BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73927)
(Xem: 62313)
(Xem: 39508)
(Xem: 31231)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những giọt nước long lanh!

21 Tháng Ba 20178:04 SA(Xem: 1443)
Những giọt nước long lanh!
51Vote
40Vote
31Vote
21Vote
10Vote
3.33

Giọt nước mắt nào, của ai cũng giống nhau. Trong tim những giọt nước mắt ấy lấp lánh hình hài sự đau khổ. Nhưng cái lý do đau khổ của mỗi người mỗi khác. Người đau khổ vì mất tiền mất của, người đau khổ vì bị bội bạc, thất tình, người vì vĩnh biệt thân nhân... Có hàng trăm lý do để người ta khóc.

Vợ tôi mới từ nhà bác Nguyễn Thanh Giang trở về. Vợ tôi kể: Mấy hôm nay bác Thanh Giang hay khóc lắm. Là đàn ông lại tuổi già mà khóc thì nhìn quá tội nghiệp. Với thân nhân bác không khóc nhiều, vì thân nhân bác gặp hằng ngày, xúc động kìm nén lại được, còn với anh chị em Dân chủ đến thăm, bác không thể kìm nén.
nguyenthanhgiangtrengiuongbenh032017
Một trí thức bừng tỉnh, cất lên tiếng nói trong sáng của lương tâm và uyên bác của lý trí. Hy vọng dọi vài tia sáng vào đầu óc và tim gan của nhà cầm quyền, nhằm khuyến khích những kẻ đang nắm quyền lực trong tay thay đổi thái độ với non sông đang nguy biến, với nhân dân đang lầm than ... Những tiếng nói ôn hòa và lịch thiệp ấy bị trả giá 6 tháng tù. Người trí thức ấy bị liệt vào hàng ngũ "chống lại nhà nước, chống lại nhân dân".

Sau thời kỳ "góp ý” cho đảng không thành, Ts Nguyễn Thanh Giang dấn thân sâu hơn vào mục tiêu dân Chủ Nhân Quyền. Đến nay đã gần 30 chục năm ròng. Thoắt cái, ngẩng mặt nhìn trời thấy trời vẫn xanh mà đầu người đã bạc. Thoắt cái thấy mình đã thành cổ lai hy mà lý tưởng chưa thành...

Cuối năm 2007, khi biết mình không qua khỏi bạo bệnh vì tuổi tác giáo sư Hoàng Minh Chính tâm sự: Cụ không buồn vì bị đồng đội cũ đưa vào tù, không vì bị đồng đội cũ cách ly; cụ buồn vì chưa thấy dân chủ nhân quyền đến với nhân dân và các đồng đội mới.

Cái đau của những trí thức không tầm thường là cái đau chung của nhân dân.

Sinh thời cụ Hoàng Minh Chính, tôi đến thăm cụ 3 lần, kể cả lúc cụ đã bất động trên giường bệnh nhưng chưa bao giờ thấy cụ khóc. Cụ chưa đạt đến điểm đau đến mức phải khóc chăng? Không phải! Cụ Hoàng Minh Chính là người mạnh mẽ...

Khi mới ra tù, một lần tôi trốn quản chế đến thăm bác Vũ Cao Quận. Cầm tay bác đã cảm thấy cái lạnh của tử khí. Hình nhân của bác quắt queo, cuộc đời bác đã nhẹ như chiếc lá, mà những giọt nước mắt thì nặng chịch.

Lần này vợ tôi kể bác Nguyễn Thanh Giang đã khóc...

Có những con người như thế! Trịnh Công Sơn hát: "Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt...". Ai cũng đã từng nghĩ vậy; đa số làm vậy. Nhưng có người vẫn cứ đi. Họ rời bỏ địa vị xã hội, sự tôn vinh đang có của đám đông; thậm chí cả ngôi nhà yên ấm và vợ con đang đề huề...Tạo hóa bắt họ góp mặt trong cuộc nhân sinh trước chúng ta. Họ "đi loanh quanh" trước người khác để tìm chân lý. Cái lý do‘Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên”của họ vì thế mà khác người!

Những con người già cả nhất, lão làng nhất trong hàng ngũ đấu tranh thường dễ xúc động hơn những người trẻ. Gần hết cuộc đời họ theo đảng, nghe đảng; khi bừng tỉnh khởi phát cuộc đấu tranh chống cái ác thì họ đã già, không còn nhiều sức lực và thời gian nữa. Những cái đau của họ giống nhau, những giọt nước mắt ấy long lanh như nhau.

Bao giờ! Bao giờ chúng ta sẽ đến được cái điểm cần phải đến? 15, 20 năm hay lâu hơn? Sẽ còn ai nữa phải khóc? Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, cựu chiến binh Vũ Cao Quận cùng bao nhiêu người đang cố kìm hãm thời gian để thấy? Có những ai sẽ không phải khóc trong lớp tuổi 70-80 bây giờ khi lâm chung? Dân chủ-nhân quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự thịnh vượng của tổ quốc, nhân dân là cái gì, giá trị đến bao nhiêu mà những giọt nước mắt kia long lanh đến thế???

Nguyễn Xuân Nghĩa
-----------------

Địa chỉ tư gia Ts Nguyễn Thanh Giang:
Số 5-ngõ 341-đường Trung Văn-phường Trung Văn-quận Nam Từ Liêm-Hà Nội.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn