BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73920)
(Xem: 62311)
(Xem: 39508)
(Xem: 31229)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vụ án Nguyễn Văn Chưởng giải quyết theo hướng nào ?

08 Tháng Tám 20238:29 SA(Xem: 810)
Vụ án Nguyễn Văn Chưởng giải quyết theo hướng nào ?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 - Phần 1 :

Khi ông Trương Hoà Bình trên cương vị chánh án toà án tối cao vào tháng 12 năm 2011 làm chủ toạ phiên toà giám đốc thẩm vụ án Chưởng, đã bác đơn kháng cáo của Viện kiểm sát tối cao. Mọi cơ sở kháng cáo của Nguyễn Văn Chưởng bị chấm hết.

Phó viện trưởng viện kiểm sát tối cao Nguyễn Hải Phong vào năm 2015 bảo lưu quan điểm cuả VKSTC trình bày với quốc hội, khẳng định qua xem xét hồ sơ, chứng cứ không thể khẳng định Chưởng là kẻ chủ mưu, cầm đầu.

Đáp lời ông Phong, chủ nhiệm uỷ ban tư pháp quốc hội Nguyễn Văn Hiện trả lời.

-"Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng”

Vụ án sát hại thiếu tá Nguyễn Văn Sinh xảy ra từ năm 2007, đến nay là năm 2023.

Trải qua những đời chủ tịch nước sau ( không tính thời quyền chủ tịch nước)

- Nguyễn Minh Triết
- Trương Tấn Sang
- Trần Đại Quang
- Nguyễn Phú Trọng
- Nguyễn Xuân Phúc
- Võ Văn Thưởng.

Đã hơn 16 năm và đã 6 đời chủ tịch nước, mặc dù VKSTC vẫn bảo lưu quan điểm của mình, nhưng không một chủ tịch nước nào can thiệp. Trong đó có trọn một nhiệm kỳ của ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Minh Triết. Các ông còn lại đều làm dở hay đang làm dở.

Tất cả bởi quy định pháp luật về cấp giám đốc thẩm mà ông Trương Hoà Bình ( sau này làm phó thủ tướng thường trực ) đã chốt rồi. Không còn cơ chế nào nữa để xem lại vụ việc.

Chúng ta quên mất vai trò lãnh đạo của đảng CSVN và vai trò của người đặc biệt là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nếu bây giờ ông Trọng ra lệnh xem xét lại vụ án Nguyễn Văn Chưởng, thì điều gì xảy ra ?

Dư luận sẽ phản ứng rằng ông can thiệp vào luật pháp, đảng đã chỉ đạo cơ quan hành pháp, đảng đã bẻ ngoặt luật, coi pháp luật là thứ công cụ ...?

Trước tiên phải hỏi là dư luận nào sẽ phản ứng vậy ?

Là một thành phần phản động, chuyên chống phá đường lối chính sách của đảng, cá nhân tôi không phản đối nếu ông Trọng làm vậy.

Dư luận là những người trong bộ máy chính quyền, trong đảng, trong nhà nước sẽ phản đối ông Trọng ? Phản đối của bọn này vô giá trị, thậm chí chúng chính là bọn phản động. Bởi chúng đã nhiều lần chấp nhận những việc không đúng trong điều lệ đảng như đồng ý để ông Trọng làm 3 kỳ tổng bí thư liên tiếp, để ông có lúc vừa làm TBT, vừa làm chủ tịch nước, chúng mở những phiên toà mà bị cáo lại gửi lời xin lỗi đến TBT.

Nếu chúng phản đối, chúng chính là bọn phản động muốn phá hoại uy tín của đảng.

Là trường hợp đặc biệt, là người đặc biệt. Ông Nguyễn Phú Trọng hơn lúc nào hết, vào lúc này, ông nên ra quyết định đặc biệt. Bởi chỉ có người đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt dám ra quyết định đặc biệt.

Với quyết định xem xét xử lại vụ án Nguyễn Văn Chưởng, ông Nguyễn Phú Trọng thực sự đặc biệt , chứ không phải như người ta dị nghị về trường hợp đặc biệt của ông.

Tôi dám khẳng định đến hàng trăm năm nữa, dù chế độ CS có bị sụp đổ, khi người ta xét lại vai trò của những người lãnh đạo cộng sản qua các thời kỳ, dấu ấn đặc biệt của ông Trọng, khi ông dám chấp nhận mang tiếng là người dẫm lên pháp luật, để xem xét lại một mạng người, đó là điều tốt đẹp mà hậu thế không thể không nhắc đến khi nói về ông.

- Phần 2 : Có thật là vụ cướp không ?

Các ông Đỗ Hữu Ca, Dương Tự Trọng khi nhận tin thiếu tá Sinh bị chém ở đường vắng trong đêm mưa, đã xác định đây là vụ cướp và tổ chức điều tra theo hướng này.

tutunguyenvanchuongÁn tử hình đã được hai ông định đoạt ngay từ khi chưa biết đối tượng là ai.

Bởi tội giết người cướp của không thể không có án tử hình. Nhất là nạn nhân là sĩ quan công an nữa thì không thể không có án tử hình dành cho đối tượng gây án.

Nhận định ban đầu sẽ quyết định hướng điều tra, nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra. Những chứng cứ không phù hợp với nhận định của chỉ huy sẽ bị gạt bỏ sang bên, những chứng cứ gián tiếp hoặc mơ hồ nhưng phù hợp với nhận định của chỉ huy sẽ được khai thác tối đa để đưa vào hồ sơ vụ án. Tất cả để khẳng định rằng lãnh đạo đã chỉ ra phương hướng đúng để các đơn vị theo đó mà phá án.

Chẳng những thế lãnh đạo còn ấn định thời gian phá án là bao nhiêu ngày.

Có những chỉ huy công an nhận định sai vụ việc nào đó, khiến hướng điều tra bế tắc và phí công sức đơn vị, họ chấp nhận mình sai và họp bàn xem xét và điều tra theo các hướng khác. Có thể họ bị cấp trên đánh giá là thiếu năng lực, do đánh giá nhận định sai dẫn đến phí công sức, thời gian của đơn vị, tạo điều kiện cho đối tượng xoá dấu vết, bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra phá án. Họ biết, nhưng họ chấp nhận mình sai, chấp nhận đánh giá năng lực kém.

Nhưng cũng có những chỉ huy công an độc đoán, bảo thủ và háo danh vọng. Họ đánh giá ban đầu thế nào, bắt các cán bộ điều tra tìm những chứng cứ theo hướng đó, tìm tội phạm khép vào tội đó.

Trường hợp này rơi vào đúng hai kẻ là Đỗ Hưu Ca, Dương Tự Trọng. Hai kẻ công an này biến chất và bất chấp pháp luật như nào thì chúng ta đều rõ, một kẻ cấu kết với tội phạm hình sự để đưa kẻ phạm tội bỏ trốn, một kẻ nhận tiền hối lộ để tìm cách chạy tội cho tội phạm. Với những kẻ mà bán đạo đức, lương tâm như thế để đạt mục đích cá nhân, thì việc chúng chỉ đạo cấp dưới thi hành bằng mọi giá để đạt thành tích cho chúng là điều dễ hiểu.

Hướng điều tra giết người cướp của do Ca và Trọng nhận định ban đầu, thực sự hoàn toàn là chủ quan và áp đặt.

1- Nếu là vụ cướp có bàn bạc, tính toán đến phương án giết người để cướp của. Chúng phải biết chắc nạn nhân là ai, mang theo bao nhiều tiền, đồ vật giá trị phải ở mức nào. Chúng mới xác định giết chết họ để cướp tài sản. Thậm chí chúng còn phải tính đến chuyện khi gây án xong, phải đối phó như nào, phi tang ra sao, tiêu thụ tài sản ở đâu, chạy trốn như nào. Không có bọn cướp nào dắt dao dài nửa mét trong lưng, trong bụng đi lang thang trong đêm mưa, ở khu vực vắng vẻ, hy vọng tình cờ gặp ai đi đường nào vào chém chết để cướp của mà chẳng biết người đó có mang của cải gì hay không. Chém chết người ta xong, lục người không có gì, cả bọn tay không ra về, nhà đứa nào về nhà đứa ấy, mấy hôm sau thiếu tiền mang con dao gây án ra chợ bán , bị bắt khi đang đánh bi a trong quán.

2- Dao bài không phải là vũ khí có thể giết người ngay tức khắc, trong khi tính chất của vụ chủ động giết người cướp của, thứ vũ khí được chọn phải là thứ vũ khí mà nạn nhân bị bất ngờ, thứ vũ khí phải gây sát thương ngay lập tức.

3- Hiện trường án mạng có phải là nơi trong đêm mưa, có phải là nơi có nhiều người có tiền của đi lại để thực hiện mục tiêu cướp hay không ?

Chỉ đến đây thôi, đã thấy mục đích, vũ khí, hiện trường, thời điểm ( đêm, mưa, khu vực vắng ) là những điều không phù hợp với nhận định ban đầu là vụ giết người cướp của.

Trong khi nhận định đây là vụ thanh toán mâu thuẫn lại rất hợp lý hơn.

1- Đêm mưa to, đường vắng, thiếu tá Sinh dắt súng đi tuần một mình, đến đoạn vắng dừng lại gọi điện ( lúc là nghe điện ).
2- Thấy các đối tượng dừng xe, không hề ngạc nhiên.
3- Bị chém bất ngờ, bỏ chạy.
4- Không bị mất mát tài sản gì.

Tại sao ông Ca và Trọng xác định nguyên nhân lại chọn hướng ít thuyết phục nhất mà bác bỏ hướng thuyết phục hơn.

Giả định thiếu tá Sinh có hẹn với nhóm đối tượng gây án ở địa điểm đó để nhận tiền bảo kê quán mại dâm. Các đối tượng quá phẫn uất vì mức tiền quá nhiều, nên vác dao chém cho hả giận. Giả định này phù hợp với việc đường vắng, đêm mưa ít người qua lại thuận tiện cho việc thiếu tá Sinh đi một mình để hẹn đối tượng nhận tiền hối lộ. Thiếu tá khi thấy các đối tượng quen biết trên địa bàn dừng xe cách mình mấy mét trong đêm mưa, chẳng cảm thấy gì bất thường, vì đã hẹn gặp các đối tượng. Dẫn đến bị chém, thiếu tá Sinh hoàn toàn bất ngờ không phản ứng.

Nhưng nếu theo giả định này thì khi phá án, tìm ra nguyên nhân, đưa ra ánh sáng thì hình ảnh công an Hải Phòng quá thảm hại, ảnh hưởng đến công tác quản lý lãnh đạo của ông Ca và ông Trọng.

Thế nên cần có hình ảnh sĩ quan công an tận tuỵ với công việc, đêm mưa một mình một xe dắt súng đi tuần để giữ an ninh trật tự cho địa bàn, và anh đã hy sinh khi đối mặt với bọn tội phạm.

Và cơ quan điều tra dưới sự chỉ đạo sáng suốt của hai anh hùng Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng đã không quản ngày đêm, chỉ ăn mỳ tôm cầm hơi, đã sử dụng những biện pháp nghiệp vụ tinh tuý tìm ra thủ phạm gây án trước thời gian tự ấn định.

- Phần 3 :

Trong sự nghiệp của ông Trương Hoà Bình có một giai đoạn khó hiểu.

Tháng 9 năm 2004 ông được bổ nhiệm làm phó tổng cục trưởng tổng cục xây dựng lực lượng an ninh nhân dân ( tức tổng cục chính trị Bộ Công An sau này). Đây là thời điểm tổng cục trưởng Phạm Văn Dần đang chuẩn bị về hưu, và ông Trần Quang Trọng giữ quyền tổng cục trưởng, tháng 11 năm 2006 thiếu tướng Phạm Văn Dần về hưu theo quyết định 1431 của thủ tướng chính phủ.

Mãi đến năm 2008 ông Lê Quý Vương nhận chức tổng cục trưởng.

Như vậy quãng thời gian ông Trương Hoà Bình ở cục này không có tổng cục trưởng.

Năm 2006 ông được phong thiếu tướng và được lọt vào làm uỷ viên trung ương đảng, đến năm 2007 ông được phong trung tướng. Sau đó chuyển sang làm chánh án toà án tối cao thay thế cho ông Nguyễn Văn Hiện ( ông Hiện chính là người phát ngôn vụ Nguyễn Văn Chưởng là toà án tối cao do ông Bình làm chủ toạ đã phán án tử cho Chưởng rồi thì không làm gì khác được)

Ông Trương Hoà Bình đã có thành tích gì ở tổng cục xây dựng CAND từ tháng 9 năm 2004 đến ngày 25 tháng 7 năm 2007 mà được phong hàm và lọt vào uỷ viên trung ương, đại biểu quốc hội. Từ phó tổng cục nhảy vọt lên làm thứ trưởng, rồi vọt bước nữa làm chánh án tối cao ?

Trong giai đoạn này tổng cục xây dựng CAND có các phong trào sau.

- Nâng cao chất lượng công tác công an trong tình hình mới, giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội

- Phát động cuộc thi mang tên Công An Nhân Dân vì bình yên cuộc sống.

- Vận động phong trào "Xây dựng lực lượng CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ"

Vụ việc Nguyễn Văn Chưởng xảy ra khi tổng cục xây dựng lực lượng CAND đang phát động phong trào vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Nếu làm rõ mà ra thiếu tá Sinh bị thanh toán vì mâu thuẫn tiền ăn chia?

Hãy hình dung, sự việc có phải là đòn đánh phá tan tác cái gọi là vì nước quên thân, vì dân phục vụ của tổng cục xây dựng lực lượng CAND không ?

Thế nên người ta ấn định luôn ban đầu là thiếu tá Sinh vì nhân dân phục vụ, một mình một súng đi tuần, gặp các đối tượng cướp và đã hy sinh anh dũng. Nó phù hợp với phong traò của TCXD CA đang phát động.

Tác giả bàn cứu thua cho BCA về tính chất hình ảnh, chính trị ấy, người biến đen thành trắng ấy là ông Trương Hoà Bình, một người đã từng là phó cục trưởng an ninh văn hoá.

Trương Hoà Bình khi biết tin ảnh hưởng đến hình ảnh CA, nhất là khi cuộc vận động đang được tung hô ca ngợi. Đã chỉ đạo CAHP điều tra dàn xếp sao cho vụ án từ kẻ làm xấu hình ảnh công an biến thành người chiến sĩ công an vì dân, vì nước.

Khi trên cương vị chánh án toà án tối cao, chủ toạ giám đốc thẩm toà án tối cao, Trương Hoà Bình đã lợi dụng cương vị, quyền hạn để đóng khung vụ việc, không để ai lật lại vụ việc được nữa.

Người xưa có câu.

- Nhất tướng công thành vạn cốt khô.

Con đường thăng quan tiến chức của Trương Hoà Bình lên vèo vèo, một vài mạng người không có nghĩa lý gì với sự nghiệp đang lên của một viên trung tướng công an.

Con đường kêu oan của cha mẹ Nguyễn Văn Chưởng ròng rã từng ấy năm đều bị chánh án toà tối cao, phó thủ tướng thường trực, uỷ viên bộ chính trị Trương Hoà Bình chặn đứng.

- Phần 4 :

Tôi không khẳng định Nguyễn Văn Chưởng vô tội, loạt bài viết của tôi về vụ án này chỉ dựa trên những căn cứ mà công an cung cấp cho báo chí.

Tôi chỉ đưa ra cái nhìn của mình về tội danh giết người cướp cuả có tính toán mà toà quy kết cho nhóm Chưởng, Trung, Hoàng.

phần trước tôi đã phân tích về vũ khí, hiện trường, phương thức...cho thấy nhận định ban đầu của cơ quan điều tra khi mới nhìn hiện trường đã cho rằng đây là vụ án giết người cướp của là có tính áp đặt, khiên cưỡng.

Một vấn đề cần đặt lại vấn đề liệu có phải thiếu tá Nguyễn Văn Sinh đi tuần không ?

Chỉ huy trực công an phường hôm đó là ai, kế hoạch đi tuần như thế nào, phân công ra sao, quy định mang vũ khí, sắc phục gì, địa điểm chốt, giới hạn của tổ tuần tra ? Những điều này phải có trong nhật ký hoặc sổ công tác.

Đến giờ chúng ta vẫn chưa biết bên trong áo mưa thiếu tá Sinh có mặc cảnh phục hay không ?

Thượng sĩ Quang có mang súng không, nếu mang thì mang loại súng gì ?

Nếu anh Sinh mang súng, anh Quang không mang, hoặc anh Quang có mang súng đi nữa. Thì để đồng đội của mình ở lại một mình, liệu có nguy hiểm gì cho đồng đội mình không, hoặc có vấn đề tiêu cực nào thì có kiểm soát được không?

Việc anh Sinh để lại chốt thượng sĩ Quang và đi tuần một mình liệu có đúng không ? Hoàn toàn không đúng, vì đúng cái từ gọi là tổ tuần tra, canh gác thì phải đi cả hai người. Nếu đi cả hai người thì vụ án đã không xảy ra.

Rất nhiều khả năng là anh Sinh không đi tuần, có khi chỉ hết phiên trực ở đồn, anh về đi đến quán cà phê Thiên Thần kia thư giãn kia để giải quyết việc cá nhân.

Việc cá nhân ở đây có thể là tiền bảo kê, có thể là anh Sinh cậy thế công an muốn cô Phương Tây 19 tuổi phải phục vụ thư giãn cho mình.

Khả năng do công an thanh toán nhau loại trừ, bởi các đối tượng dùng dao bài chém kiểu vô tội vạ như thế không thể là sát thủ trong những vụ thanh toán lấy mạng bịt đầu mối. Khả năng này cũng vô lý như khả năng giết người cướp của.

Căn cứ theo những gì mà công an cung cấp cho báo chí, các tình tiết và chứng cứ cho thấy đây hoàn toàn là vụ giải quyết mâu thuẫn bột phát.

Một điều kỳ lạ là công an nói nhóm tội phạm có bàn bạc. Nhưng không hề thấy họ đưa một lời nói nào của Chưởng. Ít nhất khi đi chúng phải nói với nhau là tìm đối tượng ở địa điểm nào, sẽ cầm dao kề cổ doạ, khám đồ lục lọi. Hoặc khi chúng thấy thiếu tá Sinh, chúng phải có đứa nói như

- đây rồi, thịt thằng này luôn.

Đằng này 3 thằng im lặng đi trong đêm mưa tìm mồi, gặp con mồi chả thằng nào nói thằng nào câu nào, ùa tới rút dao chém tới tấp con mồi.

Đấy là điều không thể xảy ra trong thực tế.

Vì chỉ lấy căn cứ theo công an cung cấp, cho nên tôi không khẳng định là Chưởng không tham gia, bị oan. Tôi không liệt kê những lời khai của nhân chứng về bằng chứng ngoại phạm của Nguyễn Văn Chưởng.

Bám sát những tình tiết công an cung cấp, cho thấy hoàn toàn đây không phải là vụ giết người cướp của.

Nếu chỉ là mâu thuẫn về tiền và gái, nạn nhân Sinh tuỳ tiện mang súng đi giải quyết việc cá nhân, thì cái chết của anh có một phần nguyên nhân do chính anh gây ra.

Từ những tình tiết do công an cung cấp, tôi phải nhắc nhiều lần, để mọi người cho thấy tôi đang dựa trên những lời kết tội của công an chứ không dùng đến những bằng chứng khác.

Tội danh giết người cướp của có chủ mưu hoàn toàn là không đúng.

Toà tuyên án tử hình Nguyễn Văn Chưởng theo tội danh không đúng, vậy mức án tử hình này đối với Nguyễn Văn Chưởng nhất định phải bãi bỏ ngay bây giờ. Không cần phải bị cáo hoặc gia đình làm đơn xin. Vì nếu gia đình xin làm đơn miễn án tử hình, trong khi họ đang kêu oan, sẽ thành nhận tội và làm cái cớ cho những kẻ muốn trốn trách nhiệm có cơ hội kết thúc cuộc đời Chưởng để phi tang những sai sót trong quá trình điều tra tố tụng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có quyền xem xét và quyết định miễn án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng.

Khi án tử hình đã được huỷ bỏ, những gì sau đó có thể bàn tính tiếp.

- Phần 5 :

Loạt bài viết về Nguyễn Văn Chưởng này, tôi sử dụng những gì do công an hay báo chí đưa ra. Hoàn toàn không dùng đến những gì mà gia đình Chưởng, bạn bè Chưởng đưa ra.

Cho nên có thể có một số người không bằng lòng khi đến giờ tôi đã không sử dụng những bằng chứng khác để khẳng định Chưởng hoàn toàn vô tội.

Những con hươu Chưởng làm, những lá thư bằng máu hay bằng thêu trên áo kêu oan, việc em Chưởng mất, hàng xóm khẳng định ngoại phạm, bố mẹ Chưởng đi kêu oan....tất cả những thứ đó , với một người quan sát như tôi không phải là chứng cứ khẳng định Chưởng hoàn toàn không tham gia vụ án này.

Tôi chỉ căn cứ những gì công an đưa ra, có nhiều mâu thuẫn, bất hợp lý. Toà án đã dựa trên những bất hợp lý từ phía công an đưa mà kết tội tử hình một con người là điều không thể chấp nhận.

Quan điểm có một công an bị giết, phải có kẻ bị tử hình là quan điểm mang tính chính trị, giai cấp. Không phải thứ quan điểm công bằng.

Một kẻ lợi dụng chức vụ dắt súng đi giải quyết mâu thuẫn cá nhân, bị chém chết mà trở thành người chiến sĩ công an vì dân vì nước hy sinh là có lợi cho ngành công an, nhưng nó lại là tình tiết tăng nặng cho những kẻ gây ra cái chết của viên công an đó. Đó là sự bất công.

Giả sử những phát súng mà thiếu tá Sinh bắn ra trúng 3 đối tượng kia, anh ta sẽ thành anh hùng khi hạ sát 3 kẻ cướp hung tợn. Trong khi thanh toán ân oán cá nhân ?

Ai chứng minh rằng anh đã bắn lên trời, ai chứng minh được anh không nổ súng trước ?

Biết đâu anh thấy đối thủ, đã nổ súng trước nhưng không trúng, các đối tượng thấy vậy theo bản năng ùa vào chém bừa anh luôn ?

Nếu đây là mâu thuẫn giữa một tên côn đồ cầm súng và các đối thủ cầm dao, hẹn nhau ra chỗ vắng thanh toán. Kẻ cầm súng bắn trượt và bị đối thủ chém chết thì có nên xử tử hình kẻ cầm dao chém không ?

Dù bức xúc với cách điều tra, công tố, xét xử trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng, dù chưa khẳng định là Chưởng không tham gia, tức chưa khẳng định Chưởng hoàn toàn vô tội.

Nhưng tôi cũng đánh giá ở đâu đó trong hệ thống chính trị này, vẫn còn những người có đôi chút cắn rứt lương tâm. Chính vì thế mà đến nay Nguyễn Văn Chưởng chưa thi hành án dù đã mười mấy năm trôi qua.

Ngay cả trong lời của chủ nhiệm uỷ ban pháp luật quốc hội Nguyễn Văn Hiện trả lời báo chí năm 2015 rằng.

- “Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì vụ này nếu có sai sót cũng đã vượt qua khả năng kháng nghị. Vì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng”

Tôi cho đó là một lời tử tế khi ông đưa ra câu '' nếu có sai sót'' , phần còn lại ông chỉ nêu trình tự của pháp luật, một cách khéo léo ông cho biết sự cứng nhắc của pháp luật. Tiếc rằng ông bị Trương Hoà Bình bất ngờ nhảy vọt từ tổng cục phó xây dựng lực lượng công an sang chiếm ghế chánh án của ông ngay khi vụ án Nguyễn Văn Chưởng xảy ra. Một sự bổ nhiệm quá bất thường.

Có lẽ vì câu nói này của ông Hiện và ý kiến của ông phó viện trưởng viện kiểm sát tối cao lúc đó là Nguyễn Hải Phong là không có căn cứ khẳng định Chưởng chủ mưu, mà đến nay người ta phải đắn đo khi thi hành án tử đối với Nguyễn Văn Chưởng.

Hai ông Nguyễn Văn Hiện, Nguyễn Hải Phong xuất thân chuyên ngành luật đến hàm tiến sĩ và liên tục làm việc trong ngành luật.

Trong khi hai ông kết tội Nguyễn Văn Chưởng là ông Đỗ Hữu Ca, Trương Hoà Bình xuất thân từ ngành công an, ông Trương Hoà Bình chỉ học một khoá đào tạo của an ninh, còn ông Đỗ Hữu Ca học trường Công An Hải Phòng ( có lẽ tương đương với trung cấp công an bây giờ ). Sau này có tí chức vụ các ông học thêm đại học luật, kinh tế, ngoại thương, báo chí, thuỷ lơị...và có bằng thạc sĩ luật và cả hai leo đến tướng trong ngành công an và khi vụ án xảy ra vào ngày 14 tháng 7 năm 2007, cả hai ông đang ở trong ngành công an.

Chúng ta tin những người học hành chuyên môn từ ngành luật hay tin những người học trung cấp cảnh sát, bổ túc an ninh chuyên ngành công an và luật tại chức ?

Hai ông Hiện và Phong không có động cơ , mục đích cá nhân nào khi hoài nghi về vai trò cầm đầu của Nguyễn Văn Chưởng mà công an kết luận. Trái lại hai ông Ca và Bình hoàn toàn có động cơ khép tội Chưởng chủ mưu vì thành tích cá nhân và bảo vệ uy tín của ngành công an.

Quan điểm xét xử khi có va chạm giữa công an và người dân quá thiên vị về công an, coi công an như tượng đài linh thiêng, công an bắn chết người thì do súng cướp cò, thần kinh có vấn đề. Công an bị xô nhẹ, tát nhẹ thành trọng tội. Khiến cho công an nhiều người biến thành ăn vạ chuyên nghiêp, như có một clip đăng trong khi tranh luận về giao thông, một công an quay ra dẫy đành đạch miệng kêu bị đánh, không khác gì Chí Phèo của Nam Cao.

Cuộc chiến trong vụ Nguyễn Văn Chưởng này là cuộc chiến giữa sự thật, công lý, tình thương với uy tín ngành công an gắn liền với uy tín chế độ.

Đòi hỏi xử đúng người, đúng tội, lỗi từ phía nạn nhân một cách công bằng. Đó là mong muốn chính đáng của dư luận.

Người Buôn Gió
Facebook

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn