng. Từ đó có thể quan sát rõ ràng phía bên kia bờ Bắc sông Bến Hải và là một điểm tựa vững chắc bảo vệ sườn trái của căn cứ Cồn Thiên.

Gio Linh, 09-05-1967


Hầm chỉ huy được xây bằng xi-măng cốt sắt nằm chìm sâu trong lòng đất. Bên ngoài là những chồng bao cát xếp gọn gàng giữ chặt những cột ăng-ten cao đầy nhánh bay đi bốn phương.

Đơn vị của Luận trấn giữ ở đây đã tròn tháng. Trời cuối thu mang gió heo may thổi lạnh. Luận kéo cao cổ áo sau bước vội vào hầm chỉ huy cùng thiếu tá Tịnh, Tiểu đoàn trưởng. Trước bản đồ toàn vùng hoạt động, Luận đã thấy các sĩ quan thuộc bộ chỉ huy đều đủ mặt. Thiếu tá Chương




- Tiểu đoàn trưởng, Trung úy Duy - sĩ quan an ninh, Trung úy Văn - y sĩ trưởng, Thiếu úy Hiển - sĩ quan tiền sát viên pháo binh và viên thiếu tá cố vấn Mỹ. Kim đồng hồ vừa chỉ đúng 7 giờ sáng. Luận báo cáo kết quả cuộc chạm súng của toán phục kích đêm qua tại phía tây căn cứ. Toán giao liên của địch lọt ổ phục kích của ta hồi nửa đêm. Địch chết 6 bỏ lại 5 AK 47. Bên ta vô sự và vẫn kiểm soát được toàn vùng. Mọi người bắt đầu uống ly cà phê đầu tiên trong ngày.

Chợt tiếng kẻng dồn dập vang lên từ các pháo đài quan sát báo hiệu địch pháo kích. Tiếng đạn đi xé không khí, rít lên những tiếng rợn người. Tiếng nổ ầm vang rung chuyển cả mặt đất. Luận nghĩ đến cuộc pháo chiến đã bắt đầu mở màn. Từ hộp loa khuyếch thanh của chiếc máy PRC.25 vang lên tiếng báo cáo của đài quan sát. Hướng súng và tầm xa. Thiếu tá Chương chấm vị trí súng địch trên bản đồ và cho lệnh phản pháo. Luận đọc to tọa độ. Mọi người đã ngồi trước các máy liên lạc. Các pháo đội của ta và hải pháo bắt đầu bắn trả buộc súng địch phải ngưng tiếng. Thiếu tá Chương cho lệnh liên lạc xin các phi tuần phản lực lên vùng.

Từ loa khuếch thanh, tiếng các đại đội trưởng báo cáo kết quả vô sự sau đợt pháo kích vừa qua.

Tiếng phi cơ ầm ầm vang bầu trời. Mọi người rời hầm quan sát. Từng chiếc phản lực thân bạc lóng lánh dưới ánh mặt trời bắt đầu lao xuống vùng nghi ngờ có vị trí đặt pháo binh của địch. Từng cột khói đen nhánh ánh lửa bốc lên cao. Mọi người đăm chiêu suy nghĩ hướng sang bờ Bắc.

Luận rùng mình theo cơn gió lạnh vừa thổi lộng về. Anh và tất cả mọi người có mặt tại đây đang thật sự đối diện với chiến tranh.

Duy gọi Luận chỉ về phía Nam căn cứ. Thị trấn Đông Hà trông nổi bật bên cạnh dòng sông. Một chiếc phi cơ vận tải vừa hạ cánh xuống phi trường. Luận nghĩ tới chuyến liên lạc này chắc sẽ có thư của Linh Phương từ Sài Gòn gửi ra. Trong những ngày thật dài ở đây, Luận chỉ mong có vậy. Một người lính trẻ vừa cầm chiếc máy thu thanh chạy vội qua dưới chân đồi quan sát.


Mơ hồ thoảng trong gió lạnh cuối thu tiếng hát nghẹn ngào của Phương Hoài Tâm qua bài Thương Vùng Hỏa Tuyến. “…toàn dân thương Trung Lương, toàn quốc thương Gio Linh, thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương…”

 Căn cứ Gio Linh cuối thu 67

 Thế Hoài

(Trích tạp chí Văn Học; vì quá cũ, bìa mất, nên không biết số mấy - phát hành vào khoảng 1967 ?)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn