BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73927)
(Xem: 62313)
(Xem: 39508)
(Xem: 31231)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Buổi nói chuyện với công an TPHCM ở trại giam An Phước

07 Tháng Mười Một 20239:13 SA(Xem: 1037)
Buổi nói chuyện với công an TPHCM ở trại giam An Phước
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Trước khi tôi ra tù hai ngày, CA TPHCM có lên trại giam An Phước gặp tôi. Khoảng 11h30 trưa ngày 27/3/2023, em quản giáo đội tôi chở tôi ra phòng thăm nuôi để gặp họ. Hai viên công an từ Sài Gòn lên, một người nói chuyện trực tiếp với tôi và người kia làm thư ký ghi biên bản. Chứng kiến buổi nói chuyện có em quản giáo đội tôi và phó giám thị phân trại số 1, trại giam An Phước, quân hàm trung tá.

huynhthitonga

Sau khi chào nhau, viên công an nói anh ta và đồng nghiệp lên gặp tôi để xem tôi có nguyện vọng gì trước khi ra tù, cần hỗ trợ gì để hướng dẫn cho tôi thủ tục. Anh ta nói về việc xóa án tích sau khi ra tù, nếu hết thời gian quản lý sau chấp hành án, tôi cần thì làm hồ sơ XIN xóa án tích. Tôi hỏi anh ta, tại sao đến thời gian xóa án tích các anh không hỗ trợ hồ sơ cho chúng tôi mà chúng tôi phải làm hồ sơ xin? Anh ta trả lời, vì thời gian của chị thì chị nắm và chủ động chứ chúng tôi làm sao biết mà làm cho chị. Tôi nói, vậy tại sao các anh biết rõ thời gian tôi ra tù mà lên gặp tôi, trong khi lại không biết khi nào tôi được xóa án tích? Anh ta làm thinh nhưng khó chịu ra mặt.

Anh ta hỏi tôi, tôi có nguyện vọng gì không? Tôi đáp, tôi có nguyện vọng duy nhất trước khi ra khỏi tù là mong muốn tù nhân được cải thiện chế độ dinh dưỡng và được giảm bớt thời gian lao động. Không chỉ riêng cho trại An Phước mà cho tất cả các trại giam trên đất nước.

Tôi đã đọc qua quy định về chế độ dinh dưỡng và vật dụng cho tù nhân dành cho trại tạm giam và trại giam, áp dụng cho toàn quốc. Chế độ ăn quá nghèo nàn dinh dưỡng, và hầu như tù nhân không thể ăn nổi, trong khi họ phải lao động cật lực, nếu cứ duy trì như vậy, những tù nhân không có gia đình nuôi, họ không thể chịu nổi, bệnh tật và có thể chết trong tù. Các trại giam lấy quy định này làm cơ bản, có thể linh động phát thêm cho tù nhân trong trại tùy theo quy định của trại, nhưng đa phần, trại nào cũng duy trì chế độ nghèo nàn đúng theo quy định của nhà nước đưa ra chứ không hơn gì.

[Tệ hơn, cụ thể như trại tạm giam B5 – Đồng Nai, thời tôi còn tôi còn ở đó, chế độ bình thường nhà nước đưa ra đã ngặt nghèo, vào tay họ, họ còn rút bớt xuống. Thực phẩm họ mua về nấu cho tù ăn, nói là mua nhưng tôi nghĩ là đi gom rác về, vì nó 100% là thực phẩm bẩn, thịt heo loại cũ, ương thối và dai như cao su, rau củ thì toàn là rau củ thối, già, nấu thành canh nước canh cứ đen như bùn, đồ ăn múc ra là nghe mùi thối nồng nặc. Cơm nấu bằng gạo cũ, cứ nghe mùi mốc. Quanh năm, ngày nào cũng y như nhau. Như vậy, hỏi làm sao con người ăn được, chó mèo còn chê. Tôi ở đó mười ba tháng, từng “nuốt” qua loại thức ăn như vậy. Những người từng ở B5 cùng thời điểm sẽ chứng nhận được tôi nói không sai chút nào. Không biết bây giờ họ đã cải thiện hơn hay vẫn y như vậy, thật sự trại tạm giam B5 là 1 trong những trại hà khắc nhất, cho tù nhân ăn uống còn thua con vật, ăn thực phẩm bẩn như vậy chỉ đem lại bệnh tật. Trại An Phước là trại lao động, họ tuân thủ nghiêm ngặt theo chế độ nhà nước đề ra, không rút bớt (vì đã ngặt nghèo rồi), thực phẩm bình thường, một tuần 3 ngày có thịt, với 2 miếng thịt nhỏ kho với muối, 2 ngày cá khô (hấp chứ không được chiên), 2 ngày cuối tuần, mỗi ngày 1 cái trứng gà luộc, rau muống do trại trồng, luộc cho tù nhân ăn quanh năm.

Tôi có quan điểm, chính mình phải trải qua mới hiểu thấu được nỗi khổ của những tù nhân án xã hội. Vậy nên tôi từng ăn như họ, vào trại giam An Phước, tôi lao động, càng cực nhọc, càng thấu hiểu càng thương họ hơn, mặc dù án chính trị lao động nhẹ hơn họ. Phạm tội là một lẽ, nhưng thay vì được giáo dục, được chỉ dạy để hiểu biết cái sai sau này không tái phạm nữa thì họ bị đày đọa với chế độ hà khắc, một mặt nhà nước thu tiền từ sức lao động của họ, một mặt làm vậy cho họ sợ. Sợ đâu không thấy, chỉ thấy đa số họ “lì” hơn sau thời gian ở tù, vì khổ vậy còn chịu đựng được thì còn gì để sợ nữa. Trở về với xã hội, họ không biết làm gì để sống, xin việc sẽ rất khó khăn vì sự kỳ thị lý lịch, nên đa phần tái phạm tội sau khi ra tù. – Đoạn này do tôi viết thêm cho các bạn đọc, không nằm trong nội dung trao đổi với công an].

Anh ta nói, đó là luật, nhưng anh ta sẽ đề xuất ý kiến của tôi. Tôi nói anh ta, luật là do các anh đưa ra, nếu không hợp lý thì sửa, con người là sống, luật là chết, không thể đưa luật ra để bao biện. Anh ta nói, có dạng người trong xã hội, lười biếng lao động tối ngày chỉ ngửa tay xin tiền, làm sai mà không biết mình sai. Tôi hỏi, anh nói những người đó là ai? Các anh chỉ nhìn sự việc được như vậy, còn những bất công trong xã hội, các anh nói thế nào? Tôi công nhận xã hội có tỷ lệ những người như anh nói, nhưng không phải đa số. Còn những người chúng tôi, vào tù vì lý do gì? Anh ta nói, tôi nghĩ chị biết, tôi khuyên chị, đã sai rồi, sau này đừng sai nữa. Tôi cười, đến giờ các anh vẫn vậy, bản thân tôi chưa từng vì cá nhân mình mà bước vào con đường này, các anh chắc biết rõ. Tôi sai chỗ nào, đấu tranh cho bất công trong xã hội, xây dựng đất nước là sai sao? Cả tôi và anh ta bắt đầu lớn tiếng với nhau, anh ta nói, luật là luật, sống ở đất nước này phải tuân theo luật pháp của nhà nước. Tôi nói, luật của các anh chứ không phải của người dân, đừng lấy luật của các anh áp đặt lên người dân. Luật không đúng thì phải sửa luật.

Thấy tình hình căng thẳng, quản giáo và giám thị can ngăn, họ nháy mắt với anh ta, nói để tôi về nghỉ trưa, trễ rồi. Anh ta nói không sao, còn gặp tôi nhiều lần nữa. Anh ta nói với tôi, tôi đảm bảo với chị, ý kiến của chị sẽ được tiếp thu, sắp tới chị sẽ thấy đề xuất của chị được cải thiện. Tôi đáp, nếu các anh làm được, bây giờ tôi thay mặt các tù nhân cám ơn anh trước. Tôi sẽ chờ xem thế nào.

Anh ta kêu tôi ký vào biên bản buổi nói chuyện, tôi không ký, tôi nói đây là do các anh chủ động gặp tôi, buổi nói chuyện này không phải buổi làm việc, tôi không có nghĩa vụ phải ký biên bản. Anh ta nói, nếu chị không ký thì đề xuất của chị không có giá trị. Tôi nói, nếu các anh thương dân, thương tù nhân thì các anh biết làm thế nào cho họ, không phải vì chữ ký của tôi thì mới làm được, tôi không nghĩ chữ ký của tôi có giá trị đến vậy!

Tôi viết lại buổi nói chuyện này, để nhắc cho các anh về trách nhiệm đã hứa, không biết lời hứa đề xuất SẼ CẢI THIỆN chế độ dinh dưỡng và lao động cho tù nhân của các anh kéo dài đến bao giờ?!

Nov 6, 2023
Huỳnh Thị Tố Nga

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0VKDx8Hjakh43Q5xjYai8pFqPUY3gVb3yuU4yCXxJijAinhKGr

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn