BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73934)
(Xem: 62317)
(Xem: 39509)
(Xem: 31234)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hôn Em, Kỷ Niệm (9)

07 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 1428)
Hôn Em, Kỷ Niệm (9)
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53

CHƯƠNG CHÍN


Tết đã qua. Lại một cái Tết kháng chiến bình thường. Tháng giêng nhàn rỗi vô cùng. Bà tôi dạy các em tôi kéo sợi. Ở nhà còn một chiếc khung cửi nằm yên nghỉ từ ngày cô Tám về nhà chồng. Bà tôi muốn em Tú học nghề dệt vải. Bố tôi bằng lòng ngay. Ông nghĩ tới mấy sào bông đồng nội. Có bông sẽ cán thành bông bột, thuê thợ bật bông, se cúi, kéo sợi, dệt vải, nhuộm nâu, may quần áo, thực hiện khẩu hiệu “Tự lực cánh sinh” . Thóc một nhà, lợn một chuồng, gà một đàn, cá một ao, rau một vườn, rơm một đống. Mình sản xuất, mình tiêu thụ, chẳng phiền lụy ai. Đời sống giản dị và êm đềm. Hạnh phúc ở giữa hai cái vành đai đó. Và từ đó, tâm hồn con người lãng mạn, thanh cao. Vật lộn với đất, riết rồi ta hiền như đất. Vật lộn với ma quỷ, riết rồi ta giống ma quỷ. Thủ đoạn xuất xứ tự những bon chen. Con người, sở dĩ hẹp hòi đê tiện vì phảI đấu tranh, mưu mẹo. Với ruộng vườn, ao hồ, sông ngòi, tôm cá, ta chỉ cần phấn đấu bằng kiễn nhẫn, mồ hôi và tâm niệm. Đất đâu biết phản bội người. Thường thì người phản bội đất. Bố tôi tìm về quê nhà, tôi nghĩ, chẳng bao giờ vì “cái kế sống lâu dài trong trường kỳ kháng chiến” mà vì tâm sự riêng tư của ông. Chú Phương nhớn mới tham dự. Bố tôi xin được làm một công dân lương thiện. Và lúc này, ông xin được làm một nông dân.

Mảnh đất gần nhà đã cày bừa, rắc phân để gieo mạ vụ chiêm. Mạ nhổ lên, rau muống chiếm chỗ. Đất quê tôi không bỏ trống phí phạm. Sang tháng hai dân làng lo trồng đậu, trồng khoai trên đồng nội, bố tôi lo hạt giống trồng bông. Cả nhà tôi kéo lên đồng đập đất bằng những cái vồ. Đất đập nát nhỏ, vun từng luống lớn, trải phân bắc (*) rồi bỏ hạt giống, lấp một làn đất mỏng. Mưa xuân dìu dịu đủ ướt đất cho hạt giống chóng nảy mầm. Chừng mầm nhú cao độ ngón tay, một công việc cực kỳ khó khăn đến với người trồng bông. Là bắt sâu bông. Những con sâu quái ác, không leo lên lá gặm nhấm mà nhè gốc cây con nghiến đứt. Nếu không bắt sâu, một ngày, sâu có thể tiêu diệt khá nhiều cây non, chẳng dặm kịp. Bắt sâu bông đòi hỏi kiên nhẫn. Anh em tôi có mặt thật sớm, dùng cái nan tre nhỏ, khẽ khảy đất ở gốc cây, tóm cổ sâu. Chăm chỉ bắt sâu độ nửa tháng, thời gian này đủ giúp thân bông và gốc bông dắn, to, sâu hết cách phá hoại. Mỗi buổi, anh em tôi đem về nửa gáo (**) sâu, nuôi cá rói ao trước. Khi thả sâu bông xuống cầu ao, đàn cá rói háu ăn nhào tới tranh giành, nước bắn tung tóe, bố tôi đứng ngắm cá, đôi mắt ngời sáng. Hết lo sâu bông, anh em tôi nhổ cỏ, rắc hạt giống đậu xen giữa hai cây bông để vừa có bông vừa có đậu.

Việc trồng bông chu tất thì ruộng lúa cũng đã sửa soạn xong. Nghề nông là nghề của tổ tiên, hễ thích làm là thạo việc. Bố con tôi quen việc ngay. Tôi biết gánh phân lợn bón ruộng, thả bèo tấm nuôi lúa, tát nước. Tát nước nhún nhẩy và điệu bộ. Đến nỗi mẹ tôi phì cười: “Thằng Long nó tát nước kiểu cách quá” . Tháng ba công việc đồng áng xong xuôi. Bố tôi có thì giờ đạp xe sang Đống Năm, ngủ một đêm để thưởng thức tài nghệ cải lương của Tường Vi, Sĩ Tiến hay Phụng Khánh, Huỳnh Thái. Chúng tôi thăm đồng hằng ngày. Từ lúa xanh con gái đến lúa có đòng đòng. Tôi bảo lúa mang thai. Lúa nhiều vú sữa. Bố con tôi thường đi quanh bờ ruộng nhà, hít hà mùi lúa sữa hay gặm nhấm. Tháng tư lúa chín vàng. “Gặt về đập xảy bỏ công cấy cày” . Khi lúa đã quay cót và rơm đã đánh đống, chúng tôi chú ý đến mấy sào bông. Trái thật sai và lớn. Nắng tháng năm cháy da thịt nhưng rất huyền diệu với trái bông. Vỏ trái đen dần rồi nở tách ra nhiều múi lộ cái ruột trắng tuyệt vời. Anh em tôi đeo giỏ, đứa hái bông, đứa hái đậu. Nửa tháng trời bông mới hát hết, thân cây nhổ về phơi khô đun bếp, những luống đất dùng cuốc tải phẳng, cho đất nghỉ ngơi đợi trồng lúa tám. “Lúa tám chín tháng mười” . Lúa tám, thứ lúa trưởng giả chỉ hợp đất đồng nội. Lúa tám cho những hạt gạo mảnh khảnh, sờ mát tay, ngửi mát mũi. Cơm gạo tám ngon nhất thế giới. Nó đã đi vào ca dao:

Cơm tám ăn với chả rim.

Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn cũng no.

Cơm tám ăn với chả kho.

Chồng đẹp vợ đẹp cũng no vì nhìn.

Gạo tám, cô gái lầu khuê cát đó, sẽ đáng tội nghiệp biết bao nếu gặp phàm phu tục tử:

Tiếc thay hạt gạo tám soan.

Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà.

Vụ chiêm gây phấn khởi cho gia đình tôi. Vụ mùa đem thêm tin tưởng. Mưa bão nhẹ nhàng. Ao cá không vỡ bờ. Nghề đơm đó, thả rọ cá rô, cất vó tôm của tôi phát triển mạnh. Mẹ tôi có mấy hủ mắm tôm, mắm tép vùi tro dưới bếp. Những cái sa của bà nội kéo chỉ vui mắt. Tiếng con thoi đưa đẩy ở khung cửi của em Tú vui tai. Con heo nái đẻ nhiều, nuôi con khéo. Đàn gà lớn như thổi. Lứa ấp, lứa nuôi con, lứa gại mỏ. Tiếng cục ta cục tác nghe vang dội một nỗi niềm. Vườn cải ngồng xanh tươi. Sương muối không làm gà chết cúm. Cá quẫy mạnh dưới ao. Bố tôi sắp tậu bò. Ông nhất định dốc hết vốn. Anh lái thuốc Bắc, đại lý rượu Văn Điển, chủ thầu, lãng tử, kép cải lương không may mắn, lái buôn kẹo, Hoa Đà bất đắc dĩ, trữ dược viên Âu Mỹ, thợ sửa xe đạp nay là nông dân mơ mộng. Còn tôi, tôi biết cắt rạ, gặt lúa, bó lúa, gánh lúa, kéo lúa, xay lúa, giã gạo, giã bèo. Và biết xòe cánh, nghiêng mình về một bên tán tỉnh con mái vụng về. Y hệt chú gà trống giọng gáy chưa vỡ. Vì tôi phải gia nhập đoàn thể thiếu nhi. Bà nội tôi còn đi họp phụ lão cơ mà! Tôi không thích nhi đồng từ hôm nhi đồng ngã ba chợ huyện Tiền Hải đả đảo tôi. Nếu cách mạng tháng tám chẳng khiến bố tôi xúc động thì tiếng trống đồng cũng chẳng quyến rũ nổi tôi. Tôi mê những con tôm trứng giãy dụa trong vó dưới ánh trăng đồng nội. Tôi mê những cậu rô sứt đầu tìm tự do vướng rọ cá. Tôi mê cái tổ sáo ngọn soan cao. Như bố tôi mê tiếng cá quẫy. Bố tôi có thể đoán ngay con cá nào quẫy. Con trắm lớn, con trắm bé hay con rói đầu đàn.

Những ngày trở giời, cá nổi trên mặt ao, xếp đội hình, bơi, lượn. Bố tôi đứng ở bờ ao hằng giờ, say sưa ngắm. Tôi cố hình tưởng đôi mắt của bố tôi những lúc ấy mà không tài nào hình tưởng nổi. Để viết một trang sách diễn tả đôi mắt một người sung sướng. Ngắm đàn mè chán chê, bố tôi về đứng dưới gốc cây khế ngắm những con cá rói lừ đừ bơi cơ hồ những chiếc tàu lặn. Con rói to nhất đã bằng cánh tay. Con trắm to nhất bằng bắp đùi. Nhà nuôi cá tài tử thích cái gì mình thích. Nên ông mua cá giống khi nó đã trưởng thành. Do đó, con trắm khi mua có thể ăn được nay mới to bằng bắp đùi. Với tôi, những ngày giang hồ phiêu bạt của bố tôi thật mơ hồ. Ông ít chịu kể ngọn ngành. Lâu lâu, ông hé mở cánh cửa kỷ niệm y hệt cái bóng râm lướt trên mặt đường nắng. Tôi đoán chắc cuộc đời bố tôi chưa bào giờ hả hê như bây giờ. Thỉnh thoảng một vài người bạn cố tri tới thăm, lưu lại vài ngày, sinh hoạt nhà tôi thật rộn rã. Bố tôi thả cái vó ở cửa ao, sai tôi xuống ao dồn cá. Bố tôi cất vó, bắt chú chép lớn làm gỏi, chú trắm nướng, vài chú rói nấu riêu. Hoặc tôi rắc thóc nhử những anh gà giò úp vào nơm, cắt tiết. Đời sống như vậy tưởng không còn gì đáng mơ ước, dù đêm khuya, bố con tôi thức giấc vẫn nghe rõ tiếng đại bác câu đi từ bên kia sông Hồng.

Tôi đã nói rằng tôi phải gia nhập đoàn thể thiếu nhi. Anh phụ trách bảo tôi đóng kịch. Tôi thưa với bố tôi. Bố tôi nói:

- Thì con chịu khó tập kịch.

- Nhưng con không thích.

- Con ạ. Ở đời có những điều mình không thích mà cứ phải thích. Sống là đừng để ai ghét. Nhất là để mình đừng thành kẻ lẻ loi, cô độc.

- Tập kịch con sẽ về khuya.

- Về khuya thì con can đảm, hết sợ ma.

- Họ bắt ngủ lại mình nói sao?

- Con ngủ lại với họ. Hôm nào con diễn kịch, bố sẽ đi xem.

Vậy là tôi có chỗ trong ban kịch nhi đồng, một chỗ xứng đáng cho thằng nhãi đã đậu … Sơ Học Bổ Túc! Hiểu theo nghĩa nhà nghề, tôi được làm kép chính, chuyên thủ vai anh hùng yêu nước, tha hồ nguyền rủa bọn mãi chúa cầu vinh trên sân khấu... Những vở kịch ấm a ấm ớ không gây một thích thú nào nhưng không khí tập kịch thì hào hứng và quyến rũ lạ thường. Sau này, bước xuống đời và bước vào một ban kịch lưu diễn, tôi hiểu tại sao cậu học trò tương lai rực rỡ Nguyễn Thành Châu lại tình nguyện bỏ cái tương lai rực rỡ ấy, dấn thân khắp nẻo đường Nam Bắc để thành một Năm Châu, con voi già của nền cải lương Nam kỳ; tôi mới hiểu tại sao bố tôi đang tâm bỏ vợ con nheo nhóc vô mãi tận Sài Gòn mộng làm kép hát. Khái Hưng viết truyện ngắn Dọc đường gió bụi thật hay. Tiếng sáo của anh kép cô đơn tương tư cô đào chính bỏ bầu bạn, quên sông hồ, định cư đời mình nơi giàu sang phú quý đã khiến cô đào thổn thức, giã từ nhung hương, gấm vóc đuổi kịp gánh hát cũ. Khi người ta chọn sân khấu làm sinh địa, người ta phải chọn luôn nó làm nghĩa địa. Sống với sân khấu, nổi danh vì sân khấu thì cũng chết vì sân khấu. Hãy hình tưởng tất cả từ một sân khấu cải lương. Và hãy hào hùng như cô đào trong truyện Dọc đường gió bụi. Bỗng tôi nhớ một chuyện cũ đã khiến tôi rững rưng coi thường. Hẳn là không ai biết anh kép Mộng Tần của gánh thống Nhất của ông bầu Đặng Xuân Dư, thân phụ người bạn tuổi nhỏ Đặng Xuân Côn của tôi. Mộng Tần chỉ nổi tiếng ở hậu phương kháng chiến miền Bắc. Lần đó, gánh Thống Nhất từ chợ Ô Mễ tới Thanh Nê, quê hương cô Trương Quỳnh Như, diễn tuồng Chu Du thổ huyết ba lần . Chưa kịp lên sân khấu, Mộng Tần bị ốm. Anh kép Sài Gòn tên là Sáu Tùng – anh này ra Bắc trong chuyến cải lương Nam kỳ Bắc du rồi kẹt không về được vì toàn quốc kháng chiến – đóng thế. Anh đóng thật hay, thổ huyết như thật. Khán giả hoan hô anh nhiệt liệt. Kép Mộng Tần tức khí (y hệt Chu Du bị Khổng Minh trêu tức) đòi đóng thi đua với Sáu Tùng – dù đang ốm. Hai Chu Du biểu diễn tài nghệ, hai Chu Du đồng tài. Cuối cùng Chu Du Mộng Tần thổ huyết thật, nằm dài trên sàn gỗ. Khán giả không hề biết. Chu Du miền Nam ôm Chu Du miền Bắc khóc rống. Và thề trọn đời kép hát chẳng còn đóng vai Chu Du nữa. Chuyện này, khi chọn nghề viết văn mưu sinh, tôi đã suy nghĩ nhiều. Và tôi phỏng theo để diễn tả đoạn Chu Du Văn Nghị thổ huyết ở sân khấu Sa Đéc trong truyện dài Mây Mùa Thu . Tôi biết yêu Mộng Tần, người kép hát đòi chết trên sân khấu, người cố đi hết đời mình với nghiệp mình, người chỉ thích chết giữa đại dương và rất sợ phải gửi xác ở giòng sông hẹp. Dĩ nhiên, cái không khí tập kịch của tôi sao mà dám bì với không khí tập tuồng nhà nghề. Và tôi đã không yêu nó trước khi đến với nó. Nhưng phóng đại ra và tưởng nhớ lãng-tử-bố-tôi, tôi sẽ bằng lòng lắm, sẽ không phiền trách bố tôi nếu bố tôi mê mãi Dọc đường gió bụi  quên tìm về cùng vợ con. Đôi khi, tôi còn chê bố tôi. Là ông không trọn tình với mộng ước. Nếu ông dám đi hết đời ông Dọc đường gió bụi , chắc chắn, đã không có những buổi chiều biển động làm chớp nháng soi rõ khuôn mặt thê thảm của bố tôi thuở ở Ngã ba chợ huyện Tiền Hải, đã không có những hoàng hôn buồn chết lùa bò về chuồng trên vùng đất khổ quê nhà.

Bọn thiếu nhi Tường An tập kịch ở nhà nhóc con Tấn. Chị nó tên là Nhẫn, lớn hơn tôi hai tuổi “Gái hơn hai, trai hơn một”. Sự chênh lệch tuổi tác đó rất thuận lợi đi tới hôn nhân. Nhẫn chịu khó thức khuya xem chúng tôi tập kịch. Bây giờ tôi cũng quên khuấy rằng Nhẫn đẹp hay xấu. Nhẫn đã cho tôi ăn khoai nướng, sắn luộc. Và những đêm ngủ lại. Nhẫn cho tôi ăn xôi, ăn cháo hến. Tôi thấy khoái Nhẫn, thế thôi. Bọn nhóc nhỏ to là Nhẫn “phải lòng” tôi. Bố mẹ tôi biết chuyện này. Từ ngày tôi tập kịch ở nhà Nhẫn, con bé bỗng dở chứng. Nó năng tới nhà tôi xin bèo, xin thân chuối chết về nuôi lợn. Nó còn xin sung, xin khế. Bà nội tôi, mẹ tôi quý mến Nhẫn. Hai người tíu tít khen “Con bé đảm lắm” và hỏi tôi nếu muốn lấy Nhẫn thì bà tôi làm đám hỏi tức thời. Tôi nín lặng. Bố tôi cười. Một hôm, hai bố con ra đồng thăm ruộng, bố tôi hỏi tôi:

- Con muốn sống đến già ở làng không?

Tôi đáp:

- Bố đã nói rồi, khi nào hết chinh chiến, mình lại về thị xã.

Bố tôi gật đầu:

- Ừ có ngày hết chinh chiến, nhưng nếu con thích cày cấy, an phận với ruộng vườn thì con sẽ ở lại làng. Bố sẽ tậu cho con một con bò cái và cưới vợ cho con.

Tôi nói:

- Lấy vợ phải ở riêng, khổ lắm.

Bố tôi đùa:

- Vợ sẽ nuôi mình.

- Thế thì nó khinh mình.

- Nó không dám khinh đâu, con ạ. Bố hỏi con phải trả lời thật nhé: Hết chinh chiến bố sẽ rời bỏ làng. Con dám ở lại không?

- Ở lại buồn chết mất.

- Vậy đừng nghĩ chuyện lấy vợ nữa. Ông nội ngày xưa lấy vợ cho bố, lớn khôn, bố chê vợ cũ, tự lấy vợ cho mình. Bố đã làm khổ người vợ cũ. Con không nên làm khổ con Nhẫn. Con có biết người vợ cũ của bố bây giờ ra sao không?

- Không.

- Con tưởng tượng đi.

- Bà ấy đã đi lấy chồng khác.

- Bà ấy không dám lấy ai cả. Bà ấy sẽ chết già bên bố mẹ bà ấy.

- Tại sao?

- Vì bố vợ cũ của bố là thầy đồ. Nghe đây con: hai mươi bốn tuổi hãy lấy vợ. Khi lấy vợ rồi, dẫu bị vợ hành hạ hay gây cho mình nhiều buồn phiền cũng cam đành. Chớ bỏ vợ đi lấy vợ khác. Nếu vì công danh sự nghiệp tạm biệt vợ con ra đi, nên bắt chước Án Anh, Bá Lý Hề và đừng noi gương Ngô Khởi.

Bố tôi kể sự tích Bá Lý Hề, Án Anh, Ngô Khởi. Hai người trên cầm quyền Tướng quốc, không quên vợ già, xấu xí thuở hàn vi, người dưới đang tâm chém đầu vợ để mưu cầu sự phú quý. Nhờ bố tôi khuyên đừng lấy vợ khi tuổi mình chưa quyết định nổi việc gì nên tôi lại hiểu thêm một chút tâm sự của bố tôi. Ông còn muốn dẫn “gánh hát” đi “lưu diễn” . Tất cả, đối với bố tôi, đều tạm bợ. Ông có một đức tính đáng khen, là làm việc gì cũng tới nơi tới chốn, dù tạm bợ. Nhưng ông muốn dẫn “gánh hát” tới đâu? Bố tôi đã chẳng chồng chất các thứ nghề đó ư? Một ngày khác, bố tôi vẽ bức bản đồ Việt Nam đầy đủ tên thành phố, tỉnh lỵ. Ông lấy bút chì đỏ vệt những con đường ông đi qua, khoanh tròn những thành phố ông dừng bước và nói:

- Giá bố không lấy mẹ con và giá con chưa kịp ra đời, bố đã đặt chân lên khắp chốn.

- Bố cứ đi, đã sao.

- Có thứ tiếng gọi bố trở về, con ạ. Đó là tiếng khóc của các con. Thứ tiếng đó khiến người ta mềm yếu, nhu nhược. Vì thứ tiếng đó bố đâm ra sợ hãi tù đày, tra tấn. Bố an phận hèn mọn. Nếu sau này con không lấy vợ, con tự do thực hiện ý muốn của con. Cho là ý muốn của con không viển vông, bố láo. Nhưng khi đã có vợ con, tự nhiên con an phận một cách tội nghiệp. Hãy an phận đáng thương như thế để khỏI hối hận và tự nguyền rủa mình.

Tôi không ngủ lại nhà con Nhẫn những đêm tập kịch nữa. Tôi cũng không thích nói chuyện với con Nhẫn khôn ngoan. Nó lảng dần tôi. Tôi thấy tiêng tiếc. Rồi công việc đồng áng, rồi những đó tép, rọ cá rô, vó tôm, lờ cá, đàn gà, vườn cải làm tôi quên những củ khoai nướng của Nhẫn. Khi tôi biết triết lý còm, tôi mới nhận ra rằng tình yêu dưới hai mươi tuổi chỉ là thứ tình yêu phù du. Như con chim lạ đậu trên cành cây ca hót. Rồi bay mất. Như cành cây bất chợt đón con chim nghỉ cánh. Rồi lặng lẽ. Chim quên một nơi chốn. Cành quên một cánh chim. Sinh hoạt trong đoàn thể thiếu nhi của tôi tẻ nhạt dần dần. Tôi bỏ họp luôn luôn và không bị khai trừ, cảnh cáo. Dường như đã thấp thoáng đám mây chì quanh bầu trời quê hương. Nỗi buồn quanh quẩn đâu đây. Tôi mơ hồ thấy nỗi buồn đó trên khuôn mặt bố tôi. Tháng tư ông định tậu một con bò cái. Nghĩ sao, bố tôi lại thôi và bảo để dành tiền vào việc khác. Tháng bảy năm ấy bão lớn, mưa to. Bão đe dọa mùa màng, nước sông dâng cao. Gió thổi muốn vỡ bờ ao chịu đựng nước mưa xoáy lở đất. Gió mưa đua sức phá hoại. Gió ngừng, mưa tàn bạo hơn. Bố tôi, ban ngày khoát áo tơi, đội nón thăm thú bờ ao; ban đêm chong đèn ngồi thở dài. Đến đêm thứ ba, bố tôi ngủ thiếp. Sáng sớm thức giấc, ông tung chiếu chạy ra sân. Tôi chạy theo. Bố tôi kéo tôi quan sát bờ ao. Một khúc bị vở lở. Mặt nước trong ao xấp xỉ mặt nước con ngòi. Bố tôi nắm chặt tay tôi. Tay ông lạnh lẽo, run rẩy. Ông đứng không vững. Một lúc, niềm xúc động tan băng khỏi trái tim già, ông buông gọn hai tiếng não nề:

- Hỏng rồi !

Hỏng rồi. Hai năm xua đuổi những con cóc, đặt bẫy rình bọn rái cá, mong đợi một ngày gần Tết tát ao đếm hàng trăm con chép, hàng chục con trắm. Bây giờ trắm, chép, rói ao trước, mè ao sau lũ lượt biến mất. Bố tôi chớp mắt lia lịa. Ông đã hết run rẩy, bàn tay ông đã nóng. Ông nhìn tôi:

- Phải đổ nền xây bờ ao con ạ. Như người ta xây đập nước.

Bố tôi dìu tôi trở về:

- Ba năm nữa mình sẽ có ao cá đầy. Con tin bố có thể xây được bờ ao kiên cố chứ?

Tôi nói:

- Chưa ai xây bờ ao.

Bố tôi xoa tay:

- Chưa ai xây thì mình xây. A, lần này ta chỉ nuôi cá chép. Ta không nên thất vọng, con hiểu chưa?

Qua rằm tháng bảy, nước rút dần. Sang tháng tám bớt mưa. Rồi mùa thu trả lại sự yên lặng trên mặt ao. Lại có những hôm trở giời. Bố tôi đứng dưới gốc cây khế, trông chờ đàn cá thân yêu nổi lên xếp đội hình bơi lội hoặc lừ đừ từng con trước sau cơ hồ đoàn tàu ngầm. Nhưng đàn cá bỏ bố tôi ra đi. Tội nghiệp bố tôi. Ông không thành công ở sân khấu cải lương Nam kỳ, ông còn không thành công ở cái ao cá quê nhà còm cõi. Nhiều đêm trở giấc, tôi chợt nghe tiếng cá quẫy, đánh thức bố tôi dậy:

- Con trắm hãy còn, bố ơi !

Bố tôi không ngủ. Ông tỉnh táo nói:

- Con măng đó. Bọn trắm đi hết rồi.

- Vậy mình nhiều cá măng?

- Chỉ có một con.

- Làm sao bố biết?

- Bố biết theo cảm giác. Để tết tát ao con sẽ rõ.

Đến tết tát ao, quả nhiên có mỗi con măng đáng kể. Trắm, chép, rói ra sông ngòi hết. Công phu của bố tôi “hỏng rồi” . Một rổ cá rô, cá giếc, cá quả là một … khối sầu đồn trú trong tâm sự của bố tôi. Ông chưa kịp toan tính tương lai thì giặc Pháp kéo sang Thái Bình. Chúng tôi lo chạy giặc. Bố tôi sắm nhiều bị cói. Anh em tôi, mỗi đứa sửa soạn một chiếc đựng quần áo, bánh dầy khô, chút tiền đề phòng chạy lạc. Giặc đã về làng tôi. Căn nhà tổ tiên gầy dựng và bố tôi thừa hưởng bị đốt cháy. Lợn gà bị bắn chết. May là bố tôi chưa tậu bò. Ban ngày chúng tôi chạy lên bờ đê, ban đêm về ngủ trên điêu tàn. Ròng rả mấy tháng trời, ruộng vườn bỏ hoang. Gia đình tôi nheo nhóc khổ sở. Bố tôi quyết định đưa gia đình vào tề. Mẹ tôi và các em tôi dắt díu nhau vào thị xã, gọi là mở đường. Tôi và bố tôi ở lại. Bố tôi sợ mang tiếng Việt gian, không dám vào tề sớm. Trước ngày giặc Pháp đóng đồn ở chợ Mễ, chúng mở cuộc hành quân các làng kế cận. Bố tôi dặn dò kỹ lưỡng : “Nếu bị lạc, con hãy về thị xã, xuống An Tập tìm mẹ”. Bố con tôi đã lạc nhau trong cuộc càn quét thị uy khiếp đảm của giặc Pháp. Tôi chạy lên đê Trà Lý, gặp giặc từ Thụy Bình đổ tới. Đạn nổ khiến tôi sợ hãi, lăn xuống con đê thoai thoải, rớt xuống ruộng cói, uống nước sặc sụa. Tôi cố trồi lên, ngoi ra xa. Quá tầm súng thì giặc phác giác kẻ trốn lủi. Chúng bắn như mưa. Đạn lỏm bỏm rơi. Tôi thoát chết không phải nhờ phép lạ hay nhờ quá tầm đạn. Mà nhờ giặc chỉ muốn thị uy. Giá hôm đó một anh du kích ngớ ngẩn nào “tiêu diệt” một tên Pháp. Chắc chắn, tôi đã chết rửa xác trên cánh đồng cói. Nửa đêm, tôi mò về nhà, run sợ và đói rét. Bố tôi chưa về. Tôi được bà nội an ủi, vỗ về. Hai bà cháu khóc cả đêm. Bà tôi chắp tay, ngẩn mặt nhìn trời, cầu xin Trời Phật độ trì bố tôi. Còn tôi, khóc chán, nhớ lời bố khuyên “hãy can đảm trước mọi nghịch cảnh”, nín được một lát, nước mắt lại ứa ra. Bố tôi đã chết hay đã bị giặc bắt? Hẳn bây giờ là lúc ông có thể khóc thương vợ con. Tôi thèm chiêm ngưỡng những giọt nước mắt của bố tôi.

 Còn Tiếp

 * Phân bắc tức là phân người.

** Gáo làm bằng trái dừa khô để múc nước
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn