BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76264)
(Xem: 62980)
(Xem: 40385)
(Xem: 31984)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người Chiến Sĩ Biên Phòng Ấy

18 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 2390)
Người Chiến Sĩ Biên Phòng Ấy
50Vote
41Vote
31Vote
20Vote
10Vote
3.52

Kính mến gởi: Chị Nhi, cháu Thanh Vân, Thanh Thủy, Trúc Tố.
Gởi tứ nhân bang đã tan hàng: Hữu Son, Công An, Tư Mỹ, Tuất.


Nói đến hai chữ Biên Phòng là nói đến dựa lưng vào đường mòn Hồ Chí Minh, dựa lưng nỗi chết.

Khóa Nguyễn Trãi 2, quân số đông, mãn khóa với 387 Tân Thiếu úy nên được Bộ Tổng Tham Mưu phân phối điều động về khắp các Quân Binh Chủng, khắp 4 Quân Khu như Nhẩy Dù, Biệt Động Quân Biên Phòng, Thiết Giáp, Pháo Binh, Các Sư Đoàn Bộ Binh, các Tiểu Đoàn CTCT, các Tiểu Khu…

Biệt Đông Quân, nghe tên đã thấy như xông pha vào trận mạc, nói chi đến Biệt Động Quân Biên Phòng là nói đến cận chiến, là nói đến thế đánh lưỡi lê, là nói đến nỗi chết không rời.

Trước đó vài năm, vì nhu cầu chiến thuật, Quân Đội Mỹ đã ra thông báo tuyển mộ một số thanh niên dân sự thừa can đảm, có cảm xúc mạnh với tiền lương cao, tiền tử tuất khá dồi dào đề ra đóng đồn đóng chốt tại hơn 40 trại Biên Phòng do Mỹ thiết lập sát biên giới Lào, Kampuchia. Họ gia nhập vào Lực Lương Đặc Biệt này nhưng không có số quân. Họ được huấn luyện kỹ lưỡng, trang bị truyền tin và vũ khí tối tân để nhẩy toán, xâm nhập vào lòng địch thu lượm tin tức. Rồi một số lớn Kinh Kha ấy đã như câu hát quân hành “Người đi không về, chắc rằng có người nhớ…”.

Sau cũng vì nhu cầu mới, tình hình mới, lực lượng dân sự này được cải tuyển thành quân nhân của binh chủng BĐQ. Đầu năm 1971, họ đón nhận thêm 30 Tân Sĩ Quan từ Đại Học CTCT mới tò te ra trường với khí phách ngang trời.

Không lâu sau với khí phách ấy Hoàng Đình Tri của TĐ69 BĐQ/BP hành quân trong vùng Quế Sơn đã hy sinh vì xe trúng mìn của Việt Cộng. Rồi Hoàng Quốc Bảo của người đẹp Chi Lan đã vĩnh viễn nằm xuống ở Chu Pao để mối tình Quốc Bảo-Chi Lan vĩnh viễn đi vào huyền thoại. Tại Kà Tum, người thủ khoa của khóa Rừng Núi Sình Lầy Đặng Tín Trung, nhào ra cõng thuộc cấp bị thương nhảy xuống giao thông hào thì bị lãnh một trái B40, khiến thân xác anh không còn nguyên vẹn. Và chàng trai đẹp như học sinh trung học Nguyễn Thanh Long đã ngã xuống vì pháo địch tại Ngọa Long Sơn, Núi Dài, Châu Đốc.

Và cũng vì khí phách ngang trời ấy, con heo rừng Trần Văn Phước về TĐ77BĐQ/BP, quận Tiên Phước, tỉnh Quảng Tín, sau 15 ngày trình diện đơn vị đã nắm chức ĐĐ Trưởng Đại Đội Biệt Kích, dẫn lính đi hành quân miệt mài trong vùng rừng núi sâu thẳm của Quân Khu I cho đến ngày rã ngũ. Chiến thương bội tinh của chàng còn nhiều hơn các huy chương khác.

Mũ nâu cũng làm rạng danh KBC 4648 qua thành tích chiến đấu gan lì của Lê Phước Hải, Nguyễn Giá, Nguyễn Hoàng Bào, Vũ Mạnh Lương, Lê Phước Ánh, Lê Văn Chuẩn, Nguyễn Quang Hào, Nguyễn Văn Chúc, Phan Bình Định, Bùi Ngọc Thạnh, Lê Phước Ánh, Nguyễn Gia Hoàng, Phan Gia Khương, Thảo Nguyên Nguyễn Bá Thuận…

Đặc biệt người chiến sĩ BĐQ tôi muốn đề cập trong bài viết này là Huỳnh Long. Huỳnh Long của Trung đội 4, Đại đội B, TĐ1/SVSQ năm đầu tiên. Huỳnh Long của trại Hà Thanh, Sơn Hà, Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Huỳnh Long của đội túc cầu trường Mẹ và của cả đội tuyển Tuyên Đức, Đà Lạt. Huỳnh Long, người hậu vệ bốn mắt, đen đủi nhỏ người nhưng rắn chắc, nhanh nhẹn và tài tình mỗi khi truy cản hay phá banh trong chân các tiền đạo đối thủ.

Mũ nâu Nguyễn Giá có lần hỏi tôi: “Hồi ở trường mẹ, tao thấy mày và Huỳnh Long có thân nhau đâu mà qua đây sao mày lại sốt sắng từ San Jose bay qua Boston hai lần làm MC đám cưới cho hai cô con gái rượu của Bố Mẹ Long Nhi là cháu Thanh Vân và Thanh Thủy trong liên tiếp hai năm 2002 và 2003?”.

Tôi quên chưa kể cho người-miền-núi Paul Giá hồi đám cưới của Long và Nhi vào ngày 17 tháng 3 năm 1973 tại nhà hàng Ông Cả Cần Bà Năm Sa Đéc, tôi từ Kiến Phong, Cao lãnh đến hẹn lại lên Sài gòn tham dự. Tiệc cưới còn có mũ nâu Phan Gia Khương giúp bạn trang trí bên nhà chú rể, có cả Nhẩy Dù Dương Quang Phúc làm rể phụ. Lần đó tôi “Quê một cục” vì đã bật khóc giữa tiệc cưới khi nhắc nhớ đến cái chết hào hùng của Âu Tài Danh tại Kiến Phong trước đó chỉ mới vài tháng.

Tội nghiệp cô giáo Nhi, quá thiệt thòi, quá tội cho Nhi; có lẽ kiếp trước mắc nợ, món nợ ân tình của Long, nên kiếp này phải trả. Trả hết, trả hết về người. Long Nhi ở gần nhau thì ít mà xa rời nhau thì nghìn trùng.

Quen nhau giữa năm 1968, có tình cảm với nhau mà chưa kịp ngỏ, chưa kịp “đá lông nheo” thì chia tay. Long bay ra Đà Lạt 2 năm. Ra trường về đơn vị, ra chốn sa trường, ngồi dưới hầm sâu, nhớ lại người xưa. Phải bay về Sài gòn nối lại vòng tay bé nhỏ. Đánh nhanh rút lẹ, quyết tiến tới hôn nhân. Cưới vừa xong là anh đi…

Gần nhau trăng mật vỏn vẹn 3 ngày rồi biền biệt bỏ lại người vợ trẻ ở Sài gòn với tác phẩm đầu tay mang tên Huỳnh Thanh Vân ra đời cuối năm 1973.

Thân phận người vợ lính trong tử sinh thời chiến là mòn mỏi, là đoạn trường, nhất lại là nàng dâu Nguyễn Trãi! Xa nhau thăm thẳm mà gần nhau có chút xíu đã “dính chấu”. Cháu gái thứ hai, Huỳnh Thanh Thủy ra đời chỉ 3 tháng trước ngày 30 tháng tư đen 1975. Và sau đó bước chân vào tù, người cha bất hạnh không hình dung rõ được khuôn mặt của đứa bé mới chào đời chưa được bao lâu.

Sáu năm sau, hè 1981, người cựu chiến sĩ BĐQ/BP, bước chân ra khỏi chốn lao tù cộng sản phải đối diện tiếp tục chiến đấu với cuộc sống cơ hàn nghèo khổ trong một túp lều nhỏ hẹp, Long phải chấp nhận đổ mồ hôi gò mình đạp xích lô kiếm tiền nuôi vợ con. Tuy có vất vả, bữa đói bữa no, nhưng hạnh phúc gia đình trong giai đoạn ngắn ngủi này đã mang lại cho vợ chồng Long Nhi một cháu gái thứ ba: Trúc Tố ra đời năm 1983.

Mười năm trời sa cơ thất thế, mưu sinh bắng nghề xích lô đạp nhưng Long vẫn thích tìm đọc sách báo như một món ăn không thể thiếu của những người trí thức. Rồi tuy nghèo túng nhưng mỗi lần gặp được một người bạn cùng khóa, Long mừng rỡ ôm chầm, rơi nước mắt và nhất định chào kéo bạn về nhà dù chỉ để đãi bạn với dưa mắm tương cà!

Nhưng rồi thời vận cũng đổi thay. Gia đình Long Nhi và 3 cháu đã được ra đi vào ngày 10 tháng 6 năm 1992 theo diện HO12. Qua Mỹ, Long coi Đại Gia Đình Nguyễn Trãi là mái nhà to rộng của mình. Bất cứ ở dâu mời gọi là Long đến ngay dù sau này thân mang trọng bệnh và cuộc sống gia đình còn đang chật vật.

Ở Boston, Long, An, Son, Tuất, Mỹ kết hợp thành Ngũ Nhân Bang, chuyên tài “phịa” miệng lưỡi, giao banh đá qua đá lại khiến người nghe tưởng thiệt. Chẳng hạn anh em ở Cali nghe tin anh Đào Ngọc Tố trở thành Mục Sư Tin Lành tưởng thiệt nên gọi phone chúc mừng rối rít!
Năm 1998, Long bị phát biện ung thư cuống họng. Người cựu chiến sĩ BĐQ một lần nữa lại phải đối đầu một trận chiến mới: Chiến đấu với bệnh tật, một cuộc chiến biên phòng giữa tử và sinh, căn bệnh ung thư cực kỳ nguy hiểm. Nền y khoa tiến bộ gần như bậc nhất thế giới hiện giờ của nước Mỹ đã làm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị cho Long tổng cộng 15 lần trên 15 chỗ trên cơ thể khiến Long không còn ăn uống được gì qua đường miệng. Long sống bằng cách đặt ống G.T tube ở bụng, bơm thẳng sữa Ensure vào bao tử.

Cuộc chiến đấu dai dẳng hơn 4 năm BĐQ, 6 năm tù, 10 năm đạp xích lô, dũng cảm như một hậu vệ bảo vệ khung thành khi xưa, bây giờ Long vẫn can trường tiếp tục chiến đấu chống lại căn bệnh hiểm nghèo để kéo dài mạng sống của chính mình.

Trong 15 năm, Long vẫn tiếp tục đi cày, ra vào bệnh viện như cơm bữa. 15 năm này, chị Nhi cũng lại song hành với Long, chịu đựng âm thầm cạnh anh trong cuộc chiến mới. Cả hai anh chị Long Nhi đã kiên cường, biến đau thương thành sức mạnh, tìm sống trong trong lạc quan, tin yêu.

Nhớ quay quắt, nhớ lắm bạn bè ơi! Long Nhi đã mang theo thuốc thang, sữa Ensure đi du ngoạn khắp nơi, đến với Đại Gia Đình Nguyễn Trãi, đến với bạn học trường Pascal Đà Nẵng thời cắp sách.

Long Nhi đã đi Canada, Pháp, Bỉ, Đức, Hòa Lan, Thụy Sĩ; trở về Houston, Dallas. Có lần Long, Son bay qua Nam Cali thăm Phan Gia Khương bệnh phổi nặng, tôi từ San Jose xuống. Tối đó cháu Gia Thái nhường phòng cho chúng tôi ngủ chung. Cổ họng như thế nhưng Long cứ ham nói, thích nói. Long nói ọ ẹ tôi không hiểu phải nhờ Son thông dịch! Không biết ông thần thông dịch viên này có phịa thêm hay không nhưng cứ thao thao bất tuyệt y như thật.

Long và tôi thân nhau từ sau ngày ra trường. Biết tôi về Kiến Phong nên Long giới thiệu tôi với anh Ba Huỳnh Tấn đang làm Trưởng Ty Tiểu Học; sau làm Chánh Sở Học Chánh Kiến Phong.

Anh Huỳnh Tấn được cấp cho một tòa nhà rộng, phía trước là Ty, phía sau là nhà ở. Tôi được anh Ba cho ở trong một gian phòng không lấy tiền trong nhiều năm. Lâu lâu các bạn Âu Tài Danh, Nguyễn Văn Tòng, Nguyễn Công An, Phạm Văn Đức, Đức Trống, Dương Thế Ấn, Hoàng Văn Toán ở các tiểu đoàn ĐPQ, quận lỵ xa về tỉnh, chúng tôi tụ họp nhau, chè chén tại tòa nhà này của anh Tấn. Anh coi chúng tôi như Huỳnh Long, em trai của mình.

Long sinh ra ở Huế nhưng sống và trưởng thành ở Đà Nẵng, học hết chương trình Pháp tại trường Pascal. Sau học Luật tại Sàigòn đến năm thứ ba. Gia đình Long có 10 anh chị em, 5 trai, 5 gái. Anh Hai là Trung tá Huỳnh Thông, anh Ba là anh Tấn nói trên, anh Tư là Huỳnh Du tử trận tại Khe Sanh năm 1968. Long thứ năm. Em trai út là Huỳnh Nam cũng đã mất năm 2012.

Đà Nẵng đối với Long là máu, là thịt. Những địa danh của Đà Nẵng trong thơ Lê Tấn Dương “Đà Nẵng Nỗi Nhớ Ngậm Ngùi” như Bến đò An Hải, Non Nước, Thanh Bồ, Đức Lợi, Tiên Sa, Sông Hàn… Long đã từng bước chân qua. Những nơi chốn ấy vẫn không mờ phai trong ký ức Long cho đến ngày Long vĩnh biệt cõi tạm ngày 27 tháng 2 năm 2013, lúc tuyết còn bay bay phủ dầy Boston.

Thương những chiểu mưa trên sông Hàn
Bến xưa còn đợi chuyến đò ngang
Khách đi, đi mãi phương trời thẳm
Sao chưa về, để nước thở than!?

Ngã Năm ngày ấy, có còn không?
Nhớ làm sao những gánh cháo lòng
Quên làm sao được hương chè thạch
Ấm lòng ai những buổi chiều đông

Nhớ bến Tiên Sa một thuở nào
Soi nghiêng bóng núi, gió lao xao
Lung linh trong sóng vàng biển nhớ
Ai về thắp lại những vì sao.


Vâng, Huỳnh Long đã trở về Đà Nẵng, đã đạp xích lô bay qua những bến bờ kỷ niệm, đã thắp thêm một vì sao mới trên vòm trời Tiên Sa. Mỗi lần nhớ đến ân tình của anh Ba Huỳnh Tấn, của bạn chân tình Huỳnh Long, tôi chỉ biết âm thầm gọi: NGƯỜI CHIẾN SĨ BIÊN PHÒNG ẤY.

San Jose, 45 năm xuống núi.
ĐÀO TRUNG CHÍNH

Nguồn Người Việt Boston
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn