BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73922)
(Xem: 62311)
(Xem: 39508)
(Xem: 31229)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trường Hợp Nguyễn Khải, Phản Tỉnh: Giả? Thật?

02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 1410)
Trường Hợp Nguyễn Khải, Phản Tỉnh: Giả? Thật?
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54


Nguyễn Khải (1930-2007) là một nhà văn mà con đường sáng tác đã đi theo thời sự một cách rõ nét. Khi miền Bắc đang có phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, ông có tiểu thuyết “Xung Đột”, “Mùa Lạc”. Khi cuộc nội chiến Nam Bắc ở giai đoạn khốc liệt nhất thì ông có ký “Họ sống và chiến đấu”. Sau năm 1975, khi miền Bắc chiến thắng ông có tiểu thuyết “Cha và con, và..”, “Gặp gỡ cuối năm“. Khi rộ lên phong trào đổi mới, lại có “Hà Nội trong mắt tôi”. Và khi gần lìa dời có tiểu thuyết dang vóc dáng tự truyện “Thượng đế thì cười “ và tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất.”. Sự theo sát thời sự như thế nên con đường quan lộ cũng thênh thang và trong đời sống văn học cũng như thường ngày, ông là một người khôn khéo, biết tùy thời, tiến lui nhịp nhàng. Nhiều người đã có những nhận xét khá đặc biệt về ông, như Xuân Sách, đã phác họa:

“Cha và con.. và họ hàng

hết bay mùa thóc lẫn Mùa lạc

cho nên Chiến sĩ thiếu lương ăn

Họ sống chiến đấu càng khó khăn

Tháng ba ở Tây nguyên đỏ lửa

Tháng tư còn đi xa hơn nữa

Đường đi ra đảo đường trong mây

Những người trở về mấy ai hay

Xung đột mỗi ngày thêm gay gắt

Muốn làm Cách mạng nhưng lại dát.”

Xuân Sách đã dùng tên các tác phẩm đề mô tả chân dung Nguyễn Khải: ‘Cha và con , và..”, “ Mùa Lạc”, “Chiến sĩ” ,” Họ sống và chiến đấu”, “ Tháng ba ở Tây Nguyên”, “ Xung Đột”, “Cách mạng”.. Câu kết “ muốn làm cách mạng nhưng lại dát “ đúng nhưng chỉ biểu lộ một phần tâm tính Nguyễn Khải.

Dương Tường, một người biết rõ về Nguyễn Khải đã thổ lộ:

“Nguyễn Khải, như tôi đã cảm nhận, là một “ca” đặc biệt và phức tạp nữa. Trong Khải luôn luôn có hai con người. Một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn. Một Nguyễn Khải hèn nhát và một Nguyễn Khải khinh ghét tay Nguyễn Khải hèn nhát kia. Và sự tranh chấp giữa hai con người ấy không bao giờ ngã ngũ. Vì thế tôi đón nhận bài tùy bút “Đi tìm cái tôi đánh mất”với mối quan tâm đặc biệt, thầm mong đó có thể là một cái gì giống như “ tiếng hót của con thiên nga”..”

Nhưng Vương Trí Nhàn thì nghĩ khác :

“Thế tại sao Nguyễn Khải lại viết” Đi tìm cái tôi đã mất”? Theo tôi, trường hợp này cũng giống như Chế Lan Viên viết “Di Cảo Thơ” hay Tố Hữu tâm sự với Nhật Hoa Khanh. Thực chất cái việc các ông “cố ý làm nhòe khuôn mặt của mình’”như thế này là cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông không bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới. ( Bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã xử dụng.)

Rồi Vương Trí Nhàn đã kể những lới nói giả dối ra sao như: Nguyễn Khải thường tỏ ra coi thường các giải thưởng văn học nhưng thực tế thì lại khác, ông rất bực mình khi có ai phụ họa theo bởi vì ông là người ham hố chức tước và giải thưởng nhất. Hay khi Nguyễn Khải tự đánh gía sự nghiệp văn học của mình như “Cái tài sản tinh thần thâu góp một đời ấy về già nhìn lại thì chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nhạp chẳng có giá trị gì” chỉ là một câu tự khiêm nhường mà nói ra nhưng ông lại nghĩ khác.

Và Vương Trí Nhàn cho rằng sự tranh chấp giữa hai con người Nguyễn Khải chỉ là một trò trình diễn trên sân khấu. Thực tế ông hòa hợp với cả hai, tùy theo trường hợp tiến hay lùi, ông đưa ra con người này hay con người khác để làm hàng. Và “lối nghĩ này đã giúp ông thành công chói lọi trong suốt đường đời, và cho đến chung cuộc của đời sống ông vẫn giữ, không tự khác mình đến một mili-mét”.

Nguyễn Đăng Mạnh trong một đoạn hồi ký viết về Nguyễn Khải có kể lại những câu chuyện khá thú vị. Ông kể vế những câu nói hoặc nhận xét về Đảng Cộng sản, về các quan cán bộ hay các nhà văn nổi tiếng, rất táo bạo:

“Đảng không bao giờ coi trọng trí thức, biến trí thức như Hoàng Xuân Nhị thành hèn hạ. Tôi từng gặp Hoàng Xuân Nhị ở nhà Tố Hữu. Tố Hữu không thèm nói chuyện với ông ta, cứ để ông ta ngồi một mình. Tóc bạc phơ. Tố Hữu chỉ nói với tôi là một thằng còn rất trẻ. Trần Đức Thảo thì bị biến thành một thằng bịnh thần kinh. Sang Pháp bao nhiêu Việt Kiều mời đến, không đến, cứ ở đại sứ quán, tuy bị nó khinh như chó.” Nguyễn Khải đã kể lại như thế.

Hay “Nói chung Cộng sản coi văn nghệ sĩ như rác, Lê Duẩn coi Tố Hữu cũng chỉ như một con hát. Nhưng lại sợ văn nghệ. Vì chỉ dùng tuyên truyền dùng nước bọt mà giành được nước. Chỉ nói, có làm gì đâu. Nói đủ cả, chẳng làm gì. Thí dụ, cứ nói phê bình tự phê bình mà chưa bao giờ phê bình tự phê bình cả. Chỉ toàn đào tạo gia nhân, đầy tớ, bọn nịnh hót. Sợ văn học cũng vì thế. Vì văn nó nói sự thật, nó lật tẩy. Rất sợ biểu tượng hai mặt. Chỉ đề cao văn tuyên truyền, đề cao vè. Thật ra bọn nhà văn nói chung nhát, không dám chống chế độ đâu:

“Chế Lan Viên một thời dựa thế Tố Hữu, cũng hách lắm. Tô Hoài gọi là thằng nặc nô của đảng. Hồi chỉnh huấn văn nghệ sĩ, Chế Lan Viên làm tổ trưởng, nói với Nguyễn Tuân: “Ông tưởng ông to lắm à? Tôi phụ trách ông kia mà! Họp chấp hành, ý kiến của Chế Lan Viên là quyết định. Thí dụ ban chấp hành bàn có nên kết nạp Phan Quang không? Mọi người chờ ý kiến của Chế Lan Viên. Chế Lan Viện đi đái vào, nói “Thằng Thép Mới nó còn được ở ban chấp hành được thì thằng Phan Quang sao không cho vào hội được?” Ai cũng gọi là thằng tuốt. Thằng Nguyễn Đình Thi, thằng Tô Hoài, thằng Hoàng Trung Thông, chẳng sợ ai cả. Không thể đối đáp kịp mồm Chế Lan Viên. Phải về nhà mới nghĩ ra cách bác lại nhưng hôm sau không còn lý do để tranh cãi nữa vì lão ấy đã nói chuyện thân mật..”

Và Nguyễn Đăng Mạnh kể lại lời Nguyễn Khải về cái hách dịch cũng như uy quyền ghê gớm của Sáu Bắc (Lê Đức Thọ) với Sáu Nam (Lê Đức Anh). Hôm ấy Thọ gọi một số văn nghệ sĩ đến hỏi chuyện. Thọ đang tiếp khách. Bọn Khải phải ngồi đợi ở phòng bên cạnh. Lát sau khách ra về. Hóa ra khách là Lê Đức Anh. Nguyễn Khải thấy Lê Đức Anh đi ra, cứ đi giật lùi, giật lùi ra mãi giữa sân mới dám quay đít lại. Thọ tiếp chúng tôi. Đúng lúc ấy thấy Phạm Hùng đi sang. Hùng đề nghị gặp Thọ một lát. Thọ phẩy tay” Để lúc khác nhé. Giờ đang bận tiếp khách văn chương.” Thọ coi Hùng chẳng là cái gì tuy Hùng lúc đó là thủ tướng thay Phạm Văn Đồng..”

Nguyễn Đăng Mạnh kết luận:

“…Ngay sau khi Nguyễn Khải mất, tôi có anh bạn (Hoàng Dung trong Nam ra Hà Nội nói Nguyễn Khải chết không có đất chôn. Đúng ra là không được chôn ở nghĩa địa Sài Gòn (tại Thủ Đức) phải đưa lên nghĩa địa Củ Chi rất xa. Tiêu chuẩn được chôn ở Thủ Đức, ngoài những thành ủy viên hay trung ương ủy viên không kể, phải cộng năm tuổi đảng. Trần Duy Châu nguyên hiệu phó Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, khi chết mới có 58 tuổi đảng không đủ tiêu chuẩn phải đưa đi Củ Chi. Nguyễn Khải tất nhiên cũng phải đưa đi Củ Chi .

Võ Văn Kiệt thấy thế chắc lấy làm xấu hổ nên can thiệp. Ông tuyên bố nhường suất chôn của ông ở Thủ Đức cho Nguyễn Khải..”

Kể ra, một đời theo Đảng, cúc cung tận tụy như thế mà chưa được đãi ngộ thì cũng khá bạc bẽo! Dù rằng, khi cái quan định phận, những nhận xét và phê phán về ông cũng khá nặng nề. Làm văn nô theo Đảng cũng chưa chắc là sướng!

Riêng tôi, khi còn cải tạo tôi đã đọc Nguyễn Khải một truyện ngắn đầu tiên trong một tờ báo cũ nhem nhuốc, một truyện ngắn mà tôi tới giờ vẫn còn gai gai khi nhớ lại. Truyện “ Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân “ viết về một người tù già gần trăm tuổi bị chỉ định cư trú ở nơi sinh quán của mình sau khi cải tạo ra: cụ Vũ Hồng Khanh. Cụ sống với gia đình người con gái cũng hơn bẩy chục và là một gánh nặng cho gia đình ấy. Sống trong cảnh dở sống dở chết, muốn chết mà không được, cụ Vũ được mô tả dưới ngòi bút Nguyễn Khải vừa ác độc lại vừa xót thương cái kiểu giả dối như mèo khóc chuột khiến tôi cảm thấy ghê sợ cho cái tâm tình của người viết văn như thế. Rồi đọc Gặp gỡ cuối năm, rồi Cha và con, và.. rồi cuối là Đi Tìm Cái Tôi đã Mất, quả thực tôi cảm thấy một điều gì hơi ghê ghê hơi khó chịu.Không biết tôi có thiên kiến nào không?

Có người nhận xét nền văn học Cộng sản là một phương tiện để phục vụ cho chế độ. Trong ấn định của đề cương văn hóa, người viết là một thành phần của tổ chức chặt chẽ, được lãnh đạo và kiểm soát của Đảng với đường lối chỉ đạo thống nhất.

Cái nền văn học gọi là văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, theo lời cụ Nguyễn Mạnh Tường, chỉ là cái chuồng giam chật hẹp giam hãm người nghệ sĩ. Trong cái không gian tù túng, thì sáng tạo cũng khó có cơ hội để phát huy.

Sang thời đổi mới của Nguyễn Văn Linh lại dùng chữ cởi trói cho văn nghệ. Chính những người lãnh đạo chế độ cũng thừa nhận có sự buộc trói văn nghệ. Và giây trói chính là những giáo điều công thức cứng nhắc, là những biện pháp đàn áp thô bạo, là những ràng buộc giam hãm, là phương cách đánh rồi xoa rồi lại đánh.. Người cầm bút trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, chắc chắn trong lòng phải chất chứa nhiều nỗi niềm. Văn chương trong nước, như mặc chung một bộ đồng phục, cái chung thì nhàm chán công thức và cái riêng thì lẻ loi mờ nhạt, để tạo thành một nền văn học đơn điệu , nghèo nàn, mà cái giả nhiều khi nhập nhằng thành thật và cái thật thì bị bóp méo hoặc bôi xóa đi. Chân, thiện, mỹ không còn là những bản vị để đánh giá văn chương. Mà thay vào đó, là những yếu tố ấn định từ nhu cầu chính trị. Người nào đi ngược lại đường lối, bị tiêu diệt ngay với những biện pháp tàn bạo và thâm độc. Sự tình ấy, gây ra một không khí khủng bố, và mọi người đầu bị ám ảnh bởi cái sợ lúc nào cũng canh cánh trong lòng.

Do đó, thỉnh thoảng lại có những vụ án văn học, và những nạn nhân của văn tự ấy mang cái tội không án nhưng còn kinh khiếp hơn cả cách tru di tam tộc của thời phong kiến. Sự khủng bố công an trị đã làm cả một xã hội phải thu mình lại và cái sợ đã trở thành cố nhiên đối với những văn nghệ sĩ. Nguyễn Minh Châu, nhà văn, đại tá của QĐ Cộng sản kể chuyện một nhà văn đàn anh (ám chỉ Nguyễn Tuân) một lần nâng chén rượu lên môi với các bạn văn nhỏ tuổi hơn “ Tao còn sống đến bây giờ là nhờ biết sợ “ . Nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất giọt rơi vào lòng. Rồi Nguyễn Minh Châu lại kể chuyện một nhà thơ lớn như Xuân Diệu mà khi viết bộ “Các nhà văn cổ điển Việt Nam” cũng phải rào trước đón sau, làm phên che giậu đỡ rồi mới dám viết.

Cho nên trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa”, ông viết: “Tài năng, nhất là những thiên tài, bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao giờ thì họ đến, nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tị với họ, đừng làm họ thui chột trí tuệ lẫn tình cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta..”

Mà, chúng ta là ai? Là “cũng trong một con người cầm bút, có khi cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn nằm chờ ngày xuống mồ..”

Không biết Nguyễn Minh Châu có qúa lời hay không nhưng trong một môi trường không tự do, lúc nào cũng nem nép sợ “phạm trường quy” thì làm sao văn chương đi xa và đào sâu được. Hơn nữa, lại gây ra trong lòng người cầm bút những mặc cảm, thành sự chán chường u uất. Họ phải chọn lựa con đường mà họ gọi là “phải đạo“, nghĩa là đu giây giữa cái tốt và cái xấu. Có khi họ trở thành văn nô nếu cái danh và cái lợi là miếng mồi béo bở. Nhưng, nếu còn chút sĩ khí , thì cũng không tránh khỏi ngậm ngùi. Giấc mơ tự do sáng tác xem ra xa vời. Xa lắm…

Cũng Nguyễn Minh Châu, cho rằmg đường lối chỉ đạo hẹp hòi và thô bạo khiến cho người cầm bút phải chịu đựng một tình cảnh’ rât thảm đối với nhân cách của một người văn nghệ sĩ”. Ông viết: “Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh.? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn ..”

Trăn trở, suy nghĩ, tự xét lại, phản tỉnh, có thể đó là tình trạng chung của người trí thức. Nhưng, có khi cái giả và cái thật chen nhau đến khó phân biệt. Có khi, là phản ứng thật, của nỗi bức bối phát tiết ra. Và, cũng có khi là của giả. Của những thái độ tính toán trước để che lấp những lỗi lầm của bản thân mình.

Một trường hợp điển hình là Tố Hữu. Một ông quan văn nghệ, lãnh đạo giới cầm bút trong nước và biết bao nhiêu người bị chịu những oan sai đau khổ vì bị hành hạ theo chỉ thị của ông ta. Một nhà văn trẻ, là thương binh, tên là Hoàng Cát, chỉ vì phạm húy khi viết truyện ngắn “Cây táo của ông Lành “mà bị vùi dập, cả đời bị khốn khó, theo dõi vì cái vết tích tì tịch văn chương.Về sau, Hoàng Cát đã kể lại những quãng đời khốn khổ của mình suốt mấy chục năm bị trù úm đầy đọa. Và còn nhiều người nữa với những vụ án văn tự như Hà Minh Tuân, như Lý Phương Liên, như Nguyễn Dậu, như Phù Thăng , .. cũng do bàn tay của Tố Hữu dính vào. Và rõ ràng nhất là chiến dịch “Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận “ với những biện pháp răn đe tàn bạo không án tích không giấy tờ, chỉ là lệnh miệng thôi mà làm bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình khốn khổ.

Nhà văn Hoàng Tiến trong bài Sự Thật Ở Đâu đã viết: “nhà thơ Hoàng Cầm kể rằng, nhà văn tướng quân Trần Độ trưởng ban Văn Hóa Văn Nghệ của Đại Hội Đảng lần thứ 6, tổng bí thư lúc ấy là ông Nguyễn Văn Linh, người đã giúp tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố những câu đáng ghi vào lịch sử văn nghệ” cởi trói cho văn nghệ sĩ”, “các văn nghệ sĩ hãy tự cứu lấy mình”, “không bẻ cong ngòi bút”” dũng cảm trình bày sự thực”..

Trong cái không khí cởi mở ấy qua nghị quyết 5/BCT về văn học nghệ thuật, nhà văn Trần Độ có đến gặp Tố Hữu và hỏi ông về thái độ đối với anh em Nhân Văn Giai Phẩm bấy giờ. Nhà thơ Tố Hữu với giọng trọ trẹ xứ Huế đã nói: “Rất tiếc! Rất tiếc! Hồi ấy tôi đã không tiêu diệt hết chúng nó đi” Trên đường về ông Trần Độ có rẽ vào thăm ông Hoàng Cầm có kể lại câu chuyện trên. Ông Hoàng Cầm đến nay còn sống, yếu lắm rồi, hiện ở số nhà 43 phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Ai có thắc mắc, xin đến đấy hỏi, kẻo rồi ông Hoàng Cầm đi mất, lại thành tam sao thất bản..”

Tố Hữu đã được Xuân Sách mô tả:

“ ta đi tới đỉnh cao muôn trượng

mắt trông về tám hướng phía trời xa

chân dép lốp bay vào vũ trụ

lúc trở về ta vẫn là ta!

Từ ấy trong tôi bừng tiếng hát

Trông về Việt Bắc tít mù mây

Nhà càng lộng Gió thơ càng nhạt

Máu ở chiến trường Hoa ở đây.”

Xuân Sách đã dùng tên nhan đề những tập thơ của Tố Hữu: Ta Đi Tới, Việt Bắc, Gió lộng, Việt Nam Máu và Hoa.. để nói về tác giả của nó: tham vọng, thủ đoạn, giả dối, chức thì lớn nhưng thơ thì nhạt, bởi cái tâm không tốt.

Tố Hữu cũng là một mẫu người “nịnh trên nạt dưới” đã viết những câu thơ ô nhục như viết thơ khóc lãnh tụ đỏ Stalin:” Tiếng đầu lòng , con gọi Stalin ..Thương cha thương mẹ thương chồng / thương mình thương một, thương ông thương mười “

Và, trong đám nịnh thần làm thơ tôn vinh Hồ Chí Minh có Tố Hữu đứng đầu:

“ nhớ chân người bước lên đèo

Người đi rừng núi

Trông theo bóng người

Lòng ta ơn Bác đời đời..”

Hay:” Bác ơi tim Bác mông mênh thế

Ôm cả non sông , mọi kiếp người

.. Bác để tình thương cho chúng con

một đời thanh bạch chẳng vàng son

mong manh áo vải hồn muôn trượng

hơn tượng đồng phơi

những lối mòn…”

Con người Tố Hữu là như thế nhưng cũng có lúc nghĩ lại. Gọi là trăn trở một chút, phản tỉnh một tị. Đọc Bài phỏng vấn “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng “ của Nhật Hoa Khanh sẽ thấy. Bài này được đăng thành nhiều phần nhỏ trong các báo khác nhau như Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong Chủ Nhật, Người Hà Nội.. bài phỏng vấn này thực hiện năm 1997, nhưng đến khi được phổ biến thì bị bà Vũ Thị Thanh là vợ của ông Tố Hữu phủ nhận cho đó là những tài liệu giả mạo “pha chế nhiều ý kiến riêng, mượn danh Tố Hữu, biến Tố Hữu thành người phát ngôn cho ý mình khi phát hành cuốn sách “ Tố Hữu,- Người Cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng” .

Thực hay giả, đúng hay sai chỉ có người đã nằm dưới mồ là Tố Hữu và người phỏng vấn là Nhật Hoa Khanh biết mà thôi. Nhưng, tại sao giả mà lại được các tờ báo coi như chính thống của Đảng phổ biến và Nhật Hoa Khanh trước sau im lặng không trả lời . Hình như có một điều gì bất thường..

Có người cho đó là một phản tỉnh của Tố Hữu. Lúc bị thất thế, suy nghĩ của ông ta đã thay đổi, như những bài thơ sau này bớt giọng sắt máu hoặc những câu chuyện Phùng Quán kể khi đến thăm ông tại nhà.

Đọc bài phỏng vấn, độc giả sẽ thấy có một Tố Hữu khác, một người khác xa với hình ảnh của một đồ tể văn học, một ngươì làm thơ có tâm hồn nhân ái, một trí thức có đầu óc phóng khoáng cởi mở, một nghệ sĩ trân trọng chữ nghĩa và tôn trọng những người cầm bút. Nhắc đến những người mà hồi trước là nạn nhân của ông, là đích nhắm để ông hành hạ, thì ông lại khen ngợi không tiếc lời. Với những người mà hồi trước ông lên án và nguyền rủa như Phan Khôi, Trần Dần, Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang.. thì bây giờ ông lại đề cập đến với những lời nồng hậu nhất. Không hiểu, có muộn màng không? Với những người đã chết vì bị đày đoa…

Trong bài phỏng vấn, Tố Hữu nói: “ .. Họ tung tin ông Tố Hữu chỉ đạo ban nọ ban kia hoặc báo này báo khác “đánh” Búp Sen Hồng mà tôi vừa nói ở trên. Họ dựng đứng chuyện ông Tố Hữu cắt bỏ câu “Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Họ ném hỏa mù: ông Tố Hữu “ đánh” Quang Dũng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyên Hồng, Tô Vũ, Phùng Quán, Phùng Cung, Trương Tửu, Phan Khôi, Đào DuyAnh, Phan Ngọc, Nguyễn Hữu Đang, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo,…Họ vu khống Tố Hữu đánh cả Nguyễn Đình Thi, chỗ ngồi của anh Nguyễn Đình Thi ở đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ ba là do Tố Hữu quyết định..”

Có nghĩa là bọn xấu “cáo mượn oai hùm” nó làm và Tố Hữu không có trách nhiệm gì hết!!! Hơm thế nữa, còn khen ngợi nữa kia. Như nói về Văn Cao: “Văn Cao còn là một nhà thơ xuất sắc, một họa sĩ độc đáo, một nghệ sĩ suốt đời trung thành với dân tộc và với Đảng..”

Nói về Quang Dũng và Hoàng Cầm:

“ Cần đánh giá lại, đánh giá thật cao giá trị thơ QuangDũng trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Quang Dũng là một trong những các nhà thơ đàn anh trong văn học Việt Nam thế kỷ 20. cũng cần nói thêm, Quang Dũng cón là một nhà văn sắc sảo về nội dung và điêu luyện về ngôn ngữ…”

‘..Hoàng Cầm ngời sáng cả trên lãnh vực thơ lẫn kịch bản thơ. Chưa kể anh còn là một trong những nghệ sĩ ngâm thơ vào loại vô địch không kém gì Phùng Quán,,”

Nói về Trần Dần:

”Cũng như thơ Quang Dũng và Hoàng Cầm, thơ Trần Dần có nhiều đổi mới về nội dung và nghệ thuật, đồng thời là tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc và phản chiếu cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Văn xuôi của anh. Người người lớp lớp, về căn bản có giá trị hiện thực chiến đấu rất cao, Người người lớp lớp, là một khẩu pháo binh chúng pháp của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Nên sớm tái bản..”

Nói về Phan Khôi:

”Về cụ Phan Khôi, phải đánh giá lại. Không thể quên được hình ảnh gương mẫu và nồng nhiệt của cụ trong đội quân văn nghệ kháng chiến chống Pháp. Không thể bỏ qua được những kết quả của cụ trong việc đổi mới thơ Việt Nam trước khi xuất hiện phong trào thơ mới. Phan Khôi còn là một học giả về văn học Trung Quốc. Muốn hay không, cụ cũng đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học nước ta thế kỷ 20..”

Nói về Nguyễn Hữu Đang:

”Suýt nữa tôi quên mất anh Nguyễn Hữu Đang người được bác Hồ trao cho nhiệm vụ trọng đại Trưởng ban Tổ Chức lễ Tuyên Ngôn Độc Lập mồng 2 tháng 9 năm 1945. Anh Đang suốt đời trung thành với bác Hồ và với lý tưởng Độc lập Tự Do của dân tộc. Anh Đang đóng góp nhiều cho ccah mạng những đóng góp lặng lẽ. Anh Đang có nhiều hy sinh đáng quý. Những hy sinh ấy chính là tấm gương ngời sáng treo cao trước mặt chúng ta ..”

Thực? Giả? Có phải đó là trăn trở phản tỉnh của Tố Hữu hay chỉ là sự vớt vát, hỏa mù.? Nếu là thật thì bao nhiêu việc làm từ trước của Tố Hữu có hậu quả tồi tệ ra sao? Thành ra, có thể đó là những lời phản tỉnh của Tố Hữu, nhưng sau khi ông từ trần đem ra phổ biến thấy không có lợi cho Đảng nên mới có sự phủ nhận. Dẫu sao, dù thực hay giả, sự kiện này cũng nói lên được cái hại của sự chuyên chế đối với dân tộc ở cả mọi phương diện kể cả văn chương…

Một trường hợp phản tỉnh khác, nửa hư nửa thực là Chế Lan Viên với Di Cảo Thơ. Ông Chế là một trong những nhà thơ đứng đầu của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trước 1945, ông nổi tiếng với tập thơ Điêu Tàn , có một phong vị văn chương khác với mọi người với ngôn ngữ và ý tưởng gợi lại một thời đại nào của một dân tộc thời suy vi tăm tối và bị diệt vong. Nhưng đi xa hơn, thơ của ông cũng làm chạnh nhớ tới tình trạng của dân tộc Việt đang bị Thực dân Pháp đô hộ. Sau 1945, Chế lan Viên là một nhà thơ có nhiều tập thơ được coi là có giá trị nghệ thuật. Với loại thơ chính luận, ông tạo được sự thành công nhất là phù hợp được với đường lối và quy định của văn học của Đảng đề ra. Xuân Sách phác họa chân dung Chế Lan Viên:

”Điệu Tàn ư? Đâu chỉ có Điêu Tàn

Ta nghĩ tới Vàng Sao từ thuở ấy

Chim Báo Bão lựa chiều cơn gió dậy

Lựa Ánh Sáng trên đầu

Mà thay đổi sắc Phù Sa

Thay đổi cả cơn mê

Ai dám bảo con tàu không mộng tưởng

Lòng cũng như tàu ta muốn uống

Mắt anh em trong suối cạn Hội Nhà Văn.”

Điêu tàn, Vàng Sao , Chim Báo Bão, Ánh Sáng và Phù Sa, là tên những tập thơ của Chế Lan Viên. Hình như, Xuân Sách muốn ví họ Chế như một con tắc kè, biết thay đổi màu sắc trên bộ da của mình tùy trường hợp. Và, thâm ý còn muốn ví ông như một nhà thơ cơ hội, lựa chiều gió để nương theo tạo danh vọng..

Chế Lan Viên viết Di Cảo Thơ, cũng có nhiều bài suy tư về thân phận của người nghệ sĩ trong một thời đại bây giờ. Nhưng, có nhiều người xổ toẹt và coi đó như một món hàng mạo hóa. Nguyễn Duy, khi sang Mỹ du lịch khi được hỏi về DI Cảo Thơ thì nói một câu:” Đến chết rồi mà Chế Lan Viên còn chơi một “quả“ đích đáng . Ông còn muốn lừa cả chính ông ta..”

Đọc Di cảo Thơ, những bài như Bánh Vẽ, như Trừ Đi, .. , thấy được tâm sự. Nhưng, có phải thật lòng không, thì không ai đoan chắc. Ở một xã hội, mà nói láo là chuyện tự nhiên thì có khi người nói láo tưởng mình nói thật.

Bài Bánh Vẽ :

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ

thế mà anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

cầm lên nhấm nháp

chả là nếu anh từ chối

chúng sẽ bảo anh phá rối Đêm vui!

Bảo anh không còn có khả năng nhai

Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc

Thế thì còn đâu dịp nhai thứ thiệt

Rốt cuộc anh ngồi lại vào bàn

Như không có gì xảy ra hết

Và những người khác thấy anh ngồi

Họ cũng ngồi thôi

Nhai ngồm ngoàm.”

Đọc Bánh Vẽ, nhớ lại câu nói của Hoàng Ngọc Hiến khi giải thích về những hiện tượng ngược đời có vẻ phi lý mà là sự thực ở Việt nam . “ở nước ta nó thế “. Khi cái thực và giả không phân biệt, khi dối trá là phương tiện để cai trị dân chúng, thì Bánh vẽ của Chế Lan Viên dề cập hay cái” khải hoàn môn “ chiến tranh mà Dương Thu Hương nói đến trong Tiểu Thuyết Vô Đề, cũng là chuyện bình thường ..

Đọc bài Trừ Đi với phụ chú “ sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ “:

“Có phải tôi viết đâu? Một nửa

cái cần viết vào thơ tôi đã giết đi rồi

giết một tiếng đau, giết một tiếng cười

giết một kỷ niệm, giết một ước mơ

Tôi giết cái cánh sắp bay..trước khi tôi viết

Tôi giết bão táp ngoài khơi

Cho được yên ổn trên bờ

Và giết luôn mặt trời lên trên biển

Giết mưa và giết luôn cỏ mọc trong mưa luôn thể

Tôi viết bằng xương thôi không có thịt của mình

Và thơ này rơi đến tay anh

Anh bảo đấy là tôi?

Không phải!

Nhưng cũng chính là tôi- người có tội

đã giết đi bao nhiêu cái

có khi không có tội như mình”

Di Cảo Thơ, có phải là những trăn trở thực sự cuối đời hay chỉ là những giả dối để hy vọng những đời người sau bỏ quên đi những lầm lỗi một đời. Chế lan Viên đã mang kỹ thuật của ngôn ngữ ở trình độ cao của ông để bù đắp vào cái tâm có lẽ không trong sáng lắm. Có người nói, tài thì làm chi vì “cái tâm kia mới bằng ba cái tài” !! ..

Bây giờ, ở trong nước đã đổi mới. văn học, cũng có nhiều thay đổi . Nhưng, xem ra cũng chưa được khả quan mấy. Tự do sáng tác xem ra vẫn còn xa vời. Vẫn còn những chuyện chỉ đạo văn chương. Vẫn còn chuyện người cầm bút là một thứ công chức, ăn lương Hội Nhà Văn. và Hội Nhà Văn là một cơ quan đặt ra để kiểm soát văn nghệ sĩ. Và, vẫn có nỗi niềm ấp ủ, vẫn có những bức xúc trước tình cảnh văn học hiện nay. Phản tỉnh hay phản kháng, cũng là một phản ứng tất nhiên của người cầm bút có sĩ khí…

Nguyễn Mạnh Trinh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn