BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72631)
(Xem: 62055)
(Xem: 39151)
(Xem: 31020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Suy nghĩ vụn vặt quanh ngày 17 tháng Hai

18 Tháng Hai 20217:35 SA(Xem: 1204)
Suy nghĩ vụn vặt quanh ngày 17 tháng Hai
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Cuộc đời của chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng.

Martin Luther King

Điều còn lại là lên tiếng như thế nào trước một thực trạng xã hội hiển hiện những phi lý, phi pháp, phi nhân trên mọi lĩnh vực như xã hội Việt Nam hiện nay, đặt trong ngày 17 tháng Hai - tưởng niệm 42 năm tính từ 1979 mà mới đây báo Thanh Niên đặt tựa "42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Đánh trả quân xâm lược Trung Quốc" [1].

chientranhbiengioi1979Langson
Lạng Sơn - 1979


Có lẽ không ai muốn cuộc đời mình cùng gia đình, bạn bè kết thúc theo hướng mở (nghĩa là cái kết thúc ai muốn nghĩ kiểu gì thì nghĩ) hoặc tệ hơn là cái kết thúc của "Buổi Sáng Ảm Đạm" trong bộ phim "Con Đường Đau Khổ" dựa theo nguyên tác của nhà văn Nga Aleksey Tolstoy (1883-1945).

Bộ phim kết thúc với cảnh nhà hát lớn ở Moskva đang diễn ra hội nghị toàn Nga thông qua kế hoạch "điện khí hóa nước Nga" với sự xuất hiện cả 4 nhân vật chính trong tác phẩm cùng lời nói của Rotsin với Katia: "Em có biết không, mọi cố gắng của chúng ta, máu đã đổ ra vì tất cả những đau khổ thầm lặng không ai biết đến, nó có ý nghĩa lớn lao biết chừng nào! Thế giới sẽ được cải tạo lại vì những mục đích tốt lành".

Thật vậy, sau những trăn trở, thao thức và nếm trải cuộc đời, các nhân vật chính của tác phẩm nói trên đã có sự lựa chọn mà họ cho rằng đúng đắn vào xã hội cụ thể lúc đó. Họ đã tìm được con đường đi của riêng mình. Cái đáng tiếc là sau đó, khán giả không biết họ sẽ tiếp tục sống như thế nào, sau khi đã vượt qua đoạn đường mà họ cho là "Con Đường Đau Khổ".

Bộ phim và tác phẩm này, trong những năm 1979 - 1982, trở nên đình đám nhất ở Việt Nam khi trình chiếu, nó đã gây nhiều xúc cảm và bình luận trong giới nhà văn, điện ảnh, phê bình, cả đối với người mộ điệu.

Thuở ấy, nhiều người ao ước giá như có ai đó tiếp tục câu chuyện để xem thử hai chị em Katia và Dasa cùng hai ông chồng như thế nào thì hay biết mấy, cũng có người nói, nó kết thúc theo cách cần kết thúc, không nên đòi tiếp theo một "hậu Roméo và Juliette" (lúc đó chưa có "Hậu Cuốn Theo Chiều Gió"). Quả đúng vậy,  khi "Hậu Cuốn Theo Chiều Gió" xuất hiện trên văn đàn thế giới, đã làm giới mộ điệu thất vọng.

Thuở hơn 40 năm về trước, thế hệ chúng tôi trẻ quá. Cùng với tuổi trẻ là sự năng nổ, tự tin, nhiệt huyết, thích cống hiến và muốn khẳng định như bao thanh niên khác.

Phải thừa nhận lúc bấy giờ, người CSVN quá thành công, khi tạo ra một thế hệ hừng hực và vô cùng háo hức, không chỉ đến từ "Con Đường Đau Khổ" mà còn với Paven trong "Thép Đã Tôi Thế Đấy" thật sự "đầy lửa", thể hiện bằng những chương trình do Tổng đội Thanh Niên Xung Phong một thời phát động mà bài hát "Em Ở Nông Trường, Em Ra Biên Giới" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mô tả đầy tinh thần"lạc quan cách mạng" (!).

Thuở ấy, các nhóm nhạc (boy bands, girl bands) ra đời tới tấp mà nhóm nào cũng chung chủ đề "Ca Khúc Chính Trị" với tên tuổi lẫy lừng, giờ này nhắc lại có lẽ chỉ còn nữ ca sĩ Cẩm Vân của một thời, nhiều người còn nhớ.

Thời đó, thông tin vô cùng nghèo nàn, lạc hậu với kỹ thuật rất thô sơ, tôi đã không rõ về cuộc chiến với Tàu Cộng, chỉ biết nhiều bạn bè tôi nằm xuống ở chiến trường Tây Nam, đôi đứa về lại được Sài Gòn lành lặn, cũng có đứa về mà thiếu một cái gì đó trên thân thể và sống dựa vào gia đình...

Một thằng bạn tôi quyết làm sao theo cho được đám bạn bè và noi gương cha anh bằng đợt tuyển quân máu lửa nhất lúc bấy giờ được gọi tên là đợt tuyển "Hồng Binh", những ai đã chứng kiến một thời những năm 78, 79 sẽ còn nhớ, đặc biệt ở Sài Gòn. Đó là những năm mở đầu cuộc chiến.

Ba của thằng bạn nói trên, lúc đó đã nghỉ hưu, một Việt Cộng nằm vùng thứ thiệt, thuộc cánh của Trần Hải Phụng, Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định (1961-1967 và 1972-1974), khi biết được nó đăng ký theo đợt "Hồng Binh" để ra chiến trường Campuchia, đã kêu nó vào phòng riêng của ông, đóng cửa lại. Hai cái tát như trời giáng vào mặt, làm nó xây xẩm, choáng váng, kèm với một câu lạnh lùng: "Đi rút lại ngay, nếu không tao cấm cửa mày từ nay về sau, không được bước vào căn nhà này!".

Nó lẳng lặng bước ra ngoài và... đi qua nhà tôi, để ở nhờ một tuần, trước ngày nhập ngũ.

Ba tôi nói với nó: "Chiến tranh không phải trò đùa đâu con! Vả lại, con đã hiểu gì về cuộc chiến này chưa? Cống hiến cho quê hương thì tốt rồi, nhưng tốt hơn, mình phải biết mình cống hiến cho ai, con ơi!"

Nó nhìn ba tôi lạ lẫm, thoáng chút coi thường trong mắt và im lặng. Một tuần sau nó đi. Và nó đã không bao giờ trở lại...

Tôi căm ghét người già vô cùng, tại sao lúc đó mọi việc trong xã hội cứ luôn bị bịt kín? Không ai chịu nói thật với tuổi trẻ chúng tôi, kể cả những người là Việt Cộng nằm vùng như ba tôi và ba nó! Mặc dù ba tôi có nói "mé mé" và hay ngừng giữa chừng câu chuyện. Khi tôi hỏi dồn về cái gì đó, ông hay gạt ngang như những người già khác.

Mãi sau này, khi đã lớn hơn một chút, tôi mới nhận ra.

Người ta không thay đổi khi bạn nói họ nên thay đổi. Con người chỉ thay đổi khi họ nói với bản thân rằng họ phải thay đổi.

Michael Mandelbaum

Điều tiếc nhất, thằng bạn tôi đã không còn có cơ hội nào để nó được nhìn thấy sự thật và tự thay đổi theo những gì nó thấy, cùng chiều dài của lịch sử mà người CSVN nhào nặn ra! Tôi may mắn hơn nó! Âu cũng là số phận chăng?!

Thời chúng tôi, cha mẹ ít trò chuyện hay tâm sự với con cái. Có lẽ do tư tưởng phong kiến và gia trưởng còn nặng nề, cha mẹ thích áp đặt hơn là chia sẻ; thích ra lệnh hơn là khuyên nhủ. Có lẽ vì vậy mà thế hệ chúng tôi khác thế hệ trẻ bây giờ. Thế hệ chúng tôi cũng rất hiếm được tranh luận với người lớn, vì dễ bị cho là bất kính và hỗn hào.

Tôi càng thấm thía.

Im lặng nuôi dưỡng sự áp bức!

Cựu tổng thống Pháp Francois Mitterand

Lúc đó, tôi đơn giản nghĩ, thời chúng tôi còn trẻ không phải là thời đối thoại, chắc một phần cũng do xu thế thời cuộc lúc đó là đối đầu, là chiến tranh lạnh mà ảnh hưởng đến toàn thế giới, mọi quốc gia vì vậy cũng dễ hiểu, trong mỗi gia đình, mỗi con người cũng bị ảnh hưởng theo.

Thế hệ trẻ được gọi là "hạt giống đỏ" 

Một Võ Hồng Anh, Võ Hồng Nam, con của ông Võ Nguyên Giáp, hình như được người đời biết đến vì họ có vẻ hiền lành và là con của người nổi tiếng, hơn là những gì họ làm được.

Một Lê Kiên Thành (con trai ông Lê Duẩn) với tài năng còn là điều đầy ngờ vực, so với gia sản đồ sộ rõ ràng và ngay trong ngày 17 tháng Hai năm 1979 - ngày mà Tàu Cộng xua quân sang Việt Nam giết hại dân lành, tàn phá tan hoang các tỉnh biên giới phía Bắc - vẫn vui vầy tổ chức... lễ thành hôn.

Một Đặng Xuân Kỳ (con trai ông Trường Chinh) cả đời mang tiếng làm chính trị và nghiên cứu cái gọi là "nhà Hồ Chí Minh học", cũng chẳng được người dân biết đến như là một nhà khoa học thực thụ, bất chấp ông ta dành cả đời để cho ra những nghiên cứu chỉ về một đề tài mà chẳng bổ béo gì lắm, chí ít cho sự nghiệp xây dựng đảng ta (!). Tiếp nối ông Kỳ là Đặng Xuân Thanh sinh năm 1965 (cháu nội Trường Chinh), chỉ được biết vỏn vẹn đang đương chức [2] Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, vốn được bế lên vào ngày 9 tháng Mười năm 2018!

Một Nông Quốc Tuấn đầy tai tiếng về học vấn và tư cách, cũng bất chấp cha của ông ta là người đầy quyền lực - Nông Đức Mạnh. Từ một công nhân xuất khẩu lao động, chỉ không đầy 10 năm, Nông Quốc Tuấn ngồi vào chức vụ Phó Bí thư Tỉnh uỷ Phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, một chức vụ nghe qua, người ta đều hiểu khả năng, tri thức và tầm vóc là như thế nào!

Hoặc giả, wikipedia giới thiệu mấy dòng ngắn ngủi, Phạm Sơn Dương (sinh năm 1951) là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng là Phó Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam. Ông là con trai duy nhất của cố Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng. Thân mẫu của ông là bà Phạm Thị Cúc. Năm 2009, được thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng và... chấm hết!

Còn đầy nhóc những "hạt giống đỏ lòm" khác, vào những năm tháng, cả dân miền Bắc và miền Nam lao vào chiến cuộc - song hành với nó - ngay phố thị mang tên "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người", tất cả đều phải sống đúng nghĩa đói khát, đủ chất lầm than và đầy ắp tăm tối - Vâng! Họ - những hạt giống đỏ lòm đó, đã làm gì? Đã làm những gì? Không hề nghe nói đến, không thấy "sử xanh" nhắc tên họ, dù chỉ thoáng qua như viên sỏi nhỏ ném xuống mặt nước cồn sóng trong ngày biển động dữ dội - ngày 17 tháng Hai năm 1979!

*****

Những ngày này, trên mạng đầy ắp sục sôi để tưởng nhớ một thời quá vãng kinh hoàng.

Người CSVN có lý nào để "lòng căm thù giặc sâu sắc" được dịp phát tác cao độ như thế, khi mà trong biên bản của Hội nghị Thành đô năm 1990 viết rằng "cả Việt Nam và Trung Quốc thống nhất không khơi gợi lại hận thù mà bắt đầu thời kỳ mới" như lời ông Đinh Kim Phúc trả lời đài BBC? [4] Có lẽ nào sự sôi sục căm thù đó là thông điệp khôn khéo và lắt léo mà nhà cầm quyền CSVN muốn ngầm chuyển đến nhà cầm quyền CSTQ với lời nhắn nhủ: "Dân Việt Nam không quên tội ác do các đồng chí gây ra"? Nếu quả vậy, nhà cầm quyền CSVN thật tài ba trong vai trò nội trợ khi nung nấu chín nhừ "ý chí căm thù" tựa món ăn không thể thiếu được với lòng dân đang rất đói khát... Tự Do, lại đầy sự hỗn mang của những con tim sỏi đá trước nhục nhằn của dân đen.

Tạm Kết

Muốn hay không, phải thừa nhận người CSVN thành công mỹ mãn trong việc chia rẽ lòng dân suốt hàng chục năm qua. Bằng chứng ư? Không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn ngay trong việc đầu tư đường cao tốc của phía Bắc và phía Nam; hãy nhìn ngay trong cách đại hội đảng thành công vừa mới đây, do đài BBC giựt tựa "Nhân sự miền Nam bị 'sa sút' ở Đại hội 13 là 'câu chuyện buồn'" [4].

Dòng chảy lịch sử Việt Nam đã bị những hòn đá tảng mang tên Dối Trá ngăn chận từ lâu lắm rồi! Lịch sử không còn là lịch sử bởi nó bị án ngữ dày đặc từ mọi mưu mô chính trị. Vì vậy, làm sao có thể trách thanh niên ngày nay không hề biết chút gì về cái gọi là "đánh trả quân xâm lược Trung Quốc" hay "đánh trả quân xâm lược Khơ Me Đỏ"?
 
Không phải thanh niên ngày nay dần dà nhận ra đã có một quốc gia mang tên Việt Nam Cộng Hòa với Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ từng cay đắng mang tên "bè lũ ngụy quân - ngụy quyền"? Một thời mà nhà cầm quyền CSVN cũng kêu gọi "lòng yêu nước thương nòi" của người dân miền Bắc cùng "tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù"?

Với sáo ngữ "cuộc chiến huynh đệ tương tàn" từng tạo nên men say chất ngất, người CSVN khuyến dụ và cưỡng ép thành công vô vàn người dân miền Bắc lao vào chiến cuộc, nhằm đánh đổi "Bao năm giải phóng như thế này, phải không anh?!" [5], nó bỗng trở nên hài hước nhưng thú vị, khi thay "chiến tranh biên giới" năm 1979 bằng cái tên "cuộc chiến đồng chí tương tàn".

Tuy vậy, người CSVN luôn xuất thần, khi sắm vai nạn nhân ngây thơ và đáng thương của mọi vở tuồng chính trị.

Sẽ chẳng có gì thay đổi, cho đến khi dòng chảy lịch sử, trước tiên phải được khai thông và trả về nguyên vẹn như nó đã từng và vẫn đang chảy suốt chiều dài đau thương của người Việt Nam và cả người Trung Quốc. Tuy vậy, đây là hai vai diễn quá sức và hoàn toàn không thể là sở trường đối với bản chất người Cộng Sản Việt Nam và người Cộng Sản Trung Quốc.

Nguyễn Ngọc Già
Blog Nguyễn Ngọc Già

__________________

[1] https://thanhnien.vn/thoi-su/42-nam-cuoc-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-danh-tra-quan-xam-luoc-trung-quoc-1342368.html

[2]  https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%B7ng_Xu%C3%A2n_Thanh

[3] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56093790

[4] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56001684

[5] Chiều Tây Đô - Nhạc sĩ Lam Phương.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn