BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73960)
(Xem: 62321)
(Xem: 39517)
(Xem: 31238)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trận đánh An Lộc, mùa hè năm 1972 (4)

26 Tháng Hai 201612:00 SA(Xem: 4569)
Trận đánh An Lộc, mùa hè năm 1972 (4)
511Vote
40Vote
31Vote
21Vote
19Vote
3.122
Chiều ngày 16 tháng 4, sau khi đổ quân xuống, lấy đồi 169 làm nơi tập hợp, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù xuống mặt Tây của đồi trên đường tiến vào An Lộc, mang theo một nhóm Biệt động Quân trở về đơn vị. Tiến vào ấp Sóc Ton Cui, nghỉ đêm tại đây, không đụng quân VC, đến sáng ngày 17, Liên Đoàn thẳng đường di hành vào sườn Đông Nam của An Lộc. Đến chiều cùng ngày thì BCD tiến vào khu nhà lồng Chợ Mới ngay cạnh BCH Trung Đoàn 8/SĐ5. Họ thiết lập bộ chỉ huy mới của Liên Đoàn 81, về phía bắc của ĐL Hoàng Hôn, nằm trong khu dẫy nhà bê tông hai từng cách BCH TrĐ8 một góc đường, bên hông phía Tây nhà lồng chợ.

Anh Trung Sĩ Nhất Đỗ đức Thịnh thuộc LĐ81 có viết bài hồi ký về những ngày dài chiến đấu tại An Lộc qua góc nhìn của một hạ sĩ quan nằm ngay trước các lằn đạn đủ loại và không quên những ghi lại những chi tiết cảm động của những giờ giấc bình thường mà sự sống xen lẫn cái chết bất kể lúc nào. Tôi sẽ đưa nguyên bài của anh Thịnh lên với những tình tiết ngày tháng rất chính xác, tuy nhiên có những phương hướng vị trí ghi lại có lúc mâu thuẫn với nhau một chút, tuy nhiên qua mấy chục năm sau, để viết lại được như anh Thịnh qủa là một người có trí nhớ hiếm có.

Sau khi tiến vào tới An Lộc, LĐ 81 chuẩn bị ngay cuộc tấn công vào đêm khua kéo qua hừng sáng thay vì nghỉ ngơi qua hai ngày đổ quân mệt mỏi, họ tạo yếu tố bất ngờ khi tình báo của VC chưa hề biết được BCD đã có mặt đầy đủ quân số ngay tuyến đầu phía Bắc thành phố An Lộc. Các chiến sĩ Biệt cách Dù chỉ có vài tiếng nghỉ ngơi tắm rửa ăn uống, chợp mắt chút là đến giờ G tập họp lúc 9 giờ tối ngày 17 tháng tư, tiến quân ngay, họ lên đường len lỏi ra phần tuyến Bắc đầu thành phố đã bị VC tấn chiếm và đang giữ trong vài ngày qua. Nguyên đêm họ len lỏi tiến quân ngay sát phòng tuyến của quân VC, chờ chút sáng bình minh lên là bắt đầu mở màn tấn công, gây bất ngờ cho đặc công và quân VC đang say ngủ quên ngay tuyến đầu, VC không ngờ lại có một lực lượng mới, với quân số hùng mạnh, cùng vũ khí đầy đủ bất thình lình tấn công trực diện vào tuyến thủ của VC ngay vào lúc bình minh đang ló dạng.



BCD bất ngờ tấn công vào VC ngay phía Bắc, Tây Bắc thành phố An Lộc phía trên Chợ Mới dồn về phía hàng rào phòng thủ bìa Bắc của Thị Xã. Điểm chốt là đồn Cảnh Sát Dã Chiến với các công sự phòng thủ kiên cố, đã bị lọt vào tay VC trong đợt tấn công đầu tiên ngày 12, 13 thángtư. Hai có vấn Mỷ tháp tùng theo LĐ81 là Đại Úy Higgins và Thượng sĩ Yearta đã có mặt trong tuyến đầu, họ điều động, hướng dẫn những chiến đấu cơ Mỹ, các pháo đài bay Spectre hay Dragon Fire, Hỏa Long bắn phá các vị trí lô cốt và hầm kiên cố của VC bằng đại bác 105 ly từ trên không trực xạ xuống. Đến giữa ngày 18 tháng tư thì quân VC đã bị đẩy lui ra khỏi gần 2/3 các vị trí đã chiếm được ở phía Bắc An Lộc, mũi phản công của BCD đẩy lùi VC theo hướng Tây Bắc ra được một khoảng cách an toàn hơn cho quân phòng thủ An Lộc về hướng này của thành phố. Vì thiếu quân phụ chiến đi theo bảo vệ hai cánh sườn phải và trái, do TrĐ8 của sư đoàn 5, và Biệt động Quân của LĐ 3 ở hai vị trí này đã không phối hợp đồng tiến theo trợ chiến, nên LĐ81 không tiến thêm được xa hơn nữa trong ngày 18 tháng tư vì sợ bị để trống trải hai bên sườn mũi tiến công của mình.

Trong ngày 17, 18 tháng tư, ở vùng đồi Gió, phía Đông Nam An Lộc, nơi mà trong vài ngày qua, liên tiếp Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù đổ quân rồi LĐ81 đổ quân an toàn cùng tiến vào đến AL Quân Đoàn 3 đã thành công tiếp sức được thêm vài ngàn quân mới sung sức, làm tăng khả năng phòng thủ AL lên gấp đôi. Bây giờ thì VC mới tổ chức điều động kịp một cánh quân cỡ trung đoàn (TĐ11) đến đây để bịt đầu cầu không vận tiếp quân của VNCH. Tuy nhiên, bây giờ VNCH chỉ còn Tiểu Đoàn 6 (trừ) Nhẩy Dù và bộ chỉ huy nhẹ của LĐ1 Dù lẻ loi nằm lại với một pháo đội Dù 6 khẩu 105ly.



VC mang đến một lực lượng lớn trên một Trung Đoàn, từ nút chận khu Tầu Ô-Tân Khai cùng tăng và pháo cùng phòng không đến để chận quân tiếp viện có phần qúa trễ, nhưng nay chỉ còn mỗi TĐ (thiếu một đại đội) 6 Dù giữ vị trí, nên VC lợi dụng tình trạng có đông quân số hơn mấy lần có sẵn, bắt đầu dứt điểm Tiểu đoàn Nhẩy Dù và pháo đội duy nhất có tầm súng đại bác yiểm trợ được cho quân trú phòng trong AL. Rạng nửa đêm ngày 19, VC dứt điểm đồi Gió, quân Nhẩy Dù rút xuống khỏi đồi lui qua phía Đông, một phần khác của Tiểu Đoàn 6, cùng với bộ chỉ huy nhẹ mở đường rút được vào trong An Lộc nhập lại với LĐ1 Nhẩy Dù. Trận đánh rất ác liệt với chiến xa và pháo VC đã làm Tiểu Đoàn 6 Dù bị thiệt hại nặng nhất từ khi được thành lập.

Sau trận AL, VNCH chiếm lại Đồi Gió, cho BĐQ đóng tại đây, chụp với các khẩu 105ly mà Pháo Dù để lại đây vào tháng Tư, 72.


Trận đánh trải rộng trên đồi Gió, và khu vực dưới chân đồi bên liên tỉnh lộ và Srok Ton Cui dai dẳng trên một ngày. Lực lượng Nhẩy Dù không còn trừ bị tại hậu cứ để tăng viện nhẩy trực thăng lên tiếp cứu ngay, ngoài ra quân đoàn 3 cũng không còn có đơn vị thiện chiến nào khác của bộ binh có cùng khả năng tác chiến di động nhanh như Nhẩy Dù để tiếp cứu, nên chỉ còn huy động Không Quân với các phi vụ ném bom đánh yiểm trợ, nhưng về đêm nên cũng không được hiệu qủa mấy. Cuối cùng, Hơn một đại đội ND rút vào AL, còn lại chỉ đến trên trăm người rút qua hướng Đông cố thoát đến vùng sông Bé là đường biên của tỉnh Bình Long và Phước Long để được trực thăng tiếp cứu bốc về Chơn Thành được khoảng 80 quân nhân còn lại. Còn pháo đội sáu khẩu 105 ly cùng đạn đều được phá hủy. Sau ngày 21 tháng tư, năm 72, Tiểu Đoàn 6 Nhẩy Dù lại được tái tân lập với các sĩ quan chỉ huy còn sống sót, được bổ sung tăng cường quân số, họ tái huấn luyện tân binh cùng các sĩ quan chỉ huy mới chuyển về từ các binh chủng khác tình nguyện qua binh chủng Dù, và họ lại nhẩy lại vào chiến trường AL hơn một tháng về sau, đánh bộ chiến lên Bắc bắt tay với LĐ 1 Nhẩy Dù trong An Lộc bằng chính con đường 13.

Các diễn tiến trận đánh có được viết lại qua một phóng viên gốc ND sau này, nhưng tình tiết thêm thắt chi tiết như câu chuyện tiểu thuyết, nên chỉ tóm lược lại ở đây. Giản dị là quân VC đã bị LĐ1 Nhẩy Dù và Liên Đoàn 81 BCD bất ngờ đổ quân vào ngay sát chân AL và tiến vào tăng viện được cho quân trú phòng, lực lượng tiếp viện này có tới khoảng trên 2 ngàn quân tinh nhuệ nhất của VNCH, như một liều thuốc hồi sinh cho quân trú phòng tại An Lộc. Đây là một lỗi lầm chiến lược qúa lớn, đã quyết định chiến trường một tháng sau đó. Nếu VC đủ khôn ngoan, đủ chiến lược, đủ quân số để chận được quân tăng viện cần thiết này của VNCH, thì chiến trường An Lộc đã có kết thúc khác theo ý muốn của VC.

Tiểu Đoàn 6 Dù chịu thiệt hại lớn lao trên một nửa quân số, LĐ1 Dù mất pháo đội Dù cùng Công Binh Chiến Đấu, tuy nhiên sự hy sinh này chính là cái gía phải trả cho sự thành công của chiến trường An Lộc vì LĐ1 ND và LĐ81 BCD đã vào tăng viện và giữ vững chiến trường sau này cho đến khi đại quân VC phải tan vỡ, lui quân ra và An Lộc vẫn còn nằm trong tay của VNCH. Thực ra nếu qúa cần để chiếm đuợc An Lộc dễ dàng, các chỉ huy quân sự cao cấp của VC chịu trách nhiệm chiến trường An Lộc, chỉ cần để mở rộng lối thoát phía Nam quốc lộ 13 cho quân trú phòng VNCH rút lui trong những hoảng loạn đầu tiên cuộc chiến ngay sau trận Lộc Ninh, khi An Lộc chưa được tăng viện chỉ có đơn độc SĐ 5 bộ binh với 2 Trung Đoàn 7,8 và một trung đoàn trừ của SĐ 18 bộ binh (chiến đoàn 52) bị thiệt hại nặng trước đó từ trận Lộc Ninh, thì trong hỗn loạn gây ra vì sự thay đổi quá nhanh của chiến trường, lực lượng trú phòng có thể đã sợ hãi rút ngược về phía Nam, bỏ ngỏ An Lộc.

Nói giản dị là nếu VC không cố chận quân trú phòng AL về hướng Nam đường 13, cứ bỏ ngỏ thì có lẽ cũng giống như Quảng Trị quân SĐ5 đã tháo chạy ra khỏi AL. Nhưng không may cho VC, tư lệnh sư đoàn 5 là tướng Hưng, người bỏ căn cứ sư đoàn đang an toàn tại Lai Khê lại mang bộ tư lệnh tiền phương vào AL khi cuộc chiến sắp khởi sự chứ không phải là tướng tháo chạy của sư đoàn 3 ngoài Quảng Trị. Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu kế hoạch chiến dịch Nguyễn Huệ của VC có phần cứ mở trống cửa phía Nam cho VNCH lui quân thì có thể đã không có trận AL. Nhưng VC nghĩ khác, họ đã thành công nhanh trong việc chận và tiêu hủy nguyên Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh và hai Tiểu Đoàn tùng thiết trên bắc Lộc Ninh không cho LĐ kỵ binh này lui binh về. Họ cũng lo sợ hơn nếu khi bỏ trống cửa Nam AL thì QĐ3 VNCH sẽ đưa nhanh thêm được quân tiếp viện ngược lên dễ dàng giữ AL hơn.

VC không dám bỏ ngỏ đường QL 13 vì lo sợ tình huống ở Bình Long khác với Quảng Trị vì BL qúa gần Saigon, Quân Đoàn 3 VNCH sẽ không cho An Lộc rút quân chạy đi vì sẽ gây nguy hiểm cho Saigon, Thủ Đô của VNCH, họ sẽ dùng đường 13 tăng quân lên Bắc ngay để phòng thủ An Lộc, như vậy VC sẽ khó chiếm được một Thị Xã để làm Thủ Đô cho MTGPMN, nhất là Thủ Đô này nếu lập được có thế Chính Trị cao là cũng chỉ cách SG không xa.

Quân VC chỉ cần thả lỏng QL13 xuôi Nam, đánh phá cầm chừng, tiêu diệt chiến cụ nặng, nếu rút lui có lẽ quân VNCH ở An Lộc cũng bỏ lại chiến cụ nặng hay tự phá hủy, thì quân VC chỉ cần an nhàn vào tiếp thu An Lộc. Quân VC trải rộng dười phía Nam từ Lai Khê lên An Lộc dọc đường 13 chỉ cần khép kín lại, khóa chặt chiều lên AL không cho VNCH mang đủ quân số và chiến cụ nặng lên tái chiếm lại AL như họ đang làm tại Quảng Trị thì ít ra, chiến trường An Lộc đã thay đổi chủ, VC đã tạm thời có được mảnh đất làm thủ đô ra mắt MTGPMN, cho dù ngắn ngủi hay lâu dài. Chỉ tiếc là VC quá tự tin và không dự tính được lòng kiên trì và dũng mãnh của quân trú phòng và sự quyết tâm hy sinh của cấp chỉ huy VNCH tại chiến trường An Lộc, không rút lui bỏ chạy. Trên đây là giả thiết của tôi, có thể nếu VC thả lỏng đường rút, quân trú phòng và Tướng Hưng, tư lệnh chiến trường An Lộc sẽ vẫn quyết tử thủ không chịu rút, bằng chứng là chỉ ngay sau khi trận Lộc Ninh thất thủ, chính Tướng Hưng đã nhanh chóng mang bộ chỉ huy tiền phương SĐ5 lên tử thủ An Lộc. Trong khi toán cố vấn của Trung Đoàn 8/SĐ5 do một trung tá cố vấn Mỹ đã chết nhát từ chối tăng viện theo Trung Đoàn 8 từ Dầu Tiếng vào AL, trong khi đại tá Miller cố vấn SĐ5 thì lại có mặt tử thủ cùng Tướng Hưng sau khi được thấy khu hầm sau Tòa hành Chánh trong tiểu khu Bình Long rất kiên cố đủ an toàn để chịu pháo VC.

Thành ra, VC quyết chết bịt kín đường 13, làm cho quân VNCH không rút ra, không tiếp viện lên được, nhưng lại để hở mặt Đông Nam khu đồi Gió cho quân thiện chiến VNCH nhẩy ngay lên vào thẳng An Lộc không qua một đụng độ đáng kể nào. Rồi sau đó VC phải chậm trễ vài ngày sau mới bịt được lỗ hổng này. Cho nên sự hy sinh ngày 19 tháng tư của hơn nửa Tiểu Đoàn 6 ND tại đồi Gió, chính là sự hy sinh rất đáng giá cho toàn chiến trường An Lộc được đứng vững và làm mất mặt cho đại quân VC đã không nuốt trôi được An Lộc nhỏ bé. Việc chiếm cứ và đổ quân tiếp viện thành công tại khu vực Đồi Gió là một thành qủa, một chiến lược thành công mang quyết định vận mạng của tất cả quân trú phòng trận địa An Lộc sau này. Sự chiến đấu oanh liệt và thành qủa giữ được an toàn Đồi Gió trong vài ngày cần thiết, sau đó dù bị thiệt hại nặng, sự can cường và hy sinh nặng của Tiểu Đoàn 6 cùng Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù đã là yếu tố chính quyết định sự thất bại của đại quân VC không nuốt trôi được An Lộc suốt gần hai tháng sau đó.

Tuy nhiên nói về các cấp chỉ huy quân đoàn, sư đoàn VNCH thì đây là một thất bại về tình báo, sự chuẩn bị về chiến lược và điều quân phòng thủ vùng Tỉnh Bình Long, từ hơn năm trước QĐ3 thời Đại Tướng Đỗ cao Trí còn tung hoành diệt VC sâu tại sào huyệt bên Cam Bốt, sắp bắt sống được bộ chỉ huy của MTGPMN mà chỉ hơn năm sau, VC không hề bị thiệt hại lớn, mà còn mang được chiến xa đủ loại, phòng không tân tiến, pháo hạng nặng 130 ly, đầy đủ tiếp viện xăng dầu, đại pháo bắn không hề thiếu đạn từ đủ mọi hướng vào An Lộc mà quân VNCH và đồng minh Hoa Kỳ không thể ngăn chận làm ngưng được sự pháo kích cường tập này, không tìm diệt được các vị trí pháo VC, các kho đạn tiếp liệu của VC từ trên không, và ngay cả các toán biệt kích thăm dò của BCD 81 cũng được thả ở đâu đó ngoài chiến trường An Lộc, nhiều nhất bên Cam Bốt hay Tây Ninh cũng không hề khám phá ra được sự di quân cùng tiếp liệu khổng lồ hay chiến xa của VC từ đường mòn HCM trước khi đến vây quanh Lộc Ninh rồi An Lộc, chưa kể về mặt Nam, VC yên lặng trải được đại quân dài sâu tới gần Lai Khê, chỉ cách SG trên vài chục cây số. Đây là sự thất bại to lớn của tình báo quân VNCH hay của chiến lược, chiến thuật, hay điều hành của các cấp tư lệnh chỉ huy của Vùng 3 chiến thuật. Để cho một lực lượng VC tới trên 45 ngàn quân (theo ước lượng của VNCH) có đầy đủ tiếp tế súng đạn lương thực để tấn công suốt trên hai tháng trời, VC không có không quân yiểm trợ hay được thả dù tiếp tế, VC hầu như chỉ tải đạn và lương thực tới gần bằng đôi chân. Mà cho tới khi bị tấn công trận Lộc Ninh, VNCH mới biết và vội vàng trám quân tiếp chiến, đó là một sự thành công bất ngờ của VC hay sự mù tịt tình báo và thám sát của quân VNCH.

Ngoài ra khi Mỹ bị cấm tái xâm phạm lãnh thổ Cam Bốt sau này bởi quốc hội Mỹ là một thiệt hại lớn cho quân phòng thủ VNCH tại An Lộc, VC thoải mái tích lũy kho tàng thiết bị pháo, xăng dầu, chiến xa ngay phía Tây An Lộc bên khu vực Lưỡi Câu của Cam Bốt, khoảng cách chỉ có 15km đường thẳng tới AL, trong khi tầm bắn của đại pháo 130 ly của VC lên tới 30 km, nên pháo VC cứ an toàn ở bên kia biên giới Cam Bốt cùng kho đạn đầy ắp thoải mái bắn vào AL. Chiến đấu cơ Mỹ không được phép đi vào lãnh thổ Cam Bốt nữa theo lệnh của Quốc Hội Mỹ nên không tiêu diệt được các điểm tập trung quân VC, nơi tập trung kho tàng súng đạn xăng dầu chiến xa cùng thực phẩm của quân VC. Sự xuất hiện của pháo 130 ly và chiến xa, bắn không hề thiếu đạn là một thành công qúa lớn của VC không những chỉ cho trận AL năm 1972 mà còn dẫn tới thắng lợi tháng 4 năm 1975 sau này.

Ngoài ra trong suốt trận chiến, không hề thấy VNCH hay Đồng Minh có những cố gắng truy lùng đường tiếp liệu của bên VC khi đã qua bên này biên giới của VNCH, chung quanh các đường dẫn vào chiến trường An Lộc để ngăn chận lương thực và súng đạn của VC.

Nếu VC có khả năng chận đường tiếp liệu (QL13), bắn rớt máy bay tiếp tế của VNCH, thì ngược lại, không thấy bên VNCH có khả năng hay cố gắng nào để biết vị trí tiếp liệu của một lực lượng đại quân VC ba lần lớn hơn quân trú phòng để ngăn chận đánh phá tiếp liệu của VC, đó cũng là những chiến lược cần thiết phải có để duy trì sinh mạng của quân trú phòng An Lộc. Một lực lượng lớn của VC như vậy cần tới bao nhiêu lương thực đạn được với đạn pháo xăng dầu cho chiến xa, đó không phải là một chuyện nhỏ, hay có thể dấu diếm kỹ được cách di chuyển trên 200 ngàn trái đạn pháo đến chiến trường. Nói chung thiếu xót của VNCH là tự trú phòng ở vài chỗ cố định, nếu VC không đến tiến đánh thì coi như là may mắn, may ra thì chỉ hoạt động thám sát được hai ba cây số bán kính chung quanh nơi đồn trú, còn không dám hay không biết bung xa hơn để thám sát, tìm tới vị trí pháo của VC trước khi chúng khai hỏa. hay quân đoàn, sư đoàn có chiến thuật liên hoàn di động các đơn vị VNCH để VC khó điều nghiên trước để tập trung bao vây tấn công. Gia tăng truy lùng tình báo hay quấy phá trước khi VC đặt được kho tàng đạn được cho pháo hạng nặng hay xăng dầu cho chiến xa ở bên này biên giới trong lãnh thổ VNCH.



Có biết bao bài viết tường thuật nói lên sự dũng cảm chịu pháo của quân trú phòng, cố gắng đếm tới trên 200 ngàn trái đạn đủ loại rót vào An Lộc mà không thấy ai nói tới tại sao các tướng lãnh quân đoàn 3 VNCH lại để cho VC có thể mang tới được số đạn khổng lồ như vậy với khoảng xa trung bình cách An Lộc 10, 15 km để bắn vung vãi vào, tại sao không ngăn chận được trước, tại sao sau khi thấy khả năng và số lượng của pháo VC mà suốt hai tháng không thấy VNCH có khả năng tìm ra chiến lược nào tiêu diệt hay ngăn chận được lượng pháo đó cùng sự tiếp tế đạn của VC, đó là chưa kề VC không có tiếp tế đạn bằng máy bay Chinook hay thả dù như VNCH, và VC cũng phải kéo pháo và tăng bằng xe vận tải trong rừng cây và trên đất bùn, không hề có quốc lộ đường nhựa tốt và ngay thẳng như VNCH. Không hề thấy có chiến thuật hay khả năng tìm và diệt kho tàng đạn pháo của VC trên không hay bằng các toán biệt kích để chỉ định vị trí cho không quân oanh tạc. Chỉ ngủ yên, nằm yên trong căn cứ suốt những tháng trước, hay cả năm trước để cho VC tự do chuẩn bị tàng trữ đạn được và thực phẩm chung quanh An Lộc để bao vây sau này. Trong chiến trường An Lộc, VC làm chủ trận pháo, bắn không hề thiếu đạn, đó là theo tường thuật của VNCH không lẽ để khoe lên tài chịu pháo giỏi đồng thời cũng nói lên sự bất tài của tư lệnh vùng VNCH để cho VC có khả năng làm như vậy, không hề thấy VNCH có khả năng phản pháo lại, hay chấp luôn không dùng pháo để yiểm trợ AL, VNCH không có pháo hay tăng trên thị xã An Lộc. Trong khi trước đó khi chưa có “Việt Nam Hoá Chiến Tranh”, SĐ 1 Ky Binh Hoa Kỳ đã duy trì nhiều Pháo tầm xa 175 ly đặt trên chiến xa trong vùng Quản Lợi để bắn xa qua tới Cam Bốt yiểm trợ cho quân của ĐT Đỗ cao Trí đang hành quân vượt biên truy lùng đầu não MTGPMN.

Ngoài ra khi các cấp chỉ huy các đơn vị VCH tháo chạy đều báo cáo đã phá hủy pháo 105, 155mm cùng đạn được thì chưa chắc đã đúng vì VC dung các loại pháo này dư đạn bắn vào An Lộc, phần đúng là VC đã dùng súng đạn tịch thu được của VNCH có thể từ ngay chiến trường Bình Long hay từ các chiến trường trước đó như Hạ Lào, bắn thẳng vào quân phòng thủ An Lộc.

Đa số những bài viết thường nói về các quân tinh nhuệ nhất như BCD, Nhẩy Dù tại trận địa Bình Long mà ít nói tới một binh chủng quan trọng nhất, chịu hy sinh tổn thất cũng không ít, mà toàn là các sĩ quan cao cấp và hạ sĩ quan trải qua nhiều công sức huấn luyện đào tạo với kinh nghiệm chiến trường già dặn, đó là binh chủng Không Quân. Không Quân VNCH và Hoa Kỳ là lực lượng giữ vững sự sống còn của mặt trận An Lộc từ ngày đầu và sự hy sinh của họ không phải là ít, và xẩy ra rất nhanh chóng chỉ trong khoảng khắc qua lằn đạn của đủ loại súng nặng nhẹ của phòng không VC kèm theo lần đầu tiên hỏa tiễn cá nhân tầm nhiệt của Nga là SA7 Strella được VC xử dụng rất hiệu qủa.

Trong tháng 4, không kể các thiệt hại của trực thăng đổ quân, chiến đấu và tải thương, các Chinook trực thăng vận tải là phương tiện chính yếu dùng tiếp quân, tiếp liệu và tải thương với số lượng lớn trong những ngày đầu, đã chịu nhiều thiệt hại nặng với sự tử nạn của nhiều phi hành đoàn trong đó có các sĩ quan cao cấp ở bậc chỉ huy Không Đoàn cũng đích thân bay các phi vụ này. Khi VC đã đưa được các trọng pháo phòng không hạng nặng, cùng hỏa tiễn phòng không tới chiến trường bọc chung quanh An Lộc cho tới mặt Nam gần Chơn Thành thì Chinook không còn được dùng để đáp thẳng vào An Lộc nữa vì chậm chạp, mà sự tiếp tế nhẹ hay chuyển quân nhanh được trực thăng nhỏ hơn nhưng nhanh nhẹn xoay sở giỏi hơn UH-1 thay thế, thả dù tiếp tế do Không Đoàn vận tải cơ C123 thay thế. Tuy nhiên súng phòng không và hỏa tiễn của VC cũng không khó khăn mấy khi bắn hạ các vận tải cơ bay chậm và thả ở cao độ thấp của C123 này. Ngày 15, ngày 19, hai C123 của Không Đoàn ?… đã bị bắn hạ trên không phận An Lộc, một phi hành đoàn do Đại Úy Phạm văn Công chỉ huy, phi hành đoàn khác do Thiếu Tá Nguyễn thế Thân chỉ huy đã tử thương trong phi vụ thả dù tiếp tế. An Lộc đứng vững được là do sự hy sinh đồng hành của các chiến sĩ Việt Mỹ trên không, cùng các đơn vị bộ chiến tử thủ bên dưới trận địa.



Qua ngày cuối tháng tư thì thả dù tiếp tế cho An Lộc được C130 của USF Hoa Kỳ đảm trách hoàn toàn vì loại vận tải cơ này bay nhanh và bay cao hơn, thả dù tại độ cao an toàn hơn, tuy nhiên tỷ lệ thất thoát tiếp liệu qua bên đối phương vẫn còn cao. Nên sau đó các toán nghiên cứu thả dù từ Okinawa được chuyển qua tăng viện, tìm ra phương pháp mới để thả dù HALO, sẽ nói tới sau này, HALO được ứng dụng, thả dù các kiện hàng từ trên cao, rớt xuống nhanh mục tiêu, tới cao độ thấp dù mới bọc ra, nên sự chính xác cao hơn và an toàn hơn cho phi hành đoàn tránh được phòng không dầy đặc cùng hỏa tiễn của VC gây nguy hiểm khi các vận tải cơ bay thả dù ở cao độ thấp.



Các kiện hàng nặng vài tấn này cũng có khi đè xập hầm và nhà của quân phòng thủ và giết cả những người bên dưới. Mỗi khi có thả dù tiếp tế là pháo VC cũng rót tới dồn dập để gây thiệt hại cho quân đi thu tiếp liệu thực phẩm. Trận chiến này có những điều kiện riêng biệt của nó mà quân hai bên đều rất cố gắng hoạt động sao cho thích hợp với hoàn cảnh của chiến trường, sung từ bên dưới bắn lên các kiện hàng đang lơ lửng bay đúng hay bay lạc vào bên đối phương.



Cùng ngày 19 tháng Tư khi VC tấn công khu Đồi Gió, thì An Lộc cũng bị tấn công vào, quân bộ chiến bị pháo phòng thủ chụp lên trên đường tấn công tách rời tăng và tùng thiết ra. VC vẫn theo đường cũ lao vào An Lộc, lần này thì quân trú phòng mặt Bắc có thêm LĐ81 BCD cùng TrĐ8/SĐ5 chống trả mãnh liệt và bắn cháy thêm nhiều tăng T54 và PT76 lẫn lộn trong khu vực Bắc Thị Xã là nhiều nhất, Tuy nhiên VC vẫn không đi xa hơn ranh giới đã chiếm được vào ngày 13 tháng Tư lần đầu. Qua ngày 20 tháng tư và sau đó, có thêm vài cuộc tiến công lẻ tẻ vào phía Bắc AL, vào phía Nam từ Xa Cam lên, các tiến công này không có áp lực hay quân số đông mà chỉ là thăm dò, quân VC lại để lại vài xác tăng, xác tăng phòng không như thường lệ, có vài chiếc vì chạy dở qúa trong đêm tối không thấy đường bị lọt vào các hố bom sâu có sẵn, rồi phải bỏ xác tăng ở đó vì không leo lên được. Cũng có thể khi bị vây và săn đuổi sát qúa tăng VC phải chui xuống hố bom đó tự làm bất khiển dụng tăng nghĩa là không cho quân phòng thủ có thể tịch thu tăng và xử dụng được vì tăng bị kẹt trong hố bom không lên được và hố sâu sẽ che đạn bắn thẳng cho toán viên tăng VC có thể chui ra ngoài thoát chạy.

Ngoài ra VC tiếp tục pháo đều đặn vào An Lộc sau những đợt tấn công thất bại để làm tiêu hao, thiệt hại sinh mạng quân dân AL hay làm mệt mỏi cho quân trú phòng, điều này rất hiệu qủa vì đa số thiệt hại của quân tử thủ là do pháo của VC gây ra. Tuy nhiên gần đến một nửa quân phòng thủ bây giờ là quân vừa được tăng viện, họ là quân thiện chiến nhất của VNCH, nên những ngày yên lặng chỉ có pháo kích này lại là dịp cho họ dàn trải quân bố phòng lại tăng cường hầm hố vũng chắc hơn, chuẩn bị kháng cự các đợt tiến công mới của VC trong những ngày tới.



Bây giờ thì, Nhẩy Dù đã nắm phần lớn tuyến phòng thủ về hướng Nam, qua khỏi ranh tỉnh lỵ vào trong rừng cao su mép Xa Cam cùng với các lực lượng Địa phương Quân và Nghĩa Quân của Tiểu Khu Bình Long, nằm dọc theo mặt Đông kéo dài lên phía Bắc là do Liên Đoàn 3 BĐQ trách nhiệm từ ngày mới tới, mặt Bắc, Tây Bắc AL do LĐ81 và Trung Đoàn 8/SĐ5 án giữ, mặt Tây còn lại là Trung Đoàn 7/SĐ5 phòng thủ. Bộ chỉ huy của Tướng Hưng nằm trong khu Tòa Hành Chánh, Tiểu Khu (cũ) của Bình Long với một đại đội trinh sát SĐ5. Còn Tiểu Khu BL của ĐTá Nhựt tỉnh trưởng thì di chuyển trước trận chiến nhường chỗ cho BCH SĐ5 vì nơi cũ này kiên cố tiện nghi hơn, TK BL qua trại Biệt Kích B15, hay là trại Đỗ cao Trí, BCH LĐ1 Nhẩy Dù của ĐTá Lưỡng cũng nằm ở đây, kế bên, về phía Đông Nam cũng trong chu vi trại B15 là BCH của Liên Đoàn 3 BĐQ. Đối diện đường 13 qua bên Tây hướng từ SG lên là khu vực chỉ huy của Quận Lỵ Châu Thành An Lộc.



Qua các đợt tiến công vào An Lộc của VC cho thấy quan tấn công không hề nắm vững vị trí cùng các bộ chỉ huy hay cách phòng thủ của quân trú phòng, và cũng may mắn là các gián điệp nằm vùng của VC gài trong quân phòng thủ cũng không hoạt động hiệu qủa được vì có thể họ không có cách nào để liên lạc truyền tin ra bên ngoài cho BCH chiến trường VC biết. Chỉ có các sĩ quan cao cấp mơí biết được vị trí các BCH trong Thị Xã An Lộc. Có thể VC chỉ biết được BCH tiền phương dự tính của SĐ nằm trên đường Nguyễn Du ở phía Đông gần đường rầy xe lửa vì nơi đây có hoạt động của Công Binh thiết lập hầm trước trận đánh, tuy nhiên nơi này bị Tướng Hưng bỏ không dùng vì chu vi quá nhỏ, nằm qúa lẻ loi dễ bị quan sát, và từ bên ngoài có thể tung lựu đạn tới hầm chỉ huy, khoảng cách an toàn không có, qúa chật để có quân xa bên trong chu vi.

Bên dưới mặt trận An Lộc, ở Bắc và Nam Quận Lỵ Chơn Thành, thì sau khi LĐ1 ND rút đi để nhẩy vào khu đồi Gió vào AL, thì VC lại tiến ra làm lại các nút chận trên quốc lộ 13, phía Bắc và Nam Chơn Thành. Sư Đoàn 21 bộ binh từ miền Tây lên chiến trường này, lại phải nhổ các ụ đóng chốt của quân VC để khai thông QL13. Phải mất nhiều ngày cho SĐ 21 quen chiến trường vùng khô, dằng co với VC, nhổ xong chốt trụ VC ngày hôm nay, thì ngày mai lại có chốt mới tràn ra, chứng tỏ VC có đông quân số và tiếp liệu, sẵn sàng thay thế thiệt hại, hay chỉ tạm thời rút đi khi bị tấn công mạnh rồi lại bò ra chận sau đó, mục đích là gây rối tiêu hao và cầm chân quân tiếp viện để VC có thể tấn công dứt điểm thị xã An Lộc chỉ còn cách đó vài chục cây số.

Ngày 24 tháng 4, Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù sau khi rút khỏi chiến trường Tây Nguyên Kontum, được đưa lên Lai Khê, bắt tay ngay vào mặt trận bắc Chơn Thành tiến lên khu vực Tầu Ô. LĐ3 gồm ba tiểu đoàn 1,2 và 3 do Trung Tá Trương vĩnh Phước chỉ huy. Ngày 25 tháng tư, Tiểu Đoàn 2 ND bắt đầu vào khu vực gần Tân Khai và Tầu Ô, thiết lập ngay căn cứ hỏa lực Anh Dũng với một pháo đội để yiểm trợ cho hoạt động trong vùng, nhưng chỉ đến ba ngày sau thì VC đã mang đại bác 57 ly không giật đến bắn hư hại được bộ phận nhắm ba khẩu 105 ly của pháo đội Nhẫy Dù. Quân ND bung ra khỏi điểm đóng quân lục soát thăm dò chiến trường, nhưng VC tránh đụng độ lớn chỉ dùng pháo một cách dư thừa đạn vào vị trí của ND. Chứng tỏ đại quân VC đã chuẩn bị rất kỹ càng cho chiến trường An Lộc với quân số và tiếp viện đạn được trọng pháo cùng lương thực đầy đủ, cho dù chưa thấy xe vận tải quân sự của VC ngay sát chiến trường trải dài từ mặt bắc Lộc Ninh xuống tới tận gần căn cứ Lai Khê, căn cứ hậu phương của SĐ 5 bộ binh VNCH.

Tiểu Đoàn 1 và 3 ND cũng vào ngay sau đó, cùng với TĐ2 ND hoạt động chung quanh khu vực Tầu Ô, Tân Khai, đánh phá các chốt kiềng chận đóng quốc lộ 13 của VC dùng để chận đường tiến công của QĐ3 theo QL13 lên mặt Bắc để tiếp viện giải tỏa cho An Lộc. Các trận chiến to nhỏ, giằng dai cho tới đầu tháng 5 thì có các trận đụng độ lớn hơn tới cấp tiểu đoàn VC. Trong thời gian này VC tránh đụng độ lớn chỉ bám sát phía sau ND để quấy phá tiêu hao, chứng tỏ VC không có đủ quân số lớn, hay đang đợi di quân tiếp viện từ nơi khác chung quanh An Lộc về đây.



Quân đoàn 3 VNCH cũng duy trì rồi tăng mức độ chạm địch ở mặt Nam QL13 dưới An Lộc 20km để cầm chân SĐ7/VC không cho tăng viện lên đánh AL hay quân VC ở mặt Nam AL phải di chuyển xuống Nam lìa xa AL để cứu quân đóng kiềng QL13 sắp bị đánh tan. nếu VC không tăng quân giữ chốt thì QL13 có thể được khai thông sớm, AL sẽ được tiếp cứu, đằng nào cũng có lợi nên SĐ21/VNCH và Trung Đoàn 15/SĐ9/VNCH cũng được Quân Đoàn 3 của Trung Tướng Nguyễn văn Minh được tung nhanh luôn vào mặt trận Tân Khai để đánh nhanh hay đánh cầm quân VC để giảm áp lực của VC cho chiến trường trên An Lộc.

duongtiden

(Còn tiếp)

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn