BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73542)
(Xem: 62255)
(Xem: 39451)
(Xem: 31188)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hôn Em, Kỷ Niệm (8)

03 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 1416)
Hôn Em, Kỷ Niệm (8)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

CHƯƠNG TÁM


 Gia đình tôi ở Thần Đầu chưa được bao nả thì bố tôi quyết định về quê nhà làm ruộng. Chắc là bố tôi tính kế sống lâu dài. Trong trường kỳ kháng chiến, kế sống lâu dài chỉ là làm ruộng. Chúng tôi trở lại Ngã ba chợ huyện Tiền Hải, qua rừng thị sáng sớm tinh mơ, qua bến đò Trà Lý. Mẹ tôi gánh hành lý. Bố tôi dắt xe đạp chở hai đứa em nhỏ. Khi sang Thần Đầu, gia đình tôi không sắm sửa đồ đạc nên chuyến dọn nhà này đỡ thê lương hơn chuyến lập nghiệp ở huyện Phụ Dực. Chúng tôi đi bộ. Chân đất. Mãi chiều tối mới tới Cổ Rồng. Từ đây, chúng tôi xuống thuyền, ngược giòng sông lên phủ Kiến Xương. Thuyền trôi thật chậm. Sông nhỏ và không sâu lắm. Một người chống sào đẩy. Hai người kéo hai sợi dây dừa lớn buộc vào mũi thuyền men hai bờ sông giúp sức người đẩy. “Thủy thủ đoàn” gồm năm mạng, thay phiên nhau đẩy và kéo thuyền. Đêm ấy gió to, gió gây sóng. Thuyền chòng chành tưởng lật úp đôi phen. Mấy đứa em tôi không ngủ được, sợ hãi, khóc dài. Mẹ tôi dỗ ngon, dọa nạt chúng vẫn khóc. Khiến lão chủ thuyền cáu giận la hét và văng tục chửi thề. Lão gây sự với cả bố tôi. Ông nhịn thật tài. Qua một đêm khốn khó, chúng tôi đến bến bình yên. Lúc trả tiền, bố tôi vỗ vai lão chủ thuyền:

- Bây giờ tôi có thể nói vài điều phải trái.

Lão chủ thuyền sừng sộ:

- Ai phải, ai trái?

Bố tôi điềm nhiên:

- Ông trái. Đêm qua ông đã chửi vợ con tôi, ông đã chửi hành khách. Tôi thừa sức hạ ông và chân tay của ông. Nhưng rồi tôi sợ thiếu người kéo thuyền đành nhịn ông. Nếu ông nhận ông trái, tôi sẵn sàng tha lỗi.

Lão chủ thuyền mạnh miệng:

- Mày đòi tha tao?

Bố tôi phóng ngay một trái đấm trúng ngay miệng lão chủ thuyền. Bọn tay chân của lão bênh lão. Bố tôi, tay đấm chân đá như một võ sĩ. Như chú Phương nhớn. Ông hạ đối thủ rất nhanh. Ông phủi tay, phân trần với mọi người. Lão chủ thuyền ôm miệng đầy máu. Lão gật đầu rối rít:

- Tôi trái, tôi trái.

Chúng tôi vào phố phủ ăn lót dạ. Tôi phục bố tôi quá, mãi hôm nay tôi mới biết bố tôi giỏi võ. Tôi thấy tôi khỏe ra. Tôi thấy tôi chẳng sợ ai, sợ cái gì. Đã có bố tôi che chở. Chừng đoán nổi ý nghĩa của tôi, đợi tôi ăn xong bát canh bánh đa, bố tôi nói:

- Con ạ. Bố hối hận lắm.

- Chúng nó đáng ăn đòn.

- Bố đã không đủ tài nói để họ hiểu trái phải. Có lẽ, tại bố nóng nảy. Có lẽ, suốt đêm bố thức coi chừng các em con. Thôi, con quên chuyện này đi nhé.

- Mà …

- Mà sao?

- Bố học võ với ai?

- Với những người Thổ mạn ngược. Có thời bố buôn lậu ở đường rừng. Con không buôn hàng lậu, cần gì học võ.

- Nhỡ có ngày con gặp chuyện như bố vừa gặp?

- Chắc chắn không phải con sẽ đưa vợ con của con trên những đoạn đường oan nghiệt. Đời sống hứa hẹn nhiều thay đổi. Nó chẳng tái diễn đâu con ạ. Con chim già mới cam đành đậu một chỗ ủ rũ, chứ con chim non thì bay lượn, ca hót.

Bố tôi đã đoán đúng. Tôi không phải đưa vợ con tôi trên những đoạn đường oan nghiệt. Bao nhiêu đoạn đường oan nghiệt dành cho tôi, bố tôi đã đi giùm hết cả. Con chim non đang bay lượn, ca hót. Con chim già đậu ủ rũ một cành nào trên cây nhân sinh lá rụng mùa xuân quê cũ. Tôi chạnh nhớ chuyện ông Tử Lộ. Và tôi muốn khóc. Làm sao tôi gửi được về biếu bố một khoảng trời Sài Gòn đằm thắm chứa trong những bản nhạc vọng cổ của Thành Được, Út Trà Ôn? Nghe tiếng ngũ huyền cầm Năm Cơ, tiếng vĩ cầm Văn Vĩ hẳn bố tôi, gã mục tử già ven sông Trà Lý sẽ quên lãng cái hiện tại đòi đoạn mà tưởng mình ngồi trên chuyến tàu hỏa vô Nam “mê em, anh mộng thành kép hát” năm nào. Sài Gòn có nhiều thứ ao ước của bố tôi, mẹ tôi và các em tôi và tôi đã đủ sức lấp đầy những ước ao đó. Như cái máy cassette cho bố. Bố già thừa băng nhựa. Bố có thể lục tìm những đĩa hát cũ mèm của Tư Chơi để nghe kỷ niệm gõ cửa hồn. Như bức tượng mạ vàng cho mẹ. Và một tràng hạt mua từ Tích Lan về nữa chứ. Mẹ sẽ tối ngày lần tràng hạt, tụng kinh gõ mõ. Như chiếc xe Honda cho em trai. Như chiếc máy may cho em gái. Sài gòn thiếu gì mơ ước của người thân yêu của tôi ngoài xa kia. Nhiều hôm, túi đầy tiền, tôi đi trên hè phố ngỡ đi trong giấc mơ. Khi tỉnh giấc mơ mới thấy mình là kẻ côi cút. Không có bố mẹ để được báo hiếu là một tủi nhục. Và hạnh phúc của ta chỉ là hạnh phúc đáng thương. Ước chi được dẫn mẹ đi xem phim Đức Phật Thích ca. Ước chi được dẫn bố đi xem tuồng cải lương của Năm Châu – Phùng Há. Chẳng ước ao gì nổi. Đành gửi nó trong những tiếng thở dài hay sau những chiêm bao đầy nước mắt.

Chúng tôi đi thêm nửa ngày đường nữa thì về tới quê hương. Chỗ quê hương là đẹp hơn cả . Tôi đã thuộc lòng bài tập đọc này ở cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị. Có lẽ, bố tôi là người “du sơn du thủy” . Vì không ai hỏi bố tôi “chỗ nào đẹp hơn cả” trong đoạn đời phiêu lãng của ông nên ông đã không nhìn lũy tre xanh, bờ tường đất, con đường mòn của làng Tường An – quê nội nghèo khổ của tôi – mà chân thành trả lời: “Nơi đây là đẹp hơn cả” . Tôi chưa nhìn rõ vẻ đẹp của quê hương. Điều này dễ hiểu. Bởi vì tôi chưa sống ở quê hương. Lần đầu tiên tôi biết quê nhà tôi. Có nắng êm đềm chạy dài trên khóm cây,  có những người ngồi hay đứng bên thềm đợi chồng con mắt trông về phía trời xa hay không thì rồi tôi sẽ rõ. Nhưng điều tôi rõ trước nhất là những nồng nàn từ những đôi mắt của người quê tôi. Đó là những ánh đèn soi lối giúp người về đến nơi chốn bình yên. Chúng tôi không bỡ ngỡ. Riêng tôi, tôi mơ hồ thấy đôi tay nào ôm chặt tôi ấm áp, hơi thở nào phả vào hồn tôi thơm nồng. Muốn nói đôi lời tình tự mà chẳng biết nói ra sao. Con đường đất nhỏ đưa tôi về nhà ông bà nội tôi đã khiến tôi xúc động. Tôi đã nhìn rõ ngôi nhà gỗ lim của đám môn đệ của ông tôi xây cất, nhìn rõ ngôi nhà tuổi nhỏ của bố tôi, nhìn rõ mảnh vườn còm cõi, chiếc sân nhỏ bé, cái ao không nuôi cá để hiểu tại sao bố tôi bỏ làng xóm ra đi và tại sao bố tôi đi thật xa nuôi mộng thành kép hát nổi tiếng.

Tôi không xấu hổ về dĩ vãng đồ nho, lang thuốc của ông tôi hay dĩ vãng sửa chữa xe đạp của bố tôi. Không cần phải sơn son thiếp vàng lên những dĩ vãng ngậm ngùi đó. Với tôi, hôm nay, những dĩ vãng ngậm ngùi đó là một gia tài. Nó luôn luôn nhắc nhở cái gốc gác nghèo khổ của tôi. Nó bắt tôi mãi mãi lương thiện, vươn lên và hãnh diện đi trên những phiền muộn của cuộc đời. Tôi là con nhà nghèo. Chẳng bao giờ tôi quên điều ấy. Bởi vì điều ấy là chiến khu đầy nước mắt khi đời sống thường nhật đã câm chết cảm xúc. Muốn được khóc, tôi thường rút về chiến khu. Và tôi có những giọt nước mắt hạnh phúc. Cám ơn, ngày hồng xưa buồn tủi. thiếu nó, đời tôi hẳn như nước ao tù.

Vì các cô tôi đã đi lấy chồng cả nên gia đình tôi độc chiếm căn nhà ngang ba gian hai trái. Bà nội tôi rất hài lòng vì sự trở về quê cha của bố tôi. Bà tôi nghĩ rằng bố tôi sẽ nối tiếp “sự nghiệp” của tổ tiên! Sự nghiệp gây dựng từ mấy đời gồm những gì? Tôi có thể kể ra khỏi cần sổ sách ghi chép: Gần hai mẫu ruộng nằm ở bốn nơi, mỗi nơi vài sào. Bốn sào ruộng nằm trên khu đất cao, gọi là đồng nội, vụ chiêm trồng ngô khoai, vụ mùa cấy lúa tám. Hai cái ao. Ao trước có xây cầu gạch để tắm giặt, kín nước ăn và thả rau muống quanh bờ. Ao sau thả bèo nuôi lợn. Không nuôi lợn thì bán bèo. Cả hai ao đều có cửa thông ra con ngòi. Mùa mưa cá từ sông di cư về ngòi và định cư ở ao sâu, chờ đến tết, chủ ao tát cạn bắt lên bán cá ăn tết. Một thửa vườn đất khô cằn toàn chuối tiêu. Những cây chuối trồng cốt ý lấy bóng mát che những cây trà. Nhưng trà không ngóc lên nỗi, chỉ còn chuối. Cây ăn trái vỏn vẹn cây bòng chua ê răng và cây ổi gang cùi mỏng dính. Chiếc sân gạch đã lồi lõm hai góc. Cái bể chứa nước mưa rêu mọc xanh rì. Hai cây trấp (sao chẳng là cam hay chanh nhỉ?) trái nhiều song vô tích sự, dùng mỗi việc vắt nước gội đầu. Một cây sung. Một cây khế. Cũng chưa khủng khiếp. Đó, sự nghiệp tổ tiên tôi để lại cho con cháu. Một sự nghiệp rách nát mà bố tôi đang “âm mưu” bồi vá.

Tuần lễ, sau khi chúng tôi dọn dẹp chu tất nơi ăn chốn ở thì trời mưa bão. Bố con tôi xuống chợ Mễ sắm vó cá, nơm, lờ, đó… Tôi có khiếu … tôm tép. Mưa khiến ruộng ngập nước. Các bờ ruộng trắng xóa. Tôm, tép, cá đầy cánh đồng. Chờ mưa ngớt, tôi móc đất dưới ruộng be bờ đó. Trần xì chiếc quần đùi đen, ròng rã mấy hôm dầm mưa dãi nắng, tôi đã be được nhiều bờ đó ngăn nước từ ruộng trên thoát xuống ruộng dưới. Ôi, những cái đập ngăn nước thời tuổi nhỏ. Vĩ đại không thua gì đập ngăn nước Thái Bình Dương (*). Tôi đã tưởng hôm sau, có thể, mang tới đó đơm và sáng hôm sau nữa có thể mang cái giỏ lớn đổ tôm tép. Nhưng toi công be bờ, cái có thể biến thành không thể. Một người dân làng tôi cho tôi biết những bờ ruộng này thuộc quyền đơm đó của ông ta. Ông ta đã đơm đó ở đây từ nhiều năm. Hai mươi bảy năm sau tôi mới được xem phim Đập ngăn nước Thái Bình dương và thấy rõ sự ủ ê của một công trình, của một hoài vọng bị băng rã. Và cảm thấy câu nói tự nhiên của bà mẹ dám đem sức già của mình đòi chế ngự thiên nhiên: Nếu cần, ta làm lại. Hai mươi bảy năm trước, tôi đã tức hộc máu mồm và chỉ biết nghĩ rằng: Nếu cần, ta phá bỏ. Tôi về nhà kể chuyện bị xử ức cho bố tôi nghe. Ông mĩm cười, cầm tay tôi, dùng hai ngón tay béo mạnh miếng thịt non trên cánh tay tôi. Tôi đau một cách tê tê, thích thú. “Con chuột”  nổi ngay lên rồi từ từ xẹp xuống . Bố tôi nói:

- Cánh tay bố hết “con chuột” rồi, tay của người xử ức con chắc cũng thế. Theo ý bố, con nên be những bờ đó khác, đừng phá bỏ những bờ đó con đã be.

Bố tôi đọc hai câu ca dao:

Công anh đắp đập be bờ.

Để cho hàng xóm đem lờ tới đơm.

Và nói tiếp:

- Trước con, đã khối kẻ toi công đắp đập be bờ, sau con, vẫn còn cảnh đó. Vì đó là cuộc đời. Con khó lòng phẫn nộ với cuộc đời. Khó lòng trả thù cuộc đời. Vậy tốt hơn hết con hãy be lại những bờ đó mới gần nhà mình. Bố sẽ giúp con, được chứ?

Tôi hỏi:

- Như thế là hèn nhát, là cam phận chăng?

Bố tôi lắc đầu:

- Như thế là độ lượng, hào hiệp.

- Ai biết mình hào hiệp?

- Mình tự cảm thấy mình hào hiệp. Con ạ. Chưa ai khoe mình là kẻ hào hiệp. Nếu con có một lần hào hiệp, chỉ một lần thôi, về sau khôn lớn, dẫu vì con vô tình hay cố ý gây tội lỗi, con sẽ được an ủi và tha thứ.

Bố tôi luôn luôn làm dịu sự nóng giận của tôi. Giá bố tôi là chú Phương nhớn, ông đã đứng cạnh tôi, hoặc để tranh đấu đòi quyền đơm đó ở những bờ ruộng tôi đã be, hoặc để phá bỏ công lao của tôi. Hai điều ấy, bây giờ, bốn mươi tuổi, đã qua những năm tuổi trẻ hung hăng, đã thấm đau những roi đòn tàn nhẫn, tôi mới nhận thấy chúng chẳng giải quyết được gì. Hạnh phúc đích thực của con người không thể tạo ra bằng phá hủy hay san lấp phẫn uất. Mà phải làm lại hay làm thêm niềm mong muốn của mình trong im lặng và với tâm hồn cao cả. Hạnh phúc không đi đôi cùng thù hận. Mưu cầu hạnh phúc bằng khơi dậy thù hận, hạnh phúc sẽ trốn lũi và thù hận khuynh loát. Và sau rốt, con người chỉ sống với thù hận triền miên. Tôi thương bố tôi biết bao nhiêu. Thương một người, thương những người bình thản chấp nhận oan nghiệt, đau khổ mà không thèm lên tiếng. Lại còn coi những oan khiên trải dài đời mình như niềm hạnh phúc kỳ tuyệt. Nhớ nhiều tới bố vào lúc hoàng hôn đời mình, tôi chợt thấy tôi chỉ là cái móng chân của bố tôi, là thằng nhãi khôn vặt, dại lớn, ưa cáu kỉnh và dễ bị xúi bẩy, phỉnh gạt. Tôi thèm có bố tôi bên cạnh. Phải chi bố đi theo tôi hết đời, tôi đã chẳng bao giờ mang những cái bút hiệu Thương Sinh, Thập Nguyên, Mõ Báo, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ … đê tiện, xách dao cùn tự phong là hiệp sĩ, lộng ngôn “thế thiên hành đạo”, đâm chém bừa bãi, sát phạt tán tàn, tưởng mình vì đời ra tay, biết đâu mình bị bọn vô lại xùy như chó nhào vô gai góc để làm giàu cho chúng. Mình không hưởng mảy may tiền bạc mà chịu đựng tai tiếng xấu xa. Phải chi bố tôi đi theo tôi hết đời. Tôi đã chẳng bao giờ viết những cuốn tiểu thuyết hèn mọn Điệu ru nước mắt, Sa mạc tuổi trẻ, Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang, Trần Thị Diễm Châu, Nước mắt lưng tròng …  mà tôi chỉ viết những Thằng Vũ, Con Thúy  hay những Ngựa chứng trong sân trường, Cầu mơ … Hãy thơ mộng hóa cuộc đời, hãy lý tưởng hóa con người và quên hết mọi xấu xa của cuộc đời. Tôi cổ động những lời giáo huấn của bố tôi thời thơ ấu. Tiếc thay, tôi đã bắt chước con bé quàng khăn đỏ. Con bé ham chơi, còn tôi ham phẫn nộ dọc đường đời. Và chúng tôi đều gặp chó sói. Nhưng chúng tôi được giải thoát đúng lúc. Có phải nhờ tôi đã mang được một kỷ niệm tốt đẹp thuở nhỏ sống với cha mẹ vào đời như văn hào Dostoievski đã nói? Khi tôi biết cho nhân vật của tôi phát biểu “Cách trả thù hay nhất là làm đẹp đời mình” thì chiếc áo trắng toát bố tôi khoác vô người tôi đã lấm chấm nhiều vết đen nhỏ. Như con bồ câu trắng của tác giả Điêu tàn đã bị vấy nhơ bởi vết bùn xa cái chuồng của nó. Và rồi, dẫu cả đời tôi trong sạch, tốt đẹp, tôi vẫn cứ bị nghi ngờ. Cho nên, lời nói thành thật nhất của tôi chỉ là câu an ủi mình, không khiến ai xúc động. Dĩ nhiên, tôi chả cần ai xúc động vì đã nghĩ thiếu tốt đẹp về tôi. Tôi trót “trải mền” xuống cuộc đời rồi. Và tự tôi cảm thấy hồn tôi phơi phới, lòng tôi thanh thản, tôi không xấu xa, vậy là tôi được giải thoát. Bố, cám ơn bố sang tới đời con cháu, chút chít và vô tận.

Tôi nghe lời bố khuyên, be những bờ đó mới. Công phu của tôi được đền bù xứng đáng. Chiếc đó đầu tiên của tôi quyến rũ trọn một đoàn cá giếc. Con to nhất bằng bàn tay. Con nhỏ nhất bằng ngón tay. Đơm đó là hy vọng có tôm, tép hay cá …mại bầu, thứ cá tanh khủng khiếp dùng để nướng cho mèo ăn! Tôi không ngờ lại tóm cả đàn cá. Tôi nhớ như in cái cảm giác một đời chỉ đến với tôi một lần. Hôm ấy, buổi sáng đơm đó, buổi chiều ra ngắm xem có cái trúm nào trệch khỏi miệng đó. Tôi thấy tiếng quẫy mạnh muốn đứt tung chiếc cọc tre cắm sau trúm đó. Trái tim tôi đập mạnh. Bố tôi đã nói “Bất thần sẽ có chú cá quả lọt vào đó, nếu cái cọc sau trúm không chắc, cá quả quẫy mạnh tìm đường thoát thân. Miệng trúm rời miệng đó thì con sẽ chả được gì. Thường thường, rắn nước chui vào trúm, ăn hết tép rồi chết. Con sẽ đổ ra … rắn chết. Bố dặn trước kẻo con thất vọng lớn” . A, đây là chú cá quả. Tôi nhảy vội xuống ruộng, cẩn thận luồn bàn tay tách cái trúm ra rồi bịt kín miệng đó. Rồi nhấc đó lên. Cái đó nặng mấy ký lô. Tiếng cá giãy dụa xoàn xoạt. Nhìn qua kẽ nan nhỏ xíu, mắt tôi hoa lên vì màu của vảy cá giếc. Tôi ôm chặt cái đó vào bụng. Tôi đứng lặng người. Tôi sung sướng lịm hồn. Tôi mê mẫn. Để cực tả nỗi sung sướng đó, tôi có chữ riêng là sướng rên mé đìu hiu . Tôi nhìn trước nhìn sau, nhìn ngang nhìn dọc, sợ có ai cướp cái đó của mình. Chẳng hiểu nghĩ sao, tôi hét to: “Bố ơi, bố ơi, mẹ ơi, mẹ ơi” ầm ỹ. Bố tôi tưởng tôi bị rắn cắn hay ngã xuống ao, hớt hãi chạy ra. Thấy tôi đứng dưới ruộng, ôm cái đó, bố tôi hốt hoảng:

- Cái gì đó, chuyện gì đó?

Tôi thở hổn hển:

- Cá bố ạ. Đầy đó!

Bố tôi thở phào:

- Con làm bố nghẹt thở. Cá thì đem về, sao lại kêu cứu?

Tôi vẫn hổn hển:

- Con… con… sướng quá!

Mẹ tôi đã chạy tới nơi. Biết chuyện, mẹ tôi giục tôi lên. Nhưng tôi cứ chôn chân dưới bùn ruộng. Sau này, tôi ao ước giá được chết ngay trong giây phút sung sướng cùng độ ấy thì tuyệt vời. Tuyệt vời giống cái chết của thằng đoảng vị Lennie của truyện Của chuột và người  của văn hào John Steinbeck. Đã không ai được chết ngay trong nỗi sướng tuyệt vời, kể cả các vị anh hùng, liệt sĩ. Người ta thường chết già, chết bệnh, chết sợ, chết đói, và chết đang lúc thèm sống. Hạnh phúc nhất cho kẻ nào được chết đúng lúc mình cảm thấy mình sướng vô tận. Bởi vì, cuộc sống hiếm hoi một lần sung sướng tuyệt đỉnh mà thừa thãi muôn ngàn lần ê chề tủi nhục. Như tôi, diễn tả lại cái lần sung sướng tuyệt đỉnh của mình chưa nỗi, mong gì gặp nó lần thứ hai. Bố tôi phải nhảy xuống ruộng kéo tôi lên. Tôi ôm khư khư cái đó về nhà. Bố tôi nói đùa:

- Thằng Long tìm được kho tàng châu báu.

Mẹ tôi mắng yêu:

- Cá mà con làm như vàng ấy.

Thưa mẹ.

Hơn cả vàng mẹ ạ. Con nghĩ dù con có một đại dương ngập vàng thoi, vàng nén, bây giờ, con cũng chẳng mua nổi sự sung sướng chứa trong cái đó thời con bé nhỏ. Hiện nay, con của mẹ tự xưng là nhà tỷ phú của tưởng tượng, thế mà, mẹ yêu quý ơi, con vẫn không đủ trí tưởng tượng cho con một miếng hạnh phúc to bằng con cá giếc nhỏ nhất ở đàn cá lọt vào cái đó của con, hồi xưa.

Mẹ tôi lấy cái rổ lớn, bảo tôi đổ cá ra. Tôi ngắm cá, ngắm mãi. Bố tối khuyên tôi đi tắm, thay quần áo. Rồi hai bố con ngồi ở thềm nhà, bố tôi tâm sự:

- Này con..

- Dạ.

- Giá bố đã được ôm cái đó như con nhỉ?

- Mai bố đi đổ đó, bố ạ.

- Không, cái đó trên sân khấu Nam bộ (**) cơ.

Lâu lắm rồi bố tôi mới khơi dậy kỷ niệm xa xăm. Khuôn mặt bố tôi rạng rỡ. Ông đang hình tưởng sân khấu cải lương Nam kỳ, người Nam kỳ, tình yêu Nam kỳ, một lớp lang bỏ dở, câu vọng cổ mùi mẫn, câu xàng xê ngọt bùi. Và ánh đèn, ánh đèn lôi cuốn và đốt cháy hoa mộng tuổi trẻ của ông.

- Giá bố đã được làm kép chính.

- Thì sao hở bố?

- Thì bố sẽ chỉ diễn một lần. Sau đó, bố đổi nghề khác, không hát nữa.

Bố tôi vỗ vai tôi:

- Con ạ. Người ta sẽ buồn bã chừng nào nếu người ta mãi mãi đuổi theo vinh quang.

Bố tôi ngước mắt nhìn ngọn cau:

- Con thích đơm đó là tùy ý con. Nhà mình tuy nghèo, song chưa đến nỗi bắt con vất vả.

Bố tôi không cho tôi phân trần, ông tiếp:

- Những cái đó của con, từ nay trở đi, sẽ chỉ toàn tép. Và rắn nước chết trương bụng. Chẳng có đàn cá thứ hai đâu. Con sẽ không được “sướng quá” như con đã “sướng quá”. Theo ý bố, con đừng đơm đó là nhất.

Tôi nói:

- Con bằng lòng đổ tép mà, bố.

Bố tôi cười:

- Vậy thì bố yên tâm.

Tôi thắc mắc:

- Tại sao bố lại yên tâm?

Bố tôi giải đáp:

- Nghĩa là, sau này, con sẽ không tự tử khi từ lưng voi rơi xuống lưng chó, con sẽ bình thản trước sự thành công cũng như thất bại. Hiểu chưa, chú bé?

Bố tôi đã làm tôi hãnh diện. Ai đã dạy bố tôi? Trường nào đã dạy bố tôi nghệ thuật làm bố? Chắc chắn chỉ là trường đời. Và bố tôi rút tinh hoa để tâm hồn trang trải từ những bài học cay đắng nhất. Tuổi trẻ ngây ngô của bố tôi lãng du trên giòng đời mộng tưởng… Bố tôi đã gối đầu lên thất bại, đạp chân lên sầu đau và bố tôi trở thành một tuổi già dễ yêu. Ông không uống rượu tiêu sầu, không gắt gỏng, không than thân trách phận. Ở hoàn cảnh nào, bố tôi cũng chấp nhận. Bố tôi lo sợ tôi không đủ bản lĩnh ra đời nên gặp dịp là ông giáo huấn, những lời giáo huấn suốt đời chẳng quên. Thành ngữ thời thượng gồm bốn chữ quái ác: Thừa thắng xông lên. Tuổi trẻ của tôi rất nhiều phen thừa thắng xông lên. Khi đã xông lên thì quên lùi về, vì ròng rã hai mươi năm làm đời mình, tôi chỉ biết xông lên. Đến lúc không thể xông lên nỗi, lùi tìm về kỷ niệm cũ, nhớ những lời giáo huấn của bố, thì mình mẩy đã hằn đầy vết roi oan nghiệt. Một phần tại con chim đủ lông cánh viễn du một mình, nó thấy phương trời lạ không giống phương trời lạ bố mẹ nó đã kể cho nó nghe. Bố mẹ nó nói về cái lưới, cái lồng bẫy. Nó khinh thường cái rổ úp trên một nửa cái thước kẻ của đứa học trò. Nó sà xuống đùa giỡn. Chừng cái rổ chụp kín nó, nó mới hiểu lòng bố mẹ nó. Bấy giờ nó khóc.

Bố tôi nói đúng, dẫu tôi bằng lòng trút tép khỏi cái trúm đó nhưng tôi vẫn mong đàn cá giếc tình cờ. Điều ấy tôi buồn mỗi sáng sớm đổ đó. Và hễ cái trúm nào có rắn nước chết, tôi đã cằn nhằn, nguyền rủa. Khi những cái đó hết hấp dẫn, tôi bèn nghĩ tới những cái rọ cá rô. Bố tôi dẫn tôi xuống chợ Mễ mua mười chiếc rọ. Mồi nhử cá rô là lúa ngâm nước gạo chua. Mùa mưa, cá rô từ sông ngòi tràn vào ruộng lúa. Chúng sống ở ruộng, nước rút không thèm về sông. Chờ lúa trổ bông, cá rô nhảy lên đớp lúa sữa. Mua rọ mà chưa biết cách thả rọ. Tôi đã mất một ngày tha thẩn ở đường Lầy xem anh chàng ở Thọ Bi gánh rọ tới thả. Hỏi cách thả rọ, anh chàng “giữ nghề” không nói. Họ hàng quen thuộc quanh xóm nhà tôi không ai thả rọ cá rô. Tôi tình nguyện gánh rọ giúp anh chàng Thọ Bi, anh ta vẫn từ chối. Anh này thả hết gánh rọ, ngồi dưới gốc cây đa canh chừng hoàng hôn mới về làng mình. Tôi nẩy ra một kế. Kiếm cành tre, tôi đánh dấu bờ lúa anh ta thả một chiếc rọ. Buổi tối tôi mò ra đường Lầy, thu hết can đảm để chế ngự nỗi sợ ma thiêng, lội xuống ruộng tìm bằng được chỗ thả rọ. Tôi vốn là đứa nhút nhát mà không hiểu sao tối nay tôi phi thường thế! Biết bí quyết thả rọ rồi, tôi nhắc thử chiếc rọ lên. Mấy chú cá rô đã dính. Tôi quăng rọ, lên đường và chạy ba chân bốn cẳng. Hôm sau tôi anh dũng gánh rọ tới cánh đồng làng mình.

Khoét một lỗ tròn gần bằng miệng rọ giữa bốn khóm lúa, khơi thêm lối vào cho cá. Bỏ xuống cái lỗ một nắm thóc ngâm nước gạo chua. Thả rọ. Chiếc rọ dựng đứng. Dùng lúa ở bốn khóm buộc chặt. Các bạn cá rô đi tìm mồi, thấy lúa khoái quá, chui vào ăn. Ăn xong các bạn ấy nhô lên mặt nước thở chơi. Các bạn cá rô nhô lên qua cái hom và các bạn ấy vướng rọ. Thả rọ cá rô ngon ơ. Qua một đêm, tôi đeo cái rổ lớn và hộp lúa đi đổ rọ. Chiếc rọ thứ nhất cho tôi năm cậu rô béo vàng. Cá rô đồng ngon không thể tưởng tượng. Ngắm nó đã thích mắt. Tới chiếc thứ bảy, cái giỏ đã gần đầy cá. Mỗi chiếc rọ trung bình mười cậu rô. Chiếc rọ thứ chín làm tôi sững sờ. Tôi vừa đụng tay chạm rọ, cá rô đã ào ào giãy dụa. Có lẻ, cả họ hàng nhà cá rô rủ nhau chết tập thể ở cái rọ này. Tôi nắm chặt đuôi rọ, nhấc rọ lên. Đầy nghẹt cá, phải hai cái giỏ mới đủ chứa. Tôi sung sướng nhưng quả thật không đủ sung sướng đến nỗi kêu gọi bố ơi, mẹ ơi! Và cũng chẳng chôn chân dưới ruộng. Tôi chả thèm đổ chiếc rọ thứ mười, mang luôn chiếc rọ đầy cá về nhà. Bố tôi khen tôi có khiếu … cá. Mẹ tôi bảo tôi sát cá. Mười chiếc rọ cá rô của tôi cung cấp thức ăn thừa thải. Mỗi ngày mẹ tôi có một mẻ cá đem bán. Khi lúa vào mẩy, nước cạn dần và cá rô đã hết, tôi thất nghiệp. Việc đồng cũng còn quá sớm. Sau vụ lúa này, những người thuê ruộng của bố tôi mới trả ruộng. Tuy nhiên, bố tôi đã sắm sửa đầy đủ nông cụ để làm vụ lúa chiêm năm tới. Mấy sào đất đồng nội, bố tôi định trồng bông thay vì trồng đậu, trồng khoai như thường lệ. Trong khi chờ đợi đóng vai người nông dân thực thụ, bố tôi lo đắp bờ ao, và họp hành mỗi tối. Người ta mời bố tôi gia nhập đoàn thể này, đoàn thể nọ. Bố tôi từ chối thật khéo. Cuối cùng, sẽ là nông dân, nên bố tôi gia nhập đoàn thể nông dân, không nắm giữ chức vụ nào.

Mùa mưa bão chấm dứt. Trời sang đông. Quê hương thơm lừng mùi lúa mới. Đứng nhìn cánh đồng chín vàng dưới nắng hanh, hai bố con tôi thấy rõ tương lai tốt đẹp của gia đình mình. Bố tôi cảm khái, hát khẽ một bài cải cách ngợi ca “vui đời áo nâu” . Làng cũ chào mừng lãng-tử-bố-tôi bằng cánh đồng được mùa. Bố tôi vẽ ra những mơ ước mới. Cái chuồng bò. Con bò cái. Ao cá đầy. Đống rơm cao. Vườn rau xanh. Đám gà giò. Vài đôi ngan. Năm chú ngỗng... Trước hết, ao cá đầy. Gặt hái xong, dân quê nghĩ chuyện ăn Tết. Tết đến với dân quê sớm nhất ở những cái ao. Người ta tát ao bắt cá lấy tiền ăn Tết. Bố tôi cho tát hai cái ao liền. Ông thuê người đào ao sâu hơn, đất bùn đắp bờ thật chắc và cao. Rồi chú Phương hen quẩy đôi thùng gỗ đi trước, bố tôi đi sau, tới những nơi tát ao, mua cá chép, cá trắm, cá rói về thả ao trước nhà. Bố tôi đúng là người nuôi cá tài tử. Ông không mua cá giống. To nhỏ bất kể, hễ cứ cá chép, cá trắm, cá rói bao nhiêu ông cũng mua. Dân làng biết bố tôi khoái cá qua tiếng đồn. Họ mang đến tận nhà bán. Thế là cái ao trước của bố tôi có ba loại cá. Ao sau, ông mua cá mè nhỏ hàng ngàn con. Cửa ao bố tôi săn sóc cẩn thận. Cá ao nhà không lọt ra đã đành, cá sông cũng khó lọt vào. Bố tôi sợ cá măng xâm lăng sẽ tiêu diệt hết cá nhỏ. Đó là niềm vui mới của bố tôi. Ông thường ngâm vang bài ca dao trở về đồng ruộng của kẻ sĩ lỡ thời:

Văn chương phú lục chẳng hay.

Trở về làng cũ học cày cho xong.

Sáng ngày vác cuốc thăm đồng.

 Hết nước thì lấy gàu sòng tát lên.

Hết mạ ta lại quẩy thêm.

Hết thóc ta lại mang tiền đi đong.

Nữa mai lúa tốt đầy đồng.

Gặt về đập xảy bỏ công cấy cày.

Một hôm bố tôi hỏi tôi:

- Gần làng mình chưa có trường trung học nào cả nên con chưa thể đi học được. Hiện thời con rảnh rỗi, con có dám giúp bố một việc không?

Tôi đáp:

- Thưa bố, việc gì con chả làm nổi.

- Việc này khó.

- Bố cứ việc sai con xem sao.

- Sợ con xấu hổ.

- Con không xấu hổ.

- Vậy sau này con sẽ khá. Việc bố muốn con giúp là kiếm thức ăn nuôi cá mè ao sau. Con biết cá mè nuôi bằng gì chứ?

- Con biết.

Cá mè nuôi bằng phân trâu bò. Đổ cám xuống ao thì tiền đâu cung phụng hàng ngàn con cá. Tôi đành đóng vai thằng nhãi hốt phân trâu bò. Hàng ngày, tôi quảy đôi xảo đi khắp đường làng, dùng hai chiếc xương sườn trâu hốt phân đem về đổ xuống ao. Công việc thật giản dị. Chẳng có đứa trẻ nào chế nhạo tôi. Tôi còn là tấm gương của chúng nó. Bố mẹ chúng nó răn dạy chúng nó: “Mày thấy không. Con trai ông cả Hùng còn đi gắp phân trâu, mày ra cái thớ gì mà lười biếng?”. Mẹ tôi không bằng lòng cho tôi đi gắp phân trâu bò. Bố tôi nói:

- Đáng kể là mấy năm sau, cá mè con nào con nấy to bằng cái mo cau. Nông dân mà sợ phân trâu bò à! Trâu bò ăn sạch và lòng dạ hiền lành, hốt phân trâu bò là vinh dự.

Bố tôi ly kỳ thế đó. Tôi tin những gì bố tôi nói. Vả lại, tôi đã thấy vợ ông quan huyện tản cư về làng tôi đi bán bánh rán, các cậu ấm cô chiêu tập gồng gánh chai vai. Họ không xấu hổ, tại sao tôi xấu hổ? Tôi giúp ích bố tôi, được giúp ích cha mẹ là thỏa mãn rồi. Chắc tôi còn phải học tập nhiều mới trở thành con nhà nông. “Anh từ phương nào lại? Tôi từ đất dấy lên”. Từ đất dấy lên thì bổn phận của nhà nông là làm tốt, làm đẹp đất mình. Bởi cái tương lai muôn thuở của người Việt Nam nằm dưới luống cày. Nhờ có ông bố ly kỳ tôi mới hiểu công việc hốt phân trâu bò của tôi đầy ý nghĩa: Làm sạch đường quê và đầu tư vào ao cá mè.

 Còn Tiếp

 * Barrage contre Pacifique, tên một cuốn phim do Anthony Perkins, Sylvana Mangano, Jo Van Fleet và Richard Conte thủ diễn.

** Từ lúc này, danh từ thời thượng của Nam kỳ là Nam bộ. Bố tôi không gọi miền đất ước mơ của ông là Nam kỳ nữa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn