Thằng Nuôi cầm chai "33" vừa múa vừa gọi tôi: Thiếu úy, thiếu úy. Tôi định bỏ đi thẳng nhưng thằng Bảy đã rời bàn rượu chạy kéo tôi vào:
- Ngồi với em út cho vui đi đại ca.
- "33" nghe đại ca.
- Ừ, chi cũng được.
Buổi trưa trời nắng gắt, con nắng như muốn làm khô đi lượng nước đã ngập đầy những cánh đồng sau mấy tuần mưa lụt. Trên mặt bàn, mấy gói mực khô Đại Hàn xé dở; gương mặt thằng Nuôi chưa tái nhưng cặp mắt hắn đã đỏ ké. Thằng Bảy vừa rót rượu vào cốc vừa réo người đàn bà chủ quán:
- Thêm nhiều "33" nữa đi chị Hai.
Mụ Hồng vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trước trán, liếc tình thằng Nuôi:
- Mấy chai nữa anh?
- Chừng nào say thôi.
Thằng Nuôi vỗ vỗ túi áo trả lời. Trời vẫn im gió, mồ hôi thấm ướt lần vải mỏng sau lưng áo mụ Hồng, để lộ khoảng da trắng muốt. Bên kia cánh đồng, dòng sông Lại Giang trải dài bao quanh con đường đá đỏ gồ ghề dẫn lên Quốc lộ Một. Con đường đã mang tôi về phố những giờ phép ngắn ngủi hiếm hoi, con đường nhắc tôi những mất mát ngày một nhiều, một cuộc tình, một căn nhà cũ, đổ nát, tan hoang; những bạn bè mỗi thằng một nẻo... tôi không còn gì ngoài nỗi buồn mỗi lần trở lại nhìn những thềm gạch vụn, những chỗ ngồi của Lữ, của Hùng, của Xuân, của Ngọc... những kỷ niệm dập dồn nổi sóng. Tôi thấy mình bất lực và đã bao lần muốn trốn chạy, muốn bỏ đi.
Thằng Bảy đưa ly cụng vào ly tôi nói thiếu úy cứ uống. Tụi em chịu chơi lắm mà. Uống đi ông. Tôi nhìn thằng Nuôi rồi nhìn mụ Hồng. Gần ba mươi mấy tuổi rồi, mụ vẫn chưa tìm được người đàn ông chung thủy.
Thằng Nam bảo trước kia mụ làm điếm ở Sài Gòn có tiếng, sau về đây chôn ông già bị Việt Cộng giết rồi gặp lúc quân đội về bình định quận này, mụ ở nán lại mở quán nhậu luôn. Những lời đồn đại về mụ cũng nhiều nhưng không vì vậy mà quán mụ ít khách. Những buổi dừng quân như thế này, ngoài đám khách hàng quen thuộc thường ngày gồm mấy toán nghĩa quân, mấy nhân viên hành chánh quận, còn có chúng tôi nên quán lúc nào cũng có người, có tiếng cười, tiếng nói. Mụ Hồng cũng khôn ngoan, biết chiều khách nên đã hơn năm trời buôn bán ở đây mà chẳng ai ăn lường hay có ý định phá phách quán này. Tôi bấm thằng Nuôi hỏi nhỏ :
- Có vụ hả mày?
Hắn kề miệng vào tai tôi:
- Dạ, đại khái thôi thiếu úy. Thằng Bảy được dịp chen vào:
- Thật tiếc quá, bữa nay tôi còn tiếc.
Tôi bảo mày lại định nhắc chuyện cũ à. Hắn tớp một ngụm bia rồi ra dấu tiếc rẻ nói:
- Thì cái vụ thằng chả bữa hôm ở Lang Xá bàu đó, ông đừng đưa vội lên Đại Bàng thì tụi tui giàu to biết mấy. Chỉ cần hai thùng nước lã là nó chỉ, nó khai hết. Ông để tụi Quân Báo mập quá trời...
Tôi nói thôi dẹp cha chuyện đó đi, khai thác tù binh là bổn phận của tiểu đội, đâu phải quyền tao. Tụi mày than phiền mãi, chán phèo…
Thằng Nuôi vẫn lè nhè, chặc lưỡi:
- Hai trăm ngàn? Hai trăm ngàn tui chỉ nạp thiếu úy một nửa, một nửa tui nhậu lai rai với bạn bè, sức mấy Đại Bàng biết được. Tui tác chiến mấy năm rồi, lên lon xuống cấp mãi cũng vì mấy thằng kinh tài Việt Cộng đó. Ông mới ra trường, xin lỗi ông đừng giận, ông đâu kinh nghiệm bằng tui.
Tôi cầm chai "33" dằn mạnh xuống bàn hét im đi - rồi tu một hơi và đứng dậy bỏ ra khỏi quán. Sau lưng tôi, tiếng thằng Bảy vọng theo: Thiếu úy, thiếu úy, hắn say nói bậy, ông giận tụi tui làm gì. Tôi nghe như một chuỗi âm vang từ cõi lạ nào. Trời vẫn nắng gay. Một vài tên lính lang thang gặp tôi đưa tay chào. Tôi mỉm cười với chúng, đi thẳng về phía quận, tôi muốn tìm một giấc ngủ để nguôi quên, để đuổi xua những mỏi mệt sau mỗi lần hoạt động trở về. Trước mặt tôi, bộ chỉ huy hành quân trung đoàn chờn vờn nhảy nhịp. Tôi gục xuống cửa "tăng-xê" và có cảm giác được dìu lên võng nằm.
oOo
Cuộc lục soát bắt đầu từ mười giờ sáng đến mười hai giờ trưa nhưng vẫn chẳng thấy dấu vết gì ngoài những căn hầm trú ẩn đã bị phá, những ngôi nhà đổ, vườn tược bỏ hoang. Đại Bàng cho lệnh tạm ngừng để cơm nước. Tôi nghĩ thầm phải chăng vùng này đã hết Việt Cộng? Những cuộc hành quân lục soát cấp tiểu đoàn trước đây năm sáu tháng đã thành công đến thế sao?
Tôi chọn một căn nhà tranh gần con lộ nhỏ, chia vị trí canh phòng cho các tiểu đội rồi bảo thằng Nam đem thức ăn nguội kiếm bếp hâm. Căn nhà không có ai ngoài một người đàn bà cùng ba đứa bé. Tôi hỏi lúc người đàn bà bước ra cửa:
- Đi đâu hết chị?
- Dạ chỉ có mấy mẹ con em đây thôi.
- Chồng chị đâu?
- Dạ vào làm ăn trong Đà Nẵng.
- Đà Nẵng? Tôi hỏi lại và nhìn kỹ bốn góc nhà. Thằng Bảy cầm sẵn lưỡi lê đưa vào bụng người đàn bà uy hiếp:
- Làm ăn con mẹ gì? Đà Nẵng hay lên bưng?
Người đàn bà vẫn bình tĩnh lặp lại:
- Dạ ảnh lái xe trong Đà Nẵng thật mà.
Tôi giật tay thằng Bảy nói thôi được, để tụi này ăn xong hẳn rõ. Thằng Nuôi háy tôi bảo coi bộ bà này khó tin quá thiếu úy. Thằng Bảy cũng lộ vẻ nghi ngờ. Mấy đứa bé thấy chúng tôi ôm nhau ngồi nép dưới một góc tường, vẻ sợ hãi. Mái tranh nhiều nơi đã dột nát. Người đàn bà giúp chúng tôi dọn thức ăn ra chiếc phản mọt giữa nhà. Tôi vừa ăn vừa hỏi tiếp sao chị không đem con vào Đà Nẵng theo anh cho tiện? Ở đấy yên lắm sao chị chẳng chịu đi. Người đàn bà ngồi mân mê chéo áo dài đen đã bạc màu nói dạ dạ có đi rồi mà phải về lại, ảnh không thích ảnh nói về đây chịu khó chịu cực khổ chi cũng được, sống qua ngày, trong nớ vật giá mắc mỏ, làm sao cho đủ ăn. Vả lại còn ngày đơm tháng kỵ còn nhà cửa ruộng vườn, mồ mả.
Thằng Nuôi trợn mắt ý chừng muốn chửi thề hay rủa một câu gì, chợt nghe tiếng thằng Hải tiểu đội một hét phía hông nhà:
- Lên! Lên không tao bắn nát óc ngay.
Cả bọn chạy ùa ra. Tôi mở khóa an toàn cây M.16 và cho lệnh giữ người đàn bà tức khắc. Tiểu đội thằng Hải đã bố trí mặt sau nhà. Tôi hỏi lớn:
- Gì thế Hải ?
- Vi-xi. Vi-xi lại đây mau thiếu úy!
Trong lùm tre rậm, dáng một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi đang lồm cồm bò lên từ vũng nước. Thằng Hải cười nói :
- Đ. m, cha nội đội bèo có lẽ từ sáng giờ, ngộp quá nên ngoi đầu lên, gặp lúc tôi đi cầu, thật rủi cho ông bà nó quá.
Tôi chỉ người đàn ông bảo tới đây coi cha nội. Khuôn mặt hắn tái bầm vì lạnh, trên lưng trần, mấy con đỉa no tròn còn đeo cứng. Thằng Nuôi móc túi quần lấy dây vừa trói vừa nạt :
- Súng đâu mày?
- Dạ em không có súng.
- Em em gì, mày muốn chết hả?
- Dạ không.
- Vậy hầm bí mật đâu?
- Dạ em không biết, em nghe bộ đội lên, chạy không kịp, em trốn đại dưới này chứ em không làm gì hết.
Thằng Nuôi tát ngay mặt hắn một cái:
- Đ.m., mày láo hả ?
Rồi quay sang người đàn bà đang ôm mặt khóc, hắn hỏi :
- Mẹ mày đây phải không?
- Dạ... không, vợ em.
Tôi gạt thằng Nuôi qua một bên, châm cho người đàn ông điếu thuốc, nâng cằm hắn lên, nhìn và bảo :
- Mày giữ chức vụ gì ở đây? Thuộc đơn vị nào? Súng đâu? Biết gì hãy nói đi, lập công chuộc tội, tao sẽ đề nghị cho chiêu hồi, bị bắt rồi, đừng dối quanh, vô ích.
Hắn vẫn chối dài, bộ thiểu não :
- Dạ em không biết chi hết, thật mà.
- A, lại ngoan cố.
Thằng Bảy vừa khoa chân định đá một cú "genou" vào bụng tên Việt Cộng, nhưng tôi đã kịp cản lại. Cùng lúc, lệnh di chuyển cũng bắt đầu. Mấy đứa nhỏ đã bỏ nhà chạy ra đứng vây quanh người đàn bà khóc ngất. Tôi bảo thằng Đắc hiệu thính viên gọi máy xin ý kiến Đại Bàng :
- Hãy cho dẫn đến gặp tôi. Cả hai vợ chồng.
*
Buổi chiều, lúc chúng tôi đã lục soát xong mục tiêu kế cận trở về, ngang qua căn nhà buổi sáng người đàn bà đã được trả tự do đang ngồi ôm mấy đứa con ngó mông xuống ngả quận, đôi mắt đỏ ngầu. Thằng Nuôi nói lớn với lũ bạn sau lưng.
- Đ.m., đã theo Việt Cộng còn nói lái xe trong Đà Nẵng.
Cả bọn cười ồ. Tôi xếp tấm bản đồ nhét vào bụng và liên lạc máy với thằng Ba, trung sĩ tiểu đội trưởng quân báo ở toán tiền sát :
- Có gì không Ba?
- Thằng hồi trưa hả?
- Cảnh giới kiêm du kích địa phương, cũng xoàng thôi.
- Thế hầm ?
- Có chứ, hắn mới chịu dẫn đi chỉ đó. Bắt thêm một thằng huyện đội và hai tên tiểu đội trưởng bị thương. Lấy một colt Trung Cộng, hai tiểu liên Tiệp Khắc, một súng trường Nga.
- Mông tại hay cổ tại? ...
- Hai trăm thiên. Đã trình Đại Bàng.
- Vậy là mày đỏ ngực nữa.
- Cũng nhờ anh đó.
Tôi nghe tiếng hắn cười cùng lúc với tiếng Đại Bàng bảo di chuyển nhanh kẻo trời tối. Tôi nhìn đồng hồ và chợt thấy lòng buồn nản lạ. Xuân giờ này chắc đang bãi lớp.
Hai bên đường, nước mưa đã làm trôi nhiều lớp đất cát để lộ những hố chông đã mục. Cuộc chiến đã quá dài ngày. Hy vọng hòa bình vẫn như đốm lửa hạnh phúc của chúng mình, lóe lên rồi phụt tắt hoài mãi phải không Xuân?
*
Khi hai chiếc xuồng máy chở chúng tôi vừa cập bến thì toán Việt Cộng bên kia làng cũng vừa vượt khỏi con kinh trước mặt. Cuộc đột kích đã bị lộ. Tôi nhảy lên bờ, khoát tay làm hiệu, hét :
- Xung phong!
Thằng Bảy cầm cây M16 dẫn tiểu đội vừa chạy hàng ngang vừa bắn như điên ở cánh trái, tôi, tiểu đội thằng Hải, thằng Nuôi chạy cánh phải. Tiếng hò hét, tiếng súng át cả tiếng máy C.25 ra lệnh của Đại Bàng, nhưng chỉ mười phút sau, tiếng súng im hẳn, nhiều xác chết đã nằm phơi trên cỏ. Thằng Bảy vừa thở vừa dẫn một lúc bốn thằng bị trói cặp cánh đến trước mặt tôi:
- Một mình em hạ hai thằng, bắt sống hai tên, phần thằng Nuôi hai tên đó.
Tôi nhìn lui hai chiếc xuồng, bảo mày dẫn xuống giao cho thằng Nam giữ, chúng ta tiếp tục lục soát. Bỗng thằng Hải ở đàng xa vẫy tay tôi gọi lớn :
- Súng, súng đây thiếu úy ơi.
- Đâu?
Tôi chạy đến chỗ hắn vừa chỉ, dưới bờ kinh, một cái xác lềnh bềnh nằm úp mặt xuống nước, hai tay còn ghì chặt một cây M16 bên cạnh năm khẩu tiểu liên 47. Thằng Hải nhắm cái xác bóp cò; một băng đạn nổ, hắn cười :
- Thế cho chắc ăn, thiếu úy.
Tôi nói thôi, xuống lật xác đi. Hải vươn mình nhảy ùm xuống nước. Bỗng hắn bưng mặt thét :
- Trời! Thằng Nuôi sao lại nằm đây thiếu úy?
Tôi thất thanh hỏi lại :
- Ai?
- Dạ, thằng Nuôi!
*
Tám giờ đêm, lúc cái xác thằng Nuôi đã được chở về quân y viện tôi bỏ bữa cơm tối, ra đứng trước bờ sông, gần phòng hội nhìn vơ vẩn. Đã qua mùa Đông nhưng trời còn lạnh. Lượng nước mưa trên mấy cánh đồng sau lưng quận và trước quán mụ Hồng lúc chiều ngồi uống rượu tôi thấy đã cạn nhiều. Con đường đất đỏ dẫn lên Quốc lộ Một nhập nhòa trong bóng tối vẽ một nét mờ trên mặt sông đêm. Tôi lại thấy nhớ Xuân, nhớ Lữ, nhớ Hùng... Không còn gì nữa: những cuộc đột kích như đùa giỡn với tử thần tôi đã quen nhưng sao trưa nay thằng Nuôi có thể chết âm thầm và dễ dàng như vậy được? Sao không là thằng Bảy, không là tôi?
Trong “tăng-xê” thằng Nam vẫn đốt đèn ngồi cùng bọn thằng Hải, thằng Đắc. Trên một tấm ván thông vừa mới dựng, thằng Nam đã đặt cái cốc bằng nhựa đựng đầy gạo Mỹ, cắm mấy chân hương. Chỗ ngồi của mày đó Nuôi. Chỗ ngồi không bao giờ mày còn thấy, còn nhìn tao, còn say rượu nói tao mới ra trường chưa kinh nghiệm, chưa biết lấy tiền Việt Cộng đem xài...
Bên tai tôi, giọng thằng Nam từ tốn đọc bức thư tìm thấy trong túi áo thằng Nuôi lúc chiều :
“ Em Soạn. Anh đổi ra xứ Huế này gần trọn một năm nhưng vẫn chưa có phép về Sài Gòn để thăm em và các con, thăm tía má, bởi đơn vị bận hành quân mãi.
Tháng trước, thằng Tính bạn anh đã về Sài Gòn bảy hôm nhờ nó tìm được một hầm súng của Việt Cộng. Anh thấy thế mà thèm.
Anh vẫn khoẻ mạnh, còn hơn dạo ở Pleiku nữa. Dạo đó, anh gặp hầm luôn, có tiền lại có phép nữa, bây giờ nghĩ lại, anh thấy anh tồi quá, nhất là để em phải khổ một mình.
Tuần trước, nếu ông trung đội trưởng anh chịu chơi một chút, anh đã kiếm được cả phép lẫn tiền rồi. Ông nhân đạo quá. Đ.m., Việt Cộng nó giết mình như ngóe mà bắt được thằng nào ông cũng cấm đánh đập. Anh thương ổng quá chứ không thì anh xin qua tiểu đội quân báo rồi.
Nãy giờ anh nói nhiều vậy chắc em cũng khó hiểu. Thôi để lúc nào về phép được anh sẽ kể rõ hơn...”
( Văn 121, năm 1969)
Sơ lược tiểu sử. Lê Bá Lăng là tên thật. Sinh năm 1943 tại Huế. Tốt nghiệp sư phạm Qui Nhơn. Động viên vào Thủ Đức. Phục vụ ở đơn vị tác chiến một thời gian, rồi được biệt phái trở về dạy lại. Mất năm 1989, thọ 46 tuổi.
Gửi ý kiến của bạn