BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72807)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hôn Em, Kỷ Niệm (7)

01 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 1378)
Hôn Em, Kỷ Niệm (7)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

CHƯƠNG BẢY


 - Chúng ta sẽ gây dựng lại.

Bố tôi đi sâu vào các xóm quê chữa bệnh sốt rét. Vùng này tám mươi phần trăm dân chúng bị sốt rét. Sốt kinh niên. Sốt định kỳ. Cụ già sốt rét. Con trẻ sốt rét. Thần dược ký ninh đã đầu hàng vài trường hợp sốt rét. Dân ở đây nghèo nàn nên bổng lộc của chiến sĩ diệt sốt rét chỉ có tính cách tượng trưng. Tôi muốn giúp gia đình thiết thực hơn. Tôi nhờ mẹ tôi xé cái màn cũ ra từng mảnh to bằng chiếc khăn “mùi soa”, khâu mép lại để làm những chiếc vó tép. Tôi chặt tre về vót gọng vó. Hì hục hai ngày trời tôi tạo nổi cái “vốn” gồm ba mươi chiếc vó tép. Một cái rổ to mắt dầy đựng vài cành tre rậm lá, một cái sào vừa dùng để cất vó vừa dùng để quẩy vó đi, một hộp cám rang thơm phúc, tôi đã hành nghề giữa cánh đồng bao la, từ sáng sớm tới lúc mặt trời lặn. Nước sông lớn không chảy vào làng vì dân làng ngại đào sông. Cống nước sông Trà chỉ mở lấy nước làm mùa. Cá, tôm, tép đã theo nước chảy ùa vào ruộng. Rồi sinh sôi nẩy nở. Từng chiếc vó đặt lọt khoảng trống của bốn khóm lúa, chiếc nọ cách chiếc kia năm thước, ném dúm cám nhỏ vô dử tôm, tép. Thả hết chiếc vó cuối cùng thì quay lại nhất chiếc vó đầu tiên. Những con tép gạo tươi ngon được hất vào cái rổ đựng lá tre giãy dụa xào xạo. Chừng mẻ tép đã khá, tôi thả vó và bưng rổ tép chạy về để mẹ tôi bán. Mỗi ngày, mẹ tôi bán bốn mẻ tép. Mẻ chót, vì chợ tan, mẹ tôi nhặt kỹ và kho với tương. “Đẹp như con tép kho tương. Kho đi kho lại nó trương phềnh phềnh”. Những bữa cơm của gia đình tôi không còn “suông” một nồi nước lòng lợn luộc. Đĩa rau muống, bát nước rau muống vắt chanh, đĩa tép đầy ắp. Tép muôn năm, tép thường trực! Tép trộn nộm rau muống. Tép giã nhỏ nấu canh thay tôm. Tép tiết kiệm ngân sách èo ọt của gia đình tôi.

Mặt mày, tay chân tôi cháy nắng vì ham cất vó tép. Tôi độc quyền tiêu diệt tép ở cánh đồng này. Biết thế nào là dãi nắng dầm mưa, cuộc đời thật ý nghĩa. Thần Đầu gần bãi biển Diêm Điền. Thanh niên, sáng sớm đi câu một loài cá đen thui giống con trạch. Họ câu bằng lưỡi bốn móc và không cần mồi. Họ tung giây rồi kéo lưỡi trên mặt cát. Khi lưỡi câu đụng cá, họ giật ngang cần câu. Lưỡi câu dính vào mình cá. Ban đêm, họ thắp đèn đi khoeo dưới biển với cây đèn bão và cái vợt. Cá thấy ánh sáng, bơi lại đùa giỡn. Họ thả vợt, vớt cá lên bỏ giỏ ngon ơ. Tôi đã từng tham dự một trận săn cá biển hào hứng. Người ta giăng lưới rồi bơi thuyền, đánh trống, khua chiêng, gõ mõ đuổi cá chạy về phía lưới. Nhưng câu cá, đi khoeo bắt cá, đánh cá không phải là chuyện lạ. Chuyện lạ là những cái dấu hiệu xanh đỏ vút lên trời cao từ giữa biển khơi. Tầu chở hàng quốc cấm đậu ngoài khơi Diêm Điền. Nó bắn “xi nhan” báo hiệu cho bọn buôn lậu. “Xi nhan” đó, ở Thần Đầu nom rõ. Nó bắn liên tiếp hai, ba đêm. Và y rằng, hễ có “xi nhan” là con đường ngang nhà tôi tấp nập. Dân buôn lậu biết tin, đổ xô tới. “Xi nhan” đỏ là dầu hỏa. “Xi nhan” xanh là vải vóc. “Xi nhan” vàng là thuốc men . Vân vân ….. Dân buôn lậu đón ở bãi biển. Ca nô chuyển hàng từ tầu vào. Tôi không hiểu họ mua bán bằng tiền giấy cụ Hồ, bằng tiền Đông Dương hay bằng vàng. Có lẽ bằng tiền Đông Dương. Công an khám phá ngay được đường dây buôn lậu này. Họ dựng một trạm kiểm soát cách nhà tôi chừng trăm thước. Đây là con đường hiểm hóc nhất chuyển hàng lậu về thủ đô tản cư Đống Năm và phủ Kiến Xương. Trạm kiểm soát như cái nút chặn kín. Cứ qua khỏi trạm này thì kể như thoát. Công an khám xét kỹ lưỡng. Đêm nay có “xi nhan”, ngày mai dân buôn lậu bị bắt ít nhất vài mạng. dân buôn lậu đổi chiến thuật. Họ thuê trẻ con xách từng chai dầu hỏa qua trạm kiểm soát. Công an, thoạt đầu không chú ý trẻ con, sau họ thấy hằng trăm ông nhóc lũ lượt qua, mỗi ông cầm hai chai dầu hỏa, họ nghi và họ tịch thu hết. Vải vóc, dầu hỏa khó chuyên chở bí mật. Đường dây này chỉ còn hoạt động thuốc Âu Mỹ và vài món cần thiết như Sulfadiazine, Dagenan, Aspirine, và Péniciline… Người ta thuê tôi chở hàng qua trạm kiểm soát. Người ta đã nhờ bố tôi. Ông từ chối. Bố tôi không sợ gì cả, trừ chuyện vào tù.

Người khách buôn lậu nằm ở đây cả tháng chờ “xi nhan” vàng. Ông làm quen  với tôi, mời tôi ăn bún sáo vịt, cho tôi cái bật lửa và gợi chuyện:

- Cháu có hiểu tại sao thỉnh thoảng giặc Pháp bắn “xi nhan” không?

- Cháu hiểu. Mà chẳng phải của Pháp đâu.

Tôi giải thích vanh vách ý nghĩa của từng màu sắc “xi nhan” . Người khách hỏi:

- Tại sao cháu biết rõ?

Tôi đáp:

- Anh em công an nói. Họ chơi với bố cháu.

Tự nhiên tôi ba hoa:

- Bọn trẻ con ở đây khờ lắm. Cháu mà đem hàng, công an không thể biết.

Người khách vỗ vai tôi:

- Cháu thông minh hơn chúng nó hả?

Tôi khoe:

- Cháu đã học thành chung. Đã đọc truyện trinh thám Đoan Hùng, Lệ hằng phục thù ….

Người khách mĩm cười. ông nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Cháu thử đóng vai trò trinh thám một lần xem sao?

Tôi lắc đầu:

- Cháu không dám mang đồ lậu.

Người khách xua tay:

- Nhảm, chú có xui dại cháu mang đồ lậu đâu. Mang đồ lậu rất nguy hiểm. Chỉ đứa trẻ phi thường mới dám nang và thoát lưới công an. À giả dụ cách đây năm mươi cây số, bao nhiêu người đang khốn khổ vì bệnh kiết lỵ mong thuốc Sulfadiazine chữa bệnh mà thuốc đều bị Công an đón bắt, tịch thu. Nếu là cháu, cháu có cách gì mang thuốc thoát khỏi lưới công an?

- Mang nhiều hay ít?

- Mang nhiều.

- Mang đến đâu?

- Khỏi đây một quãng.

- Cháu có cách.

- Cách nào?

- Cháu biết sửa chữa xe đạp, vá chín vá sống săm lốp. Cháu đã vá cả săm ô tô cho ông tài Hùng bên Tiền Hải.

- Rồi sao?

- Cháu rạch một miếng săm ô tô. Nhồi hằng trăm tuýp Sulfa vào, vá lại và bơm căng. Công an không thể biết.

- Cháu “mả” quá.

Người khách chia tay. Hôm sau tôi gặp ông bán gà ở chợ. Hai cái sọt gà của ông chỉ có bốn con. Ông nói thách quá nên không ai dám mua. Ông ta lại rủ tôi ăn bún sáo vịt. Ông hỏi:

- Chú biết nhà cháu rồi. Nhà cháu đại lý thuốc Âu Mỹ.

Tôi đáp:

- Ở ngã ba chợ huyện Tiền Hải, nhà cháu mở cửa hiệu sửa chữa xe đạp.

- Bây giờ mở hiệu bán thuốc, đồ dùng sửa xe đạp còn không?

- Máy bay bắn cháy nhà cháu sạch sành sanh.

- Không còn cái ống bơm.

- Vâng.

- Cái dũa cao su, nhựa vá.

- Không.

- Cái săm xe ô tô?

- Không.

Ông móc túi lấy cho tôi tấm giấy một trăm gạch cua, khen tôi ngoan rồi bảo:

- Lát chú về nhà chú. Vài hôm nữa chú sẽ gánh nhiều gà tới đây bán. Chú sẽ biếu cháu một đôi gà thật đẹp. Cháu đừng nói với ai là chú cho cháu tiền nhé. Cháu ăn quà hết đi. Hết chú sẽ cho tiếp.

Tuần lễ sau, người lái gà quẩy gà tới Thần Đầu. Ông có bạn. Bạn ông chào hỏi tôi niềm nở. Người lái gà tử tế nói:

- Chú không thể cho cháu đôi gà được nhưng chú cho cháu cái săm xe ô tô.

Tôi đem ngay cái săm xe ô tô bơm căng sẵn ra đùa nghịch. Sông xa nhà chứ không tôi đã kéo em tôi cùng đi tắm. Bố tôi không hỏi tôi về cái săm. Tôi vác săm qua trạm gác của công an tới cái hồ cuối làng bơi lội. Liên tiếp vài hôm. Ông lái gà khích lệ tôi tắm hồ. Rồi một đêm, “xi nhan” vàng sáng rực một góc trời. Ông lái gà tìm tôi, rủ đi chơi thơ thẩn. Ngồi dưới một gốc cây đại, ông lái gà nhắc chuyện những người đang khốn khổ vì bệnh kiết lỵ. Ông thở dài:

- Tại sao công an lại cấm bán thuốc chữa bệnh nhỉ? Công an muốn con bệnh chết hết ư?

Ông nghiến răng:

- Không thể được.

Ông vò tóc:

- Ôi, giá chú còn nhỏ bằng cháu. Tiếc thay chú đã lớn, chú đoảng vị, chú đành nhìn con bệnh chết.

Tôi nói:

- Cháu sẽ giúp chú.

Ông nói:

- Cháu chả làm nổi đâu. Khó lắm.

- Cháu làm được. Đã có sẵn cái săm ô tô rồi.

- Bố cháu cấm cháu.

- Cháu dấu bố cháu.

- Nếu công an bắt cháu, cháu nói sao?

- Công an khó lòng biết.

- Nhỡ thì sao?

- Thì cháu bảo cháu lượm được cái săm.

- Cháu có khai là chú cho cháu cái săm không?

- Đời nào.

- Vậy mai cháu đem săm đi tắm hồ thật sớm nhé. Cháu là hiệp sĩ, hang ngàn bệnh nhân mang ơn cháu.

Tôi làm y lời ông lái gà nhân hậu dặn. Người bạn của ông, người này tôi đã gặp, đón tôi ở hồ. Ông đổi cho tôi cái săm mới đã bơm căng, xì hơi cái săm cũ của tôi, buộc nó vào hòn đá lớn rồi liệng xuống hồ. Ông nhắc tôi rằng trong ruột chiếc săm không chứa đầy thuốc nên, nếu chạy hay đi nhanh, tuýp sắt chạm nhau sẽ kêu loảng xoảng và công an để ý. Ông bảo tôi hãy tắm đến xế trưa, vác cái săm về nhà, bước thật nhẹ nhàng, cất cái săm dưới gầm giường và ngày mai trao cho ông lái gà. Rồi ông bỏ đi vội vàng. Tôi bắt đầu lo sợ, tôi run. Trời đầy nắng, tôi còn run. Tôi muốn nằm dài trên bờ hồ, đợi bố tôi tới dắt về. Nhưng bố tôi đã không tới. Hồ rộng mênh mông, ngập nắng vàng. Một mình tôi nhỏ bé với nỗi kinh hoàng khôn tả “Can đảm lên, chú bé” ! Tôi đứng dậy, đeo chiếc săm trên vai. Tôi bước nhẹ, thật nhẹ. Chân tôi, dường như chỉ còn gân. Tôi định quăng cái săm, chuồng về nhà rồi nằm ì ở nhà, không gặp gỡ người lái gà nữa. “Hàng ngàn bệnh nhân mang ơn cháu, cháu là hiệp sĩ”. Bố tôi đã là chiến sĩ diệt sốt rét, tại sao tôi sẽ không là chiến sĩ diệt kiết lỵ? Một lần thôi. Cố gắng một lần. Như đã một lần qua rừng thị. Tôi mím môi. Lần bước trên đường cái. Và thản nhiên, cơ hồ đã tắm chán chê, mệt mõi trên đường về. Qua trạm kiểm soát, bỗng nhiên tôi nhe răng cười hề hề. Buổi trưa công an làm việc nhiều. dân buôn lậu rình thời gian này thoát lưới. Công an khôn hơn. Chẳng ai ngờ vực tôi. Tôi qua mặt công an dễ dàng. Tôi quăng cái săm vào gầm giường và nỗi kinh hoàng làm tôi phát sốt.

Tôi bỏ cơm trưa. Mẹ tôi trách tôi ham tắm nắng . Bố tôi bắt tôi uống một viên Aspirine. Tôi lắc đầu nguầy nguậy:

- Con không bị cảm.

- Thế con bị gì?

- Con…

- Nói đi. Bố sẽ giúp con.

- Con sợ …

- Con sợ gì?

- Con…

- Thấy xác người chết đuối ở hồ à?

- Không. Con không sao cả.

- Con nói dối bố. Chẳng ai nỡ nói dối bố mình cả. Có kẻ giết người, nói dối tất cả, nhưng lại nói thật với bố mình. Vì bố không làm hại con bao giờ.

Bố cầm tay tôi:

- Con có chuyện gì lo sợ.

Tôi vùng ngồi dậy, tung cái chăn đơn, ôm chầm lấy bố tôi:

- Con rất sợ. Con sợ tự sáng. Qua trạm gác con hết sợ. Về nhà con sợ hơn.

Bố tôi xoa tóc tôi:

- Người ta thuê con mang hàng lậu phải không?

Tôi òa khóc. Bố tôi vỗ về:

- Lỡ một bận thì thôi. Từ nay chớ dại dột. Con bị bắt, bố sẽ bị bắt với con và các em con sẽ khổ sở.

Tôi thú tội:

- Hàng còn ở dưới gầm giường, trong cái săm ô tô.

Bố tôi gật gù:

- Hiểu rồi, bố đã hiểu. Nào con hãy kể chuyến phiêu lưu này cho bố nghe xem có hấp dẫn bằng chuyện cất vó tép của con.

Nghe tôi kể xong, bố tôi cười. Nụ cười của bố tôi xua đuổi hết nỗi kinh hoàng của tôi. Bố tôi nói:

- Con không bao giờ là hiệp sĩ cả. Hiệp sĩ thì phải quên thân mình và … không run sợ. May lắm sau này con chỉ là nghệ sĩ. Bốc máu anh hùng trước giờ hành sự rồi lo lắng, ân hận sau giờ hành sự. Con là con gà trống trong bài mật ngọt chết ruồi ở cuốn Quốc văn giáo khoa thư . Chỉ chỗ con cáo cho bố đi.

Tôi chỉ ngay chỗ hẹn với người lái gà. Bố tôi rời nhà ngay. Một lát, bố tôi và ông lái gà có mặt tại nhà tôi. Hai người nói chuyện buôn bán. Tôi được ngồi gần bố. Cạn ly nước trà, bố tôi chậm rãi:

- Cháu nó sẽ trả lại ông chiếc bật lửa, một trăm đồng…

Bố tôi ngó tôi:

- Con trả ông đi.

Tôi hoàn ông lái gà tiền và bật lửa. Khuôn mặt ông ta tái xanh. Bố tôi nói tiếp:

- Và cả thuốc Sulfadiazine nữa, tôi chưa rạch cái săm ra đâu. Bao nhiêu tuýp, Thưa ông ?

- Một trăm.

- Nhiều quá. Ông lãi to.

- Tôi chia đôi lãi, phần ông một nửa.

- Cảm ơn ông. Tôi đã buôn lậu. đã bị bắt. Tôi sợ đến già.

- Ông muốn tính sao?

- Tôi có thể báo công an bắt ông. Nhưng tôi sẽ không báo đâu. Giúp ông được ơn hơn giúp công an. Ông cứ bình tĩnh. Cháu nó sẽ mang hàng tới chỗ nó nhận, bỏ ở đấy và ông sẽ tìm cách tải đi.

- Tôi khó thoát.

- Ông nhận là khó thoát trên đoạn đường này, thế mà ông trả công cháu nó có chiếc bật lửa và trăm bạc.

- Tôi định trả thêm nhiều.

- Ông bịp nó chớ không bịp nổi bố nó.

 - Tôi thề...

- Ông đừng thề, ông bạn. Tưởng tượng con ông bị kẻ lạ mặt dụ dỗ làm chuyện phi pháp, ông sẽ xử sự với kẻ lạ mặt đó ra sao?

- Tôi xin lỗi ông. Tôi thành thật xin lỗi. Tôi xin để tùy ông định đoạt.

- Nếu con tôi bị bỏ tù một ngày thôi, ông đoán nỗi vết chàm trong lòng nó nhỏ, lớn ra sao?

- Tôi rất ân hận.

- Ông ân hận thật không?

- Thưa ông, tôi cũng có một bầy con và chúng đang thiếu thốn.

- Bây giờ ông muốn gì?

- Muốn ông bỏ qua lỗi của tôi.

- Còn hàng?

- Biếu ông tất cả.

Bố tôi cười, giọng đã thân thiện:

- Biếu tôi tất cả, ông lấy gì bù đắp chỗ thiếu thốn của các cháu? Thôi, coi như cháu nó đã “ủng hộ” ông một chuyến. Nó làm “hiệp sĩ” một lần. Ông dạy cháu bài học quý giá, lớn lên nó sẽ thấm thía.

- Tôi biết lấy gì đền ơn ông?

- Tôi mắc nợ cùng khắp, chưa trả nổi món nào, toàn những món không thể trả bằng tiền.

Bố tôi thở dài:

- Những món nợ ở mãi tận Nam Bộ. Ngày xưa, tôi trôi dạt vô Sài Gòn.

Người khách buôn lậu tròn đôi mắt cảm phục. Bố tôi lãng trốn dĩ vãng:

- Ông có thể lấy hàng chưa?

- Ngay bây giờ?

- Bất cứ lúc nào thuận tiện cho ông.

- Sớm mai được không ạ?

- Được chứ. Ông đừng đề phòng bố con tôi. Tôi đã đoán đợc những gì xảy ra ở gia đình ông, nếu ông bị bắt. Trước hết là những tiếng khóc …

Người khách đứng dậy, chớp mắt mau, ông ta bắt tay bố tôi:

- Sau đó, người mẹ dắt lũ con đi kiếm bố.

Bố tôi bị xúc động câu nói đó. Người khách rời khỏi, bố tôi chép miệng:

- Ông ấy buôn lậu vì con cái.

Ông vỗ vai tôi:

- Chúng ta không nỡ ăn hớt cơm của con cái ông ấy. Bài học con sẽ thấm thía chẳng phải là sự dại dột ưa phỉnh nịnh của con nữa. Quên nó đi. Hãy nhớ lòng hy sinh của một người cha. Để con mình đỡ khổ, người ta thường dẫm chân lên nỗi khổ của thiên hạ.

Tôi hỏi:

- Bố không dẫm chân lên nỗi khổ của ông ấy. Tại sao thế?

Bố xoa cằm:

- Vì bố già hơn ông ấy, và vì già hơn nên bố nhiều đau khổ hơn. Người nào nhiều đau khổ, người ấy không nỡ làm người khác đau khổ bằng mình và biết tha thứ những ai muốn mình đau khổ thêm.

Chợt nhớ một điều, tôi hỏi:

- Bố bảo bố đã một lần vào tù vì buôn lậu, hồi nào hở bố?

Bố tôi dứt một sợi râu:

- Lâu rồi. Hồi em Lý chết, bố nằm trong tù. Có một người già hơn bố, đau khổ hơn bố, nhận hết tội, thành thử, bố được tha sớm.

Tôi lặng thinh. Bố tôi đùa.

- Mai con tiếp tục cất vó tép chứ? Lớn lên, con sẽ cất vó tôm rồi vó cá. Chừng đủ sức, con có thể săn cá mập, cá voi. Nhưng nếu con học giỏi, con chả cần dùng sức săn cá mập. Bấy giờ con dùng trí, con bắt cả đàn cá mập ngoài khơi.

Người khách buôn lậu không gặp trở ngại, ông ta thoát mẻ hàng lớn. Ít ngày sau ông về Thần Đầu cám ơn bố tôi, khoe rằng vợ ông đã mở hiệu cơm ở Đống Năm, có dịp bố con tôi sang Đống Năm, nhớ ghé thăm ông ta. Tôi coi cái vụ chuyển hàng giúp ông là một chuyện hy hữu trong đời tôi. Quả thật, tôi đã không học nỗi cái triết lý tha thứ cho những kẻ làm mình đau khổ của bố tôi. Phải vì tôi còn trẻ? Phải vì tôi còn ít đau khổ? Đau khổ? Ôi giá trị của nó vô ngần, tôi hiểu vậy mà tôi vẫn cứ sợ đau khổ. Bao giờ tôi hết sợ đau khổ, bấy giờ tôi mới sung sướng. Và bấy giờ lớp màng xang hằn học tự lột khỏi hồn tôi để tôi có thể thảnh thơi bước lên những phiền muộn của cuộc đời. Tôi không còn chú ý đến màu sắc của “xi nhan”, dân buôn lậu, trạm kiểm soát nữa. Trở về với những cái vó tép bình yên, với những chú tép bé nhỏ. Chờ lớn khôn, và chờ đủ sức cất vó cá.

 Còn Tiếp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn